Tiếng voi nhà khẩn thiết

Dân trí:
Thứ Ba, 01/11/2011 - 13:08

Tây Nguyên - những thớt voi cuối cùng: Tiếng voi nhà khẩn thiết

Cách đây vài ngày, tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam, chú voi tên Hờ Nun do đoàn xiếc Hoàng Nam thuê của bản Đôn (Đắc Lắc) đã ngã gục trên đường lưu diễn. Trước đó vài tháng, vụ án voi Beckham bị giết chết để lấy ngà và lông đuôi… đã khiến dư luận phẫn nộ...
>> Voi 70 tuổi của một đoàn xiếc bị chết

Voi Tây Nguyên đã chết dần mòn bằng rất nhiều kiểu cách và điều đáng đau xót thay, cho dù những con voi nhà cuối cùng này có được bảo vệ khỏi nạn săn bắn, làm việc quá sức… thì vẫn sẽ tuyệt chủng. Bởi trong suốt 20 năm qua, xứ sở voi nhà không còn chứng kiến sự ra đời của một chú voi con nào nữa.

Thú chơi... tận diệt


Ngà voi quý như thế nào là chuyện không phải bàn. Chỉ những người giàu có, và phải có duyên may mới được sở hữu một cặp ngà voi lớn. Còn loại ngà nhỏ, ngà gãy vụn được cắt ra làm đồ trang sức như trâm, lược, vòng đeo cổ, vòng đeo tay... với giá vài triệu đồng một chiếc. Ngoài sự quý phái, người ta tin rằng vòng ngà voi có tác dụng tránh gió, phòng nhiễm độc rất hiệu nghiệm. Do vậy trước đây chỉ có voi đực sống lâu năm, có ngà mới nằm trong tầm ngắm của thợ săn. Còn bây giờ cả voi non, voi cái cũng không thoát khỏi nguy cơ tận diệt bởi những thú chơi mới.

Đi du lịch đến bản Đôn hoặc Lắc (Đắc Lắc), ngoài dịch vụ cưỡi voi, ai cũng cố mua được ít nhất một chiếc lông đuôi voi. Thứ lông màu đen, dài khoảng 10 - 15cm, cứng như sợi cước có giá 400 - 500 nghìn đồng/chiếc thường được luồn trong nhẫn vàng hoặc để trong ví da. Họ tin rằng, mang chiếc lông đó trên người sẽ gặp may mắn. Ban đầu chỉ là những vụ nhổ trộm lông đuôi voi, sau đó là chặt đuôi voi, thậm chí giết voi chỉ vì mấy sợi lông này.

Tháng 3/2011, TAND huyện Lắc đã tuyên phạt Phạm Văn Huy (trú huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) và Lê Viết Dũng (trú Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) mỗi bị cáo 3 năm tù, Đàm Văn Nội (trú huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc) 2 năm tù, Y Bra H’Wing (Buôn Đôn, Đắc Lắc) 15 tháng tù vì nhẫn tâm chặt đứt đuôi một con voi cái, vặt trộm 200 chiếc lông đuôi của một con voi khác. Trong đó, Y Bra H’Wing từng là quản tượng, con trai một gia đình người Ê Đê giàu truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Không lâu sau phiên tòa này, voi Beckham đã bị kẻ gian chặt đứt 2 chân sau và chết thảm tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), voi Pắc Cú tử vong tại Khu du lịch Thanh Hà (Buôn Đôn, Đắc Lắc) với 217 nhát chém. Không chỉ chuộng đồ trang sức làm từ ngà voi, lông đuôi voi mà cả thịt voi, đế chân voi cũng là những thứ người ta đang thèm muốn. Chúng tôi đến quán T.R trên đường Nguyễn Tri Phương, TP.Buôn Ma Thuột theo lời giới thiệu của giới sành ăn thú rừng. Bà chủ quán cười cười: “Có đế chân voi, nhưng không phải lúc nào cũng có”. Người ta bảo đế chân voi 6 triệu đồng một bộ, ăn giòn giòn...

Khi voi nhà... vô sinh

Trong ký ức của ông già Y Két H’Ra - buôn Đăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - vẫn còn nguyên vẹn những cuộc rượt đuổi voi rừng với hàng trăm trai tráng, hàng chục con voi nhà tham gia, ròng rã nhiều ngày đêm. Voi rừng do Ma Năng - tên thường gọi của ông Y Két - bắt được phải qua thuần dưỡng, sau đó mới trở thành thành viên chính thức của cộng đồng. Ma Năng kể: “Ngày xưa voi phải kéo gỗ, thồ hàng, nhưng phần lớn thời gian voi được nghỉ ngơi, tự do trong rừng. Voi được con người tôn trọng, tri ân qua nhiều nghi lễ như lễ nhập buôn, cúng sức khỏe voi, kể công voi...”. Ma Năng là một trong 31 nghệ nhân voi hiện còn sống ở buôn Đôn, ông từng bắt và thuần dưỡng 30 voi rừng, được phong gru - dũng sĩ săn voi. Nhưng chuyện của Ma Năng chỉ có trong quá khứ, còn hiện tại voi là tài sản vật chất, là phương tiện kiếm tiền của chủ voi. Ông Nguyễn Đức - Trưởng bộ phận kinh doanh du lịch, Cty TNHH MTV XNK cà phê 2.9 Đắc Lắc - cho biết: “Mỗi con voi trị giá khoảng 400 - 500 triệu đồng, mục đích mua voi là để kinh doanh...”.

Lông voi dài khoảng 10 - 15cm có giá 400 - 500 nghìn đồng/chiếc.

Chính mục đích kinh doanh đã dẫn đến một hệ lụy đau lòng, chưa từng có trong lịch sử mấy trăm năm săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở TN. Đó là đàn voi nhà không còn sinh sản trong vòng 20 năm qua. Ông Y Lư Buôn Nhang - xã Krông Na, buôn Đôn - cho biết: “Nếu cho voi đực giao phối, nó sẽ thường xuyên nghĩ đến chuyện ấy nên không đi chở khách. Voi đực lại rất “bạo lực”, có thể làm sẩy thai hoặc làm chết voi cái mà theo luật tục thì chủ voi đực phải bồi thường. Còn nếu giao phối có kết quả, voi con lại thuộc về chủ voi cái, chủ voi đực không được gì”.

Nhưng theo PGS-TS Bảo Huy - Phó trưởng khoa Nông-Lâm, ĐH Tây Nguyên - thì việc nuôi voi riêng lẻ, phục vụ du lịch đã hạn chế khả năng sinh sản của voi. Con voi cũng có tình cảm như người, nó đòi hỏi phải có môi trường thích hợp để gặp gỡ, việc giao phối phải diễn ra kín đáo. “Số voi bị giết hại so với tổng đàn chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, vô sinh mới là mất mát lớn nhất, là lý do chính để dự báo đàn voi nhà sẽ tuyệt chủng trong khoảng 15 năm tới” - PGS-TS Bảo Huy nhấn mạnh.

Theo Đặng Trung Kiên

Lao động

Hà Nội: đề xuất giữ nguyên giờ làm của cán bộ, công chức

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 01/11/2011, 18:14 (GMT+7)

Hà Nội: đề xuất giữ nguyên giờ làm của cán bộ, công chức

* Sẽ lắng nghe ý kiến nhân dân và các cơ quan trước khi đề xuất Chính phủ

TTO - Chiều 1-11, thường trực Thành ủy Hà Nội đã ra thông báo kết luận về việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, thường trực thành ủy cho rằng việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại là việc làm cần thiết, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô, nhất là vào giờ cao điểm ở khu vực trung tâm thành phố.

Ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm tại Hà Nội

Về đối tượng điều chỉnh, thường trực Thành ủy nhất trí với đề xuất của UBND TP Hà Nội chia đối tượng cần thay đổi giờ làm thành ba nhóm với việc điều chỉnh thời gian làm việc, học tập giữa các nhóm cách nhau một giờ.

Cụ thể, nhóm thứ nhất gồm đối tượng là sinh viên, học viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và học sinh các trường trung học phổ thông (cấp 3) sẽ học ca học buổi sáng từ 7g; đối với ca học buổi chiều, thời gian tan trường sẽ vào 18g. Trong khi cũng liên quan đến những nhóm đối tượng kể trên, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng điều chỉnh giờ học của sinh viên theo địa bàn từng quận, mốc giờ điều chỉnh giữa các quận lệch nhau một giờ.

Với nhóm đối tượng làm việc và mở cửa thuộc các trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thời gian mở cửa từ 9g, thời gian đóng cửa 22g, như vậy giờ mở cửa và làm việc của các trung tâm thương mại do Hà Nội đề xuất cũng khác so với phương án của Bộ GTVT đã trình Thủ tướng là mở cửa vào 9g30 và đóng cửa vào 23g.

Riêng đối với nhóm công chức, viên chức, học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, thời gian làm việc và học tập, thành phố Hà Nội đề xuất giữ nguyên khung giờ hiện tại từ 8g-17g (Bộ GTVT đề xuất giờ làm của công chức cơ quan trung ương từ 9-12g (buổi sáng), 13-18g (buổi chiều); công chức Hà Nội từ 8g30-12g (buổi sáng), 13g-17g30 (buổi chiều).

Về phạm vi điều chỉnh, thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông chủ yếu diễn ra ở khu vực các quận và một hai huyện tiếp giáp các quận của thành phố, do vậy thành phố đề xuất điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại chỉ thực hiện trong 10 quận nội thành và hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì, còn phương án Bộ GTVT trình ở phạm vi toàn thành phố bao gồm tất cả 29 quận, huyện.

Để tổ chức thực hiện, thường trực thành ủy giao UBND thành phố khẩn trương hoàn chỉnh phương án, mời các bộ, ngành, các cơ quan liên quan để lấy ý kiến về đề xuất điều chỉnh giờ làm, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại như UBND thành phố đã đề xuất và được thường trực thành ủy nhất trí.

Đồng thời giao UBND thành phố thông tin rộng rãi để nhân dân biết và đóng góp ý kiến. Theo Thường trực Thành ủy Hà Nội, nếu việc lấy ý kiến các bộ, ngành và nhân dân hoàn thành sớm, thành phố Hà Nội sẽ đề nghị Chính phủ cho thực hiện từ ngày 1-12-2011 và tiếp tục hoàn thiện thêm từ 1-1-2012.

Cũng theo thông báo này, thường trực thành ủy yêu cầu việc điều chỉnh giờ làm cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người thấy được sự cần thiết của việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại, tạo được sự đồng thuận và tự giác chấp hành, hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn nảy sinh đối với các đối tượng liên quan đến việc điều chỉnh giờ làm việc.

Cùng với giải pháp điều chỉnh khung giờ làm, giờ học tập, thường trực thành ủy yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp ùn tắc giao thông. Tiếp tục đề xuất với trung ương về các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là ô tô, vấn đề nhập cư, tăng mức xử phạt vi phạm và mức phí giao thông.

Phương án điều chỉnh giờ làm, giờ học của thành phố Hà Nội

Nhóm đối tượng

Giờ điều chỉnh

Sinh viên, học viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp - dạy nghề, học sinh trung học phổ thông

7g – 18g

Trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm

9g – 22g

Công chức, viên chức, học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở

8g – 17g

Phương án điều chỉnh giờ làm, giờ học của Bộ GTVT

Phương án 1

sáng

chiỀu

Công chức cơ quan trung ương

9g-12g

13g-18g

Công chức Hà Nội

8g30-12g

13g-17g30

Học sinh mầm non, tiểu học, THCS

8g-17g30 (theo giờ bán trú)

Học sinh THPT

7g-11g

12g30-16g30

Sinh viên đại học khu vực Q.Cầu Giấy

6g-11g

12g-17g

Sinh viên đại học khu vực Q.Ðống Ða

7g-12g

13g-18g

Sinh viên đại học khu vực Q.Thanh Xuân

6g-11g

12g-17g

Sinh viên đại học khu vực Q.Hai Bà Trưng

7g-12g

13g-18g

Trung tâm kinh doanh, thương mại

9g30-23g

Phương án 2

Sáng

ChiỀu

Cán bộ, công chức, học sinh và trung tâm kinh doanh thương mại vẫn giữ nguyên như phương án 1. Riêng nhóm sinh viên sẽ có giờ học thay đổi so với phương án 1.

Sinh viên đại học

khu vực Q.Cầu Giấy

7g-12g

13g-18g

Sinh viên đại học

khu vực Q.Ðống Ða

8g-13g

14g-19g

Sinh viên đại học

khu vực Q.Thanh Xuân

7g-12g

13g-18g

Sinh viên đại học

khu vực Q.Hai Bà Trưng

8g-13g

14g-19g

XUÂN LONG

Dân ngoại ô Bangkok gây sức ép đòi xả lũ

VnExpress:
Thứ ba, 1/11/2011, 15:07 GMT+7

Những người biểu tình giận dữ đòi chính quyền mở rộng cửa xả lũ ở quận Khlong Sam Wa để tránh ngập cho khu vực của họ, nhưng lại khiến vùng công nghiệp ở phía đông Bangkok đối mặt nguy cơ lụt lội.

> Dân ngoại ô phẫn nộ vì phải 'hy sinh' cho Bangkok
Người dân quận Khlong Sam Wa
Người dân quận Khlong Sam Wa tranh cãi với cảnh sát quân sự Thái Lan về yêu cầu mở rộng hơn nữa cửa xả lũ tại địa phương này. Ảnh: AFP

Khoảng 1.000 người dân ở quận Khlong Sam Wa đã kéo tới cửa xả lũ vào 30/10 để yêu cầu nhà chức trách mở rộng cửa xả lũ này hơn nữa, vì cho rằng việc mở quá hẹp đã khiến khu dân cư của họ bị ngập lụt nghiêm trọng. Nhóm người này sau đó còn dỡ các bao cát tại đê chắn lũ. Một số người thậm chí còn dùng búa để phá cửa xả lũ. Họ chỉ giải tán sau khi giới chức địa phương đồng ý nâng cửa xả lũ lên mức 80 cm, Bangkok Post đưa tin.

Căng thẳng hôm qua gia tăng khi người dân quay lại cửa xả lũ, rồi chặn một con đường gần nút giao thông Hathainimit - Wat Sukjai để yêu cầu mở cửa xả lũ tới mức 1,45 hoặc 1,5 m. Vài người biểu tình còn lập nên một hàng rào sống và cố gắng vượt qua sự ngăn cản của cảnh sát chống bạo động trước khi ông Wicharn Meechainant, nghị sĩ đảng Pheu Thai của quận Min Buri, xuất hiện để hóa giải mâu thuẫn.

Tuy nhiên, ông Wicharn thất bại trong việc thuyết phục những người biểu tình chấp nhận quan điểm của chính quyền về việc giữ nguyên cửa xả lũ. Điều này khiến chính phủ Thái Lan buộc phải lên tiếng. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm qua cho hay bà quyết định ra lệnh cho chính quyền Bangkok mở rộng cửa xả lũ ở quận Khlong Sam Wa tới một mét sau phản ứng của những người biểu tình.

Việc mở rộng cửa xả lũ đã làm dịu căng thẳng nhưng lại đặt khu công nghiệp Bang Chan, nơi được đổ hơn 200 tỷ baht (6,5 tỷ USD) tiền đầu tư và vẫn đang là một trong số ít khu công nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, phải đối mặt với nguy cơ lụt lội.

Phó Thống đốc Bangkok Thirachon Manomaipibul cho hay chính quyền thủ đô đã có kiến nghị với chính phủ, rằng việc mở rộng cửa xả lũ ở Khlong Sam Wa không chỉ gây ảnh hưởng cho khu công nghiệp Bang Chan mà còn tác động tới các cộng đồng dân cư dọc kênh Saen Saeb ở Saphan Sung, Bang Kapi và Bungkum.

Thống đốc Bangkok Sukhumbhand Paribatra chia sẻ quan điểm của ông Thirachon. "Nếu không có một mệnh lệnh bằng văn bản, tôi đã không chấp nhận mở cửa xả lũ rộng hơn bất chấp sức ép lớn tới đâu", ông Sukhumbhand nói.

Bản đồ lụt ở Bangkok. Đồ họa: Bangkok Post
Bản đồ lụt ở Bangkok, màu đỏ thể hiện khu vực phải đi sơ tán vì bị ngập nặng, màu da cam là khu vực được theo dõi đặc biệt, màu vàng là nơi đang được giám sát. Khu vực màu xanh là trung tâm thành phố vẫn còn khô ráo. Đường màu xanh là dòng sông Chao Phraya. Đồ họa: Bangkok Post

Anond Snidwongs, một thành viên của ủy ban thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành Thoát lũ (FROC), cho hay cơ quan này lo ngại các nhà máy và những vùng thấp ở Bang Kapi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính quyền Bangkok hiện cố gắng duy trì mực nước ở kênh Saen Saeb gần khu công nghiệp Bang Chan ở mức không cao hơn một mét so với mực nước biển, và không quá 0,25 m tại khu vực Bang Kapi. FROC sẽ phải cố gắng kiểm soát mực nước ở các khu vực này bằng cách điều chỉnh dòng nước ở các Kênh 8 và Kênh 9, để dòng nước từ Khlong Sam Wa khong ảnh hưởng tới cư dân của các vùng khác.

Đảng Dân chủ ở Thái Lan hôm qua kêu gọi chính phủ đưa ra một điều luật đặc biệt để xử lý những người dân địa phương tìm cách ngăn cản những nỗ lực thoát nước của chính phủ, để đổi lại việc bảo vệ cộng đồng dân cư của họ. Phát ngôn viên đảng Dân chủ Chavanond Intarakomalyasut cho hay đảng này muốn chính phủ có những biện pháp rõ ràng.

Trong một diễn biến khác, FROC đã giải tán một ủy ban giám sát công tác thoát lũ do Uthen Chartpinyo, một nghị sĩ đảng Pheu Thai, lãnh đạo. FROC cho rằng công việc của ủy ban này chồng lấn với công việc của ủy ban quản lý nước trong các vùng thảm họa do Veera Wongsaengnak, cựu phó giám đốc cục thủy lợi, lãnh đạo.

Trận lụt lịch sử ở Thái Lan đang ở tháng thứ ba, với thiệt hại to lớn về người và của. Ít nhất 381 người thiệt mạng trong khi ước tính khoản tiền để khắc phục hậu quả sau lũ lụt có thể lên tới 3,3 tỷ USD. Thủ tướng Yingluck hôm 30/10 cho hay nước lũ sẽ rút dần từ hôm nay và tình hình sẽ được cải thiện cả ở Bangkok lẫn các vùng khác của Thái Lan.

Nhật Nam

Bao nhiêu người đã chết trong cuộc chiến Libya?

VnExpress:
Thứ ba, 1/11/2011, 17:50 GMT+7

NATO hôm qua chính thức kết thúc chiến dịch không kích Libya, nhưng sẽ còn rất lâu nữa người ta mới có thể biết được bao nhiêu thường dân đã chết trong hoạt động quân sự này.
Khói bốc cao tại thủ đô Tripoli sau một đợt không kích của liên quân NATO. Ảnh: AFP
Khói bốc cao tại thủ đô Tripoli sau một đợt không kích của liên quân NATO. Ảnh: AFP

Sau khi các máy bay chiến đấu của NATO không còn quần thảo trên bầu trời Libya, câu hỏi lớn nhất được đặt ra đó là đã có bao nhiêu sinh mạng người dân Libya bị cướp đi trong suốt hơn 7 tháng qua. Theo BBC, đây có thể là một câu hỏi sẽ chẳng bao giờ có được câu trả lời thỏa đáng.

Có rất ít thống kê đáng tin cậy sau 7 tháng Libya chìm trong lửa đạn từ các cuộc không kích và cuộc nội chiến đẫm máu. Ít nhất cho tới lúc này, không có ai thực sự biết các cuộc giao tranh đã gây tổn thất bao nhiêu sinh mạng. Các ước tính về số người thiệt mạng, bao gồm cả lực lượng trung thành với Moammar Gadhafi, lính chính phủ mới và dân thường Libya, hiện có sai số rất lớn khi ở giữa mức 2.000 người và 30.000 người.

Căn cứ vào sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc trong sứ mệnh bảo vệ người dân ở Libya, liên quân NATO luôn khẳng định áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa để tránh gây tổn thất về người ngoài ý muốn. NATO cho hay luôn áp dụng việc giám sát 24/24 từ trên không, nhằm đảm bảo rằng thường dân Libya sẽ không bị trúng đạn lạc.

Trong rất nhiều trường hợp, các đợt không kích theo dự kiến đã bị hoãn lại vào phút chót vì những lo ngại rằng người dân có thể đang ẩn náu giữa những mục tiêu quân sự. Để tránh làm hỏng sứ mệnh bảo vệ người dân Libya, liên quân NATO chủ yếu dựa vào các vũ khí chính xác, gồm các quả bom và tên lửa được dẫn đường bằng tia laser hoặc các hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Sir Stephen Dalton, nguyên soái không quân hoàng gia Anh, tuần trước nói với các nghị sĩ nước này rằng những vũ khí được sử dụng tại Libya đã cho thấy khả năng hoạt động tốt hơn rất nhiều mức dự đoán. Để minh họa cho điều này, ông Dalton cho hay hơn 98% số tên lửa Brimstone được các máy bay của không quân Anh bắn đi đã lao trúng mục tiêu. Số ít ỏi còn lại cũng chỉ bị chệch không đáng kể.

Một máy bay Rafale vừa cất cánh từ tàu sân bay. Đây là loại máy bay chiến đấu của không quân Pháp được sử dụng trong chiến dịch Libya. Ảnh: Dassault Aviation
Một máy bay Rafale vừa cất cánh từ tàu sân bay. Đây là loại máy bay chiến đấu của không quân Pháp được sử dụng trong chiến dịch Libya. Ảnh: Dassault Aviation

Tuy nhiên, liên quân NATO không chỉ sử dụng các vũ khí chính xác. Các trực thăng tấn công Apache của quân đội Anh được sử dụng ở giai đoạn cuối của chiến dịch đã bắn đi khoảng 4.000 loạt đạn từ súng các khẩu pháo 30 mm. Đây là một loại vũ khí được thiết kế để tạo ra một hỏa lực mạnh. Khi được sử dụng tại Afghanistan, pháo 30 mm đã gây nên nhiều thương vong cho thường dân. Tuy nhiên, một lần nữa, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy các máy bay Apache tham chiến tại Libya đã gây nên cái chết của các thường dân nước này.

Sau 7 tháng không kích Libya, NATO chỉ thừa nhận một vụ bắn nhầm duy nhất. Vào ngày 19/6, một số thường dân Libya được xác nhận thiệt mạng khi một quả tên lửa lao trúng vào các tòa nhà ở thủ đô Tripoli. Một phát ngôn viên của NATO sau đó cho rằng một sự cố đã xảy ra với hệ thống vũ khí và khiến quả tên lửa không trúng mục tiêu đã định.

NATO luôn bác bỏ các thông tin từ chế độ Gadhafi cho rằng người dân Libya là nạn nhân trong các cuộc không kích. Một cuộc oanh tạc vào nơi mà NATO coi là trung tâm kiểm soát và chỉ huy ở Surman, một thành phố ven biển phía tây của Libya, hôm 20/6 khiến một người mẹ và hai con của bà thiệt mạng.

Chế độ Gadhafi đã dựa vào những sự kiện này để phát động làn sóng phản đối các cuộc không kích của NATO, với tuyên bố hàng trăm người dân đã thiệt mạng. Việc này được tận dụng làm một phần của các chiến dịch tuyên truyền nhằm ngăn chặn các đợt ném bom của NATO.

Giữa tháng 7, văn phòng y tế Libya cho hay các cuộc oanh kích của NATO đã khiến 1.108 thường dân thiệt mạng và 4.500 người bị thương. Một lần nữa, không ai có thể kiểm chứng thông tin này.

Mặc dù vậy, không ai kể cả NATO có thể xác nhận rằng các đợt oanh kích của khối quân sự này không gây ra bất cứ cái chết nào cho thường dân Libya.

Hầu hết các cuộc giao tranh diễn ra tại các khu vực dân cư, trong khi một chiến thuật phổ biến của các tay súng trung thành với Gadhafi là ẩn náu trong những khu thường dân sinh sống. Con số 9.658 đợt không kích cho thấy việc tránh thương vong cho thường dân là rất khó.

Nhiều năm sau khi NATO thực hiện chiến dịch oanh kích Kosovo (Nam Tư cũ), vẫn chưa có một con số thống kê chính xác về số thường dân thiệt mạng trong mưa bom bão đạn. Con số ước tính được cho là từ 200 tới 500 người.

Những thống kê tại Libya sau chiến dịch của NATO cũng ở tình trạng tương tự. NATO cho hay khối quân sự này không có đơn vị mặt đất nào tại Libya để có thể đánh giá chính xác tác động của những đợt oanh kích đối với người dân nước này.

Công việc thống kê được giao lại cho những tổ chức như Ân xá Quốc tế hay Theo dõi Nhân quyền. Họ sẽ phải tìm cách tính được số người thiệt mạng tại Libya do các đợt không kích của NATO cũng như cuộc nội chiến đẫm máu, trong đó quan trọng nhất là số thường dân bị chết.

Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm để thiết lập một bức tranh toàn cảnh về những gì đã thực sự xảy ra. Và thậm chí ngay cả khi các con số thống kê được công bố, chúng sẽ nhanh chóng trở thành đề tài của những cuộc tranh cãi.

Nhật Nam