Từ những kinh nghiệm làm đối ngoại Quốc hội và trải nghiệm về những căng thẳng quan hệ Việt - Trung trong quá khứ, bên hành lang Quốc hội, nơi ông tới họp với tư cách khách mời, cựu Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội Vũ Mão đúc rút bài học kinh nghiệm cho hiện nay, nhất là câu chuyện biển Đông.
Căng quá để được gì?
Thời gian qua chúng ta chứng kiến tình hình khu vực có nhiều bất ổn, và chia rẽ. Trong điều kiện đó, nhận thức, tư duy về khu vực của chúng ta cần điều chỉnh như thế nào, từ đó có chính sách phù hợp, thưa ông?
Thực ra nhận xét này chưa hoàn toàn đúng. Ngày xưa cũng có phức tạp riêng của nó. Trước ở khu vực này còn đối đầu cơ mà. Hiệp hội ASEAN vốn lập ra để đối đầu với chúng ta, chống cộng sản, nhưng chính chúng ta và họ cùng đổi mới tư duy, cùng nhau hiểu biết, gần gũi hơn, biến thành một khối chung. Ta không câu nệ đó là khối trước kia của các anh, bây giờ phải giải tán khối đó đi, lập khối mới thì chúng ta mới vào. Chúng ta coi trọng tính thiết thực, hiệu quả của nó.
Bây giờ tình hình có phức tạp, khó khăn nhưng chưa chắc đã bằng trước kia.
Khó khăn, mâu thuẫn, phức tạp ở vấn đề này khác là đương nhiên, quan trọng là tư duy, quan điểm thế nào.
Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cũng vậy, từng căng thẳng là thế, thậm chí đạt tới đỉnh điểm mâu thuẫn, đối đầu. Hiến pháp của chúng ta còn ghi những điều mà có lẽ chẳng hiến pháp nước nào trên thế giới ghi như vậy.
Quan hệ Việt - Trung căng đến như thế, nhưng cuối cùng được gì? Chúng ta thì quá thiệt thòi, Trung Quốc cũng thiệt, dù họ là nước lớn, phần thiệt thòi ít hơn. Hai bên đều muốn giải quyết điều đó, phải ngồi lại, trao đổi với nhau.
Bây giờ giải quyết các vấn đề còn tồn tại, kể cả Biển Đông cũng đi theo tinh thần như vậy.
Biên đội tàu Hải quân nhân dân VN chuẩn bị huấn luyện trên biển. |
- Xem xét tình hình khu vực, chúng ta không thể phủ nhận thực tế về một Trung Quốc trỗi dậy, đang thách thức trật tự khu vực và thế giới. Với Việt Nam, chúng ta cần nhìn nhận như thế nào về một Trung Quốc đang trỗi dậy này, theo ông?
Một Trung Quốc phát triển giàu mạnh lên, một mặt, Việt Nam vui mừng, và cũng có nhiều kinh nghiệm ta cần học.
Khía cạnh khác: sự đe dọa, bành trướng của Trung Quốc, mặt trái của sự trỗi dậy, ta cùng nhau trao đổi, giữ đúng thái độ của chúng ta. Phải nói rõ, chúng ta là nước nhỏ, nước nhỏ nhưng ý chí cách mạng cao, kiên cường.
Thực ra với Việt Nam, Trung Quốc vừa là nước lớn, láng giềng, truyền thống, đều do ĐCS lãnh đạo, cùng thể chế chính trị. Tuy nhiên, quan hệ láng giềng cũng có vấn đề của nó. Các nước đều thế. Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc cũng vậy.
Hai nước Việt - Trung đã giải quyết được 2 vấn đề: biên giới trên bộ, và phân định Vịnh Bắc Bộ, hiện còn vấn đề lớn quá, khác quá, nhận thức còn khác nhau, là vấn đề Biển Đông.
Ta phải đi theo đường lối đã định ra, cũng là tư tưởng Hồ Chí Minh: tăng cường hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau. Bởi đau khổ nhất của con người là khi không hiểu nhau. Một khi hiểu nhau, vấn đề nào cũng giải quyết được. Quan hệ giữa hai quốc gia, dân tộc cũng vậy. Tăng trao đổi, thảo luận, đàm phán và kiên trì, tôn trọng pháp luật quốc tế thì sẽ tìm được hướng ra.
Không được nghe đủ, thấy Việt Nam thiệt quá!
Tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF tại Bali, Indonesia vừa qua, Việt Nam cùng với các nước ASEAN và Trung Quốc đạt bước tiến trong việc thỏa thuận đwược văn bản hướng dẫn 8 điểm thực thi DOC, thế nhưng, dư luận đánh giá vẫn còn chung chung, chưa đặt những vấn đề cơ bản nhất để giải quyết tranh chấp. Theo ông, Việt Nam cần làm gì nữa để thúc đẩy DOC sang COC thành nguyên tắc mang tính ràng buộc pháp lý?
Đúng là từ khoảng cách đến thực tế còn xa. Hình thức văn bản nói thế, nhưng trong thực tiễn cuộc sống, nhận thức và hành động còn rất xa.
Điều quan trọng là chúng ta tiếp tục kiên trì xích lại gần nhau hơn, thống nhất quan điểm, giải quyết công bằng, hợp lý.
Đương nhiên, mỗi quốc gia đặt lợi ích chủ quyền của mình là trên hết. Người ta nói quan điểm của người ta. Nhưng khi đàm phán thì tìm giải pháp hợp lý.
Điều này trở lại với sự yếu kém trong công tác tuyên truyền của Việt Nam về đối ngoại nói chung, về những cái chúng ta đạt được.
Ví dụ, Hiệp định phân định biên giới trên bộ với Trung Quốc là hai nước Việt - Trung cùng thắng "win-win". Hai nước đều nói như vậy. Đó có phải là sự thật không? Tôi tin là đó là sự thật, vì tôi là người trong cuộc, khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội, xem xét kĩ quá trình đàm phán, cũng là người trình bày trước Quốc hội, làm sao để đại biểu hiểu rõ, nắm chắc sự đúng đắn, công bằng của quá trình đàm phán.
Nếu không phải trong Quốc hội, không được nghe đầy đủ, thì người ta cảm thấy hình như Việt Nam mình thiệt thòi nhiều quá. Thậm chí, có người nói này nói khác. Thông tin nhiễu đến như vậy mà ta lại không nói lại, phát biểu lại, giải thích cho nhân dân hiểu thêm...
Nhân dân ta giàu lòng yêu nước, có ý thức cao với tổ quốc của mình. Chúng ta không lấy của ai một tấc đất những cũng không chịu mất với ai một tấc đất của mình. Nhân dân lại không được thông tin, hoặc có cũng rất ít, đó là chưa nói có người, rất ít thôi, cố tình xuyên tạc, chống đối nhà nước bằng các cách khác nhau, thì người ta càng tìm mọi cớ, dù có thể chưa phải là sự thật, để tuyên truyền nói xấu. Về phía chúng ta, từ cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đến hệ thống tuyên truyền của chúng ta hoạt động còn yếu.
Tôi làm đối ngoại, đi hoạt động quốc tế nhiều, tôi biết. Đơn cử, cách đây vài năm, đến Italia, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Italia nói Việt Nam các ông không có nhân quyền, đàn áp Tây nguyên. Tôi hỏi lại, các ông căn cứ vào đâu mà nói thế. Ông ấy đáp: đây này, tài liệu của chúng tôi dày cộp, do người Việt ở Mỹ gửi tới. Chúng tôi không có tài liệu nào của các ông cả. Các ông nói mình đúng đắn, chính nghĩa, thì tài liệu của các ông đâu? Không có! Các ông có nói được với ai đâu. Chúng tôi chỉ được nghe một chiều bên này thôi. Các ông hãy cung cấp tài liệu của các ông đi, chúng tôi sẵn sàng nghe.
Ý kiến của họ có thể thiên lệch về mặt nào đó, nhưng theo tôi cũng là có lý. Tự tôi thấy mình có trách nhiệm. Mình chưa góp phần thúc đẩy công tác tuyên truyền đối ngoại của chúng ta.
Còn khó khăn kinh phí, này khác, nhưng nhận thức, phương thức phải làm khác hơn.
Tất nhiên, câu chuyện tôi kể cách đây dăm năm rồi, bây giờ tiến hơn một chút, nhưng chưa đủ, cần phải làm mạnh hơn nữa.
Theo ông, bài học từ đàm phán trên bộ, và dư luận sau đó cần áp dụng như thế nào, trong câu chuyện Biển Đông hiện nay, với trong nước để tạo đồng thuận cũng như công luận quốc tế để nhận được sự ủng hộ?
Thực ra, việc giải quyết phân định biên giới trên bộ có khó khăn, phức tạp, nhưng vẫn có cơ sở từ trước đến nay rồi, có nền quan trọng là Hiệp định Pháp - Thanh. Đó là cơ sở tốt để căn cứ vào đó điều chỉnh trên thực tế, điều chỉnh cho công bằng.
Phân định Vịnh Bắc Bộ cũng khó nhưng vấn đề Biển Đông khó hơn nhiều. Ngay Vịnh Bắc Bộ phân định được rồi mà bây giờ vẫn khó nữa là.
Phân định rồi, giám sát, thực hiện như thế nào là cả vấn đề lớn. Từ hiệp định đi đến thực hiện rất khó.
Tranh chấp Biển Đông khó hơn nhiều. Vấn đề, lịch sử, thực tế như vậy, mỗi người nói theo cách có lợi cho mình, phù hợp với quan điểm của mình. Ta phải dựa vào thực tiễn, công lý quốc tế để đấu tranh. Tinh thần là tránh để xảy ra xung đột, xung đột bất lợi cho tất cả.
Cũng dễ hiểu tại sau Pháp lại rút tàu sân bay của họ ra khỏi cuộc chiến Libya: chi phí đổ vào cuộc chiến Lybia ngày càng lớn, kết quả cuộc chiến chưa thấy hồi kết. Với tình hình hiện nay cho thấy dù ông Gaddafi đang ở thế bị cô lập nhưng sức mạnh quân sự của ông Gaddafi vẫn còn là một ẩn số, vì trong suốt cuộc chiến vừa qua chưa thấy tên lửa của Gaddafi khai hỏa. Phương tây sẽ đi vào bế tắc một khi khủng hoảng tài chính lan san toàn bộ khu vực EU.