“Đảo rác” sóng thần Nhật Bản trôi dạt đến Mỹ

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 09/04/2011 - 11:28

(Dân trí) - Các đảo rác khổng lồ, bị cuốn ra biển sau trận động đất/sóng thần Nhật Bản hôm 11/3, đang lênh đênh trên Thái Bình Dương, ảnh hưởng tới giao thông đường biển khi chúng tiến về bờ biển phía tây nước Mỹ.
Hàng loạt xe cộ, cây cối, thi thể và đôi khi là toàn bộ một ngôi nhà đã bị những con sóng khổng lồ cuốn từ đất liền đổ vào đại dương.
Các đảo rác khổng lồ đang dần dần trôi ra xa bờ biển Nhật Bản.
Đảo rác lớn nhất dài tới 110km và trao trùm một diện tích rộng tới hơn 200.000m2, theo Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ, vốn đang theo dõi chặt chẽ các đảo rác trôi nổi.
Ảnh mô phỏng các dòng chảy ở Thái Bình Dương vốn đẩy bãi rác từ Nhật Bản tới bờ biển phía tây nước Mỹ và sau đó quay trở lại. Các chuyên gia Mỹ dự đoán các đảo rác sẽ tấn công Hawaii sau 2 năm nữa và tới bờ biền phía tây nước Mỹ một năm sau đó.
Đồ họa mô phỏng khối rác khổng lồ di chuyển tới bờ biển phía tây nước Mỹ.

Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ cảnh báo rằng khối rác lớn tới nỗi có thể gây ra mối đe dọa đối với giao thông đường biển.
Hải quân Mỹ hiện đang phối hợp với các công ty xây dựng từ Nhật Bản trong nỗ lực nhằm đưa rác ra khỏi đại dương.

Trực thăng tìm kiếm và cứu nạn của Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản bay bên trên một đảo rác ngoài khơi Kesennuma.

Rác tràn ngập một con sông sau khi sóng thần tấn công thành phố Ofunato.
Một khu vực cảng bị tàn phá gần thành phố Ishinomaki sau động đất/sóng thần hôm 11/3.






An Bình
Theo Telegraph

Giao tranh tiếp diễn tại dải Gaza

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 6:39 AM, 09/04/2011

(VOV) - Ngày 8/4, các máy bay Israel đã tấn công Dải Gaza làm 6 người thiệt mạng

Giao tranh tiếp diễn tại khu vực biên giới giữa Israel và Dải Gaza. Trong ngày 8/4, ngày thứ 2 xảy ra bạo lực, các máy bay Israel đã tấn công Dải Gaza làm 6 người thiệt mạng, trong đó có 3 binh sĩ phong trào Hồi giáo Hamas và 3 dân thường Palestine.

Quân đội Israel cho biết đã tấn công Hamas bằng cả pháo kích và không kích. Trong khi đó, ngày 8/4 Israek phải hứng chịu ít nhất 15 quả rốckét bắn từ phía Palestine, khiến nhiều cơ sở hạ tầng bị phá huỷ. Nhà chức trách Israel đã phải ra lệnh hạn chế hoạt động giao thông ở khu vực xảy ra giao tranh.

Bạo lực căng thẳng tại Dải Gada từ ngày 7/4, sau khi binh lính của phong trào Hồi giáo Hamas bắn tên lửa chống tăng vào một chiếc xe buýt trường học ở miền Nam Israel. Quân đội Israel đã đáp trả bằng không kích vào Dải Gada. Trước tình hình bạo lực leo thang, Phong trào Hồi giáo Hamas ngày 8/4 đã kêu gọi Liên đoàn Arập tổ chức cuộc họp khẩn nhằm làm dịu căng thẳng tại Dải Gada./.

Hoàng Lê (Theo Reuters)

Biểu tình đòi cải cách tại Ai Cập

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 8:35 PM, 08/04/2011

(VOV) - Ngày 8/4, hàng chục nghìn người Ai Cập tập trung tại quảng trường tự do ở trung tâm thủ đô Cairo biểu tình hoà bình ngày thứ 6.

Ngày từ sáng sớm nhiều đoàn xe ôtô khách từ các tỉnh đã đổ về trung tâm thủ đô. Dòng người với đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp mang theo cờ và biểu ngữ kêu gọi chính quyền đẩy nhanh cải cách và xét xử các quan chức của chính quyền cũ bị tố cáo tham nhũng, cũng như bầu Phó Thủ tướng.

Dòng người đổ về quảng trường tự do ngày càng đông yêu cầu Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đẩy nhanh việc thực hiện nguyện vọng của người dân.

Người biểu tình tuần hành trong trật tự, có tổ chức dù không có sự hiện diện của lực lượng an ninh và cảnh sát.

Người biểu tình tại đây khẳng định tiếp tục tới quảng trường tự do vào ngày thứ 6 hàng tuần cho tới khi Chính phủ mới và Hội đồng Tối cao đáp ứng các yêu cầu của họ.

Người biểu tình tập trung tại quảng trường tự do của Ai Cập

Một người biểu tình cho biết: “Chúng tôi muốn mọi thứ tốt hơn nhưng các quyết định và yêu cầu vẫn chưa được thực hiện để Ai Cập phát triển. Tôi sẽ tiếp tục có mặt ở đây vào thứ 6 hàng tuần cho đến khi các yêu cầu của chúng tôi được thành hiện thực”.

Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đang tạm nắm quyền điều hành đất nước khi cựu Tổng thống Mubarak từ chức hôm 11/2 vừa qua.

Trong thời gian qua, Hội đồng này đã thành lập Chính phủ mới và chuẩn bị các bước cho cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào cuối năm nay, cũng như xem xét lại yêu cầu của người dân trong việc điều tra và xét xử các quan chức của chính quyền cũ bị tố cáo tham nhũng.

Liên quan tới tình hình khu vực, tại thủ đô Sanna của Yemen, và Baghdad ở Iraq người biểu tình cũng đã xuống đường ngày thứ 6 yêu cầu chính quyền cải cách và yêu cầu không kéo dài sự có mặt của lực lượng quân đổi Mỹ ở nước này./.

Ngọc Thạch (từ Tahrir)

Triều Tiên đe doạ trả đũa tập trận Mỹ - Hàn

LAODONG:

Thứ Bảy, 9.4.2011 | 08:48 (GMT + 7)

Triều Tiên hôm qua lên tiếng cảnh báo rằng, quân đội nước này sẽ không là "người xem thụ động" nếu như Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục tập trận quân sự chung.

d
Lính Mỹ nghỉ ngơi sau cuộc diễn tập ở Pocheon, gần biên giới với Triều Tiên.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, lời cảnh báo trên được phó nguyên soái các lực lượng vũ trang Triều Tiên Ri Yong-ho đưa ra tại cuộc họp có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cao cấp trong đảng, chính phủ và quân đội ở Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu được đăng tải trên báo chí chính thống, ông Ri cho biết, quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ không phải là những người "bị động" trước cái mà ông gọi là "cuộc diễn tập chiến tranh hạt nhân khiêu khích và hiếu chiến" của quân đội Mỹ - Hàn.

"Quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ không bao giờ thụ động nữa, mà sẽ kiên quyết chống lại bằng sức mạnh của tinh thần Songun (quân sự là trên hết)" - ông Ri nói và khẳng định rằng, quốc phòng là một trong những nhân tố quan trọng trong việc xây dựng một quốc gia thịnh vượng.

Trong năm nay, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận đơn phương hoặc song phương với Mỹ nhằm tập dượt khả năng sẵn sàng chiến đấu của mình.

Liên minh Mỹ - Hàn vừa mới kết thúc cuộc diễn tập với sự tham gia của máy tính vào ngày 10.3, tuy nhiên các cuộc tập trận thực địa vẫn tiếp tục đến hết tháng 4.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho biết, trong tuần này Triều Tiên có thể bất ngờ tấn công Hàn Quốc qua biên giới trên biển. Ông cảnh báo về khả năng "hàng loạt các hành động khiêu kích cục bộ bất ngờ".

Tranh chấp trên biên giới biển Hoàng Hải trải qua nhiều lần căng thẳng, nhất là trong các cuộc đụng độ hải quân vào các năm 1999, 2002 và tháng 11.2009.

Hàn Quốc cũng cáo buộc Triều Tiên dùng ngư lôi đánh chìm tàu chiến nước này hồi tháng 3.2010, làm 46 người thiệt mạng. Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc.

Tháng 11 năm ngoái, Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc khiến 4 người chết, trong đó có 2 dân thường. Kể từ đó, căng thẳng giữa hai miền liên Triều càng gia tăng.

Ngọc Vân (Theo AFP)

Lực lượng trung thành với ông Gbagbo thắng thế

Thời sự quốc tế | Người Lao Động Online:

Thứ Bảy, 09/04/2011 15:01

(NLĐO)- Lực lượng trung thành với tổng thống mãn nhiệm của Bờ Biển Ngà Gbagbo đã tái chiếm Abidjan và kiểm soát hoàn toàn hai quận Plateau và Cocody, lãnh đạo lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc Alain Le Roy cho hay.

Theo ông Le Roy, quân của ông Gbagbo đã lợi dụng các cuộc đàm phán hôm 5-4 để tái chiếm các khu vực trên.


Lực lượng trung thành với ông Gbagbo đã tái chiếm Abidjan và kiểm soát hoàn toàn hai quận Plateau, Cocody. Ảnh: Reuters


Pháp cho biết tư dinh đại sứ quán nước này tại Bờ Biển Ngà đã bị trúng 2 quả đạn cối và một quả rocket được bắn từ các vị trí do lực lượng trung thành với tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo nắm giữ.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ có thương vong trong cuộc tấn công trên hay không.

Ông Gbagbo kiên quyết không chịu trao quyền lực cho vị tổng thống mới đắc cử và được cộng đồng thế giới công nhận Ouattara, vẫn tiếp tục ngoan cố và không ngừng ra đòn tấn công vào lực lượng của ông Ouattara. Tình hình ở đây căng thẳng từ suốt tháng 11-2010 tới nay.

Mới 3 ngày trước đây, hai bên đã đồng ý đi đến đam phán hòa bình. Tuy nhiên, ông Alain Le Roy cho biết: "Giao tranh vẫn đang tiếp diễn hôm 8-4, song tình hình đang bế tắc. Chúng tôi thấy nhiều vũ khí hạng nặng được đưa tới khu vực Cocody".

Cố vấn của ông Gbagbo, ông Toussaint Alain, phủ nhận thông tin trên, nói rằng các cuộc tấn công của Pháp theo sự ủy thác của Liên Hiệp Quốc hồi đầu tuần đã phá hủy toàn bộ vũ khí hạng nặng của ông Gbagbo. Ông này cũng bác bỏ thông tin tư dinh của đại sứ quán Pháp ở đây bị tấn công.

Ông Toussaint Alain nói với Reuters ở Paris: “Pháp chỉ đang tìm cớ để loại bỏ tổng thống Laurent Gbagbo.”

Thu Hằng (Theo Reuters)
Ý kiến bạn đọc:

  • Anh Minh
    09/04/2011 16:16

    Những ai quan tâm chuyện thời sự quốc tế nhất là những gì đã và đang diễn ra ở vùng chiến sự Libya, Bờ Biển Ngà của Châu Phi hẳn phải “trố mắt” trước sự hăng hái đóng vai trò can dự chính của người Pháp ở 2 địa hạt đang rất nóng này. Mạnh như Mỹ mà dính vào chuyện muốn làm hiệp sĩ “ra tay” thay đổi chế độ ở I rắc, Afghanistan cứ tưởng ngon ăn, nhưng đã bị sa lầy, hao quân tốn của, nay đang tìm cách “khạc” cho văng “cục xương” ra nhưng đâu có dễ. Libya , Bờ Biển Ngà rất dễ cũng là “cục xương” với Pháp và mấy đồng minh hăng hái phương Tây. Tuy nhiên kết cục thế nào, trong việc này vẫn có những nhóm người được lợi cực lớn, đó là Tổ hợp quân sự - Công nghiệp quốc phòng của mấy nước lớn có tạo ra chiến sự thì việc đặt hàng, mua sắm bom đạn, vũ khí mới trúng to. Thế mới biết, mặc cho kinh tế Quốc gia chưa hồi phục, thấy cần thiết, nhiều chính phủ rất nhanh nghĩ ra cái cớ nào đấy để gây chuyện đánh giết nhau để trục lợi. Dân lành vô tội, người phe đồng minh nổi dậy bị bom đạn giết nhầm chết cũng mặc kệ.

Gaddafi biến NATO thành 'hổ giấy'

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :3:48 PM, 09/04/2011

Ngày 7/4 tờ New York Times của Mỹ đưa ra một bình luận, ông Gaddafi thay đổi chiến thuật đã biến NATO thành một “chú hổ giấy”.


Tình hình thực tế tai Libya đã chứng minh điều này, lực lượng nổi dậy tại Libya không ngừng chỉ trích NATO không “nhiệt tình” giúp đỡ họ và lực lượng nổi dậy cũng đặt ra một câu hỏi rằng tại sao phương Tây không sử dụng lực lượng chiến đấu trên mặt đất?

Về các vụ không kích nhầm của NATO, lực lượng nổi dậy đã chỉ trích hành động trên và cho rằng các cuộc không kích của NATO chủ yếu nhằm vào phía đông Brega, trong khi quân đội của nhà lãnh đạo Gaddafi đang tấn công từ phía tây.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, nếu như NATO chỉ sử dụng các cuộc không kích sẽ rất khó đánh bại Quân đội Gaddafi.

NATO đang rơi vào thế bế tắc tại Libya.

Các cuộc không kích của NATO đang phải đối mặt với sự lên án từ cộng đồng quốc tế vì gây ra nguy hiểm cho dân thường.

Chiến thuật “lá chắn sống” của ông Gaddafi đã thực sự phát huy hiệu quả và đưa NATO vào thế bế tắc.

Để thoát khỏi thế bế tắc này NATO phải gửi lực lượng chiến đấu mặt đất. Tuy nhiên, NATO lo lắng kịch bản ở Iraq và Afganistan sẽ tái diễn ra ở Libya.

Một quan chức của NATO thừa nhận rằng, việc ông Gaddafi sử dụng lá chắn sống đã tạo ra rất nhiều khó khăn đối với các cuộc không kích của NATO.

Trong thời gian tới NATO sẽ tiến hành một cuộc hội thảo khẩn cấp để đưa ra những biện pháp phá vỡ chiến thuật này của ông Gaddafi.

Lan Giang (theo Ifeng, Sohu)

NATO miễn cưỡng xin lỗi, quân nổi dậy Libya sơn hồng xe

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 09/04/2011 - 16:46

(Dân trí) - Sau hứng chịu vụ không kích nhầm thứ hai của NATO, quân nổi dậy Libya đã quyết định sơn hồng xe cơ giới của mình để phân biệt với xe của lực lượng trung thành với ông Gadhafi.
Lực lượng nổi dậy Libya đã quyết định sơn hồng xe cơi giới để tự bảo vệ họ khỏi các cuộc không kích của NATO.

Lãnh đạo phe nổi dậy đã có quyết định khác thường trên nhằm cảnh báo với lực lượng không quân NATO rằng họ không “cùng hàng ngũ” với lực lượng của ông Gadahfi, vì vậy sẽ không bị trở thành mục tiêu của các vụ tấn công từ trên cao.

Về phần mình, NATO hôm qua đã ra lời xin lỗi miễn cưỡng đối với vụ giết nhầm ít nhất 4 binh sỹ nổi dậy Libya trong vụ không kích vào hôm thứ năm vừa qua.

Ban đầu NATO từ chối xin lỗi đã không kích vào đoàn xe tăng của quân nổi dậy. Đoàn xe khi đó đang trên đường tới chiến tuyến ở thành phố giàu dầu lửa Brega. Giới chức NATO giải thích họ không được ai thông báo rằng quân nổi dậy Libya đang triển khai xe tăng và viện dẫn tình hình quân sự quanh Brega đặc biệt mong manh và lộn xộn. “Tôi sẽ không xin lỗi”, Thiếu tướng hải quân Russell Harding, phó tư lệnh Anh trong chiến dịch không kích Libya do NATO dẫn đầu cho biết trước đó.

Tuy nhiên, các lãnh đạo liên quân cuối cùng đã phải xem xét lại. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Ngoại trưởng Anh, lãnh đạo dân sự có quyền lực cao hơn ông Harding trong bối cảnh này, đã đưa ra lời xin lỗi, do một thủ lĩnh nổi dậy Libya sau đó công khai khẳng định quân nổi dậy thực sự đã phối hợp kế hoạch của họ với NATO và đã thông báo cho họ về việc sử dụng xe tăng.

Ông Hague cố gắng xoa dịu căng thẳng có chiều hướng gia tăng giữa NATO và lực lượng nổi dậy Libya, khi cho biết vụ việc “rất đáng tiếc” và “không mất gì” khi xin lỗi về sự nhầm lẫn này.

Trong khi đó, hôm qua lực lượng nổi dậy đã buộc phải sơn mái xe cơ giới của họ bằng màu hồng sáng, khi cố gắng tiến về phía tây từ Ajdabiyah. “Họ đã hai lần bắn trúng chúng tôi”, một quân nổi dậy cho hay. “NATO là lực lượng liên minh chống lại người dân Libya”, một quân nổi dậy khác tỏ ra giận dữ.

Vụ không kích nhầm trước đó của NATO xảy ra vào tuần trước, làm 13 binh sỹ nổi dậy, trong đó có cả các nhân viên cứu thương, thiệt mạng gần Brega.

Phan Anh

Theo AP

Trung Quốc cấm nhập thực phẩm từ Nhật

VTV
Thứ bảy, 09/04/2011, 09:00 GMT+7

Trung Quốc đã kéo dài thêm việc hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản, cấm nhập các loại nông sản từ 12 khu vực ở Nhật do lo sợ phóng xạ. Lệnh cấm sẽ bao gồm thực phẩm, các sản phẩm nông nghiệp ăn được và thức ăn gia súc.
Trung Quốc cấm nhập thực phẩm từ Nhật

Kiểm tra táo nhập khẩu từ Nhật ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP
Lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ 12 khu vực ở Nhật Bản vừa được Trung Quốc ban hành sau khi Bắc Kinh thông báo đã phát hiện 10 trường hợp đến từ Nhật Bản bị nhiễm xạ cao hơn bình thường kể từ giữa tháng 3.
Trung Quốc cũng yêu cầu tất cả các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu từ các khu vực khác ở Nhật Bản phải kèm theo giấy chứng nhận nguồn gốc và kết quả kiểm tra phóng xạ từ chính phủ Nhật Bản. Tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản cũng sẽ phải được kiểm tra phóng xạ tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu và các đại lý của Nhật Bản cũng phải khai rõ lý lịch.
Hôm qua, Ủy ban Điều phối khẩn cấp hạt nhân Quốc gia Trung Quốc cho biết, dấu vết phóng xạ đã được phát hiện thấy tại 24 tỉnh, thành phố của nước này, trong đó có cả thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, lượng iốt phóng xạ và hạt xezi phát hiện thấy là rất nhỏ, không gây ra mối đe dọa cho sức khỏe người dân và môi trường.
Trung Quốc cũng tuyên bố, sẽ theo dõi sát sao các động thái của Nhật Bản trong nỗ lực kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời yêu cầu Tokyo cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác về cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay.

Tác giả : Vân Anh

Chính phủ Mỹ "thoát hiểm" vào giờ chót

Sự kiện - Dân trí:
Thứ Bẩy, 09/04/2011 - 17:18

(Dân trí) - Một tiếng ngay trước thời hạn chót, đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đạt được thỏa thuận về ngân sách, giúp chính phủ liên bang Mỹ thoát khỏi nguy cơ phải đóng cửa nhiều cơ quan công quyền.

Giới phân tích cho rằng đây là một thắng lợi của đảng Cộng hòa.

Các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu gây nhiều tranh cãi trước đó, cho phép chính phủ tiếp tục hoạt động, trong khi kế hoạch ngân sách lớn hơn được ấn định.

Hai phe đã nhất trí cắt giảm khoảng 38 tỷ USD chi tiêu cho năm kéo dài đến 30/9 tới.

Tổng thống Obama cho biết khoản cắt giảm trên sẽ gây ra nhiều khói khăn, song là cần thiết. “Chúng tôi nhất trí rằng một số khoản cắt giảm sẽ rất đau lòng”, ông nói.

“Các chương trình người dân trông cậy được sẽ bị cắt. Những dự án hạ tầng cần thiết sẽ bị hoãn. Và tôi sẽ không có những cắt giảm này nếu ở trong điều kiện tốt hơn”.

Tổng thống Obama thừa nhận đây là “cuộc cắt giảm chi tiêu hàng năm lớn nhất trong lịch sử Mỹ”, nhưng cho rằng người Mỹ cần phải bắt đầu sống trong điều kiện vốn có của mình.

Giới phân tích cho rằng đây là một thắng lợi đối với đảng Cộng hòa. Và cuộc chiến về ngân sách cũng như các kế hoạch dài hạn năm 2012, nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách vẫn chưa qua và chắc chắn sẽ “khốc liệt” hơn nhiều.

Thông báo về thỏa thuận, chủ tịch Hạ viện John Boehner, nghị sỹ đảng Cộng hòa, cho hay đã có một “cuộc chiến dài”. “Chúng tôi đã chiến đấu để giữ cho chi tiêu của chính phủ được giảm bởi điều này thực sự sẽ tạo ra tình thế tốt hơn cho những nhà kiến tạo việc làm”, ông nói.

Nếu không có thỏa thuận đạt được vào giữa đêm ngày thứ sáu này (giờ Mỹ), chính phủ sẽ buộc phải đóng cửa, khiến 800.000 nhân viên chính phủ phải ngừng làm việc.

Lần gần đây nhất chính phủ Mỹ phải ngưng hoạt động là vào năm 1995, do bất đồng giữa Quốc hội đảng Cộng hòa nắm giữ và Nhà Trắng do Tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton nắm giữ. Chính phủ phải ngưng hoạt động 20 ngày và ước tính làm giảm 1% tốc độ phát triển của kinh tế Mỹ trong một quý của năm.

Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, đối thoại đã bị ngưng trệ trong nhiều ngày, do phe Cộng hòa đưa ra kế hoạch cắt giảm ngân sách lớn hơn phe Dân chủ mong muốn.

Phan Anh

Theo BBC

Bão cát gây tai nạn giao thông liên hoàn, 8 người chết

Thanh Niên Online:
(TNO) Một trận bão cát xảy ra trên đại lộ cao tốc ở miền bắc nước Đức vào tối qua (8.4, giờ Việt Nam) đã làm 8 người chết và ít nhất 41 người khác bị thương, AP đưa tin.


Một chiếc xe hơi chạy trong bão cát - Ảnh: AFP

Trận bão cát đã gây tai nạn giao thông liên hoàn trên đại lộ qua thành phố Rostock (bang Mecklenburg-Western Pomerania, Đức), cách bờ biển Baltic vài km.


Bão cát gây tai nạn giao thông liên hoàn trên đại lộ - Ảnh: AFP

Theo thống kê của cảnh sát địa phương, có khoảng 110 người trong 80 ô tô và 3 xe tải trong tai nạn trên. Ít nhất 17 phương tiện giao thông bốc cháy, trong đó có một chiếc xe tải chở nguyên liệu dễ bắt lửa.


Những chiếc xe hơi bị bốc cháy còn trơ lại khung sắt - Ảnh: AFP


Cảnh sát đang tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân mắc kẹt dưới những chiếc xe - Ảnh: AFP


Những chiếc xe được kéo ra ngoài sau vụ tai nạn - Ảnh: AFP

Người phát ngôn của cảnh sát thành phố Rostock, ông Volker Werner cho biết, việc tìm kiếm cứu hộ vẫn đang diễn ra và có thể số người chết còn cao hơn vì còn nhiều thi thể nằm trong các xe bị cháy.

Gió mạnh đã cuốn cát từ những cánh đồng gần đó đến đường cao tốc, Werner nói, khu vực này đã khô hạn nhiều năm nay nên hoạt động nông nghiệp rất khó khăn và đất đai hầu như bị xói mòn.

Nguyên Mi

Cụ rùa chỉ bị viêm ngoài da

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 6:02 PM, 09/04/2011

Điều những người trong hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm lo lắng nhất hiện nay không phải là sức khỏe của cụ rùa mà là môi trường nước trong hồ Gươm.

Sáng 9/4, các thành viên trong hội đồng chữa trị vết thương rùa Hồ Gươm cho biết, theo kết quả phân tích tác nhân gây bệnh trong các phòng thí nghiệm, rùa Hồ Gươm chỉ bị viêm loét ngoài da.

Qua phân tích mẫu từ việc thăm khám rùa Hồ Gươm, các chuyên gia chỉ thấy có bốn loài vi khuẩn và một loài nấm, những loài có nhiều trong lớp bùn đáy hoặc trong nước.

Theo các thành viên trong hội đồng chữa trị vết thương rùa Hồ Gươm, sau 5 ngày điều trị những vết thương ở mai và chi trước, rùa đã có dấu hiệu bình phục.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm, cho biết: “Kết quả phân tích ADN ở những phòng thí nghiệm cho thấy, bên trong cơ thể cụ rùa không có trọng bệnh. ADN cho thấy, 90% những phán đoán ban đầu về tình hình sức khỏe cụ rùa là đúng. Từ mẫu AND, các nhà phân loại học cũng cho biết, đây là loài mới ở Việt Nam, khác hẳn với loại rùa mai mềm ở Thượng Hải (Trung Quốc) như nhiều người nghĩ”.

Theo ông Bùi Quang Tề, điều những người trong hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm lo lắng nhất hiện nay không phải là sức khỏe của cụ rùa mà là môi trường nước trong hồ Gươm. Vì nước trong hồ hiện nay có nhiều loại tảo và nấm độc có thể gây hại cho cơ thể Rùa sau khi thả về môi trường tự nhiên; lượng bùn dưới đáy hồ cũng rất lớn, khó có thể nạo vét xong trong thời gian ngắn./.

Theo Tuổi trẻ


VOV News: Cập nhật lúc : 11:31 AM, 08/04/2011

Chuyện con rùa và nền khoa học bò ngửa

(VOV) - Trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi giáo sư của chúng ta chỉ công bố được 0,58 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, và các nghiên cứu đó hầu như không giờ được giới khoa học thế giới trích dẫn

Câu chuyện về rùa hồ Hoàn Kiếm mấy bữa nay ồn ào trở lại trên trang nhất nhiều tờ báo khi có thông tin không phải chỉ có một “cụ” rùa. Vậy, cuối cùng thì trong hồ Gươm còn bao nhiêu “cụ” rùa? Phó Giáo sư Hà Đình Đức vẫn khăng khăng chỉ 1, ông Trưởng Ban chỉ đạo bắt rùa của thành phố bảo ít nhất còn 2, ông thợ ảnh tên Ngò bảo phải còn 5, 6…

Có lẽ trên thế giới hiếm quốc gia nào may mắn như nước ta khi truyền thuyết lịch sử được tự nhiên ban cho một linh vật sống để lưu truyền như con rùa Hồ Gươm và ông vua Lê Lợi. Lẽ ra, một huyền tích lung linh như vậy sẽ phải được trân trọng nghiên cứu và bảo tồn. Song, thay vì thế, những con rùa Hồ Gươm, dù là một cá thể sống, nhưng luôn bị coi là vật thờ và hầu như chỉ tồn tại trong niềm sùng kính dân gian. Ngay cả người được coi là “nhà rùa học”, chuyên gia số 1 về rùa Hồ Gươm là PGS Hà Đình Đức, một nhà khoa học có học hàm, học vị, thì sự quan tâm nghiên cứu con rùa Hồ Gươm cũng chỉ bằng yếu tố tình cảm.

Nói rằng PGS Đức chỉ quan tâm đến rùa Hồ Gươm bằng tình cảm của một người Thanh Hóa kính ngưỡng Lê Lợi, hẳn sẽ làm ông buồn, thậm chí là giận. Bởi lẽ, ít nhất cũng đã 20 năm rồi ông nghiên cứu rùa, chụp tới 300 bức ảnh, hàng ngàn giờ quay phim và quan sát, viết hàng trăm bài báo, thậm chí bảo vệ hẳn 2 công trình nghiên cứu khoa học cấp thành phố về rùa Hồ Gươm. Với bề dày nghiên cứu như vậy mà chỉ thừa nhận tình cảm và ngày công của ông đối với rùa mà không nhắc đến thành quả nghiên cứu khoa học của ông thì quả là quá đáng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, công sức lao động của ông quả đáng được ghi nhận, nhưng thành quả khoa học thì…

20 năm nghiên cứu của PGS Đức mang đến cho ông một tấm giấy chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho người có nhiều bài viết về Rùa Hồ Gươm nhất nước. Song, những bài viết ấy không mang lại cho cộng đồng bất cứ thông tin khoa học nào đáng kể về con rùa Hồ Gươm. Thậm chí, con rùa mà theo ông là cá thể duy nhất ở Hồ Gươm mà ông đặt tên là rùa Lê Lợi, là đực hay cái thì ông cũng không biết.

Nói rằng PGS Đức chỉ là một người yêu rùa chứ không phải nhà nghiên cứu rùa học, hẳn sẽ bị phản đối. Ít ra ông cũng đã có tới 2 công trình khoa học về rùa Hồ Gươm. Công trình thứ nhất có tên: Nghiên cứu sơ bộ hiện trạng Hệ sinh thái Hồ Gươm, nhằm bảo tồn và phát triển đàn rùa quý và cải thiện cảnh quan môi trường được nghiệm thu năm 1993. Công trình thứ hai có tên: Nghiên cứu hình thái, sinh thái loài Rùa Hồ Gươm, tình trạng chất lượng nước, hệ vi tảo Hồ Gươm,nhằm bảo tồn, phát triển đàn rùa quý và cải thiện cảnh quan môi trường, được nghiệm thu một năm sau đó.

Cả 2 công trình đều được hội đồng nghiệm thu đánh giá là xuất sắc. Có điều, từ khi được bảo vệ, những đề tài khoa học này chẳng giúp được gì cho rùa Hồ Gươm.

20 năm qua, kể từ khi PGS Hà Đình Đức nghiên cứu rùa thì đời sống của nó mỗi ngày một tệ hơn. Và, điều khiến “cụ” rùa được quan tâm, cứu chữa như bây giờ không phải là những nỗ lực của những nhà khoa học như PGS Đức, mà là những con rùa tai đỏ, giống sinh vật ngoại lai đang bị truy nã trên phạm vi toàn quốc. Chính sự xuất hiện của những con rùa tai đỏ chứ không phải các công trình khoa học được công bố khiến dư luận quan tâm đến “cụ” Rùa. Đó là một sự trớ trêu với số phận rùa thiêng. Và không chỉ với con rùa, đó còn là một sự thật trớ trêu đối với nền khoa học Việt Nam.

Trở lại với 2 công trình nghiên cứu khoa học của PGS Hà Đình Đức. Vì sao nó không được ứng dụng để cải thiện đời sống và bảo vệ “cụ” rùa? Phải chăng là bởi nó không có giá trị khoa học để ứng dụng? Nếu vậy, sao những công trình đó lại được nghiệm thu, thậm chí được đánh giá là xuất sắc? Lẽ ra, đây là một câu hỏi đáng để quan tâm và suy nghĩ. Song, thực tế, việc những công trình khoa học được nghiên cứu, bảo vệ rồi lãng quên vốn đã là bình thường.

Mỗi năm trung bình ngân sách nhà nước chi ra xấp xỉ 2%GDP cho khoa học công nghệ, nước ta cũng là quốc gia có mật độ nhà khoa học cao so với các quốc gia trong khu vực với khoảng gần 20.000 tiến sĩ và gần 7.000 giáo sư, mỗi năm có tới hàng ngàn công trình nghiên cứu khoa học được công bố. Song, trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi giáo sư của chúng ta chỉ công bố được 0,58 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, và các nghiên cứu đó hầu như không bao giờ được giới khoa học thế giới trích dẫn.

Như vậy, không có gì là khó hiểu khi 2 công trình khoa học xuất sắc của “nhà rùa học” Hà Đình Đức chẳng hề có giá trị trong việc cứu rỗi và bảo tồn con rùa già ở Hồ Gươm. Tuy nhiên, ngược lại, có thể sự hy sinh của con rùa già Hồ Gươm sẽ cứu vớt được nền khoa học của nước nhà. Nếu chẳng may “cụ” rùa thăng khi mà các nhà khoa học chưa kịp tìm được cách bảo tồn, rất có thể đó sẽ là một sự kiện để các nhà khoa học của chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại những đóng góp của mình đối với đất nước./.

Lão Phạm


Cụ Rùa rất hiền lành và thích ăn cá

VTC News:
09/04/2011 13:21

(VTC News) – Chúng tôi đã đưa nhiều loại thức ăn cho cụ nhưng cá mới là món cụ rùa thích nhất, mỗi lần cụ ăn vài con – TS Bùi Quang Tề.

Cụ rùa trong "bệnh viện" thích ăn cá nhất. Ảnh: Hoàng Long (daidoanket.vn)

Trao đổi với VTC News, TS Bùi Quang Tề, tổ trưởng tổ chẩn đoán và chữa trị Rùa hồ Gươm cho biết, các chuyên gia đã trình phác đồ điều trị cho cụ rùa và Thành phố Hà Nội đã phê duyệt.

Theo đó, còn 5 bước nữa sẽ chữa xong cho “linh vật” hồ Gươm:

- Xử lý các vết thương cho rùa và dùng bài thuốc an toàn.

- Phân tích tác nhân gây bệnh.

- Quyết định chủng loại thuốc, tính toán liều lượng thuốc cần dùng.

- Sau khi kết thúc dùng thuốc, đưa rùa ra bể nuôi dưỡng một thời gian (tùy thuộc vào các điều kiện thực tế) để tiếp tục theo dõi.

- Trả rùa về hồ sau khi đã làm sạch môi trường.

Các chuyên gia y tế sẽ chữa trị cụ Rùa đến khi hỏi bệnh, còn việc làm sạch môi trường là trách nhiệm các cơ quan Thành phố Hà Nội.

Quá trình chữa trị đang tiến hành thuận lợi, được giúp đỡ của những phòng thí nghiệm, phân tích hiện đại nhất Việt Nam. Qua đó các nhà khoa học của chúng ta hoàn toàn tự tin vào chuyên môn của mình.

TS Bùi Quang Tề cũng cho biết thông tin thú vị, trong quá trình cho cụ Rùa ăn, tuy các chuyên gia đã đưa nhiều loại thức ăn, nhưng món cá vẫn được cụ rùa thích nhất. “Một tuần cụ Rùa ăn vài ba bữa, có bữa nhiều nhất khoảng 5 con cá, nặng nửa cân” – chuyên gia này cho hay.

Hiện nay chưa phát hiện thấy cụ Rùa bị viêm phổi mà chỉ mắc bệnh ngoài da nên phải bôi thuốc kháng khuẩn.

Các chuyên gia điều trị cho “linh vật” Hồ Gươm đều nhận xét, cụ Rùa rất hiền lành, không tấn công ai và nhanh chóng thích nghi với “bệnh viện”. Bình thường các con vật bị bắt sẽ bỏ ăn nhiều ngày, nhưng cụ Rùa đã ăn trở lại chỉ sau hai ngày vào “bệnh viện” – TS Tề phấn khởi nói.

Dự kiến hôm nay hoặc ngày mai, sẽ có kết quả phân tích AND của “linh vật” Hồ Gươm. Khi đó việc cụ Rùa là “ông” hay “bà” sẽ được sáng tỏ.

Hoàng Lan

Cụ Rùa Hồ Gươm có phải do vua Lê Lợi thả xuống?

08/04/2011 11:53

(VTC News) – Rùa Hồ Gươm hoàn toàn khác các loài rùa khác, được đặt tên là Rafetus leloii, tức là Lê Lợi, vị vua gắn liền với truyền thuyết trả Gươm.

Cụ Rùa Hồ Gươm tên là "Rùa Lê Lợi"


Trao đổi với VTC News, một nhà khoa học về sinh vật cho biết, Rùa Hồ Gươm có kích thước lớn nhất trong các loài rùa nước ngọt ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới.

So sánh cụ Rùa với các loài rùa khác, nhà khoa học này kết luận, rùa Hồ Gươm hoàn toàn khác với các loài rùa khác, và đặt tên là Rafetus leloii.

Chữ Leloii là tên loài, mang tên Lê Lợi, vị vua liền với truyền thuyết trả Gươm cho thần Rùa. Nhưng theo thông lệ quốc tế, tên loài là một từ, không viết hoa và theo tiếng Latinh, “giống đực” phải thêm “i”, còn “giống cái” phải thêm “a” sau cùng.

Một nhà khoa học đặt giả thuyết, rùa Hồ Gươm có thể do vua Lê Lợi thả xuống Hồ Gươm (hồi đó là hồ Lục Thủy).

Lý do là hồ này được chú ý từ thời Lý (Lý Công Uẩn định đô năm 1010) nhưng đến thời Lê mới thấy người ta nhắc đến chuyện rùa, sau truyền thuyết Lê Lợi trả Gươm. “Mặt khác nếu rùa Hồ Gươm vốn dĩ có ở đất Thăng Long thì Hồ Tây và các hồ khác phải có chứ, vì ngày xưa các hồ thông nhau” – nhà khoa học này phân tích.

Tiêu bản rùa trong đền Ngọc Sơn, theo ông Trần Khánh, cán bộ Ban Quản lý di tích này cho biết, đó là tiêu bản cụ rùa bị chết năm 1968 nhưng không rõ nguyên nhân. Bộ xương được dựng và trưng bày ở Văn Miếu, sau đó được đưa về lưu trữ ở kho Bảo tàng Hà Nội. Tiêu bản dài 0,545 m, rộng 0,545 m
Phương Đông

Điều gì đang diễn ra ở Bờ biển Ngà?

Tuổi trẻ cuối tuần - Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 09/04/2011, 17:46 (GMT+7)

TTCT - Vì sao trên 20 triệu dân Bờ Biển Ngà chưa thể yên ổn sống từ hơn 20 năm qua?

Lực lượng trung thành với Tổng thống Alassane Ouattara tuần hành trên xe cách thành phố Abidjan 20km về phía bắc ngày 1-4 - Ảnh: Reuters

Tin từ một website thân với tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo (1), quân đội Pháp đóng tại Bờ Biển Ngà (lữ đoàn 43 thủy quân lục chiến - TTCT) đã kiểm soát phi trường Félix Houphouët-Boigny ở Abidjan, trước đó do lực lượng UNUCI của Liên Hiệp Quốc (LHQ) trấn giữ. Quân đội Pháp cũng đã pháo kích trại hiến binh Agban của “quân chính phủ”.

Theo nguồn tin này, “binh sĩ Pháp đã trực tiếp tham chiến từ hôm thứ bảy nhằm trục xuất lực lượng của tổng thống Gbagbo, sau khi quân nổi loạn thân với ông Ouattara (tổng thống trúng cử) thất bại trong việc tiến chiếm dinh tổng thống, đài truyền hình...”.

Mẩu tin trên một lần nữa cho thấy đất nước đứng thứ nhất thế giới về sản lượng ca cao này một lần nữa lại rơi vào nội chiến. Và một lần nữa, ngoại bang can thiệp! Còn nhớ trong cuộc nội chiến năm 2002, quân đội Pháp “được” tham gia gìn giữ hòa bình ở đây cùng với lực lượng UNICIC của LHQ.

Ngày 6-11-2004, không quân Bờ Biển Ngà bất ngờ tấn công một vị trí quân đội Pháp tại Bouaké, khiến 9 binh sĩ Pháp chết, 37 người bị thương. 15 phút sau đó, quân Pháp phản công, phá hủy hai chiếc Su-25 tại căn cứ Yamoussoukro. Tổng thống Pháp Jacques Chirac ra lệnh phá hủy toàn bộ không quân Bờ Biển Ngà. Lần này cũng thế, hôm thứ hai 4-4 cả quân Pháp (UNICORN) lẫn quân LHQ cùng can thiệp tấn công quân của ông Gbagbo. “Nước mất, nhà tan”!

Ouattara - người "được quốc tế tin cậy"

Số là trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 28-11 năm ngoái, theo kết quả của hội đồng bầu cử độc lập, ông Alassane Dramane Ouattara đắc cử với 54,1% số phiếu. Do thua cuộc với chỉ 45,9% số phiếu, tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo đã đưa nội vụ ra trước hội đồng hiến pháp kiện có gian lận bầu cử ở bảy tỉnh miền bắc vốn là “cơ sở” của ông Ouattara. Hội đồng này, được xem là vây cánh của tổng thống Gbagbo, hủy kết quả của ông Ouattara, đưa ông Gbagbo về lại chức tổng thống.

Thế nhưng, Cộng đồng các nước Tây Phi (ECOWAS) và cả LHQ (nghị quyết 1975 HĐBA) lại thừa nhận ông Ouattara chứ không ủng hộ ông Gbagbo. Thế là hai ông gườm nhau, ông Gbagbo đem quân “dí” ông Ouattara trong một khách sạn tên Hotel du Golf có hình dáng như một pháo đài. Những ngày qua, hai bên hỗn chiến một mất một còn để rồi ngoại bang can thiệp.

Ông Ouattara có một bảng thành tích sáng sủa. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ở ĐH Drexel năm 1965, ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế ở ĐH Pennsylvania (Mỹ) năm 1972. Không chỉ là một học giả “từ chương”, Ouattara là một chuyên gia cao cấp đã từng “trận mạc” ở các định chế tài chính quốc tế, thậm chí lên đến chức giám đốc khu vực châu Phi của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), rồi thì phụ tá tổng giám đốc.

Đầu những năm 1990, ông rời ghế thống đốc Ngân hàng trung ương các nước Đông Phi (BCEAO) về nước giữ ghế thủ tướng dưới trào tổng thống đầu tiên là ông Houphouët-Boigny, qua đó giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, nợ nước ngoài trầm trọng thời đó (2).

Năm 1993, tổng thống Houphouët-Boigny qua đời, ông Ouattara chuẩn bị ra tranh cử thì bỗng dưng vướng phải một đạo luật bầu cử “may đo đúng ni tấc” của ông: cha mẹ phải là người Bờ Biển Ngà, chưa từng có một quốc tịch khác, cư trú trong nước tối thiểu năm năm. Coi như ông Ouattara “rớt” cả ba điều kiện do cha mẹ ông có gốc gác Burkina Faso, ông bị nghi là có quốc tịch nước này và cuối cùng là cư trú trong nước chưa đủ năm năm!

Trong bế tắc, IMF gọi ông trở lại Washington giữ chức phụ tá tổng giám đốc. Một chức vụ cũng tạm đủ để ông nguôi ngoai chờ thời.

Gbagbo: chính khách chuyên nghiệp

Trong khi đó, đối thủ sinh tử của ông Ouattara những ngày này, tổng thống mãn nhiệm Gbagbo, cũng đường đường là một tiến sĩ sử học ĐH Paris 7 (Pháp) năm 1979. Ông này là một chính khách chuyên nghiệp, từng bị tổng thống Houphouët-Boigny tống giam hai năm, lưu vong sang Pháp, hồi hương thành lập Mặt trận Bình dân (FBI). Đến năm 2000, ông Gbagbo trở thành ứng cử viên đối lập duy nhất tranh chấp chức tổng thống với lãnh tụ của cuộc đảo chính năm 1999 là tướng Guéi, sau khi viên tướng này nhất định không cho các ông Ouattara và Bédié tham gia tranh cử.

Trong cuộc bầu cử được sắp xếp chỉ còn hai ứng cử viên đó, tướng Guéi tất nhiên trúng cử. Dân chúng quá bực dọc đã nổi dậy lật đổ và đặt ông Gbagbo vào chức tổng thống thay thế. Tưởng ông Gbagbo ngồi vào ghế tổng thống sẽ rút kinh nghiệm, không tham quyền cố vị, nào ngờ cũng “sao y bản chính” tướng Guéi trong trò chơi quyền lực, giữ ghế tổng thống 11 năm nay vẫn chưa chịu buông!

Soro: kẻ nổi loạn vũ trang

Ông Gbagbo cầm quyền được hai năm thì suýt nữa bị phe nổi loạn miền bắc lật đổ vào năm 2002. Phe này lấy tên là “Lực lượng mới của Bờ Biển Ngà” do Guillaume Soro cầm đầu. Không lật được ông Gbagbo, song phe này đủ sức kéo dài nội chiến, rồi sau đó giảng hòa, tham chính nhận một ghế bộ trưởng dưới trướng kẻ thù cũ là tổng thống Gbagbo, rồi chê ghế này nhỏ, tách ra khỏi nội các, nhận một ghế khác rồi lại chê, nhận một ghế khác tương đương phó thủ tướng, trước khi nhận ghế thủ tướng vào tháng 4-2007.

Hai tháng ba tuần sau, Thủ tướng Soro suýt tiêu mạng khi máy bay của ông này bị bắn những bốn quả tên lửa ở phi trường Bouaké. Không lâu sau đó, Thủ tướng Soro ký kết giao ước hòa giải với tổng thống Gbagbo với điều khoản: thủ tướng sẽ không ra tranh cử tổng thống!

Một tuần sau, tổng thống Gbagbo loan báo ông Ouattara được quyền tranh cử tổng thống chứ không bị cấm như dưới trào tướng Guéi. Có phải ông Gbagbo hào phóng mà cho ông Ouattara tranh cử? Chẳng qua ông tự tin sẽ nắm chắc phần thắng trước ông Ouattara, vốn không có lực lượng mạnh như ông Soro.

Kết thúc buồn

Còn nhớ năm 2002, sau khi phe của ông Soro nổi loạn, ông Ouattara đã bị mưu sát. Thoát chết trong gang tấc, ông Ouattara sang Pháp tị nạn trong ba năm. Đến khi thấy tình hình tạm yên, ông Ouattara mới về nước... chờ thời. Và cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái chính là cơ hội duy nhất và cuối cùng, vì ông này đã 69 tuổi! Cũng may là phe “Lực lượng mới” của ông Soro sau khi thấy quốc tế ủng hộ ông Ouattara đã về phe với ông này.

Ông Gbagbo đã “tính già hóa non” khi chọn “kẻ thế cô” Ouattara không có đông lực lượng vũ trang, mà quên rằng ông này có hai đồng minh tiềm năng: quốc tế và kẻ có quân trong tay là Soro. Ngày 25-1-2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố “chỉ thừa nhận người mà dân chúng Bờ Biển Ngà đã chọn”.

Với việc một tổng thống tân tiến sĩ ĐH Pennsylvania (Mỹ) thay cho một tổng thống tiến sĩ ĐH Paris 7 (Pháp) bị buộc mãn nhiệm, đây cũng là dịp để Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên tiếng hôm 2-4: “Nước Mỹ kêu gọi cựu tổng thống Laurent Gbagbo xuống ngay. Việc cứ tiếp tục từ chối nhường quyền hành cho người chiến thắng chính đáng cuộc bầu cử tháng 11-2010, Alassane Ouattara, đã dẫn đến bạo lực công khai...”.

Có thể thấy từ năm 1993, sau cái chết của tổng thống Houphouët-Boigny - người đã “trị vì” trong suốt 33 năm, đất nước này hầu như không hề yên tĩnh, cho dù thỉnh thoảng vẫn có vài cuộc bầu cử tổng thống. Ngoại trưởng Clinton nay cũng đã vỡ lẽ ra rằng “dân chủ không chỉ có mỗi một cuộc bầu cử để rồi kẻ thắng sẽ lại chẳng bao giờ có một cuộc bầu cử khác” (3).

HỮU NGHỊ

__________

(1) http://www.sencontinent.com/cote-d%E2%80%99ivoire-le-camp-agban-essuie-des-tirs-d%E2%80%99obus-de-la-licorne-militaire/
(2) “Ouattara face à son destin”, http://www.sencontinent.com/ouattara-face-a-son-destin/
(3) Remarks by Secretary of State Clinton After Meeting with House Speaker John Boehner Monday, 14

Chính phủ Mỹ đã thoát khỏi nguy cơ bị đóng cửa

Cập nhật lúc : 2:41 PM, 09/04/2011
Ông Obama vẫn còn nhiều lo toan với nền kinh tế Mỹ.
(VOV) - Lãnh đạo quốc hội Mỹ và Tổng thống B. Obama đã đạt được thỏa thuận về Dự luật cấp ngân sách cho chính quyền Mỹ năm 2011.

Thoả thuận này đạt được chỉ trước 1 tiếng đồng hồ khi Chính phủ Mỹ chính thức bị đóng cửa vì không có ngân sách hoạt động.
Cuối cùng thì hơn 800.000 công chức làm việc cho chính quyền Liên bang Mỹ đã thở phào vì lo nghỉ việc do Chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã qua. Các cuộc đàm phán gay gắt và liên tục về cắt giảm ngân sách giữa các nghị sỹ Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được kết quả vào những phút cuối cùng trước khi Luật Ngân sách tạm thời hết hạn.
Phát biểu tai cuộc họp báo sau khi đạt được thỏa thuận này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ ông John Boehner nói: “Bản thân tôi rất vui mừng vì Lãnh đạo Thượng viện Mỹ Harry Reid, Nhà Trắng và Hạ viện đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm ngân sách và vẫn duy trì hoat động của Chính phủ”.
Thỏa thuận này đã đặt dấu chấm hết cho các cuộc tranh cãi suốt tuần vừa qua giữa các Nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa và tránh được nguy cơ Chính phủ Mỹ bị đóng cửa trở lại lần đầu tiên sau 15 năm. Thỏa thuận đạt được vào giờ chót đã giúp cho các binh sỹ đang đóng quân tại Iraq và Afghanistan không còn phải lo ngại về cuộc sống gia đình.
Chị Adam - một người vợ của lính Mỹ nói rằng nếu đóng cửa chính phủ đồng nghĩa với nguồn thu nhập của gia đình chị bị chặn đứng. Vợ  binh sỹ Adam cho biết: “Cả gia đình chúng tôi  sống phụ thuộc vào thu nhập của anh Adam. Lương của anh ấy dùng để chi tiền thuê nhà, các dịch vụ công cộng và dùng để nuôi con gái của chúng tôi”.
Theo thông tin ban đầu, Dự Luật về Ngân sách mới này cắt giảm khoảng 40 tỷ USD, con số nhỏ hơn nhiều so với mong muốn của Đảng Cộng hòa nhưng cũng lớn hơn nhiều so với dự kiến của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, để tránh cho việc Chính phủ không phải đóng cửa vào ngày 9/4, các Nghị sỹ Quốc hội Mỹ vẫn phải làm việc hết đêm để thông qua một dự luật tạm thời cấp kinh phí cho Chính phủ Mỹ hoạt động trong vòng 1 tuần tới cho đến khi nào dự luật cuối cùng được Quốc hội Mỹ thông qua, đồng thời Tổng thống Obama ký ban hành./.
Minh Hiển (từ Washington)

UNESCO sẽ kiểm tra thực trạng Hoàng thành trong tháng 6

VnExpress:
Thứ sáu, 8/4/2011, 15:30 GMT+7

Theo Viện trưởng Viện Khảo cổ Tống Trung Tín, tất cả ảnh hưởng đối với di sản đều được UNESCO theo dõi sát sao. Theo kế hoạch, UNESCO sẽ có đợt kiểm tra Hoàng thành vào tháng 6 tới.
> 'Thi công nhà Quốc hội khó tránh ảnh hưởng Hoàng thành'

Trao đổi với VnExpress, Phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín cho rằng sự cố lún nứt đối với khu di tích Hoàng thành Thăng Long được Viện lường trước từ lúc chưa bắt đầu xây dựng nhà Quốc hội. Ngay từ đầu, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng nhà Quốc hội đã được yêu cầu phối hợp để có phương án cụ thể nhằm đảm bảo an toàn đối với di sản.

*Ảnh: Hiện trạng khu khảo cổ bị sụt lún

Theo ông Tín, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình một mặt tiếp nhận những khuyến cáo của Viện Khảo cổ nhưng mặt khác "cứ thế làm".

Ngày 7/4, trong cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục hậu quả, đại diện Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, UBND Hà Nội, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) và Viện Khảo cổ đều có mặt. Nhưng, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội không tới dự.

Viện trưởng Viện Khảo cổ cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ sẽ có văn bản báo cáo, đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng, Bộ Xây dựng về các vấn đề bảo tồn khu di sản này.

Ảnh: Viện Khảo cổ.
Nước bùn tràn lên sau khi khoan làm ảnh hưởng tới di tích. Ảnh: Viện Khảo cổ.

Cũng theo Phó giáo sư Tín, sự cố đối với khu di tích Hoàng thành khiến ông rất lo lắng vì tất cả ảnh hưởng đối với di sản đều được UNESCO theo dõi sát sao. "Tháng 6 tới, UNESCO sẽ kiểm tra đối với di sản Hoàng thành Thăng Long", ông Tín cho biết.

Trong khi đó, theo giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, xây dựng nhà Quốc hội và bảo tồn di sản đều là việc làm cần thiết, phải có phương án đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. "UNESCO đã công nhận danh hiệu, nhưng cũng có thể tước danh hiệu, nếu chúng ta không cẩn trọng", ông Tiêu nói.

Trao đổi với VnExpress, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, dù với lý do gì đi nữa thì đơn vị thi công, Ban quản lý dự án cũng phải tìm mọi biên pháp để bảo vệ di tích bởi điều này đã được quy định bằng các văn bản pháp luật. Để làm được điều này chắc chắn phải cần đến sự góp ý của các nhà kỹ thuật, quản lý.

"Khi đã xảy ra sự cố như vừa rồi, điều cần thiết nhất là các bên liên quan phải ngồi lại với nhau, họp bàn để thống nhất hướng xử lý", ông Thuyết nói.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng bày tỏ quan điểm thay vì lo lắng việc UNESCO tước danh hiệu di sản của Hoàng thành, những người có trách nhiệm liên quan phải tính toán, cân nhắc kỹ trước bất kỳ hoạt động nào có thể tác động tới di sản. "Danh hiệu UNESCO công nhận tuy quý giá nhưng sẽ là nhỏ bé so với việc bảo tồn di tích cho người dân nước mình", ông Thuyết nói.

Theo Viện Khảo cổ học, từ ngày 7/3, việc thi công đào đất xung quanh tường chắn của tầng hầm Nhà Quốc hội đã làm sụt lún dẫn đến việc đổ đoạn giữa bức tường gạch bảo vệ khu phía bắc của di tích. Đồng thời, việc đào máy và khoan hệ neo đã tác động mạnh mẽ làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất của khu di tích ở dọc tuyến tường bao phía bắc.

Từ ngày 23/3, đơn vị thi công tiến hành khoan hệ neo xuyên sang lòng đất của khu di tích tại khu vực phía bắc và đông bắc đã tác động làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất và làm nước bùn hợp chất có polymer tràn vào trong lòng hố khai quật đang được bảo tồn. Tại khu vực phía Đông Bắc (phạm vi hố C3), đơn vị thi công đã dùng máy xúc, khoét sâu xuống tầng đất thời Đại La, đào phá vào các tầng đất thuộc chỉ giới bảo tồn và vượt qua chỉ giới bảo tồn di tích về phía Đông khoảng hơn 4m.

Viện Khảo cổ cho rằng, sự việc này không những đã vi phạm vào chỉ giới của di sản đã được xác định bảo tồn mà còn tiếp tục làm sụt lún đất của khu vực tiếp giáp, làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích kiến trúc quan trọng của thời Lý đã được phát hiện. Tại khu vực đất đào, các chuyên gia nhận thấy có nhiều di vật khảo cổ chưa được thu gom.

Được khai quật năm 2003 với hàng trăm hiện vật quý giá của các vương triều Lý, Trần..., 7 năm sau (1/8/2010) khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trong khi đó, từ tháng 10/2009, Nhà Quốc hội mới được khởi công xây dựng.

Tòa nhà cao 39 mét, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, tổng diện tích sàn trên 60.000 m2, khu vực đỗ xe ngầm quy mô 3 tầng hầm với sức chứa 500 ôtô. Công trình có tổng vốn gần 4.800 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng quý 3 năm 2012.

Phát biểu tại lễ khởi công khi đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cam kết, sẽ kết hợp hài hòa với phương án bảo tồn khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, góp phần tạo dựng một quần thể kiến trúc hiện đại song vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Hưng

Blog của Tổng thống Nga Medvedev bị tấn công

Thông tin công nghệ:

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua (7/4) kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật tiến hành điều tra cuộc tấn công mục diễn đàn trên blog của ông vào một ngày trước đó.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Blog của Medvedev trên mạng xã hội LiveJournal trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công từ chối dịch vụ. "Tôi nhận được rất nhiều lời phàn nàn về chuyện truy cập khi các cuộc tấn công diễn ra trên LiveJournal. Là một người dùng tích cực của LiveJournal, tôi xem những hành động đó là ghê tởm và bất hợp pháp", Tổng thống Medvedev tuyên bố trên blog của mình. "Những gì xảy ra phải được bộ phận quản trị của LiveJournal và các cơ quan thực thi pháp luật xem xét".

Tổng thống Medvedev được biết đến là một người đam mê Internet và vô địch về công nghệ thông tin.

Trang LiveJournal có hơn 4,7 triệu thành viên là người dùng Internet của Nga. Sup Media, công ty sở hữu LiveJournal có trụ sở tại Mátxcơva, cho biết rất "mừng" khi Tổng thống Medvedev chỉ trích mạnh mẽ cuộc tấn công này. "Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra nguồn gốc của các cuộc tấn công và nâng cấp hệ thống để tránh tái diễn vụ việc", Annelies Van Den Belt - giám đốc điều hành Sup Media - cho biết trong một tuyên bố.

Trang web của tờ báo Novaya Gazeta cũng trở thành mục tiêu của cuộc tấn công từ chối dịch vụ ngày hôm qua, chuyên gia diệt virus Alexander Gostev của công ty bảo mật Kaspersky Labs cho đài phát thanh Ekho Moskvy hay. Website của tờ báo không thể truy cập được cho đến tận cuối ngày.

Theo Lao Động

Trojan ZeuS trở lại, smartphone gặp nguy

Nhịp Sống Số - Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 01/03/2011, 10:34

TTO - Sau đợt hoành hành mạnh vào cuối tháng 9 năm ngoái, trojan ZeuS mới "tái xuất" những ngày qua với một biến thể nguy hiểm hơn rất nhiều.

>> FBI tóm kẻ chuyên phát tán thư rác
>> Microsoft đối đầu "thần" ZeuS

Ảnh minh họa: Internet

Mặc dù làn sóng mới tấn công vào smartphone được ghi nhận tại Ba Lan, trực tiếp nhắm đến các khách hàng của Ngân hàng ING nhưng các chuyên gia của Kaspersky Lab cảnh báo những phân tích mới nhất cho thấy khả năng sẽ có đợt tấn công trên quy mô toàn cầu của trojan này.

Cuộc tấn công đầu tiên của dòng trojan này với phiên bản ZitMo xảy ra vào cuối tháng 9-2010. Khi bị tấn công, người dùng được yêu cầu nhập số điện thoại và model của smartphone để cập nhật chứng nhận phần cứng của máy.

Sau đó, một URL với đường dẫn đến địa chỉ cập nhật chứng nhận (thật sự là một trojan chạy trên nền tảng Windows Mobile) được gửi qua tin nhắn SMS đến điện thoại của nạn nhân. Nếu người dùng truy cập vào liên kết này, trojan sẽ tải và cài đặt tập tin độc hại.

Sau khi thâm nhập thành công, một tin nhắn SMS có mã chứng thực mTAN sẽ được âm thầm gửi đến số điện thoại di động của tin tặc, tạo điều kiện cho các hoạt động đánh cắp thông tin sau này.

Biến thể mới xuất hiện lần này càng nguy hiểm hơn vì có khả năng chạy trên một số hệ điều hành phổ biến như trojan-Spy.Win32.Zbot.bbmf cho Windows, trojan-Spy.SymbOS.Zbot.b cho Symbian và trojan-Spy.WinCE.Zbot.a cho Windows Mobile.

Theo đó, các phiên bản mới này có cùng một cấu trúc và chức năng tương tự phiên bản gốc. Thậm chí ở tất cả các đợt tấn công mà Kaspersky Lab ngăn chặn, các thông tin bị đánh cắp đều được gửi đến cùng số điện thoại ở Anh, tương tự cuộc tấn công cuối năm 2010.

Đợt tấn công đầu tiên của trojan ZeuS cho thấy giới tội phạm mạng tiếp tục mở rộng hoạt động đến những nền tảng mới và các khu vực mục tiêu mới, cụ thể là đánh cắp các mã chức thực mTAN.

Tuy nhiên đợt tấn công thứ 2 chứng minh rằng tin tặc đã tìm thấy hiệu quả cao trong các cuộc tấn công và tiếp tục phát triển, mở rộng phương thức tấn công vào các hệ điều hành khác. Hiện các chuyên gia của Kaspersky Lab đang nghiên cứu hoạt động này và sẽ cập nhật những thông tin mới trong thời gian sớm nhất.

ĐỨC THIỆN (Theo Kaspersky Lab)

NATO từ chối xin lỗi vụ bắn nhầm quân nổi dậy Libya

Thế giới - Dân trí:
Thứ Sáu, 08/04/2011 - 17:42

(Dân trí) - NATO hôm nay đã từ chối xin lỗi về vụ tấn công nhầm vào xe tăng của quân nổi dậy ở miền đông Libya một ngày trước đó, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
>> NATO lại giết nhầm 13 quân nổi dậy Libya

NATO thừa nhận có vẻ như 2 vụ không kích của họ ngày 7/4 đã khiến một số binh sỹ nổi dậy thiệt mạng, nhưng họ sẽ không xin lỗi về vụ việc.
Thông tin trước đó của các bác sỹ cho hay ít nhất 13 binh sỹ nổi dậy đã thiệt mạng.
Lực lượng nổi dậy đã phản ứng rất giận dữ đối với vụ không kích vào xe tăng của họ gần thành phố miền đông Ajdabiya.
Tuy nhiên, các chỉ huy của quân nổi dậy lại xoa dịu khi nói rằng vụ việc không tổn hại đến quan hệ với lực lượng liên quân.
Phát biểu tại Naples, thiếu tướng hải quân Harding miêu tả tình hình giữa thị trấn Ajdabiya và Brega, nơi vụ tấn công xảy ra “rất mong manh”, với xe “rút lui rồi lại tiến lên”.
Ông cho biết xe tăng của lực lượng chính phủ Libya, trước đó đã “nhắm vào thường dân” ở thị trấn Misrata, cũng ở trên cùng đoạn đường với xe tăng của quân nổi dậy. Và vào thời điểm đó, NATO không biết quân nổi dậy đã bắt đầu điều xe tăng đến.
“Có vẻ như 2 cuộc không kích ngày hôm qua của chúng tôi đã khiến một số binh sỹ nổi dậy thiệt mạng”, ông cho biết. “Nhưng tôi sẽ không xin lỗi”.
“Tình hình trên mặt đất, như tôi đã nói, rất mong manh và sẽ vẫn vô cùng mong manh. Cho tới ngày hôm qua, chúng tôi không có thông tin rằng...lực lượng nổi dậy sử dụng xe tăng”.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ dân thường. Trước đó, xe tăng đã được dùng để tấn công thẳng vào dân thường”.
Phan Anh
The BBC
BBC Vietnamese:
Cập nhật: 22:59 GMT - thứ năm, 7 tháng 4, 2011
Phe phiến quân nói Nato đã không kích nhầm vào một đoàn xe của họ ở khu vực giữa thị trấn Ajdabiya và Brega.

Viên chỉ huy các lực lượng nổi dậy của Libya nói Nato đã xin lỗi về vụ bắn nhầm vào một đoàn xe tăng của phiến quân ở thị trấn Ajdabiya ở miền đông nước này.

Phe nổi dậy nói có năm người thiệt mạng, trong khi các bác sĩ ở Ajdabiya nói với BBC ít nhất 13 tay súng đã bị giết chết trong vụ không kích.

Phóng viên BBC Wyre Davies tường thuật cảnh hỗn loạn ở vùng ngoại ô Ajdabiya, nơi lực lượng nổi dậy phải rút lui.

Đây là vụ bắn nhầm thứ ba trong những ngày gần đây, liên quan đến lực lượng quốc tế được triển khai nhằm bảo vệ dân thường Libya.

Một chỉ huy phe nổi dậy nói với BBC rằng ông đã nhìn thấy ít nhất bốn quả tên lửa rớt xuống chỗ các phiến quân.

Ông nói ngoài những người thiệt mạng còn có nhiều người khác bị thương.

Được biết hàng ngàn dân thường đã bỏ chạy khỏi Ajdabiya sau khi có tin đồn rằng lực lượng ủng hộ ông Gaddafi chuẩn bị tấn công thành phố.

Trong khi đó, một chiếc tàu cứu trợ khẩn cấp mang theo thực phẩm và thuốc men y tế đã tới thành phố Mistara, nơi các phiến quân đang bị vây khốn, ở phía tây Libya.

Phe nổi dậy tức giận

Các phiến quân bị bắn trúng trong cuộc không kích khi đó đang di chuyển trên một nhóm xe tăng, xe bọc thép và xe gắn bệ phóng tên lửa ở khu vực gần chiến tuyến, nằm giữa các thị trấn Ajdabiya và Brega.
Phóng viên BBC nói phe nổi dậy đã rất tức giận về những gì đã xảy ra, tuy có vẻ như sự cố xảy ra là do sai lầm tai hại.

Họ đặt câu hỏi tại sao các đơn vị phiến quân lại bị bắn trúng, trong lúc rõ ràng là người ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng là họ đang tiến về hướng tây, đi về phía chiến tuyến.

Các lực lượng nổi dậy trong khu vực đã bắt đầu rút lui vào hôm thứ Tư, sau khi bị phe chính phủ oanh kích nặng nề.

Họ đã kêu gọi NATO tiến hành không kích nhiều hơn nữa trong những ngày gần đây.

NATO cho biết họ đang điều tra vụ việc, và nói rằng khu vực nơi xảy ra vụ tấn công là "không rõ ràng, đầy các vũ khí cơ giới di chuyển theo các hướng khác nhau".

Trong khi đó, một phát ngôn viên khác của phiến quân cho biết vụ không kích chết người hôm thứ Năm là do lực lượng ủng hộ chính phủ thực hiện chứ không phải là Nato.

"Đây không phải là vụ không kích của Nato, trái lại, nó đã được thực hiện bởi các lữ đoàn của Gaddafi, với máy bay SIAI Marchetti SF-260," Đại tá Bani Ahmad nói với kênh truyền hình al-Arabiya.

Chú bò muốn làm ngựa

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 08/04/2011, 15:11 (GMT+7)

TTO - Phụ huynh của Regina Mayer, một cô bé người Đức, nhất quyết không đồng ý cho con gái được sở hữu một con ngựa. Nhưng cô bé thì không từ bỏ mong muốn được cưỡi trên lưng một con vật bốn chân dạo chơi. Thay vì buồn rầu, cô bé 15 tuổi đã miệt mài huấn luyện cô bò Luna cách trở thành một… con ngựa.

Mayer và chú bò Luna

Sau nhiều năm, Regina Mayer đã huấn luyện Luna các màn phi, nhảy thuần thục như một chú ngựa. Luna cũng có một bộ yên cương để Mayer ngồi lên và biết nghe các hiệu lệnh như: chạy, phi nhanh.

Đổi lại, cô bò cũng thích được vuốt ve, cưng nựng, khen thưởng giống như các chú ngựa. Mayer thậm chí tìm đến một chuyên gia về bò ở Thụy Sĩ để giúp tư vấn những khi cô bò Luna bỗng trở nên bướng bỉnh, không chịu làm những gì cô chủ nhỏ yêu cầu.

Mayer bắt đầu huấn luyện Luna 2 năm trước, một thời gian rất ngắn sau khi cô bò được sinh ra trong nông trại của gia đình. Cả hai đã trở thành bạn tâm giao và thường ở bên nhau mỗi buổi chiều.

HỒNG VÂN ( theo AP)

Khắc phục sự cố sụt lún tại Hoàng thành Thăng Long

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 9:41 PM, 08/04/2011

Việc khắc phục sự cố sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới di sản

Ngày 8/4, TS Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội cho biết, sau sự cố sụt lún tường ngăn khu bảo vệ di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm đã làm việc với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội, Cục Di sản, Viện khảo cổ, Hội đồng Di sản Quốc gia nhằm khắc phục sự cố này.

Bức tường bị đổ ngày 7/3 được chống đỡ tạm. (Ảnh: VNE)

Theo các bên liên quan, việc khắc phục sự cố là một nhiệm vụ cấp bách, cần làm khẩn trương để bảo vệ di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận; đồng thời đi đến thống nhất lập hàng rào bảo vệ giữa khu di sản và khu thi công dự án nhằm ngăn cách hai bên.

Đơn vị thi công cũng đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và việc khắc phục sẽ do đơn vị thi công Dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội đảm nhiệm./.

TTXVN


laodong.com.vn

Hoàng thành Thăng Long: Có nguy cơ không còn nguyên vẹn?

Thứ Sáu, 8.4.2011 | 09:31 (GMT + 7)

Ông Nguyễn Văn Anh - thư ký dự án Hoàng thành Thăng Long - cho biết xuất hiện hiện tượng sụt lún tại một số hố khai quật thuộc khu C và D của di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Khoan hệ neo đã làm phá vỡ cấu trúc tầng đất và đẩy nước bùn chứa polymer tràn sang di tích, phủ trùm lên di tích đang xuất lộ và bảo tồn tại khu vực phía bắc thuộc phạm vi hố D4 - D5.

Vì vậy, chiều 7.4, Ban Quản lý di tích Cổ Loa thành cổ - đơn vị chủ quản, trực tiếp quản lý Hoàng thành Thăng Long đã tổ chức một cuộc họp nhằm tìm giải pháp hữu hiệu bảo tồn tính toàn vẹn của khu di sản.

Ông Nguyễn Văn Anh cũng cho biết, sở dĩ có hiện tượng trên là do việc thi công nhà Quốc hội ở ngay bên cạnh. Ban đầu, việc ảnh hưởng này chỉ ở mức độ nhẹ, mức độ sụt lún và lượng bùn chảy sang chưa trầm trọng, nhưng từ cách đây đúng một tháng - ngày 7.3, sự ảnh hưởng này ngày càng nghiêm trọng. Hiện, việc đào đất quanh tường chắn của tầng hầm nhà Quốc hội đã làm sụt lún đất, dẫn đến việc đổ sập đoạn giữa bức tường gạch bảo vệ khu vực phía bắc khu di tích - phần giáp ranh với khu vực hố D4 và D6.

Đặc biệt, từ ngày 23.3, khi đơn vị thi công khoan hệ neo xuyên sang lòng đất của khu di tích tại khu vực phía bắc và đông bắc đã làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất và làm nước bùn hợp chất có polymer tràn vào trong lòng hố khai quật đang được bảo tồn. Tại khu vực phía đông bắc - phạm vi hố C3, máy xúc bên đơn vị thi công đã khoét sâu xuống tầng đất thời Đại La, đào vượt qua chỉ giới bảo tồn di tích về phía đông khoảng hơn 4m. Sự việc này không những đã vi phạm vào chỉ giới của di sản đã được xác định bảo tồn mà còn tiếp tục làm sụt lún đất của khu vực tiếp giáp, đặc biệt là làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích kiến trúc quan trọng của thời Lý đã được phát hiện tại khu vực này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, đại diện của BQL dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội lại vắng mặt. TS Bùi Minh Trí - GĐ Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, Phó Chủ nhiệm dự án Hoàng thành Thăng Long - cho biết: Ngay sau đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - thành cổ sẽ có văn bản báo cáo và đề nghị UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo xây dựng nhà Quốc hội, Bộ Xây dựng về các vấn đề bảo tồn khu di sản nói trên.

Đồng thời, đề nghị tổ chức gấp các cuộc họp ở cấp cao để tìm giải pháp khắc phục ngay hậu quả và đưa ra những biện pháp xử lý lâu dài, đảm bảo tính hiệu quả cao cho việc bảo tồn tính toàn vẹn của di sản. Được biết, theo kế hoạch, tháng 6 này, Tổ chức UNESCO thế giới sẽ đến VN để đánh giá, kiểm tra lại di sản sau một năm được công nhận là di sản chung của nhân loại.

T.Hoàng

Nga quyết tâm xây căn cứ trên mặt trăng

VnExpress:
Thứ sáu, 8/4/2011, 15:42 GMT+7
Matxcơva sẽ xây dựng căn cứ trên mặt trăng trong vòng hai thập kỷ tới để chuẩn bị cho việc thám hiểm sao Hỏa.
Mặt trăng có thể cung cấp nước và năng lượng cho các chuyến bay thám hiểm sao Hỏa trong tương lai. Ảnh: universetoday.com.
Mặt trăng có thể cung cấp nước và năng lượng cho các chuyến bay thám hiểm sao Hỏa trong tương lai. Ảnh: universetoday.com.

Telegraph cho biết, Thủ tướng Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp về chương trình vũ trụ của Nga hôm 7/4. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh người dân Nga chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày nhà du hành Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.

Những tài liệu mà chính phủ Nga công bố với báo giới trước cuộc họp cho thấy Matxcơva quyết tâm đưa chương trình thám hiểm vũ trụ quay trở lại thời hoàng kim giống như thời Xô viết.

"Chúng tôi đang nói về những chuyến bay lên mặt trăng và việc lập một căn cứ gần cực bắc của nó, nơi có thể chứa nguồn nước. Việc lập căn cứ có thể thực hiện được trước năm 2030. Tàu vũ trụ có người lái sẽ có thể được phóng lên sao Hỏa trong thập niên 30 của thế kỷ này", các tài liệu nhấn mạnh.

Giới khoa học Nga nhận định mặt trăng chứa một lượng lớn khí heli 3 - một đồng vị của heli và có khả năng tạo ra năng lượng.

Kremlin sẽ tận dụng lễ kỷ niệm vào ngày 12/4 để cổ vũ tinh thần yêu nước của người dân Nga. Ông Putin nói Nga đã là một cường quốc vũ trụ. Hiện tại Nga thực hiện tới 40% số vụ phóng tàu và vệ tinh nhân tạo vào không gian. Nhưng Thủ tướng Nga nói đất nước này có thể làm được nhiều hơn thế.

"Tôi nghĩ chúng ta có thể tăng tỷ lệ số vụ phóng thêm 5% hoặc thậm chí 10% trong tương lai", ông nói.

Chính phủ Nga đang rót nhiều tiền hơn vào chương trình vũ trụ với kế hoạch xây một sân bay vũ trụ mới và thiết kế thế hệ phi thuyền hiện đại hơn.

Minh Long

Lại động đất mạnh ở Nhật Bản, hơn 100 người bị thương

An ninh Thủ đô - Quốc tế
Thứ Sáu, 08/04/2011, 16:57

(ANTĐ) - Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho hay, đêm 7-4, Sendai, tỉnh Miyagi cùng nhiều nơi khác ở đông bắc Nhật Bản đã hứng chịu trận động đất 7,4 độ richter. Ít nhất 3 người đã chết, 100 người bị thương trong khi dự báo sẽ có thể còn các dư chấn khác.

Động xảy ra vào khoảng 23h, tâm chấn đo được nằm ở độ sâu 40km dưới đáy biển ngoài khơi tỉnh Miyagi. Theo báo cáo sáng nay 8-4, ít nhất 3 người đã chết: Một là bệnh nhân nữ 63 tuổi ở tỉnh Yamagata qua đời do máy hô hấp nhân tạo ngừng hoạt động do mất điện; hai cụ già 79 và 85 tuổi khác thiệt mạng là cư dân tỉnh Myagi – nơi vừa bị động đất, sóng thần tàn phá.

Kênh truyền hình NHK đưa tin, khoảng 100 người đã bị thương, một số nơi xảy ra cháy và rò rỉ gas. Hệ thống điện lưới phân phối cho khoảng 4 triệu hộ dân ở Sendai cũng bị ngắt tạm thời.

Cơ quan khí tượng nước này đã đưa ra cảnh báo sóng thần ở khu vực bờ biển tỉnh Miyagi cùng với khuyến cáo sơ tán tại khu vực ven biển đông bắc từ Aomori tới Ibaraki nhưng cảnh báo đã được dỡ bỏ 80 phút sau đó. Cơ quan này tiếp tục cảnh báo có thể sẽ có dư chấn mạnh sau trận siêu động đất tháng trước.

space="3" />

Trong khi đó, theo thông tin từ Cơ quan hạt nhân Nhật Bản ngày 8-4, động đất hôm qua làm rung chuyển vùng đông bắc nước này đã khiến nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi bị vô hiệu hóa đường cấp điện từ bên ngoài. Hệ thống làm mát tại 3 lò phản ứng đã sử dụng này có lúc bị gián đoạn nhưng ngay sau đó đã khắc phục được. Lượng phóng xạ quanh nhà máy cũng ở mức bình thường.

Một số nhà máy điện hạt nhân khác ở tỉnh Aomori và tỉnh Ibaraki cũng có báo cáo mất đường cung cấp điện do ảnh hưởng của động đất nhưng không có thông báo bất thường. Tất cả các nhà máy này đã ngừng hoạt động sau thảm họa động đất – sóng thần hôm 11-3.

Đức Anh

Theo NHK/AFP


Dantri: Thứ Bẩy, 09/04/2011 - 08:02

(Dân trí) - Một tháng trôi qua kể ngày động đất, sóng thần đổ thảm họa xuống đất Nhật, các hoạt động ủng hộ nước bạn vẫn ngày ngày tiếp diễn. Cùng cảnh thường xuyên đối mặt với thiên tai, mỗi người Việt tự nguyện chia sẻ từ tấm lòng với nỗi đau của người dân Nhật Bản.
“Tôi có người bạn chết ở tuổi 20 vì một cơn sóng dữ. Người bạn khác bị cột nhà sụp đè ngang cột sống trong cơn bão Chanchu đổ vào Đà Nẵng mấy năm trước khiến phải ngồi xe lăn ở độ tuổi sung sức nhất của đời người. Tôi sinh ra ở mảnh đất năm nào cũng oằn mình gánh chịu thiên tai, chứng kiến nhà mình bị tốc mái, gãy đổ không ít lần, những cú điện thoại lúc nửa đêm bao giờ cũng khiến giật mình thon thót. Nên thấy thương quá những giọt nước mắt câm lặng của người Nhật những ngày này” - bạn trẻ Thu An viết trên blog cá nhân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi sổ tang tưởng nhớ nạn nhân động đất tại ĐSQ Nhật Bản

Sự đồng cảm với nhân dân Nhật Bản được cụ thể bằng những hành động từ cấp độ nhà nước tới mỗi cá nhân. Ngay sau khi nghe tin thảm họa, các cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao đã gửi điện thăm hỏi nước bạn. Ngày 17/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ cũng trực tiếp tới Đại sứ quán Nhật Bản, ghi sổ tang tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa kép.

Thủ tướng bày tỏ sự cảm phục chân thành trước lối sống kỷ luật, bình tĩnh, kiên cường ngay trong thảm họa khốc liệt của người dân Nhật Bản và khẳng định Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa có thể để giúp nước bạn vượt qua khó khăn. Việt Nam sẵn sàng cử cán bộ y tế sang Nhật góp phần khắc phục hậu quả động đất, sóng thần.

Trước đó, 13/3, 2 ngày sau trận động đất, sóng thần, Chính phủ đã quyết định gửi ngay 200.000USD hỗ trợ nước bạn. Trong khả năng, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thuốc men, quần áo, than đá, lương thực… cho Nhật Bản.

Chính phủ cũng nhất trí để Hội Chữ thập đỏ kêu gọi người dân cả nước quyên góp, hỗ trợ, chia sẻ với người những người bạn chung “dòng máu đỏ da vàng” đang gồng mình khôi phục cuộc sống, tái thiết đất nước sau thảm họa.
Từ cộng đồng mạng tới các tổ chức, cá nhân đều gửi tới đất nước của Đôrêmon tình cảm chân thành

Hưởng ứng lời kêu gọi của TƯ Hội, các hoạt động vận động, gây quỹ đã nhận sự ủng hộ tự nguyện, nhiệt tâm của các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước. Từ phong trào thắp nến, đặt avatar “Pray for Japan” cầu nguyện cho các nạn nhân trên các mạng xã hội tới nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức đều với mục đích phi lợi nhuận, kêu gọi cộng đồng người Việt chia sẻ nỗi đau với các bạn Nhật Bản.

Ca sỹ Mỹ Tâm ủng hộ 100 triệu đồng để khơi phong trào tới bạn bè trong giới nghệ sỹ, các nhà tài trợ. Cô ca sỹ xuất thân từ mảnh đất miền Trung khắc nghiệt cảm động kể chuyện 2 cháu nhỏ, con trai, con gái cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền không ngần ngại vét sạch số tiền gần 10 triệu đồng dành dụm được chia sẻ với những người bạn xa xôi, còn kém may mắn hơn mình, có thể đã mất cả bố mẹ, gia đình trong trận động đất.

Tất cả các khoản tiền vận động quyên góp đã được chuyển kịp thời đểa hỗ trợ nước bạn. Đến hết ngày 26/3, TƯ Hội Chữ thập đỏ đã tiếp nhận trên 21 tỷ đồng, đã chuyển tới các nạn nhân động đất, sóng thần thông qua Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản số tiền 400.000USD. Mới đây nhất, UBND Tp. Hà Nội cũng đã chuyển 100.000 USD (tương đương 2,1 tỷ đồng) giúp người dân khôi phục cuộc sống, bắt đầu tái thiết đất nước.

Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đánh giá cao và khẳng định số tiền nhân dân Việt Nam gửi ủng hộ là một trong các khoản ủng hộ đầu tiên từ nước ngoài dành cho các nạn nhân động đất, sóng thần.

Tính đến thời điểm này, UBTW Mặt trận tổ quốc cũng đã 2 lần kết chuyển, tổng cộng 1 triệu USD tới người dân đất nước mặt trời mọc.

Hoạt động ủng hộ hiện vẫn tiếp tục với chương trình nhắn tin thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia duy trì đến 24h ngày 15/4/2011. Mỗi tin nhắn gửi về tổng đài 1403 và 1404 tương đương với số tiền ủng hộ 6.000đ và 16.000đ.

Các nghệ sỹ tham gia đấu giá từ thiện, quyên góp ủng hộ người dân Nhật trong đêm nhạc "Mặt trời mọc"
Mỗi khoản đóng góp nhỏ bé đều là tình cảm rất chân thành, là hành động nhường cơm xẻ áo đong đầy nghĩa tình của người dân một nước còn nghèo, còn nhiều khó khăn. Thấy thật thấm tâm sự của các nghệ sỹ tham gia biểu diễn trong đêm nhạc “Mặt trời mọc” tổ chức đêm 5/4 vừa qua tại Nhà văn hóa Học sinh sinh viên để gây quỹ ủng hộ người dân Nhật Bản.

“Có người nói, nước Nhật giàu có, họ sẽ khắc phục hậu quả rất nhanh, bởi vậy việc đóng góp chút tiền của mình có thể là quá nhỏ bé. Nhưng ý nghĩa việc làm của chúng ta hôm nay không chỉ là được bao nhiêu tiền ủng hộ mà để những nạn nhân Nhật Bản thấy rằng họ không hề đơn độc trong cuộc giành giật sinh tử và đứng lên sau thảm họa”.

Một đêm diễn thật ý nghĩa, từ việc các bạn sinh viên dành khoản tiền không nhỏ 100.000đ mua vé tới tất cả nghệ sỹ biểu diễn không thù lao đều cố gắng góp công sức, chia tình cảm với đất nước của hoa anh đào.

Và giai điệu bài hát viết riêng cho những nạn nhân sau thảm họa trong Pray for Japan - We are all one của tác giả Dominic Petzold Chúng tôi sẽ dõi theo bạn / Các bạn không đơn độc đâu như những đốm lửa nhỏ, những ấm áp san sẻ để kéo gần hơn những tấm lòng, tình người không biên giới…

PV