Những con số đáng ngại về hoạt động của 'teen' trên internet

Những con số đáng ngại về hoạt động của 'teen' trên internet
Cập nhật lúc :7:00 AM, 25/06/2010
Hãng bảo mật McAfee vừa tiết lộ các con số đáng lưu ý sau khi tiến hành cuộc khảo sát với chủ đề “Bí mật tuổi Teen” và cho biết có khoảng một nửa số thiếu niên sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân cho người lạ trên mạng.

Cuộc khảo sát được tiến hành trực tuyến trong ngày 4-17/5/2010 qua 955 người Mỹ độ tuổi 13-17 (bao gồm 593 người có tuổi 13-15 và 362 người có tuổi 16-17) cho thấy những con số báo động đối với các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi này.

Giật mình với sự vô tư của teen nữ

"Bảo vệ trẻ không chỉ đơn thuần là nói cho chúng về sự nguy hiểm của chất cồn hoặc cách đối xử với những kẻ hay bắt nạt ở trường học. Bản báo cáo này làm thức tỉnh tôi trước những nguy hiểm thực sự mà bọn trẻ phải đối mặt khi chúng online. Là một người mẹ, tôi thực sự lo lắng cho sự an toàn của chúng”, Tracy Mooney, mẹ của ba đứa trẻ và là người phụ trách An ninh mạng của McAfee nói.

Theo cuộc điều tra của McAfee, 69% thiếu niên 13-17 tuổi thường chia sẻ thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Những thông tin cá nhân đó bao gồm: tên, email, ảnh và số điện thoại.

Hoạt động của trẻ em trên internet đang đối mặt một số nguy cơ từ lây nhiễm virus máy tính tới những xâm hại ngoài cuộc sống thực.

Điều đáng chú ý là 28% thiếu niên vô tư nói chuyện với những người mà họ không quen biết trong thế giới ảo. Đặc biệt, đối tượng vô tư nhất lại là các cô gái (32%). Con số này ở nam giới là 24%. Trong đó, có đến 16% nữ giới miêu tả hình dáng của mình. "Một trong những bài học đầu tiên mà những đứa trẻ được cha mẹ chúng dạy là không nói chuyện với người lạ, nhưng trong thế giới ảo chúng lại thiếu cảnh giác”, Mooney nói.

Phụ huynh khó quản lý con cái trên mạng

Trong bối cảnh đó, các bậc phụ huynh dường như chưa có cách hữu hiệu cân bằng lợi ích với những rủi ro rình rập trên internet. Ngày nay, thiếu niên có rất nhiều lựa chọn để truy nhập mạng. “Gần như không thể kiểm soát được bọn trẻ khi chúng vào mạng. Cách để máy tính trong phòng khách dường như không còn tác dụng nữa, bạn phải giáo dục bọn trẻ tự ý thức trong khi chúng truy nhập mạng ở bên ngoài hoặc bằng điện thoại của chúng, những nơi ngoài sự giám sát của người lớn”, Mooney nói.

Theo điều tra của McAfee, 87% thanh thiếu niên truy nhập internet ở bên ngoài, 54% truy nhập mạng ở nhà bạn hoặc họ hàng. Đặc biệt, 30% truy nhập web qua điện thoại, đây là kết quả của sự bùng nổ công nghệ 3G và điện thoại thông minh.

Thêm vào đó, khoảng 45% thanh thiếu niên không kể cho bố mẹ biết những gì chúng làm khi online và chúng sẽ thay đổi hành vi online nếu chúng biết bố mẹ đang nhìn (36%). Bọn trẻ thường cố gắng giấu giếm hành vi online bằng cách đóng hoặc thu nhỏ trình duyệt khi bố mẹ chúng vào phòng, xóa lược sử trình duyệt (history) trước khi tắt máy tính.

Hành vi của thiếu niên trên mạng có thể gây hại

Trong khi một bộ phận thiếu niên sử dụng internet để học tập và trao đổi với bạn bè thì có một số xem và tải các chương trình, tài liệu có thể dẫn đến nguy hiểm làm cho máy tính gia đình gặp rủi ro.

Hơn 1/4 số đối tượng vô tình làm máy tính nhiễm virus, spyware hoặc phần mềm độc hại khác xâm nhập vào máy tính gia đình. Gần một nửa (46%) thừa nhận tải nhạc và hình ảnh từ các trang miễn phí, nơi có khả năng chứa virus, spyware và các mã độc sẽ phá hủy máy tính gia đình. Đặc biệt, 16% nam thiếu niên trong độ tuổi 16-17 tải nội dung dành cho người lớn.

Mooney nói: “Giống như tôi, hầu hết các ông bố bà mẹ đều nghĩ rằng có thể kiểm soát được hành vi online của những đứa trẻ. Bản báo cáo này chỉ rõ, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn để giúp trẻ có những hành vi đúng đắn khi online và giáo dục chính là chìa khóa”.

Xuân Kiên (theo McAfee)

Phu-huynh-tiep-tay-tham-nhung-trong-giao-duc

15:35 | 28/05/2010
Phụ huynh 'tiếp tay' tham nhũng trong giáo dục

TPO - Mặc dù biết các khoản thu là không đúng quy định nhưng phụ huynh vẫn sẵn sàng nộp, sẵn sàng chi tiền để xin cho con vào trường điểm, cho con đi học thêm để được sự ưu ái của giáo viên…

Để con được học trái tuyến, có tới 58,5% phụ huynh phải nhờ người giúp đỡ...

Theo kết quả khảo sát "Thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục” của Thanh tra Chính phủ công bố sáng nay, ngày 28/5, tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Thụy Điển và các nhóm tài trợ tổ chức, tham nhũng trong giáo dục chủ yếu là “tham nhũng nhỏ.”

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chính quan điểm này đã làm cho xã hội ít quan tâm và làm gia tăng tình trạng tiêu cực trong lĩnh vực này.

Những nghịch lý

Cuộc khảo sát được thực hiện trên ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tập trung vào ba vấn đề: Tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm học thêm và các khoản phí ngoài quy định.

Một nghịch lý rất dễ nhận thấy từ kết quả khảo sát là mặc dù phải chi rất nhiều tiền cho các khoản ngoài quy định như chạy trường, học thêm, các loại quỹ trường, quỹ lớp… nhưng đa số phụ huynh lại cho đây là điều… bình thường.

Cụ thể, để con được học trái tuyến, có tới 58,5% phụ huynh phải nhờ người giúp đỡ, trong đó rất nhiều người phải chịu tốn kém chi phí. Nhưng có tới 67% bậc cha mẹ nói việc phải bỏ tiền để xin cho con vào trường tốt là bình thường.

Các phụ huynh cũng cho biết, khoản học phí theo quy định ở cấp tiểu học trung bình là 382.000 đồng và bậc trung học cơ sở là 422.000 đồng, nhưng tổng các khoản ngoài học phí (gồm chi đóng góp xây dựng trường, các quỹ của trường, quỹ lớp, đồng phục, sách giáo khoa, quỹ hội phụ huynh học sinh) lên đến trên 1,5 triệu, gấp gần 4 lần học phí.

Mặc dù phải “cõng” nhiều khoản ngoài luồng nhưng có tới 44% phụ huynh quan niệm việc nhà trường thu thêm các khoản ngoài quy định là bình thường, 58% người cho biết nhiều người quen của họ cũng nộp các khoản trường thu ngoài quy định. Ngoài ra, khi được hỏi có lời khuyên gì với một người bạn của mình có con đi học, gần 54% phụ huynh nói nên tích cực đóng góp thêm các quỹ cho nhà trường.

Tương tự, trong vấn đề dạy thêm học thêm, kết quả khảo sát khá "thú vị" khi có tới 44,2% học sinh học lực loại giỏi nhưng vẫn ngày ngày đến trường học thêm. Tỷ lệ học sinh giỏi tham gia học thêm các lớp do thầy cô tổ chức riêng lên tới 48,5%. Trong khi đó, chỉ có 25% học sinh kém tham gia các lớp này. Để bổ sung kiến thức, 50% học sinh học lực kém chọn cách học thêm bên ngoài.

Trung bình mỗi tháng, một học sinh của khu vực thành thị chi gần 500.000 đồng cho học thêm. Thừa nhận tiền học thêm của con khá tốn kém và trên 44% các em đạt học sinh giỏi nhưng có tới gần 82% phụ huynh cho rằng việc nhà trường và các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm là chuyện bình thường.

“Chúng ta quá dễ dãi chấp nhận tiêu cực”

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, chính phụ huynh cũng đã góp phần thúc đẩy tham nhũng trong giáo dục. Những quan điểm, suy nghĩ của họ cũng cho thấy niềm tin về đào tạo chính thống đã bị lung lay khi họ cho rằng chỉ học chương trình chính thống thôi chưa đủ và sẵn sàng đóng góp các khoản phí ngoài quy định vì sợ con sẽ bị phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó là hiệu ứng tâm lý đám đông, khi tất cả mọi người đều chấp nhận các khoản thu ngoài luồng, chấp nhận cho con đi học thêm dù nhu cầu không thực sự cần, thì không ai dám đứng ra phản đối, thậm chí còn khuyên, kéo theo người khác cùng chấp nhận như mình. “Điều này đã làm nên vòng luẩn quẩn của sự lan tỏa xã hội về các tham nhũng trong giáo dục,” ông Hùng nói.

Cùng quan điểm này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ: “Chúng ta cho rằng những tham nhũng trong ngành giáo dục không nổi cộm còn phụ huỵnh vẫn sẵn sàng trích ra một phần kinh tế để chi trả cho con học. Chính cách suy nghĩ và hành động này đã làm trầm trọng hơn tình trạng tham nhũng.”

Sách giáo khoa và xây dựng trường là nghiêm trọng nhất

Lãnh đạo của Thanh tra chính phủ đã chỉ ra nhiều hình thức tham nhũng trong hệ thống giáo dục nước ta. Cụ thể gồm: Dạy thêm, học thêm, công tác tuyển sinh đầu cấp, trong việc thi học sinh giỏi; trong việc chuyển trường, chuyển lớp; tuyển sinh trái tuyến; mở trường, mở ngành; thực hiện các khoản thu đầu năm, đầu cấp; thi, kiểm tra, đánh giá,..

Bà Marie Ottosson, Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhận định: tham nhũng trong đấu thầu sách giáo khoa và xây dựng trường học là nghiêm trọng nhất. Đây là kết quả dựa theo nghiên cứu sơ bộ mới đây của Tổ chức Hướng tới minh bạch (TI) tại Việt Nam.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra chính phủ cho rằng, hầu hết các gói thầu mua sắm thiết bị dạy học chủ đầu tư không lập dự toán cho việc sử dụng thặng phí, chi sai mục đích giá trị tỷ lệ phí (thặng số) tối đa đều đưa vào giá gói thầu nhưng các Sở GD&ĐT không lập dự toán chi tiết cho các nội dung trong lệ phí.

Cũng theo báo cáo nghiên cứu định tính giai đoạn 1 của Tổ chức Hướng tới minh bạch cho hay, kết quả phỏng vấn 46 đối tượng đến từ đại diện các cơ quan giáo dục, các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh cho thấy tham nhũng có thể tồn tại ở các loại hình sau trong lĩnh vực giáo dục: các dự án đầu tư phát triển, mua sắm công, xuất bản và phân phối sách giáo khoa, phân bổ giáo viên đứng lớp, chấm điểm và cho đỗ trong kỳ thi, tuyển sinh,giảng dạy thêm và thu phụ phí,...

Giáo dục : "Miếng mồi" hấp dẫn cho tham nhũng

Các chuyên gia chỉ ra rằng giáo dục Việt Nam là lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, vì đầu tư cho giáo dục thường đứng thứ nhất trong ngân sách nhà nước (khoảng 15-20% Ngân sách nhà nước), trở thành một "miếng mồi" hấp dẫn.

Hơn thế, một số lượng đáng kể ngân sách giáo dục đang được sử dụng ở mức thấp, rải rác ở các nơi và ở nhiều đơn vị. Các đơn vị này thường có hệ thống kế toán và giám sát còn yếu. Hệ thống cơ sở giáo dục được bao phủ từ trung ương xuống địa phương; tồn tại một cơ cấu dễ nảy sinh cơ chế xin cho và bị bóp méo.

Thứ trưởng Bộ GD-DDT Trần Quang Quý và Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Ngô Mạnh Hùng đều thừa nhận, một số hành vi tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục tuy không phổ biến, thiệt hại về kinh tế không nhiều, song đã gây nên hậu quả xấu về nhiều mặt, phần nào làm giảm uy tín của ngành cũng như uy tín và danh dự của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở giáo dục, tạo nên những vật cản trong quá trình phát triển của giáo dục nước nhà như: mua bằng, bán điểm trong giáo dục ĐH, giáo dục nghề; mua bán chứng chỉ...

Để khắc phục những tồn tại trong tham nhũng trong ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 8 giải pháp cùng lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, trong năm 2010 và năm 2011, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào các giải pháp nhằm thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các khâu trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; rà soát những việc, những khâu dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Đỗ Ngọc - TTXVN

Medvedev muốn xây Thung lũng Silicon của Nga - CNTT - Viễn thông - VietNamNet

Medvedev muốn xây Thung lũng Silicon của Nga
,
Tổng thống Nga Dmitry Medvedep đã có chuyến thăm tới Thung lũng Silicon để tận mắt nhìn thấy "cội nguồn của thành công". Ông cũng bày tỏ sự lạc quan về việc nước Nga có thể xây dựng một nền kinh tế công nghệ cao thay vì quá phụ thuộc vào dầu lửa như hiện nay, và ngoại vi Moscow có thể sẽ mọc lên một Thung lũng Silicon của riêng xứ sở Bạch dương.


Mô tả ảnh.
Nguồn: Reuters
Ngay trong chuyến thăm, ông Medvedep đã chứng kiến lễ ký kết thoả thuận quan trọng từ Cisco Systems, theo đó đại gia công nghệ Mỹ sẽ đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 10 năm để hỗ trợ các sáng kiến công nghệ của Nga.
"Nga đang cố gắng để trở thành một quốc gia cởi mở", ông Medvedep phát biểu tại Đại học Stanford, trạm dừng chân cuối cùng của ông trong chuyến thăm Thung lũng. "Mở về đầu tư, thương mại, các dự án hợp tác trong mọi lĩnh vực công và tất nhiên là cả nền kinh tế nữa". Ông tin rằng với những mối quan hệ hợp tác chân thành và thái độ hợp tác đúng đắn, nước Nga sẽ thành công.
"Ở Nga, chúng tôi có nguồn tài chính và trong một số trường hợp, nguồn tài chính rất lớn là khác. Nhưng chúng tôi lại thiếu thung lũng Silicon. Đó là lý do vì sao tiền đã không được giải ngân đúng cách", ông Medvedep chia sẻ. Mở đầu chuyến thăm, Thủ tướng Nga đã có cuộc gặp với Evan Williams và Biz Stone, hai đồng sáng lập của tiểu blog Twitter.
Tại trụ sở của Twitter ở San Francisco, ông Medvedep đã thiết lập một tài khoản Twitter của riêng mình dưới cái tên "KremlinRussia" và gửi đi bài tweet đầu tiên bằng tiếng Nga: "Xin chào tất cả mọi người. Giờ tôi đã gia nhập Twitter và đây là thông điệp đầu tiên của tôi".
Ông Medvedep cũng đã liệt kê ra 10 điểm mà ông tin sẽ dọn đường cho nước Nga tiến tới thành công, bao gồm cải tổ hệ thống giáo dục và y tế quốc gia, xây dựng một hệ thống toà án đáng tin cậy hơn và một hệ thống tài chính mạnh hơn. Ông cũng thẳng thắn thừa nhận vấn nạn chảy máu chất xám tại Nga, khi "giới trẻ được tiếp xúc với các điều kiện tốt hơn trong nước và họ rời bỏ quê hương. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo cho môi trường nội địa luôn có sức cạnh tranh".
Một vấn đề "không may" nữa là đầu tư mạo hiểm không thể cất cánh ở Nga. "Không ai muốn đối mặt với rủi ro và đó là một vấn đề thuộc về văn hoá, như Steve Jobs đã phân tích với tôi hôm nay. Chúng ta cần phải thay đổi cơ bản thực tế đó".
Bốn tháng qua, Kremlin đã tích cực quảng bá cho Siêu dự án "Thành phố Sáng tạo", hay "Skolkovo" với ngân sách lên đến hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên giới quan sát đã cảnh báo rằng, nếu như cỗ máy tài chính vận hành không đúng cách, siêu dự án này có thể sụp đổ và vùi tiền xuống biển.
Trọng Cầm (Theo AP)

Thái Lan mất vị trí dẫn đầu xuất khẩu gạo trên thị trường ASEAN - Thai Lan mat vi tri dan dau xu

Cập nhật lúc : 4:10 PM, 24/06/2010
Ảnh minh hoạ
Thị phần gạo của Thái Lan ở thị trường ASEAN giảm xuống còn 30% so với 60% cách đây 5 năm

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Somkiat Makcayathorn mới đây cho biết, xuất khẩu gạo của nước này sang thị trường các nước thành viên khác trong ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức và mất dần tính hấp dẫn, do giá cao và nỗ lực của các nước cắt giảm biểu thuế quan theo Hiệp định Khu vực Tự do thương mại ASEAN (AFTA).

Ông Somkiat nêu rõ, Thái Lan đã mất vị hàng đầu về xuất khẩu gạo trên thị trường ASEAN, với thị phần gạo Thái trong khu vực đã giảm xuống 30% hiện nay so với 60% cách đây 5 năm.

Những thị trường quan trọng, trong đó có Singgapore, Malaysia và Philippines đã và đang hướng tới gạo của Việt Nam, nước hiện cùng với Campuchia chiếm 60% thị trường gạo trong khu vực.

Các nhà phân tích thị trường nông sản cho rằng, xuất khẩu gạo của Thái Lan chiếm khoảng 1/3 lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, dự kiến sẽ giảm 1 triệu tấn trong năm nay do hạn hán.

Xuất khẩu giảm khiến giá gạo của Thái Lan trong tháng 5 vừa qua sụt giảm tới mức thấp nhất từ 2 năm nay. Trước tình hình này, Thái Lan đã điều chỉnh chính sách bằng cách hỗ trợ nhằm đảm bảo giá gạo cho nông dân. Tuy nhiên, ông Chanchai Rakthananon, Chủ tịch Hiệp hội Nhà máy xay lúa của Thái Lan cho rằng sự giúp đỡ này không đủ và giá gạo hiện nay chỉ đủ để bù lại chi phí của nông dân.

Theo bà Concepcion Calpe, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, hạn hán tuy làm sản lượng gạo của Campuchia giảm khoảng 10% và Thái Lan giảm khoảng 6%, nhưng nói chung sản lượng lúa gạo của cả châu Á năm nay sẽ khá hơn năm 2009. Bà Calpe cho rằng với sản lượng gạo và kho dự trữ của chính phủ tăng, sẽ ít có nguy cơ thiếu hụt lương thực hay giá gạo tăng cao./.

TTXVN

Năng suất lao động của VN chỉ bằng 1/10 của Singapore

Việt Nam thừa nhận năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Singapore.

Đây là đánh giá được đưa ra trong Báo cáo xu hướng Lao động và Xã hội năm 2009 và 2010 của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Lao động qúôc tế ILO mới công bố hôm qua.

Còn so với các quốc gia khác trong khối ASEAN, thì năng suất lao động ở Việt Nam bình quân bằng 1/5 năng suất ở các nước đó.

Báo cáo vừa nói cũng cho thấy, việc làm trong nông nghiệp giảm từ hơn 65% trong năm 2000, xuống còn trên 52% năm 2007, do người lao động chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, và sự chuyển dịch này làm cho tổng năng suất lao động tăng thêm khoảng trên 5% hàng năm.

Bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học- Lao động và Xã hội cho biết trong 5 năm tới áp lực về công ăn việc làm sẽ rất lớn. Trung bình mỗi năm lực lượng lao động ở Việt Nam tăng khoảng gần 740,000 người, cao hơn mức tăng về việc làm mới.

Lý do Hoàng Xuân Hãn tham gia Nội các Trần Trọng Kim - Bee - Khoa học & Đời sống Online

16/02/2010 07:10:12

- Trong cuộc đời của nhà tri thức yêu nước nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn, có một khoảng thời gian không dài, nhưng đặc biệt quan trọng. Đó là khoảng thời gian ông tham gia vào Nội các Trần Trọng Kim với vai trò là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghệ thuật.

TIN LIÊN QUAN

Vị huynh trưởng của lớp trí thức yêu nước Hà Nội

Thời kỳ Thế chiến II trước khi nổ ra cuộc đảo chính Nhật – Pháp (...), ở Hà Nội đã dần dần hình thành một số nhóm trí thức. Các nhóm này cùng có điểm giống nhau rất quan trọng là: Họ cùng thức tỉnh và có ý thức rõ ràng về vai trò của người trí thức chân chính trước vận mệnh dân tộc, nhưng họ đều rất băn khoăn, không biết ngả theo xu hướng chính trị nào.

Sự khác nhau giữa các nhóm chỉ là khá mong manh, do họ có sự khác nhau về độ tuổi, về sự trưởng thành trong nghề nghiệp hoặc do quy tụ xung quanh những “hạt nhân” khác nhau. Do đó mà họ thường có và dễ có quan hệ khá chặt chẽ với nhau.

a
Hoàng Xuân Hãn năm 1972. Ảnh IE

Nhóm “trẻ” nhất là nhóm tập trung ở Khu học xá của Đại học Đông Dương, bao gồm nhiều thanh niên sinh viên yêu nước quy tụ xung quanh Dương Đức Hiền, Đặng Ngọc Tốt, Phan Mỹ, Nguyễn Ngọc Minh, Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ…

Nhóm thứ hai gồm các trí thức trẻ có trình độ cao quy tụ xung quanh Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền, Hoàng Thúc Tấn, Lê Huy Vân…

Nhóm thứ ba gồm “các nhà khoa học đứng tuổi” – theo cách nói của Vũ Đình Hòe, nhưng thực ra là nhóm của các trí thức có danh vọng, uy tín nhất thời đó, như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Nguyễn Đình Hào, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Tường Phượng, Đào Duy Anh…

Ba nhóm tri thức nói trên tập trung ở Hà Nội, nhưng có uy tín và tầm ảnh hưởng trong giới tri thức khắp cả ba kỳ. Mỗi nhóm lại có bản sắc riêng của mình trong cách tổ chức hoạt động chung và nhất là trong cách bộc lộ thái độ trước thời cuộc và trước vận mệnh dân tộc.

(...)

Tuy ba nhóm có cách thức bộc lộ thái độ và tổ chức hoạt động mang bản sắc khác nhau nhưng cả ba nhóm đều có những mối liên hệ khăng khít với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau dựa trên sự đồng thuận về động cơ yêu nước và ý thức trách nhiệm với vận mệnh dân tộc.

Quan trọng hơn cả, cả ba nhóm này đều có những “hạt nhân” có uy tín và ảnh hưởng lớn, lại có quan hệ cá nhân hết sức thân thiết, tin cậy. Các hạt nhân gắn kết cả ba nhóm trí thức nói trên chính là Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hòe và Dương Đức Hiền.

Trong đó, Hoàng Xuân Hãn nổi lên như một vị huynh trưởng, xét cả về tuổi đời, uy tín và danh vọng. Ảnh hưởng của ông trong cả ba nhóm, đặc biệt là trong nhóm Tri tân và nhóm Thanh Nghị là rất lớn, trong khi dường như Phan Anh lại có rất nhiều ảnh hưởng với nhóm sinh viên và nhóm Thanh Nghị hơn.

Hoàng Xuân Hãn thuộc vào thế hệ trí thức Tây học mà như ông từng nhận xét là “có đủ tài cán chuyên nghề, nhiều lòng muốn phục vụ Tổ quốc”.

Giống như nhiều trí thức thuộc thế hệ của ông, Hoàng Xuân Hãn có cách yêu nước và phụng sự dân tộc riêng của mình. Ngay sau khi về nước tham gia giảng dạy ở Trường Bưởi, ông đã dốc sức, chuyên tâm vào nghề dạy học và nghề khảo cứu, đồng thời tích cực tham gia vào hoạt động của hội truyền bá Quốc ngữ.

Khi Thế chiến II nổ ra, ông và các bạn trí thức tâm giao nặng lòng về đất nước đều nhận thấy “lòng ái quốc nồng nàn của nhân dân, nhất là của thanh niên đã bộc lộ”, nhưng, như đã nói ở trên, Hoàng Xuân Hãn và nhóm tri thức “cao cấp” ở Hà Nội có cách bộc lộ lòng yêu nước và ý thức trước vận mệnh dân tộc riêng của mình.

Thận trọng, có phần do dự nên các ông không hăm hở lao vào các phong trào, các xu hướng yêu nước khác nhau, mà ngược lại, tiếp tục dốc sức vào hoạt động chuyên môn theo sở trường.

Đó không phải là cách các ông tự giấu mình trong “tháp ngà” khoa học, mà là một cách chuẩn bị cho tương lai, tiền đồ dân tộc.

Khi Phan Anh trao đổi với ông về việc một nhóm trí thức ở Hà Nội dự định lập ra tờ báo Thanh Nghị, Hoàng Xuân Hãn nói: “Bây giờ trăm mắt đổ xô vào hành động của thanh niên trí thức ta: quốc dân, chính quyền thực dân Pháp và cả quan sát nhân Nhật.

Tuy trong thực tế mình không có quyền chính trị, nhưng hãy cứ tự coi mình như con dân của một nước độc lập. Đối với mọi việc đáng suy nghĩ, thì cứ nêu lên mà bàn với tư tưởng mới, thực tế.

Chắc rằng tòa kiểm duyệt cũng không cấm viết, mà độc giả sẽ dần quen với những suy nghĩ đứng đắn và có trách nhiệm. Ví như tôi, tôi nghĩ một dân tộc độc lập phải có đủ danh từ để biểu diễn mọi ý về văn hóa. Vì lẽ ấy tôi đã soạn một danh từ khoa học và đang bàn với anh em khoa học cho ra đời một tạp chí khoa học”.

Đó là cách lý giải thái độ và lựa chọn của Hoàng Xuân Hãn và nhiều trí thức Việt Nam chân chính trước những diễn biến mau lẹ, phức tạp của tình hình để rèn đúc tâm trí, ý thức phụng sự dân tộc, lại vừa không bị lôi cuốn vào các trào lưu chính trị thân Nhật hay thân Pháp.

Lý do Hoàng Xuân Hãn tham gia Nội các Trần Trọng Kim

Sau cuộc đảo chính Nhật – Pháp, xuất phát từ tính thực dụng, vị kỷ của họ, quân đội Nhật Bản đã quyết định không lựa chọn Hoàng thân Cường Để, Ngô Đình Diệm, Phục Quốc hay bất kỳ lực lượng “dân tộc chủ nghĩa” thân Nhật nào để giao cho nhiệm vụ lập chính phủ bù nhìn thân Nhật ở Việt Nam.

Quân Nhật không muốn có bất kỳ sự đảo lộn nào trong “trật tự bản xứ”, dù vậy, một mặt, tướng Yuchi Tsushihashi cùng các sĩ quan và quan chức Nhật tự mình thay thế người Pháp, đảm đương các chức vụ cai trị trước đây của tập đoàn thống trị Decuox; mặt khác quân Nhật đề nghị Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố nền độc lập của “Việt Nam đế quốc” và ủng hộ việc nhà vua tiếp tục tại vị.

Sau khi tuyên bố độc lập vào ngày 11/3/1945, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố tự mình cầm quyền chính với phương châm trị nước an dân mới theo nguyên tắc “dân vi quý”.

Bản thân Bảo Đại lúc đó cũng tỏ ra hiểu rõ vị thế của mình và thời cuộc. Ông từng nói rõ với Trần Trọng Kim về sách lược và phương châm chính trị của mình: “Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta”.

Với suy nghĩ cớ thể nói là khôn ngoan và thức thời đó, ngày 19/3/1945, Bảo Đại đã giải tán Cơ Mật viện, cho cả 6 vị Thượng thư từ chức và yêu cầu Phạm Khắc Hòe tham vấn ý kiến một số nhân sỹ để khẩn trương mời các nhân tài về Huế lập chính phủ mới, giúp rập Hoàng đế giữa lúc vận nước đứng trước thời khắc đổi thay quan trọng.

Sau khi cân nhắc, Bảo Đại đã cho gửi điện mời 8 người, trong đó có Hoàng Xuân Hãn. Theo Phạm Khắc Hòe – Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Hoàng đế, thì 8 người đó là: 1) Trần Đình Nam, 2) Hồ Tá Khanh, 3) Lưu Văn Lang, 4) Hoàng Trọng Phu, 5) Trần Văn Thông, 6) Hoàng Xuân Hãn, 7) Phan Anh, 8) Vũ Văn Hiền hoặc Trịnh Văn Bính tùy theo sự lựa chọn của Hoàng Xuân Hãn.

Qua cách nói như trên thì có thể thấy Hoàng Xuân Hãn ngay từ đầu đã được Bảo Đại rất coi trọng. Theo Hoàng Xuân Hãn thì ngày 23/3/1945, viên lãnh sự Nhật ở Hà Nội đã tìm tới ông để chuyển ba bức điện mời của Hoàng đế Bảo Đại. Thay vì chọn Trịnh Văn Bính, Hoàng Xuân Hãn chọn Vũ Văn Hiền, một thành viên của nhóm Thanh Nghị.

Sau đó ba người, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và Vũ Văn Hiền đã đi Huế. Ngày 27/3/1945, các ông tới Huế, ngày hôm sau thì lần lượt từng người yết kiến Hoàng đế Bảo Đại bàn về việc lập chính phủ mới.

Xung quanh việc Hoàng Xuân Hãn cùng với hai người bạn tâm giao, hai trí thức là Phan Anh và Vũ Văn Hiền nhận lời mời của Bảo Đại ra tham chính vào một thời điểm hết sức nhạy cảm của lịch sử đó còn có nhiều điều tồn nghi chưa bao giờ có được lời giải đáp thỏa đáng.

Về phía người Nhật, vấn đề là tại sao họ không mời thủ lĩnh của những đảng phái thân Nhật từng có “thâm niên” cộng tác với Nhật và hơn nữa, lại có chút lực lượng và kinh nghiệm chính trị đã được chuẩn bị từ trước?

Như các nghiên cứu của Shiraishi Masaya, David. G. Marr, Phạm Hồng Tung và một số học giả khác đã chỉ ra thì điều này bắt nguồn từ việc người Nhật không muốn có bất kỳ sự đảo lộn nào với “trật tự bản xứ”, tránh mọi bất lợi cho việc chiếm đóng và tổ chức phòng thủ, chống quân Đồng Minh của Nhật ở Đông Dương.

Về phía Bảo Đại, như trên đã chỉ ra, dù hiểu rõ nền độc lập mà ông ta vừa tuyên bố chỉ là một thứ “độc lập bánh vẽ”, nhưng nhà vua vẫn muốn tranh thủ thời cơ, lập ra một chính phủ mới “tỏ ra có đủ tư cách để độc lập”.

Vì vậy mà Bảo Đại muốn mời cho được các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, có uy tín và danh vọng mà ông gọi là “nhân tài” ra tham chính. Đây vừa là một chiêu bài chính trị, nhưng có lẽ cũng là cách nhà vua “Tây hóa” Bảo Đại học theo lối “cầu hiền” của các bậc minh quân Việt Nam xưa.

Quan trọng hơn là về phía Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và một số trí thức vốn chưa từng có bất kỳ hoạt động chính trị gì, nhưng tại sao đã dường như ngay lập tức chấp nhận lời mời của vua Bảo Đại?

Sau này Hoàng Xuân Hãn lý giải như sau: “… Kim (Trần Trọng Kim), Hiền (Vũ Văn Hiền), Anh (Phan Anh) và tôi đồng ý rằng: “Thế Nhật Bản chỉ còn đứng được hơn một năm là cùng. Chính phủ nào bắt đầu từ bây giờ cũng chỉ có chừng này để củng cố thế độc lập của nước ta mà thôi”.

Và ông nói rõ thêm suy tính của mình: “Còn mục tiêu chung thì gấp rút trong khoảng một năm, tập cho quốc dân quen với tính cách độc lập tự tin để đến khi hòa bình trở lại, Đồng Minh không có cớ đặt ách ngoại trị nào vào cổ dân ta”.

Để hiểu rõ hơn suy nghĩ của Hoàng Xuân Hãn và nhóm tri thức tham gia vào Nội các Trần Trọng Kim, cần phải dẫn ra ý kiến của Phan Anh trong một cuộc trao đổi với sử gia người Na Uy, ông Stein Tonnnesson vào năm 1989. Trả lời cho câu hỏi thẳng thắn của Tonnnesson: “Vậy các ông nghĩ thế nào mà nhận lời mời của Bảo Đại?”.

Phan Anh cho biết quyết định ra tham chính của các ông không chỉ xuất phát từ lòng yêu nước và ý thức phụng sự dân tộc, mà còn dựa trên sự phân tích tình hình và cân nhắc kỹ càng. Ông cho biết, rằng lúc ấy các trí thức như ông không ai có ảo tưởng gì về người Nhật và nền độc lập mà họ ban cho. Nhưng có hai tình hình buộc các ông phải đứng ra đảm đương nhiệm vụ.

Thứ nhất là “… có một cuộc vận động thân Nhật lăng xăng, lung tung: Nào là chính khách, bọn thả câu nước đục, nào là bọn con buôn, bọn lưu manh, một cuộc vận động không những lung tung mà còn nhơ bẩn, lộn mửa”.

Thứ hai là việc “những công chức người Pháp vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng họ có mưu mô”. Mưu mô của họ là nhẫn nhục chờ thời cơ để khôi phục lại chế độ thực dân Pháp.

Vì vậy, Phan Anh giải thích: “Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật đánh lừa mình”. Và các ông đã quyết định tham chính: “Chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự với khẩu hiệu là Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập”.

Chúng ta có thể tin chắc vào động cơ yêu nước và phụng sự dân tộc của Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và một số trí thức khác khi ra tham chính theo lời mời của vua Bảo Đại. Song rõ rằng là sự phân tích của các ông vào thời điểm đó cũng không khỏi có phần ngây thơ và mạo hiểm về mặt chính trị.

Dẫu thế nào đi chăng nữa, một chính trị một chính phủ được lập ra do sự cho phép và nằm trong tầm kiểm soát của quân Nhật chiếm đóng đều không thoát khỏi địa vị của một chính phủ bù nhìn, và nguy hiểm hơn, bị phe Đồng Minh buộc cho tội “hợp tác với phe Trục” và có thể bị trừng phạt sau chiến tranh kết thúc. Đây chính là điều mà Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và các trí thức khác không tính đến, cho dù các ông biết quân Nhật sắp thua đến nơi.

Trở lại với chuyến đi Huế của Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và Vũ Văn Hiển cuối tháng 3/1945. Ngay sau khi yết kiến vua Bảo Đại, Hoàng Xuân Hãn đã gặp Trần Trọng Kim, và chính ông là người đề nghị Phạm Khắc Hòe thu xếp để ông Trần yết kiến Hoàng đế Bảo Đại.

Theo hồi ký của Trần Trọng Kim thì Hoàng Xuân Hãn đã đóng một vai trò nhất định trong việc xác định thành phần nhân sự của Nội các do ông đứng đầu. Dựa trên tất cả các nguồn tài liệu mà ông hiện có thì có thể khẳng định chắc chắn rằng người Nhật đã chuẩn bị cho Trần Trọng Kim như một quân bài bí mật suốt từ mùa thu năm 1943 để sau khi lật đổ thực dân Pháp thì sự lựa chọn đưa về Huế lập ra chính phủ bù nhìn, thực hiện kế hoạch cai trị Việt Nam sau cuộc đảo chính.

Cần phải nhắc lại rằng trước đó Bảo Đại không có ý định chọn Trần Trọng Kim, mà là chọn Ngô Đình Diệm làm người đứng ra thành lập nội các. Việc này được cả Hoàng Xuân Hãn ủng hộ. Nhưng người Nhật đã bố trí để Ngô Đình Diệm không thể ra Huế gặp Bảo Đại.

Cuối cùng Bảo Đại đã buộc phải “mời” Trần Trọng Kim đứng ra thành lập nội các. Tuy nhiên, bản thân Trần Trọng Kim lại hầu như không có được uy tín, danh vọng và đặc biệt là mối quan hệ mật thiết với các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng ở cả ba kỳ. Vì vậy, ông đã đem việc lựa chọn nhân sự của Nội các bàn bạc với Hoàng Xuân Hãn.

Đây chính là cơ hội để Hoàng Xuân Hãn giới thiệu những trí thức có tài năng và tâm huyết phụng sự dân tộc ra tham chính.

Vì vậy mà chúng ta thấy trong Nội các, ngoại trừ Trần Trọng Kim là người đã được người Nhật chuẩn bị từ trước, thì đều bao gồm các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, tiêu biểu cả ba kỳ.

Phạm Hồng Tung (Theo Tạp chí Xưa và Nay, số 328, tháng 3/2009)