Mùa cất cánh đã trở lại?

Người mua 125 máy bay trong hai ngày 
 
24/07/2010 22:38 
Chân dung cha đẻ ngành cho thuê máy bay - Ảnh: Airline World
Vừa xuất hiện, ông đã đặt mua ngay 51 máy bay Airbus giá ngót nghét 4,4 tỉ USD. Hôm sau, ông lại tậu thêm 54 con chim sắt Boeing cực lớn, cũng với hơn 4 tỉ USD. Hầu như cùng lúc, ông quyết định chi thêm chừng 800 triệu USD để mua 20 máy bay Embraer. Đó là Steve Udvar-Hazy.
Mua máy bay như... mua rau
Các phi vụ mua bán chóng vánh kể trên diễn ra chỉ trong 2 ngày đầu tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough (FIA) ở Anh. “Ông ấy đặt bút ký sau một cái bắt tay”, John Leahy - Giám đốc bán hàng của Airbus hồ hởi khoe về vị khách sộp vừa mang lại đơn đặt hàng “khủng” cho hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới này.
Udvar-Hazy chính là khách hàng đơn lẻ vung tay mạnh nhất tại FIA, nơi quy tụ những ông sếp bự trong ngành hàng không, những đại gia máu mặt cho thuê máy bay, những quan chức tai to mặt lớn của các cường quốc đang muốn nâng cấp hệ thống phòng không... Nhưng không ai làm cho giới truyền thông phát sốt bằng Udvar-Hazy. Nhất cử nhất động cũng như từng lời nói của tỉ phú 64 tuổi này đều được theo dõi kỹ lưỡng.
Cơn say tậu máy bay của Udvar-Hazy chắc chắn không dừng lại ở con số kể trên. Air Lease Corp. - hãng cho thuê máy bay mới toanh của ông tỉ phú đã lên kế hoạch trong vòng 3 năm, phi đội bay Air Lease sẽ sở hữu không dưới 350 con chim sắt. Phong cách mua hàng của Udvar-Hazy cũng thuộc loại hiếm. Dù món hàng cần thương lượng là máy bay, với số lượng mấy chục chiếc một lần và lên tới bạc tỉ USD, Udvar-Hazy vẫn thường xuyên đi một mình, chẳng cần cố vấn nào bên cạnh, bởi ông rất rành rẽ thị trường hàng không. Hãng tin Reuters dẫn lời Tim Clark, Chủ tịch hãng hàng không Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất kể rằng Udvar-Hazy còn thường tự lái chiếc máy bay Gulstream V của mình để đi mua bán làm ăn.
Phi vụ lãi 8.667 lần

Cho dù có thành công ở thị trường tít tắp trên trời cao hay không thì Udvar-Hazy cũng vẫn là cái tên đã được ít nhất 7 triệu người biết đến khi họ đến thăm Trung tâm Steven F.Udvar-Hazy nằm ở bang Virginia (Mỹ). Trung tâm mang tên cha đẻ ngành cho thuê máy bay ra đời vào năm 2003, khởi nguồn từ món tiền 65 triệu USD của Udvar-Hazy tặng cho Bảo tàng hàng không và không gian quốc gia của Mỹ. Trung tâm Steven F. Udvar-Hazy hiện là nơi đang trưng bày nhiều báu vật xuyên suốt lịch sử hàng không, trong đó có máy bay Dash 80 }của Boeing, Concorde, Straloliner... Tổng cộng, nơi đây đang triển lãm 163 máy bay, 154 món khảo cổ lớn và hơn 1.500 món khảo cổ nhỏ.
Udvar-Hazy là người Hungary di cư sang Mỹ từ năm 13 tuổi, lúc cậu hầu như chẳng biết chữ tiếng Anh nào. Cha là bác sĩ phẫu thuật, mẹ là nhà thiết kế thời trang, Udvar-Hazy đi theo con đường riêng của mình: học kinh tế tại trường Đại học California, Los Angeles. Không đợi được đến ngày tốt nghiệp, Udvar-Hazy đã thuyết phục 2 người Hungary khác để bắt đầu mở công ty chuyên về lĩnh vực cho thuê máy bay, đẻ ra một ngành công nghiệp hoàn toàn mới mẻ, mà có lẽ cha đẻ mặt còn non choẹt của nó lúc đó cũng không thể ngờ rằng có ngày nó trị giá đến 129 tỉ USD như hiện nay. Tuy nhiên, đó chỉ mới là lúc máy bay cho thuê đang chiếm khoảng 20% tổng số máy bay thương mại như hiện nay. Giới chuyên môn dự đoán trong tương lai không xa, tỷ lệ này có thể lên đến 50%.
Theo báo điện tử Airline World, vào năm 27 tuổi, với tài sản là tấm bằng đại học và vỏn vẹn 150.000 USD tiền tiết kiệm, Udvar-Hazy thành lập International Lease Finance Corparation (ILFC) cùng với 2 đồng hương Hungary kể trên. Họ đã vay đến 1,7 tỉ USD để cho ra đời ILFC với mục tiêu cho các hãng máy bay ít vốn thuê lại những con chim sắt hiện đại, đắt tiền mà họ không thể mua. Với chỉ một chiếc máy bay duy nhất là Douglas DC-8 vào lúc mới thành lập, ILFC - dưới sự lèo lái của Udvar-Hazy - đã có lúc sở hữu đến hơn 1.000 con chim sắt tung bay khắp thế giới, trở thành đối tác làm ăn của không chỉ những hãng hàng không nhỏ ít vốn mà cả những ông khổng lồ máu mặt trên bầu trời. Bản thân Udvar-Hazy thì sở hữu số tài sản lên đến 2,7 tỉ USD theo đánh giá của tạp chí Forbes.
Năm 1990, Udvar-Hazy bán lại ILFC cho Tập đoàn bảo hiểm AIG, bỏ túi 1,3 tỉ USD. Tính ra, Udvar-Hazy đã lãi gấp 8.667 lần so với vốn đầu tư ban đầu. Ngoài ra, dù bán công ty nhưng ông vẫn giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành ILFC. Nhưng bão táp đã xảy ra khi cuộc khủng hoảng tài chính ập tới, làm AIG giãy chết và phải chìa tay xin gói cứu trợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ, lên đến gần 182 tỉ USD để được cứu mạng. AIG vào tay Chính phủ Mỹ và Udvar-Hazy không còn tự do tung hoành như trước nữa. Cách đây 6 tháng, cha đẻ ngành cho thuê máy bay rút hoàn toàn khỏi ILFC và tuyên bố nghỉ hưu ở tuổi 64. Nhưng chỉ được 2 tháng, hay chính xác hơn là 3 giờ đồng hồ. Tờ Los Angeles dẫn lời ông: “3 giờ sau khi nghỉ hưu, tôi chẳng nghỉ được nữa. Và tôi quyết định không nghỉ hưu”. Vậy là, Air Lease Corp ra đời cách đây 4 tháng, với mục đích thể hiện rõ trên cái tên của nó: Tập đoàn cho thuê máy bay. Trước đó, chẳng khó khăn gì, Udvar-Hazy đã huy động được 3,3 tỉ USD trong thời gian ngắn ngủi “mang thai” Air Lease Corp.
Thước đo thị trường
Sự kiện Udvar-Hazy “tái xuất giang hồ” khiến cả làng hàng không hồ hởi, không chỉ các công ty sản xuất máy bay, các hãng hàng không mà cả những đối thủ của Air Lease Corp.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Norm Liu, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của GE Capital Aviation Services, công ty cho thuê máy bay sừng sỏ thuộc Tập đoàn General Electric, nói về những đơn đặt hàng “khủng” của Udvar-Hazy: “Sự chọn lựa thời điểm trên thị trường để đặt hàng là điều bạn không thể mắc sai lầm và tôi hy vọng chắc chắn rằng anh ấy chính xác bởi vì chúng tôi cũng đặt hàng. Anh ấy là chuyên gia số 1 của ngành công nghiệp này”.
Khủng hoảng tài chính làm giảm tối đa nhu cầu đi lại bằng máy bay, làm các hãng hàng không chẳng thể vay được vốn từ ngân hàng, khiến cho ngành công nghiệp trên trời thất điên bát đảo với cú lỗ tròm trèm 19 tỉ USD trong 2 năm qua. Tro bụi từ núi lửa, đình công, khủng hoảng nợ… gần đây càng làm cho những con chim sắt buồn bã nằm dài lâu thêm trên mặt đất. Vậy mà bỗng dưng Udvar-Hazy, nhân vật từ lâu được mệnh danh là thước đo của thị trường hàng không, xuất hiện và nhanh như cắt quơ tay đặt mua một lúc hơn trăm chiếc máy bay. Nhìn vào giỏ hàng sau 2 ngày “shopping” của Udvar-Hazy, chắc chẳng mấy ai nhớ ra rằng chỉ mới hồi năm ngoái thôi, tại Triển lãm hàng không Paris ở Pháp, Udvar-Hazy lặn biệt tăm. Cả thị trường đang ế ẩm bỗng nhảy cẫng lên reo hò sung sướng: mùa cất cánh đã trở lại rồi, ở ngay trước mắt đó thôi!


Một cuộc bay biểu diễn của chiếc Airbus A400 tại FIA - Ảnh: Reuters

Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough (FIA) năm nay diễn ra từ 17-25.7. Đây là hội chợ hàng không hàng đầu thế giới, được tổ chức 2 năm một lần tại Anh. FIA là nơi “khoe sắc khoe tài” của đủ loại máy bay thuộc các nhà sản xuất khắp nơi trên thế giới, cả máy bay dân sự và quân sự. Tại đây, khách khứa tha hồ xuýt xoa trước những cuộc biểu diễn bay ngoạn mục của những máy bay dân sự tối tân nhất, những phi đội quân sự hiện đại nhất. Triển lãm quy tụ khoảng 1.400 công ty từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Ước tính có khoảng 180.000 lượt khách tham quan đã đến triển lãm, dù nó chỉ mở cửa rộng rãi cho công chúng 2 ngày cuối, còn 5 ngày đầu là dành cho các phi vụ mua bán.

Kiều Oanh

Thử bàn về sức mạnh của Trung Quốc

Thứ năm, 08/07/2010, 12:57(GMT+7)

Thử bàn về sức mạnh của Trung Quốc P1
VIT - Năm nay Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ. Sách "Giấc mơ Trung Quốc" nói Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số 1 toàn cầu, sẽ lãnh đạo thế giới. Hải quân Trung Quốc với chương trình “Biển xanh” (Lam thuỷ) đang vươn ra phía Đông và phía Nam, gây lo ngại cho các nước liên quan... Vậy sức mạnh thực tế của Trung Quốc như thế nào, có phải cũng là thứ hai thế giới hay không? Đây là một vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm.

Nguyễn Hải Hoành
Nguồn tin của VITINFO
A. Đánh giá sức mạnh quốc gia

Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, việc đánh giá và xếp hạng một nhóm người, nhóm đơn vị (công ty, doanh nghiệp ...), nhóm quốc gia theo tiêu chí nào đó đã trở nên rất quan trọng, và được dư luận quan tâm. Thí dụ hàng năm các tạp chí lớn thường lập bảng danh sách người giàu nhất hoặc người có ảnh hưởng lớn đối với một nước hoặc với thế giới, bảng xếp hạng các công ty ... Việc xếp hạng các quốc gia theo tiêu chí nhân quyền, tự do tôn giáo, tham nhũng ... thường gây tranh cãi lớn, chính phủ nước bị xếp hạng xấu thường phản ứng kịch liệt.

Từ giữa thế kỷ XX các think-tank (tức tổ chức tư vấn, của tư nhân hoặc của nhà nước) phương Tây bắt đầu quan tâm điều tra nghiên cứu đánh giá và xếp hạng các nước lớn theo tiêu chí sức mạnh quốc gia hoặc sức mạnh tổng hợp của quốc gia (Comprehensive National Power, CNP).  

Sức mạnh cứng:  Sức mạnh quốc gia gồm phần cứng và phần mềm. Phần cứng (phần hữu hình) còn gọi là sức mạnh cứng chủ yếu gồm: - lãnh thổ (vị trí địa lý của quốc gia, tính quan trọng về giao thông, quân sự quốc tế; diện tích; địa hình, địa mạo); - tài nguyên thiên nhiên (đất đai, rừng, biển, nguồn nước, khoáng sản ...); - dân số (số lượng và chất lượng dân, cấu trúc dân cư như giới tính, độ tuổi bình quân, dân tộc, tôn giáo ...); - kinh tế, chủ yếu là GDP và cơ cấu kinh tế (tỷ lệ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp nặng, công nghiệp quân sự ...); - cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xây dựng đô thị; - khoa học kỹ thuật; - giáo dục v.v...

Sức mạnh mềm:  Phần mềm (phần vô hình) gồm: - chính quyền (có đại diện đa số dân, có hợp lòng dân, có thực hiện dân chủ, tự do, pháp trị, có tham nhũng ... hay không); - quan hệ đối ngoại với đa số các nước khác, cống hiến quốc tế; - văn hoá v.v...  Phần mềm này hiện nay thường được thay bằng khái niệm sức mạnh mềm, tức khả năng một quốc gia đạt được các mục tiêu của mình thông qua sự hấp dẫn một cách tự nhiên (thay vì ép buộc hoặc dụ dỗ) đối với các quốc gia hoặc dân tộc khác. Nói cụ thể, đó là sức hấp dẫn về văn hoá, chính trị, nghệ thuật, giá trị quan, sức cảm hoá và hấp dẫn của chế độ xã hội ...Thí dụ bạn thích đọc tiểu thuyết nước nào, thích xem phim nước nào, thích hát hoặc nghe bài hát nước nào, thích nghe hoặc chơi nhạc nước nào, hoặc bạn thích đọc báo, lấy thông tin từ nước nào, bạn tin vào quan điểm của báo chí nước nào trước một vấn đề thời sự phức tạp ... có nghĩa là nước ấy có sức thu hút bạn

Khái niệm sức mạnh mềm do Joseph Nye giáo sư ĐH Harvard đề xuất và phát triển từ đầu thập niên 90, tới nay đã nhận được sự tán đồng rộng rãi của nhiều học giả, nhiều nước. Chính quyền các nước đều hết sức coi trọng xây dựng, khai thác, phát huy, tận dụng sức mạnh mềm của nước mình nhằm tăng năng lực cạnh tranh về mọi mặt của quốc gia.

Các thinhk-tank thường nghiên cứu đánh giá sức mạnh quốc gia theo tiêu chuẩn và cách tính do họ đặt ra, nguồn tư liệu sử dụng cũng khác nhau, vì thế kết quả đánh giá xếp hạng thường khác nhau và chỉ có giá trị tham khảo; ta chỉ nên dựa vào kết quả của các think-tank có uy tín. 

Phương trình sức mạnh quốc gia: Có nhiều cách tính sức mạnh quốc gia. Đáng chú ý hơn cả có phương trình sức mạnh quốc gia của Ray Cline  (Ray Cline’s national power equation) đưa ra năm 1975, có mô tả toán học là tích số của sức mạnh vật chất với sức mạnh tinh thần:

P = (C+E+M) × (S+W)

trong đó P là sức mạnh quốc gia hiện có (chứ không phải tiềm lực); C (Critical Mass) là khối lượng tới hạn (thực thể cơ bản); E (Economic Capability) là sức mạnh kinh tế; M (Military Capability) là sức mạnh quân sự; S (Strategic Purpose) là mục tiêu chiến lược, tức sức mạnh tinh thần; W (Will to Pursue National Strategy) là ý chí theo đuổi chiến lược quốc gia. 

Cline cho rằng mấy yếu tố quan trọng nhất của sức mạnh quốc gia là lãnh thổ, số dân, sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học kỹ thuật. 

Ý tưởng này về sau đã được nhiều think-tank dùng để tính toán sức mạnh quốc gia. Các học giả Trung Quốc cũng đưa ra nhiều cách tính cụ thể, đều có xét tới các yếu tố cơ bản nói trên. 

B. Kết quả đánh giá và xếp hạng sức mạnh quốc gia

1. Kết quả nghiên cứu điều tra của Quỹ Tự do và Hạnh phúc Hansun (Hansun Foundation for Freedom & Happiness, của Hàn Quốc) công bố tháng 8/2009. 

[xem: Korea Ranks 13th in National Power Survey]. 

Đối tượng nghiên cứu là 20 nước công nghiệp. Các chỉ số sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia  được xem xét và cho điểm theo 7 phạm trù sức mạnh cứng: - nguồn tài nguyên cơ bản (đất đai và số dân), - quốc phòng, - kinh tế, - khoa học kỹ thuật, - giáo dục, - thông tin (information), - quản lý môi trường và 6 phạm trù sức mạnh mềm: - chính quyền, - chính sách, - ngoại giao, - văn hóa, - vốn xã hội, - phản ứng với các biến đổi vĩ mô. 

Từ đó cho điểm sức mạnh tổng hợp từng quốc gia theo khung tối đa 100 điểm.

Tuy khủng hoảng tài chính nhưng Mỹ vẫn xếp thứ nhất (69,15 điểm), đứng đầu 9 trong 13 phạm trù được xét, vượt xa các nước khác. 

Do đông dân, đất rộng và giàu tài nguyên mà Trung Quốc xếp thứ hai về sức mạnh tổng hợp (54,73 điểm); riêng phạm trù chính trị, văn hóa và vốn xã hội thì xếp thứ nhất. 

Những nước có sức mạnh tổng hợp trên 50 điểm là: Nhật (53,45), Anh (53,05), Đức (52,92), Pháp (52,16). Riêng Hàn Quốc xếp thứ 13 với 48,56 điểm. 

2. Kết quả nghiên cứu điều tra của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (think-tank lớn nhất Trung Quốc hiện nay) công bố ngày 24/12/2009 trong “Sách Vàng Tình hình quốc tế năm 2010”. 

Đây là một công trình nghiên cứu công phu của tập thể đông đảo cán bộ các ngành nhằm xác định và xếp hạng sức mạnh quốc gia của 7 nước G7 và 4 nước khối BRIC – viết tắt tên của các nước Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ), China (Trung Quốc). G7 hiện nay là khối quốc gia có nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. BRIC là khối quốc gia hiện chiếm 40% số dân thế giới, tăng trưởng kinh tế từ 4 tới 10%, tương lai sẽ là đầu tàu kinh tế thế giới.

Viện KHXHTQ sử dụng hệ thống chỉ tiêu đánh giá gồm 5 nhân tố trực tiếp hình thành sức mạnh quốc gia là: - lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên, - số dân, - kinh tế, - quân sự, - khoa học kỹ thuật,  và 4 nhân tố ảnh hưởng là: - phát triển xã hội, - tính vững bền, - an ninh và chính trị trong nước, - đóng góp quốc tế.

Sau khi tổng hợp xét các nhân tố nói trên, Sách Vàng đưa ra bảng xếp hạng sức mạnh tổng hợp của 11 nước nói trên.

Thứ tự xếp hạng như sau: Mỹ, Nhật, Đức, Canada, Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Ý, Brazil. 

Trung Quốc, xếp thứ 7 về sức mạnh tổng hợp, thứ 2 về sức mạnh quân sự.

Sách Vàng nhận định: Mỹ là nước lớn siêu cường có ưu thế trên nhiều mặt, “không cùng một tầng nấc” với các nước khác. Mỹ đứng đầu về 4 chỉ tiêu kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và cống hiến quốc tế; thứ 2 về chỉ tiêu tài nguyên thiên nhiên. Về cơ bản các chỉ tiêu khác của Mỹ cũng xếp trong nhóm hàng đầu. Nhưng Mỹ đạt số điểm khá thấp về 3 chỉ tiêu phát triển xã hội, tính bền vững và chính trị trong nước.

Nước thứ hai là Nhật đứng hàng đầu trên nhiều chỉ tiêu, nhưng lại xếp ở vị trí rất thấp về 2 chỉ tiêu lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên, số dân; chỉ tiêu quân sự cũng ở nhóm cuối. Tuy vậy Sách Vàng nhấn mạnh: ở đây việc đánh giá thực lực quân sự “chỉ xét tới chỉ tiêu về lượng mà chưa xét nhân tố chất”; thực ra lực lượng quân sự Nhât có đặc điểm là ít mà tinh, “bởi vậy địa vị quân sự của Nhật trên thực tế nên ở vị trí cao hơn vị trí trong bảng”. 

Nga và Trung Quốc xếp ở vị trí trung bình (6 và 7). Trên nhiều chỉ tiêu, số điểm của hai nước này đều ở nửa cuối. Nga mạnh về lãnh thổ và tài nguyên, Trung Quốc mạnh về số dân.     

Về chỉ tiêu quân sự, Mỹ, TQ, Nga xếp nhất, nhì, ba. 

Mỹ là siêu cường nước lớn quân sự đích thực; chi phí quân sự của Mỹ bằng 130% tổng chi phí quân sự của 10 nước còn lại. 

Nga đứng đầu về trang bị vũ khí, chủ yếu vì có số lượng trang bị vũ khí rất lớn, đặc biệt xe tăng có 22800 chiếc, xếp đầu bảng; trong khi đó Mỹ, Trung Quốc mỗi nước chỉ có hơn 7000 xe tăng. 

Sức mạnh quân sự tổng hợp của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, đó là do Trung Quốc đạt số điểm cao về số lượng binh sĩ và trang bị vũ khí.

Bảng xếp hạng này đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi về vị thế của Trung Quốc.■  
-



Thứ hai, 12/07/2010, 12:44(GMT+7)

Thử bàn về sức mạnh của Trung Quốc P2
VIT - Giáo sư, trung tướng Lý Điện Nhân nói: “Ai có chút thường thức đều biết thực lực chúng ta (tức TQ) về căn bản không thể so đọ được với Mỹ. Khoảng cách thua kém Mỹ về kinh tế, KHKT và quân sự rất lớn. Sao mà chúng ta có thể đe doạ nước Mỹ được cơ chứ?”

Tác giả Nguyễn Hải Hoành
Phần II: Một số bình luận về vấn đề xếp hạng sức mạnh quốc gia Trung Quốc

Trong hai bảng xếp hạng sức mạnh quốc gia nói trên, chúng tôi thấy kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội TQ có vẻ hợp lý hơn, vì vậy sẽ tập trung bàn về bảng xếp hạng này.

Viện KHXHTQ là think-tank lớn nhất TQ, được xếp hạng thứ nhất trong các think-tank châu Á [xem: tạp chí Foreign Policy số tháng 1 và 2/2009], gồm 50 viện nghiên cứu, 260 phòng nghiên cứu, 4000 cán bộ chuyên trách. Quy mô này vượt xa các think-tank ở phương Tây: toàn bộ các think-tank nước Anh chỉ có 1000 cán bộ, cả châu Âu có chưa tới 5000 người. 

“Sách Vàng tình hình quốc tế năm 2010” là kết quả của một đề tài nghiên cứu tốn khá nhiều sức người và kinh phí của Viện KHXHTQ. Dư luận TQ đã và đang sôi nổi bàn thảo về bản xếp hạng của sách này.

Một điều tra trên mạng cho thấy đa số dân TQ tán thành Sách Vàng xếp TQ thứ 7 về sức mạnh tổng hợp. Cụ thể 42,7% cho là “cơ bản phù hợp”, 36% cho là “cao”, 21,3% cho là “thấp”. 

Trong bài “Vì sao sức mạnh tổng hợp của TQ kém Nhật 5 bậc?” Vương Cẩm Tư viết: sức mạnh tổng hợp của TQ xếp thứ 7 chứ không cao như sức mạnh quân sự và kinh tế – điều này có nguồn gốc là sự trì trệ trong phát triển xã hội, thiếu tính bền vững, an ninh và chính trị quốc nội lạc hậu, cống hiến quốc tế chưa nhiều. 

Nhật yếu về lĩnh vực lãnh thổ, tài nguyên, số dân, là các phạm trù bẩm sinh, nhưng lại xếp hạng cao nhờ Nhật rất mạnh trên các phạm trù phi bẩm sinh, như giáo dục, KHKT, phát triển xã hội, con người. 

Thí dụ Nhật từ năm 1907 đã đi đầu thế giới phổ cập giáo dục 6 năm; từ 1949 tới nay kinh phí giáo dục bao giờ cũng chiếm trên 5% GDP, trong khi TQ chỉ là 3%, chưa bao giờ thực hiện mục tiêu đã định là 4%; số người mù chữ ở TQ có thời còn nhiều hơn số dân Nhật. Năm 1995 TQ mới ban hành Luật giáo dục, sau Nhật 48 năm. 

Nhật đứng đầu thế giới về kinh phí KHKT, bao giờ cũng chiếm trên 3% GDP. Tỷ lệ này của TQ nhiều năm chưa đạt mức 1,5%; riêng năm 1965 chiếm 6% ngân sách, nhưng phần lớn là để làm bom hạt nhân, tên lửa và vệ tinh. 

Rõ ràng trình độ phát triển xã hội của TQ không thể xếp thứ 7 được; chỉ tiêu này và chỉ số hạnh phúc không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng tài sản của một nước. Thời chiến tranh Thuốc phiện (1840-1842) và chiến tranh Giáp Ngọ (1894), GDP của TQ chiếm 30% tổng GDP toàn cầu nhưng xã hội khép kín, đời sống nhân dân điêu đứng, TQ đều thua trong hai cuộc chiến tranh đó.. Một khi xã hội mất hoà hợp thì mọi thứ đều biến thành số không. 

Các điều kiện diện tích, số dân và tài nguyên của TQ đều ưu việt hơn Nhật mà sức mạnh tổng hợp lại kém Nhật, đó là tình trạng không bình thường. Nhiều lĩnh vực TQ chỉ hơn Nhật ở số lượng nhưng chỉ tiêu bình quân đầu người lại kém. Phần cứng về vật chất dễ vượt người ta, song việc xây dựng phần mềm như chế độ, môi trường là việc cần thời gian lâu dài hơn. Giá trị của bảng xếp hạng này chính là ở chỗ đã đánh giá TQ kém về các phạm trù phi bẩm sinh.

Một chuyên gia chiến lược quân sự TQ nổi tiếng mạnh miệng là giáo sư-thiếu tướng hải quân Trương Triệu Trung trong một lần lên truyền hình bình phẩm Sách Vàng kể trên cũng kết luận: về sức mạnh tổng hợp, TQ chỉ nên xếp hàng thứ 5-8 là tương đối hợp lý.
Riêng việc xếp hạng TQ thứ hai về sức mạnh quân sự thì lại có nhiều ý kiến khác nhau:  84,8% cho là “cao”, chỉ có 12,6% cho là “cơ bản phù hợp”, 2,6% cho là “thấp” (?). 

Lý Thiếu Quân, tác giả chương cuối cùng của Sách Vàng giải thích: người TQ rất thích khái niệm sức mạnh tổng hợp, khi đánh giá sức mạnh tổng hợp không thể không xét sức mạnh quân sự, nhưng vì ở đây dùng số liệu quân sự do nước ngoài công bố (có lẽ vì TQ không công bố họ có bao nhiêu máy bay, xe tăng, tàu chiến ..) cho nên kết quả xếp hạng về quân sự của Sách Vàng là “không đáng chú ý”. 

Có người nói TQ chưa có tàu sân bay, tàu khu trục loại lớn, máy bay ném bom chiến lược, máy bay vận tải cỡ lớn, máy bay chống tàu ngầm, tàu ngầm hạt nhân tàng hình thế hệ 4 ... chưa có hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp hải lục không quân ... như thế sao có thể xếp thứ 2 về quân sự? Xếp hạng cao như thế phải chăng là tự mình lừa dối mình? Và chỉ làm cho những người đang rêu rao thuyết “TQ đe doạ” có thêm lý do tin rằng họ đúng ?

Đại tá Đới Húc nhận xét: Hiện nay tất cả máy bay chiến đấu của TQ đều dùng động cơ do nước ngoài chế tạo. Máy bay J-10 (Tiêm kích-10) dùng động cơ phản lực của Nga, máy bay Phi Báo (Con báo bay) dùng động cơ của Anh. Máy bay cảnh báo sớm EL76 vốn là máy bay của nước ngoài. Rất nhiều tàu chiến lớn của ta đều dùng động cơ của nước ngoài. Đến cái động cơ mà còn chẳng làm được thì giá trị ngành công nghiệp quân sự cả nghìn tỷ Nhân Dân Tệ có gì hữu dụng?   

Thiếu tướng Trương Triệu Trung cho rằng đánh giá sức mạnh quân sự là việc rất khó. Sách Vàng xác định 3 mục chi phí quân sự, số binh sĩ, trang bị vũ khí, như vậy là chưa toàn diện. Trang bị vũ khí cực kỳ phức tạp. Tôi nghiên cứu vấn đề này đã 40 năm mà chưa dám nói mình hiểu biết bao nhiêu về trang bị quân sự của TQ. Sách Vàng nói TQ có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân, đây là bí mật nhà nước, sao anh biết được? Sao lại có thể lấy số liệu từ báo chí nước ngoài? Nếu đã là bí mật quân sự thì chúng ta không dám tính toán và xếp hạng. 

Thí dụ Sách Vàng nói Nga có 22800 xe tăng. Thử hỏi lục quân Nga hiện có bao nhiêu lính? Chả lẽ bình quân mỗi lính có 1 xe tăng ư? Thực ra Nga hiện chỉ có khoảng 2000 xe tăng dùng được. Cho nên số liệu của Sách Vàng là không chính xác, do đó đi đến kết luận sai. Việc xếp hạng TQ thứ 2 về quân sự chỉ tạo cớ để người ta sợ TQ, vì lý do này mà Mỹ tái khởi động sản xuất máy bay thế hệ 4, Nhật lập tức tăng tốc phát triển tàu sân bay.

Trong thời đại tin học ngày nay, mọi thứ phần cứng sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiết bị tin học-điện tử chưa tốt. Đây là phần quan trọng nhất, nhưng trình độ tin học hoá của quân đội TQ chỉ xếp dưới thứ 20 thôi, vì 28 nước NATO đều có trang bị tin học rất hiện đại.

Số lượng và chất lượng vũ khí hạt nhân TQ cũng xếp thứ 5 thôi, vì chưa có máy bay ném bom chiến lược, nghĩa là “tam vị nhất thể” thì ta mới có 2 thứ (là tên lửa và tàu ngầm hạt nhân). Máy bay chiến đấu tốt nhất của TQ là J-10, giá 30 triệu đô-la, giá 1 chiếc B-2 của Mỹ tới 2,8 tỷ đô-la, nếu cứ xét theo số lượng máy bay mà không xét chất lượng thì thật ngu xuẩn. 

Máy bay, tàu chiến TQ lạc hậu sau Mỹ 15-20 năm. TQ có rất nhiều súng phóng rốc-két, Mỹ bây giờ đã dùng đạn la-de, điện từ. Hai tàu khu trục tốt nhất của TQ sang tuần tiễu ở vịnh Aden, lượng thoát nước cộng lại có 14 nghìn tấn, mà một chiếc tàu sân bay Mỹ đã 100 nghìn tấn, sao có thể so đọ được. Sách Vàng nói chỉ xét số lượng không xét chất lượng vũ khí, thế thì sai rồi. TQ có 2,3 triệu lính, Mỹ 1,4 triệu, Nga 1 triệu. TQ có nhiều binh sĩ, là nhược điểm, kinh phí dùng để nuôi người là chính, lấy đâu nuôi vũ khí, sao có thể coi người nhiều là ưu điểm. 

Trang bị quân sự TQ về vũ khí hạt nhân nên xếp thứ 5, xe tăng, máy bay, tàu chiến thứ 7-8, về tổng thể chỉ xếp thứ 7-8 thôi.

Tướng Trương kết luận: sức mạnh quân sự TQ chỉ xếp hạng thứ 5-6 thôi, không thể xếp thứ 2 như Sách Vàng.

Trong bài “Sức mạnh quân sự của TQ có thực mạnh hay chỉ là con hổ giấy?”, Ben Blanchard phóng viên tại Bắc Kinh của hãng tin Reuters viết: những khối vuông vức binh sĩ xếp hàng diễu hành trong lễ duyệt binh 60 năm quốc khánh TQ chứng tỏ họ đã bỏ ra nhiều công phu tập luyện, thế nhưng quân đội TQ còn những khiếm khuyết về kinh nghiệm chiến đấu thực tế, về kỹ thuật quân sự tân tiến và khả năng hiệp đồng tác chiến. Bởi vậy lực lượng quân sự TQ nếu muốn trỗi dậy mạnh mẽ thì trước mắt họ còn cả một chặng đường dài dài.

TQ đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng quân đội, hiện nay họ đang triển khai nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu và tên lửa loại cao cấp, đóng tàu sân bay, đồng thời cắt giảm số lượng binh sĩ, tiến tới xây dựng một đội quân tinh giản và có hàm lượng KHKT cao nhất. 

Ngân sách quốc phòng TQ năm nay tăng 7,5%, biên độ tăng tuy có kém so năm trước nhưng vẫn là khả quan so với các nước khác, và năm nào cũng tăng, do đó gây ra tâm lý lo lắng cảnh giác trong các nước châu Á-Thái Bình dương và nhất là Mỹ. Xét theo số liệu thì dường như quân đội TQ ngày một mạnh lên, song các nhà phân tích và ngay cả các sĩ quan TQ cũng đều cho rằng nếu muốn thực sự thách thức Mỹ thì TQ còn phải đi một chặng đường dài.

Drew Thompson cán bộ của Nixon Center (một thinh-tank Mỹ) nói: “Công nghệ quân sự tự chủ của TQ đã phát huy tác dụng chưa, hay là vẫn như rất nhiều thứ khác trong chế độ TQ, chỉ dừng lại ở bề ngoài mà thôi? Đáp án của tôi nghiêng về phía chưa phát huy tác dụng.”

Gần đây khi mối quan hệ TQ-Mỹ căng thẳng tăng lên, một số người phái cứng rắn ở TQ hô hào chính phủ họ trả đũa Mỹ, nhưng một số sĩ quan TQ lại có thái độ bình tĩnh.
 
Giáo sư, trung tướng Lý Điện Nhân nói: “Ai có chút thường thức đều biết thực lực chúng ta (tức TQ) về căn bản không thể so đọ được với Mỹ. Khoảng cách thua kém Mỹ về kinh tế, KHKT và quân sự rất lớn. Sao mà chúng ta có thể đe doạ nước Mỹ được cơ chứ?”

Sức mạnh quân sự của TQ xếp hạng thứ 2 hoặc thứ 5-6, xem ra có vẻ đáng sợ. Nhưng còn sức mạnh mềm của họ thì sao? ■  

-
Thứ hai, 19/07/2010, 22:22(GMT+7)
Sự kiện đàn áp dân chủ "Thiên An Môn" 04/06/1989
Thử bàn về sức mạnh của Trung Quốc P3
VIT - Trong thời đại hạt nhân ngày nay chẳng nước lớn nào dại dột đánh nhau, bởi lẽ như thế là tự sát, là cùng chết. Trong chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô do ý thức hệ trái nghịch mà đối đầu cực kỳ quyết liệt, nhưng hai bên đều tránh xung đột quân sự, dù họ có thừa bom hạt nhân đến mức phải huỷ bớt đi. Vì vậy muốn thắng đối thủ thì phải ra sức tận dụng phát huy sức mạnh mềm, một loại sức mạnh vô hình có tác dụng lôi kéo người ta theo mình mà chẳng cần doạ dẫm hoặc lừa bịp dụ dỗ (một kiểu “diễn biến hoà bình”).

Tác giả Nguyễn Hải Hoành



Phần III:  Sức mạnh mềm của Trung Quốc ra sao?

Trong thời đại tin học, sức mạnh mềm ngày một trở nên quan trọng, có tác dụng hơn cả sức mạnh cứng, lực công phá ngầm rất lớn. Song tạo ra sức mạnh mềm là việc rất khó và lâu dài, liên quan đến văn hoá truyền thống, giá trị quan và tập quán dân tộc hình thành trong quá khứ. Với một nước có lịch sử lâu đời, các truyền thống ấy không dễ thay đổi. 

Có thể coi sức mạnh mềm là lực hút của nền văn minh. Cho tới nay văn minh phương Đông vẫn học văn minh phương Tây là chính, quá trình này chưa đảo ngược được cho dù người ta luôn nói thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của TQ. Người Nhật khôn ngoan từ cuối thế kỷ XIX nêu khẩu hiệu “Thoát Á nhập Âu” là vì biết rõ văn minh phương Tây ưu việt hơn hẳn.

Khái niệm sức mạnh mềm được người TQ coi trọng hơn các nước khác, có lẽ vì họ thấy đây là lĩnh vực còn yếu. Xét theo 4 tiêu chuẩn cường quốc do Brzezinski nêu ra trong cuốn Bàn Cờ Lớn (The Grand Chessboard, 1999) - là mạnh về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, và văn hoá có sức hấp dẫn, - thì họ chưa đạt tiêu chuẩn sau cùng. Sức cạnh tranh văn hoá TQ hoàn toàn không tương xứng với vị thế nước lớn kinh tế hiện nay và nền văn minh Trung Hoa 5000 năm lịch sử. 

Nhân Dân Nhật báo TQ mở riêng một trang mạng Diễn đàn sức mạnh mềm (rsl.people.com.cn); chưa kể nhiều trang mạng cùng chủ đề do các đơn vị khác chủ trì. Cuộc thảo luận về sức mạnh mềm đang thu hút nhiều người Trung Quốc tham gia.

Phó Giám đốc Học viện Văn hoá Trung Hoa Diệp Tiểu Văn viết: Bà Thatcher từng nói “TQ sẽ không trở thành nước lớn trên thế giới, họ xuất khẩu ti-vi chứ chưa xuất khẩu quan niệm, tư tưởng” [trích từ sách Statecraft: Strategies for a Changing World], câu này muốn nhắc nhở nếu TQ không xuất khẩu văn hoá thì cho dù đã đứng đầu toàn cầu về xuất khẩu hàng hoá nhưng TQ sẽ vẫn là anh nông dân bán hàng rong, chưa phải đại gia thương mại. Văn hoá TQ cần đi ra thế giới với bộ mặt hợp tác, nhấn mạnh hoà hợp, hoà bình, lấy con người làm gốc, nhân ái, khoan dung.

Đúng vậy, xuất khẩu văn hoá của TQ hiện nay chỉ bằng 1/14 nhập khẩu, đấy là chưa kể loại sản phẩm văn hoá phi vật thể (như nghe đài, xem truyền hình).

Các học giả TQ than phiền: sau Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, nước này chưa  xuất hiện nhà tư tưởng hoặc triết gia nào có ảnh hưởng toàn cầu. 

Trong khi đó các học thuyết mới mọc lên như nấm ở phương Tây, như thuyết Xung đột văn minh (của Huntington), thuyết Sức mạnh mềm (của Nye) v.v... Sinh viên, học giả kinh tế khắp thế giới đều đọc sách của Adam Smith, Paul Samuelson v.v... Ngược lại, TQ chưa xây dựng được học thuyết kinh tế riêng của mình tuy kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. 

Tương tự, có nhiều sinh viên nhất nhưng chưa trường ĐH nào của TQ có tên trong 50 trường ĐH hàng đầu thế giới. Không nước nào có lượng tác phẩm văn học xuất bản hàng năm nhiều như TQ song chưa tác phẩm văn học TQ nào có ảnh hưởng toàn cầu (trong khi một số nhà văn TQ chạy ra nước ngoài lại được tặng nhiều giải lớn). Chưa một công dân quốc tịch Trung Quốc nào được tặng giải Nobel khoa học hoặc văn học, tuy đã có một số người Hoa quốc tịch nước ngoài nhận vinh dự này; giải Fields (còn gọi là giải Nobel toán học) cũng vậy.

TQ cho rằng tiếng nói quốc tế của họ còn yếu, vì hiện nay 95% thị trường truyền thông thế giới là do 10 tập đoàn truyền thông phương Tây kiểm soát.

TQ chiếm 25 trong số 500 công ty có vốn lớn nhất toàn cầu năm 2009 [danh sách do Financial Times lập; Mỹ có 181, Nhật 49, Anh 32], đặc biệt chiếm vị trí thứ 2 và thứ 4. Thế nhưng rất ít thương hiệu TQ nổi tiếng thế giới. Hàng TQ nhiều, rẻ, đẹp nhưng hàng xấu, hàng nhái, thậm chí hàng có hại sức khoẻ (như sữa bẩn melamin) đã làm mất thanh danh của họ. Ở châu Á hàng TQ khó cạnh tranh với hàng Nhật hoặc Hàn Quốc; sang Âu, Mỹ lại càng hay bị chê.

Bởi vậy tạo dựng uy tín cho các doanh nghiệp và thương hiệu cho hàng hoá TQ trở thành việc bức thiết và lâu dài. Đây là một lĩnh vực sức mạnh mềm rất quan trọng, vì hàng hoá đi vào từng gia đình nước ngoài, hàng tốt mang lại thiện cảm với quốc gia sản xuất thứ hàng đó. 

Trong cuốn Giấc mơ Trung Quốc, tác giả Lưu Minh Phúc viện dẫn quan điểm “quốc gia hạng nhất xuất khẩu giá trị quan và văn hoá; quốc gia hạng hai xuất khẩu công nghệ và quy tắc; quốc gia hạng ba xuất khẩu sản phẩm và sức lao động” và nhận xét TQ hiện nay chỉ mới xuất khẩu hàng hoá và sức lao động là chính. Tác giả hy vọng sẽ có ngày sản phẩm văn hoá TQ sẽ đi vào từng gia đình trên khắp thế giới như đồ chơi trẻ em và quần áo “made in China” hiện nay.

Một nhà báo TQ viết: thực hiện giấc mơ xuất khẩu văn hoá và giá trị còn khó hơn giấc mơ kinh tế. Trước hết, chữ Hán khó học là một cản trở truyền bá văn hoá, vì thế nền văn minh Trung Hoa có bề dầy 5000 năm cho tới nay vẫn bị coi là thần bí. Thời Ngũ tứ (1919) giới trẻ TQ phê phán chữ Hán khó học, chỉ một số tinh anh mới nắm được, hình thành nạn chuyên chế học thuật. Có lẽ vì thế mà thế giới chưa biết gì mấy về các thành tựu khoa học nhân văn xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật cũng như văn học nghệ thuật TQ. Trong Diễn đàn Toàn cầu tương lai Trung Quốc (Future China Global Forum) họp ngày 12-13/7/2010 tại Singapore, ông Lý Quang Diệu nói người Trung Quốc nên nắm được tiếng Anh (toàn dân Singapore, trong đó 80% là người Hoa đều nắm được tiếng Anh). 

Văn học TQ chưa có ảnh hưởng quốc tế lớn. Ba tác phẩm cổ điển Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Thuỷ Hử tuy được người TQ rất thích, nhưng ra thế giới lại không thế, thậm chí bị chê là thiếu tính nhân văn. Văn học cận đại và hiện đại cũng không hợp “khẩu vị” phương Tây. Nhà Hán học người Đức Kubin còn gọi văn học hiện đại TQ là “rác rưởi”. Nghệ thuật điện ảnh dù đầu tư nhiều nhưng chưa mấy phim đoạt giải quốc tế lớn. 

Trong thập niên vừa qua TQ đặc biệt chú trọng tăng cường sức mạnh mềm. Theo đề nghị của các giới chính trị, kinh tế, học thuật, họ đã thành lập Uỷ ban Xây dựng Sức mạnh mềm Trung Quốc (tiếng Anh viết tắt CCOSP). Uỷ ban này nhận được sự ủng hộ của Viện Khoa học quyết sách TQ, Hội Doanh nghiệp TQ, Uỷ ban Chuyên nghiệp chiến lược doanh nghiệp và Hội nghiên cứu chiến lược học phát triển TQ.  

Ban lãnh đạo CCOSP có Chủ tịch là ông Quản Ích Hân, cùng 3 phó Chủ tịch và 1 tổng thư ký. Bên cạnh còn có một Ban Chuyên gia gồm 16 viện sĩ, giáo sư, doanh nhân ...CCOSP có nhiệm vụ chung là nâng cao sức mạnh mềm quốc gia, chủ yếu là sức mạnh mềm của các doanh nghiệp và thành phố; nhiệm vụ cụ thể là triển khai việc nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, thúc đẩy sức mạnh mềm, tăng cường xây dựng và nâng cao sức mạnh mềm của các đơn vị này. 

Sức mạnh mềm của doanh nghiệp và đô thị được đặc biệt chú trọng. Các đô thị đều lập quy hoạch thực hiện 10 chỉ tiêu sức mạnh mềm: sức kêu gọi văn hoá, sức ngưng tụ, sức truyền bá hình ảnh, năng lực làm việc của chính quyền, khả năng hoà hợp xã hội, phát triển giáo dục, sức thu hút thương mại, sức sáng tạo KHKT, sức ảnh hưởng khu vực, năng lực thúc đẩy tin học. Các đô thị lớn phấn đấu trở thành đô thị trung tâm quốc gia. Năm 2009 TQ được xếp thứ 74 trong bảng xếp hạng quốc gia xét theo chỉ số hoà bình thế giới, cao hơn Mỹ 9 bậc.

Một loạt báo, tạp chí tiếng nước ngoài ra đời. Tăng phát thanh, truyền hình phát ra hải ngoại; như phát chương trình truyền hình 24 giờ/ngày phủ sóng 22 quốc gia A-rập với 300 triệu dân.

TQ đã tranh thủ các lễ hội để phô trương hình ảnh nước mình, thí dụ lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, lễ Quốc khánh 60 năm ... được tổ chức cực kỳ hoành tráng, quy mô vượt xa tất cả các nước khác. Nhiều tỷ đô-la được chi vào thiết kế xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ cỡ nhất thế giới như nhà hát quốc gia, sân vận động, trụ sở đài truyền hình trung ương ...

Tháng 7/2009 chính phủ TQ đã ban hành Quy hoạch chấn hưng ngành văn hoá, nhằm tạo ra sức cạnh tranh văn hoá trên phạm vi toàn cầu.

Chính phủ đã mạnh tay đầu tư kinh phí thành lập hàng trăm Học viện Khổng Tử (HVKT) trên khắp 5 châu, coi đây là các cơ sở xuất khẩu văn hoá và giá trị quan của TQ. HVKT là một tổ chức công ích xã hội không kiếm lời, nhằm triển khai tại nước ngoài việc dạy Hán ngữ, đào tạo giáo viên dạy Hán ngữ, giới thiệu văn hoá Trung Hoa và trao đổi văn hoá; trong đó việc đầu tiên là cung cấp cho người học hoặc yêu thích học Hán ngữ trên khắp thế giới một kênh giảng dạy Hán ngữ chính quy nhất, bộ giáo trình Hán ngữ chuẩn, có uy tín nhất.

Chủ tịch Tổng bộ HVKT Lưu Diên Đông cho biết: kể từ HVKT đầu tiên được lập năm 2004 (tại Hàn Quốc) cho tới nay TQ đã lập được 282 học viện tại 88 nước, chưa kể 272 “Lớp Khổng Tử” (chủ yếu tại các trường trung học) với 230 nghìn học sinh. Hiện nay 50 nước đang xin lập HVKT. TQ cũng dự định lập tại Việt Nam một HVKT. Riêng ở Mỹ hiện đã có 80 HVKT.

Việc dạy Hán ngữ được mọi người hoan nghênh, vì họ có dịp được miễn phí học thứ ngôn ngữ của nền văn minh lâu đời nhất nhì thế giới với 1,5 tỷ dân. Nhưng việc trao đổi truyền bá văn hoá TQ thì không đơn giản như vậy. 

Lưu Toàn Sinh Giám đốc HVKT Đại học Maryland (HVKT đầu tiên ở Mỹ) cho biết: “Một số người Mỹ không hoan nghênh HVKT, họ cho rằng đây là dịp TQ trỗi dậy thừa cơ tiến hành cuộc xâm lược văn hoá với nước Mỹ; họ lo ngại hai nền văn minh TQ-Mỹ có thể va chạm nhau. Nhưng nhận thức này là sự hiểu lầm văn hoá TQ.” 

Theo ông Lưu, thực chất tinh thần hoà hợp, hoà bình mà nền văn hoá TQ theo đuổi mới là nguyên nhân tầng sâu hấp dẫn dân Mỹ học Hán ngữ. “Hoà nhập văn hoá thắng xung đột văn hoá” - ông nói, “Nhà phát minh bom khinh khí từng nói phát minh lớn nhất của thế kỷ XXI nên là thực hiện chung sống hoà hợp giữa con người với con người, mà tư tưởng Hoà vi quý, Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (điều gì mình không muốn thì chớ đẹm lại cho người khác) của Khổng Tử từ lâu đã trả lời câu hỏi ấy. Rất nhiều tư tưởng của Khổng Tử cho tới nay vẫn có giá trị mạnh mẽ.” 

Dĩ nhiên nói hay mà làm dở thì tác hại hơn là không nói. Cuộc điều tra Cái nhìn về TQ mới đây tại 14 quốc gia cho thấy thiện cảm với TQ từ mức 49% năm 2005 giảm xuống còn 34% năm 2009-2010 (theo BBC 20/4/2010). Thiện cảm của dân Đài Loan đối với Nhật cũng nhiều hơn với TQ.

Học thuyết của Khổng Tử sau gần một thế kỷ bị phê phán, vùi giập, từ thập niên 90 trở đi lại được người TQ từng bước phục hồi và cố gắng quảng bá ra thế giới như một hệ tư tưởng, hệ giá trị quan mang đặc sắc Trung Hoa. Nỗ lực ấy mang lại kết quả ra sao?■
-
Thứ sáu, 30/07/2010, 13:32(GMT+7)

Nơi cất giữ linh hồn Tần Thủy Hoàng
Thử bàn về sức mạnh của Trung Quốc P4
VIT - Mạng lưới Học viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc xây dựng trên khắp thế giới có nhiệm vụ truyền bá văn hoá Trung Hoa, một nền văn hoá lâu đời có nhiều thành tựu xuất sắc như tứ đại phát minh (giấy, nam châm, thuốc súng, kỹ thuật in), chữ Hán, thơ Đường, v.v... Người Trung Quốc quen gọi học thuật của nền văn hoá truyền thống ấy là “Quốc học”, để phân biệt với “Tây học”, tức học thuật của phương Tây.

Tác giả Nguyễn Hải Hoành
Phần I:    Đánh giá và xếp hạng sức mạnh quốc gia Trung Quốc
Phần II:   Các bình luận về xếp hạng sức mạnh quốc gia Trung Quốc
Phần III:  Sức mạnh mềm của Trung Quốc ra sao?
Phần IV:  Nho giáo liệu có thể tăng được sức mạnh mềm của Trung Quốc không?


Phần IV: Nho giáo có thể tăng được sức mạnh mềm của Trung Quốc hay không?



Phần quan trọng nhất của Quốc học là Nho giáo (hoặc Nho gia, Nho học), một hệ thống đạo đức, triết lý do Khổng Tử sáng lập nhằm xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo, Đạo gia và Pháp gia là 3 phái chính trong văn hoá tư tưởng truyền thống của Trung Quốc (sau có thêm Phật Giáo nhập từ Ấn Độ). Do được giai cấp phong kiến coi là hệ tư tưởng độc tôn suốt mấy nghìn năm nên Nho giáo có ảnh hưởng lớn nhất đối với Trung Quốc, cho dù nó chưa chắc đã tiến bộ hơn 2 phái kia.

Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Trung Quốc, của đạo Khổng. Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội trang trọng thờ tượng Khổng Tử với dòng chữ Chí Thánh Tiên Sư. Quả vậy, vị hiệu trưởng trường tư thục đầu tiên trên thế giới này mãi mãi là nhà giáo dục vĩ đại của nhân loại.

Là hệ tư tưởng của chế độ phong kiến, cho nên khi người Trung Quốc bắt đầu chống chế độ đó (phong trào Thái Bình Thiên Quốc, 1851) thì địa vị Nho giáo bắt đầu lung lay. Nhất là khi văn minh phương Tây với hai đặc điểm chính dân chủ và khoa học du nhập vào Trung Quốc, và khi chính quyền nhà Thanh thua nhục nhã trước sự xâm lăng của các đế quốc phương Tây thì giới trí thức Trung Quốc mới hiểu ra nước mình quá lạc hậu, các tư tưởng truyền thống Trung Hoa đều không thể cứu được Trung Quốc, ngược lại còn là thứ cần vứt bỏ. Từ đó Nho giáo bị chính người Trung Quốc phê phán thậm tệ.

Giữa thế kỷ XIX Nhật Bản đi đầu bỏ Nho giáo theo văn minh phương Tây và nhờ đó nhanh chóng trở nên hùng mạnh. Noi gương ấy, các nhà cải cách ở Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đề xuất chủ trương duy tân, hiện đại hoá Trung Quốc về mọi mặt. Tại Việt Nam, Phan Châu Trinh cùng các sĩ phu Đông Kinh Nghĩa Thục hăng hái đả phá “cựu học” (tức Nho học) và mọi hủ tục phong kiến, đề xướng “tân học”, dùng chữ Quốc ngữ thay chữ Hán. Phan Châu Trinh kêu gọi: “Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam”!

Thời kỳ Ngũ Tứ (1919) các lãnh tụ phong trào Tân Văn hoá như Lỗ Tấn, Hồ Thích, Trần Độc Tú ra sức hạ bệ Nho giáo. Thánh nhân số 1 Trung Quốc là Lỗ Tấn (lời Mao Trạch Đông) nói đạo Khổng là học thuyết ăn thịt người, là công cụ áp bức bóc lột của chế độ phong kiến.

Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, học thuyết này hầu như không còn chỗ đứng, và bị nhổ tận gốc trong “Cách mạng văn hoá”.

Từ ngày cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc tiến những bước khổng lồ, người Trung Quốc muốn từ các giá trị văn hoá truyền thống của họ tìm ra lý lẽ giải thích sự thần kỳ ấy. Khi kinh tế Trung Quốc đã ngang ngửa với Âu Mỹ, họ cũng muốn văn hoá Trung Quốc có địa vị tương xứng để chấm dứt “thời đại bá quyền văn hoá phương Tây”. Mặt khác, đời sống công nghiệp, hiện đại hóa mang lại nhiều vấn nạn, như môi trường ô nhiễm, đạo đức suy thoái, tham nhũng, phân hóa giàu nghèo. Sau khi CNXH ở Liên Xô sụp đổ, người Trung Quốc cảm thấy có khoảng trống về tư tưởng cần được khoả lấp; tự nhiên họ thấy cần phục hồi Nho giáo, coi đó là một thứ sức mạnh mềm mang đặc sắc Trung Quốc.

Từ giữa thập niên 80, nhà nước cấp kinh phí cho một nhóm học giả nghiên cứu Nho giáo mới thời hiện đại. Tuy mới đầu bị phê phán là “chủ nghĩa bảo thủ văn hóa”, đi ngược chủ nghĩa Mác, nhưng nhóm này ngày càng cố gắng chứng minh các giá trị quan Nho giáo có thể đóng góp vào việc xây dựng xã hội mới.

Nho giáo có các giá trị quan khác với phương Tây, như:

             - Giá trị đạo nghĩa cao hơn giá trị danh lợi;  
             - Giá trị đạo đức cao hơn giá trị của trí năng;  
             - Giá trị của tập thể cao hơn giá trị của cá nhân;   
             - Giá trị của bình yên cao hơn giá trị của tự do;  
             - Giá trị của sự hài hòa cao hơn giá trị của cạnh tranh.

Vì thế Nho giáo có thể hữu ích cho việc hiện đại hóa và thống nhất Trung Quốc, nâng uy tín quốc tế của Trung Quốc; có thể dùng một số quan điểm Nho giáo để giải quyết các vấn nạn của thế giới hiện nay như xung đột và chiến tranh, môi trường sinh thái bị huỷ hoại, đời sống căng thẳng do lối sống công nghiệp, do đạo đức suy đồi. Thí dụ quan điểm Thiên nhân hợp nhất chủ trương không được khai thác tới mức tàn phá thiên nhiên. Nhân chính học của Mạnh Tử chủ trương người làm chính trị phải thương dân. Tư tưởng Hoà vi quý, Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (điều gì mình không muốn thì chớ đẹm lại cho người khác) có lợi cho hoà bình thế giới. Các giá trị quan của Nho giáo và của phương Tây có thể bổ sung lẫn nhau; Nho giáo cần được giải thích một cách sáng tạo và đổi mới, nhằm hình thành giá trị quan phù hợp nhu cầu phát triển.

Năm 1999, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, lễ kỷ niệm 2550 năm sinh Khổng Tử được tổ chức rầm rộ và có sự tham gia của chính quyền. Phó chủ tịch Hội Nho học Trung Quốc nói thời kỳ phục hưng đạo Khổng đã xuất hiện. Tháng 3/2005, một đại biểu Quốc hội Trung Quốc đề nghị phục hồi đạo đức nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, đưa Tứ thư ngũ kinh vào chương trình trung-tiểu học và sát hạch công chức…

Lãnh đạo Trung Quốc cũng bắt đầu dùng ngôn từ của Nho giáo: tháng 2/2006, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào phát biểu: Khổng Tử từng nói Hoà vi quý; sau đó ông chỉ thị Trung Quốc phải xây dựng xã hội hài hoà – một chủ trương dựa trên những tư tưởng cơ bản Hoà và Nhân (thương người) của Nho giáo.

“Cơn sốt Quốc học” xuất hiện khi bà Vu Đan thuyết trình nhiều buổi trên truyền hình trung ương đề tài “Thu hoạch đọc sách Luận Ngữ” (10/2006), thu hút hàng trăm triệu người xem. Các trường phổ thông rộ lên phong trào trẻ em đọc Tam Tự Kinh, Luận Ngữ. Các trường đại học mở lớp Quốc học. Nhiều kinh điển Khổng Mạnh in hàng triệu bản vẫn bán hết ngay. “Cơn sốt Quốc học” đã góp phần làm tâm lý quần chúng được an ủi, ổn định. Sử gia Dư Anh Thời nhận xét: Nhà nước muốn Luận Ngữ gây được tác dụng xã hội hài hoà, ai nghèo thì hãy cứ yên vui với cảnh nghèo, qua đó giảm số người bất mãn với tình trạng phân hoá giàu nghèo.

Trong “cơn sốt” ấy đã xuất hiện nhiều yếu tố phục cổ, mê tín, trọng hình thức nhẹ nội dung, lãng phí tiền của xây miếu đắp tượng, lễ bái, xu hướng đề cao vua chúa phong kiến, hạ thấp vai trò phong trào Ngũ Tứ và chủ nghĩa Mác. Thậm chí có học giả quá khích (như Tưởng Khánh) đề nghị đưa Nho giáo lên thành hệ tư tưởng của quốc gia!

Giáo sư Vương Kiệt ở trường Đảng Trung ương Trung Quốc cảnh báo: trong cơn sốt này cần cảnh giác với khuynh hướng dân tộc hẹp hòi và bảo thủ về văn hoá, với những kẻ mượn danh phục hồi Nho giáo để thay thế chủ nghĩa Mác và tẩy chay văn hoá phương Tây.

Thực ra đó chỉ là cơn sốt giả, thể hiện sự nông cạn văn hoá tới mức bệnh hoạn. Quả thế, sau 2 năm nó đã nhanh chóng hạ nhiệt, để lại một thứ tình cảm dân tộc chủ nghĩa hư vô, những bộ phim ca ngợi vua chúa phong kiến. Một số kẻ đầu cơ văn hoá vớ bẫm về danh và lợi qua cơn sốt ảo này.

Trong thực tế, phái Mác xít và phái tự do trong giới trí thức Trung Quốc hiện còn rất đông, rất mạnh; họ ra sức chống lại việc phục hồi đạo Khổng; cho rằng ngày nay có bao nhiêu học thuyết tân tiến, cớ sao phải quay về tư tưởng cổ hủ ấy.

Triết gia nổi tiếng Lý Trạch Hậu phản đối một Khổng Tử phục cổ, dân tộc chủ nghĩa. Ông nói Luận Ngữ không thể cung cấp các quan niệm dân chủ và khoa học là thứ Trung Quốc vẫn đang cần; không phải mọi lời Khổng Tử đều là chân lý.

Sách "Chó không nhà": Tôi đọc Luận Ngữ của Lý Linh (được chọn là sách hay nhất năm 2007), góp phần quan trọng hạ nhiệt “Cơn sốt Quốc học”. Tác giả nói thẳng: Khổng Tử không phải là thánh nhân; Khổng Tử bao đời được ca tụng ấy chỉ là Khổng Tử “nhân tạo”, không phải Khổng Tử đích thực. Đức Khổng chỉ là một người xuất thân hèn mọn nhưng lại dùng tầng lớp quý tộc cổ (chân quân tử) làm tiêu chuẩn lập thân, một người chân thành nhiệt tình, mơ ước phục hồi sự cai trị yên bình thiên hạ của Chu Công; cụ đi khắp nơi du thuyết lo nghĩ thay cho bọn thống trị, rát cổ bỏng họng khuyên chúng cải tà quy chính mà chúng chẳng thèm nghe; một người gian nan phiêu bạt như con chó không nhà, như chính cụ thừa nhận. Lý Linh trích dẫn lời triết gia Hegel: “Trung Quốc không có triết học.” để phủ nhận ý kiến coi Khổng học là triết học.

Một học giả nổi tiếng tích cực phục hồi Nho giáo là Dư Anh Thời (Giải thưởng thành tựu suốt đời về khoa học nhân văn và xã hội John W. Kruge, được gọi là giải Nobel khoa học nhân văn và xã hội) cho rằng dân Trung Quốc vì thiếu tín ngưỡng nên phải tìm đến Luận Ngữ; trào lưu Nho học Trung Quốc hiện nay có xu hướng chống các giá trị của phương Tây; người Trung Quốc đang hiểu sai Luận Ngữ, sách này chủ yếu nói về tu thân và trật xã hội, không nói về chính trị, không thể coi Khổng Tử là hình mẫu của mọi thứ.

Giáo sư ĐH Thanh Hoa Daniel Bell (người Mỹ, hăng hái chủ trưng phục hồi Nho giáo) nói: cách giải thích Nho giáo của giới học giả thường xa rời đường lối của chính quyền, như Nho giáo phản đối sử dụng vũ lực mà Trung Quốc chủ trương dù buộc phải dùng vũ lực thì cũng phải thống nhất Đài Loan; hoặc Khổng Tử chủ trương chọn người qua thi tài kiểu khoa cử, còn Trung Quốc thì chọn theo tiêu chuẩn trung thành với đảng.

Học giả nổi tiếng Đỗ Duy Minh nói: xử lý văn hoá truyền thống là việc rất khó, Trung Quốc hiện chưa đủ điều kiện để thực hiện một “Trung Quốc văn hoá”; chớ nên đi con đường dân tộc hẹp hòi, chớ nên kiêu ngạo hoặc tự ti: việc phục hưng dân tộc Trung Hoa phải chăng chỉ nhằm để không bị kẻ khác bắt nạt hay là nhằm nắm lấy quyền bắt nạt kẻ khác?

Một nhân vật dân tộc chủ nghĩa là nhà bình luận văn hoá Tư Mã Bình Bang cũng nói: lịch sử cho thấy việc kiểm thảo các thói xấu thâm căn cố đế trong truyền thống dân tộc Trung Quốc vẫn là quá trình quan trọng để cải tạo người Trung Quốc thành con người hiện đại; nếu dựa vào trí tuệ gây dựng cơ đồ của tổ tiên ta thì kết cục sẽ nhất định sẽ rất bi thảm.

Trung tướng Không quân Lưu Á Châu (hiện là chính uỷ ĐH Quốc phòng Trung Quốc) nói Nho giáo có tội với nhân dân Trung Quốc, Khổng Tử không phải là nhà tư tưởng, cái gọi là triết lý của đạo Khổng chỉ xoay quanh quyền lực; nếu Nho học là triết học thì đó là triết học của xã hội quan trường hoá, nếu là tôn giáo thì đó là tôn giáo rởm.

Trong tiểu thuyết nổi tiếng Tôtem Sói, tác giả Khương Nhung nhiều lần căm phẫn lên án văn hoá Nho giáo đã tạo nên tính cách ươn hèn của người Trung Quốc, biến họ thành bầy cừu trước sự tấn công dũng mãnh của bầy sói đế quốc phương Tây.

Ai cũng biết bản chất Nho giáo có không ít quan điểm lạc hậu, thậm chí phản động; sau cả trăm năm bị đả phá, thực tế nó đã chết trong lòng người Trung Quốc. Một thứ quá xưa cũ như thế sẽ rất khó phục hồi, có nói tốt đến mấy rốt cuộc cũng chẳng làm nó sống lại như xưa.

Thế hệ người Trung Quốc hiện nay rất xa lạ với tư tưởng Khổng Mạnh, họ thích tự do dân chủ, khoa học và lối sống hiện đại hơn. Nhiều nhà kinh tế Trung Quốc tán thành quan điểm của Max Weber cho rằng văn hoá truyền thống Trung Hoa không dung hợp với hiện đại hoá.

Đỗ Duy Minh nói xu thế phát triển xã hội hiện nay là hiện đại hoá, tức kinh tế thị trường, chính trị dân chủ và coi trọng cá nhân – tính hiện đại này là thứ giá trị duy nhất có thể toàn cầu hoá, nghĩa là được đa phần thế giới chấp nhận. Nói cách khác, Nho giáo khó có thể toàn cầu hoá, vì thế khó có thể trở thành một thứ sức mạnh mềm lớn tới mức người Trung Quốc hy vọng.

Tuy vậy không thể phủ nhận một số yếu tố tích cực của Nho giáo có thể giúp Trung Quốc giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, giúp xây dựng xã hội văn minh, hoà hợp, đạo đức, giúp vào việc bảo vệ môi sinh và tài nguyên thiên nhiên, giúp xây dựng chính quyền trong sạch và thương dân, giúp chính quyền quan tâm phúc lợi của dân, quan tâm tới các quần thể yếu thế, như người nghèo hoặc tàn tật, người văn hoá thấp... Do đó có thể hy vọng Nho giáo sau khi được giải thích lại sẽ đóng vai trò quan trọng trong đối thoại văn minh giữa Trung Quốc với thế giới toàn cầu. ■