Cù Huy Hà Vũ không phải là người bình thường! Bởi người bình thường thì không ai lại cố tình có hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật đến như thế. Con người này sinh năm 1957 tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiếng tăm và có điều kiện được giáo dục bài bản, tiếc thay Vũ lại không ý thức được bản thân.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (chuyên ngành tiếng Pháp), năm 1979, Vũ nhận công tác tại Ban Thông tin Học viện Quan hệ Quốc tế. Trong thời gian 5 năm làm việc ở Học viện, Vũ liên tục được đi Pháp để tiếp tục học tiếng Pháp và học thêm các chuyên ngành quản lý nhà nước, quan hệ quốc tế, luật kinh tế. Hơn 15 năm được ưu tiên du học nước ngoài, đủ mọi loại bằng cấp nhưng Cù Huy Hà Vũ chẳng cống hiến được gì với nơi đã tạo điều kiện cho Vũ ăn học cũng như cho xã hội. Đã thế, khi về nước vào năm 1999, Vũ không đến cơ quan làm việc, không chấp hành kỷ luật của tổ chức. Đùng một cái, đến năm 2004, Vũ trở mặt quay lại kiện cáo đòi cơ quan phải trả lương.
Sau khi được giải quyết nhận công tác trở lại (2004 - 2009), Cù Huy Hà Vũ tái diễn không đi làm, và lại vi phạm liên tục kỷ luật lao động. Cơ quan của Bộ Ngoại giao nói trên đã không dưới 2 lần nhắc nhở và yêu cầu Vũ thực hiện nghĩa vụ công chức nhưng không có kết quả. Đến ngày 19/11/2009, Bộ Ngoại giao buộc phải quyết định xử lý kỷ luật cho thôi việc nhưng Vũ đã không chấp nhận, còn có những lời lẽ thách đố, mạt sát cá nhân lãnh đạo đơn vị và của Bộ.
Có thể nói, lật giở các trang hồ sơ từ Học viện Quan hệ Quốc tế đến UBND phường Điện Biên, thông qua những người anh em họ hàng cũng như hàng xóm, khối phố của Cù Huy Hà Vũ mới thấy con người này quả là "danh bất hư truyền" về thói hung hăng, côn đồ, coi thường gia phong, coi thường luật pháp. Vào năm 1986, UBND phường Điện Biên đã từng phải xử lý vụ Cù Huy Hà Vũ đánh bị thương người phụ nữ nhà bên cạnh do tranh chấp đất đai, Công an quận Ba Đình đã khởi tố về hành vi đánh người gây thương tích nhưng rồi lại được miễn truy cứu hình sự.
Chưa hết, không ít lần Vũ đã sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với những người anh em cùng cha khác mẹ trong nhà vì tranh chấp biệt thự số 24 Điện Biên Phủ, gây mất an ninh trật tự ở khu phố. Hàng xóm cũng chẳng ai dám "dây" vào Vũ. Và có điều này cần phải làm rõ với bạn đọc: Cù Huy Hà Vũ đi đâu cũng tự nhận mình là con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu) để rồi lấy cớ đó ngang nhiên khẳng định mình "có quyền" thừa kế, chiếm giữ phần nhà, đất của nhà thơ. Việc Vũ gọi nhà thơ Xuân Diệu là bác ruột là sự thật. Tuy nhiên, vào năm 2001, ông Ngô Xuân Huy là em ruột nhà thơ Xuân Diệu và cũng chính là cậu ruột của Cù Huy Hà Vũ đã từng có đơn gửi Bộ Tư pháp đề nghị xác nhận việc này về mặt pháp lý.
Phía Bộ Tư pháp sau đó đã có Công văn số 622/TP-HT ngày 20/8/2001 trả lời rằng: Nhà thơ Xuân Diệu chưa bao giờ làm thủ tục pháp lý nhận Cù Huy Hà Vũ làm con nuôi cả! Như vậy là việc Vũ có thực sự được thừa kế tài sản của nhà thơ Xuân Diệu hay không, trong khế ước gia đình hay theo một cách nào đó tạm không bàn tới. Nhưng lấy sự nhập nhèm để công khai cho mục đích cá nhân, đó là điều người đàng hoàng tử tế không ai làm.
Tính cách thiếu đàng hoàng ấy lại thêm một lần bộc lộ ở ngay chính cái biển to chềnh ềnh trên nóc cổng số nhà 24 đường Điện Biên Phủ. Mặc dù đã nhận bào chữa cho một số vụ kiện dân sự, thậm chí có bằng Tiến sĩ Luật kinh tế của Pháp hẳn hoi, nhưng Cù Huy Hà Vũ chưa từng được pháp luật công nhận hành nghề luật sư tại Việt Nam.
Cụ thể, Đoàn Luật sư Hà Nội đã phải ra thông báo chính thức rằng Cù Huy Hà Vũ không phải là luật sư. Còn về Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ: Văn phòng này được thành lập và đăng ký hoạt động ngày 9/4/2007 do Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà (vợ Vũ) làm Trưởng Văn phòng và tên giao dịch của nó thì lại được đặt trúng tên... Cù Huy Hà Vũ!!!
Nhưng nếu những vụ xì-căng-đan gây sốc trong giới "người của công chúng" thời gian qua vốn nhiều lời đàm tiếu để so với những vụ kiện cáo, ý kiến phát biểu này nọ của Cù Huy Hà Vũ mà cũng không nhằm mục đích nào khác ngoài đánh bóng bản thân thì có lẽ cũng chưa thấm vào đâu. Vũ thật là biết chọn thời điểm, và cũng biết xác định "mục tiêu" của mình. Thế nhưng, ngay tại chính cộng đồng mạng, nơi mà Vũ cảm thấy thích hợp nhất để thể hiện những lố bịch ấy, người ta lại "vả" những cái "tát" trực diện vào mỗi lời ngông cuồng phát ra.
Ngay sau khi Vũ có bài trả lời phỏng vấn Đài VOA (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ) với tiêu đề "Chiến tranh Việt Nam và ngày 30- 4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ", chủ trang web cá nhân ký tên Võ Khánh Linh đã vạch ra hàng loạt những cái nhìn sai lệch của người trả lời cũng như sự thiếu hiểu biết (hoặc cố tình không hiểu) của một người xưng danh là tiến sĩ như Vũ.
Trong entry "Thư ngỏ gửi hai ông Cù Huy Hà Vũ và Phạm Toàn", tác giả Võ Khánh Linh đã mở đầu thế này: "Vốn quen nghe các ông mượn danh trí thức để phản biện các đường lối, chính sách của Đảng trên trang mạng Bauxite Việt Nam, nhưng tôi vẫn bị... sốc khi đọc bài viết trên".
Bằng những phân tích của mình, tác giả Võ Khánh Linh đã chỉ ra rằng, Cù Huy Hà Vũ bàn về nội chiến mà chẳng hiểu thế nào là nội chiến. "Với cách diễn giải vòng vèo, thoạt nghe tưởng cách nhìn của ông Vũ về ngày 30-4 có "sáng kiến" mới lạ, nhằm "mở đường cho người Mỹ có thua thì cũng vẫn reo vui được với nền hòa bình đã tới với người Việt" như nhận xét của ông Phạm Toàn nhưng thực chất vẫn là những lập luận tôi đã biết và đã nghe hơn 30 năm qua do một số người Mỹ và những người mang danh "dân chủ", "cấp tiến"... đã phát biểu mòn rồi, rốt cục cũng chỉ hướng tới con đường là tìm cách phủ nhận vai trò lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập, tự do cho đất nước của ĐCSVN. Khôi hài thay, những thủ thuật biện xảo của ông chỉ lừa bịp được những người không có cơ hội tiếp cận thông tin... Không biết ông Vũ có hiểu thế nào là "nội chiến" không? Nội chiến là cuộc chiến giữa các phe trong một quốc gia mà không có sự nhúng tay hay hiện diện của người ngoài. Nếu ông có định nghĩa nào khác về nội chiến thì xin mời đưa ra!".
Thực tế thì nội chiến hay không phải nội chiến cũng đã từng là một vấn đề gây tranh cãi trong giới học thuật Mỹ, vốn được coi như là một trong những cách biện hộ về thất bại của người Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Vượt qua tất cả những quan điểm trái chiều, Daniel Ellsberg, viên chức trong chính quyền Mỹ, người từng đọc được những tài liệu mật nhất của Mỹ liên quan đến cuộc chiến này và chính ông là người đã tiết lộ Tài liệu Ngũ Giác Đài - công trình 36 tác giả giấu tên do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamana chỉ thị thực hiện đã kết luận tại trang 255 của cuốn "Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers" của ông, Nhà xuất bản Viking phát hành năm 2002, khẳng định: "Không làm gì có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ...”. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp - Mỹ, sau đến toàn là Mỹ.
Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam - không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh - chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công của Mỹ. Cuộc chiến đó không có gì là "nội chiến", sau 1956 hay 1960, như nó đã không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc - một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình - thì không phải là một cuộc nội chiến.
Bảo rằng chúng ta "xía vào" cái gọi là "đích thực là một cuộc nội chiến", như hầu hết các tác giả Mỹ, và ngay cả những người có khuynh hướng tự do chỉ trích cuộc chiến cho rằng như vậy cho đến ngày nay, đơn giản chỉ là che dấu một sự thực đau lòng hơn, và cũng chỉ là một huyền thoại như là luận điệu chính thức về một "cuộc xâm lăng từ miền Bắc".
|
Cù Huy Hà Vũ bị chính cộng đồng mạng bài bác. |