Ngoại trưởng Clinton: Trung Quốc đã thất hứa về nhân quyền

RFI:
HOA KỲ - TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ bảy 15 Tháng Giêng 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 15 Tháng Giêng 2011

Ngoại trưởng Clinton: Trung Quốc đã thất hứa về nhân quyền
Ngoại trưởng Clinton tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 14/1/2011.
Ngoại trưởng Clinton tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 14/1/2011.
Reuters
Trọng Thành

Hôm qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã có một bài phát biểu rất đáng chú ý, kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho những nhà ly khai bị giam giữ, trong đó có giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba, và đánh giá rằng chính quyền Trung Quốc đã không thực hiện các cam kết về nhân quyền.

Theo bà Clinton, chiếc ghế được để trống của ông Lưu Hiểu Ba tại Oslo (thủ đô Na Uy), trong khi nhà ly khai bị kết án tù 11 năm tại Trung Quốc, « tiếp tục là biểu tượng cho những lời hứa không được giữ, và của tiềm năng chưa trở thành hiện thực của quốc gia to lớn này ».

Thông điệp này của ngoại trưởng Mỹ được đánh giá là thẳng thắn một cách khác thường, so với phong cách vốn có của bà. Bà Hilary Clinton thừa nhận rằng : « Nhiều người Trung Quốc bác bỏ việc Hoa Kỳ đấu tranh cho nhân quyền, vì cho rằng đây là một hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, nhưng, với tư cách là một trong các quốc gia sáng lập Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã cam kết tôn trọng các quyền của mọi công dân. Những quyền này quyền phổ quát, được cộng đồng quốc tế công nhận ».

Bên cạnh giải Nobel Lưu Hiểu Ba, Ngoại trưởng Mỹ còn nhắc đến luật sư Cao Trí Thịnh, nhà tranh đấu nhân quyền bị mất tích từ tháng 4, và Trần Quang Thành một nhà tranh đấu khác, là người khiếm thị, bị bỏ tù vì đã chỉ trích những sai trái của nhà cầm quyền trong chính sách hạn chế sinh đẻ.

Trung Quốc được lợi gì trong việc bảo vệ nhân quyền ? Ngoại trưởng Hilary giải thích : « Một xã hội dân sự phát triển sẽ giúp giải quyết các vấn đề nóng bỏng nhất đặt ra tại Trung Quốc, từ an toàn thực phẩm đến ô nhiễm, cũng như giáo dục hay y tế ». Theo bà, « nếu Trung Quốc cố tình tiếp tục chủ trương trấn áp, quốc gia này sẽ bỏ lỡ một cơ hội ».

Theo các viên chức cao cấp Hoa Kỳ, tổng thống Obama và ngoại trưởng Clinton sẽ có một buổi ăn tối thân mật đặc biệt, vào tối thứ Ba (18/1), với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Old Family Dining Room, nằm trong khu nhà của tổng thống tại Nhà Trắng. Theo báo Washington Post 15/1, tổng thống Hoa Kỳ đã có kế hoạch hướng sự chú ý vào tình trạng vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do chính trị trầm trọng tại Trung Quốc, trong những tuần tới, bất chấp việc này có thể ảnh hưởng đến quan hệ quan trọng với Trung Quốc.

Chủ tịch của tổ chức nhân quyền Human Rights First, Elisa Massimonon, rất tin tưởng vào phát biểu của ngoại trưởng Mỹ, cho rằng nó có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng trong các nỗ lực của Hoa Kỳ về nhân quyền.

Chỉ trích thẳng thừng việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền trầm trọng, nhưng ngoại trưởng Mỹ cũng nhìn nhận quan hệ song phương Mỹ - Trung là hết sức quan trọng và không thể được nhìn qua một lăng kính đơn giản : « Hoặc bạn bè, hoặc đối thủ ».

Ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Trung Quốc sẽ được tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón trọng thể trong bữa dạ tiệc Nhà nước vào tối thứ tư, một nghi lễ chỉ được dành cho lãnh đạo các nước dân chủ dưới thời người tiền nhiệm George W. Bush.

Ngoại trưởng Mỹ công bố chiến lược với Trung Quốc

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 15/01/2011 - 17:50

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 14/1 đã công bố chiến lược của Washington trong quan hệ với Bắc Kinh, hoan nghênh một nước Trung Quốc ngày càng phát triển và có trách nhiệm hơn với cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao, trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào tuần tới, Ngoại trưởng Hillary khẳng định mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở "thời điểm then chốt", vì vậy hai nước cần xây dựng mối quan hệ "tích cực, hợp tác và toàn diện" trong việc giải quyết các thách thức về kinh tế và an ninh.

Bà Hillary cho biết Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang theo đuổi chiến lược với 3 ưu tiên nhằm củng cố mối quan hệ Mỹ-Trung.

Thứ nhất, tăng cường xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như mở rộng hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh với nước này vì đây là một thành tố không thể tách rời trong mạng lưới an ninh, kinh tế và xã hội của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhân tố quan trọng thứ hai, theo Ngoại trưởng Hillary là, hai nước cần xây dựng thói quen hợp tác và tôn trọng lẫn nhau nhằm tăng cường tính hiệu quả và giảm thiểu những bất đồng.

Ví dụ rõ ràng nhất của nỗ lực này đó là cuộc đối thoại cấp cao chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung, thu hút hàng trăm chuyên gia từ các cơ quan của hai chính phủ, bàn về hàng loạt vấn đề song phương và toàn cầu. Thành tố quan trong thứ ba là Mỹ và Trung Quốc cần tích cực hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với các thách thức chung trong đó có suy thoái kinh tế, giải giáp vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố và cướp biển.

Bà Hillary nhấn mạnh việc hợp tác này có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an ninh và phát triển của quốc tế. Do đó, hai nước cần phát triển mối quan hệ này hơn nữa nhằm đạt được những kết quả khả quan hơn trong tương lai.

Bà Hillary cũng một lần nữa thúc giục Bắc Kinh thuyết phục Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân, coi vấn đề này như một chủ đề chính trong quan hệ Mỹ-Trung.

Theo kế hoạch, ngày 18/1 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ sang thăm chính thức Mỹ trong ba ngày. Chuyến thăm được giới phân tích kỳ vọng sẽ định hình mối quan hệ giữa hai nước - vốn trở nên căng thẳng do hàng loạt những bất đồng hồi năm ngoái trong đó có vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Theo TTXVN/Vietnam+

Thấy gì từ thông điệp 2011 của Thái Lan?

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 15/01/2011, 16:26 (GMT+7)

TTCT - Trong thông điệp đầu năm 2011, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva báo cáo “bất chấp trở ngại và thách thức, nhân dân Thái đã cùng nhau vượt qua được. Tăng trưởng 7,9%, an sinh xã hội được cải thiện trong nhiều lĩnh vực”. Và ông vạch ra một kế hoạch cải cách mới.

Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đón tiếp hai tay vợt nữ hàng đầu thế giới Clijsters (bìa trái) và Wozniacki đến Hua Hin ngày 1-1-2011 để thi đấu quần vợt biểu diễn. Năm 2010, Thái Lan đón tiếp 15,7 triệu du khách quốc tế, thu được 580 tỉ baht (17,6 tỉ USD) - Ảnh: Reuters

Ấy thế mãi đến cuối tháng 5-2010, thủ đô Bangkok cùng vài thành phố lớn khác vẫn còn bị phe áo đỏ của cựu thủ tướng Thaksin uy hiếp trước khi trở thành một bãi chiến trường khiến 91 người chết, cả ngàn người bị thương, thiệt hại vật chất do bị đốt phá, hôi của lên đến 1,5 tỉ USD!

Nhờ phép lạ nào mà bảy tháng sau, Thailand Business News (4-1-2011) đã có thể đoan chắc “kinh tế Thái Lan năm 2011 sẽ không quay trở lại khủng hoảng dù có chịu tác động từ giá dầu và nguyên vật liệu tăng, lạm phát cùng tác động từ các nền kinh tế châu Âu và Mỹ”? Câu trả lời là “niềm tin vào một kế hoạch cải cách kinh tế nhằm giảm thiểu bất công, đồng thời thúc đẩy năng lực kinh tế toàn dân” (1).

Nếu tạm xem liên minh Dân chủ cầm quyền hiện tại, phe áo vàng, như một thứ “cánh tả” so với “cánh hữu” thân tài phiệt của các chính phủ trước (Thaksin, Samak) thì có thể hiểu tại sao Thủ tướng Abhisit lại nhấn mạnh đến “mục đích là hoàn thành hòa giải dân tộc qua giảm thiểu các dị biệt xã hội, đồng thời xây dựng công bằng hơn nữa” (2).

Trong thông điệp của ông Abhisit, tỉ lệ tăng trưởng GDP chỉ là một “tiểu tiết” so với thời gian dành cho quốc kế dân sinh gồm bốn lĩnh vực chính: tăng cường công bằng kinh tế, mở rộng an sinh xã hội, cổ vũ đi học và cải thiện hệ thống tư pháp. Mục đích tối thượng của kế hoạch này, theo Bangkok Post 2-1-2011, là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 2010, Thái Lan vẫn giữ vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới với 9 triệu tấn (tăng 5% so với năm 2009), thu về 5,3 tỉ USD

Chất lượng cuộc sống

Nếu biết rằng từ gần 20 năm trước (1992), GDP của Thái Lan đã vượt mốc 100 tỉ USD (chính xác là 109,426 tỉ USD) và năm 2010 vừa qua đã vượt mốc 300 tỉ USD (312,605 tỉ USD) (3), chia đều cho 67 triệu người được trung bình 4.656 USD/người thì có thể hiểu được ám ảnh của ông Abhisit không còn là “GDP là bao nhiêu?” mà “GDP chừng ấy mà sao vẫn có khối người không được hưởng sự thịnh vượng?”.

Ở Bangkok, các chiếc xe buýt miễn phí, sàn gỗ, ghế gỗ, sườn xe sắp mục vẫn đầy ắp người đến tận sau 9 giờ tối giữa “rừng” xe hơi mới. Bởi thế sau khi đã khuất phục được phe áo đỏ năm ngoái, tạm dập được ý đồ về nước phục hận của ông Thaksin, nay Thủ tướng Abhisit càng phải chú tâm đến dân sinh và tư pháp.

Thật vậy, khi mỗi năm vẫn có đến 46.000 học sinh tuổi từ 10 đến 16 phải bỏ ngang việc học (theo Bangkok Post, hiện có khoảng 1,7 triệu trẻ em không chính thức đến lớp), thì đó chính là những mầm mống khả dĩ của bất ổn xã hội. Chính vì thế mà ông Abhisit đề ra mục tiêu “cổ vũ đi học”.

Khi đất đai vẫn còn dễ rơi vào tay quan chức cùng các tài phiệt địa ốc, như trường hợp cựu đệ nhất phu nhân Thaksin tháng 9 năm ngoái bị tòa tuyên án phải trả lại nhà nước bốn lô đất mua “giá bèo” từ Quỹ đầu tư phát triển FIDF trực thuộc Bộ Tài chính, nay ông Abhisit có đề ra kế hoạch sử dụng ngân sách giúp người dân có đất canh tác cũng là điều dễ hiểu (4). Tất nhiên, liệu cấp dưới của ông có thực thi là vấn đề đặt ra từ thực tế.

Dẫu sao, ít nhất kế hoạch dân sinh bốn điểm của ông cũng thể hiện một ý muốn chính trị đặt khôi phục công bằng xã hội như là mục tiêu tối thượng. Phát triển xã hội không chỉ là tỉ lệ GDP, mà là làm gì cho cuộc sống người dân chất lượng hơn, UNDP vừa nhắc lại khuyến cáo này như là quy tắc cầm quyền nền tảng.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Tuy nhiên, không vì thế mà Thủ tướng Abhisit xem nhẹ tăng trưởng kinh tế. Thật ra, trong một nền kinh tế thị trường có gốc gác như nền kinh tế Thái, mọi hoạt động hầu như đã “chạy trơn tru” bất kể chính phủ cánh nào cầm quyền, chỉ cần chính trường thôi ầm ĩ và bạo lực, guồng máy kinh tế ấy tăng tốc lại ngay. Tỉ lệ tăng GDP 7,9% của Thái Lan năm ngoái phản ánh điều đó.

Năm 2010, trong khi phe áo đỏ biểu tình, bạo động, nông dân Thái vẫn bình thản canh tác, các nhà nông học Thái vẫn không ngừng yểm trợ họ về giống và kỹ thuật. Hiệp hội xuất khẩu gạo vẫn xông xáo tìm kiếm hợp đồng, trông chừng giá cả cùng cơ hội “làm bàn”. Các chính sách thương mại, thuế khóa đã thành nếp chứ không còn “vừa làm vừa học” hay “vừa làm vừa bày” nữa, nên Thái Lan vẫn giữ vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới với 9 triệu tấn (tăng 5% so với năm 2009), thu về 5,3 tỉ USD (The Nation 8-1-2011).

Trong khi đó, theo TBKTSG (8-1-2011), Việt Nam có tăng 15,4% về lượng và 21,2% về giá trị so với năm 2009, cũng chỉ xuất khẩu được 6,88 triệu tấn, thu được 3,23 tỉ đôla Mỹ. Hiện Thái Lan không chỉ hơn Việt Nam về lượng gạo xuất khẩu, mà cả về giá bình quân một tấn (588 USD so với 469 USD).

Cũng thế, guồng máy du lịch lữ hành của Thái, từ quan chức đến nhân viên sân bay, khách sạn, thậm chí cô matxa... cũng đã thành nếp từ lâu rồi. Từ một nơi nào đó định đi Thái Lan, hạ cánh xuống Bangkok bắt xe buýt đi Pattaya cho rẻ (chỉ mất 200 baht, không đầy 6 USD) và tiện (đưa đến tận khách sạn), chỉ cần vài cú nhấp chuột máy tính; đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Suvanrnabhumi, chỉ việc bước trăm bước là đến chiếc xe đợi sẵn!

Thế cho nên bất chấp biểu tình, bạo động kéo dài cả nửa năm, thậm chí đốt phá, chết chóc, The Nation (8-1-2011) cho biết năm 2010 Thái Lan đã tiếp đón 15,7 triệu du khách quốc tế, thu được 580 tỉ baht (17,6 tỉ USD), cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó là 14,5 triệu du khách và 530 tỉ baht.

Trong lúc không ít hãng hàng không quốc tế phải tuyên bố phá sản, như Mexicana Airlines của Mexico thành lập từ năm 1921 phải ngưng bay từ tháng 9-2010, thì một hãng hàng không thứ ba của Thái, Crystal Thai Airlines, sẽ khai trương vào ngày 30-1 với đường bay Bangkok - Seoul Incheon, sau đó là Busan (Hàn Quốc), Colombo (Sri Lanka), Clark (Philippines), Mumbai (Ấn Độ).

Tin này cho thấy giới doanh nghiệp Thái vẫn “sống khỏe” với chính phủ đương thời chứ không chỉ với chính phủ Thaksin, đồng thời ngành hàng không Thái không những vẫn giữ được ưu thế của mình trong khu vực Đông Nam Á mà còn tận dụng được vị trí địa lý cầu nối giữa Nam Á và Đông Bắc Á của Thái Lan.

Tuy nhiên, đáng kể hơn cả chính là việc đồng baht Thái vẫn vững vàng trước đồng USD: 1 USD hiện chỉ còn đổi được 30,3514 baht (sáng 9-1-2011) so với 33 baht ba tháng trước đó. Khi cả nền kinh tế vận hành trơn tru không bị “đắp mô” cản trở, không có những chi tiêu phi lý thì không có lý do gì để nền kinh tế ấy phải lao đao: lạm phát năm 2010 của Thái là 3,3%, mới chỉ chừng ấy mà người Thái đã lo sợ năm 2011 sẽ phải lạm phát cao hơn do giá xăng dầu tăng (The Nation 4-1-2011).

Trong phát triển xã hội và kinh tế, chẳng qua vấn đề cơ bản ở chỗ “mưu sự tại nhân” là vì lợi ích của số đông hay số ít. Chính phủ Abhisit đang nhắm vào số đông. Tất nhiên, không loại trừ trong chính phủ ấy có những “con sâu” đục khoét. Song vấn đề là sự đục khoét ấy có bị la làng hay không. Chừng nào còn la làng được trước tham nhũng, chừng ấy còn có cơ may giảm tham nhũng. Nhờ vậy Thái Lan xếp hạng 59 trên bảng xếp hạng tham nhũng năm 2010 do Tổ chức Minh bạch quốc tế lập ra.

DANH ĐỨC

__________

(1), (2) Thai economy to stay clear from crisis in 2011, January 4, 2011
(3)
www.tradingeconomics.com/.../GDP-Growth.aspx?...
(4) Xinhua 2010-09-24

Afghanistan tiêu diệt 8 tay súng nổi dậy

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 3:51 PM, 15/01/2011

Lính Nato tại Afghanistan

(VOV) - Năm 2010 là năm đẫm máu nhất đối với lực lượng quân sự Mỹ và NATO ở Afghanistan, với hơn 700 binh sĩ liên quân thiệt mạng.

Quân đội Afghanistan đã tiêu diệt được 8 tay súng nổi dậy, cách thủ đô Cabul 35 km về phía Tây.

Một quan chức chính quyền địa phương cho biết, trong một chiến dịch phối hợp với lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO chỉ huy tại quận Nua, Quân đội Afghanistan đêm 14/1 đã tiêu diệt dược 8 tay súng, trong đó có Mohamet Gun, một chỉ huy của Taliban tại khu vực. Không có thương vong về phía quân đội chính phủ và NATO.

Lực lượng đồng minh đang đẩy mạnh chiến dịch chống Taliban, trong bối cảnh năm 2011 được dự báo, tình trạng bạo lực và con số thương vong tồi tệ hơn năm 2010 xảy ra ở nhiều vùng của Afghanistan./.

Thu Hoài (Theo Xinhua)

Mỹ dỡ bỏ một số hạn chế đối với Cuba

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 4:17 PM, 15/01/2011

Một xưởng may tại Cuba

(VOV) - Ngày 14/1, Tổng thống Mỹ Barak Obama dỡ bỏ một loạt các hạn chế về cấp thị thực, chuyển tiền và du lịch tới Cuba, song tiếp tục duy trì lệnh cấm vận đối với nước này.

Trong một thông cáo, Tổng thống Mỹ cho biết, những biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp xúc giữa nhân dân, hỗ trợ xã hội dân sự tại Cuba, khuyến khích trao đổi thông tin qua lại giữa những người Cuba, đồng thời giúp đẩy mạnh sự độc lập của họ với giới chức Cuba".

Trước đó, hồi tháng 4/2010, sau khi ký sắc lệnh chấm dứt một số hạn chế trong lệnh cấm vận về kinh tế đối với Cuba, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã quyết định bãi bỏ mọi hạn chế đối với kiều dân Cuba trong việc gửi tiền cũng như số lần về thăm quê hương, một đạo luật không những vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, đi ngược lại mục đích và tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, mà còn gây tổn hại cho chính nước Mỹ.

Lệnh cấm vận chống Cuba mà Mỹ đang tiến hành đã bị cả thế giới phản đối, lên án và trong 18 năm qua, năm nào Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng ra Nghị quyết yêu cầu Mỹ bãi bỏ ngay lệnh này. Lệnh cấm vận cũng ảnh hưởng tới những nỗ lực của Cuba trong việc thực hiện các “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ” mà lãnh đạo thế giới đã thống nhất thông qua cách đây không lâu./.

Thu Hoài (theo AFP)

Iran bắt đầu “tour hạt nhân” cho 7 đặc sứ IAEA

15/01/2011 16:11
Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc gia kiêm quyền Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi tháp tùng đoàn đặc sứ IAEA - Ảnh: AFP

(TNO) Hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA đưa tin nước này hôm nay, 15.1, đã bắt đầu “tour hạt nhân” dành cho 7 đặc sứ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).

Tehran cho biết chuyến đi là một dấu hiệu thiện chí và là bằng chứng cho thấy nước Cộng hòa Hồi giáo này đang tiến hành hoạt động hạt nhân một cách minh bạch và không theo đuổi một chương trình quân sự bí mật như phương Tây nghi ngại.

Bảy đặc sứ tham gia “tour hạt nhân” đến từ Algeria, Cuba, Ai Cập, Oman, Syria, Venezuela và Liên đoàn Ả Rập.

Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc gia kiêm quyền Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi và Đại sứ Iran tại IAEA Ali Asghar Soltanieh tháp tùng đoàn đặc sứ đến khu vực xây dựng lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak và cơ sở làm giàu uranium ở Natanz.

Chuyến đi diễn ra chưa đầy 1 tuần trước vòng đàm phán tiếp theo tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) giữa Iran và 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ và Đức.

Theo ông Salehi, Iran đã mời người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, thay mặt 6 cường quốc thăm các cơ sở hạt nhân của Iran trước cuộc đàm phán ở Istanbul. Tuy nhiên, bà Ashton, cùng 6 cường quốc, đã bác bỏ lời mời của Iran, khẳng định các chuyên gia IAEA nên tiến hành thanh sát, không phải các nhà ngoại giao.

“Chúng tôi đưa ra lời mời như một dấu hiệu thiện chí. Họ không sẵn sàng đón nhận cơ hội này nhưng chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”, ông Soltanieh nói.

Iran cũng gửi đặc sứ đến Nga và Trung Quốc, vốn có quan hệ tốt hơn với Iran, để thuyết phục họ tham gia chuyến đi, nhưng cả hai nước đã từ chối lời mời.

Iran cho biết 7 đặc sứ nói trên, vốn đến từ Liên đoàn Ả Rập và Phong trào Không liên kết, đại diện cho 120 nước ủng hộ chương trình hạt nhân hòa bình của quốc gia này. Tuy nhiên, họ không có vai trò gì trong quá trình đàm phán và không thể có ảnh hưởng đối với bất kỳ nghị quyết trừng phạt nào của LHQ trong tương lai nhằm vào Iran, theo hãng tin DPA (Đức).

Quyên Quân

Chạnh lòng thưởng Tết giáo viên

Thứ Bẩy, 15/01/2011 - 18:51

(Dân trí) - Giáo viên lao động cật lực quanh năm suốt tháng mà thưởng Tết năm nào cũng “bèo”, thậm chí có nơi còn không biết đến khái niệm tiền thưởng Tết nhưng họ vẫn cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người.
 >> Ngành giáo dục không có quy định thưởng Tết cho giáo viên
 >> Giáo viên thành phố lo... “chạy” Tết
Một thực tế tồn tại nhiều năm qua đó là các doanh nghiệp, ngay cả những đơn vị hành chính sự nghiệp, được khoán biên chế đều có tiền thưởng Tết và mức thấp nhất cũng là tháng lương thứ 13. Đối với các doanh nghiệp có tiềm lực như Ngân hàng, Bưu chính... thì mức thưởng lên đến hàng chục thậm chí cả trăm triệu đồng. Trong khi đó đối với ngành giáo dục thì sự thật là “không có quy định thưởng Tết cho giáo viên”.
Cái khái niệm giáo viên (GV) được “thưởng Tết” ngày nay đối ngành nhà giáo họa chăng chỉ là các trường tằn tiện chi tiêu để cuối năm còn dư ra một khoảng gọi là động viên tinh thần. Nhưng đáng buồn không phải nơi nào cũng có thể thực hiện được điều đó cho dù đã nỗ lực hết mình.
Theo ông Vũ Văn Hán - giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu thì hiện nay các trường đều được tự chủ kinh phí theo Nghị định 43 của Chính phủ. Hàng năm ngân sách được rót về một lần cho các trường. Nếu trường nào quản lý chi tiêu tốt thì cũng có thể dư ra một khoản để thưởng Tết cho GV.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay ở cấp THPT thường có kết dư lớn hơn so với các cấp học THCS, tiểu học và mầm non. Theo các chuyên gia phân tích thì tiền kết dư nhiều hay ít phụ thuộc nhiều yếu tố: quy mô nhà trường, số lượng học sinh, sĩ số, bậc lương... Nếu trường ít học sinh, GV lớn tuổi nhiều đi đôi với bậc lương cao thì khó có phần kết dư. Trong khi đó quy mô trường THPT rất lớn, số học sinh cao hơn nhiều so với các cấp học dưới nên dẫn đến việc có kết dư nhiều hơn.
Nhưng trên thực tế điều này chỉ đúng với các trường THPT đóng trên địa bàn các thành phố hoặc những vùng thuận lợi. Ngoài việc có kết dư lớn hơn các trường này có thể tìm kiếm được nguồn thu như cho thuê địa điểm, chiết khấu phần trăm các hoạt động dạy thêm… Nhưng ở những nơi khó khăn, đặc biệt là vùng cao ngoài khoản tiền ngân sách thì các trường chẳng có khoản thu thêm nào.
Nhiều hiệu trưởng các trường vùng cao tâm sự với chúng tôi rằng, hàng năm chỉ lo tổ chức mấy cái khâu khai giảng, 20/11, sơ kết và tổng kết… cũng đã mệt bở hơi tai. “Tiền ngân sách rót về trường chủ yếu là để chi trả chi phí thường xuyên (trả lương cho GV) chứ lúc cấp có tính đến các khoản bên lề này đâu”, một hiệu trưởng trường THCS ở tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Là người từng gắn bó gần 10 năm với giáo dục vùng cao, ông Đồng Xuân Lợi - hiệu trưởng Trường THCS Bản Lang huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết: “Từ ngày tôi ra công tác cho đến nay GV của trường chưa một lần được thưởng Tết. Ngân sách rót hàng năm luôn ở tình trạng cạn kiệt, thậm chí còn phải đề xuất xin thêm để trả lương cho giáo viên”.
Cũng theo ông Đồng, một trong những giải pháp mà các trường vùng cao thường làm mỗi khi Tết đến xuân về là cho GV nhận trước một tháng lương để chi tiêu dịp Tết bởi đa phần GV ở đây đều ở dưới xuôi lên, nếu chỉ cấp một tháng lương thì lúc về quê cũng “khó ăn khó nói”.
Khi được hỏi "Nhận lương trước thì sau Tết GV sẽ sống như thế nào?", hiệu trưởng Đồng Xuân Lợi dí dỏm chia sẻ: “Cũng may là đợt này được nghỉ Tết tương đối dài nên cũng bớt ảnh hưởng hơn. Ra Tết thì chắc cũng phải linh động phát lương tháng 3 sớm hơn thường lệ để GV còn có cái chi tiêu”.
Qua thông tin một số đồng nghiệp của chúng tôi đang thường trú ở các vùng khó khăn thì thời gian này các GV nơi đây cũng chẳng có thời gian để mà “chạnh lòng” với thưởng Tết. Ai cũng bận rộn trong việc đến từng gia đình để động viên học sinh quay lại lớp bởi giáp Tết nhiều em đều bỏ học ở nhà giúp gia đình. Cô giáo Lê Thị Thương đang công tác tại một xã khó khăn thuộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tâm sự: “Ở đây học sinh đến lớp là vui rồi chứ nghĩ gì đến chuyện thưởng Tết” .
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, một GV ở tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn góp ý: “Năm nào tôi cũng thấy vấn đề này được đem ra bàn luận mổ xẻ nhưng cuối cùng vẫn chẳng giải quyết được điều gì. GV chúng tôi đã quen và chấp nhận với thực tế rồi. Mong rằng sẽ không phải nghe nhiều nhắc nhiều khiến người ta cảm thấy đáng thương cho nghề giáo nữa”.
Vâng, câu chuyện thưởng Tết GV có lẽ sẽ khó có lời kết trong thời gian một sớm một chiều. Nhưng chúng tôi vẫn muốn viết về vấn đề này bởi các thầy cô giáo chính là những người ươm mầm, đào tạo nên nguồn nhân lực cho đất nước, luôn bị chịu những áp lực trong quá trình công tác nhưng công sức của họ vẫn chưa được xã hội nhìn nhận một cách xứng đáng.
Nguyễn Hùng

Thái Lan - "góc tối" trên đường công nghiệp hóa - Kỳ 2

Tuổi Trẻ Online: >>
Thái Lan - "góc tối" trên đường công nghiệp hóa, Kỳ 1: Hồ sơ của 300 cái chết

Thứ Sáu, 14/01/2011, 06:27 (GMT+7)
Thái Lan - "góc tối" trên đường công nghiệp hóa
TT - Khi tôi ghé nhà ông Lung Noi, có khoảng 15 người dân, phần lớn đã đứng tuổi ngồi đợi. Họ đều là những cư dân sống quanh Khu công nghiệp Map Ta Phut, ít nhiều bị ảnh hưởng và có người thân chết vì ô nhiễm từ Khu công nghiệp Map Ta Phut.
Ông Lung Noi (phải) trò chuyện với tiến sĩ Penchom về mối họa mà gia đình ông gặp phải - Ảnh: Hồng Vân
“Đặc sản” Map Ta Phut
Ông Lung Noi là một trong những cư dân sinh sống lâu năm nhất ở Ban Chang, tỉnh Rayong. Năm người thân gồm mẹ ruột, con dâu, con rể, cháu gái và gần đây nhất là vợ ông đã chết vì bệnh ung thư do các chất ô nhiễm trong nước và không khí thải ra từ các nhà máy ở Map Ta Phut. Yêu thương của ông dồn vào đứa cháu trai mà ông luôn xoa đầu, đùa giỡn. Ở tuổi 78, ông Lung Noi đã mắc bệnh phổi nhiều năm nay.
Những chùm lá xoài queo quắt đầy bụi bặm trên mảnh vườn khô khát. Mỗi một cây từng cho thu nhập 2.000 baht/năm, cả vườn là 100.000 baht/năm. Nay thì chưa đến 500 baht/cây/năm. Mùa nắng đã vậy, mùa mưa những vườn cây được tưới bằng mưa acid.
Trước khi công nghiệp hóa, ở Map Ta Phut 35% cư dân sống bằng nông nghiệp, 35% cư dân sống bằng hoạt động du lịch, số còn lại là chủ các cơ sở sản xuất gia đình: làm nước mắm, mắm ruốc, cá khô... Nay thì có đến hơn 80% ngành công nghiệp nặng, 16% dịch vụ du lịch và chỉ còn khoảng 3% làm nông nghiệp.
Những bãi biển xinh đẹp được san lấp để xây cảng và nhà máy. Nông dân không còn nước tưới cây vì nguồn nước được ưu tiên cho nhà máy. Bất bình, người dân liên kết thành lập Mạng lưới cư dân miền Đông và gửi thư khiếu nại khắp nơi. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ biểu tình chống lại cái gì. Tất cả những gì chúng tôi biết là trồng cây” - Lung Noi tâm sự, ánh mắt nhìn xuống đôi chân đen sạm một đời lão nông.
Đôi chân này đã miệt mài cất bước trong những cuộc đi bộ phản đối. Khi Lung Noi đi bơm nước, từ lòng đất một luồng nước đục vàng trào ra. Mọi người đưa tay bịt mũi. Đã 10 năm nay người dân phải bịt mũi như vậy. Có lần một đại diện Khu công nghiệp Map Ta Phut đến nhà Lung Noi đối thoại, người dân đã mời ông ta một ly nước giếng “đặc sản Map Ta Phut”.
GDP và những con sò
Những công ty, xí nghiệp đã biến Map Ta Phut thành nơi có GDP cao nhất của Thái Lan. Cộng đồng ở Map Ta Phut chia rẽ thành hai nhóm: nhóm ủng hộ công nghiệp hóa và nhóm đòi hỏi “công lý phát triển” với ý nghĩa phát triển gắn liền chất lượng sống và an ninh môi trường, tài nguyên nước và mọi thứ phải chia đều cho mọi thành phần dân cư.
Một nghiên cứu do Ranee Hassarungsee và Suntaree Kiatiprajuk thuộc Viện Nghiên cứu xã hội Đại học Chulalongkorn thực hiện đã chỉ ra bốn mối nguy từ Map Ta Phut, gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, lén xả chất thải nguy hại - xói lở bờ biển và tổn hại sức khỏe.
Mức độ các chất có khả năng gây ung thư trong không khí ở Map Ta Phut vượt tiêu chuẩn từ 60-3.000 lần. 1.000 học sinh và thầy cô Trường Map Ta Phut Panphittayakarn bị ảnh hưởng, phải nhập viện vì hít phải khí độc. Năm 2005, trường buộc phải di dời khỏi vị trí ban đầu 5km.
Tiến sĩ Penchom Saetang, Tổ chức Cảnh báo và tái tạo sinh thái Thái Lan, cho biết nạn đổ lén chất thải công nghiệp và xói lở bờ biển liên tục diễn ra. Người dân thỉnh cầu nhiều lần để chấm dứt việc mở rộng diện tích của khu công nghiệp, nhưng không được sự quan tâm từ Ban điều hành Khu công nghiệp Thái Lan (Industrial Estate Authority of Thailand - IEAT).
Từ năm 1999, Văn phòng Tài nguyên thiên nhiên và chính sách môi trường được báo động rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Map Ta Phut đã vượt ngưỡng chịu đựng của vùng và mọi hoạt động đầu tư mới phải chấm dứt. Cảnh báo này không được IEAT thừa nhận, các hãng xưởng tiếp tục mở rộng hoạt động.
Người dân ở Map Ta Phut chỉ ra mối nguy hại thứ năm: các loại thủy sản như nghêu, sò, cá, cua bị nhiễm độc kim loại nặng. Họ phát hiện những con cua có vỏ mềm oặt, những con cá bị dị tật và những con nghêu, sò to lớn khác thường bằng bàn chân em bé. Dân địa phương không dám ăn. Một nghiên cứu của Pensupa Sripromtong và Renu Vejaratpimol, cán bộ môn sinh học, ngành khoa học thuộc Trường đại học Silpakorn, cũng xác định thịt sò ở khu vực Map Ta Phut có hàm lượng chất độc cao. Hai nhà khoa học này khuyến cáo chất độc tác động đến chức năng di truyền của sò.
Cuộc đấu tranh đòi công lý cho phát triển của người dân Map Ta Phut đã vĩnh viễn thay đổi pháp luật Thái Lan. Vương quốc đã sửa luật hiện hành, theo đó đánh giá tác động sức khỏe (HIA) trở thành một yêu cầu bắt buộc trong luật, cùng với đánh giá tác động môi trường (EIA). Cái tên Map Ta Phut trở thành bài học cho cách nhìn mới về phát triển.
Anh Jareon Dejkum, một người dân Map Ta Phut, nhắc đi nhắc lại với tôi: “Hãy nói với chính phủ của nước bạn đừng để chuyện tương tự xảy ra!”.
HỒNG VÂN
----------------------------------------------
Người dân hào hứng chờ đợi con đập hoàn thành như một cuộc đổi đời, phát triển, nhưng rồi một ngày họ mở mắt ra và thấy trên 100 loài cá tôm biến mất. Nước mắt đã chảy...
Kỳ tới: Nước mắt trên đập thủy điện

Thứ Bảy, 15/01/2011, 05:04 (GMT+7)
Thái Lan - "góc tối" trên đường công nghiệp hóa
TT - Đập thủy điện Pak Moon sản xuất lượng điện chưa đủ cung cấp cho ba trung tâm mua sắm Siam Paragon, MBK và Central World tại thủ đô Bangkok, nhưng đã làm 1.700 gia đình phải di dời, hơn 6.200 gia đình mất sinh kế, hơn 20.000 người bị tổn thất thu nhập và thiệt hại, 116 loài cá, 40 loài thực vật ăn được, 10 loài măng tre, 45 giống nấm bị biến mất, sản lượng cá giảm đến 80%.
Lối thoát để giúp cá vượt qua bức tường đập Pak Moon đã không thành công - Ảnh: Hồng Vân
Con đập này là một trong tám bài học thất bại của thủy điện toàn cầu được Hội đồng Đập thủy điện thế giới nêu tên.
Tan tác làng chài
Mặt trời chưa tỏ, chúng tôi ngồi trên xe tải với một người dân ở Pak Moon, tỉnh Ubon Ratchathani, miền đông bắc Thái Lan, đi chợ mua cá về bán, đó là sự thật trớ trêu ở một làng chài. Tháng 7 là mùa cá đang về và cửa đập phải được mở theo cam kết của chính phủ nhưng không hiểu sao vẫn đóng chặt, bất chấp sự nóng ruột của ngư dân.
Người dân cho biết đã quá kiệt quệ về tài chính và mệt mỏi vì phải đi kiện suốt nhiều năm qua về con đập “bất nhơn” đã làm họ tha phương cầu thực, làm thuê mướn khắp nơi trên đất nước.
Con đập Pak Moon được giới học thuật cho rằng hội đủ các yếu tố của một công trình “khuyết tật”. Đó là: (1) không có sự tham gia của người dân bị ảnh hưởng vào quá trình quyết định dự án, (2) thiếu sót trong đánh giá tác động môi trường, (3) thông tin sai của chính phủ, (4) có tính “chính trị” và sự tham gia của quân đội vào quá trình xây dựng, (5) thiếu sự giám sát của Ngân hàng Thế giới, (6) phương án giảm thiểu tác hại không hiệu quả, và (7) sự suy giảm toàn bộ hệ sinh thái của con sông nuôi sống hàng ngàn người dân diễn ra quá trầm trọng.
Năm 1994 sau khi đập Pak Moon hoàn tất, ngư dân làng chài kinh ngạc khi phát hiện cá như đã biến mất khỏi dòng sông. Con đập đã chặn đứng đường di cư của luồng cá từ sông Mekong vào sông Pak Moon và làm ngập những vị trí sinh sản đắc địa của chúng. Một lối thoát cho cá được xây dựng với mục đích giúp luồng cá vượt qua bức tường của đập thủy điện hoàn toàn bị phá sản.
Giai đoạn năm 1990-1997 là thời điểm đập thủy điện Pak Moon bị phản đối quyết liệt. Hơn 2.500 hộ dân làng chài nhiều lần tụ tập đòi được giải quyết sinh kế. Biểu tình chống lại đập Pak Moon là một trong những cuộc biểu tình tái đi tái lại thuộc dạng lâu nhất trên thế giới.
Các nghiên cứu đã kết luận một sự thật khó chịu với Chính phủ Thái Lan: “Đập Pak Moon lẽ ra không nên được xây dựng” và khuyến cáo dòng sông phải được chảy tự do. Tuy nhiên, bất chấp sự giận dữ của người dân, tại thời điểm bài viết hoàn thành đập Pak Moon vẫn còn trơ trơ.
Người dân Pak Moon đã dựng một ngôi nhà đơn sơ gọi là Hợp tác xã Pak Moon, trưng bày hình ảnh về một cuộc sống giàu có trước đây để tố cáo với mọi người về sự mất mát.
Từng có thời điểm vào tháng 6-2001, trước áp lực của người dân, Chính phủ Thái đồng ý xả cửa thủy điện Pak Moon và cho tiến hành các cuộc điều tra về tác động xã hội của con đập, số lượng đàn cá và sự phục hồi của hệ sinh thái. Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Ubon Ratchathani đã đề nghị chính phủ mở cửa đập thủy điện Pak Moon trong năm năm liên tục nhưng đề nghị này bị từ chối. Nhà chức trách quyết định đóng cửa đập tám tháng mỗi năm. Tháng 11-2002 đập Pak Moon đóng cửa trở lại, châm ngòi một cuộc biểu tình chỉ một tháng sau đó.
Nước mắt người dân
Ở tỉnh Phrae, miền bắc Thái Lan, dân địa phương đã thành công trong việc cản trở việc triển khai dự án đập thủy điện, sau chuyển thành đập thủy lợi Kang Sua Teng suốt 20 năm qua. Giới chức trung ương và địa phương vẫn luôn khẳng định cần phải xây dựng đập này, lần gần đây nhất là vào tháng 9-2010 bởi Phó thủ tướng Sanan Kachornprasart.
Một người dân địa phương cho biết: “20 năm trước chúng tôi chỉ biết thủy điện là tốt đẹp. Những người bán dạo đến làng mua gạo, mua cá đã làm chúng tôi sáng mắt. Họ nói mình là người bị di dời bởi đập thủy điện Sirikit (xây dựng năm 1973), con đập mang tên hoàng hậu Thái Lan ở tỉnh Uttaradit, một vùng đất giàu có, sản vật, cá tôm dồi dào. Từ khi đập thủy điện Sirikit được xây dựng, nhiều người dân phải tha hương”.
Trong thời gian ở Thái Lan, tôi nghe kể đập Pa Sak, tỉnh Lopburi, một đập thủy điện có ý nghĩa chiến lược trong việc điều tiết nước, giải quyết tình trạng thiếu nước ở vùng Bangkok là con đập có số tiền đền bù cao kỷ lục trong lịch sử Thái Lan. Vào những năm 1980, người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã không đồng tình, thậm chí đã biểu tình phản đối dự án. Hơn 10 năm liền dự án bị trì trệ và không thể triển khai.
Ngày nay, khi tìm kiếm cụm từ “Pa Sak Dam” trên Internet, người ta sẽ đọc được những thông tin màu hồng tươi đẹp. Nhiều bài báo còn giới thiệu hồ chứa Pa Sak là một điểm tham quan điển hình của tỉnh Saraburi. Nhưng phải ở Thái Lan mới hiểu những điều không nói nên lời của những người phải ra đi.
Do người Thái phản đối rất mạnh mẽ các dự án thủy điện xây dựng trong nước, Tổng công ty Điện lực Thái Lan đã tìm đến các nước láng giềng.
Mâu thuẫn và quan ngại quốc tế đã nảy sinh từ đây khi Lào trở thành cục pin được các nước khát điện như Trung Quốc và Thái Lan nhắm vào. Ít nhất bốn dự án thủy điện khác đang được triển khai tại Lào bởi các nhà đầu tư Thái Lan. Ngoài ra, Thái Lan còn quan tâm xây dựng nhiều dự án thủy điện trên các nhánh của sông Mekong và phát triển điện than ở Lào, với ít nhất một nhà máy điện than ở tỉnh Hong Sa, láng giềng của tỉnh Nan ở miền bắc Thái Lan. Họ cũng ngỏ ý muốn xây đập thủy điện ở Myanmar trên các con sông Salween và sông Mekong. Người dân Thái đang lo ngại một khi các dự án được triển khai ở ngoài Thái Lan với các chuẩn mực thấp hơn, người dân nước sở tại sẽ phải hứng chịu những gì người Thái trải qua cách đây 20 năm...
HỒNG VÂN
______________
Một dự án xử lý nước thải “lớn nhất Đông Nam Á” được vay tiền nước ngoài để xây. Người dân phát hiện dấu hiệu của nhóm lợi ích: các quan chức đã dựng lên hàng loạt công ty con để trục lợi từ công trình...
Kỳ tới: Quyền lực nhân dân

Tunisia giới nghiêm, tổng thống lưu vong

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 15/01/2011, 12:46 (GMT+7)

TTO - Lệnh giới nghiêm đã được ban bố trên toàn lãnh thổ Tunisia, trong khi Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali cùng gia đình phải chạy sang Saudi Arabia lánh nạn.

>> Algeria: bạo loạn do giá cả tăng, 400 người bị thương

Các vụ bạo loạn khiến hàng chục người thiệt mạng - Ảnh: Xinhua/Reuters

BBC cho hay ông Ben Ali đã buộc phải rời chức vụ sau 23 năm cầm quyền khi các cuộc biểu tình và tuần hành chống lại ông ngày càng leo thang. Từ phản đối tình trạng thất nghiệp, giá lương thực tăng cao và tham nhũng, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, với nhiều người quá khích tấn công các cơ quan, trụ sở công quyền, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay và đạn thật để vãn hồi trật tự.

Theo một báo cáo không chính thức, kể từ khi xảy ra bạo loạn (17-12-2010) đến nay, đã có ít nhất 70 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Một binh sĩ Tunisia la hét kêu gọi người biểu tình bình tĩnh tại thủ đô Tunis ngày 14-1 - Ảnh: Xinhua/Reuters

Trước tình hình ngày càng căng thẳng, hôm qua 14-1 Tổng thống Ben Ali đã quyết định giải tán quốc hội và chuẩn bị bầu cử trước hạn, đồng thời ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.

Tuy nhiên ngay sau quyết định này, Thủ tướng Mohammed Ghannouchi lên truyền hình thông báo ông sẽ đảm nhận chức tổng thống thay ông Ben Ali, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh. Ông cũng cam kết sẽ tôn trọng hiến pháp và thực hiện các cải cách kinh tế - chính trị - xã hội mà ông Ben Ali thông báo hồi đầu tuần này.

Theo BBC, ông Ghannouchi sẽ nhóm họp với các lãnh đạo chính trị vào hôm nay 15-1 để thành lập chính phủ mới.

CNN cho biết trong ngày 15-1, xe tăng quân đội và xe bọc thép đã tuần hành trên các con đường ở thủ đô Tunis.

TƯỜNG VY

Thảm họa tồi tệ nhất lịch sử Brazil

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 15/01/2011, 08:04 (GMT+7)

TT - Đã có hơn 500 người thiệt mạng trong một trận lở đất khủng khiếp ở khu vực đông nam Brazil. Đây được xem là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân bị bùn đất vùi lấp Ảnh: AFP

Brazil đang phải đối mặt với “thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước này”, vượt hơn cả thảm kịch ở Caraguatabula, vốn được mô tả là khủng hoảng nhất đến nay, ở phía bắc Sao Paulo năm 1967 khiến 436 người chết!

Ngày 14-1, hơn 500 người đã thiệt mạng và nhiều người hiện còn mất tích trong trận đất chuồi khủng khiếp ở gần Rio de Janeiro, đông nam Brazil. Đa số người chết trong lúc đang ngủ và bị các dòng bùn cuốn đi cùng với cây cối, nhà cửa và xe cộ. Mưa lớn kéo theo các dòng bùn đổ ập xuống nhiều thành phố khiến hơn 13.500 người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Cảnh sát Brazil cho biết số người thiệt mạng có thể tăng lên.

Những đợt lũ bùn tràn ngập các thị trấn ở khu vực miền núi vùng Serrana nằm phía bắc Rio de Janeiro, san lấp nhiều căn nhà, ném một số ôtô lên tới đỉnh tòa nhà. Ở một số nơi, lượng bùn dâng cao đến 3m. Các nhân viên cứu hộ ở Brazil nỗ lực hết mình để đến được các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lớn và sạt lở đất. Các sườn đồi và bờ sông cách Rio 100km về phía bắc bị sạt lở hoàn toàn sau khi lượng mưa tương đương với một tháng đã liên tục đổ xuống suốt 24 giờ từ đêm thứ ba (11-1).

Ở Teresopolis, nơi bị tàn phá nặng nề nhất và có ít nhất 223 người thiệt mạng, thi thể nằm ngổn ngang khắp nơi trong thành phố và được đưa đến một nhà thờ. Các quan chức cho người dân, người thân gia đình xem hình những thi thể để nhận dạng và xác định danh tính. Lực lượng cứu hộ không đến được một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Teresopolis và khu vực lân cận có khoảng 150 ngôi nhà bị phá hủy. Lính cứu hộ cố gắng đào bới để tìm người sống sót nhưng chỉ tìm thấy thi thể các nạn nhân.

Các nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân còn sống sót sau trận đất chuồi ở Teresopolis ngày 12-1 - Ảnh: AFP

Trong bối cảnh tang tóc và tuyệt vọng của nhiều gia đình bị chia lìa, vẫn nổi lên những điều kỳ diệu. Một phụ nữ 53 tuổi được cứu sống khỏi dòng nước lũ điên cuồng nhờ một sợi dây thừng mảnh mai do những người hàng xóm ném cho. Hay như một đứa trẻ 6 tháng tuổi đã được các nhân viên cứu hộ cứu sống sau 15 giờ bị chôn lấp dưới bùn trong vòng tay của người cha.

Nhiều người di tản đến một phòng tập thể dục, nơi trú ẩn tạm thời của các gia đình di tản ở thành phố Teresopolis. Thị trưởng thành phố Teresopolis cho AFP biết: “Hầu như không còn nhà cửa nào ở đây đứng vững, tất cả con đường và cầu bị phá hủy hoàn toàn”. “Tình hình lũ lụt diễn biến ngày càng phức tạp. Chúng tôi không thể ngăn chặn được” - đội trưởng Sở Cứu hỏa Teresopolis Jose Paulo Miranda cho Reuters biết.

Nova Friburgo, Teresopolis, Petropolis - các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận lũ bùn và sạt lở đất - tập trung nhiều người nghèo sống trong những căn nhà tạm bợ hoặc được xây dựng trái phép. Thủ hiến bang Rio de Janeiro Sergio Cabral lên tiếng chỉ trích chính quyền địa phương cho phép xây dựng những ngôi nhà và tòa nhà trái luật, kém chất lượng.

Trận đất chuồi gây ra thiệt hại hàng tỉ đôla và được xem là cuộc thử thách đầu tiên đối với Tổng thống Dilma Rousseff chỉ sau hai tuần nhậm chức. Ngoài những thiệt hại về người và tài sản, Chính phủ Brazil còn lo ngại thiệt hại từ những cơn mưa khiến giá thực phẩm tăng lên.

Ngày 13-1, Tổng thống Rousseff đến thị sát tình hình và quyết định chi 480 triệu USD cho quỹ cứu trợ khẩn cấp. Chính phủ cho biết đã gửi 210 nhân viên để giúp nhận dạng các thi thể. Bộ Y tế cũng hứa chuyển 7 tấn thuốc men đủ phục vụ khoảng 45.000 người bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong vòng một tháng.

DUY PHÚC

Brisbane dọn dẹp “bãi chiến trường” sau lũ lụt

Thành phố Brisbane, thành phố lớn thứ ba của Úc với 2 triệu dân sinh sống, đang dọn dẹp những đống đổ nát do trận lũ lịch sử ở bang Queensland để lại.

Ngày 14-1, nước lũ rút nhưng một số khu vực cạnh sông Brisbane vẫn còn bị ngập nước. Trận lũ lịch sử ở Queensland, bắt đầu từ tháng 12-2010, nhấn chìm hàng vạn căn nhà khiến 12 người thiệt mạng và 60 người hiện còn mất tích. Hiện các đội cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân và di tản người dân đến nơi an toàn.

Hơn 170.000 hộ dân ở bang Queensland có điện trở lại, nhưng Công ty điện lực Engergex cho biết 66.000 hộ dân ở đông nam Queensland vẫn chưa có điện. Chính phủ cho biết phải mất ít nhất sáu tháng mới có thể bơm hết nước ra khỏi các mỏ than và khôi phục ngành công nghiệp than, vốn đóng góp 5% (khoảng 14 triệu tấn) sản lượng than toàn cầu.

Dự báo tình hình lũ lụt vẫn còn diễn biến phức tạp. Những trận mưa lớn có khả năng gây lũ lụt lớn ở bang Victoria, giáp bang Queensland. Nhiều người ở một số khu vực bang Victoria được cảnh báo di tản đến nơi khác. Các nhà khoa học cảnh báo hiện tượng La Nina và biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến thời tiết và khí hậu ở Úc và một số quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kim Jong Il "sẽ làm tất cả để dân sống sung túc"

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 14/01/2011, 11:48 (GMT+7)

TTO - Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, tiết lộ lãnh đạo Kim Jong Il từng thừa nhận ông chưa hoàn thành nguyện ước của cha, Chủ tịch Kim Nhật Thành, về việc lo cho dân đầy đủ “cơm và canh thịt”.

Ông Kim Jong Il đi tìm hiểu bữa cơm của công nhân tại khu tổ hợp chế tạo máy Ryongsong - Ảnh: KCNA

Bài xã luận đăng hôm 8-1 gợi nhớ từ năm 1946, ông Kim Nhật Thành năm nào cũng nói chuyện về “cơm và canh thịt”. Nhưng 60 năm sau, CHDCND Triều Tiên vẫn phải phụ thuộc vào nguồn lương thực, thực phẩm viện trợ của quốc tế.

Nhật báo này dẫn lời ông Kim Jong Il trong một cuộc thị sát tình hình dân sinh hồi năm ngoái: “Giờ đây, đất nước chúng ta đã trở thành một nước mạnh về chính trị, quân sự và tư tưởng, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy thiếu thốn nhiều thứ cho cuộc sống của người dân”.

“Trong quá khứ, chủ tịch Kim Nhật Thành luôn ước mong dân no cơm ấm áo, được sống trong những căn nhà lợp ngói. Nhưng chúng ta chưa hoàn thành được tâm nguyện của Người. Tôi sẽ làm tất cả để nhân dân sống sung túc bằng cách nâng mức sống trong thời gian ngắn nhất có thể”, ông Kim nói.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc ông Kim thừa nhận các khó khăn về kinh tế là chưa từng có trước đó.

Ngày 12-1 vừa qua, Bình Nhưỡng đã chủ động liên hệ với Seoul để nối lại các mối quan hệ kinh doanh ở khu du lịch và khu công nghiệp chung tại biên giới sau khi Hàn Quốc đóng băng quan hệ thương mại hai miền vì vụ tàu Cheonan đắm và vụ pháo kích đảo Yeongpyeong.

PHAN ANH

Người dân CHDCND Triều Tiên từng trải qua nạn đói từ 1995 đến 1997, được gọi là “Tháng Ba gian khó” (Arduous March), thông tin trên nhiều tờ báo cho là có 300.000 đến 800.000 người chết mỗi năm vì đói kém và các loại bệnh dịch.

Từ năm 1997, chính quyền của tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt đầu viện trợ cho CHDCND Triều Tiên thông qua Chương trình lương thực thế giới với khoảng 700.000 tấn hàng hóa.

Hiện nay, Bình Nhưỡng vẫn cần nhận viện trợ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

(Nguồn: Wikipedia

Mỹ trừng phạt 24 công ty vận tải biển làm ăn với Iran

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 14/01/2011, 14:26 (GMT+7)

TTO - Ngày 13-1, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với 24 công ty vận tải biển, trong đó có 20 công ty của Hong Kong, buộc tội họ làm bình phong cho các doanh nghiệp Iran liên quan đến chương trình vũ khí ở nước này.

Một lô hàng của IRISL bị Israel phát hiện có chứa vũ khí, rocket, tên lửa hồi năm 2009 - Ảnh: IDF

AFP đưa tin các công ty này thực chất là chi nhánh của Hãng vận tải biển Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRISL) vốn đang bị quốc tế trừng phạt vì tham gia vào chương trình vũ khí của Tehran.

Phía Mỹ buộc tội 4 công ty thuộc sở hữu và điều hành của Ahmad Sarkandi và Ghasem Nabipour - hai nhân vật từng bị Mỹ cáo buộc làm việc trên danh nghĩa của IRISL hồi tháng 10 năm ngoái.

Theo Mỹ, 16 công ty Hong Kong đều thuộc sở hữu và điều hành của IRISL, bốn công ty Hong Kong khác có chung địa chỉ liên lạc với các công ty của IRISL trên đảo Man của Anh.

Mỹ cũng nêu ra hai công ty trong số đó có quan hệ với Tổ chức công nghiệp vũ trụ (AIO) của Bộ Quốc phòng Iran.

“IRISL phải chịu nhiều áp lực tài chính sau lệnh trừng phạt quốc tế và họ đã tìm mọi cách để che giấu mạng lưới hoạt động cũng như quyền sở hữu các tàu biển”, Stuart Levey - Thứ trưởng phụ trách tình báo tài chính và khủng bố thuộc Bộ Tài chính Mỹ, nói.

Biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm cô lập Iran khỏi hệ thống tài chính quốc tế và việc hạn chế giao thương khiến Iran khó có thể vận chuyển vũ khí hay nguyên liệu hạt nhân.

Mỹ vừa qua đã nỗ lực cách ly những đơn vị kinh doanh có liên quan đến chương trình phát triển quân sự của Iran kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt Tehran tháng 6-2010.

PHAN ANH

Tajikistan nhượng 1.000km2 đất cho Trung Quốc

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 14/01/2011, 07:08 (GMT+7)

TT - Ngày 12-1, Quốc hội Tajikistan đã bỏ phiếu thông qua nghị định thư nhượng cho Trung Quốc 1.000km2 đất thuộc khu vực vùng núi Pamirs hẻo lánh của nước này, kết thúc 130 năm tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Một phần cao nguyên Pamirs sẽ trở thành lãnh thổ của Trung Quốc từ ngày 12-1- Ảnh: nytimes

Hãng thông tấn Asiaplus của Tajikistan dẫn lời Ngoại trưởng Zarifi cho biết việc phê chuẩn nghị định thư về đường biên giới giữa nước này với Trung Quốc là “một sự kiện chính trị quan trọng” của Tajikistan. “Phần lãnh thổ tranh chấp từ trước đến nay chiếm gần 20% lãnh thổ của Tajikistan, trong khi theo nghị định thư vừa được ký thì chúng ta chỉ nhượng lại 1.000km2, tức chỉ chiếm 3% phần đất tranh chấp. Tôi xem việc ký kết trên là một chiến thắng trong chính sách đối ngoại của Tajikistan” - Ngoại trưởng Zarifi giải thích.

Về việc nhượng đất này, dư luận tại Tajikistan và khu vực đang có nhiều nhận định khác nhau.

Ông Mukhiddin Kabiri, lãnh đạo Đảng Phục hưng Hồi giáo (IRP), nói việc nhượng lại phần lãnh thổ này là trái với hiến pháp của Tajikistan và cho thấy sự thất bại trong chính sách đối ngoại của quốc gia.

“Chính phủ Tajikistan nhận được từ Trung Quốc các khoản vay ưu đãi lớn...” - lãnh đạo phong trào đối lập Tajikistan Dodozon Atovulloev nói với phóng viên báo Kommersant. Những năm gần đây, Trung Quốc tích cực đầu tư vào Tajikistan, Dushanbe nhận được gần 1 tỉ USD tín dụng, chỉ riêng việc nâng cấp và xây mới đường sá đã tốn 250 triệu USD.

Vùng núi Pamirs của Tajikistan tiếp giáp với Trung Quốc - Ảnh: The Institute of Ismaili Studies

BBC cho biết qua nghiên cứu nhiều năm của các nhà khoa học, vùng lãnh thổ tranh cãi này (phía đông Pamirs) chứa một trữ lượng lớn gồm 17 loại khoáng sản thiết yếu.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cộng sản Tajikistan Sodi Sabdolov nói việc thông qua nghị quyết “đặt dấu chấm hết cho tranh cãi gần 130 năm với Trung Quốc”. “Chúng ta không thể để tranh chấp này cho con cháu giải quyết” - ông kết luận.

Một số chuyên gia của Nga nhận định thỏa thuận biên giới với Trung Quốc phần nào cũng có lợi cho Tajikistan. “Nhận được đất đai, Trung Quốc đền bù cho Dushanbe bằng các dự án đầu tư lớn, điều tương tự cũng xảy ra với Kyrgyzstan” - chuyên gia trung tâm Karnegi Aleksey Malasenko nói. Ngoài ra, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng tranh chấp biên giới với Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều rắc rối cho các nước láng giềng trong tương lai, nhất là một quốc gia nhỏ như Tajikistan. Suy cho cùng, báo Kommersant kết luận, trong hiệp ước biên giới với Trung Quốc năm 2005, Nga cũng nhường một phần đất của mình vì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.

MỸ LOAN - MINH TRUNG

Lửa ngùn ngụt thiêu xưởng in, hàng chục tỷ đồng ra tro

Xã hội - Dân trí:
Thứ Sáu, 14/01/2011 - 13:25

Hà Nội: Lửa ngùn ngụt thiêu xưởng in, hàng chục tỷ đồng ra tro

(Dân trí) - Khoảng 4h sáng nay, 14/1, một đám cháy đã bùng phát dữ dội tại khu nhà xưởng của Công ty TNHH Phương Linh (địa chỉ thôn Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì). Ngọn lửa đã thiêu rụi nhiều máy móc và nguyên vật liệu trong xưởng.
Khói mù mịt bao phủ toàn bộ khu nhà xưởng.
Đám cháy bùng phát ở khu nhà xưởng chứa máy in và giấy cuộn của công ty chuyên sản xuất bao bì, thùng các-tông này. Trong xưởng chứa nhiều giấy nên ngọn lửa nhanh chóng bốc lên ngùn ngụt, nuốt trọn khu xưởng.
Chiếc xế hộp của giám đốc công ty bị cháy trơ khung.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Đội PCCC Thanh Trì đã điều 4 xe chữa cháy đến hiện trường dập lửa. Do đám cháy lớn và đã lan ra toàn bộ khu xưởng, 7 xe chữa cháy của các đội PCCC Hà Đông, Hoàng Mai và Phan Chu Trinh đã được điều đến hỗ trợ.

Đến khoảng 6h sáng, ngọn lửa cơ bản được khống chế, không thể lan sang các khu xưởng bên cạnh. Tuy nhiên, lửa vẫn âm ỉ trong hàng trăm cuộn giấy, cộng với lượng mực in rất dễ bắt lửa đã khiến cho các chiến sỹ cứu hoả phải liên tục phun nước để khống chế không cho hoả hoạn bùng phát trở lại.
Lực lượng cứu hoả phải ứng trực liên tục đề phòng lửa bùng phát trở lại.

Tại hiện trường vụ cháy lúc 9h sáng, toàn bộ khu xưởng rộng gần 1.000 mét vuông vẫn mù mịt khói. Mái tôn khu xưởng bị sập gần như hoàn toàn. Từ các phía của nhà xưởng, các mũi cứu hoả ứng trực “lùng tìm” những nơi phát khói để dập tắt những tia lửa âm ỉ.

Trong xưởng, hàng chục chiếc máy in, máy cán, máy tạo sóng… bị ngọn lửa thiêu đen sạm, ướt sũng nước. Hàng trăm cuộn giấy cháy nham nhở la liệt khắp nơi. Khói bốc mù mịt.
Nhiều cuộn giấy bùng cháy trở lại sau khi được vận chuyển ra ngoài.
Theo quan sát của chúng tôi, khu xưởng này nằm ngay sát với một khu xưởng đúc gang thép tái chế, chỉ cách nhau một bức tường nhỏ. Lực lượng cứu hoả đã dùng máy xúc ủi đổ tường để chữa cháy, đồng thời chỉ đạo công nhân công ty dùng máy nâng di chuyển những cuộn giấy đã được dập lửa ra bên ngoài.
Các chiến sỹ cứu hoả phải dò tìm những tia lửa còn sót lại.

Phía ngoài xưởng, chiếc xe Ford Everest của Giám đốc của Cty Phương Linh chỉ còn trơ khung sắt nằm lăn lóc dưới ruộng lúa cạnh lối đi. Những cuộn giấy cháy dở được vận chuyển ra ngoài. Một số cuộn vẫn còn tia lửa, sau khi vận chuyển ra đã bùng cháy trở lại khiến các công nhân công ty liên tục phải đi múc nước dập lửa.

Theo nhận định ban đầu, thiệt hại có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Hiện nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được điều tra làm rõ.

Tiến Nguyên

Cáo bắn thợ săn

VnExpress:
Thứ sáu, 14/1/2011, 10:59 GMT+7Người thợ săn cố gắng hạ gục con cáo bị thương bằng báng súng trường, song con vật vô tình đưa một chân trước lên cò súng và giật mạnh.
Một con cáo. Ảnh: ALAMY.
Một con cáo. Ảnh: ALAMY.

Telegraph cho biết, một thợ săn tại vùng Grodno của Belarus phát hiện con cáo trong lúc đi săn trong rừng. Anh nổ súng từ khoảng cách xa khiến con vật bị thương. Sau đó người thợ săn đuổi theo con cáo và tóm được nó. Tuy nhiên, con vật chống cự nên người thợ săn đánh nó bằng báng súng.

Đột nhiên con cáo đưa một chân trước lên cò súng và giật mạnh khiến đạn găm vào chân thợ săn. Trong lúc người thợ săn vẫn còn sửng sốt và đau đớn, con cáo thừa cơ chạy mất.

"Con cáo chống cự quyết liệt và vô tình bóp cò súng bằng chân trong lúc vật lộn với người thợ săn", một công tố viên xác nhận.

Săn cáo là hoạt động khá phổ biến ở vùng tây bắc Belarus, nơi tiếp giáp với Ba Lan.

Minh Long

Nhật cải tổ nội các

VnExpress:
Thứ sáu, 14/1/2011, 09:23 GMT+7

Chính phủ Nhật Bản hôm nay từ chức để mở đường cho một cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng Naoto Kan.
Thủ tướng Nhật Bản phát biểu trong hội nghị của đảng Dân chủ hôm 13/1.
Thủ tướng Nhật Bản phát biểu trong hội nghị của đảng Dân chủ hôm 13/1. Ảnh: AP.

Japan Times cho biết, ông Kan sẽ bổ nhiệm nhiều bộ trưởng mới để thúc đẩy cải cách tài khóa và các chính sách thương mại tự do.

Trọng tâm của cuộc cải tổ nội các lần này là chánh văn phòng nội các Yoshito Sengoku, người có vai trò quan trọng trong việc điều phối các chính sách quan trọng của chính phủ kể từ khi ông Kan trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, ông Sengoku và Bộ trưởng Giao thông Sumio Mabuchi bị phe đối lập yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm tại thượng viện vào năm ngoái. Các nghị sĩ đối lập dọa sẽ không thông qua kế hoạch ngân sách nếu hai ông vẫn nắm chức vụ trong chính phủ.

Cựu bộ trưởng Tài chính Kaoru Yosano, 72 tuổi, có thể trở lại chính phủ. Nhiệm vụ của ông Yosano sẽ là cân bằng hoạt động chi tiêu công, ban hành các chính sách về thuế và an sinh xã hội. Hiện tại nợ công của Nhật Bản đã lên tới 10 nghìn tỷ USD, gấp đôi quy mô nền kinh tế. Hiện tượng dân số lão hóa nhanh của Nhật Bản sẽ càng gia tăng áp lực đối với ngân sách.

Ông Kan cũng có thể thay thế Bộ trưởng Thương mại Akihiro Ohata, người tỏ ra do dự trong việc ủng hộ sáng kiến gia nhập Tổ chức Hợp tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Tài chính, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng có khả năng sẽ giữ nguyên vị trí trong nội các mới.

Thủ tướng Nhật Bản sẽ công bố danh sách thành viên trong chính phủ mới chiều nay. Nhật hoàng Akihito sẽ phê chuẩn danh sách vào buổi tối.

Minh Long

Thái Lan - “góc tối” trên đường công nghiệp hóa

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Năm, 13/01/2011, 07:14 (GMT+7)

TT - Những khu công nghiệp mọc vội, những đập thủy điện ồ ạt dựng lên, chất thải giết chết các dòng sông, gây ô nhiễm bầu trời, bệnh tật xuất hiện, nguồn sống thu hẹp dần... đó là những “sự cố” mà đất nước láng giềng Thái Lan đang gánh chịu.

Tuổi Trẻ tường trình những câu chuyện từ những làng quê trên đất Thái.

Kỳ 1: Hồ sơ của 300 cái chết

Tháng 5-2007, hội nghị hằng năm lần 40 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Nhật Bản xuất hiện một phụ nữ Thái Lan. “Món quà” mà chị Maliwan Najwirot mang đến trình hội nghị là hơn 300 giấy xác nhận tử vong của người dân Mae Moh nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ nhà máy điện than ở Mae Moh. Chị hỏi chủ tịch ADB một câu hỏi khó: “Ông cảm thấy thế nào khi tiền đóng thuế của mình và người dân Nhật Bản đem cho vay đã giết chết 300 người dân Mae Moh?”. ADB sau đó đã ngưng hoàn toàn các khoản cho vay với dự án Mae Moh.

Chị Maliwan với hơn 300 giấy chứng tử của người dân Mae Moh trong kỳ họp lần 40 của ADB tại Nhật - Ảnh: Greenpeace

Tiếng vọng đến ADB

Cho đến năm 2008, Nhà máy điện than Mae Moh vẫn là nhà máy quy mô lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng đến 2.625MW, mỗi ngày đốt cháy 40.000 tấn than lignite.

Nhưng mãi đến năm 1992, 11 tổ hợp của nhà máy vẫn không có hệ thống lọc và xử lý khí SO2. 16 cộng đồng dân cư sống quanh nhà máy phải hứng chịu một thảm họa ô nhiễm khí SO2 lớn nhất Đông Nam Á. Mái tôn bị thủng vì mưa axit, cây cối, hoa màu chết, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bác sĩ Chaianan Tayawiwat làm việc ở bệnh viện địa phương đã bị sa thải vì nỗ lực cảnh báo về mối liên hệ giữa bệnh hô hấp và khí thải từ Nhà máy điện Mae Moh.

Sau một cuộc biểu tình lớn, chủ đầu tư của nhà máy là Tổng công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) cam kết sẽ di dời dân, mua xe chở họ đi bệnh viện, gắn hệ thống lọc để xử lý khí thải SO2. Nhưng chỉ hai năm sau đó, những máy lọc khí SO2 bị hư hỏng hoàn toàn.

Maliwan bức xúc: “Hãy tưởng tượng ai đó lấy xe hơi tông vào bạn. Khi bạn lành, người ta lại dùng chiếc xe đó tông bạn lần nữa. Những khiếu nại thống thiết không được lắng nghe, ngược lại EGAT còn được khen ngợi, nhận được nhiều khoản vay hơn”.

Con trai chị, Wisanu Nakwiroj, kiếm sống bằng nghề bảo trì máy tính. Vì công khai chỉ trích việc gây ô nhiễm lâu dài của Nhà máy Mae Moh, cậu đã bị mất việc. Chồng chị, công nhân lái xe chở than cho chính Nhà máy điện than Mae Moh, cũng bị sa thải.

Người dân Mae Moh cuối cùng cũng được dời đến nơi ở mới sau khi có gần 400 người chết, 80% của 7.000 gia đình mắc các bệnh mãn tính về hô hấp. Khiếu kiện giằng co suốt 25 năm. Tòa án Thái Lan phán quyết EGAT phải chịu trách nhiệm toàn bộ với những ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân và phá hủy sân golf đã được xây bằng tiền lẽ ra dùng để kiểm soát ô nhiễm.Từ đây, Chính phủ Thái Lan thông qua điều luật cho phép người dân khởi kiện các tập đoàn mà không phải đóng án phí.

Những người khách từ bốn phương

Khi tiếp xúc với chúng tôi, chị Maliwan cũng đang có một đoàn khách từ thị trấn Mae Sot, tỉnh Tak, biên giới của Thái và Myanmar, đến thăm. Người dân Mae Sot muốn học kinh nghiệm ở Mae Moh vì có tới ba làng ở Mae Sot bị nhiễm chất cadmium do hai công ty khai thác kẽm (Zn), từ Công nghiệp Padaeng và Công ty khoáng sản Tak, cũng là nhà máy kẽm lớn nhất Đông Nam Á, gây ra từ những năm 1977.

Chất độc cadmium ngấm vào đất, chảy vào nước, đi vào chuỗi thức ăn. Cá, tôm bị nhiễm độc. Hoa màu như lúa, sắn, bắp, đậu nành, tỏi... cũng bị nhiễm độc. Khoảng 10% dân cư sống gần khu nhà có chất độc cadmium trong máu và gặp các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là gây suy thoái thận, sỏi thận. Họ được trả một số tiền để ngưng trồng các loại thực phẩm.

Laofang, một luật sư, trăn trở: “Có lần đến Mae Sot, tôi rùng mình khi được biết họ trồng lúa nhưng chỉ để bán và mua gạo từ nơi khác về ăn. Không biết chất độc cadmium sẽ lan đi bao xa”.

Ở vùng cực nam của Thái Lan, người dân tỉnh Prachuap Khiri Khan cũng đến tận Mae Moh ở miền bắc xa xôi để mục sở thị. Sau khi tận mắt chứng kiến những cái chết từ từ, họ đã thẳng thừng từ chối sự có mặt của hai nhà máy điện than ở địa phương.

HỒNG VÂN

Tác giả Hồng Vân

Tác giả Phạm Thị Hồng Vân tốt nghiệp thạc sĩ báo chí ở Đại học West Virginia, bang West Virginia, Mỹ vào tháng 5-2010. Cô được học bổng đào tạo về môi trường và phát triển ở Thái Lan.

Về lý do viết loạt bài này, cô cho hay: “Một người bạn ở Thái Lan nói: Nếu nền kinh tế Việt Nam hiện đang đi sau chúng tôi thì có lẽ người Việt cần đến nhiều thời gian nữa mới hiểu những hậu quả từ công nghiệp hóa của Thái Lan. Câu nói đó đóng vào tim tôi!”.

_______________

Nếu bạn chưa tin con người có thể đổi màu trời, thay màu nước, hãy đến Map Ta Phut, ở đó có bài học đau lòng từ nơi có GDP cao nhất Thái Lan.

Kỳ tới: Cái giá của GDP cao nhất

Ý kiến bạn đọc (1)

Rất đáng suy nghĩ
Cảm ơn đã có những bài viết như thế này.
Lê Xuân Thuyên

Kết luận cuối cùng về vụ tai nạn máy bay Ba Lan

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Năm, 13/01/2011, 09:46 (GMT+7)

TTO - RIA Novosti ngày 12-1 cho biết Ủy ban Hàng không liên quốc gia Nga (MAK) đã gửi cho phía Ba Lan báo cáo cuối cùng của họ về vụ tai nạn máy bay khiến Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski thiệt mạng hồi tháng 4-2010.

Xác chiếc máy bay gặp nạn chở Tổng thống Lech Kaczynski - Ảnh: RIA Novosti

Chiếc máy bay Tu-154 gặp nạn gần thành phố miền tây Nga Smolensk khiến ông Kaczynski và nhiều quan chức cấp cao Ba Lan tử nạn, khi họ đang chuẩn bị tham dự một buổi lễ tưởng niệm những người Ba Lan bị lực lượng cảnh sát mật Xô viết sát hại năm 1940.

Các chi tiết của vụ điều tra, từng bị Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk chỉ trích vào tháng 12-2010, sẽ được hé lộ phần nào trong một cuộc họp báo ở Matxcơva sắp tới. Những báo cáo đầu tiên của phía Nga được gửi đi từ 20-10 kết luận vụ tai nạn khiến 96 người thiệt mạng này là do “lỗi phi công”.

Ông Tusk sau đó gửi trả lại bản báo cáo với 150 nhận xét và đề nghị với yêu cầu phía Nga phải điều tra thêm. Ông mô tả cuộc điều tra là “không thể chấp nhận” và tuyên bố một số kết luận “không hề có cơ sở”.

Lập luận chính của phía Ba Lan là trong khi họ thừa nhận phần lớn trách nhiệm thuộc về các phi công, họ muốn thêm vào phần lỗi của các nhân viên không lưu Nga khi trong điều kiện chuyến bay, sân bay lẽ ra có quyền cấm chiếc máy bay hạ cánh.

Điều tra viên chịu trách nhiệm về vụ việc bên phía Ba Lan Edmund Klich nói ông không thật sự tin tưởng bản báo cáo mới này, và cho rằng phía Nga có thể “đã không làm gì” liên quan đến 150 nhận xét và khuyến nghị của Thủ tướng Tusk.

Nhưng RIA Novosti dẫn lời một người phát ngôn của MAK phủ nhận các tuyên bố nói trên. Ông khẳng định phía Nga đã dành 24 ngày để xem xét chi tiết những nhận xét của phía Ba Lan và các điều tra viên Nga đã phải làm việc không nghỉ qua cả kỳ nghỉ năm mới để chuẩn bị bản báo cáo này. Giờ đây, Bộ trưởng nội vụ Ba Lan Jerzy Miller sẽ đọc bản báo cáo và sau đó lên tiếng về các kết luận trong đó.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cả Kremlin lẫn Warsaw sẽ không để tranh cãi liên quan đến vụ việc này làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Thương mại song phương đã tăng đều đặn trong những năm qua và xuất khẩu của Ba Lan sang Nga tăng khoảng 39%, lên mức 6,2 tỉ USD trong chín tháng đầu năm.

HẢI MINH

Giải mã hiện tượng "mưa chim chết"

Quốc tế - Người Lao Động Online:
Thứ năm, 13/01/2011 | 16:59GMT+7

(NLĐO)- Hàng ngàn con chim chết một cách bí ẩn trong tuần qua đã khiến dư luận thế giới xôn xao. Mặc dù đã tiết lộ một số nguyên nhân nhưng các nhà khoa học vẫn chưa ngã ngũ về hiện tượng kỳ lạ này.

Vào buổi sáng ngày đầu năm mới, người dân bỗng giật mình khi nhìn thấy hàng ngàn xác chim két nằm la liệt trên đường phố tiểu bang Arkansas, Mỹ. Sau đó, 500 con chim sáo đá, chim chìa vôi và chim két cánh đỏ rơi chết như mưa rơi tại tiểu bang Louisiana.

Nhặt xác chim chết tại Mỹ
Vài ngày sau, hàng chục con quạ gáy xám ở Thụy Điển cũng cùng chung số phận. Hết chim chết rồi đến cá chết hàng loạt tại Nhật Bản, Thái Lan, Brazil.
Nhiều giả thuyết cho rằng chim chết là do đụng phải vật thể lạ ngoài hành tinh hoặc ảnh hưởng bởi các chương trình nghiên cứu vũ khí năng lượng của chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu động vật trên thế giới khăng khăng bảo vệ quan điểm chim chết vì thời tiết khắc nghiệt hoặc nhiễm phải chất độc.
Hôm 7-1, các nhà khoa học Ý công bố hiện tượng 400 con chim bồ câu chết hồi đầu tháng 1-2010 vì dịch bệnh và nhiễm khuẩn. Giới khoa học Mỹ khẳng định những con chim két cánh đỏ ở tiểu bang Arkansas khi bay thấp tránh pháo hoa đã va phải vật thể cứng rồi chết. Còn những con chim sáo đá chết tại Romania sau khi ăn phải bã nho – chất bã trong chế biến rượu dẫn đến nhiễm độc cồn.
Mặc dù nhiều nước đã hé lộ nguyên nhân chim chết hàng loạt thế nhưng, giới khoa học vẫn chưa ngã ngũ về vấn đề này. Chương trình Môi trường Mỹ (UNEP) kêu gọi tiếp tục giải mã chim chết hàng loạt trên thế giới.
Ngọc Lam (Theo BBC)

Chống ma túy tại Mexico: Một cuộc chiến đẫm máu

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 14/01/2011, 06:59 (GMT+7)

Chống ma túy tại Mexico: Một cuộc chiến đẫm máu

TT - Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico chưa bao giờ hạ nhiệt, thậm chí đang trở nên đẫm máu với hàng loạt vụ giết người man rợ. Người dân nếu không đủ giàu để trang bị những thứ xa xỉ như áo giáp và xe chống đạn chỉ còn nước dắt nhau bỏ xứ.

Một người đàn ông gục đầu bên thi thể người thân được phát hiện trên tuyến đường tại bang Acapulco, ngày 9-1 - Ảnh: AFP

Cảnh sát bang Guerrero ngày 11-1 cho biết thi thể một người đàn ông với nhiều phát đạn găm vào đầu đã được tìm thấy trên một con đường chính dẫn vào thành phố nghỉ dưỡng Acapulco. Nạn nhân này đã nâng tổng số người thiệt mạng tại thành phố này trong bốn ngày cuối tuần trước lên 31, trong đó có hai cảnh sát. 15 thi thể không đầu bị vứt bên ngoài một trung tâm mua sắm của thành phố, còn đầu của họ được vứt gần đó kèm theo thông điệp: đây là hành động của “thuộc hạ El Chapo”, mà nhiều khả năng chính là Joaquin “El Chapo” Guzman - thủ lĩnh băng Sinaloa.

Đây là vụ nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008 khi 12 người bị chặt đầu tại thành phố Merida, bang Yucatan.

Hôm 11-1, thị trưởng thị trấn miền trung Temoac (bang Morelos) Abraham Ortiz Rosales cũng bị bắn chết cùng vợ và con, chỉ vài tháng sau khi bị đe dọa. Ông là thị trưởng thứ 15 bị sát hại trong vòng một năm qua.

Theo số liệu mới nhất ngày 12-1 của Chính phủ Mexico, hơn 34.600 người thiệt mạng kể từ cuối năm 2006 khi Tổng thống Felipe Calderon phát động cuộc chiến chống các băng đảng ma túy. Năm 2010 đã trở thành năm đẫm máu nhất trong bốn năm qua với hơn 15.270 người chết, tăng cao so với con số 9.600 người của năm 2009. Năm 2010 đã biến Mexico thành một trong những quốc gia bạo lực nhất thế giới.

Sự gia tăng bạo lực đã làm lung lay niềm tin của người dân vào chính phủ. Một khảo sát khác cho thấy hơn 54% người dân cho rằng bạo lực sẽ giảm nếu chính phủ thỏa thuận với các trùm băng đảng. Dù vậy, chính phủ vẫn cố trấn an dân chúng. “Tôi tin rằng nếu chúng ta không hành động, bọn tội phạm đã chiếm được nhiều lãnh địa hơn và xâm nhập vào các vị trí quyền lực cao nhất” - tổng thống Felipe Calderon khẳng định sau khi tổng kết năm 2010 được công bố.

Trong bối cảnh đó, người dân không còn cách nào hơn là phải tự bảo vệ mình. Các loại thiết bị như áo giáp và xe chống đạn là những mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất với doanh số bán tăng mạnh. Hiệp hội Xe chống đạn Mexico cho biết gần 2.000 xe loại này đã được bán ra trong năm 2010, tăng 20%. “Nó đang trở thành một hiện tượng. Khi nhà nước không thể làm tròn chức năng, người dân phải tìm sự lựa chọn khác cho mình” - Adalberto Santana, một chuyên gia về các băng đảng ma túy tại Mỹ Latin, nhận xét. Nếu không đủ tài chính cho xe chống đạn, giá hơn 120.000 USD/chiếc, những người thuộc lớp trung lưu có thể chọn những loại hình bảo vệ rẻ hơn như áo chống đạn có giá từ vài trăm đến vài ngàn USD.

Nhưng cũng không ít người lựa chọn cách rời bỏ nơi mình sinh sống. Năm ngoái khoảng 200.000 người đã di tản khỏi “thành phố ám sát” Juarez, nơi có 1,5 triệu dân song có đến hơn 3.000 người bị ám sát trong các cuộc tranh chấp giữa băng Sinaloa và Juarez. “Rất nhiều người lo sợ. Dù chưa từng gặp chuyện gì xấu, họ không muốn mình trở thành nạn nhân tiếp theo, vì thế họ trốn chạy. Thành phố này đang chết, nó đã ngoài tầm kiểm soát”, một người dân Juarez hiện đã chuyển đến thành phố El Paso cho biết.

Cuộc chiến ma túy cũng đang ảnh hưởng nặng nề lên sự phát triển kinh tế và đầu tư của Mexico, đặc biệt tại Monterrey, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty lớn nhất Mexico. “Làn sóng bạo lực đang làm mục nát niềm tin, các hoạt động thương mại, bán lẻ, và có thể đè nặng lên đầu tư và viễn cảnh kinh tế”, lãnh đạo Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch tại Mỹ Latin Shelly Shetty nhận xét.

TRẦN PHƯƠNG (Theo AFP, Reuters, Daily Mail, Washington Post)

Đức: Lật tàu chở hóa chất

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 10:41 AM, 14/01/2011

Hiện trường vụ tàu lật

(VOV) - Con tàu có thể bị lật do đoạn sông hẹp, dòng chảy mạnh nhất là đang trong thời gian tan băng

Ngày 13/1, một tàu chở 2.400 tấn H2SO4 (axít Sunfuiric) bị lật trên sông Rhine, phía Tây Bắc thành phố Mainz của Đức, làm 2 thủy thủ mất tích. Các hoạt động giao thông trên sông phải tạm ngừng.

Người phát ngôn cảnh sát, Thomas Bredel cho biết về công tác tìm kiếm người bị mất tích: “Hai người trên tàu đã bị mất tích, chúng tôi không biết bây giờ họ ở đâu. Cuộc tìm kiếm được tiến hành ngay sau vụ tai nạn. Một chiếc máy bay trực thăng có gắn camera đã được cử đi tìm kiếm. Chúng tôi hầu như tìm kiếm hầu như toàn bộ khu vực này nhưng vẫn chưa tìm thấy họ”.

Theo cảnh sát, ngoài hai thủy thủ mất tích thì hai thủy thủ khác trên tàu đã được cứu sống. Con tàu dài khoảng 100 m, gặp nạn khi đang trên đường từ Ludwigshafen, miền Nam Đức, đến thành phố Antwerp của Bỉ.

Cơ quan chức năng cũng đang điều tra nguyên nhân vụ việc, tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, con tàu có thể bị lật do đoạn sông này khá hẹp, dòng chảy rất mạnh nhất là đang trong thời gian tan băng.

Cảnh sát đường thủy cho biết họ đã cố thả neo bể chứa axit để axit không bị rò rỉ ra nước sông. Các chuyên gia đang khẩn trương lấy mẫu nước sông để phân tích./.

Vũ Anh Tuấn (Reuters)

Nga công bố chính sách ngoại giao cốt lõi năm 2011

LAODONG:

Thứ Sáu, 14.1.2011 | 08:37 (GMT + 7)

(LĐO) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 13.1 đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên trong năm, nhấn mạnh những điểm cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Nga trong năm 2011, bao gồm cả mối quan hệ với phương Tây, chương trình hạt nhân của Iran và tình hình tại Trung Đông.

Ngoại trưởng Nga
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

An ninh và sự chân thành: Hai mối quan tâm chủ đạo

Theo Ngoại trưởng, hợp tác giữa Nga và các nước đối tác tại khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương sẽ phụ thuộc rất lớn vào kế hoạch phòng thủ tên lửa Châu Âu (AMD). Ông bày tỏ hy vọng Uỷ ban an ninh Nga và EU sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay. Uỷ ban này được thành lập theo đề nghị của Đức và Nga.

Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Medvedev khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lisbon đã nhất trí hợp tác với NATO về phòng thủ lên lửa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, NATO và Mátxcơva sẽ hợp tác để tự vệ. Quyết định này đánh dấu bước ngoặt thật sự trong quan hệ giữa Nga với phương Tây.

Ông Lavrov nhận xét, quan hệ Nga - Mỹ trong năm qua đã có dấu hiệu nồng ấm và mục tiêu cơ bản của chính sách ngoại giao Nga trong năm nay là nhằm theo kịp các xu hướng này. "Nga và Mỹ có nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt. Nga sẵn sàng mở rộng các lĩnh vực hợp tác chiến lược chung với Mỹ".

Ngoại trưởng cho rằng, còn quá sớm để nói tiếp về cắt giảm vũ khí hạt nhân trước khi Hiệp ước START mới bắt đầu có hiệu lực.

Iran và vấn đề Trung Đông "đáng được lưu tâm"


Nga hoan nghênh lời mời của Iran tới thăm các cơ sở hạt nhân của nước này, nhưng điều đó không thể thay thế việc thanh sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA. Tuy nhiên, Ngoại trưởng cho biết: "Lời đề nghị của Iran rất đáng được lưu tâm".

Bên cạnh vấn đề hạt nhân của Iran, ông Lavrov nói rằng Nga đã đề xuất tổ chức cuộc gặp tiếp theo của Bộ tứ về Trung Đông bao gồm Nga, EU, Liên Hợp quốc và Mỹ bên lề Hội nghị An ninh ở Munich, Đức vào tháng 2 tới.

"Điều quan trọng là cuộc gặp này cần có sự tham gia của đại diện Liên đoàn các nước Arab, lý tưởng nhất là Israel và Palestine phải có mặt" - ông Lavrov nói.

Gần đây, Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ mối quan tâm của mình về dự án xây dựng thêm khu tái định cư cho người Do Thái ở khu Đông Jerusalem. Nga kêu gọi Israel chấm dứt mọi hành động đơn phương có thể gây ảnh hưởng đến kết quả các cuộc đàm phán.

Ông Lavrov cũng cho biết, Tổng thống Nga Medvedev sẽ có chuyến công du tới Jordan và lãnh thổ Palestine.

Trước đó, chuyến thăm dự kiến của ông Medvedev tới Israel bị huỷ bỏ, bởi nhân viên Bộ Ngoại giao Israel đình công vào đúng ngày cuối cùng của năm 2010.

Mátxcơva thúc giục xoá bỏ visa giữa Nga và EU

Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, không có bất kỳ trở ngại nào về kỹ thuật cũng như tổ chức để áp dụng chế độ miễn thị thực giữa Nga và EU. Ông thúc giục việc xoá bỏ visa được tiến hành nhanh chóng và cho rằng EU không có lý do gì để "chính trị hoá" vấn đề này, bởi "Nga và EU là đối tác chiến lược".

"Từ bỏ thị thực không phải là sự kết thúc, mà là sự khởi đầu cho quá trình hội nhập thực sự của Nga và EU" - Thủ tướng Vladimir Putin từng phát biểu năm ngoái.

Vân Anh (Theo Tân Hoa xã)