Thứ Tư, 07/12/2011 - 16:50
Ông Ha Jong Suk, Tổng giám đốc của Keangnam Vina
Thời gian gần đây, Keangnam là trung tâm của mọi sự chú ý khi liên tục để xảy ra những vụ lùm xum xoay quanh mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư. Chiều qua, trước khi bước vào cuộc đàm phán với cư dân, ông Ha Jong Suk, Tổng giám đốc của Keangnam Vina đã chính thức lên tiếng với báo giới.
Keangnam Vina bắt đầu thu phí quản lý của cư dân từ khi nào? Chủ đầu tư có thu được lợi nhuận từ mức phí quản lý hiện tại hay không?
Keangnam được bàn giao từ tháng 3/2011, đến nay đã có 780 căn hộ chuyển vào sinh sống. Từ khi bàn giao, chúng tôi luôn thực hiện theo phương án hòa đồng thân thiện. Sau nhiều lần thỏa thuận, chúng tôi đã miễn hoàn toàn phí quản lý từ tháng 3 đến tháng 7/2011.
Bắt đầu từ tháng 8, các hộ dân mới phải đóng phí với mức 17.130 đồng/m2. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi mới chỉ thu được 3 tháng. Đến tháng 9, UBND thành phố Hà Nội mới ra công văn 4520 có quy định rõ về hạng mục công việc được cung cấp như thế nào trong đó có quy định mức phí trần 4.000 đồng/m2.
Khi đưa ra mức phí đóng cho tháng 10, tháng 11, cư dân đã thống nhất là 17.130 đồng/m2. Trong số 780 căn hộ đã vào ở thì có 320 căn hộ chưa đóng phí quản lý.
Chúng tôi và Ban đại diện cư dân (BĐDCD) đã trao đổi rất nhiều lần. Trong quy định 4520 ghi rõ, nếu có thêm một số hạng mục cung cấp khác thì đôi bên tự thỏa thuận với nhau để đưa ra mức phí thích hợp.
Chủ đầu tư không thu được chút lợi nhuận nào từ mức phí quản lý hiện tại. Đó là mức phí tối thiểu để chúng tôi trả công cho Công ty quản lý Chestnut.
Tại sao chủ đầu tư không sớm thỏa thuận với cư dân về mức phí quản lý. Cư dân cho rằng chủ đầu tư đang “ép” cư dân đóng khoản phí quá đắt và phi lý?
Chúng tôi đã giải thích rất rõ với cư dân về mức phí. Trong hợp đồng cũng quy định, công ty quản lý phải có kinh phí mới vận hành được. Chúng tôi là chủ đầu tư bị kẹt ở giữa. Nếu cư dân không đồng ý mức phí hiện tại thì cư dân có thể lựa chọn ban quản lý khác.
Để quá trình chuyển giao được thuận lợi, chúng tôi đề nghị cư dân đóng tiền trong 2 tháng là tháng 10 và tháng 11 để Công ty quản lý cũ phải tiếp tục thực hiện hoạt động quản lý vận hành bình thường trước khi chuyển giao. Một tòa tháp lớn như thế, không thể không có quản lý trong một hay hai ngày được.
Công ty quản lý chỉ là người làm công, họ không thể làm không công nếu không có kinh phí tối thiểu. Sau khi thỏa thuận với cư dân, chúng tôi đã hạ mức phí xuống một lần rồi, nếu cư dân vẫn tiếp tục không chấp thuận mức phí này thì Chestnut không thể làm việc được. Không có lợi nhuận thì doanh nghiệp không thể vận hành. Khi không thể vận hành, sẽ buộc phải cắt giảm bớt dịch vụ.
Từ tháng 8 đến tháng 10, chúng tôi mới chỉ thu được mức phí của các hộ dân chưa đến 300.000 USD, trong khi đó, thực tế chi phí sử dụng lên đến 800.000 USD. Một con số lỗ không hề nhỏ. Chúng tôi chỉ yêu cầu họ đóng trong hai tháng tới, cư dân chịu khó một chút, chúng tôi sẽ gánh vác khó khăn này.
Chúng tôi cũng không thể đứng về phía cư dân ép công ty quản lý đang lỗ mà vẫn vận hành được. Khi bị lỗ liên tục, họ sẽ buộc phải cắt giảm dịch vụ, không thể có chuyện doanh nghiệp nhận tiền ít nhưng lại phải cung cấp dịch vụ lớn.
Quan điểm của chúng tôi là không bao giờ ép người dân phải đóng ở mức phí 17.130 đồng như hiện nay. Chúng tôi chỉ mong muốn nếu cư dân không đồng ý vận hành với mức phí này thì sẽ đổi sang công ty mới, trong thời gian như thế, cư dân tạm thời đóng mức đó để mọi hoạt động được vận hành bình thường.
Keangnam Vina có chấp nhận BĐDCD hiện tại đứng ra làm việc với chủ đầu tư về các vấn đề của chung cư hay không? Tại sao Keangnam lại chọn một công ty Hàn Quốc làm đơn vị quản lý?
Hiện, BĐDCD mới chỉ là BĐD lâm thời chứ Ban quản trị chính thức của cư dân chưa thực sự hình thành. Trong số cư dân chỉ có 1 số nhỏ muốn đóng ít tiền đi, bộ phận còn lại không quan tâm đến chi phí mà chỉ muốn dịch vụ cao cấp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở 1 hội nghị toàn cư dân để thành lập Ban quản trị, chứ không thể để tình trạng thiểu số nêu ý kiến như thế này được.
Chủ đầu tư nghĩ tới độ an toàn trong 1 tòa nhà quy mô, tiên tiến, do vậy mới chọn công ty quản lý từ Hàn Quốc sang chứ không phải của Việt Nam bởi họ có kinh nghiệm lâu năm vận hành các tòa nhà hiện đại sẽ giúp quá trình vận hành ít thiếu sót và sự cố hơn.
Trong thời gian tới, công ty quản lý sẽ làm tạm trong 2 tháng, trước khi có công ty quản lý mới do cư dân chọn ra, do vậy chúng tôi phải cắt giảm bớt dịch vụ, tạo ra sự công bằng giữa các căn hộ đã tất toán phí quản lý và căn hộ chưa đóng.
Ngoài hạn chế quyền sử dụng thang máy của những hộ chưa đóng phí hôm 3/12, cư dân phản ánh có trường hợp đã đóng tiền điện đầy đủ vẫn bị cắt, ông giải thích thế nào về chuyện này?
Những trường hợp chưa đóng phí dịch vụ, sẽ bị hạn chế sử dụng thẻ từ thang máy. Trường hợp cắt điện cắt nước là do bên cung ứng điện nước thực hiện.
Còn việc cắt điện, nước vừa qua nước là do cư dân không đóng tiền thì bên cung ứng điện, nước cắt, chứ chủ đầu tư không cắt.
Vừa rồi có tiến hành cắt điện, nước những căn hộ chưa đóng tiền. Do cắt một loạt nên có thể nhân viên cắt nhầm cả những căn hộ đã đóng.
So sánh với các chung cư cao cấp khác tại Hà Nội thì mức phí khoảng 17000 đồng/m2 chưa kể thuế giá trị gia tăng là quá cao, ông giải thích thế nào về con số này?
Phí quản lý không có bậc thang cố định nào, mỗi dự án có quy mô, thiết kế khác nhau. Tại Keangnam có trang thiết bị đầu tư tối tân hiện đại như hệ thống CCTV, bãi đỗ xe, khu công cộng, các tầng đều có hệ thống camera, sân tennis...nên phải có mức phí cao hơn.
Tại sao phải đến thời điểm này, khi báo chí phản ánh liên tục về các bất đồng giữa cư dân và chủ đầu tư, Keangnam Vina mới tổ chức cuộc gặp gỡ với cư dân?
Là nhà đầu tư nước ngoài nên chúng tôi rất e ngại việc phát ngôn trước công chúng do khác biệt ngôn ngữ có thể dễ gây hiểu lầm. Chúng tôi luôn quan niệm thực hiện đúng quy định của pháp luật của Việt Nam nên cây ngay không sợ chết đứng. Như tiền phí đỗ ô tô chúng tôi đang thu 850.0000 đồng/tháng, xe máy là 45.000 đồng/tháng, nhưng thực tế số tiền này không đủ vận hành với hệ thống trang thiết bị như hiện tại.
Bà Trịnh Thúy Mai, trưởng ban đại diện cư dân cho hay, lời cáo buộc của ông Ha Jong Suk là vu khống. Không có chuyện cư dân Keangnam nhốt ban quản lý cũng như có động thái hành hung lãnh đạo Keangnam. Theo bà Mai, bị cắt dịch vụ thang máy, cư dân không thể về được nhà đã kéo vào chật kín phòng của ban quản lý. Cư dân yêu cầu chủ đầu tư cung cấp lại dịch vụ để người già và trẻ em có thể về nhà. "Nhốt là phải khóa cửa, không cho ra khỏi phòng. Chúng tôi không làm vậy, nên không thể có chuyện nói cư dân nhốt ban quản lý", bà Mai khẳng định. |
Ông nghĩ sao về hành động phản ứng của cư dân khi Công ty quản lý cắt thang máy chiều 3/12 vừa qua?
Chúng tôi sẽ gửi công văn đến công an Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình. Cư dân đã nhốt 5 người Hàn Quốc của Chestnut ngay tại chính văn phòng, khóa cửa còn cư dân đứng bên ngoài uống rượu, nói chuyện. Đến 19h, khi công an khu vực đến giải quyết, cư dân vẫn không thả người.
Nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư từ 2008 đến nay, trải qua khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi mang số tiền lớn vào đầu tư và đã phải chịu nhiều tốn thất, nhưng là công trình trọng điểm của thành phố nên vẫn giữ tiến độ thi công như cam kết. Tôi không hiểu tại sao người dân không thông cảm cho chúng tôi, lại chỉ 1 việc như vậy mà nhốt vào đe dọa chúng tôi.
Người dân đề nghị tạm đóng ở mức 4.000 đồng /m2 trước khi có thỏa thuận về mức phí chính thức với chủ đầu từ. Phía Keangnam Vina có thể đáp ứng được đề nghị này trong thời gian tới hay không?
Nếu cư dân muốn đóng ở mức 4.000 đồng, Công ty quản lý đang thực hiện sẽ không cung cấp được. Với 4.000 đồng thì chưa đủ phí để vận hành 10 cái thang máy chứ chưa kể các tiện ích khác. Thử hỏi nếu đi làm công mà trả lương thấp thì có làm tốt được không?
Chúng tôi sẽ cho cư dân tự chọn công ty quản lý khác có thể đáp ứng được mức phí như cư dân mong muốn, nhưng trong thời gian đó, người dân vẫn phải đóng mức phí mà công ty quản lý hiện tại yêu cầu.
Nguyên tắc cơ bản là nhận được tiền ở mức bao nhiêu thì dịch vụ như thế, nếu người dân không chịu đóng phí thì chuyện cắt bớt dịch vụ là chuyện khó tránh khỏi. Công ty quản lý và chủ đầu từ không thể thể tiếp tục gánh lỗ trong việc vận hành tòa nhà này liên tục. Nếu từ đầu tuần tới, cư dân không đóng phí quản lý thì chúng tôi buộc phải ngừng thang máy.
Cảm ơn ông!
Theo Minh Tùng
Báo Đất Việt
Thứ Hai, 05/12/2011 - 21:40
Được biết đến với thương hiệu đẳng cấp làm nên tòa nhà cao tầng và hiện đại nhất Việt Nam - Keangnam Hanoi Landmark Tower. Tuy nhiên, trước và sau đi vào hoạt động, tòa nhà này vẫn luôn gắn với nhiều “xì-căng-đan” tai tiếng.
Bất an của cư dân đang sinh sống tại chung cư cao cấp này là hoàn toàn có cơ sở
Vụ cá cược ồn ào nhất
Vài năm về trước, ai ai nhắc đến Keangnam ngoài là tòa nhà cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm này thì thông tin còn lại chính là sự ồn ào dư luận với vụ cá cược lên tới 100 tỷ đồng giữa một nhóm cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng với chủ đầu tư về việc liệu công trình có kịp hoàn thành tiến độ trước dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội hay không.
Sự việc bắt đầu từ ngày 14/11/2008, đích thân Chủ tịch Keangnam Vina Ha Jong Suk đã gửi thông cáo đến báo giới khẳng định công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina, chủ đầu tư tổ hợp chung cư cao tầng, khách sạn, dịch vụ tại đường Phạm Hùng (Hà Nội), cam kết hoàn thành phần thô và tiểu cảnh sân vườn của 2 khối nhà 48 tầng và tòa khách sạn, văn phòng 70 tầng kịp thời gian kỷ niệm 1.000 nămThăng Long - Hà Nội.
"Chúng tôi đồng ý nộp phạt 100 tỷ đồng nếu không thực hiện đúng cam kết” - ông Ha Jong Suk tuyên bố. Chủ đầu tư cũng cho hay, trong trường hợp bị phạt vì không đúng tiến độ, toàn bộ số tiền sẽ được dùng cho mục đích từ thiện. Nay với việc tiến hành lễ cất nóc và hoàn thành xây dựng phần thô công trình, Keangnam đã có câu trả lời cho vấn đề này.
Tai nạn nhiều nhất
Một cái nhất khác chính là những vụ tai nạn lao động đáng tiếc diễn ra tại công trường xây dựng tòa nhà Keangnam. Do “chạy đua” tiến độ, chỉ trong vòng chưa đầy một năm (từ tháng 7/2009 đến tháng 2/2010) tại Keangnam liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động làm 6 người chết, nhiều người bị thương. Đây là con số chưa từng có đối với việc xây dựng một tòa nhà ở Việt Nam.
Cụ thể, tối ngày 21/7/2009, hai công nhân Hoàng Văn Tạo (SN 1966, ở Kim Bôi, Hòa Bình) và Bùi Văn Dương (SN 1987, ở Lạc Sơn, Hòa Bình) đã bị rơi từ tầng 13 trong quá trình làm việc. Chỉ một ngày sau đó, chiều 22/7, lại tiếp tục có 2 công nhân khác tử vong. Vụ tai nạn xảy ra trong quá trình bê cốt-pha tại tầng 5 của tòa nhà B, hai công nhân này đã bị trượt chân, rơi xuống sàn tầng 4.
Số người tử nạn tại Keangnam chưa dừng lại khi vào ngày 3/2/2010, anh Lê Đức Thắng (sinh năm 1974, Liêm Hải, Trực Ninh, Nam Định) bị ống thép tại công trình này văng trúng người dẫn đến tử vong.
Chiều 22/2/2010, một cán bộ kỹ thuật trên công trường Keangnam tiếp tục bị cốt pha đổ đè vào người, qua đời sau đó ít giờ. Đây là vụ tai nạn chết người thứ hai xảy ra trong tháng 2/2010 và cũng là vụ tử nạn thứ 6 tại Keangnam kể từ khi công trình này đi vào thi công.
Sáu người tử nạn là con số chưa từng có đối với việc xây dựng một tòa nhà ở Việt Nam
Những tai nạn kinh hoàng liên tiếp xảy ra nên ngày 26/2/2010, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra toàn diện về việc chấp hành các quy định về an toàn lao động tại Tổ hợp Công trình xây dựng Keangnam Hanoi Landmark Tower.
Đoàn thanh tra đã kết luận tại công trường xây dựng này có hàng loạt sai phạm như không lập và phê duyệt biện pháp đảm bảo an toàn chung cho công trình; thiếu phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát để kiểm soát an toàn lao động…
Về phía chủ đầu tư, ông Ha Jong Suk cho rằng, kết quả điều tra tai nạn chủ yếu xảy ra do lỗi của người lao động và việc không tuân thủ quy trình an toàn lao động của các nhà thầu phụ, tuy nhiên chủ đầu tư cũng thấy rất đau lòng trước sự việc trên.
Hỏa hoạn nhiều nhất
Cùng với các vụ tai nạn chết người, công trình Keangnam tiếp tục “nổi tiếng” hơn nhờ những vụ hỏa hoạn xảy ra như... cơm bữa.
Keangnam hiện đứng thứ 17 trên thế giới về chiều cao và đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 3/2007. Trong thời gian xây dựng, công trường Keangnam đã từng xảy ra 2 vụ hỏa hoạn và nhiều vụ tai nạn lao động.
Vụ hỏa hoạn thứ nhất xảy ra vào 10h20 phút sáng 6/11/2010 tại tháp B của tòa cao ốc 70 tầng. Vụ hoả hoạn thứ hai xảy ra ngày 24/3/2010 tại tầng 25 của Keangnam. Vào ngày 9/6/2011, tại tòa nhà A của Keangnam còn xảy ra sự cố vỡ trụ cứu hỏa do công nhân kỹ thuật vận hành chưa có kinh nghiệm, khiến nhiều căn hộ ở tầng 26, 27 chìm trong biển nước, cư dân hoảng loạn khi 10 thang máy đã bị “tê liệt” ngay hôm đó…
Keangnam tiếp tục “nổi tiếng” hơn nhờ những vụ hỏa hoạn xảy ra như... cơm bữa
Gần đây nhất vào khoảng 14h ngày 27/8 đã xảy ra một vụ cháy tại tòa nhà cao nhất trong khu tổ hợp Keangnam Landmark Towers. Khu vực xảy cháy được xác định tại hệ thống quạt thông gió, điều hòa tổng của tòa nhà Keangnam, đặt trên nóc tòa nhà7 tầng (cạnh tòa tháp cao nhất).
Như vậy, các vụ hỏa hoạn xảy ra tại Keangnam đến thời điểm này đã ở con số 5.
Bị cư dân tố nhiều nhất
Vào khoảng cuối tháng 6/2011, Keangnam nổi đình nổi đám khi bị hàng trăm cư dân sống tại đây tố cáo “bóc lột” cư dân khi thu hàng loạt các loại phí “khủng”. Cụ thể, cư dân cho rằng Keangnam đang thu phí vượt trần so với quy định của UBND TP về phí trông ô tô, xe máy. Mức phí xe máy tính theo lượt của chủ đầu tư hiện ở mức 20.000 đồng, gấp 10 lần quy định của thành phố.
Phí quản lý cũng được chủ đầu tư áp tới 0,99 USD, xấp xỉ 21.000 đồng /m2, mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay. Mức thu tại các chung cư cao cấp như Vincom B cũng chỉ có 14.000 đồng, Sky City 88 Láng Hạ 8.000 đồng.
Sau nhiều lần đấu tranh căng thẳng, Keangnam chịu "nhún", hạ phí quản lý xuống còn 17.130 đồng/m2 chưa bao gồm VAT nhưng cư dân Keangnam vẫn chưa đồng ý do vẫn cao gấp 4,5 lần quy định của UBND TP Hà Nội mà chưa có sự thỏa thuận nào giữa cư dân và chủ đầu tư. Ban đại diện lâm thời Keangnam cũng đã gửi đi 12 công văn yêu cầu chủ đầu tư phải bóc tách chi phí, thỏa thuận mức phí quản lý chung cho tòa nhà. Tuy nhiên, cho đến nay, chủ đầu tư vẫn “bặt vô âm tín”.
Bức xúc trước thái độ áp đặt mức phí quản lý cao “ngất”, nhiều cư dân Keangnam không đồng ý đóng phí. Ngay lập tức, Keangnam đã ra “tối hậu thư” ngày 21/11, thông báo, nếu cư dân không đóng mức phí trên, chủ đầu tư sẽ cắt các dịch vụ và tiện ích công cộng.
Cụ thể, Keangnam Vina thông báo: "Kể từ ngày 26/11 đối với các căn hộ chưa tất toán phí quản lý sẽ hạn chế sử dụng sử dụng tiện ích công cộng như sân chơi, bể bơi…Từ ngày 1/12 do một số căn hộ chưa tất toán phí quản lý nên công ty quản lý buộc cắt giảm nhân viên lễ tân, bảo vệ, vệ sinh và tạm dừng các dịch vụ cung cấp khác".
Gây bức xúc nhất
Gây bức xúc nhất gần đây là vụ việc một cư dân của Keangnam bị côn đồ vào hành hung phải đi cấp cứu ngay tại khu vực sân chơi công cộng dành cho trẻ em ở tầng 5 tại hai tòa tháp A và B. Sự việc xảy ra vào khoảng 21h ngày 18/11, nạn nhân là anh Trần Thanh Hiền (SN 1972, trú tại căn hộ 1803 Keangnam, huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Nguyên nhân là do anh Hiền ngăn cản những người của công ty Mai Linh tới dựng rạp, sân khấu chiếm dụng sân chơi tầng 5 khi chưa thông qua ý kiến của người dân. Điều đáng nói, khi sự việc xảy ra, mọi người đã gọi điện cho bảo vệ của tòa nhà, nhưng hơn nửa tiếng sau mới thấy bảo vệ có mặt.
Cư dân của Keangnam phản đối việc bị côn đồ vào hành hung
Mới đây nhất, vào trưa 3/12, do bất đồng về phí dịch vụ, chủ đầu tư tòa nhà Keangnam đã cắt điện, hạn chế thẻ sử dụng thang máy của cư dân. Cuối cùng, sau gần 4 tiếng đàm phán cùng với với sức ép từ phía chính quyền, gần 22h tối qua (4/12), ông Ha Jong Suk đã nhượng bộ và ký vào văn bản cam kết với chính quyền và ban đại diện lâm thời là không hạn chế quyền sử dụng thang máy của người dân. Chủ đầu tư cũng cam kết không được cắt bất cứ loại hình dịch vụ nào nữa. Ông Ha cũng hứa sẽ đàm phán với ban đại diện cư dân, dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương vào tuần sau.
Cư dân cho rằng việc chủ đầu tư ép cư dân đóng phí dịch vụ cao gấp 4,5 lần quy định của UBND TP trong khi chất lượng không đảm bảo là điều phi lý. Phía chủ đầu tư thì khẳng định nếu cư dân không đóng phí, ban quản lý sẽ không thể vận hành tòa nhà.
Theo Linh Vân
DĐDN