Bình thơ bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính
Chỉ mục bài viết |
---|
Bình thơ bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính |
trang 01 |
trang 02 |
Tất cả các trang |
Trong cuốn "Lá thư Làng Mai" số 32, chúng ta đã bình bài thơ Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ, bài có chủ đề là ra đi. Vì lý tưởng, vì chí hướng, sự nghiệp mà người con trai đành phải từ giã người mình yêu để lên đường. Rồi sau đó, vào một ngày cuối năm, trong khi mọi người đang chuẩn bị đón giao thừa, ngồi một mình trên căn gác trọ người con trai cảm thấy cô đơn và chợt chạnh lòng nhớ lại người xưa, nhưng anh cũng biết rằng mình không thể nào ở lại được, mình phải tiếp tục con đường, phải tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình thôi. Người ở nhà nếu quả thực là hiểu được người mình yêu thì phải yểm trợ cho người ấy, để cho người ấy đi dù rằng đó là một quyết định rất khó khăn, dù trong lòng mình có xót xa, tiếc nuối.
Người con trai ấy có hoài bão, có chí hướng mà mình giữ chặt người ấy cho riêng mình thì người ấy sẽ không có hạnh phúc. Người ấy có một năng lượng mà mình đem nhốt năng lượng đó lại thì chỉ làm khổ người yêu và làm khổ chính mình thôi. Một làn hương, một tia nắng mà mình còn không giữ được, huống nữa là giữ một người con trai có chí nguyện lớn ?
Ngày xưa Yasodhara cũng có tâm trạng như vậy. Yasodhara biết rằng Siddhata không thể không ra đi. Yasodhara cũng chỉ là một người phụ nữ thường tình, nhưng cô biết là phải để cho chồng ra đi, bởi nếu vì mình mà người con trai không ra đi được thì người con trai đó đâu còn là người con trai của mình ? Tuy thân người ấy bên mình nhưng tâm người ấy không còn ở bên mình nữa. Có giữ thì cũng không còn. Và Yasodhara cũng hiểu rằng dùng tất cả mọi cách để trói buộc người con trai đều vô hiệu nghiệm.
Hồi 1940 cho tới 1945 phần lớn những người con trai Việt Nam đều muốn ra đi, tôi lớn lên trong giai đoạn đó và tôi đã chứng kiến được những cuộc ra đi. Hồi ấy người Pháp đang đô hộ Việt Nam, đất nước ta đang lầm than trong cảnh nô lệ, người dân đói khát, khổ đau. Năm tôi khoảng 14, 15 tuổi có những buổi sáng thức dậy, tôi thấy ngoài đường có những chiếc xe cam nhông chở đầy những xác chết của những người đói. Và tôi cũng thấy những anh, những chị, chỉ khoảng 20, 22 tuổi bị bắt, họ bị người ta trói lại, giải đi, trông cảnh đó tôi rất sót thương. Lúc ấy tôi không biết họ đã làm gì để bị bắt như vậy? Nhưng tôi biết rằng trong trái tim họ đã ôm ấp một lý tưởng gì đó nên mới bị lâm vào vòng tù tội. Mới 14 tuổi tôi đã được đọc sách báo cách mạng và tôi cũng muốn ra đi. Năm 1940, Thâm Tâm có viết một bài thơ rất nổi tiếng đó là bài Tống Biệt Hành:
Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Phải đưa qua sông thì mới thấy có sóng và thấy sóng ở bên ngoài thì sóng ở trong lòng mới nổi dậy. Nhưng ở đây mình đâu có đưa sang sông "sao có tiếng sóng ở trong lòng?" Tình trạng đất nước, xã hội, và những khổ đau đã thúc đẩy những người con trai, những người con gái lên đường. Là một người thanh niên trong hoàn cảnh ấy thì phải nên làm một cái gì đó cho đất nước. Tác giả cũng muốn đi nhưng chưa đi được, mà phải ở lại. Và khi những người bạn của mình, những người anh, người chị, người em của mình ra đi thì mình phải đưa tiễn. Đưa tiễn mà trong lòng không yên, những đợt sóng cứ chồm lên không ngớt.
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Tuy đang là mùa hè, đất trời đang xanh tươi, cây cối chưa vàng vọt nhưng sao nhìn vào mắt của người kia mình thấy có hoàng hôn, có một nỗi buồn nào đó.
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng.
Gia đình có mẹ, có chị, có em, lúc từ giã người đi phải làm bộ dửng dưng, nếu không thì không thể cất bước được.
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ.
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Ly khách là người đi. Nếu đã ôm một chí nguyện to lớn thì không thể nào về với hai bàn tay không được.
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Khi ra đi mình đã mang một chí nguyện nào đó và nếu không đạt được chí nguyện ấy thì mình sẽ nhất định không trở về. Có một hình ảnh mà tất cả thanh niên Việt Nam thời đó đều tôn thờ đó là hình ảnh của Kinh Kha. Kinh Kha sống ở thời Chiến Quốc, cuối đời Xuân Thu, vào thế kỷ thứ 5 cho đến thế kỷ 13 trước Tây lịch, khi ấy có bảy nước đang tranh chấp nhau. Có hai người anh hùng, một người tên Nhiếp Chính, một người tên là Kinh Kha. Nhiếp Chính là một người anh hùng ẩn thân đời Chiến Quốc đi giết tướng quốc của nước Hàn là Hiệp Lũy, rồi rạch nát mặt, tự vẫn chết để không ai tìm được tung tích. Kinh Kha là người nhận trách nhiệm đi ám sát Tần Thủy Hoàng, ngày Kinh Kha lên đường Thái tử Yên Đan tổ chức lễ tiễn đưa rất lớn vì biết rằng người này đi sẽ không bao giờ trở lại. Tại vì Kinh Kha đã lãnh một sứ mạng rất lớn, đó là phải giết cho được Tần Thủy Hoàng, giết cho được tên bạo chúa. Câu thơ ca ngợi hình ảnh đó người thanh niên Việt Nam thời bấy giờ người nào cũng thuộc:
Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn
Nghĩa là gió thổi rờn rợn, nước sông Dịch lành lạnh và người tráng sĩ một phen đi thì không bao giờ trở lại. Bây giờ, trong bối cảnh phải đưa tiễn người bạn ra đi cũng vậy, cũng nghĩ tới Kinh Kha. Trước năm 1940 các thi sĩ sáng tác toàn thơ tình, cứ yêu qua yêu lại rồi đau khổ, rồi sầu thương. Nhưng bắt đầu từ năm 1939-1940 có sự thức tỉnh trong giới thanh niên, tỉnh dậy trước thực tại cay đắng, khổ đau đen tối của đất nước, của xã hội. Do đó họ không còn làm những bài thơ theo lối khóc gió thương mây nữa. Bài này là một trong những bài đánh dấu giai đoạn thức tỉnh của người thanh niên Việt Nam thời chống Pháp.
Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước,
Bây giờ mùa hạ, sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen,
Khuyên nốt em trai dòng lệ xót.
Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Vo tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Buồn chứ sao không buồn, bỏ mẹ, bỏ các em ở lại để ra đi trong khi chưa biết rõ con đường phía trước như thế nào. Không biết mình sẽ làm cái gì? Chỉ biết là mình muốn đi thôi, con đường trước mặt là cả một khu rừng chưa khai phá. Rất là mờ ảo. Con đường cách mạng xã hội của một dân tộc, chưa có cái gì rõ ràng, chưa có gì được chuẩn bị, sắp đặt cả. Người ra đi mang tâm trạng hoang mang, nhớ nhung, luyến tiếc nhưng cố giả vờ dửng dưng "Một giã gia đình, một dửng dưng".
Người đi? Ừ nhỉ! Người đi thực!
Không phải chuyện chơi.
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu cay.
Đi là phải như vậy, thương mẹ bao nhiêu cũng phải đi, thương em bao nhiêu cũng phải đi tại vì chí hướng của người thanh niên là phải lên đường. Sống trong thời đại của mình, mình là một chàng trai, mình là một cô gái, thì mình đại diện cho cả một thế hệ của mình. Mình không đi với tư cách một cá nhân, mình đi với tư cách của cả một thế hệ. Mình thấy tất cả những người đó trong mình, mình không phải đi đơn độc.
Nguyễn Bính cũng ra đi nhưng trước khi giật mình tỉnh thức thì Nguyễn Bính đã nghiện rượu, đã ghiện thuốc phiện. Thời đó thanh niên Hà Nội cũng ăn chơi, cũng lao vào cuộc sống của sự hưởng thụ. Bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính làm vào khoảng năm 1946-1947.
Hai ta lưu lạc phương Nam này
Hai đứa đi vào Nam
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay!
Hai đứa không nhà, không cửa, đi tìm con đường, tìm chí hướng nhưng mà tìm chưa ra, cũng không biết tìm ở đâu nữa, hai đứa cứ làng thang với nhau trong cảnh cô đơn không nhà. Tội nghiệp ghê.
Lòng nắng xá gì đôi hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say!
Đã nghiện rượu rồi, đâu có thể không uống được, vì vậy có đồng nào là đem ra uống rượu hết đồng đó. Muốn ra đi lắm nhưng vốn liếng của mình còn nghèo nàn quá, đã vướng vào rượu, vào ma túy rồi thì ý chí còn được bao nhiêu?
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may!
Tư Mã Tương Như là một chàng nhạc sĩ đánh đàn cho Trác Văn Quân nghe, khúc đàn đó là Tư Mã Phượng Cầu. Phượng Cầu Hoàng là con chim Phượng đi tìm con chim Hoàng tức là khúc hát của tình yêu. Còn thi sĩ nhà ta thì chẳng có ai may cho một chiếc áo để có thể ra trận.
Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trói thân vào nợ nước mây
Vấn đề cơm áo là vấn đề rất lớn. Nợ nước mây là nói về sự nghiệp của người con trai.
Ai biết thương nhau từ thuở trước
Bây giờ gặp nhau trong phút giây
Nợ tình chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Tất cả những cố gắng của mình từ trước đến nay đều thất bại hết. Tình yêu thì không xong mà chí hướng cũng chẳng thành. Quê nhà thì ở mãi Hà nội còn mình đang lưu lạc tận miền Nam.
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Phân tán vì cơn gió bụi này
Người ơi! Buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết
Ngày mai ra sao rồi sẽ hay
Trong lòng mình có mang một sứ mệnh lớn muốn ra đi nhưng những tập khí cũ, những thói quen xấu nghiện ngập, yếu đuối cứ trói buộc lấy mình. Nguyễn Bính cũng có nhắc tới Kinh Kha, cũng nhắc tới Nhiếp Chính.
Ngày mai sáng lạn mầu non nước
Cốt nhất làm sao từ buổi này
Đây là một sự giác ngộ, thi sĩ thấy rằng ngày mai có tươi sáng hay không là do ngày hôm nay quyết định. Nhưng ngày hôm nay như thế nào? Hoàn cảnh của mình, tâm trạng của mình ra sao, và vốn liếng thì đến đâu rồi?
Ngày mai sáng lạn mầu non nước
Cốt nhất làm sao từ buổi này
Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
Mặt đỏ lên rồi, cứ chết ngay
Hỡi ơi! Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây?
Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay?
Trước khi lên đường Kinh Kha được Thái tử Yên Đan hậu đãi, có một cô thị nữ mang khay trà vào, Kinh Kha khen hai bàn tay của cô đẹp quá. Thái tử Đan nghe báo cáo như vậy thì nói với cô thị nữ: cô tặng cho tráng sĩ hai bàn tay đi. Rồi sai chặt hai bàn tay cô thị nữ để trên khay rồi mang vào tặng cho Kinh Kha. Thái Tử đã hy sinh một mạng người để nung nấu chí hướng của người tráng sĩ. Tráng sĩ nói ưa hai bàn tay đó thì chúng tôi dâng tặng cho tráng sĩ hai bàn tay. Ngày Kinh Kha lên đường, đi qua sông Dịch, ba ngàn người mặc đồ tang đến đưa tiễn.
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Hài cỏ, gươm cùn, ta đi đây
Đôi giày của mình là giày cỏ, gươm của mình là gươm cùn nhưng người tráng sĩ Nguyễn Bính vẫn không biết đi về đâu?
Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Muốn đi mà không biết đi về đâu! Thôi, nếu không đi thì ở lại uống cho say. Nguyễn Bính có tâm trạng như vậy nhưng rốt cuộc vẫn đi vào chiến khu, phục vụ trong Ủy ban Việt Minh tỉnh bộ tỉnh Rạch Giá và đi vào rừng U Minh phục vụ kháng chiến trong vòng chín năm trời cho đến khi tập kết ra Bắc. Trong thời gian đó Nguyễn Bính cưới một người vợ người miền Nam. Tôi đọc thơ thì thấy rằng thơ kháng chiến, thơ cách mạng của Nguyễn Bính không hay lắm, thơ Nguyễn Bính không hợp với thơ kháng chiến.
Số thanh niên có lý tưởng cách mạng, có lý tưởng kháng chiến ra đi rất là đông nhưng có hàng ngàn người, hằng chục ngàn người, hằng trăm ngàn người đã ngã gục. Không phải giữa súng đạn mà ngã gục trong tổ chức gọi là cách mạng. Điều này không phải chỉ đúng ở Việt Nam mà đúng cho hết tất cả các nước. Trong cuộc cách mạng có sự thủ tiêu lẫn nhau.
Khi ra đi mình mang một lý tưởng rất cao đẹp nhưng khi đã đi vào trong tổ chức, dù là tổ chức cách mạng, thì mình cũng thấy được sự lạm quyền, sự lợi dụng, thói đạo đức giả... Trong hoàn cảnh ấy nỗi khổ, niềm đau của người trẻ rất lớn, muốn lùi lại thì không được mà muốn tiến tới cũng chẳng xong, đi tới đây thì không còn phương hướng nữa. Đi tu cũng vậy, ban đầu mình nghĩ rằng trong tổ chức giáo hội có sự thánh thiện, có hào quang, có sự tốt đẹp nhưng khi đi vào trong tổ chức giáo hội mình cũng có thể thấy được những hư hỏng những tham vọng, những danh lợi, những giả dối, và người xuất gia cũng có thể ngã gục trên bước đường tu của mình.
Quý vị có thể đặt câu hỏi là tại sao tôi không đi vào đảng mà lại đi vào chùa? Đó là câu hỏi rất là hay. Chắc chắn phải có một hạt giống nào đó, phải có một nguyên do nào đó khiến một người thay vì đi vào một đảng chính trị thì lại đi vào một ngôi chùa. Muốn tìm hiểu được điều này thì phải đi vào trong đời sống của dân tộc mình, tại vì mình có tổ tiên huyết thống nhưng cũng có cả tổ tiên tâm linh và người thanh niên nào cũng có ít nhiều chí hướng cả.
Thái tử Siddhatta cũng có thể đi vào con đường chính trị nhưng Siddhatta đã chọn con đường tâm linh. Trong khi vua Tịnh Phạn rất muốn Siddhatta đi vào con đường chính trị, ông đã đặt hết hy vọng của mình vào Siddhatta nhưng Siddhatta khước từ con đường đó và đi kiếm một lối đi khác. Mình là những người con trai, những người con gái đã không đi làm chính trị mà đi tu là vì mình cũng có cái gì đó giống như Siddhatta. Mình thấy đây cũng là con đường phụng sự, mình hợp với con đường này hơn và mình thấy con đường này đem lại cho mình nhiều sự an tâm, nhiều năng lượng hơn.