Tống biệt hành - Thâm Tâm

Tống biệt hành

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Bước tới: menu, tìm kiếm
Tống biệt hành
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...
-Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen,
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.[1]
1940
Thâm Tâm
– (Thơ Thâm Tâm, NXB Văn học, Hà Nội, 1998)


Tống biệt hành (bài hành[2]tiễn biệt người đi xa) là một bài thơ do Thâm Tâm (1917-1950) sáng tác vào khoảng năm 1940.[3]

Kể từ khi ra đời cho đến nay, dù đã trên 60 năm, Tống biệt hành vẫn luôn được giới yêu thơ yêu thích. Và hiện nay, bài thơ đang được giảng dạy trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam.

Mục lục

[sửa] Tiểu dẫn

  • Về tác giả:

Thâm Tâm là một người đa tài, ngoài tài thơ, ông còn vẽ tranh, viết truyện, soạn kịch, minh họa sách báo, nhưng thơ vẫn được biết đến nhiều hơn cả.

Ngữ văn 11 (nâng cao) viết: Là một nhà thơ mới mang tâm sự của "thời đại cái tôi", nhưng Thâm Tâm có giọng thơ rắn rỏi, gân guốc, phảng phất hơi thơ cổ, nhất là những bài hành, như Can trường hành, Vọng nhân hành, Tống biệt hành... Trong thơ ông sau những tâm sự uất đó đây, là một lòng nước kín đáo và cả khát vọng "lên đường" - trước hết là để thoát khỏi cuộc sống bế tắc.[4]

  • Về thi phẩm Tống biệt hành:

Đây là bài hành về một cuộc đưa tiển. Qua những dòng cực tả tâm trạng và thái độ của người ra đi cũng như người ở lại, Thâm Tâm đã khắc họa nên hình tượng một “li khách” với một vẻ đẹp hiếm thấy. Suốt bài thơ, tuy tác giả không hề nói rõ nguyên do ra đi, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được và cảm thấy mến yêu, trân trọng một con người quyết chí ra đi vì nghĩa lớn.

[sửa] Trích nhận xét

Năm 1940, báo Tiểu thuyết thứ bảy đăng bài Tống biệt hành của Thâm Tâm, thì ngay tháng mười năm sau, nó là bài duy nhất được Hoài Thanh & Hoài Chân chọn in trong Thi nhân Việt Nam, kèm theo đôi dòng giới thiệu nhà thơ trẻ này, như sau:

Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây (Tống biệt hành) lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ gắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại. [5]

Vào những năm 60, khi soạn bộ Việt Nam Thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng, một lần nữa, đã nhắc lại cái “mới lạ” của bài thơ vừa nói:

Bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm đã được giới yêu thơ tiếp đón như những gì mới lạ, và nhận thấy một sự thay đổi trong ý thơ và một biến chuyển tâm hồn của thi sĩ Thâm Tâm.
Khác với những bài thơ Gửi T.T.Kh, Màu máu tygôn, Dang dở v.v...khóc than cho câu chuyện tình tầm thường. Ở đây Thâm Tâm trút bỏ cái vỏ ủy mị cố hữu, đổi giọng điệu rắn rỏi, cương quyết để nói lên cái chí khí của người trai trong thời chinh chiến. [6]

Trong sách Tuyển chọn & giới thiệu Ngữ văn[7]có đoạn:

Bài thơ Tống biệt hành vừa thể hiện tâm trạng chung của một lớp người vào buổi ấy đang “tìm đường”, vừa thể hiện được dấu ấn riêng của tác giả bởi hơi thơ trầm hùng, bi tráng...

Và sau khi phân tích bài thơ, GS. Nguyễn Đăng Mạnh & PTS. Trần Đăng Xuyên kết luận:

Sức hấp dẫn của Tống biệt hành không chỉ ở chỗ đã làm “sống lại cái không khí riêng của những bài thơ cổ” (Hoài Thanh) mà chủ yếu là vì đã tạo nên một chất thẫm mỹ mới cho một thi đề quen thuộc. Cái hay của bài thơ đã miêu tả thành công vẻ đẹp của cái cao cả trong mối quan hệ nội tâm sâu kín, thể hiện một cách nhìn nhiều chiều và sâu sắc về con người...[8]

[sửa] Chú thích

  1. ^ Chép đúng theo sách Ngữ văn 11, lớp nâng cao, NXB Giáo dục, 2007, tr.58-59. Bản trong Thi nhân Việt Nam có thêm dấu (?) cuối câu 2. Bản trong Việt Nam thi nhân Tiền chiến giống y bản trong Thi nhân Việt Nam, nhưng có thêm tên báo là Tiểu thuyết thứ bảy và một khổ thơ nữa, như sau:
    Mây thu đầu núi, gió lên trăng
    Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
    Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
    Tiếng Đời xô động, tiếng hờn câm.
  2. ^ Một thể thơ Trung Quốc cổ, viết khá tự do, phóng khoáng. Với các nhà thơ như Thâm Tâm, Nguyễn Bính...các bài hành thường được sử dụng để diễn tả một tâm trạng bi phẫn, bi hùng, ví dụ Tống biệt hành, Hành phương nam, Vọng nhân hành...
  3. ^ Một số bạn cũ của Thâm Tâm cho biết ông làm bài thơ này để tiễn một người bạn đi chiến đấu (Văn học 11, Nxb Giáo dục, 2003, tr.147)
  4. ^ Ngữ văn 11 (nâng cao) Nxb Giáo dục, 2007, tr.58
  5. ^ Hoài Thanh & Hoài Chân, Thi nhân tiền chiến, Nxb Văn học, 1988, tr. 281
  6. ^ Việt Nam Thi nhân tiền chiến, ấn bản lần nhì, Nxb Sống mới, 1968, tr. 531
  7. ^ Lê Hằng, Nguyễn Thu Hòa, Trần Hạnh Mai, Tuyển chọn và giới thiệu đề thi đại học & cao đẳng môn Ngữ văn, Nxb Giáo dục, 2007
  8. ^ GS. Nguyễn Đăng Mạnh và PTS. Trần Đăng Xuyên, Những bài văn hay, Nxb Đồng Nai, 1993, tr. 61.

[sửa] Liên kết ngoài





Nghe (từ Nhạc của tui):


-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét