Google+ chạm mốc 90 triệu thành viên

 
(TNO) Giám đốc điều hành Google Lary Page cho biết mạng xã hội Google+ của hãng đã thu hút được 90 triệu thành viên và 60% trong số này "lên mạng" mỗi ngày.
Theo Reuters, ông Lary Page - Giám đốc điều hành hãng tìm kiếm hàng đầu thế giới Google - vừa lên tiếng xác nhận mạng xã hội Google+ hiện có khoảng 90 triệu thành viên, tăng đáng kể so với con số 40 triệu thành viên cách đây 3 tháng.
Trong số đó, có khoảng 60% thành viên sử dụng dịch vụ mạng xã hội Google+ mỗi ngày, và 80% sử dụng mỗi tuần.
Cũng theo Lary, đã có trên 250 triệu thiết bị di động được cài đặt hệ điều hành Android của Google.
Nếu so với kỷ lục 800 triệu thành viên hiện tại của mạng xã hội Facebook thì xem ra Google+ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể thống trị thế giới ảo.
Tuy nhiên, nhiều trang tin công nghệ cho rằng đây là thành công đáng ghi nhận bởi Google+ mới chính thức "lên sóng" mấy tháng.
Được biết, Google+ được gã khổng lồ tìm kiếm trực tuyến đưa vào hoạt động từ cuối tháng 9.2011.
An Huy



Mỹ thúc giục EU về vấn đề Iran


(TNO) Mỹ mong đợi EU sẽ xúc tiến các bước cần thiết để gây áp lực buộc Iran trở về bàn đàm phán xung quanh hoạt động hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Đó chính là lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Guido Westerwelle tại Washington.
“Chúng tôi có mối quan hệ đối tác hết sức bền chặt với EU, và chúng tôi mong EU sẽ thực hiện vài biện pháp bổ sung để tiếp tục gia tăng sức ép với Iran trong những ngày tới,” AFP dẫn lời bà Clinton.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh EU chuẩn bị áp đặt thêm những biện pháp cấm vận mới đối với Tehran vào 24.1, cụ thể là cấm hoạt động xuất khẩu dầu của quốc gia vùng Vịnh.
Theo Bộ Thông tin Năng lượng Mỹ, có khoảng 2,2 triệu thùng dầu Iran được xuất khẩu đi khắp thế giới mỗi ngày và 18% trong số đó đến các thị trường châu Âu. Hoạt động xuất khẩu dầu cung cấp đến 60% doanh thu cho nền kinh tế Tehran.

Ngoại trưởng Mỹ muốn EU mạnh tay hơn với Iran - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Iran đang tự đẩy mình vào con đường nguy hiểm với ý định theo đuổi con đường trang bị vũ khí hạt nhân cũng như các động thái khiêu khích vô bổ, giống như những lời đe dọa phong tỏa tuyến đường trung chuyển dầu chiến lược qua eo Hormuz.
Các quốc gia phương Tây nghi ngờ Iran đang theo đuổi chương trình làm giàu hạt nhân với mục đích trang bị vũ khí hủy diệt, nhưng Tehran trước giờ luôn bác bỏ các cáo buộc trên.
Hãng tin RIA-Novosti dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc hành động cấm nhập khẩu dầu Iran của phương Tây là nhằm mục đích làm “tổn thương” dân thường và tạo điều kiện để bất ổn có mầm mống lan rộng chứ không phải vì muốn ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Nhà ngoại giao Nga khẳng định các biện pháp cấm vận tạo nên những trở ngại mới cho tiến trình khôi phục lại đối thoại giữa Iran và 6 quốc gia tham gia đàm phán trước đây.
Thụy Miên

(TNO) Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi vào hôm nay (19.1) đã lên tiếng kêu gọi phương Tây nên suy nghĩ hai lần trước khi ra quyết định cấm vận dầu mỏ chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này, xung quanh vấn đề nóng bỏng ở eo biển Hormuz.
Theo RIA Novosti, căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang leo thang trong những tuần gần đây, sau khi một số quốc gia phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới về kinh tế cũng như đe dọa cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.
Trong khi Tehran cho biết nước này sẽ phong tỏa con đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng qua eo biển Hormuz nếu việc xuất khẩu dầu của họ bị ảnh hưởng.
 
Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi - Ảnh: AFP
"Chúng tôi chắc chắn không chào đón các biện pháp trừng phạt và vì vậy chúng tôi kêu gọi phương Tây suy nghĩ cẩn trọng trước khi thực hiện các biện pháp đó", Ngoại trưởng Salehi nói với kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi không cần Mỹ hay Anh bảo đảm an ninh tại vịnh Persian", ông Salehi nói và cảnh báo các nước trong khu vực "không nên gây nguy hiểm cho chính mình".
Ngoại trưởng Iran cũng khẳng định Tehran sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán sáu bên với các quốc gia trung gian về chương trình hạt nhân của Iran.
Được biết, sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân của Iran vào cuối năm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký dự luật nhắm vào Ngân hàng Trung ương Iran và ngành tài chính của quốc gia Hồi giáo này.
Bản báo cáo của IAEA chỉ ra rằng Iran đang theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi Tehran luôn phủ nhận các cáo buộc trên và khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm phục vụ mục đích hòa bình
Căng thẳng càng gia tăng khi Iran liên tục đe dọa sẽ có hành động trả đũa nếu bị cấm vận xuất khẩu dầu, bằng việc phong tỏa eo biển Hormuz, nơi trung chuyển của khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới qua đường biển.
Tiến Dũng

Thứ Sáu, 20/01/2012 - 23:06
(Dân trí) - Tối 19/1, một trận động đất mạnh 5,5 richter đã xảy ra tại thành phố Neyshabur ở Đông Bắc Iran, làm khoảng 100 người bị thương và gây hư hại nhiều tòa nhà.
 Người dân thành phố Neyshabur khắc phục hậu quả sau động đất
 Hãng thông tấn Iran (IRNA) dẫn lời đại diện chính quyền thành phố cho biết tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km. Mặc dù trận động đất chỉ kéo dài 7 giây nhưng sau đó đã tạo ra tới 36 dư chấn.
 Trong số những người bị thương có gần 20 người phải nhập viện.
 Iran nằm trên một số đường đứt gãy trên bề mặt Trái Đất nên thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất. Thảm họa kinh hoàng gần đây nhất là vụ động đất 6,3 độ ríchte xảy ra tháng 12/2003 tại thành phố cổ Bam ở miền nam, cướp đi sinh mạng của 31.000 người và phá hủy hoàn toàn hệ thống thành lũy xây bằng bùn từ thời cổ đại.
  Vũ Anh
Theo Reuters, AP

Tranh chấp lãnh thổ tiếp tục nóng lên giữa Argentina và Anh

Cập nhật lúc : 6:01 PM, 21/01/2012
(VOV) - Nhiều nước Mỹ Latin đã ủng hộ tuyên bố của Argentina về chủ quyền quần đảo tranh chấp này.
Cuộc khẩu chiến kéo dài 30 năm qua giữa Anh và Argentina liên quan đến tranh cãi về chủ quyền của quần đảo Malvinas mà phía Anh gọi là Falkland tiếp tục nóng lên và đang có nguy cơ biến thành một cuộc chiến thực sự.
Phát biểu trên tạp chí The Times hôm nay(21/1), Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, Argentina nên chấm dứt việc  “đe dọa” những cư dân sống trên quần đảo Falkland. Argentina nên nhất trí thảo luận các biện pháp với Anh, một cách dân chủ, để hai nước có thể hợp tác cùng nhau vì lợi ích chung trong khối Nam Đại Tây Dương .

Đảo Falkland (Maldivas) (Ảnh AFP)
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến mới giữa Anh và Argentina khi chỉ trích quan điểm của Buenos Aires về quần đảo tranh chấp này "mang tính thực dân”. Tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Áchentina.
Phó Tổng thống Argentina Amado Boudou cho rằng  những bình luận của Thủ tưởng Cameron "hoàn toàn xúc phạm" đến Argentina: Những tuyên bố của Thủ tướng Cameron  là không thể chấp nhận được. Thủ tướng đã sử dụng “chủ nghĩa thực dân “ nhằm vào một đất nước Mỹ Latin, một từ có thể gây tổn hại cũng như tổn thương không chỉ tại Mỹ Latin mà còn tại cả châu Á và châu Phi”
Trước những căng thẳng gia tăng, nhiều nước Mỹ Latin đã tuyên bố ủng hộ Argentina trong các tuyên bố về quần đảo tranh chấp. Ngoại trưởng Peru Rafael Roncagliolo khẳng định: “Việc Peru ủng hộ Argentina thể hiện chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp cho những bất đồng hiện nay giữa Argentina và Anh, mở ra một con đường đối thoại trong vòng nghị định khung của lụât pháp quốc tế và nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Đó là những gì chúng tôi mong muốn”.
Nicaragua cũng tuyên bố ủng hộ Argentina. Trước đó Brazile, Uruguay và Chile đã khẳng định ủng hộ đề nghị của Argentina kêu gọi các nước Nam Mỹ không chấp nhận các tàu mang cờ Falkland cập cảng.
Quần đảo Malvinas bị quân đội Anh chiếm bằng vũ lực năm 1833. Năm 1982, Argentina đã chiếm lại được quần đảo này nhưng sau đó lại bị đánh bại. Đến nay, Liên Hợp Quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, tuy nhiên Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại vùng lãnh thổ này./.
Phạm Hà/Trung tâm Tin


Cờ Anh bị đốt ở Argentina

Thứ Bảy, 21/01/2012 16:06

(NLĐO) - Người biểu tình Argentina hôm 20-1 đã đốt cờ Anh và đòi Chính phủ cắt đứt quan hệ ngoại giao với London trong cuộc tranh cãi đang leo thang về quần đảo Faulkland.

Hai ngày sau khi Thủ tướng Anh David Cameron phê phán Argentina có thái độ “thực dân” đối với quần đảo Faulkland (Nam Đại Tây Dương), có khoảng 100 người biểu tình tập trung phản đối và đốt cờ Anh bên ngoài Đại sứ quán nước này ở Buenos Aires
 
Người Argentina tập trung phản đối bên ngoài Đại sứ quán Anh ở Buenos Aires hôm 20-1
Ảnh: AFP

Các lãnh đạo chính trị ở Argentina cũng lên tiếng chỉ trích lời lẽ của ông Cameron. Ông Vilma Ripoll, thủ lĩnh cánh tả, tuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố của ông Cameron và về việc gửi binh lính đế quốc đến Falklands. Chính phủ cần chuyển từ lời nói thành hành động và cắt đứt quan hệ với chủ nghĩa đế quốc Anh ngay bây giờ”.
 
Cờ Anh bị đốt bên ngoài Đại sứ quán Anh ở Buenos Aires hôm 20-1
Ảnh: AFP
Diễn biến trên xảy ra vài tháng trước kỷ niệm 30 năm xảy ra cuộc chiến 74 ngày đẫm máu giữa Anh và Argentina nhằm giành quyền kiểm soát quần đảo này. Cuộc chiến đó bắt đầu từ 2-4-1982, khiến 649 người Argentina và 255 người Anh thiệt mạng. Kết quả, Argentina rút khỏi quần đảo này.

Đến năm 2010, căng thẳng giữa 2 nước về quần đảo Falkland bùng phát trở lại sau khi Anh cho phép thăm dò dầu khí trong vùng biển xung quanh đảo. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Anh và Argentina đối thoại để giải quyết tranh chấp lãnh thổ nói trên.
H. Phương (Theo AFP)

Email phản đối SOPA nhấn chìm website Nghị sĩ Mỹ

Cập nhật 20/01/2012 02:16:16 PM (GMT+7)

vietnamnet.vn

Việc trang web Wikipedia ngừng hoạt động trong một ngày để phản đối hai dự luật SOPA và PIPA của Mỹ đã kích động một làn sóng tương tự trên khắp thế giới.
Tính tới thời điểm này, đã có 18 Thượng nghĩ sĩ công khai rút lại sự ủng hộ dành cho hai dự luật “giết chết Internet”. 7000 website theo gương Wikipedia “tắt đèn” còn hàng nghìn người dân kéo xuống đường phố New York biểu tình.

Thậm chí, website của Thượng nghĩ sĩ Vermont Patrick Leahy thuộc đảng Dân chủ, một trong những người ủng hộ nhiệt tình cho SOPA, đã bị tê liệt ngày hôm qua. Tình trạng này cũng bắt gặp ở một số website khác thuộc Thượng viện. Chiến dịch phản đối SOPA của Google hiện đã thu hút được hơn 4,5 triệu chữ ký, gã khổng lồ tìm kiếm tuyên bố.
Ngay cả Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida, người đồng tài trợ cho dự luật PIPA cũng lên tiếng yêu cầu Quốc hội “lắng nghe và tránh vội vàng thông qua một dự luật có thể gây ra rất nhiều hậu quả ngoài ý muốn”.
Trước đó, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã công khai viết rằng mình thuộc phe “chống” và miêu tả Internet là công cụ mạnh nhất để “chúng ta tạo ra một thế giới mở hơn, kết nối hơn”. Mark cũng viết trên tường Facebook của mình rằng Facebook sẽ chống lại luật theo dõi người dùng và thúc giục người Mỹ nên vận động các Nghị sĩ trước khi quá muộn.
"Ốc đảo hóa" Internet
Mục tiêu của hai dự luật, như lời của ban soạn thảo, là để ngăn chặn nạn sao chép lậu phim, nhạc, chương trình TV và sách điện tử trên toàn thế giới, không cho những tác phẩm vi phạm bản quyền này được xuất hiện miễn phí trên mạng.
Tuy nhiên, theo những ý kiến chỉ trích thì SOPA và PIPA vượt xa hơn vậy rất nhiều. Chính phủ Mỹ sẽ có thể kiểm soát và theo dõi mạng Internet, can thiệp vào hành vi lướt web của người dùng và “biến Internet thành một ốc đảo”.
Wikipedia hiện là trang web đầu tàu trong chiến dịch phản đối SOPA và PIPA. Đây hiện là từ điển bách khoa trực tuyến lớn nhất thế giới với hơn 20 triệu trang tài liệu. Wikipedia khẳng định việc họ phản đối dự luật xuất phát từ nguyện vọng bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên mạng Internet.
Việc nhà chức trách Mỹ sẵn sàng săn đuổi người dùng toàn cầu về tội vi phạm luật Internet đã được thể hiện ngay tuần trước, khi tòa án Anh đồng ý dẫn độ sinh viên Richard O’Dwyer, 23 tuổi, sang Mỹ. Dwyer có thể phải đối mặt với án tù 10 năm tại Mỹ vì tội lập ra website TVShack, chuyên cung cấp đường link để tải những bản phim, chương trình TV sao chép lậu.
Trọng Cầm (Tổng hợp)


Hàng triệu người cùng Google phản đối SOPA
Trang chủ của Google ngày hôm nay đã quẳng một hộp đen “theo dõi” đè lên logo nhiều mầu quen thuộc của hãng.
 
SOPA: Kẻ hủy diệt các đại gia công nghệ?
(VEF.VN) - Nếu dự luật chống xâm phạm bản quyền nội dung số (SOPA) được thông qua, chúng ta có thể sẽ phải nói từ biệt vĩnh viễn với Wikipedia, Youtube, hay thậm chí là cả Facebook, Yahoo, Google.
 
Dự luật “giết Internet” ảnh hưởng gì đến người dùng?
Không thể ngờ sự phản đối từ phía người dùng và các doanh nghiệp công nghệ nhằm vào SOPA lại rộng khắp và dữ dội đến vậy.
 

Binh lính Israel bắt giữ Chủ tịch Quốc hội Palestine

vietnamplus.vn

20/01/2012 | 08:18:00
Chủ tịch Quốc hội Palestine, Aziz Dweik. (Nguồn: Getty Images)
Theo AFP, các quan chức thuộc phong trào Hamas cho biết các binh lính Israel ngày 19/1 đã bắt giữ Chủ tịch Quốc hội Palestine, ông Aziz Dweik tại Khu Bờ Tây.

Người đứng đầu nội các Bahaa Yussef cho biết ông Dweik, thành viên của phong trào Hamas, đã bị các binh lính Israel bắt tại một trạm kiểm soát ở Jabaa, nằm giữa Ramallah với Jerusalem, khi ông này tới Hebron ở phía Nam Khu Bờ Tây.

Hiện phía quân đội Israel vẫn chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Trước đó hồi năm 2006, ông Dweik cũng đã bị bắt cùng các quan chức Hamas khác sau khi các tay súng bắt cóc một binh sỹ Israel. Ông Dweik đã được thả năm 2009.

Hiện nay, Quốc hội Palestine hiện không còn chức năng do phong trào Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza hồi năm 2007 từ phong trào Fatah./.

(Vietnam+)

Nga sẽ chuyển sang mua các xe bọc thép của Italy

vietnamplus.vn

20/01/2012 | 06:12:00
Xe Iveco LMV M65 của Italy (Nguồn: topwar.ru)
Từ năm 2014 trở đi, Bộ Quốc phòng Nga từ chối mua sản phẩm xe bọc thép nội địa "Tigr" (Hổ) và hoàn toàn chuyển sang sắm loại xe Iveco LMV M65 của Italy, đồng thời sẽ đổi tên thành "Rys’."
 
Bên cạnh đó, theo Đài Tiếng nói nước Nga, bộ trên đã đặt cược vào chiếc xe ngoại này còn vì nhà sản xuất ôtô phương Tây sẽ chuyển giao cho Nga cả những công nghệ tiên tiến nhất, trên cơ sở đó sẽ bắt đầu vươn lên sản xuất xe quân sự đẳng cấp thế giới.

Trong thời gian này, Nga sẽ hoàn thành thử nghiệm xe bọc thép thế hệ mới: mẫu xe hạng nhẹ "Volk" (Sói) và xe hạng nặng "Medvey" (Gấu).

Trong khi duy trì tỷ lệ ưu tiên nào đó dành cho "Rys’," Nga vẫn sẽ chăm lo trang bị những mẫu vũ khí quân sự và xe ôtô nội địa mới do chúng vượt trội hơn các trang bị nước ngoài về hầu như mọi phương diện, trong đó kể cả về mặt bảo vệ.

Hiện Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh Liên bang Nga đang quan tâm sát sao tới "Sói" và "Gấu," song vẫn chưa từ bỏ "Hổ"./.

(Vietnam+)

Chủ trang Megaupload bị bắt vì vi phạm bản quyền

vietnamplus.vn

20/01/2012 | 07:17:00
Từ 19/1, mọi cố gắng truy cập tới Megaupload đều không thành công (Nguồn: AP)
Trang web chia sẻ file lớn nhất thế giới, Megaupload.com đã bị đóng cửa đồng thời 7 người bị truy tố vì xâm phạm bản quyền cùng các tội danh khác, nhà chức trách Mỹ cho biết ngày 19/1.

Nhà sáng lập trang web có trụ sở ở Hong Kong này là một trong bốn người bị bắt trong vụ mà Bộ Tư pháp cùng Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI mô tả là "vụ xâm phạm bản quyền lớn nhất trong lịch sử."

Trong một thông cáo được phát đi ngày 19/1, Bộ Tư pháp Mỹ cùng FBI đã nói 7 người bị bắt "phải chịu trách nhiệm vì tình trạng xâm phạm bản quyền trên mạng với số lượng lớn, thông qua Megaupload.com và một số website khác."

Hai cơ quan nói trên cho biết những người bị bắt đã thu được nhiều hơn số tiền 175 triệu USD mà cơ quan chức năng thu được, đồng thời gây ra thiệt hai "trên nửa tỷ USD" cho những người bị xâm phạm bản quyền, thông qua các hoạt động "ăn cắp phim, chương trình TV và các nội dung khác."

Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi các trang web nổi tiếng như Wikipedia, Google tiến hành đình công trên mạng để phản đối dự luật về chống xâm phạm bản quyền của chính phủ Mỹ.

Công ty Megaupload Ltd và một công ty khác là Vestor Ltd đã bị truy tố trước một ủy ban bồi thẩm tại Virginia, bị buộc tội xâm phạm bản quyền ở các mức độ khác nhau và âm mưu rửa tiền.

Trong số những người bị truy tố có nhà sáng lập của Megaupload và cổ đông duy nhất của Vestor, Kim Dotcom, 37 tuổi, một công dân Hong Kong và New Zealand, còn được biết đến với các tên Kim Schmitz và Kim Tim Jim Vestor.

Những người bị bắt khác gồm Finn Batato, 38 tuổi người Đức, Julius Bencko, 35 tuổi người Slovakia, Sven Echternach, 39 tuổi người Đức, Mathias Ortmann, 40 tuổi người Đức, Andrus Nomm, 32 tuổi người Estonia, và Bram van der Kolk, 29 tuổi người Hà Lan.

Bộ Tư pháp Mỹ và FBI nói Dotcom, Batalo, Ortmann và van der Kolk bị bắt hôm 19/1 ở Aucklan, New Zealand bởi các nhà chức trách địa phương theo yêu cầu từ phía Mỹ. Những người còn lại vẫn đang tại ngoại.

Bộ Tư pháp Mỹ và FBI nói đã thu được số tài sản trị giá 50 triệu USD trong vụ bắt giữ nói trên cùng với 18 tên miền. Từ hôm qua, mọi nỗ lực truy cập đến trang Megaupload đều không thành công, theo AFP.

Theo luật pháp Mỹ, tội âm mưu rửa tiền có thể phải lĩnh án 20 năm tù và xâm phạm bản quyền có thể lĩnh án cao nhất là 5 năm tù./.

(Vietnam+)

Nga - Mỹ căng thẳng về lá chắn tên lửa


(TNO) Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18.1 tuyên bố một thỏa thuận với Mỹ nhằm xoa dịu những lo ngại của Moscow về kế hoạch phòng thủ tên lửa của Washington ở châu Âu vẫn còn có thể đạt được, nhưng thời gian đang cạn kiệt, hãng AP đưa tin.
Ông Lavrov tái xác nhận rằng Moscow sẽ có hành động trả đũa nếu những hành động triển khai các thành phần của lá chắn tên lửa của Washington xung quanh châu Âu tạo ra mối đe dọa cho Nga.

Mỹ - Nga vẫn còn cách xa nhau trong quan điểm về lá chắn tên lửa. Ảnh: AFP
Mỹ tuyên bố lá chắn tên lửa mà nước này dự định thiết lập là nhằm ngăn chặn những mối đe dọa tên lửa từ Iran, nhưng Nga lo ngại lá chắn tên lửa của Mỹ cuối cùng sẽ đủ mạnh để gây tổn hại cho hệ thống ngăn chặn hạt nhân của Nga.
“Như bất kỳ quốc gia có trách nhiệm nào khác, chúng tôi không chỉ nói mà còn hành động khi đụng đến những vấn đề về an ninh”, ông Lavrov nói, “Phản ứng của chúng tôi sẽ thích ứng chặt chẽ với nguy cơ từ thành phần lá chắn tên lửa tại châu Âu của Mỹ khi nó được thiết lập”.
Nga hồi năm 2010 đã đồng ý xem xét đề nghị của NATO hợp tác về vấn đề lá chắn tên lửa do Mỹ dẫn đầu, nhưng các cuộc đàm phán lâm vào bế tắc liên quan đến cách thức vận hành hệ thống nói trên. Nga khăng khăng yêu cầu được chung tay điều hành hệ thống nhưng NATO không đồng tình.
Trong một bài phát biểu được trực tiếp truyền hình hồi tháng 11.2011, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đe dọa triển khai tên lửa đến Kaliningrad, lãnh thổ Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania, và các khu vực khác của Nga nhằm mục tiêu vào các cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ, nếu Mỹ và NATO không đạt được một thỏa thuận có thể xoa dịu những lo ngại của Điện Kremlin. Ông thúc giục Mỹ cung cấp những sự đảm bảo chắc chắn và cụ thể rằng lá chắn tên lửa tiềm tàng của Mỹ sẽ không nhằm chống Nga.
Theo Fox News, ông Lavrov ngày 18.1 tuyên bố ông không muốn đối đầu với Mỹ và không nghĩ rằng Washington đang thực hiện một nỗ lực cụ thể nhằm làm suy yếu hệ thống ngăn chặn hạt nhân của Nga. Nhưng ông nói thêm rằng sức mạnh đang gia tăng của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cuối cùng có thể đối phó với các lực lượng hạt nhân Nga. “Tôi hy vọng đó không phải là mục tiêu của họ, nhưng sự phát triển của nó ảnh hưởng đến sự cân bằng chiến lược”, ông nhấn mạnh.
“Chúng tôi vẫn có thời gian để giải quyết các vấn đề cấp thiết, nhưng đó không phải là vô hạn”, Ngoại trưởng Nga tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng Nga hy vọng những khác biệt về lá chắn tên lửa sẽ không đẩy Moscow và Washington trở lại một mô hình đối đầu kiểu Chiến tranh lạnh. “Chúng tôi phải được lắng nghe và phải có phản hồi cho những lo ngại hợp lệ của mình”, ông nói.
Kế hoạch lập lá chắn tên lửa của Mỹ lâu nay là một vấn đề gây khó chịu trong quan hệ giữa hai siêu cường kể từ khi kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” của Tổng thống Ronald Reagan khiến Điện Kremlin “đứng ngồi không yên” hồi thập niên 1980.
Quan điểm cứng rắn của Nga hiện tại là một thách thức đối với chính sách của Tổng thống Barack Obama khôi phục lại quan hệ với Moscow, vốn trở nên tồi tệ dưới thời chủ nhân Nhà Trắng tiền nhiệm George W. Bush.
Khang Huy

Hàn - Mỹ tập trận lớn nhất 23 năm qua

Thứ Năm, 19/01/2012 18:50

(NLĐO) – Hàn Quốc và Mỹ vừa nhất trí mở rộng quy mô cuộc tập trận chung lớn nhất trong 23 năm qua gần quần đảo biên giới phía tây gần Triều Tiên vào tháng Ba tới, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc hôm 19-1 cho hay.

Một cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn quốc. - Ảnh minh họa: Internet

Trung tướng Lee Ho Yeon - Tướng thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Thiếu tướng Michael R. Regner - người đứng đầu Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Hàn Quốc đã đưa ra quyết định trên trong một cuộc họp tại Seoul.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc tập trận thường niên có phối hợp với cuộc huấn luyện bộ binh này sẽ có quy mô lớn nhất trong vòng 23 năm qua.
 
Các vị chỉ huy tham gia cuộc họp còn thảo thuận về việc cử các đơn vị quy mô tiểu đoàn tham gia cuộc tập trận "Hổ mang vàng" đa quốc gia do Mỹ đứng đầu vào tháng tới tại Thái Lan.

Ông Lee và Regner cũng nhất trí tuân thủ các nguyên tắc trong cuộc tập trận gần khu vực biên giới đường biển với Triều Tiên “trong nỗ lực thể hiện khả năng sẵn sàng đối phó và ngăn chặn những cản trở chiến lược”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng nêu rõ.
Đỗ Quyên (Theo Tân Hoa xã)

Công an làm việc với mẹ cố nhà báo Hoàng Hùng

Thứ Năm, 19/01/2012, 20:21 (GMT+7)

TTO - Ngày 19-1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An mời bà Nguyễn Thị Kim Nga (mẹ ruột cố nhà báo Hoàng Hùng, cũng là đại diện của phía bị hại) đến làm việc ngay sau khi TAND tỉnh này trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.
Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan điều tra làm việc với bà Nga kể từ sau khi vụ án xảy ra - đúng một năm trước.
Căn nhà ông Hoàng Hùng (trái) - nơi xảy ra vụ án - Ảnh tư liệu
Bà Nga kể tại cuộc làm việc này, điều tra viên chủ yếu “chất vấn” về nội dung đơn kêu cứu mà bà đã gửi cho các lãnh đạo và cơ quan trung ương.
Bà Nga nói thêm: “Họ hỏi tui có nhớ nội dung tờ đơn không? Lâu nay có ai đến trao đổi gì về vụ nhà báo Hoàng Hùng không? Tui nói là rất bức xúc vì vụ án kéo dài một năm rồi mà vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử nên có than phiền với luật sư Nguyễn Văn Đức (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp phía bị hại) và nhờ luật sư tư vấn giúp. Tui sợ làm chậm thì tui sẽ chết trước khi vụ án đưa ra xét xử”.
Cũng tại buổi làm việc này, bà Nga nói đã già yếu (75 tuổi), không biết đọc nên đã mời luật sư Nguyễn Văn Đức đến trợ giúp pháp lý cho bà. Tuy nhiên cơ quan điều tra không đồng ý cho ông Đức tham gia buổi làm việc để giúp bà Nga.
Ngoài ra, con trai của bà là ông Lê Hoàng Minh (em ruột cố nhà báo Hoàng Hùng) có đi theo nhưng cũng không được cho tham gia buổi làm việc này.
V.TR.

Thứ Tư, 18/01/2012, 15:15 (GMT+7)
* Nhiều nhà báo dự lễ giỗ nhà báo Hoàng Hùng
TTO - Ngày 18-1, ông Lê Quang Hùng, phó chánh án kiêm người phát ngôn TAND tỉnh Long An, cho biết tòa đã trả hồ sơ vụ nhà báo Lê Hoàng Hùng cho VKSND tỉnh Long An, đúng một năm sau ngày nhà báo này bị đốt.
Căn nhà ông Hoàng Hùng (trái) - nơi xảy ra vụ án - Ảnh tư liệu
Ông Hùng từ chối trả lời cụ thể yêu cầu điều tra bổ sung những nội dung gì, chỉ nói hồ sơ vụ án hiện tại chưa đủ cơ sở để đưa ra xét xử.
VKSND tỉnh Long An cho biết đang xem xét để trả lại cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa.
Như vậy, đúng một năm sau ngày nhà báo Lê Hoàng Hùng bị bà Trần Thúy Liễu tưới xăng đốt dẫn đến tử vong (19-1-2011), vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử vì kết luận điều tra và cáo trạng khá sơ sài, thiếu thuyết phục. 
Trong khi đó, ngày 18-1, ban biên tập báo Người Lao Động và rất nhiều nhà báo ở TP.HCM, Long An, Tiền Giang đã đến viếng mộ cố nhà báo Hoàng Hùng và dự lễ giỗ đầu của ông tại huyện Thủ Thừa (Long An - nhà mẹ ruột ông).
Tại đây, hầu như ai cũng buồn vì một vụ án nổi đình nổi đám gây sự chú ý đặc biệt của dư luận như vậy qua một năm mà vẫn chưa xử được.
V.TR.

Thứ Sáu, 30/12/2011, 07:36 (GMT+7)
TT - Chiều 29-12, UBND tỉnh Long An tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2012.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan báo chí đặt nhiều vấn đề liên quan những vụ việc “nóng”, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua như vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại, vụ cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An nhận tiền của đối tượng chạy án...
Trả lời về các vụ việc này, ông Trần Minh Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết sẽ chuyển các câu hỏi của báo chí đến Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh.
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Hùng, phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An, cho biết đến thời điểm này tòa vẫn chưa quyết định đưa vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng (báo Người Lao Động) ra xét xử hay trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Lý do: thẩm phán được giao thụ lý vụ án này bị bệnh tai biến mạch máu não phải nằm viện một thời gian. Thẩm phán này chỉ mới trở lại làm việc và tiếp tục nghiên cứu hồ sơ được hai ngày. Thẩm phán Nguyễn Hòa Bình (người thụ lý vụ án này) nói việc nghiên cứu hồ sơ vụ án sắp xong. Tuần tới, ông sẽ báo cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Long An toàn bộ vụ việc.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Nga (mẹ ruột cố nhà báo Hoàng Hùng) và ban biên tập báo Người Lao Động đã gửi đơn tới các cơ quan trung ương kiến nghị chỉ đạo trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cả bà Nga và ban biên tập báo Người Lao Động đều cho rằng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An chỉ truy tố một mình Trần Thúy Liễu là bỏ lọt tội phạm.
Còn vụ ông Nguyễn Đức Thường (cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An) nhận 10 triệu đồng của Lê Văn Phổ (nhân vật lừa chạy án có mặt trong cuộc nhậu trên phà làm một cô gái chết đuối đầy tai tiếng) được viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An Đinh Văn Sang trả lời chung chung là chờ kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Xử lý ông Thường thế nào cũng do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định.
N.HẬU - V.TR.

Thứ Tư, 30/11/2011, 07:10 (GMT+7)
TT - Đó là ý kiến của ông Đỗ Danh Phương - tổng biên tập báo Người Lao Động - về vụ nhà báo Hoàng Hùng (báo Người Lao Động) bị sát hại.
Ông Phương cho biết:
- Ngay từ khi xảy ra vụ việc, tôi và anh em trong cơ quan vào thăm anh Hoàng Hùng và đã xác định được bà Liễu (Trần Thị Liễu - vợ ông Hoàng Hùng) là người có liên quan. Nhưng chúng tôi chưa đủ cơ sở để xác định động cơ, đồng thời chắc chắn rằng không thể một mình bà Liễu gây ra. Xét về logic, nếu một người vợ đốt chồng có thể suy luận vì mâu thuẫn tức thời, trong trạng thái tức giận có thể dẫn tới hành vi đó. Trong vụ việc này không phải mâu thuẫn tức thời.
Ông Đỗ Danh Phương - Ảnh: G.M
* Theo ông, như vậy là có dấu hiệu lọt người, lọt tội?
- Quá trình thực nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra có nhiều điểm không đúng: thời gian thực nghiệm hiện trường không trùng khớp với thời gian xảy ra vụ việc, nhân chứng quan trọng trong vụ án không có mặt ở buổi thực nghiệm. Lời khai của bà Liễu liên tục thay đổi, các chi tiết như chiều dài sợi dây khi là 10m, khi là 12m, khi có tám nút thắt, khi là mười nút thắt; lời khai của một số nhân chứng nói có người đàn ông mua sợi dây cũng không được làm rõ.
Có nhiều chi tiết hết sức phi lý trong lời khai của bà Liễu như chuyện bà Liễu mua xăng, đổ trong bịch nilông rồi để trong tủ quần áo của anh Hoàng Hùng hai ngày trước khi ra tay. Nếu đúng như bà Liễu khai, liệu để xăng trong bịch nilông hai ngày có chảy ra hay không? Mùi xăng có bốc lên nồng nặc không? Nếu định mua xăng đốt chồng, liệu có ai làm như bà Liễu? Thử hình dung: bà Liễu một tay mở bịch xăng, một tay vo giấy báo, châm lửa, tạt xăng vào chồng rồi ném mồi lửa, liệu có làm được không? Những chi tiết này hết sức quan trọng, nhưng quá trình thực nghiệm điều tra, kết luận đều không được làm rõ.
* Theo ông, nguyên do nào dẫn đến chuyện này?
- Chúng tôi nhận thấy có điều gì đó uẩn khúc ở đây. Cần phải nhấn mạnh là việc bà Liễu liên tục thay đổi lời khai, các nhân chứng cũng vậy, tất cả nhằm chứng minh chỉ bà Liễu là hung thủ duy nhất trong vụ đốt nhà báo Hoàng Hùng. Ngay khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã gặp các nhân chứng có mặt tại hiện trường, mọi người đều nói cửa phía trước mở, nhưng kết luận của cơ quan điều tra khẳng định cửa đóng. Chúng tôi gặp lại nhân chứng một lần nữa thì có người nói cửa đóng, có người nói cửa mở và có người lại nói không nhớ rõ.
Đáng chú ý, có hai nhân chứng rời khỏi địa phương sau khi làm việc với cơ quan điều tra. Chúng tôi có đăng các ý kiến khác biệt trên báo, các nhân chứng rời khỏi địa phương đã gọi điện về nói: “Báo đăng như vậy tụi tôi sẽ bị trả thù chết mất”. Đây là một điều hết sức khó hiểu: vì sao nhân chứng của một vụ án lại sợ bị trả thù?
* Ngoài những chuyện vừa nói, ông còn băn khoăn điều gì nữa?
- Anh Hoàng Hùng là một nhà báo giỏi, viết trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều bài viết chống tiêu cực. Nếu chỉ kết luận đây là một vụ vợ đốt chồng đơn thuần thì quá đơn giản. Ngay việc trước, trong và sau đám tang của anh Hoàng Hùng, ông Nguyễn Văn Tâm (cán bộ quản lý thị trường Long An, người có quan hệ tình cảm với bà Liễu) và bà Liễu liên tục điện thoại, nhắn tin, viết thư trao đổi, vì sao cơ quan điều tra không làm rõ nội dung các cuộc trao đổi này là gì, nhằm mục đích gì? Ngay giám đốc Công an tỉnh Long An cũng cho rằng có dấu hiệu che giấu tội phạm.
Khi anh Hoàng Hùng nằm viện, cán bộ điều tra có mặt, canh chừng và ghi lời khai rất kỹ, nhưng vì sao lời sinh cung của anh Hùng không được đưa vào hồ sơ vụ án? Dường như cơ quan điều tra muốn rút gọn vụ án lại, quy toàn bộ cho người đã đầu thú. Đằng sau những hành động này là gì? Chúng tôi đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc làm rõ những uẩn khúc này. Đây không chỉ vì trách nhiệm với đồng nghiệp của mình, mà còn vì trách nhiệm với xã hội, với bạn đọc của tờ báo.
VÕ HỒNG QUỲNH - GIA MINH thực hiện
Tòa đang xem xét hồ sơ vụ án
Ngày 29-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Hùng, phó chánh án kiêm người phát ngôn TAND tỉnh Long An, cho biết ông chưa nhận được văn bản kiến nghị của ban biên tập báo Người Lao Động về vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại, chỉ biết qua báo chí. Ông nói khi nhận được bản kiến nghị sẽ yêu cầu thẩm phán thụ lý vụ án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với các nội dung kiến nghị của báo Người Lao Động để trao đổi thông tin.
Theo ông Hùng, ngay cả khi báo Người Lao Động không gửi văn bản kiến nghị, TAND tỉnh Long An cũng nghiên cứu hồ sơ vụ án này thật cẩn thận. Trường hợp hồ sơ có gì chưa rõ ràng, chưa thể đưa ra xét xử được, tòa sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Còn nếu đủ hồ sơ, chứng cứ thì lên lịch xử. “Hiện thẩm phán chưa nghiên cứu xong hồ sơ, chưa báo cáo nên chưa thể trả lời vụ này có xử hay trả hồ sơ” - ông Hùng nói.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An Đinh Văn Sang cũng nói ông chưa nhận được văn bản của báo Người Lao Động. Khi nào nhận được sẽ xem xét, trả lời theo quy định. Trả lời câu hỏi vì sao Viện KSND tỉnh Long An ra cáo trạng truy tố duy nhất bị can Trần Thúy Liễu trong khi luật sư của gia đình bị hại đã đưa ra nhiều tình tiết cho thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, ông Sang nói vụ này ông ủy quyền cho viện phó nghiên cứu và ký cáo trạng. “Hồ sơ chắc chắn rồi anh em mới ký cáo trạng” - ông Sang nói.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (đại diện quyền lợi cho mẹ ruột ông Hoàng Hùng) cho biết nếu TAND tỉnh Long An không trả hồ sơ và vẫn đưa ra xét xử, ông và hai luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị hại sẽ đưa ra những chứng cứ thuyết phục cho thấy cơ quan tố tụng bỏ lọt tội phạm. “Tôi nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án và thấy rằng với những tài liệu, hồ sơ đang có thì không đủ cơ sở để đưa vụ án ra xét xử” - ông Đức quả quyết.
VÂN TRƯỜNG

Hàng lậu "lộng hành", hàng Việt gặp “khó” ở sân nhà

Vietnam+ (VietnamPlus)
19/01/2012 | 16:07:00
Rất khó để tìm mua hàng Việt Nam tại các khu chợ và Trung tâm thương mại của Lạng Sơn (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Trải qua nhiều đêm "mật phục" hàng lậu, giờ rảo bước khắp các chợ từ Tân Thanh (khu cửa khẩu Tân Thanh) đến chợ Đông Kinh, chợ Đêm… của thành phố Lạng Sơn, đâu đâu tôi cũng thấy tràn ngập hàng “made in China,” và trong số này dù không ai dám khẳng định nhưng dám chắc ít nhất hơn nửa là hàng không rõ nguồn gốc. Chính điều này đã làm cho hàng Việt đang có nguy cơ bị lép vế ngay chính trên sân nhà.

Cạnh tranh sát sạt

Tại trung tâm thương mại Hồng Kông, gần cửa khẩu Tân Thanh, mặc dù thời tiết rất lạnh và mưa nhưng hàng đoàn xe từ các tỉnh vẫn ùn ùn kéo lên khu cửa khẩu này để mua sắm.

Một điều dễ thấy là trên tay khách du lịch nào cũng đều nặng trĩu đồ còn trong xe thì chật cứng hàng hóa.

Chị Nguyễn Thu Phương, một khách du lịch từ Bắc Giang lên cho biết, hàng hóa Trung Quốc vừa rẻ, mẫu mã lại bắt mắt nên mua về dùng một thời gian.

Đánh đúng tâm lý này của khách hàng nên dù có giá rẻ bất ngờ nhưng nhiều người vẫn bị mua hớ vì theo dân buôn bán ở đây, hàng trong chợ này thường bị nói thách gấp cả 5-7 lần.

Phía trong chợ, hàng quần áo bày bán từng sạp rất lớn và với những tấm biển “giá sốc” giảm giá đến 90% luôn được treo lên để hút khách hàng. Chỉ từ 50.000 đồng -150.000 đồng là có thể mua được một chiếc áo da và áo phao.

Chủ hàng ở đây luôn miệng quảng cáo, hàng chính hiệu Quảng Đông thanh lý cuối năm giảm giá 90%, giá áo da, áo phao xuất xưởng là 1.200.000 đồng/chiếc, nhưng giá bán tại cửa hàng này chỉ là 120.000-150.000 đồng/chiếc. Riêng áo sơ mi cotton hàng Quảng Đông chính hiệu, giá xuất xưởng 120.000 đồng/chiếc thì hiện chỉ còn 100.000 đồng/3 chiếc...

Quay về chợ Đông Kinh, khu chợ lớn và sầm uất nhất của thành phố Lạng Sơn, không khí mua sắm hàng cuối năm cũng rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, mọi thứ hàng hóa, vật dụng từ cây kim, sợi chỉ đến hàng gia dụng đắt tiền đều là hàng Trung Quốc.

Chị Vân, một tiểu thương chợ Đông Kinh cho biết, hàng Việt Nam khó bán ở đây vì giá còn quá cao so với thu nhập thực tế trong khi mẫu mã lại không nhiều để khách hàng có thể lựa chọn.

Trong khi đó, hàng Trung Quốc vừa được chiết khấu cao, lại được giao hàng đến tận nơi nên chi phí có thể tiết kiệm tối đa.

Giật mình hơn nữa là ngay tại các nhà nghỉ bình dân, đến các quán ăn trong thành phố thì khi có nhu cầu khách hàng đều có thể mua được hàng hóa với lời chào mời rất hấp dẫn.

Thiếu một cơ chế "mềm"

Tại hội nghị sơ kết Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/12 tại Hà Nội cho thấy, hàng trăm lượt bán hàng về nông thôn trong năm 2011 đã thu hút 655.179 người dân địa phương tới tham quan, mua sắm và doanh thu mang lại hơn 57 tỷ đồng.

Nhưng thực tế, sức cạnh tranh của hàng Việt còn thấp và mới chỉ chiếm thị phần chính trong các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, còn tại các chợ truyền thống (chiếm đến 80% thị phần bán lẻ), đặc biệt là vùng sâu vùng xa thì hàng Việt vẫn chiếm thị phần rất nhỏ.

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố làm hàng Việt bị làm khó ngay trên sân nhà là do phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn đầu tư có hạn nên khó có thể tìm được vị trí đẹp, giá “chịu được” để mở rộng thị trường.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp trong nước còn chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vừa có tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, vừa nhiều kinh nghiệm quảng cáo tiếp thị, khuyến mại... trong khi đây lại chính là những hạn chế của doanh nghiệp trong nước.

Tại buổi tổng kết ngành dệt may 2011 mới đây, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam là ở những sản phẩm khó, sản phẩm cao cấp.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng với trên 80 triệu dân nhưng thị trường nội địa phải được xây dựng và đầu tư dài hạn và đi vào những phân cấp cụ thể. Hơn nữa, phải xây dựng hệ thống phân phối theo sở thích và nhu cầu của từng vùng riêng biệt.

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng thừa nhận, từ người sản xuất-cung ứng hàng hóa vào chợ, đến các tiểu thương cũng như người mua hàng và cả cơ quan chức năng lẫn hiệp hội bán lẻ đều mong muốn mở rộng việc bán hàng Việt.

Thậm chí, hàng Việt vẫn không có đủ để bán, nếu có thì mẫu mã rất chậm cải tiến. Hơn nữa sự linh hoạt của hàng Việt cũng không có, giá thì cao ngất ngưởng và phải là người trung lưu mới mua được.

Do vậy, cần có một cơ chế "mềm" linh hoạt thậm chí là cho đổi hàng nếu không bán được, hàng tồn được đổi hàng mới. Nếu không cứ để tiểu thương phải chạy theo nhà cung ứng để hỏi hàng thì rất khó kết nối.

Đặc biệt, việc cung cấp đầy đủ các thông tin thị trường đồng thời phát triển và xây dựng thương hiệu sẽ rất cần thiết để giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bài 4: Chống buôn lậu: Đã bắt bệnh thì phải điều trị tận gốc

Đức Duy (Vietnam+)

Mỹ không cấp phép dự án đường ống Keystone XL

Vietnam+ (VietnamPlus)
19/01/2012 | 11:13:00
Người dân Mỹ biểu tình phản đối dự án Keystone XL. (Nguồn: Reuters)
Ngày 18/1, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từ chối cấp phép cho dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá hàng tỷ USD chạy từ Canada tới bang Texas của Mỹ, với lý do kế hoạch này trong thời điểm hiện tại "chưa đủ thuyết phục" và "không phục vụ lợi ích quốc gia."

Trong một tuyên bố, Tổng thống Obama nêu rõ ông hiện chưa thể đưa ra bản đánh giá hoàn chỉnh về kế hoạch này trước thời hạn chót vào ngày 21/2 tới theo yêu cầu của các nghị sỹ đảng Cộng hòa, trước sức ép của cuộc bầu cử tổng thống quan trọng vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng để ngỏ khả năng sẽ cấp phép lại nếu chủ dự án TransCanada đưa ra được các phương án phù hợp trong việc di chuyển đường ống dẫn dầu ra khỏi khu vực tầng nước ngầm ở Nebraska và Ogallala- những vùng trọng điểm cung cấp nước sạch cho 8 bang lân cận của Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, quyết định của Nhà Trắng đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều trong chính giới Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner, nhận định việc Tổng thống Obama không thông qua dự án xây dựng đường ống Keystone XL đồng nghĩa với việc "xóa sổ" hàng chục nghìn việc làm của Mỹ.

Giới nghiệp đoàn cũng lên án mạnh mẽ quyết định của chính quyền Obama, cho rằng quyết định này sẽ "tàn phá sự phục hồi kinh tế của đất nước." Trong khi đó, các tổ chức môi trường lại đánh giá cao quyết định của Tổng thống Obama.

Trong thời gian qua, các nhà môi trường đã tích cực phản đối dự án Keystone XL với lý do các đường ống dẫn sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ, đồng thời công khai chỉ trích ngành công nghiệp dầu khí và các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa - những người đã thúc giục ông Obama phê duyệt dự án như một biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng việc làm.

Dự án đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia hợp tác giữa Mỹ và Canada đã trở thành vấn đề chính trị gây bức xúc tại Mỹ trong thời gian qua.

Hồi tháng 11/2011, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Lafayette bên ngoài Nhà Trắng để gây sức ép yêu cầu Tổng thống Obama hủy bỏ kế hoạch này.

Những người biểu tình cũng cho rằng đường ống này vận chuyển "dầu bẩn", do đó sẽ phải tốn rất nhiều năng lượng để chiết xuất và có thể dẫn đến thảm họa sinh thái nếu xảy ra sự cố tràn dầu.

Trong một phản ứng đầu tiên, Chính phủ Canada tỏ ý lạc quan dự án Keystone XL sẽ vẫn được sớm thông qua.

Dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL có tổng vốn đầu tư lên tới 7 tỷ USD, dài hơn 2.700km chạy từ tỉnh Alberta của Canada tới Vịnh Mexico ở miền Nam nước Mỹ, đi qua 6 bang của Mỹ và kết thúc tại các nhà máy lọc dầu ở thành phố Houston và cảng Athur thuộc bang Texas.

Nhiều nhà hoạt động môi trường lo ngại sự cố tiềm ẩn từ đường ống dẫn dầu này sẽ dẫn tới các thảm họa đối với tầng nước ngầm tại các bang thuộc khu vực cao nguyên rộng lớn ở miền Trung nước Mỹ và gây nguy hiểm cho các thị trấn ở nông thôn cũng như cho người dân địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Anh bị bắt quả tang dùng viên đá giả để do thám người Nga

Thế giới - Dân trí
Thứ Năm, 19/01/2012 - 10:19

(Dân trí) - Lần đầu tiên Anh đã thừa nhận việc bị bắt quả tang sử dụng một viên đá giả tại Mátxcơva để giấu thiết bị điện tử trong khi do thám người Nga.

Viên đá giả chứa thiết bị truyền phát.
Nga đã đưa ra các cáo buộc trên vào tháng 1/2006, nhưng Anh không công khai thừa nhận điều đó cho tới tận lúc này.

Jonathan Powell, khi đó là chánh văn phòng của Thủ tướng Anh Tony Blair, đã xác nhận câu chuyện trên trong một bộ phim tài liệu của hãng BBC.

Câu chuyện trên được phát sóng lần đầu tiên trên truyền hình Nga, cho thấy làm cách nào mà viên đá chứa thiết bị điện tử và được các nhà ngoại giao Nga sử dụng để nhận và truyền thông tin.

Truyền hình Nga đã chiếu đoạn video cho thấy một người ông đi bộ dọc một con phố ở Mátxcơva, đi chầm chậm và nhìn chằm chằm vào một viên đá, đi chậm lại và sau đó lại bước nhanh. Tiếp đến, camera ghi hình một người đàn ông khác đi qua và nhặt viên đá.

Cơ quan tình báo Nga FSB cho rằng viên đá có liên quan tới cáo buộc rằng các dịch vụ tình báo Anh đang chi trả bí mật cho các nhóm nhân quyền và ủng hộ dân chủ.

Không lâu sau đó, Tổng thống Nga khi ấy là Vladimir Putin đã đề xuất một dự luật hạn chế các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhận tiền tài trợ từ các chính phủ nước ngoài. Kết quả là nhiều tổ chức đã bị đóng cửa.

“Chúng ta đã phát hiện âm mưu của các tổ chức tình báo nhằm lợi dụng NGO. Các tổ chức phi chính phủ đã được tài trợ thông qua các kênh tình báo bí mật. Không ai có thể phủ nhận các liên hệ tiền nong này”, ông Putin.

“Luật này được đưa ra để ngăn chặn các thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Liên bang Nga”.

An Bình
Theo Dailymail

Chính quyền Obama phủ nhận gửi thư mật cho Iran

Thế giới - Dân trí
Thứ Năm, 19/01/2012 - 16:35

(Dân trí) - Một nghị sĩ Iran hôm qua khẳng định Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi đối thoại trực tiếp với Iran trong một lá thư bí mật gửi lãnh tụ tinh thần nước Cộng hoà Hồi giáo, đồng thời cũng cảnh báo Tehran về việc đóng cửa eo biển huyết mạch Hormuz.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Các quan chức chính quyền Obama phủ nhận có một lá thư như vậy.

Nghị sĩ bảo thủ Ali Motahari đã tiết lộ nội dung của bức thư vài ngày sau khi chính quyền Obama cho biết đã cảnh báo Iran thông qua các kênh riêng tư và công khai về bất kỳ hành động nào nhằm đe doạ nguồn dầu mỏ từ vịnh Péc-xích.

“Trong bức thư, ông Obama đã kêu gọi đối thoại trực tiếp với Iran”, hãng thông tấn Fars dẫn lời ông Motahari. “Bức thư cũng nói rằng việc đóng cửa eo biển Hormuz là ranh giới đỏ của Washington”.

“Phần đầu của bức thư chứa đựng những lời đe doạ và phần thứ 2 bao gồm một lời đề nghị đàm phán”, nghị sĩ nói thêm.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cũng xác nhận rằng Tehran đã nhận được bức thư và đang cân nhắc câu trả lời.

Tại Washington, một quan chức chính quyền Obama phủ nhận tin ông Obama đã gửi một bức thư cho đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei, nói rằng việc truyền tải các quan điểm của Mỹ được chuyển đi thông qua các thông điệp ngoại giao khác.

Còn phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Tommy Vietor nhắc tới các bình luận trước đó từ chính quyền Obama, nhấn mạnh rằng Mỹ có nhiều cách để truyền tải các quan điểm của nước này với chính phủ Iran.

Ông Vietor nói thêm Mỹ vẫn đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho chương trình hạt nhân của Iran.
Iran đã đe doạ đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường biển vận chuyển dầu huyết mạch của thế giới. Mỹ cũng tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng nếu Iran làm vậy.

An Bình
Theo AP

Nga hy vọng sẽ không có "chiến tranh lạnh" mới với Mỹ - Nga hy vong se khong co "chien tranh lanh" moi voi My

VOV.VN

Cập nhật lúc : 3:34 PM, 19/01/2012

Nga không chọn đối đầu với Mỹ

(VOV) - Ngoại trưởng Nga cho biết, đối đầu không phải là sự lựa chọn của Nga.

Nga và Mỹ sẽ không để một cuộc chạy đua vũ trang hoặc "chiến tranh lạnh" xảy ra mặc dù vẫn còn chia rẽ về các vấn đề như lá chắn tên lửa châu Âu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hôm 18/1.

"Chúng tôi không phải là kẻ thù. Đối đầu không phải là sự lựa chọn của chúng tôi", ông Lavrov phát biểu tại một cuộc họp báo hàng năm.

Ông Lavrov cho biết, vị trí hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu được triển khai ở châu Âu là "rõ ràng và đơn giản”, nhưng việc Mỹ thúc đẩy triển khai hệ thống này là hơi khó hiểu.

Khi nói về hợp tác thương mại và kinh tế, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, Nga có thể từ chối thực hiện một số nghĩa vụ trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới để phản ứng với việc Mỹ không sẵn sàng để hủy bỏ Luật Jackson-Vanik.

Luật này được thông qua bởi Quốc hội Mỹ năm 1974, ở thời điểm đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Theo đó, hạn chế quyền tự do di cư và đã nhắm mục tiêu cụ thể chống lại Liên Xô (cũ)./.

MH/VOV online
Theo Tân Hoa xã