Bốn làng gốm cổ cùng trình diễn ở thủ đô - Bon lang gom co cung trinh dien o thu do

Thứ bảy, 3/7/2010, 10:36 GMT+7

Hội ngộ tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây, Hà Nội), các nghệ nhân của 4 làng gốm cổ Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Phù Lãng không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn trực tiếp trình diễn một số công đoạn làm gốm.

Mang tới Ngôi nhà di sản những sản phẩm đặc trưng cùng rất nhiều khuôn đúc có tuổi thọ hàng trăm năm, nghệ nhân Trịnh Đắc Tân (làng gốm Thổ Hà, Bắc Giang) hào hứng tiếp chuyện du khách.

Theo nghệ nhân này, gốm Thổ Hà được bán ở Thăng Long từ thế kỷ 14. Đến những năm 30 của thế kỷ 20, gốm Thổ Hà được người Hà Nội rất chuộng và dùng nhiều làm đồ gia dụng. Những chum vại, chĩnh, chõ của làng gốm này từng là vật dụng quen thuộc của mỗi gia đình.

"Dòng gốm này được ưa chuộng bởi màu nâu mộc mạc, bề mặt mát lịm và bền đẹp. Nhiều làng khi đồ xôi trong hội xuân, nhất định phải dùng chõ sành của Thổ Hà", nghệ nhân này tự hào cho biết.

Nghệ nhân Trần Thị Trình biểu diễn một công đoạn làm gốm Phù Lãng. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trong khi đó, chỉ với một chiếc bàn xoay đơn giản, nữ nghệ nhân Trần Thị Trình trình diễn luôn một vài công đoạn làm gốm Phù Lãng. Gắn bó với nghề từ bé, bàn tay của nghệ nhân 70 tuổi này vẫn thoăn thoắt.

Gốm Phù Lãng có ưu thế ở chất men màu tự nhiên, bền và lạ, dáng mộc mạc, thô phác, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và đậm nét điêu khắc...

Theo Phó Ban quản lý phố cổ Phạm Tuấn Long, việc giới thiệu và trình diễn các dòng gốm truyền thống của Bắc Bộ có ý nghĩa sâu sắc nhằm phát huy các giá trị quý giá của đất kinh kỳ, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Vẻ đẹp của dòng gốm bác học Chu Đậu. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trong 3 ngày giới thiệu (2-4/7), các công đoạn hoàn thiện sản phẩm của các dòng gốm sẽ được trình diễn kết hợp với các tiết mục dân ca quan họ.

Đồ gốm là loại đồ dùng phổ biến và gần gũi trong đời sống của người dân. Qua nhiều thời đại, gốm luôn có mặt và phục vụ đắc lực cho cuộc sống, từ đồ để ăn, uống, chứa đựng, đến những sản phẩm phục vụ cho đời sống tinh thần như tượng trang trí, lọ hoa, phù điêu, tranh gốm; phục vụ tín ngưỡng như lư hương, chân đèn... hay cho cả những công trình kiến trúc của dân tộc như gạch chạm, đắp nổi, gạch thủng, ngói...

Nguyễn Hưng

Không còn mục “quê quán” trong biểu mẫu khai sinh



Không còn mục “quê quán” trong biểu mẫu khai sinh
Cập nhật lúc 11h19" , ngày 02/07/2010 -

(VnMedia) - Từ ngày 1/7, các cơ quan đăng ký hộ tịch đã đồng loạt đưa vào sử dụng biểu mẫu hộ tịch mới theo quy định của Bộ Tư pháp. Các biểu mẫu hộ tịch mới có nhiều thay đổi so với biểu mẫu cũ. Trong biểu mẫu khai sinh, bỏ mục “quê quán” trong phần khai về nhân thân của người được khai sinh.

Về mục “nơi sinh” trong giấy khai sinh được thống nhất ghi như sau: trường hợp trẻ sinh tại bệnh viện thì ghi tên bệnh viện và địa danh hành chính nơi trẻ sinh ra. Trường hợp trẻ sinh tại cơ sở y tế thì ghi tên cơ sở y tế và địa danh hành chính nơi trẻ sinh ra. Trường hợp trẻ sinh ngoài bệnh viện, cơ sở y tế ghi địa danh đủ ba cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh).

Các loại biểu mẫu hộ tịch sẽ thống nhất ở khổ giấy A4 (210 x 297mm) để thuận tiện cho việc lưu trữ, sử dụng.

Các biểu mẫu mới: khai sinh, khai tử, chứng nhận kết hôn cũng được thêm một mục mới là “nơi đăng ký” thể hiện tên của cơ quan đã cấp giấy tờ hộ tịch này, thuận tiện cho việc trích lục về sau (là cơ quan đăng ký lần đầu hay cơ quan đăng ký lại).

“Cách làm cổng chào chưa đủ thận trọng như 1.000 năm qua” - Sự kiện trong ngày - Dân trí

Thứ Sáu, 02/07/2010 - 05:06

“Cách làm cổng chào chưa đủ thận trọng như 1.000 năm qua”

(Dân trí) - “Cách làm cổng chào và cách công bố xem ra chưa theo con đường văn hiến Thăng Long cũng như nguyện vọng lúc này của người dân Thủ đô, lại càng chưa đủ sự thận trọng như 1.000 năm qua những người đi trước vẫn làm”, Kiến trúc sư Lê Văn Lân phân tích.
>> “Các phương án cổng chào đòi hỏi kết cấu bền vững”
>> Hà Nội đồng ý phương án xây 4 cổng chào

Kiến trúc sư Lê Văn Lân
Thưa ông, không hẳn nhiều người dân không ủng hộ làm cổng chào phục vụ Đại lễ 1.000 năm, nhưng việc thành phố mãi đến tháng 6 vừa rồi mới đưa ra các mẫu thiết kế và không lâu sau đã quyết định làm ngay khiến không ít người chưa cảm thấy yên tâm. Vậy quan điểm của ông về làm cổng chào cho Đại lễ như thế nào?
Cổng chào vốn được dân ta hay dùng từ nông thôn đến thành thị mỗi khi bộc lộ hân hoan và chào mừng sự kiện. Xưa nay người ta không bàn cãi nhiều vì nó luôn chỉ bằng khung tre, tết lá như dừa, trung đình, ngâu, vạn tuế… Ở thành phố thì có gì làm nấy, sau ngày lễ lại nhanh chóng dỡ ra. Làm cổng chào tôi không phản đối, nhưng tôi quan niệm phải làm cổng như dân Việt Nam mình vẫn làm, chỉ tồn tại vài ngày, sau lễ là tháo. Như thế, cổng chào phải thật đơn giản, lắp đặt nhanh.
Giải pháp chất liệu sang nhất là bằng lá cây, hoa, chậu hoa. Thứ hai, các loại vật liệu nhẹ như vải, gỗ dán, cót ép. Thứ ba, màng mỏng bơm hơi, bong bóng các cỡ. Kế đến, bằng các luồng ánh sáng mạnh như đèn pha, laze, với hiệu quả về đêm nhiều hơn. Thứ 5, bằng thả diều, khí cầu, cờ phướn.
Tùy địa điểm mà chọn loại chất liệu phù hợp, hiệu quả về hình ảnh và kinh phí thấp. Trước hết phải kể đến màng mỏng bơm hơi, bởi chỉ với 10 phút có thể tháo lắp xong, lại tạo được đủ loại hình khối, hình tượng bay nhảy.
Còn tất cả những thứ bằng bê tông, bằng đá đều không nên làm vì sẽ phạm vào những sai lầm không rút ra được, không sửa chữa được.
5 phương án thiết kế cổng chào của thành phố với các hình tượng chim Lạc, Trống đồng, cọc Bạch Đằng… ông có ý kiến như thế nào?
Thành phố có đưa ra 5 phương án nhưng làm sao lại chỉ 5 hình vẽ như vậy mà chọn để xây dựng được?
Cách làm và cách công bố xem ra chưa theo con đường văn hiến Thăng Long cũng như nguyện vọng lúc này của người dân thủ đô, lại càng chưa đủ sự thận trọng như 1.000 năm nay những người đi trước vẫn thận trọng.
Mô hình 1 trong 5 mẫu cổng chào.
Ai cũng biết, nói đến Thăng Long là nói đến văn hiến, nói đến tôn trọng trí tuệ và nói đến sự tích luỹ, thâu tóm, chọn lựa trí tuệ. 1.000 năm dài lắm, sự thận trọng của ông bà ta ghê gớm lắm, trí tuệ lắm, chứ không đơn giản 5 cái hình như thế mà chọn xây được.
Nhưng thành phố chưa quyết định xây vĩnh cửu mà chỉ làm bán kiên cố để có thể tháo dỡ trong trường hợp chưa đạt?
Không nên dùng không gian Hà Nội vào những cuộc thử nghiệm. Nên rút những bài học thất bại và huyễn hoặc từ ý muốn xây dựng Cửa ô phía Nam của mấy năm trước.
Dự kiến kinh phí ban đầu để xây 5 cổng chào lên tới 50 tỷ đồng, vậy nếu làm cổng chào theo cách của ông, kinh phí bao nhiêu sẽ đủ?
Kinh phí cho tất cả nên ở mức 1/10 dự kiến đó, mà nói vui là gồm cả… liên hoan.
Ông cho rằng phải làm cổng chào cho dịp Đại lễ theo cách đơn giản, ít tốn kém, nhưng sau này, nếu hội đủ những điều kiện cần thiết, chúng ta có thể làm những cổng vĩnh cửu?
Tại sao lại không? Tôi là người được giao vẽ cổng công viên Thống nhất và tôi đã tốn hết 10 năm để làm. Giai đoạn đó, thành phố luôn thúc giục, mở rất nhiều cuộc thi và trong bối cảnh đất nước thống nhất thì không thể nói là không bức thiết được.
Làm cổng không như làm nhà, bởi người bình thường làm nhà có thể nhanh, nhưng cổng lại cần những người rất xuất sắc và làm trong thời gian rất dài.
Không gì là không làm được, nhưng phải có đủ suy nghĩ, đủ bàn cãi.
Xin cám ơn ông!
Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)