Hội ngộ tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây, Hà Nội), các nghệ nhân của 4 làng gốm cổ Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Phù Lãng không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn trực tiếp trình diễn một số công đoạn làm gốm.
Mang tới Ngôi nhà di sản những sản phẩm đặc trưng cùng rất nhiều khuôn đúc có tuổi thọ hàng trăm năm, nghệ nhân Trịnh Đắc Tân (làng gốm Thổ Hà, Bắc Giang) hào hứng tiếp chuyện du khách.
Theo nghệ nhân này, gốm Thổ Hà được bán ở Thăng Long từ thế kỷ 14. Đến những năm 30 của thế kỷ 20, gốm Thổ Hà được người Hà Nội rất chuộng và dùng nhiều làm đồ gia dụng. Những chum vại, chĩnh, chõ của làng gốm này từng là vật dụng quen thuộc của mỗi gia đình.
"Dòng gốm này được ưa chuộng bởi màu nâu mộc mạc, bề mặt mát lịm và bền đẹp. Nhiều làng khi đồ xôi trong hội xuân, nhất định phải dùng chõ sành của Thổ Hà", nghệ nhân này tự hào cho biết.
Nghệ nhân Trần Thị Trình biểu diễn một công đoạn làm gốm Phù Lãng. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong khi đó, chỉ với một chiếc bàn xoay đơn giản, nữ nghệ nhân Trần Thị Trình trình diễn luôn một vài công đoạn làm gốm Phù Lãng. Gắn bó với nghề từ bé, bàn tay của nghệ nhân 70 tuổi này vẫn thoăn thoắt.
Gốm Phù Lãng có ưu thế ở chất men màu tự nhiên, bền và lạ, dáng mộc mạc, thô phác, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và đậm nét điêu khắc...
Theo Phó Ban quản lý phố cổ Phạm Tuấn Long, việc giới thiệu và trình diễn các dòng gốm truyền thống của Bắc Bộ có ý nghĩa sâu sắc nhằm phát huy các giá trị quý giá của đất kinh kỳ, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Vẻ đẹp của dòng gốm bác học Chu Đậu. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong 3 ngày giới thiệu (2-4/7), các công đoạn hoàn thiện sản phẩm của các dòng gốm sẽ được trình diễn kết hợp với các tiết mục dân ca quan họ.
Đồ gốm là loại đồ dùng phổ biến và gần gũi trong đời sống của người dân. Qua nhiều thời đại, gốm luôn có mặt và phục vụ đắc lực cho cuộc sống, từ đồ để ăn, uống, chứa đựng, đến những sản phẩm phục vụ cho đời sống tinh thần như tượng trang trí, lọ hoa, phù điêu, tranh gốm; phục vụ tín ngưỡng như lư hương, chân đèn... hay cho cả những công trình kiến trúc của dân tộc như gạch chạm, đắp nổi, gạch thủng, ngói...
Nguyễn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét