Phóng sự - Pháp Luật Xã hội:
Chủ Nhật, 28/11/2010 11:16 (PL&XH) - Sẽ chẳng có phương thuốc nào chữa chung cho tất cả, mỗi người nhiễm bệnh phải tự biết làm gì để loại bỏ con virus này ra khỏi đời sống nếu không muốn các cận vệ “chung thủy” gục ngã.
Khi con virus ngoại tình xồng xộc lao vào nhà đánh gục cận vệ “chung thủy”, khiến gia chủ chỉ đứ đừ chịu trận thì một điều dễ hiểu, các nhà nghỉ phục vụ 24 giờ ở mọi nơi là đồng minh của lũ virus ngoại tình. Sẽ chẳng có phương thuốc nào chữa chung cho tất cả, mỗi người nhiễm bệnh phải tự biết làm gì để loại bỏ con virus này ra khỏi đời sống nếu không muốn các cận vệ “chung thủy” gục ngã.
Có một điều mà các bà vợ quí hoá luôn khẳng định dù có đôi chút đắn đo là 99% đàn ông có "máu" ngoại tình. Nói là đắn đo bởi vẫn tin là chồng mình nằm ở 1% còn lại, nhỡ khẳng định hùng hồn quá mà không phải thì oan thấu giời cho đức ông chồng ngoan nhất quả đất. Nhưng vốn tính đa nghi như Tào Tháo nên bà vợ nào cũng thủ sẵn cho mình vài tuyệt chiêu để luôn sẵn sàng cho các ông chồng "lấm lưng trắng bụng" không còn hơi sức đâu mà "tơ tưởng".
Phàm những ông chồng "bị hoàn cảnh đưa đẩy" chót có em út thì dù có vỗ ngực anh hùng ở đâu cũng không quên điều đơn giản nhất là chùi mép cho sạch trước khi chỉnh tề về nhà diện kiến vợ yêu.
Các bà vợ thời nay cũng đâu có vừa, luôn gặp gỡ nhau trao đổi bổ sung kiến thức, bởi vậy sau những sàng lọc mang tính kiểm nghiệm cao đã đúc rút ra một điều: Không hơi sức đâu mà kiểm soát chồng "kinh doanh" thế nào, vấn đề cốt lõi nhất, đem lại kết quả cao nhất là : "Thuế" đâu? Cứ thử tưởng tượng mà xem, ông chồng vừa đi "đối ngoại" về, lưng đau, gối mỏi, mắt hoa, thở không ra hơi mà vợ yêu váy vót xập xoè chìa "hoá đơn thuế" thì có khác gì gặp cướp. Khi ấy hồn siêu phách lạc, chạy không được, ở lại thì "vốn liếng" tiêu hết rồi có khác gì đại hoạ, dù vợ yêu có tha bổng nhưng không thể xoá được ý nghĩ: "Bà" biết tỏng tòng tong rồi đấy nhé, liệu hồn!
Bởi vậy, để chống lại sự kiểm soát gắt gao về thuế má của vợ yêu, các đức ông chồng sau nhiều lần "họp thượng đỉnh", từ những lần vấp ngã đau thương cuối cùng cũng đã đề ra được kế sách để trốn thuế mà vẫn không ảnh hưởng gì đến cả "địch" và "ta". "Tuyệt chiêu" trốn vợ thứ nhất mang tên "rượu và phong bì" được ghi công cho Hoàng Văn Dũng. Dũng là cán bộ địa chính phường, vợ có sạp vải ở chợ, tiền bạc xông xênh, đất nhà rộng rãi xây hơn chục phòng cho sinh viên thuê. Sống trong vườn "rau sạch" như thế không làm "vài mớ" thì bạn bè cười cho.
Mà mấy em “rời quê lập nghiệp” cũng… lạ, mới mấy tháng lên thành phố học đã đua đòi ăn chơi, ông chủ mắt mới hấp háy đã nhằm lúc bà chủ vắng nhà nhờ vả. Khi thì anh xem giúp em cái bóng điện không sáng, khi thì nước phòng em chảy chậm. Thế là Dũng lại phải vào phòng loay hoay, các em váy áo mỏng tang, tươi mơn mởn thế cận vệ “chung thủy” có nhắc nhở mấy cũng chẳng được. Thôi thì giúp mấy em “xa quê”… đua đòi vậy, chỉ không cần lấy tiền thuê nhà, cùng với mớ tiền bồm là xong tuốt. Thích là chỉ một cái tin nhắn đã có thể gặp nhau ở nhà nghỉ, "rau sạch" trồng ở vườn nhà thì an toàn quá đi chứ, tội gì mà không xơi.
Mụ vợ tối ngày lê la ở chợ nhưng cũng chẳng vừa, thuế má ốp nộp đều đều, mới chỉ đôi tháng đi "tăng gia" mà Dũng "đuối" lắm rồi. Cứ đà này thì chỉ năm nữa thôi là người ngợm túm tóc nhấc lên rũ ra đống xương. May thay trong một lần rượu say Dũng về nhà ngủ tít mít, mụ vợ chỉ biết thở dài. Bắt được thóp đó, mỗi lần "vượt rào" Dũng ghé qua quán nước vỉa hè làm chén rượu xếch rồi mặt mũi phừng phừng khệnh khạng trở về. Cao thủ hơn, Dũng rút túi đưa cho vợ cái phong bì mà miệng không ngớt mắng "mấy thằng bợm nhậu đã bảo không uống được cứ ép". Mụ vợ thấy phong bì thì mắt tít lại, rồi xót chồng phải tiếp khách mà uống, lại lật đật chạy pha nước chanh cho chồng uống giã rượu, sáng hôm sau lại ép bằng được uống cốc sữa nóng nữa thì mới "thả" cho đi ăn sáng.
Tuy nhiên "tuyệt chiêu" của Dũng vẫn chưa được "hội nghị thượng đỉnh" đánh giá cao vì như vậy rất thâm thủng quĩ đen bởi khoản đưa phong bì lót tay cho vợ. Quan trọng hơn là cứ thế mãi vợ cũng sinh nghi và không đảm bảo sự bền bỉ, lâu dài. Cuối cùng mọi người nhất trí đưa "kỹ nghệ" mang tên "đội ơn bác sỹ” của Cường "con" là số một. Cường là giảng viên một trường dạy nghề, người được một dúm nhưng thông minh và hát hay nên nhiều em biết thầy có vợ vẫn tơ tưởng. Tuy nhiên để tránh dị nghị, Cường không bao giờ "ăn cỏ đồng ta". Dù thích đến mấy nhưng các em trong trường thì cũng tránh xa. Nhưng nếu bạn của các em ở trường khác thì nhận liền.
Khổ, cái thời yêu đương đắm đuối thì xưng hùng xưng bá kiểu "bao giờ sông Hồng hết nước thì anh mới… hết hơi". Giờ lấy nhau rồi vợ yêu cứ lấy "định mức" ngày xưa mà ốp, nhiều hôm ngủ quên muộn cả giờ lên lớp. Một dạo vợ Cường thấy chồng mặt mày ủ rũ, đêm thường thức khuya đốt thuốc, hỏi có chuyện gì cũng không nói. Sinh nghi vợ mở trộm cặp của chồng thì phát hiện ra sự thật tái mặt, sổ khám bệnh của Cường bác sỹ ghi rõ: Yếu sinh lý. Lại còn gì nữa đây, hàng đống thuốc tăng cường sinh lực của Trung Quốc, rồi cả một bài báo viết về tác hại của việc uống các loại thuốc này không rõ xuất xứ thì không cẩn thận sẽ hỏng chứ chả đùa.
Đương nhiên là vợ Cường trách chồng có bệnh mà không nói, từ hôm đó thuế má cũng "tùy tâm" thậm chí “tha bổng” vì nếu không biết ăn dè thì chưa biết chừng chả có mà ăn. Thôi thì có ít còn hơn không. Và Cường đàng hoàng đêm nằm gáy pho pho mà không sợ vợ bỗng dưng gác chân lên người. Tất nhiên vợ còn lâu mới biết đó là màn kịch hoàn hảo mà Cường dựng lên và không chỉ anh ta giữ “bản quyền”.
(
còn nữa)
Hùng SơnPhóng sự - Pháp Luật Xã hội:
Thứ Hai, 29/11/2010 09:55 (PL&XH) - Hạnh bắt đầu liêu xiêu, hình ảnh Hoàng luôn ngự trong suy nghĩ và Hạnh chính thức tan chảy vào trong Hoàng. Đúng là chả ai có thể "lý sự" với con tim khi nó nhất quyết không nghe lời.
Có một nỗi "oan" mà giới mày râu đến nay vẫn ấm ức, nếu khóc được thì các trận lũ chẳng là cái đinh gỉ gì so với nước mắt mà họ sẽ tuôn. Và nếu có Chúa trời chắc hẳn gã đàn ông nào cũng nhào đến quì xuống mà thưa: Chúng con bị chị em kết tội ngoại tình, cứ như là chúng con là đồ hư hỏng lắm còn chị em thì... vô can. Thưa Người, xin Người trả lời cho chúng con câu hỏi: Vậy chúng con ngoại tình với… nhau à?
Nói cho nhanh, nếu cứ dồn ép chỉ có giới mày râu vào cái tội ngoại tình, cứ "mặc định" cho họ như vậy thì họ cũng chả cần khách khí nữa mà xổ toẹt ra: Chính các bà là "đồng phạm", thậm chí còn là "chủ mưu", cơn cớ gì bắt tội mỗi chúng tôi?
Tưởng chừng như thế là "minh oan" được cho mình, cho… nhẹ lòng, nhưng đó chính là sai lầm không thể tha thứ của giới mày râu bởi thời nay, nữ giới cũng nhao lên đòi quyền bình đẳng theo kiểu: Ông có khoảng trời riêng chứ gì, đã vậy tôi cũng có cả biển trời bao la riêng cho ông xem. Mà họ nói là làm chứ không có đùa, tệ hơn nếu người đàn ông ngoại tình thì đa số họ chỉ nghĩ "đổi gió" cho mát mẻ chứ người phụ nữ mà ngoại tình thì phần lớn họ muốn đổi đời. Mà nhé, nếu ông chồng hư hỏng đã đành, có những ông chồng chị em hàng xóm chấm điểm bỏ rẻ cũng được 9,5 mà vợ yêu vẫn liêu xiêu với người khác.
Hạnh là một ví dụ, ngày mới ra trường tấp tểnh đến cơ quan làm việc, trong những buổi buôn dưa lê, bán dưa bở của các chị cùng cơ quan, dù Hạnh không muốn nghe vẫn đập bôm bốp vào tai. Thôi thì các MC không chuyên tha hồ "bình loạn" bồ của nhau, nào là "anh của tao chỉ thích tao mặc đồ chíp màu đen, anh bảo trông thế rất bí ẩn", rồi "con Hà nói phét, cái lão của nó già mõ thế mà hơn tiếng buổi trưa rẽ bên phải một lần, lại còn rẽ bên trái được lần nữa". Hạnh nghe mà phát sốt không thể tin các chị lại hư như thế. Không dám nói ra nhưng Hạnh luôn nhủ sau này có chồng, Hạnh sẽ không bao giờ như mấy chị. Rồi Hạnh lấy chồng, chồng Hạnh làm ở Viện nghiên cứu, một người đàn ông khá hoàn hảo trong mọi vấn đề. Hơn một năm sau ngày cưới Hạnh sinh con gái, thiên thần bé nhỏ càng làm gia đình Hạnh ăm ắp tiếng cười.
Người ta nói "không ai nắm được tay từ tối đến sáng" cấm có sai, một hôm sếp gọi Hạnh cùng đi tiếp khách. Người đàn ông ngoài 40 tuổi trông rất "ăn đèn" nhờ bộ râu quai nón, đôi mắt nâu và đặc biệt là nụ cười như sóng thần có thể cuốn phăng người khác giới đối diện. Hạnh thuộc tuýp người không dễ gục bởi tình yêu sét đánh.
Hoàng- tên người đàn ông, không hề tán tỉnh một câu, suốt cuộc gặp chỉ trao đổi công việc, thi thoảng ném vào khoảng không cái nhìn xa xăm như không thèm biết có người phụ nữ một con nhan sắc được liệt vào loại đem đi đối ngoại của sếp. Đâu giống mấy lão hau háu nhìn Hạnh như diều hâu nhìn gà con, mồm mép tán tỉnh không kịp mọc da non, dẫu không ưa nhưng còn dễ chịu đôi chút vì được tụng ca. Đằng này, ừ thì cứ cho là công việc đi nhưng không khen người đẹp lấy một câu thì đúng là loại người ki bo nhất quả đất.
Chỉ đến khi chia tay, Hoàng mới nhìn Hạnh, ánh mắt như thôi miên mà buồn như tình nhân ly biệt. Hoàng cầm điện thoại của Hạnh rồi ghi số của mình vào và đề tên H&H. Chuyện sẽ chỉ dừng lại ở đó nếu 2 hôm sau Hạnh không nhận được tin nhắn của Hoàng "em có khoẻ không?", Hạnh nhắn lại: "Em khoẻ. Anh có gì vui không?". 30 giây sau máy Hạnh rung lên, Hoàng nhắn: "Đời vắng em rồi, vui với ai". Một câu tán tỉnh nghe "chuối" thế mà không hiểu sao Hạnh lại run rẩy, mắt đảo xung quanh sợ mấy chị em trong phòng đọc được.
Từ hôm đó Hạnh bắt đầu so sánh Hoàng với chồng, mặt của chồng lúc nào cũng nhẵn, chả bù cho bộ râu quai nón trông rõ đàn ông của Hoàng. Nhìn Hoàng mơ màng nhả khói thuốc sao mà lãng mạn thế không biết, còn chồng chả thuốc thang chi hết, gặm mía là nhanh. Ngày Quốc tế phụ nữ Hoàng tặng một bông hồng đỏ cùng chiếc váy màu nước biển. Chồng yêu của Hạnh thì lật đật ra chợ rồi nấu ăn và dúi vào tay cái phong bì. Rõ là thực dụng, chả có gam lãng mạn nào cả.
Hạnh bắt đầu liêu xiêu, hình ảnh Hoàng luôn ngự trong suy nghĩ và Hạnh chính thức tan chảy vào trong Hoàng. Đúng là chả ai có thể "lý sự" với con tim khi nó nhất quyết không nghe lời.
Hạnh cũng rơi vào guồng quay như mấy chị cùng cơ quan, buổi trưa là mắt trước, mắt sau đã lượn đến chỗ hẹn với Hoàng. Hạnh yêu Hoàng mê đắm và sau một lần đã chính thức đề nghị: Mình lấy nhau đi anh, em không thể sống thiếu anh được. Hoàng chỉ nghĩ Hạnh nói yêu vậy thôi chứ dễ gì mà bỏ chồng con theo mình, hơn nữa Hoàng cũng có gia đình, nhưng tần suất đề nghị của Hạnh ngày một nhiều thì trong ánh mắt buồn xa xăm của Hoàng bắt đầu phát hoảng.
Một hôm Hạnh nhận được tin nhắn từ số máy lạ: "Anh thật tồi. Sao anh lại có thể nghĩ em bỏ chồng theo anh thì em cũng có thể bỏ anh theo người khác?". Hạnh vội nhắn lại : "Xin lỗi, bạn nhầm máy". Số máy kia trả lời: "Vâng, cảm ơn". Mân mê điện thoại trong tay mà Hạnh giật mình thon thót, họ có nhầm máy thật không hay mình đang đi lạc đường, chưa khi nào con đường trở về nhà với chồng con của Hạnh lại nặng nề đến thế.
(
Còn nữa)
Hùng SơnPhóng sự - Pháp Luật Xã hội:
Thứ Tư, 01/12/2010 09:54 (PL&XH) - Cái tên một chương trình dành cho ngư dân giờ đã được "chuyển hệ" ám chỉ những ông chồng chán "cơm" thèm "phở" nhưng không dám ở gần mà vọt đi thật xa để che mắt vợ yêu.
Nếu đọc cái tít bài này chắc có người nhầm tưởng tôi viết về các ngư dân đang chuẩn bị lưới, đồ ăn thức uống lên thuyền ra tít khơi xa đánh cá. Giời ạ, không phải thế. Cái tên một chương trình dành cho ngư dân giờ đã được "chuyển hệ" ám chỉ những ông chồng chán "cơm" thèm "phở" nhưng không dám ở gần mà vọt đi thật xa để che mắt vợ yêu.
Mà cũng tại các bà vợ cơ, ai lại dại mồm dại miệng thế không biết, nín nhịn bao lâu bỗng một hôm giở giời ra cái vẻ gái này bất cần xoen xoét tuyên bố: Ông đi đâu kệ ông nhưng đừng có để tôi nhìn thấy. Lại còn ê a ngâm nga câu "mắt không nhìn thấy tim không đau" để phụ hoạ cho sự bất cần của mình. Rồi, thế là "ngoắc tay" nhé. Vợ yêu vui vẻ ở nhà chăm con để anh ra khơi quăng chài bắt cá nhé.
Ghét cái thái độ tí tởn của chồng mà mạnh mồm nói vậy, chứ bà vợ nào mà chả "xót" khi của trong tay mình vật vã mới kiếm được lại để cho đứa khác tí táy tí mẻ. Dù chồng có như món ăn dư trong nhà đến chuột cũng co chân không đoái hoài, nhưng chị hàng xóm mà bịt khẩu trang nhòm sang xem, lại chả nhảy dựng lên mà xỉa xói này nọ.
Đấy chính là "đức tính" mà bất kỳ ông chồng nào cũng nể vợ và nếu có nhẹ dạ, ngã lòng với ai thì trước khi đi ngủ cũng đọc nhẩm trong mồm cả trăm lần câu "không được để vợ biết". Đó được coi là "nghĩa vụ" với vợ yêu, là liều thuốc thần kỳ mà bất kỳ gã đàn ông nào cũng găm trong mình trước khi "ngã bệnh". Bởi vậy để đạt được độ an toàn cao nhất giới mày râu đều nhủ lòng đừng có "gà què ăn quẩn cối xay" mà dính phải thòng lọng.
Quang là đại diện tiêu biểu được "tôn vinh" về cái khoản "đánh bắt cá xa bờ". Thực ra Quang cũng chả tài giỏi gì, chẳng qua "thời thế tạo anh hùng" mà thôi. Vợ là giáo viên, Quang là kỹ sư xây dựng, công việc buộc Quang phải tít mít với các công trình và thời gian ở bên vợ khác gì bộ đội thời chiến. Nhất là từ khi có được thằng cu thì tần suất về thăm vợ cũng thưa hơn. Ấy vậy mà chị vợ không hề kêu ca lại còn luôn mồm thương xót chồng phải vật vạ nơi công trường, có vợ mà không được chăm sóc.
5 năm lấy nhau, đi làm 8 công trình, "tay lưới" của Quang đã đạt tới sự lão luyện, hễ quăng ra là cá dính. Đàn ông tuổi 30 xa vợ ai mà chịu được, tối tối lại làm chén rượu vào người cứ phừng phừng lên, thôi thì lớn bùi, bé mềm có cơ hội là thả lưới. Từ mấy cô phu hồ trông tàm tạm cho đến mấy chị muộn chồng ở loanh quanh công trình đều thương Quang cô đơn. Chị em đã thương mà không đáp lại thì điều đó được xem như… tội ác. Tặc lưỡi một lần "hoàn cảnh đưa đẩy" chắc vợ không biết đâu. Nhưng chót một lần, lại tặc lưỡi lần hai, mà cái giống cá tươi sao có sức mê hoặc thế không biết.
Lần này cũng vậy, vừa đến công trình mới, Quang đã có trong tay danh sách và "lý lịch trích ngang" của mấy em, nhưng chả hiểu ma xui quỉ khiến thế nào chỉ mấy lần vào quán nước Quang lại "bồ kết" chị chủ quán Ngọc Lan. Lan hơn Quang những 5 tuổi, đã một lần "đắm đò" nhưng chưa có con, nhan sắc thì gọi vợ Quang là "chị", được cái vòng 1 rõ phì nhiêu, người lúc nào cũng hừng hực cứ như núi lửa phun trào. Trai công trường, lại luôn "ngoài vùng phủ sóng" thật là điều kiện lý tưởng cho Quang "đánh bắt cá xa bờ". Lan ở một mình, quán cũng là nhà, ban ngày làm xong, tối Quang lại tót về đó tắm giặt, rượu chè. Lan không cần tiền, cái mác kỹ sư lại trẻ trung như Quang cũng đủ để cho Lan cung phụng như ông hoàng.
Mấy tháng sau Lan "thông báo tin mừng" là đã có thai. Lan bảo tuổi Lan nhiều rồi, không sinh con sau này sẽ khó, Lan không cần Quang phải có trách nhiệm gì cả. Nghe xong đang nằm phòng máy lạnh mà mồ hôi Quang toát ra ướt đầm áo. Ai ngờ lần "đánh bắt cá xa bờ" này lại dính ngay phải quả mìn nổ chậm.
Còn đang chưa biết "tháo kíp" quả mìn nổ chậm kia thế nào thì vợ Quang đột ngột xuất hiện. Thằng cu đã 5 tuổi, vợ yêu không biết đi xem ông thầy nào phán nếu năm nay "quyết" thì sẽ sinh con gái, thế là xin nghỉ phép khăn gói quả mướp vượt mấy trăm cây số thăm chồng. Vốn là cô giáo lãng mạn, muốn tạo bất ngờ thú vị cho chồng nên không báo trước, vợ xuất hiện, mặt Quang nghệt ra như đứa trẻ không thuộc bài bị cô giáo gọi lên bảng.
Ngày hôm sau vợ Quang lặng lẽ trở về, đến không báo, về không chào. Máy điện thoại của Quang có một tin nhắn vẻn vẹn mấy chữ "chị ấy có gì hơn em?". Ừ, so với vợ Quang thì Lan vừa già, vừa xấu lại chỉ là cô gái bỏ chồng bán nước, tóm lại là thua toàn phần. Quang không thể trả lời được, mà phải thôi, nếu trả lời được thì… vĩ đại quá. Nhưng cái tin nhắn đó lại như mảnh gỗ trên biển mà lần "đánh bắt cá xa bờ" này dính mìn, thuyền đắm để Quang bấu vào. "Bồ" thua vợ toàn diện như thế thì còn có cơ hội trở về, nghĩ vậy để tự trấn an thôi chứ biết đâu khi về nhà lại chả có "quyết định đuổi học" của cô giáo chờ sẵn trên bàn.
(
còn nữa)
Hùng SơnPhóng sự - Pháp Luật Xã hội:
Thứ Sáu, 03/12/2010 09:01 (PL&XH) - Những câu chuyện minh chứng ngày một nhiều, toàn chuyện có thật, thậm chí chuyện thật như bịa, nghe mà nổi da gà nhưng nó vẫn yên bình tồn tại như “một phần tất yếu của cuộc sống”.
Lạy giời, khi viết bài này tôi đã không tiếc tiền mua mấy cái khẩu trang để bịt mặt khi đi ra đường, nhỡ chị em nào mà biết cái bản mặt của tôi thì tránh sao được những lời "dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi" từ những đôi môi hình trái tim. Đấy là tôi nói những bà vợ cả một đời ngồi nhà trệu trạo nhai cơm nguội, nhăn mặt nhai cơm khê, thở dài nhai cơm sống, phởn phơ nhâm nhi cơm rang… Túm lại là "ăn cơm toàn tập" chứ không một lần chén "phở" dù thèm đến tê người.
Ngày xưa, giới mày râu cứ tìn tìn lấy dăm ba vợ, đi ra đường mặt vênh ngược coi đó là một chiến tích còn các bà vợ ai chót léng phéng tí ti thôi thì kiểu gì cũng bị gọt tóc, bôi vôi kéo lê ngoài đường cho thiên hạ nguyền rủa. Ui chao, thương chị em quá cơ. Nhưng "thời thế" rồi cũng đổi thay, giờ ai mà động đến sợi tóc của chị em thì xin mời vào nhà đá mà bóc lịch cho chừa cái thói xúc phạm đến nhân phẩm phụ nữ nhé. Chị em giờ đã hát vang bài ca "bình đẳng".
Điều ấy nhắc nhở cánh mày râu đừng có ngồi mà “chủ quan khinh địch”. Những câu chuyện minh chứng ngày một nhiều, toàn chuyện có thật, thậm chí chuyện thật như bịa, nghe mà nổi da gà nhưng nó vẫn yên bình tồn tại như “một phần tất yếu của cuộc sống”.
Chuyện của Mỹ Dung là một ví dụ. Chồng làm Giám đốc một Cty xuất nhập khẩu, con trai duy nhất đang du học ở Úc, về mọi mặt thì gia đình Dung luôn là hình mẫu lý tuởng để bao người khao khát. Hơn 20 năm yêu và lấy nhau, bây giờ đã ở tuổi 45 nhưng chưa bao giờ Dung "say sóng", dù thời trẻ cũng ối kẻ biết "ván đã đóng thuyền" nhưng vẫn muốn "ngồi nhờ thuyền" vượt sông.
Dung là người khá cực đoan trong chuyện “chả, nem”, với Dung chỉ biết có chồng, bởi vậy dù bạn bè có người đã nhiều lần "thay áo" như một trào lưu thì Dung vẫn vậy. Thời trẻ qua rồi, tuổi giờ đã "một gánh" ai còn nghĩ đến chuyện bồ bịch làm gì.
Chồng làm Giám đốc suốt ngày lu bu với các hợp đồng rồi đi nước ngoài biền biệt, khi về nhà thì người lúc nào cũng mềm nhũn vì say. Thi thoảng có hôm tỉnh táo thì "sờ vào xoong" chả còn tí "cơm" nào. Mấy bà bạn nghe chuyện thì "đập đầu vào gối" mà thề là chồng Dung kiểu gì cũng có bồ nhí. Dung không tin nhưng đôi lúc cũng thoáng buồn.
Người ta bảo đàn ông tuổi 50 nếu bình thường thì một tuần cũng phải được một lần "nổi lửa", đằng này bếp núc lúc nào cũng nguội tanh. Mấy bà bạn rủ rê Dung đi học nhảy cho đỡ buồn, đi được một buổi Dung bỏ ngay, ai lại ngần này tuổi rồi mà còn vòng tay ôm nhau nhún nhảy đến tai chồng thì rách việc. Mỗi buổi tối đối với Dung là một cực hình, ngôi biệt thự to vật vã vắng lặng, con nhỏ giúp việc thì chúi mắt xem phim Hàn Quốc rồi khóc ngồi nước mắt giàn rụa vì thương nhân vật nữ chính mắc bệnh hiểm nghèo.
Thấy Dung buồn, một hôm cô bé cùng làm dạy Dung chát. Nick của Dung là "gamaihoamo-u45". Ôi chao, sao mà thích thế không biết, vậy mà bao năm Dung không biết. Trên mạng tha hồ mà nói chuyện, tâm sự. Từ hôm đó, cứ tối đến Dung lại thả hồn bay bổng trên mạng. Và Dung gặp Dũng, chàng sinh viên năm cuối một trường đại học. Dung thích Dũng bởi cách nói chuyện thông minh, dí dỏm, đêm nào chị em cũng chát chít đến khuya mà vẫn không hết chuyện.
Mấy hôm biết là Dũng bận ôn thi, nhưng bật máy lên không thấy nick của Dũng sáng là Dung thấy hụt hẫng, có một chút buồn xâm chiếm. Rồi một cuộc gặp được ấn định, Dung thực sự bối rối bởi khuôn mặt Dũng đẹp như cầu thủ bóng đá Ka Ka. Về đến nhà, đứng trước gương nhìn đuôi mắt đã hằn những vết chân chim mà hận tuổi già sao lại ập đến không đúng lúc.
Dung chịu khó đi Spa tút tát lại nhan sắc và tự hứa với mình sẽ chỉ gặp Dũng vào buổi tối. Dũng đã "lách qua khe cửa hẹp" để vào "cư trú" trong tâm hồn người phụ nữ vốn ghét chuyện lăng lăng hay chính Dung đã mở toang cửa cho Dũng thản nhiên bước vào, điều đó không cần lý giải. Chỉ biết rằng từ khi có Dũng, Dung vui vẻ, yêu đời và trẻ ra. Dung như ngọn núi lửa được đánh thức.
Dũng không phải trai bao, Dung tặng xe máy, điện thoại hay quần áo hàng hiệu phải năn nỉ đứt lưỡi thì Dũng mới nhận. Dung cũng không lý giải được tại sao gần trọn cuộc đời lại bỗng dưng như thế. Dung khát khao gặp Dũng hàng ngày. Dũng trẻ trung như vậy mà nhiều lần Dũng phải tắt máy điện thoại. Dung đã tìm tận nơi Dũng trọ. Rồi một ngày Dũng buộc phải chuyển nhà, thay số điện thoại, gửi lại Dung một dòng tin nhắn "em xin chị đừng tìm em nữa”.
(còn nữa)
Hùng Sơn
Phóng sự - Pháp Luật Xã hội:
Chủ Nhật, 05/12/2010 09:33 (PL&XH) - Chuyện của ông Chung là vậy, vốn chỉ là anh thợ xây ở quê ra thành phố, học chưa hết phổ thông nhưng được cái mã cao to, khéo ăn nói lại thạo việc.
Xin các bậc trưởng lão, bụng phệ, trán hói, thường "nhả ngọc phun châu" về chuyện gìn giữ hạnh phúc gia đình, hãy một lần rộng lòng tha thứ. Nếu đọc bài viết này mà có giật mình, vò đầu thì hãy lẩm nhẩm thôi (chắc cũng chả dám nói to vì sợ lộ) rằng "nó nói ai chứ không phải mình".
Vâng, tôi cũng chỉ dám "nói ai đó thôi" chứ đâu dám xâm phạm đời tư của các vị. Hơn nữa mọi cuộc tình đều có "lý lẽ" riêng, thuyết phục lắm, xúc động lắm, nếu được nghe kể có khi ngay cả các bà vợ vốn "cả đời ăn ớt" chắc người cũng nhũn ra nước mắt sụt sùi: Thôi, ông hãy thuơng lấy nó nhưng cấm được bỏ bê tôi, phận đàn bà cả.
Khổ thân. Chuyện của ông Chung là vậy, vốn chỉ là anh thợ xây ở quê ra thành phố, học chưa hết phổ thông nhưng được cái mã cao to, khéo ăn nói lại thạo việc. Một lần được sếp gọi đến sửa lại nhà, ngu ngơ thế nào dính ngay lưới tình của con gái sếp. Dĩ nhiên anh thợ xây mà bị con gái sếp giăng bẫy thì chả nói ai cũng biết tỏng là nhan sắc của cô ta ở mức nào. Phận nghèo thôi thì cũng "đành lòng vậy, cầm tiền vậy" mà nhắm mắt, nhắm mũi để cô ta lấy mình.
Đúng là đầu óc của anh thợ xây chỉ nghĩ được ngắn như… viên gạch. Anh ta đâu có nghĩ được ông bố vợ sau vài năm đã biến tay thợ xây thành một ông trưởng phòng có bằng cấp hẳn hoi. Phỉ phui cái mồm thiên hạ "độc địa" bảo ông gả cho con gái cho cái thằng cầm dao gõ gạch đi nhé. Rồi ông cũng "phù phép" cho con rể leo lên chức phó giám đốc và trước khi hạ cánh ông cũng kịp nở nụ cười mãn nguyện khi "cái thằng thợ xây" ung dung ngồi ghế giám đốc.
Mấy chục năm tay ấp, gối kề với bà vợ mà các thẩm mỹ viện luôn nhiệt liệt đón chào, ấy vậy mà chưa khi nào người ta thấy ông Chung "rẽ ngang, rẽ dọc" dù dưới quyền ông cũng có ối em "ngọt nước" sẵn sàng cho ông "uống" thả phanh. Đòng đưa chả được, chị em đành chép miệng thì thầm: Sếp cũng muốn chén nhưng sợ vợ nên buộc lòng phải nhắm mắt làm ngơ thôi.
Thế có oan cho ông không kia chứ. Ở Cty ai mà chả biết ông "quán triệt" tới từng người tuyệt đối không được léng phéng, nếu ai mà như vậy thì ông sẽ đưa ra toàn Cty để tất cả "rút kinh nghiệm". Ra "đòn" như thế thì "ác" quá, mấy gã có máu lăng nhăng chỉ còn biết lẩm bẩm: Hay là sếp hỏng mất rồi nên "ghen" với anh em mà làm vậy.
Đúng là mấy gã "ngựa non háu đá", ăn nói lung tung, cái kiểu "thấy hoàng tử không đeo kiếm mà bảo hoàng tử không biết võ" thì có ngày trắng mắt ra chứ đùa à. Chỉ có bà vợ là biết ông thế nào, nhưng có kề súng vào tai mà tra thì cũng chả bao giờ bà khai. Còn tay thư ký của ông thì biết một bí mật (có thể gọi là "bí quyết") để ông chiến thắng đối thủ trong những cuộc đấu thầu đó là phải có gái đẹp. Một lần say bí tỉ ông đã đưa ra "triết lý": Tiền cũ hay mới đều tiêu được tuốt, nhưng đối với những người có tiền thì chỉ có gái mới, gái đẹp họ mới dùng.
Bà vợ ông mới 50 đã xin về một cục ở nhà chăm sóc ông vì có 2 cô con gái đều đã gả chồng. Mà 2 thằng con rể sao giống tính nhau thế không biết, cho bao nhiêu tiền đều "con xin" nhưng bảo đưa vợ con về ở cùng ông bà thì lắc đầu theo kiểu "hãy nói không với ma tuý". Rồi chả biết nghe ai nói bà căn cao số nặng phải trình đồng mở phủ, thế là bà suốt ngày vui vầy với mấy "cô". Nhiều đêm ông muốn lắm nhưng bà xin khất vì "mai tôi đi chùa, làm thế có…tội". "Lý sự" thế nghe thấy lạnh sống lưng, ai còn dám bén mảng.
Một hôm bà lôi về đứa ô sin, 17 tuổi nghe bảo bố mẹ nó bỏ nhau từ khi nó 2 tuổi. Ở với ông bà mới được một tháng bà đã ưng ý lắm, nó sáng dạ, việc gì nói một lần là nhớ, là làm được, lại sạch sẽ, gọn gàng, thật thà. Những hôm vắng nhà bà giao toàn quyền cho ô sin trông coi nhà cửa, cơm nước cho ông. Quyên, tên cô ô sin ở với ông bà một năm thì lớn phổng phao, da dáng thiếu nữ, ông rất quí, rất thương.
Ông mời giáo viên giỏi đến nhà dạy Quyên học cắt may, bà cũng ủng hộ điều đó để Quyên có cái nghề sau này mà kiếm được cơm không phải dựa vào chồng. Còn ông tuy không nói ra nhưng trong đầu đã nhắm sẵn cho Quyên một chàng trai ở Cty.
Nhưng rồi kế hoạch bị phá sản theo kiểu mà ai cũng…đoán được. Một đêm ông đi tiếp khách về, uống không nhiều nhưng bị trúng gió, mặt mũi tái nhợt, chân tay lạnh cóng. Bà đi chùa, Quyên hốt hoảng đánh gió cho ông. Ông tỉnh, rồi ông mê man, đầu óc mụ mị bởi cảm giác bàn tay Quyên đang xoa trên cơ thể mình. Từng thớ thịt nhức mỏi, tê cóng bỗng nóng phừng phừng. Ông muốn bảo Quyên về phòng nhưng cổ nghẹn lại, và ông buông lơi.
Mấy tháng sau bà gọi ông "họp kín". Ông thề là đêm ấy vì ông say và chỉ làm một lần duy nhất. Bà cũng chả biết nên tin hay không nhưng có một sự thật sờ sờ là bụng Quyên ngày một lớn. Nghe bà nói mà ông chết lặng, có lẽ ông xin về hưu chứ mặt mũi nào mà đến Cty nữa. Ông xin bà nói với Quyên bỏ cái thai đó đi rồi cho Quyên tiền về quê. Bà lắc đầu: Làm thế có tội, trời đánh, Thánh vật đấy.
Hùng Sơn
(còn nữa)
Phóng sự - Pháp Luật Xã hội:
Thứ Hai, 06/12/2010 09:33 (PL&XH) - Nhiều người còn "phán" rằng ai mà trong đời chưa một lần gặp "sét đánh" thì thật là uổng phí. Mà sao bây giờ nhiều người bị "sét đánh" thế không biết.
Có thể tình yêu như sét đánh
Dội xuống đầu ai một buổi nào
Cơn choáng qua đi tình yêu cũng chết
Chia tay rồi vẫn chưa hiểu vì sao.
Chả biết ông nhà thơ này trong đời sống thực đã bị bao nhiêu lần "sét đánh" chết đi sống lại để viết được những câu thơ hay như vậy. Mà có lẽ (có lẽ thôi đấy nhé) những vần thơ trên nói về tình yêu thời chưa vợ, ấy vậy mà các quí ông, quí bà lại vơ vào như là một "bửu bối" để giải thích, biện minh cho những cuộc tình ngoài vợ ngoài chồng của mình.
Tí táy tí mẻ với nhau rồi "nâng cấp" lên thành tình yêu, rồi nỉ non rằng "chết" ngay từ cái nhìn đầu tiên, bị "sét đánh" ngã sấp ngã ngửa, chân tay nhũn ra, mắt hoa quên cả đường lê về tổ ấm thì đúng là cao thủ quá. Chuyện, khi mà đã "trùng máu" rồi thì mọi chuyện gớm ghê dưới gầm trời này đều bé như… mắt muỗi.
Thậm chí nhiều người còn "phán" rằng ai mà trong đời chưa một lần gặp "sét đánh" thì thật là uổng phí. Mà sao bây giờ nhiều người bị "sét đánh" thế không biết. Có người một tháng trời mà bị "sét đánh" đến mấy lần thì còn gì là người ngợm. Mà đã dính "sét" thì kiểu gì cũng bị hất văng vào nhà nghỉ. Khổ thật. Thương quá cơ.
Sao ông giời ác thế không biết. Mà nói thật (là tôi nghe… kể vậy) những người bị "sét đánh" đều ngơ ngẩn, mụ mị đầu óc, người thì lúc nào cũng như "phát rồ phát dại" chỉ nhăm nhăm có cơ hội là lao đến với người tình cho thoả khát khao. Chả thế mà ối người bị "sét đánh" một lần "chết" đứ đừ khi tỉnh ra không hoảng hốt lại còn cầu trời cho thêm một lần gặp "sét đánh". Rõ là tham lam.
Ảnh minh họa
Đấy, nói đâu xa em Huyền ở khu phố tôi (này, đừng có mà bảo tôi đàn ông đàn ang mà "buôn dưa lê" đấy nhé, vì chuyện này có toà… làm chứng) dù con gái nhà nghèo ở quê nhưng trông "vừa miếng" lắm nên được con quan có cái nhà to vật vã nhất phố rước về làm vợ.
Tiếng là gái quê nhưng Huyền cũng tốt nghiệp đại học đàng hoàng dù bị Hưng, chồng Huyền bây giờ "chăn dắt" từ khi tấp tểnh bước vào đại học nhưng cũng "cố thủ" đến khi ra trường mới chịu làm đàn bà trước khi về nhà chồng một tháng. Thế cũng đáng ghi nhận cho sự "kiên trung" của Huyền lắm rồi. Mà Hưng dù có bố “làm to” nhưng ngoan lắm, không hề đua đòi, công việc ổn định, cứ hết giờ làm là lại về cung cúc với vợ. Một năm sau ngày cưới Huyền sinh quí tử.
Khỏi phải nói gia đình chồng mừng như thế nào, bà con trong phố đều bảo đúng là có bao nhiêu may mắn, sung sướng giời cho nhà ấy hết. Mà Huyền cũng thấy vậy, nhà thì rõ nghèo may mà có Hưng chu cấp cho 4 năm đại học không thì chưa biết có trụ nổi không. Ra trường bố chồng xin ngay cho vào một Viện nghiên cứu, công việc nhẹ nhàng, kinh tế thì khỏi phải nghĩ, chồng dù "hơi lành một tí" nhưng ối đứa nhìn cũng muốn "nổ con mắt" chứ chẳng đùa.
Cuộc đời Huyền có lẽ vô cùng mãn nguyện nếu như không có cuộc gặp định mệnh với Trung. Hôm ấy Viện của Huyền tổ chức buổi giao lưu với trường đại học kết nghĩa, làm phó chủ tịch công đoàn, Huyền được giao toàn quyền lo cho cuộc giao lưu này. Đêm xuống, bên đống lửa, Trung- gã bí thư đoàn trường có đôi mắt ti hí ôm đàn ghi ta hát. Mẹ ơi, sao mà gã hát hay thế không biết, từng lời, từng lời cứ như đổ nước đường vào tai con người ta thế này, có chết không cơ chứ.
Đàn hát chán gã còn lôi cả ca dao ra tỉa tót " Bây giờ em đã có chồng/ Như chim vào lồng như cá cắn câu". Ô hô, thế là rõ ràng gã nhằm thẳng vào Huyền mà tán tỉnh rồi còn gì, vì ngó đi ngó lại cả đoàn chỉ Huyền có chồng mà trông còn làm liêu xiêu gã chứ mấy "mụ" kia cho vào nồi áp suất hầm hết cả bình ga vẫn còn dai ngoách.
Huyền má ửng đỏ vì giọng hát của gã, may mà còn có đống lửa để có cớ đổ lỗi không thì lộ hết. Đêm giao lưu tàn rồi mà người Huyền vẫn u u mê mê, cố không nhớ nhưng hình ảnh Trung với mái tóc dài, gương mặt lành lạnh ôm đàn bên đống lửa hát vẫn cứ như thiêu đốt ruột gan Huyền. Hôm sau máy điện thoại đổ chuông, số của Trung gọi, Huyền vội vàng ấn OK, đầu bên kia vang lên bản "Hạ Trắng" của Trịnh Công Sơn. Khi Trung chơi đến đoạn "đời xin có nhau, dài theo mãi sau, nắng không nhuộm màu, áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau" thì Huyền đánh rơi máy.
Chuyện Huyền bị tiếng sét ái tình đánh gục, ngã lăn lóc, văng hết nhà nghỉ này đến nhà nghỉ khác cùng Trung xin không nói đến kẻo ối người lại chép miệng. Chỉ biết rằng Huyền gom góp tiền bí mật mua một căn hộ chung cư chờ ngày hai người được sổ lồng về vui vầy cùng nhau.
Huyền khóc rất nhiều (cứ như là oan ức lắm, cứ như là Hưng là kẻ tệ bạc lắm) khi chìa lá đơn ly dị cho chồng. Hưng sửng sốt, không hiểu chuyện gì xảy ra, nhiều người biết chuyện sau này phũ mồm nói đàn ông mà "ếch" như vậy thật… đáng đời. Hưng không ký nhưng Huyền vẫn gửi lên toà đơn phương ly dị.
Một lần đang hú hí bên Trung chợt máy điện thoại của Huyền đổ chuông, Hưng thông báo con bị ngã phải vào viện. Huyền không dừng mà vẫn tiếp tục cuộc vui, có thể Huyền sợ làm Trung mất hứng, có thể Huyền nghĩ con vào viện đã có đại gia đình nhà chồng lo rồi. Chỉ biết rằng sau lần đó, Trung biết chuyện đã không nghe máy khi Huyền gọi nữa. Họ ra đi theo đúng kiểu "chia tay rồi vẫn không hiểu vì sao".
(còn nữa)
Hùng Sơn
Phóng sự - Pháp Luật Xã hội:
Thứ Tư, 08/12/2010 16:00 (PL&XH) - Không chỉ phụ nữ đâu mà cả đàn ông, ai cũng muốn có một gia đình êm ấm. Hãy coi những người đó bị "giời hành", bởi sau những phút giây thăng hoa là cả một đời buồn đau tê tái, họ đâu có sung sướng gì.
Tôi không đủ "trình" để bảo vệ hay có quyền phê phán đối với các quí ông, quí bà "chân trong, chân ngoài". Bản ngã của con người ai cũng cầu mong một gia đình hạnh phúc, bởi vậy những sự thật xảy ra trong cuộc sống của những người "ngoài chồng, ngoài vợ" đều có nguyên nhân của nó, khi không vượt qua được người ta đều lôi "số phận" ra để nguỵ biện cho mình.
Cuối cùng, xin khép lại loạt bài viết này (đề tài mà viết mãi cũng chả hết chuyện) bằng cuộc trò chuyện với một bạn đọc mà theo giới thiệu năm nay chị 52 tuổi đang làm ở một Hội phụ nữ từng có rất nhiều năm, nhiều lần phải "xía vô" chuyện nhà người khác.
“Thoát” cơn “say sóng”
Thuy52… : Đúng ra chị với chú có cuộc gặp, nhưng chị lại thích nói chuyện trên mạng thế này, nói trên mạng không ngại và có vẻ "thật" được với nhau hơn. Chắc chú đã có gia đình?
Sonplxh…: Cháu gái nhà em 11 tuổi, cháu trai 6 tuổi.
Thuy52… : Chú đẻ giỏi nhỉ. Điểm 10 rồi đó.
Sonplxh…: Ơ, em có… đẻ được đâu.
Thuy52… : Thế cô nhà tự nhiên sinh cho chú 2 đứa con chắc.
Sopplxh…: Chị đúng là làm ở Hội phụ nữ, mới thế đã "bảo vệ" cho chị em rồi.
Thuy52… : Đối với đàn ông các chú thì phải "rắn mặt" ngay từ đầu mới mong "trị" được. Chị hỏi, chú phải trả lời thật nhé, chú làm nghề báo, giao tiếp rộng chắc cũng hơn một lần... "mất hồn mất vía" với ai đó?
Sonplxh… : Chị hỏi khó thế. Trong cuộc đời ai cũng có những niềm riêng chị ạ.
Thuy52… : Tốt. Chú có vẻ thành thật.
Sonplxh… : Vâng, vì mấy khi "được" hỏi đâu. Thế còn chị thì sao?
Thuy52… : Chị á? Chị già rồi.
Sonplxh… : "Trẻ chơi bạn trẻ, già choang bạn già"
Thuy52… : Khiếp. Đúng là miệng lưỡi nhà báo. Chú định truy chị tới cùng hả?
Sonplxh… : Thì chị đã "mặc cả" cuộc nói chuyện này chúng ta "thành thật" đó thôi.
Thuy52… : OK. Thời trẻ chị cũng đã từng bị "say sóng"
Sonplxh… : Và chị đã bị sóng tình nhấn chìm?
Thuy52… : Ơn giời không phải vậy. Cũng chả biết như thế là "may" hay "dở" nữa. Chú có tin không?
Sonplxh…: Hừm, chị đã "thoát" được "cơn say" đó thế nào?
Thuy52…: Chị "phải lòng" một anh bên phòng văn hoá huyện. Cái giống đã phải lòng nhau thật khổ, nhớ nhung vật vã như người mất hồn. Mình là gái có chồng rồi chỉ biết nín nhịn thôi.
Sonplxh…: Tại thời đó không có điện thoại di động, không có internet và không có nhà nghỉ như bây giờ?
Thuy52…: Đúng, đúng. Hoàn cảnh và xã hội góp một phần lớn "tiếp tay" hay "ngăn cản" họ phạm sai lầm. Mọi cuộc ngoại tình đều dẫn đến nhà nghỉ, nếu không có sự chung đụng về thể xác thì "ngoại tình trong tư tưởng" cũng nhanh chóng chết thôi.
Sonplxh…: Có nghĩa bây giờ thiên hạ có "điều kiện" để làm chuyện đó và đấy là sự lý giải vì sao ngày càng có nhiều người có "những niềm riêng"?
Thuy52…: Tất nhiên. Nhiều đêm nằm nghĩ lại, nếu chuyện xảy ra bây giờ chắc chị cũng không "thoát" được.
Có ai chê “chả, nem”?
Sonplxh…: Mọi cuộc tình đều có những "lý lẽ" riêng?
Thuy52…: Điều đó đúng rồi. Ví dụ một cô sinh viên mới ra trường đi làm, muốn được sếp nâng đỡ thì… Nói như các cụ ta là "ông mất chân giò, bà thò chai rượu".
Sonplxh…: Cũng nhiều người đến với nhau từ tình cảm chân tình, không vụ lợi.
Thuy52…: Có. Những cuộc tình này thật khó dứt, nói văn vẻ là họ đã tìm được "một nửa" của nhau.
Sonplxh…: Và kết quả là…
Thuy52…: Những cuộc ly hôn và những đám cưới. Nhưng điều đó không nhiều. Chủ yếu ngoại tình bây giờ họ nhằm thoả mãn dục vọng thôi.
Sonplxh…: Đàn ông thật đáng trách chị nhỉ?
Thuy52…: Chưa hẳn vậy. "Bản chất" đàn ông là dễ sa ngã, nhưng nếu không có cơ hội thì họ không thể "ngã" được. Chị em cũng nên nhìn lại mình, "chả, nem" mà cứ bày ngồn ngộn ra thì ai mà chê.
Nghệ thuật giữ chồng (vợ)
Sonplxh…: Chị này, nếu một ngày chị phát hiện chồng có bồ thì chị sẽ "xử" thế nào?
Thuy52…: Khó đấy. Nhưng trước tiên là phải biết chính xác nguyên nhân. Ông ta bị "chài" hay ông ta tí tởn dửng mỡ mà muốn "đổi gió", thậm chí là muốn đổi hộ khẩu.
Sonplxh…: Chị có dám chắc là sẽ bình tĩnh như vậy chứ không nổi cơn tam bành lên ngay không?
Thuy52…: Đánh ghen chưa khi nào được cho là hay ho để giữ chồng, chưa biết chừng còn vào tù nếu "quá tay".
Sonplxh…: Vậy thì phải làm sao? Chả lẽ cứ để họ nhong nhong thế à?
Thuy52…: Phải đối thoại, phải có nghệ thuật em ạ. Nếu nổi cơn tam bành hay bất cần kiểu ông có thì tôi cũng có thì chỉ mệt cho mấy bác toà án.
Sonplxh…: Đó là điều chị đã rút ra sau bao nhiêu năm đi hoà giải cho các gia đình bên bờ ly tán?
Thuy52…: Đúng vậy. Vì vợ chồng có khi ở hết đời cũng chả hiểu hết được nhau đâu, chỉ khi "sinh chuyện" mới "vỡ" ra nhiều điều. Nhiều gia đình sau cơn sóng gió càng bền chặt hơn, dĩ nhiên là họ đều phải biết nín nhịn và đừng đề cao cái TÔI của mình.
Sonplxh…: Chị làm ở Hội phụ nữ và cũng từng bị "say sóng", theo chị những người ngoại tình rất đáng lên án?
Thuy52…: Không chỉ phụ nữ đâu mà cả đàn ông, ai cũng muốn có một gia đình êm ấm. Hãy coi những người đó bị "giời hành", bởi sau những phút giây thăng hoa là cả một đời buồn đau tê tái, họ đâu có sung sướng gì.
Sonplxh…: Chị à, nói chuyện với chị thật thú vị, em đăng bức chát này nhé?
Thuy52…: Hi… Nhưng không đăng nick thật của chị đâu đấy.
Hùng Sơn
hoang ha