Mỹ, Anh 'đánh xuôi', Trung Quốc, Nga 'thổi ngược'

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :3:18 PM, 14/04/2011
Lãnh đạo Nhóm 5 cường quốc mới nổi lớn nhất thế giới (BRICS) khẳng định trong hội nghị thượng đỉnh của nhóm rằng, chiến sự tại Libya nên được giải quyết thông qua con đường ngoại giao, tránh sử dụng vũ lực, ngược với nhiều nước phương Tây.

“Cũng giống như bốn thành viên khác của BRICS, Nga đặc biệt quan tâm tới tình hình chiến sự tại Libya cũng như cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này”, Tổng thống Nga Medvedev nhấn mạnh sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Tam Á, Trung Quốc kết thúc.

Theo ông Medvedev, lãnh đạo 5 nước cùng nhất trí rằng, các nỗ lực chính trị và ngoại giao chính là chìa khóa cho tình hình Libya hiện nay.

Tuyên bố chung của hội nghị cũng nhấn mạnh, các thành viên BRICS đồng lòng hướng tới một giải pháp hòa bình cho các quốc gia ở Trung Đông và châu Phi và kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ lực trong các cuộc xung đột tại hai khu vực này.

“Chúng tôi cam kết tiếp tục các nỗ lực hợp tác với Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc để tìm ra giải pháp cho tình hình Libya”, tuyên bố chung của BRICS khẳng định.

Nga và Trung Quốc – hai thành viên thường trực của Hội đồng bảo an cũng vận động để Brazil, Ấn Độ và Nam Phi có vai trò lớn hơn tại Liên Hiệp Quốc, đồng thời kêu gọi "cải cách toàn diện" tổ chức này, trong đó có Hội đồng bảo an, "nhằm hướng tới một tổ chức hoạt động hiệu quả hơn".

Lãnh đạo BRICS lên tiếng về tình hình Libya.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần 3 tại Trung Quốc, lãnh đạo nhóm BRICS cũng ủng hộ các động thái cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế và cảnh báo giá cả hàng hóa bất ổn có thể làm chậm tiến trình phục hồi của toàn cầu.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước chủ nhà Hồ Cẩm Đào, hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS với chủ đề "Nhìn về tương lai, cùng hưởng phồn vinh" chủ yếu tập trung vào việc tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các nước thành viên về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, kiềm chế sự biến động về giá hàng hóa, tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Dư luận đặc biệt quan tâm tới hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này bởi sự có mặt của Nam Phi, được Trung Quốc mời gia nhập nhóm hồi cuối năm 2010. Với sự góp mặt của Nam Phi, nhóm này càng gia tăng vị thế và ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế.

Nhóm BRICS có số dân chiếm 42% dân số thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 18% GDP thế giới và kim ngạch thương mại chiếm 15% toàn cầu trong năm 2010.

Nhóm BRICS ngày càng phát huy vai trò tích cực, trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), phần đóng góp của nhóm này cho tăng trưởng kinh tế thế giới tăng từ 13,1% năm 2000 lên hơn 60% năm 2010. Dự kiến đến năm 2014, nhóm này sẽ chiếm tới 61% tăng trưởng toàn cầu.

Trà My (theo Ria Novosti)

Cập nhật lúc :10:27 AM, 13/04/2011
Nhóm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đang phát triển nhanh, vươn lên thành đối trọng với phương Tây.

Cân bằng hơn

Trong hệ thống kinh tế và chính trị mà phương Tây chiếm vị trí chi phối, sự phân phối của cải và sức mạnh không được phân chia đều giữa các nước đang và đã phát triển.

7 nền kinh tế lớn nhất phương Tây từng chi phối gần như toàn bộ nền kinh tế thế giới. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, cán cân này dần trở nên cân bằng hơn, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 với sự suy yếu tương đối của phương Tây (điển hình là Mỹ, Nhật và Tây Âu) và sự lớn mạnh của một số nước đang phát triển (nổi bật là 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Và dù kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục nhưng tỉ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất hành tinh vẫn ở mức 8,5% và nợ Chính phủ còn rất lớn. Nhiều quốc gia châu Âu tiếp tục vật lộn với nợ công và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 của loài người, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ và giờ gặp thêm khó khăn sa hai thảm họa động đất và sóng thần.

Trong khi đó, các nước đang phát triển nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và lấy lại đà tăng trưởng nhanh. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, các nước này đạt tốc độ tăng GDP là 7,1% năm 2010 và 6,4% năm 2011.

Để thấy rõ sự thay đổi này hơn thì Xinhua đưa ra sự so sánh: hai thập kỷ trước, 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm 70% GDP toàn cầu nhưng giờ họ chỉ còn chiếm 50%. Và hiện G20 chứ không phải G7 mới là thể chế kinh tế quan trọng nhất thế giới.

Các nước đang phát triển ngày càng đóng vai trò quan trọng.

BRICS – đối trọng của phương Tây?

"Thị phần" của các nước đang phát triển tăng lên phần lớn là nhờ sự phát triển mạnh của 5 nền kinh tế "đầu tàu" là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Sau khi đạt mức tăng trưởng 9,2% năm 2009, GDP Trung Quốc năm 2010 là 10,3 và có thể vượt mức 8% trong năm nay. Ấn Độ được dự đoán đạt tốc độ 8,6% trong năm nay và sẽ là 9% trong các năm sau nữa.

Brazil đạt mức tăng trưởng 7,5% năm 2010 và lần đầu tiên, GDP vượt mức 2.000 tỷ USD. Nếu tính theo sức mua, Brazil vượt Pháp, Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Nga sau một thời gian suy yếu cũng lấy lại đà tăng trưởng ở mức 4% năm 2010 và nhờ giá dầu tăng, họ có thể đạt mức 4,2% năm nay.

Còn Nam Phi, sau khi đạt mức tăng 2,8% năm 2010, ngân hàng nhà nước của họ dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 3,7% và 3,9% trong các năm 2011 và 2012.

Kết quả của sự lớn mạnh đó là chỉ 5 nước BRICS hiện chiếm 40% dân số thế giới và 18% GDP toàn cầu.

Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Brazil đang là những "đầu tàu" mạnh.
Cùng với đà hồi phục kinh tế nhanh của từng nước, sự hợp tác kinh tế và giao thương nội khối BRICS cũng tăng nhanh. Với mức tăng trung bình hàng năm là 28% trong giai đoạn 2001 – 2010, kim ngạch thương mại nội khối BRICS đạt mốc 230 tỷ USD năm 2010.

Nga được gọi là "trạm nạp khí đốt của thế giới" với nguồn dầu và khí khổng lồ. Brazil là “cơ sở nguyên liệu thô” của loài người với rất nhiều quặng sắt và đậu tương. Trong khi đó, Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới” và Ấn Độ là “văn phòng của thế giới” nhờ đội ngũ công nhân viên trong ngành công nghệ thông tin và dịch vụ có trình độ cao.

Về phía Nam Phi, dù nền kinh tế vẫn còn tương đối nhỏ nhưng họ vẫn lớn nhất và có ảnh hưởng nhất châu Phi. Nhờ Nam Phi, BRIC dễ dàng tiến vào “lục địa đen” tìm kiếm cơ hội và ngược lại.

Brazil và Nga cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc và Ấn Độ, ngược lại, Bắc Kinh và New Delhi cung cấp các dịch vụ và sản phẩm khác cho Brasilia và Moscow.

Tuy nhiên, nói như vậy quan hệ nội khối BRICS vẫn còn nhiều thách thức bởi giữa các nước thành viên tiếp tục tồn tại sự cạnh tranh và nghi kỵ lẫn nhau.

Đơn cử như với tư cách là hai nền kinh tế đang nổi, Trung Quốc và Ấn Độ cạnh tranh gay gắt nhằm chiếm lĩnh thị trường và các nguồn tài nguyên. Nga và Brazil cũng gặp tình trạng tương tự khi bước vào lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài ra, giữa các bên của BRICS vẫn còn tranh chấp lãnh thổ và bất đồng chính trị trong nhiều vấn đề.

Do đó, chỉ khi BRICS gác lại bất đồng, thống nhất với nhau trong các vấn đề lớn như phát triển kinh tế, an ninh toàn cầu, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, phát triển ngành hàng không vũ trụ, năng lượng mới…thì BRICS hoàn toàn có thể trở thành một “tay chơi” lớn, đại diện cho các quốc gia đang phát triển, trở thành đối trọng với phương Tây.

Cơ hội cho BRICS đối thoại đang tới rất gần khi ngày mai, lãnh đạo của BRICS sẽ nhóm họp ở Trung Quốc.


Nam Việt (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét