Hoàng Cầm - Mãi 'níu xuân xanh'

Tiền Phong Online:
10:13 | 23/04/2011

TP - Tròn một năm ngày thi sỹ diêu bông ra đi, những người yêu mến thơ ông quần tụ để tưởng nhớ về con người tài hoa.

Trưng bày ảnh chụp Hoàng Cầm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán
Trưng bày ảnh chụp Hoàng Cầm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

Cuộc họp mặt diễn ra ngày 22-4 tại Hội Nhà văn Hà Nội. Khán phòng trưng bày bộ ảnh đen trắng do Nguyễn Đình Toán chụp, miêu tả Hoàng Cầm đạp xe trên phố, hút thuốc lào, nghĩ ngợi hoặc nhìn xa xôi.

Nguyễn Trọng Tạo, một người em thân thiết với Hoàng Cầm, khẳng định: “Thơ Hoàng Cầm tươi mới, đầy ma lực. Đó là thứ âm nhạc du dương, réo rắt đi vào lòng người lúc nào không biết. Hoàng Cầm làm thơ tình hay vì ông rất cả tin, ảo tưởng về tình yêu. Nhiều khi ông cứ tưởng cô gái này cô gái kia yêu ông nhưng thực tế thì họ chỉ yêu thơ ông mà thôi”.

Đạo diễn Anh Tú nhớ lại, khi gặp Hoàng Cầm để xin phép dựng vở kịch thơ Kiều Loan, thi sĩ dặn dò: “Làm thế nào thì làm nhưng phải gây được cú sốc”. Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì kể: “Ngày trước, dịch giả- nhà báo Phan Khôi xem Kiều Loan đã thốt: Thơ hay thế này, kịch hay thế này thì nước mình nô lệ thế nào được. Nhưng vì nhiều lý do, mấy chục năm sau, Kiều Loan mới trở lại sân khấu”.

Nguyễn Thuỵ Kha cũng đề xuất ý tưởng nghệ nhân quan họ có thể hát thơ Hoàng Cầm, bởi thơ ông mang âm hưởng các làn điệu quan họ một cách sâu sắc.

Hoàng Cầm - Thơ, tên tuyển tập do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành, khá dày dặn, công phu. Cuốn sách có các phần: Thơ - giới thiệu nguyên vẹn tập Về Kinh Bắc; Kịch thơ -Kiều Loan; Truyện thơ - Men đá vàng; Thủ bút và các minh họa. Ngoài ra, còn có bài viết về Hoàng Cầm của Hoàng Hưng, Nam Dao và Nguyễn Thụy Kha.

Hoàng Hưng cho rằng: “Truyền thông góp phần làm cho công chúng cảm nhận phiến diện về Hoàng Cầm. Suốt hai thập niên, ông luôn xuất hiện như một khách thơ tài hoa đa tình quanh quẩn với hai loại tình: Tình quê hương quan họ và tình chị - em độc đáo. Ông bị chế biến thành món giải trí dễ dãi cho số đông tò mò hơn là người thưởng thức văn chương”.

Hoàng Hưng khẳng định: “Hoàng Cầm đa dạng hơn những gì công chúng thấy, Hoàng Cầm có lúc bi phẫn và có lúc mang gương mặt hùng của một người lính... Tác phẩm gắn chặt nhất với tên tuổi Hoàng Cầm là Về Kinh Bắc”.

Lương Xuân Đoàn, một trong ba họa sĩ minh họa tập thơ, nói: “Thơ Hoàng Cầm tự lúc nào cứ bay lượn trong đầu tôi. Thời gian minh họa cho cuốn sách này là những ngày rất xúc động của tôi. Động đến chữ nào của ông tôi cũng thấy hình trong ấy, vẽ ra không xuể”.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy


tienphong.vn - Văn hoá
09:03 | 23/05/2010

Thi sĩ Hoàng Cầm: Một cuộc tình suốt đời ân hận

TP - Lạ, lên tám, mới nứt mắt ra đã yêu. Yêu một mình mãnh liệt. Có thế mới bật ra được một 'Lá diêu bông' để đời. Tôi hỏi vị tiền bối đã có mấy cuộc tình trong đời? Ông xoáy cái nhìn vào tôi, hóm hỉnh: - Trai gái chơi bời không kể, nhá! Sâu nặng với nhau, là Năm. Năm cái. Nhưng cái này nó đau xót quá, hối tiếc quá. Đã đến lúc phải nhắn lại đời thôi.


Không gian vắng lặng tràn ngập khắp gian phòng tầng dưới ngôi nhà tuềnh toàng giữa lối hút sâu phố Lý Quốc Sư, Hà Nội sau buổi trưa đầu hè càng làm thêm nặng suy tư ở cả người kể lẫn người nghe…

Số phận trớ trêu

Dạo đó, cuối năm Bốn chín, thời kỳ cam go nhất của gia đình. Hai cụ thân sinh cùng bà Hoàn vợ ông một nách ba con nhỏ lếch thếch tản cư lên Thanh Lang cạnh sông máng Phú Bình, Thái Nguyên. Tiền giắt theo người hết nhẵn.

Làm con hiếu thảo, con dâu thay chồng nuôi bố mẹ chồng càng cần hiếu thảo hơn. Vợ ông giấu giấu giếm giếm để con chịu rét, ăn đói, dành tấm áo, miếng cơm cho ông bà. Thế là bà kiệt sức chết. Đứa con gái út lên bốn cũng theo mẹ vì đói, rét. Nhà báo Hoàng Kỳ năm đó lên tám cũng nhớ như bố Cầm kể.

Ở trên Việt Bắc, Trưởng đoàn văn nghệ kháng chiến liên khu Hoàng Cầm hay tin đó – mà biết làm sao! Cũng như anh em đồng chí trong đơn vị - mỗi người mỗi cảnh. Hơn nữa, bộ đội đang rất khó khăn. Gạo từ dưới xuôi lên thì giặc Pháp ác hiểm: đốt kho thóc, chặn đường tiếp tế. Củ mài, măng, rau… quanh khu vực đóng quân đã đào bới hết.

Đói – đầu gối phải bò, cán bộ, chiến sĩ vào rừng sâu, leo núi cao đào củ nâu về, thái quân cờ, bỏ rọ ngâm nước suối một ngày đêm cho ra nhựa bớt chát. Luộc ăn lót bụng. May mà ở văn nghệ, nay đây mai đó. Vào dân có ngô ăn ngô, có sắn ăn sắn… Mà bà con các dân tộc thì rất thương bộ đội, rất thích văn nghệ.

Giặc Pháp thua đau trong chiến dịch thu đông 1947, phải rút khỏi địa bàn ATK Thái Nguyên – Tuyên Quang – Bắc Kạn, chúng nống lên phía Bắc, càn quét vùng xuôi, hình thành thế vây chặt chiến khu. Ta phá thế kìm kẹp. Thử đánh công kiên chiến, chiếm Thất Khê để giải tỏa đường Bốn. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ chỉ huy bốn trung đoàn, có một F pháo. Quân ta ém sát tứ phía, đợi giờ G đêm ấy bằng loạt pháo kích.

Cánh văn nghệ đi thực tế có Văn Cao, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Toàn là Phó của Hoàng Cầm…, ngồi tán gẫu dưới chân đồi. Bên trên cách chừng trăm rưỡi mét là Sở chỉ huy của ông Vương. Đêm, sương núi thấm lạnh, đợi lâu mấy bố buồn ngủ, thèm thuốc. Bèn bàn nhau hút trộm. Phì phèo thuốc lá thì không ổn rồi. Thuốc lào đã có “ba dô ca” đem theo, vừa rít cho đã, vừa dễ dấm dúi khỏi lộ “hạt tiêu”.

Mai Văn Hiếu, Hoàng Cầm cao lớn nhận cầm hai đầu chăn dạ che mắt địch, che cả mắt… Thủ trưởng. Ông già Nguyễn Tuân được “kính lão” – “bắn” trước. Xoẹt, xoẹt, xoẹt… khỉ thật! Mỗi tiếng xoẹt như xoáy vào tâm can mọi người vây quanh. Tại diêm ẩm, hay quẹt trật…?

- Thằng nào đốt lửa dưới kia? Thằng nào? Đứa nào? Chết cả nút bây giờ!…

Tiếng chỉ huy chửi nghe lạnh hết xương sống. Ông Nguyễn hạ “ba dô ca”, trách: - - Các cậu chỉ xui dại tớ ! Dẹp, dẹp… Anh em ôm bụng cười…

Trận đó không thành, phải rút êm. Vì chỉ huy mất hẳn liên lạc với các trung đoàn, cả F pháo thủ đầu do cái đường dây chết tiệt thế nào đó. Ông Vương càng mất liên lạc càng cáu tiết với đốm lửa….

…Trưởng, phó đoàn văn nghệ vừa về đến đơn vị thì đã có lệnh lên Cao Bằng biểu diễn phục vụ Đại hội tỉnh Đảng bộ.

Hoàng Cầm vừa tạm lắng trong lòng chuyện vợ con, đi chiến dịch về tay không, đầu óc đang rối bời thì, thì gặp… em ở Đại hội.

Số phận thật trớ trêu!

Nhà thơ Hoàng Cầm bên sông Đuống
Nhà thơ Hoàng Cầm bên sông Đuống.

Em là ai?

Đại hội họp hai ngày. Đoàn biểu diễn xong đêm đầu thì sáng hôm sau, Đoàn trưởng Hoàng Cầm vừa ngủ dậy đã thấy ông chủ nhà có ý chờ, báo rằng có hai cô gái đợi dưới sân xin gặp anh. Anh nói nhờ ông xuống bảo các cô đợi chút rồi sẽ mời lên.

Thi sĩ nhón gót vội tới cửa sổ lén nhìn xuống, khẽ thốt lên: - Chà, cô nào đẹp thế! Da trắng hồng, đúng là mắt phượng mày ngài, trong bộ váy áo chàm mới – càng đẹp, rõ là thông minh… Anh vội mặc bộ quân phục trưởng đoàn, dáng bình tĩnh đi lại như chờ đợi. Hai cô gái bước nhẹ lên cầu thang.

Cô đi trước tay phải cầm quai túi xách bên vai đứng lại lễ phép lên tiếng:

- Chúng em chào đồng chí Trưởng đoàn ạ!

- Chào các chị! Các chị đừng gọi tôi là Trưởng đoàn!

- Dạ vâng ạ! Thưa đồng chí… anh nhà thơ Hoàng Cầm…

Chả hiểu sao, cô định nói gì nữa lại lấy tay che miệng đứng im.

Hoàng Cầm cười thông cảm, bắt tay hai cô, mời ngồi xuống chiếu đã bày sẵn ấm, bát nước.

- Mời hai chị xơi nước! – Anh chủ động hỏi: - Chắc các chị có chuyện gì định nói?

Cô cán bộ tự tin hơn: - Dạ thưa anh, anh Hoàng Cầm, em là Hoa, Trưởng ban tuyên huấn bên Quan Hoa. Bạn em tên là Phượng, cán bộ phụ nữ cứu quốc địa phương đây. Chúng em đều là đại biểu dự Đại hội, đêm qua được xem văn nghệ các anh biểu diễn hay quá…

- Có hay thật không? Cả chị Phượng nữa, cứ phê bình góp ý cho chúng tôi tiến bộ.

- Hay lắm, thật đấy! – Bạn của Hoa mạnh dạn.

- Báo cáo Đoàn trưởng… - Hoa nói tiếp.

- Lại Đoàn trưởng rồi – Hoàng Cầm chen ngang. Cả hai cô cùng cười khúc khích.

- Vâng, em xin lỗi! Là thế này ạ! Huyện chúng em đã bàn, nhất trí, đoàn biểu diễn xong ở đây thì mời sang huyện em, các anh chị đi lưu diễn một tháng.

- Chà, một tháng, lâu thế?

- Thưa vâng. Quan Hoa rộng, xa lắm anh ạ. Giáp biên giới kia. Đoàn trưởng nhận lời, mai em xin phép về trước chuẩn bị. Sẽ trở lại đón các anh sang. Gần thôi, cách đây hơn ba chục cây số…

Chàng trai đa tình Kinh Bắc tai nghe cô gái nói, mắt đã kịp nhận ra vẻ đẹp dịu dàng, chân chất, thông minh và đoán ra cô không phải người gốc địa phương. Lời mời đột ngột nhưng rõ ràng là trái tim chàng khó cưỡng lại một thứ mệnh lệnh vô hình. Anh giả bộ đắn đo, giấu đi cảm tình với cô gái: - Thôi được! Chúng tôi đã lên đây, ở đâu cũng là phục vụ. Nhưng, một tháng thì lâu quá. Hãy tạm hai mươi ngày cái đã - Không kể nếu có lệnh đột xuất của cấp trên. Đồng ý, ngày kia chị sang đón chúng tôi…


Từ cái đêm ấy

Đoàn sang Quan Hoa, theo lịch, cứ bốn tối biểu diễn được nghỉ hai ngày. Mọi việc giao Đoàn phó Nguyễn Đức Toàn quản lý, Hoàng Cầm bảo phải tranh thủ dân vận, nhận lời Hoa – mời cả Đoàn phó cho phải phép – về thăm nhà cách huyện lỵ bẩy cây số.

Đi bên Hoa nghe em kể chuyện nhà, đôi lúc đụng chạm, có khi cô gái trượt chân, chàng lực sĩ đỡ vai, nắm tay… hai người trở nên thân thiết thật chóng vánh. Chẳng ai để ý đến suối sâu, đèo cao, bởi những khoảnh khắc ấy cả hai đều được dịp bên nhau, phấn chấn thật lạ…

Mẹ Hoa người Thái. Bố thời trẻ theo ông nội trốn Tây cùng bọn cường hào ác bá lên đây vì tội tham gia hội kín. Ông bốc thuốc, dạy học; thực ra, theo phân công của đoàn thể, là cán bộ bổ sung cho phong trào Cao Bằng đang phát triển, mở rộng khu giải phóng. Ông mất năm 1946. Hai anh trai Hoa xung phong đi Nam tiến. Em út là Lý đang ở nhà với mẹ, lên chín, học cấp một. Bà con dân bản gọi mế Lý. Hoa học xong cấp hai như bây giờ, trong diện được nâng đỡ, nên hoạt động phụ nữ xã, rồi được điều lên huyện từ năm mười chín tuổi. Năm nay hai mươi bốn, là huyện ủy viên trẻ nhất.

- Đẹp nhất nữa chứ! – Chàng trai đứng lại nhìn cô gái, và cả hai cùng tìm tảng đá nhẵn bên đường ngồi nghỉ. Khoảng cách giữa hai người gần như không còn, Hoa thành thật khen Trưởng đoàn văn nghệ liên khu “có khác” – thật oai hùng trong bộ quân phục kaki, đi đôi giày sắng đá… bọn con gái đứa nào cũng suýt xoa khen khi mở màn trên sân khấu đèn măng xông sáng rực – trông càng oai vệ…

Qua một ruộng lúa mới gặt, Hoa chỉ nhà em ngay dưới chân đồi trước mặt.

- Anh Cầm à, nhà em kia, anh vào đừng chê nhá, không được như dưới xuôi đâu! Mế em hiền lắm, ít nói lắm. Cái Lý chắc giờ này đi học…

Con đường lên bản sống trâu, ổ gà, đá chìm, đá nổi, Hoàng Cầm đi theo sau.

Mế Lý đã chờ hai người ở cổng. Hoa cầm tay dẫn khách lên nhà sàn rộng mênh mông, vắng lặng. Rồi Hoa mời khách đi chơi loanh quanh: “Đi chào bà con” – cái lệ ở đây nó thế. Mãi tới trưa trật mới được bé Lý giải thoát: đi tìm, gọi về ăn cơm. Mế đã sắp mâm, rượu, thịt, đủ cả…

Tối đó, mế, em Lý đi ngủ sớm. Còn lại Hoa và khách ngồi cạnh nhau bên bếp lửa bập bùng…

… Gần trọn sáu mươi năm rồi còn gì. Ông già nay đã tuổi kề 90 thú thật: - Lúc đó mình có phần hoang mang khi nghe em lên tiếng trước:

- Anh Cầm ơi, em mời anh sang nhà em là em có việc riêng muốn nhờ anh giúp đỡ. Anh phải cứu em, đưa em ra khỏi cảnh bị ép buộc, bị bao vây mấy năm nay. Mà vòng vây lại là cả huyện ủy.

Hoàng Cầm rất ngạc nhiên: - Chuyện gì vậy? Em cứ nói, nói thật đi! Với em, anh sẵn sàng, việc gì cũng giúp được.

Hoa gục đầu xuống gối khóc thút thít. Hoàng Cầm ngạc nhiên đến xúc động, cố kìm chế để tay khỏi ôm lấy Hoa mà vuốt ve, an ủi. Chắc chuyện nghiêm trọng đây. – Anh nghĩ bụng.

- Anh ơi, em gặp anh, ngưỡng mộ anh, tin anh ngay nên mới liều tìm đến anh. Chỉ anh mới cứu nổi em. Hoàng Cầm càng sốt ruột, không rõ chuyện gì.

- Anh, Hoa nói đứt quãng vì nức nở – em đang bị cưỡng ép phải yêu, phải cưới chồng…

Thì ra, là chuyện gán ghép, ở đâu cũng có… Lúc đầu trêu đùa, gán ghép, rồi nửa đùa nửa thật. Nay là thật. Cả huyện ủy hơn chục người. Rồi các cơ quan dân chính quanh huyện, lan truyền dần về các cán bộ xã. Hoa bây giờ như ngồi trên đống lửa, như đứng trước vành móng ngựa nghe đọc án tử hình, dù có gào khóc cắn lưỡi tự tử chẳng ai thèm nghe.

- Lạ thật, thời buổi này, một huyện ủy viên như em lại bị cưỡng hôn, anh chưa hiểu! Ai ép, ép em với ai? – Anh hỏi dồn dập.

- Anh có biết anh Vũ huyện đội trưởng không, lại là Thường vụ huyện ủy?

A, cậu Tuấn Vũ phải không?

Đặt xong câu hỏi này, ông dừng lại nhận xét với tôi – người viết những dòng này: - Úi giời ơi, nói anh bỏ lỗi, đũa mốc chòi mâm son. Cậu này mình biết: Nhiều tuổi, cục mịch, thô kệch, đen thui…, đọc thông viết thạo thì vào vệ quốc đoàn. Được cái dũng cảm, việc giao hùng hục làm bằng xong “Vũ” thì đúng, “Tuấn” thì không! Bộ đội giải ngũ về được chỉ định làm xã đội trưởng, rồi “cơ cấu” lên huyện. Ông tính, thời đó trình độ học vấn đến Certificat con trai đã hiếm lắm rồi. Đằng này lại là con gái, làm sao mà Hoa chấp nhận được cậu ta…

Hoa nghẹn ngào than vãn: Ở nơi xó rừng xa thành phố, biệt lập, đủ mọi hủ tục ràng buộc này, cả huyện biết, cán bộ, thanh niên còn ai dám quan hệ gần Hoa… Hoàng Cầm rất thông cảm. Anh chia sẻ luôn gia cảnh với Hoa, mong cô gái phần nào nguôi ngoai. Vợ mới mất, còn ông bà, hai cháu nhỏ… Anh hứa suy nghĩ xem có cách gì giúp Hoa và giục em đi nghỉ, đêm đã về khuya.

Hoa đứng lên mắc màn, đợi anh đi nằm, rồi về buồng mình. Lúc lâu sau anh nghe tiếng cọt kẹt từ buồng Hoa, ra gần anh.

- Anh Cầm, anh ngủ chưa?

- Ngủ thế nào được! Tình cảnh em như thế! – Vừa nói, anh vừa nhổm dậy, choài người ra khỏi màn, chạm vào người Hoa. Em đang thút thít, vội ôm choàng lấy anh.

- Anh Cầm ơi, anh phải cứu em! Ngoài anh không còn ai cứu được em. Không thì em chết mất…

- Kìa em, bình tĩnh! Bình tĩnh nào! Em đã nhận lời, hai bên đã đính hôn gì đâu! Quyền quyết định vẫn ở em!

- Không đâu anh ơi, hôm nọ ông Bí thư không úp mở nữa, giục Vũ bàn với em phải cưới trước Tết Kỷ Sửu này. Em lánh mặt hắn ta từ đó. Họ bảo mọi chuyện Thường vụ sẽ lo: thu xếp với họ hàng, thôn bản. Với em, cần thì Bí thư trực tiếp “giao trách nhiệm”: Hoa được dự kiến là cán bộ kế cận, phải chấp hành… Anh ơi, ở đây họ còn phong kiến lắm, không cưỡng lại được đâu, trừ phi phải tìm tới cái chết…

- Toàn nói dạt dột! Thế em định thế nào?

- Anh Cầm, hôm nọ trên sân khấu thấy anh oai vệ bao nhiêu, em càng liên hệ con người ấy… em thà chết chứ không… anh ạ! Anh ơi, em đã có kế hoạch đâu vào đấy rồi. Đó anh xem, sáng nay em đã đưa anh đến từng nhà ra mắt họ hàng, nói riêng với họ: Chúng mình yêu nhau đã lâu. Anh đi xa, nay mới trở về. Chỉ cần anh công khai tuyên bố ở đây, không được thì anh gặp ông Chu Văn Tấn – Bí thư Liên khu ủy Việt Bắc.

Chuyện lớn quá Hoa ơi! Cho anh một tuần suy nghĩ đi! Được không em?

Im lặng. Tiếng gà gáy dần rộn lên khắp bản. Hoa thở dài, đứng dậy: - Thôi, để anh chợp mắt chốc lát…

Đêm định mệnh

Vận mệnh một con người đặt trong tay, Hoàng Cầm cần tĩnh tâm. Sáng ra, anh bàn, cơm nước xong, cùng về huyện. Lại bốn ngày lưu diễn các xã. Hoa đi theo đoàn chăm sóc anh. Lại hai ngày nghỉ Hoa bám riết, mời anh về bản mình.

Tối. Em vui ra mặt. Thuật lại nhận xét của bà con các xã. Rất khen. Tiết mục nào cũng hay. Mấy cô bạn gái cứ tấm tắc mãi về anh. Hoa chủ động giục anh đi ngủ sớm. Nằm chưa yên chỗ anh đã nghe tiếng chân nhẹ nhàng của Hoa đi tới. Và, thật bất ngờ, Hoa vén màn chui vào:

Để em cùng nằm nói chuyện…

Người con trai chưa kịp nên thế nào, em đã nâng một bên chăn, nằm sát, quay người về phía anh. – Xem nào! Miệng nói, tay phải em nâng đầu anh lên, đỡ cho anh làm gối. Người anh to cao, em phải dướn lên, gần như nằm trên người chàng trai. Hơi ấm, hương thơm con gái, làn tóc vương, rồi cặp ngực và…, và hơi thở gấp, ngọt ngào – đôi cặp môi cháy bỏng tìm nhau, vồ vập… Em buông mình đón nhận niềm hạnh phúc đầu đời đang khát khao…

… Hoa bàn, anh công khai tuyên bố xong, ngay trong dịp này, dăm ba ngày nữa thôi, là nàng nộp đơn xin nghỉ công tác, sang đoàn văn nghệ của chàng, làm cấp dưỡng cũng được. Hoặc về Phú Bình nuôi bố mẹ già, hai con nhỏ họ đang cần bàn tay chăm sóc thay anh.

… Đôi môi ông già vẫn đọng dáng son khẽ nhếch mép, mắt nhìn về xa xăm, ông bảo: - Cậu vớ cho tớ cái điếu cày…

Yêu quá, thương lắm, em ngây thơ, trong trắng tột đỉnh đời một người con gái! Dự định của em chỉ làm khổ em! Phí hoài cuộc đời em! Cái thằng đàn ông, con trai nào lại nỡ dễ buông xuôi chiều em! Hoàng Cầm khất: - Còn một tuần nữa kia mà! Anh sẽ tuyên bố…

Một đời ân hận

Trở lại Quan Hoa, em rất vui, hẹn anh xuống xã hai hôm sẽ về. Buổi chiều em đi. Đêm, Hoàng Cầm trằn trọc. Gần sáng vừa chợp mắt, anh giật mình nghe tiếng mọi người nhốn nháo và tiếng đại bác ì ầm đâu xa.

Chẳng phải nghe ngóng, chờ đợi lâu, Đoàn trưởng nhận điện hỏa tốc từ quân khu: Phải rút đơn vị về Nước Hai. Bên nước bạn Giải phóng quân ào ạt đánh xuống Hoa Nam, cả trung đoàn tàn quân Tưởng chạy dạt sang đất ta. Trung đoàn 174 của ta đang hất chúng trở lại, chưa rõ tình hình đến đâu.

Đơn vị rút về hậu cứ. Mọi người lao vào công việc chuẩn bị giải phóng biên giới.

Bẵng đi 3 tháng.

Ra Tết Canh Dần (1950) nhân cuộc họp Liên khu, Hoàng Cầm gặp hai cán bộ Quan Hoa, hỏi tin Trưởng ban tuyên huấn Hoàng Kim Hoa:

- Ô, thế Thủ trưởng chưa biết tin gì à? Thật à? – Thấy Hoàng Cầm ngạc nhiên, tái mặt, anh cán bộ huyện giậm chân đau khổ:

- Trời ơi! Anh ơi! Chị ấy… chết rồi! Đau xót quá anh ạ!

- Sao, sao, cậu nói sao? Hoa làm sao?…

Anh lặng người, đầu óc choáng váng, nghe rõ đầu đuôi.

Đúng sáng hôm nghe súng nổ ấy, sau khi đơn vị của Hoàng Cầm rút khỏi huyện, Hoa tức tốc từ xã về huyện… rồi mất tích. Mấy ngày liền, đủ các lực lượng bản, xã, huyện đi tìm. Huyện ủy yêu cầu Công an phái người lên vùng chiến sự, về quân khu… thì tin từ xã lên: đã phát hiện xác Hoa nổi lên dưới lùm cây cạnh vực sâu con suối lớn.

Cái chết đột ngột, bí ẩn, vô cùng thương tâm của Hoa xảy ra vào giữa lúc cả vùng biên giới đang dồn dập các sự kiện lớn lao. Có lẽ vì thế không ai đặt ra câu hỏi vì sao em phải chọn con đường tự tử. Hoàng Cầm tự vấn mình và liên tưởng cái trò đùa gán ghép cặp đôi từ tuổi nhỏ đến sự cưỡng ép: “Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên” – thật tai hại, chết người – đã bao sinh mạng?

… Người viết bài này đem bản thảo đọc để nhà thơ sửa chữa. Chừng nửa giờ, ông già gập người, đầu cúi tóc xỏa trắng xóa, hoàn toàn im lặng. Khi nghe tôi nhắc: - Đã hết rồi đấy ạ!

Ông ngẩng đầu, mắt đỏ hoe, ngậm ngùi: - Mình xin lỗi ! Dù đã đổi tên, thay địa chỉ, trong mình vẫn hiện nguyên hình bóng cô ấy… Hương hồn em linh thiêng hiểu như thế nào đây; Hoàng Cầm này hèn nhát chạy trốn hay cuộc hiến dâng trọn vẹn mong ước đã đủ để em ra đi?

Giời ơi, thế thì càng đau xót lắm, suốt một đời ân hận!


Trịnh Tố Long

(Xin gọi là Nén Tâm Nhang trước Hương hồn Cây-Thơ-Vàng Việt Nam, nhớ ngày Người đi xa: 6/5/2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét