BAODATVIET.VNCập nhật lúc :5:54 PM, 02/03/2011
Gần một năm sau ngày xuất bản tập thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ, tuyển thơ Không bao giờ là cuối của nhà thơ Xuân Quỳnh, người bạn đời của ông cũng đã được ra mắt bạn đọc.
Quyển sách chia làm 3 phần, góp nhặt gần như đầy đủ những chặng đường thơ của Xuân Quỳnh. Phần đầu tiên là những bài thơ tình, trong đó có những bài thơ Xuân Quỳnh viết cho Lưu Quang Vũ, tình yêu sâu đậm mà chị dành cho đến cuối cuộc đời mình, phần thứ hai có tựa đề Những năm tháng không yên, thể hiện suy nghĩ tâm trạng không chỉ của riêng Xuân Quỳnh mà còn là cả thế hệ chống Mỹ cứu nước. Phần thứ ba là mảng thơ thiếu nhi, cũng cho thấy giọng thơ trong sáng trữ tình của nữ thi sĩ.
Trong cuốn sách, người đọc cũng có cơ hội lần đầu tiên đọc những bài thơ mà trước đây là bản thảo của Xuân Quỳnh. Đặc biệt trong tuyển thơ của Không bao giờ là cuối, những người biên tập đã sử dụng những bức vẽ của bé Lưu Quỳnh Thơ, con trai của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh để làm minh họa cho mảng thơ thiếu nhi. Lan Hương
tienphong.vn - Văn hoá
11:56 | 02/03/2011
Xuân Quỳnh: Không bao giờ là cuối
TP - Tại tọa đàm về thơ Xuân Quỳnh (28-2, Trung tâm Văn hóa Pháp), Lưu Minh Vũ, con riêng của Lưu Quang Vũ, sống cùng mái nhà với "má Quỳnh" và các em, nghẹn ngào: "Thơ của mẹ, của bố giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn nhất, giúp tôi cân bằng".
|
Tại tọa đàm thơ Xuân Quỳnh. |
Buổi tọa đàm giới thiệu đến độc giả hai tuyển thơ Xuân Quỳnh mới xuất bản: Không bao giờ là cuối (Lưu Khánh Thơ tuyển chọn) và Si demain... (32 bài song ngữ Việt- Pháp, Nguyễn Minh Phương dịch).
Theo nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ (em nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ - chồng Xuân Quỳnh), tuyển thơ gồm ba phần: Thơ tình; thơ về những năm tháng không yên của đất nước và lòng người; thơ thiếu nhi. Tuyển tập còn có tranh minh họa của Lưu Quỳnh Thơ, con út của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Dẫn dắt cuộc tọa đàm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng Xuân Quỳnh chưa bao giờ vắng bóng trong đời sống của chúng ta. Rằng Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ chống Mỹ với những câu thơ có tính tuyên ngôn như Em đã tập làm thơ cho có ích.
Nhà phê bình Chu Văn Sơn khái quát: Xuân Quỳnh là sự hòa trộn hai khía cạnh dữ dội và dịu êm, hài hòa "dương nữ" và "âm nữ". Trong đó hình ảnh tổ ấm, sự bình yên là một mã để hiểu thơ Xuân Quỳnh. Nhà thơ nhìn mọi vật đều quy chiếu về tổ ấm: Người yêu, bầu trời, vòm cây, mái phố, nhà ga. Nước trong phích, hoa trong bình gốm cũ là một trật tự bình yên như thế.
Vi Thùy Linh, trái lại, bày tỏ rằng chị không ấn tượng với các bài thơ tình yêu của Xuân Quỳnh; theo chị, Xuân Quỳnh rất "âm nữ", truyền thống và thiếu tự tin. Nhưng chị trân trọng nhất ở Xuân Quỳnh phần thơ thiếu nhi. Vì khi viết cho các em bé, Xuân Quỳnh tươi vui, đầy tự tin và đi hết biên độ con người mình.
Nhiều câu chuyện thú vị của đồng nghiệp và bạn học, khiến độc giả biết thêm về chân dung nhà thơ, như tính cả lo, hóm hỉnh, chữ viết tay rất xấu và không biết viết chữ hoa, rồi sợ nói trước đông người…
Lady Borton, nhà văn Mỹ, tác giả cuốn Phía sau nỗi buồn, kể năm 1988 trên chuyến bay sang Việt Nam, bà tâm niệm phải gặp bằng được Xuân Quỳnh nhưng xuống sân bay thì nghe tin chị mất, bà đã bỏ mọi việc để đến đám tang.
Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ cũng kể, trong cuốn phim quay đám tang của gia đình có hình ảnh một phụ nữ nước ngoài, mãi về sau mới biết đấy là Lady Borton, một người bạn của Việt Nam. Lưu Tuấn Anh con trai Xuân Quỳnh nhớ lại, mẹ là người sống toàn tâm, hết mình và đầy lòng nhân ái.
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
tienphong.vn - Văn hoá
08:03 | 19/05/2010
Lưu Quang Vũ, nhà thơ cổ điển từ tuổi 20
TP - Tối 17-5, hội trường L’Espace, Hà Nội, không còn chỗ trống. Nhiều người chấp nhận đứng nghe các nhà phê bình và người thân, bạn bè của Lưu Quang Vũ nói về anh.
|
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh . Ảnh: Tư liệu |
Trong trí nhớ của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, năm 1968 thi đàn Việt Nam vui mừng đón nhận Lưu Quang Vũ với tập thơ
Hương cây - Bếp lửa in chung với Bằng Việt. Chính nhà phê bình Hoài Thanh viết bài giới thiệu Lưu Quang Vũ. Trong cuộc đời phê bình của mình, Hoài Thanh chỉ viết về ba tác giả trẻ khi chưa ra tập thơ nào: Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy và Lưu Quang Vũ.
Hương cây cũng là tập duy nhất được in khi Lưu Quang Vũ còn sống. Sau khi nhà thơ qua đời mới in các tập Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993). Bà Lưu Khánh Thơ, em gái Lưu Quang Vũ kể, di cảo Lưu Quang Vũ để lại khá nhiều, hầu hết chưa in. Gia đình quyết định làm tuyển thơ với hi vọng “chuyên chở được tiếng lời nhắn nhủ của anh tôi tới độc giả”.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, mất trong tai nạn thảm khốc cùng người bạn đời - nhà thơ Xuân Quỳnh khi mới 40 tuổi, ở thời sức viết đang dồi dào trên nhiều thể loại: thơ, kịch, văn xuôi. Năm 2000, Lưu Quang Vũ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi bao gồm: Hương cây, Viết cho em từ cửa biển, Đất nước đàn bầu, Mắt của trời xanh, Những đám mây ban sớm sắp xếp theo thời gian sáng tác. Phần cuối tập thơ có thủ bút của Lưu Quang Vũ, trích trong tập chưa in Cuốn sách xếp lầm trang. |
Sau thời kỳ thơ trong trẻo đầy cảm xúc trong
Hương cây, thơ Lưu Quang Vũ những năm 1970 là thời kỳ khác, đầy dằn vặt, đau xót, cô đơn: “
Tôi chán cả bạn bè/Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu nào mới/Tôi bỏ ra đi, họ ngồi lại”. Các nhà phê bình cho rằng, những bài thơ thời kỳ này diễn đạt tâm trạng và những cảm xúc cao độ mà ông trải qua - gian nan hoàn cảnh riêng. Trong những tháng ngày cực kỳ gian khó, ông khám phá ra chính bản thân mình. Tha thiết vượt qua mệt mỏi, thời kỳ sau này dòng chảy thơ Lưu Quang Vũ lại mang một âm điệu khác, có cả thơ tình được nhiều người yêu: Vườn trong phố, Mắt của trời xanh, Và anh tồn tại, Em.
“Lưu Quang Vũ là nhà thơ cổ điển ngay từ tuổi 20, kiểu nhà thơ truyền thống mang chất thi sĩ chỉ nói về những người bình thường, con người phổ cập, con người vĩnh cửu”, theo nhà thơ Anh Ngọc.
Vũ Quần Phương: “Vũ là người chín sớm. Sau khi anh mất, tôi được xem di cảo của anh, có nhiều tập thơ đã hoàn thành, nhiều tập thơ mới có tiêu đề. Cách làm, viết như anh hiếm có. Thông thường người ta viết nhiều, sau mới gom lại in thành tập”.
Nếu như thơ Xuân Quỳnh có duyên với âm nhạc, thì cho đến nay Lưu Quang Vũ mới có Tiếng Việt được chuyển thể thành lời hát. Trong thời ngôn ngữ tuổi teen rối ren, Tiếng Việt được nhắc đến trìu mến hơn. Khán phòng dịu lại với đoạn clip nhạc Tiếng Việt của Lê Tâm: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?/Ai ở phía bên kia cầm súng khác/Cùng tôi trong tiếng Việt quay về”.
“Lưu Quang Vũ tửu lượng không tốt, nhưng trong những đêm cùng bạn bè ngồi cạnh rạp xiếc Trung ương, anh uống nhiều. Vũ là người thích nghe xẩm, chỉ độc bài Hòn vọng phu, mỗi câu hát hay lại uống thêm một chén. Cuối cùng say, say mềm đến nỗi không đi được và hỏi giờ về đâu? Về phố Triệu Việt Vương, nhưng Triệu Việt Vương là ông nào? Là ông đầm Dạ Trạch ấy. Trời ơi, bây giờ mà về đầm Dạ Trạch thì đến sáng mai mới đến à”, nghệ sỹ Đào Trọng Khánh ôn lại kỷ niệm về người bạn thân Lưu Quang Vũ.
T.Toan
16:08 | 18/05/2010
Lưu Quang Vũ đi mang theo gì?
'Với tôi Lưu Quang Vũ vẫn cứ mãi là gã bạn mang đậm chất đàn ông, không dễ gặp, nhất là trong cõi văn thơ, mà ngay cả khi túng đói nhất vẫn hấp dẫn phụ nữ, rất nhiều phụ nữ, dù ít hay nhiều tuổi hơn Vũ, và vẫn hào phóng với bạn bè' - Trần Hoàng Bách.
Thoắt cái, đã hơn 20 năm ngày Lưu Quang Vũ ra đi, và dù nhân hay không nhân ngày giỗ Vũ, thiên hạ có nói gì thì nói về Vũ. Các nhà phê bình hoặc không phê bình có thể choàng bao nhiêu vòng nguyệt quế lên cổ Vũ hay chê bai cái yếu đuối tình cảm “sến đặc” của Vũ, thì với tôi Vũ vẫn cứ mãi mãi là gã bạn mang đậm chất đàn ông, không dễ gặp, nhất là trong cõi văn thơ, mà ngay cả khi túng đói nhất vẫn hấp dẫn phụ nữ, rất nhiều phụ nữ, dù ít hay nhiều tuổi hơn Vũ, và vẫn hào phóng với bạn bè.
Gia đình Lưu Quang Vũ
Tôi lỡ vô phúc (chữ của cụ Kim Lân) sa chân vào kiếp văn, may đỡ hơn là không có thơ, có thể ngang như Vũ, như nhiều kẻ sĩ khác hồi đó, nhưng hình như tôi, may mắn mà bất tài nên không ném cả đời mình vào đó tới mức như Vũ. Ngày ấy, chả cứ văn thơ, hễ ai hát hò đóng phim vẽ vời được tí chút là đều lập tức tuyên bố hiến đời mình cho nghệ thuật.
Tôi chả nghi ngờ gì cái tuyên bố ấy, càng không nghi ngờ gì Vũ sống chết với thơ, dù Vũ chả tuyên bố gì. Trước 1979, tôi ở Ngõ chợ Khâm Thiên với bố mẹ, Vũ đi bộ đến nhà tôi, ngồi trên chồng cửa lùa xếp thành ghế mà trước mặt là những măng miến mộc nhĩ khoai tây… tại ngay quán hàng khô của mẹ tôi, để mà mê mải đọc thơ, át đi mọi thứ ồn ào nơi xóm chợ.
Rồi khi tôi chuyển lên phố Liên Trì, thì không ít lần lòng vòng quanh hồ Ha-le để Vũ đọc tôi nghe những bài thơ Vũ làm, đôi khi chỉ vừa xong trước khi gặp tôi mấy phút, để rồi họa hoằn, mấy hôm sau, thấy trên báo bài thơ ấy lại mang tên người khác. Tôi không hỏi, vì biết chắc, mấy chuyện đó với Vũ chẳng quan trọng gì.
Vũ nửa sau của những năm 1980 hừng hực làm, hừng hực thu hoạch, vẫn hừng hực buồn và lại hừng hực yêu. Chuyện gia đình văn nghệ sĩ hồi đó nói chung chả mấy khi… biển Đông tát cạn. Vũ cũng chả ngoại lệ, nhưng ít khi nói ra vào những dịp đáng lẽ nên nói ra, mà đôi khi bất chợt buông một hai câu, chỉ một hai câu, rồi thôi, như cái buổi chiều rượu suông ở “Gù” (tên quán) Trần Nhân Tông, hay thịt chó “Lùn” (cũng tên quán) chợ Hôm, đột ngột một điều không thuận nào đó trong tình cảm vợ chồng, mà nghe như thắc mắc với chính mình chứ không phải than với bạn bè…. Khi ấy, Xuân Quỳnh, cũng là nhà Vũ, tất nhiên, tuy chưa là giàu có, nhưng cũng đã có được vài ba năm tạm coi khá giả nhưng chưa thể bù lại được hàng chục năm vất vả khốn khó từng trải qua…
Trước đó, một lần lên nhà tìm Vũ, vẫn là Quỳnh ngồi ở hành lang giặt giũ hoặc đun nấu, lưng quay ra đón khách, không quay đầu, thậm chí không liếc mắt, mà nghe tiếng chào biết là ai rồi, xưa kia thì vẫn, “Bách vào nhà đi, ông Vũ chạy ra mua thuốc lào” hoặc “Ngồi đọc cái gì đi, ông Vũ sang Tuổi Trẻ (nhà hát), về bây giờ đấy”… thì lần này là,
“Ông biết thừa ông Vũ ở đâu rồi, sao còn lên đây”.Rồi mọi chuyện kết thúc bằng cái chết. Kết thúc một lúc mấy kiếp người, nhưng cũng là kết thúc cả một tấn bi kịch chồng chéo. Cái chết oan nghiệt ấy, theo tôi, “dường như” là Thượng đế an bài cho Quỳnh, vào cái năm Quỳnh 47 tuổi ta, và Quỳnh đã mang được theo những gì quý giá nhất đời mình.
Còn Vũ, trước một chuyến đi không vé khứ hồi, nếu bảo chỉ được mang theo một, hai trong dăm bảy thứ quý giá nhất đời mình, thì ngoài thơ chắc chắn anh có thể chọn kịch hoặc Mí đứa con nhỏ, hoặc thậm chí cô hay gã bạn nào đó… Giờ đây nhiều năm sau nghĩ về bạn, tôi vẫn cho rằng, với một người như Vũ, “Yêu” không bao giờ là tội cả, dù nhiều dù ít, bởi họ đâu có lấy “yêu” để đạt tới một cái gì khác ngoài yêu.
Theo Trần Hoàng Bách
Thể thao Văn hóa