2 triệu người Mỹ ồ ạt sơ tán vì siêu bão Irene

Dân trí:
Thứ Bẩy, 27/08/2011 - 10:12

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ đã cảnh báo rằng cơn bão Irene, hiện đang tiến về bờ biển phía đông nước Mỹ, có thể là một cơn bão “lịch sử”. 2 triệu người sống ở bờ đông nước Mỹ đã được lệnh sơ tán.
>> Mỹ: Nhiều bang “phấp phỏng” chờ siêu bão Irene
Ảnh mô phỏng đường đi của bão Irene.

Lệnh sơ tán bắt buộc đã được ban bố tại các khu vực ở 4 bang thuộc bờ đông gồm Delaware, Maryland, New Jersey và Bắc Carolina, và các khu vực thấp của thành phố lớn nhất nước Mỹ, New York. Ước tính, khoảng 2 triệu người sống ở bờ đông nước Mỹ đã phải đi sơ tán

7 bang gồm Bắc Carolina, Maryland, Virginia, Delaware, New Jersey, New York và Connecticut đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước khi bão đến.

Irene đã yếu đi chút ít và dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền nước Mỹ với sức gió lên tới 155km/h.

Irene, vốn đã tàn phá Caribê trước đó, được dự báo sẽ tấn công bờ biển bang Bắc Caroline vào thứ 7 giờ Mỹ trước khi tiếp tục di chuyển theo hướng tới tới Washington và thành phố New York một ngày sau đó.

Vào 5 giờ chiều qua giờ Mỹ (tức 5 giờ sáng ngày 27/8 giờ Việt Nam), bão Irene đang nằm cách mũi Hatteras của Bắc Carolina khoảng 425km về phía nam, theo Trung tâm dự báo báo quốc gia Mỹ.

“Đừng chờ đợi, đừng trì hoãn. Chúng ta luôn hi vọng những điều tốt nhất, nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”, ông Obama phát biểu trong khi đang có kỳ nghỉ trên đảo Martha's Vineyard ở bờ biển Massachusetts.

Nhà Trắng cho biết ông Obama sẽ trở lại Washington sớm hơn 1 ngày so với dự kiến để chỉ đạo công tác đối phó với siêu bão.

Irene, siêu bão đầu tiên của mùa bão Đại Tây Dương, có thể ảnh hưởng tới 65 triệu người tại các thành phố lớn dọc bờ biển phía đông, từ Washington to Baltimore, Philadelphia, New York và Boston - khu vực đông dân nhất tại Mỹ.

Nếu nó tấn công New York và New England ở cấp độ 2, đó sẽ là cơn bão mạnh nhất trong khu vực kể từ siêu bão Bob từng tấn công Massachusetts năm 1991 và siêu bão Gloria từng gây thiệt hại nặng nề cho thành phố New York năm 1985.

Hội Chữ thập đỏ Mỹ cho biết đang chuẩn bị hàng chục trung tâm khẩn cấp dọc bờ đông.

An Bình
Theo AP, BBC

WikiLeaks tiết lộ hàng chục nghìn công hàm ngoại giao

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 26/08/2011, 11:51 (GMT+7)

TTO - Tổ chức WikiLeaks ngày 25-8 tuyên bố đã công bố thêm hàng chục nghìn trang tài liệu các công hàm ngoại giao chưa từng xuất hiện của Mỹ, một số trong đó được xếp dạng mật, theo Hãng tin Reuters.

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange - Ảnh: Getty Images

“Chúng tôi sẽ công bố hơn 100.000 công hàm ngoại giao của các sứ quán Mỹ trên toàn thế giới vào cuối ngày hôm nay”, một tin nhắn trên trang Twitter của WikiLeaks cho biết. Theo Reuters, người kiểm soát tài khoản Twitter này có thể chính là Julian Assange, người sáng lập và đứng đầu WikiLeaks.

Những công hàm mà trang web này sắp công bố có thể là từ một hồ sơ hơn 250.000 báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bị rò rỉ ra ngoài. WikiLeaks đã công bố một phần các công hàm vào cuối năm 2010.

Một số hãng tin trên toàn thế giới, bao gồm Reuters, như hãng tin này tự nhận, đã có toàn bộ các công hàm trên trong nhiều tháng, nhưng họ chỉ trích dẫn hoặc đăng tải khi có tin tức liên quan hoặc phục vụ các phóng sự điều tra trên cơ sở các công hàm đó.

Tính tới trưa 25-8, WikiLeaks cho biết họ đã đăng tải 97.115 trong số 251.287 công hàm mà họ có. Reuters dẫn một nguồn thân cận với ông Assange nói động thái mới này có thể do các nhà lãnh đạo của tổ chức thấy thất vọng vì sự quan tâm của truyền thông và công chúng với WikiLeaks đang nhạt dần.

Việc công bố tài liệu được bắt đầu vài giờ sau khi WikiLeaks tiết lộ trên Twitter rằng Dynadot, công ty đăng ký Internet có trụ sở tại California, đã nhận được trát từ công tố liên bang ở Alexandria, Virginia, yêu cầu cung cấp “thông tin về Julian Assange”. Reuters đã liên lạc với Dynadot và Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng không nhận được phản hồi.

HẢI MINH

Phát hiện phóng xạ lan rộng tại Nhật | Thanh Niên Online

Thanh Niên Online:
Chính phủ Nhật Bản vừa tăng số lượng khu vực cần theo dõi phóng xạ ở phía đông từ 6 lên 22 tỉnh sau khi các chuyên gia xác định thêm nhiều “điểm nóng” ở cách xa Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Theo Kyodo News ngày 25.8, quyết định trên được đưa ra sau khi chất thải phóng xạ cao gấp 2 lần mức cho phép được phát hiện cách nhà máy trên đến 200 km. Cụ thể, giới hữu trách tại thành phố Tokamachi, tỉnh Niigata, tìm ra rác phóng xạ có hàm lượng 27.000 becquerel caesium/kg tại một trường mầm non.


Các chuyên gia kiểm tra phóng xạ tại Fukushima - Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày 25.8, báo Tokyo Shimbun dẫn tính toán của Chính phủ Nhật ước tính đến nay, lượng phóng xạ caesium-137 bị thải ra không khí trong sự cố hạt nhân ở Fukushima là 15.000 tera becquerel, tương đương 168 quả bom nguyên tử giáng xuống Hiroshima hồi Thế chiến 2. Một quan chức giấu tên cho hay khu vực nằm trong bán kính 20 km xung quanh nhà máy có thể sẽ bị phong tỏa ít nhất trong vài thập niên nữa.

Trong một diễn biến lạc quan, Chính phủ Nhật ngày 25.8 dỡ bỏ lệnh cấm mua bán, vận chuyển thịt bò từ các vùng nhiễm xạ sau khi các biện pháp bảo vệ và kiểm tra nghiêm ngặt được đưa vào áp dụng, theo AFP.

Thụy Miên

Mẹ cô gái tát CSGT: Xin pháp luật khoan dung!

Dân trí:
Thứ Sáu, 26/08/2011 - 11:16

Chiều 25/8, bà Trương Thị Hạnh (ngụ quận 12, TPHCM, mẹ của cô gái tát CSGT vừa bị tuyên 9 tháng tù), đã gửi đơn xin được cứu xét cho hoàn cảnh của con gái cũng như của gia đình bà.
>> Hai cái tát, chín tháng tù và những khoảng trống
>> Thiếu nữ tát cảnh sát giao thông bị phạt 9 tháng tù
>> Cô gái tát cảnh sát giao thông: “Em rất hối hận”
Phạm Thị Mỹ Linh hối hận về hành vi của mình tại phiên tòa
Vừa khóc, bà Hạnh vừa nói: “Từ khi phiên tòa kết thúc, Linh gần như nằm liệt giường, không ăn uống, nói chuyện với ai lại thường xuyên lên cơn co giật. Nhìn con như thế, lòng dạ tôi đau lắm, chỉ mong được chịu tội thay con. Thực sự vì thiếu hiểu biết pháp luật, lại quá nghèo khổ, khi bị giữ xe, tôi sợ mất xe nên đã khóc và có hành vi sai trái. Thấy tôi khóc, thương mẹ, Linh đã mất bình tĩnh, cư xử dại dột…”.
Do bị chồng thường xuyên say xỉn đánh đập, bà Hạnh quyết định ly dị. Bị đuổi khỏi nhà chồng, ba mẹ con bà Hạnh về tá túc nhà người em rể. Bà Hạnh bị cận thị nặng, công việc lại không ổn định. Tài sản duy nhất của gia đình là chiếc xe máy mua trả góp. Khi trả góp xong, bà Hạnh đem giấy chủ quyền xe cầm ngay để có tiền xoay xở cho cuộc sống của ba mẹ con.
Thấy mẹ cực khổ, mới học xong lớp 7, em trai Linh phải nghỉ học để đi làm. Linh thì vừa học vừa làm thêm nhiều việc để phụ mẹ.
Ôm bụng vì cơn đau dạ dày, bà Hạnh phân trần: “Khi xảy ra chuyện, người ta bình phẩm mái tóc vàng hoe của Linh là do đua đòi, hư hỏng, quậy phá… Thực ra, con tôi “bán” tóc cho các nhà tạo mẫu để họ thử nghiệm mẫu tóc mới. Do bị nhuộm thường xuyên, từ đen mượt, giờ đây mái tóc của con tôi đã xơ xác, không thể phục hồi. Hôm ra tòa, tôi muốn nó nhuộm đen tóc cho đàng hoàng nhưng vì tóc hư, không nhuộm lại được. Thấy vậy, bạn nó phải mua keo màu để xịt lên cho tóc đen.
Từ nhỏ, Linh bị bệnh khó thở, tay chân co quắp, dễ bị kích động và hay ngất xỉu nhưng vì nhà nghèo, tôi không có tiền đưa con đi chữa trị. Không có bệnh án, bây giờ tôi cũng không biết giải thích sao cho mọi người tin. Còn hôm xảy ra vụ việc, do lúc đó, Linh vừa đi học về, em nó cũng vừa tan ca nên tôi ghé chở cả 2 con cùng về (cả Linh và em trai đều không biết đi xe máy - PV), tôi nghĩ chắc không sao, không ngờ… ”.
Sau phiên tòa, bạn bè, thầy cô và nhiều người không quen biết đã đến thăm hỏi, chia sẻ với mẹ con bà Hạnh. Lá đơn xin cứu xét cũng nhờ một người đến nhà thấy hoàn cảnh tội nghiệp của mẹ con bà Hạnh mà viết giùm. Bản thân bà Hạnh một chữ bẻ đôi cũng không biết…
“Xin pháp luật và mọi người hãy khoan dung, tha thứ cho đứa con gái còn non nớt, khờ dại của tôi để cháu được tiếp tục đến trường, sửa chữa lỗi lầm. Tôi cam đoan cháu không phải là đứa con hư hỏng, quậy phá và đây là lần đầu tiên trong đời cháu có hành vi như vậy…” - bà Hạnh lại bật khóc rồi lặng lẽ ra về.
Do Linh chưa đủ 18 tuổi, bà Hạnh đã làm đơn kháng cáo để xin giảm hình phạt cho con gái.
“Mong Linh có cơ hội đi học”
Chiều 25/8, Thượng sĩ Nguyễn Đức Ánh (Đội CSGT Công an quận 12), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “cô gái tát CSGT”, đã bày tỏ mong muốn như vậy
Sau phiên tòa, anh nghĩ gì về bản án 9 tháng tù giam đối với nữ sinh Mỹ Linh?

Thượng sĩ Nguyễn Đức Ánh
Có nhiều ý kiến lắm. Nhiều người nói quá nhẹ nhưng cũng không ít người cho là hơi nặng. Về hành vi phạm tội của Linh, tôi nghĩ rằng tòa xử như vậy là đúng. Nhưng về mặt tình cảm, tôi mong Linh có cơ hội được đi học để giúp đỡ gia đình sau này. Trước khi tòa xử, nhiều người đoán Linh sẽ được hưởng án treo.
Anh đã không có ý kiến gì tại phiên tòa?
Lúc đó, tôi cũng không biết nữa. Trong thâm tâm, tôi mong Linh bị xử nhẹ thôi nhưng mình đâu có quyết định được.
Có vẻ anh đã thông cảm với Mỹ Linh?
Sau khi vụ việc xảy ra, qua tìm hiểu, tôi biết nhà Linh nghèo, chiếc xe máy đó không chỉ là tài sản đáng giá nhất của gia đình Linh mà còn là phương tiện để bà Hạnh đi làm và đưa đón 2 chị em Linh. Mặc dù tôi đã trình bày lý do tạm giữ phương tiện và hẹn ngày giải quyết nhưng có lẽ do hai mẹ con hạn chế về nhận thức pháp luật, nghĩ sẽ mất xe nên đã phản ứng một cách thái quá.
Tâm trạng của anh lúc đó thế nào?
Tôi chỉ lo làm nhiệm vụ, cố gắng xử lý tình huống thật tốt. Nhưng khi đó, bà Hạnh lại to tiếng, quyết liệt giật xe từ tay chúng tôi rồi kéo xe đi. Hành động đó đã kích động Linh dẫn đến hành vi sai trái. Tôi nghĩ, nếu bà mẹ có thái độ đúng mực hơn thì đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Qua sự việc này, anh rút ra điều gì?
Tôi mới ra trường được 2 năm, làm nhiệm vụ trên đường được 1 năm. Qua sự việc vừa rồi, tôi có thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn công việc của mình.
Theo Tố Trâm
Người lao động


dantri.com.vn

Thứ Ba, 23/08/2011 - 11:03

Thiếu nữ tát cảnh sát giao thông bị phạt 9 tháng tù

(Dân trí) - Phạm Thị Mỹ Linh, người đã tát vào mặt 2 chiến sĩ cảnh sát giao thông trên đường Lê Văn Khương, Q.12, TPHCM, vừa bị tòa án tuyên phạt 9 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.
>> Mẹ con thiếu nữ tát CSGT xỉu khi nghe tòa tuyên án
>> Cô gái tát CSGT trên phố có thể lĩnh 3 năm tù
>> Cô gái tát cảnh sát giao thông: “Em rất hối hận”
Sáng 23/8, hàng trăm người dân đã đổ về sân của Trung tâm văn hóa phường Tân Thới Hiệp, Q.12, TPHCM để tham dự phiên tòa lưu động do TAND quận 12 xét xử bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh (18 tuổi, ngụ phường Tân Thới Hiệp, Q.12, TPHCM). Cho rằng hành vi của bị cáo Linh tuy chưa mang tính chất nghiêm trọng nhưng đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn trên địa bàn, nên cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Phạm Thị Mỹ Linh 9 tháng tù về tội: “Chống người thi hành công vụ”.
Trước tòa, bị cáo Linh và mẹ ruột của mình là bà Trương Thị Hạnh (37 tuổi, mẹ của bị cáo) đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình và xin HĐXX xử nhẹ, án treo để Linh tiếp tục được đi học.
Linh trước HĐXX
Theo cáo trạng, khoảng 16h30 ngày 2/7/2011, được sự phân công của Ban chỉ huy Đội cảnh sát giao thông, trật tự và phản ứng nhanh công an quận 12, tổ tuần tra, kiểm soát của Đội do đồng chí Nguyễn Đức Ánh và Vũ Quang Long đang thực hiện tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Lê Văn Khương thuộc phường Thới An, Q.12 thì phát hiện Trương Thị Hạnh điều khiển xe mô tô biển số 54Y2-5845 chạy ngược chiều trên phần đường bên trái hướng từ Cầu Dừa về UBND P.Thới An, phía sau chở Phạm Thị Mỹ Linh và Phạm Quang Minh (là 2 con của bà Hạnh).
Đồng chí Ánh ra hiệu lệnh dừng xe và bà Hạnh đã chấp hành. Sau đó, đồng chí Ánh yêu cầu bà Hạnh xuất trình giấy phép lái xe, giấy tờ xe, giấy bảo hiểm xe, chứng minh thư nhưng bà Hạnh chỉ xuất trình được mỗi giấy tờ xe. Khi đồng chí Ánh tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính thì bà Hạnh giật cuốn biên bản và giấy chứng nhận đăng ký xe rồi giằng lấy xe dắt đi.
Bà Hạnh, mẹ bị cáo, xin con được án treo
Đồng chí Ánh và đồng chí Long không đồng ý và giữ xe lại để lập biên bản thì lúc này Linh xô Ánh 3 cái ra giữa đường. Sau đó, Linh quay lại thấy đồng chí Long đang nắm giữ sau của xe mình nên xô chiến sĩ Long ra và đánh liên tiếp 4 cái vào mặt anh này. Linh còn hét lớn rồi xỉu ngay tại lề đường.
Sự việc khiến ùn tắc giao thông nghiêm trọng và gây sự bất bình cho người đi đường.
Công Quang

GS Ngô Bảo Châu “truyền lửa”...

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 26/08/2011, 08:54 (GMT+7)

TT - Cuộc giao lưu với GS Ngô Bảo Châu được ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức vào chiều qua, dự định chỉ dành cho sinh viên khoa toán. Nhưng rất nhiều sinh viên ngoài ngành toán, thậm chí cả học sinh THPT cũng đã đến với mong muốn lắng nghe những kinh nghiệm học tập từ thần tượng.

GS Ngô Bảo Châu tại buổi nói chuyện - Ảnh: Thuận Thắng

“Nếu phải có một đánh giá chung về vị trí của toán học VN hiện nay là rất khó. Nhưng có những điểm có thể nhận thấy ngay và có thể coi là “điểm nóng”: người làm toán giỏi trẻ, tức là dưới 40 tuổi người VN hầu hết đều đang làm việc tại nước ngoài. Điều làm tôi trăn trở là số lượng giảng viên toán ở các trường ĐH trong nước thuộc diện trẻ, giỏi vẫn còn ít. Rất cần thay đổi các chính sách để khuyến khích giảng viên trẻ về nước phục vụ, làm sao để nghiên cứu gắn chặt với chất lượng giáo dục”.

GS NGÔ BẢO CHÂU

Trẻ trung và giản dị, GS Ngô Bảo Châu đã chinh phục học sinh, sinh viên và giảng viên ngay từ phút đầu buổi nói chuyện của mình với sinh viên ngành toán học do khoa toán - tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) tổ chức chiều 25-8.

Tại giảng đường I, bên trong chật kín người, trong khi bên ngoài các lối đi, bậc tam cấp và cả cửa ra vào cũng đều chật kín người. Đúng 14g15, GS Châu có mặt tại giảng đường, vai khoác balô, giản dị và trẻ trung trong chiếc áo sọc màu xanh.

Cả hội trường đang ồn ào bỗng im bặt, nhường chỗ cho những tràng pháo tay giòn giã nổi lên. Mở đầu buổi nói chuyện, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ: “Tôi hết sức bất ngờ và ấn tượng vì các bạn sinh viên, học sinh tham dự đông như vậy”. Bởi buổi nói chuyện không chỉ có sinh viên ngành toán, không chỉ có học sinh chuyên toán.

Sự bất ngờ của GS Ngô Bảo Châu đã được “đền đáp” xứng đáng vì đến hết giờ giao lưu, các câu hỏi cứ liên tiếp đưa lên. Quá nhiều cánh tay đưa lên xin hỏi câu cuối cùng khiến ban tổ chức buổi giao lưu đành chấp nhận câu hỏi cuối cùng lần 1, câu hỏi cuối cùng lần 2 và... câu hỏi cuối cùng lần 3. Đúng như lời GS Dương Minh Đức (chủ tịch Hội Toán học TP.HCM) phát biểu trong phần mở đầu: “Buổi nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu sẽ cho chúng ta ý tưởng mới, sự hăng hái mới trong học tập và cuộc sống”.

Muốn đi xa phải đi liên tục

Ngồi bệt dưới bậc tam cấp, Nguyễn Thị Thu Thảo (sinh viên năm 2 Trường ĐH Y dược TP.HCM) mong mỏi: “Tôi mong sẽ nhận được lời khuyên của GS Châu về phương pháp học trong thời kỳ hiện đại”. Trong khi đó, nhóm bạn Tân, Phan, Hợp (năm 2 khoa công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên) phải ngồi ngoài giảng đường, tiếc rẻ: “Tụi mình đến từ 13g30 mà hết chỗ nên đành ngồi ngoài chờ. Cả nhóm đều muốn gặp mặt trực tiếp và nghe những lời khuyên hữu ích từ thần tượng”.

Lời khuyên hữu ích từ GS Ngô Bảo Châu cũng bắt đầu từ niềm say mê của chính ông: “Khi học lớp chuyên toán tôi thường tập giải những bài toán có tính chất thách đố. Bây giờ người ta hay chỉ trích việc đưa ra những bài toán quá khó cho học sinh làm. Nhưng tôi nghĩ bản chất con người luôn muốn vượt qua thách thức. Đối với tôi ngày ấy, việc giải những bài toán hóc búa đã khơi dậy niềm say mê toán học. Tuy đây chỉ là bước sơ khởi nhưng rất cần thiết”.

Trả lời câu hỏi: “Tố chất nào quan trọng nhất đối với người học toán?”, GS Châu cho rằng: “Với người làm toán thì yêu cầu khác hẳn, thời gian là vô hạn, có khi cả cuộc đời. Thế nên không việc gì phải vội, không phăm phăm cố giải cho bằng được. Trước mỗi vấn đề phải tìm hiểu xem cội nguồn bài toán ra sao, lịch sử của vấn đề như thế nào, cái hay, cái dở của những người đi trước, từ đó mới hình thành phương hướng giải quyết. Sau vài năm, đến thời điểm “chốt” thì tập trung toàn tâm toàn ý để giải quyết khúc mắc cuối cùng. Bởi đối với tôi, muốn đi xa thì phải đi liên tục, đi không ngừng nghỉ chứ không phải đi cho thật nhanh”.

Với thắc mắc: “Sau khi đoạt giải thưởng Fields, GS đã có đề tài nghiên cứu mới nào chưa?”, GS Châu từ tốn: “Tất nhiên là tôi có một số đề tài nghiên cứu mới rồi nhưng đang ở bước sơ khởi. Đối với tôi, việc nghiên cứu chưa bao giờ vội. Người ta thường ví cách làm toán như việc mở vỏ hạt dẻ. Có hai cách: một là làm thật nhanh bằng cách cầm búa gõ cho nát hạt dẻ. Cách thứ hai thì lâu hơn: phải chờ nước biển dâng lên thì hạt dẻ sẽ mở ra. Tôi theo trường phái chờ nước biển”.

“Thần tượng” Ngô Bảo Châu trong vòng vây các bạn sinh viên, học sinh sau buổi giao lưu tại hội trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG

Trong đầu phải có câu hỏi

Buổi giao lưu không chỉ có những câu hỏi và câu trả lời xoay quanh đề tài khô khan là toán học, không chỉ có những tràng pháo tay tán thưởng kéo dài, GS Ngô Bảo Châu còn khiến cả hội trường cười sảng khoái khi hóm hỉnh xin “đính chính” câu nói của một giảng viên trẻ Trường ĐH Khoa học tự nhiên rằng: “Không hẳn người giỏi toán thì làm gì cũng giỏi. Đa số những người làm toán không tự tin với môn nghệ thuật múa. Người làm toán đứng trước bạn gái rất là run...”.

Chia sẻ về những khó khăn mà mình đã gặp, GS Ngô Bảo Châu tâm sự: “Lúc ta đã lớn thì những thách thức cũng lớn theo, khi ấy cũng không có sách giải nên chúng ta phải tự mày mò tìm ra cách giải quyết. Thách thức thì muôn màu muôn vẻ nhưng thách thức lớn nhất đối với tôi là khi tiếp cận với toán học hiện đại. Rồi đến thời điểm làm luận án tiến sĩ, tôi đã nhận một đề tài mang tính chất rủi ro: hoặc làm được, hoặc không làm được. Thời gian làm luận án từ 3-4 năm nhưng qua ba năm rưỡi tôi vẫn chưa tìm ra kết quả. Tôi rất nản lòng vì thật ra mình đã rất cố gắng. Thế rồi một ngày đẹp trời, tôi đã tìm ra cách giải quyết và mọi thứ sáng sủa hơn. Vì thế, trong quá trình thất bại có mầm mống của sự thành công”.

Một sinh viên nêu thắc mắc: “Để trở thành người nghiên cứu toán học, những người đang đi học như tụi em cần phải có phương pháp đọc tài liệu như thế nào?”. GS Châu phân tích: “Đọc tài liệu khác với việc học để ôn thi. Trước hết trong đầu bạn phải có câu hỏi, khi có rồi mới tìm sách vở để tìm câu trả lời. Khi có câu hỏi thì nó thôi thúc ta đọc nhanh hơn, hiểu vấn đề chắc chắn hơn”.

Đã chọn khoa học thì không thể nhiều tiền

“Làm thế nào để cân bằng giữa niềm đam mê nghiên cứu và sức ép của cuộc sống mưu sinh? GS đã bao giờ phải chịu sức ép của cuộc sống mưu sinh chưa?” - một sinh viên hỏi. Câu trả lời của GS Ngô Bảo Châu là: “Tôi may mắn chưa phải chịu sức ép của cuộc sống mưu sinh. Bây giờ thì cuộc sống của tôi khá thoải mái. Tuy không phải lo miếng ăn hằng ngày nhưng có những việc muốn nhưng không làm được. Ví dụ, có năm mùa hè tôi muốn về Việt Nam nhưng xem lại tiền trong túi thì không đủ để mua vé máy bay. Nhưng đã chọn con đường làm khoa học thì không thể làm ra nhiều tiền như làm kinh tế”.

HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG

>> Giáo sư Ngô Bảo Châu: Sách giải thoát những rào cản vô hình
>> Cội nguồn đam mê là con mắt tuổi thơ
>> GS Ngô Bảo Châu làm việc ba tháng tại Việt Nam
>> Giáo sư Ngô Bảo Châu thực hiện tủ sách kiến thức
>> “Hãy ước mơ và phấn đấu hết mình"


tuoitre.vn
Thứ Sáu, 18/03/2011, 04:04 (GMT+7)

Giáo sư Ngô Bảo Châu thực hiện tủ sách kiến thức

* NXB Trẻ tổ chức hội sách và thi bình chọn Sách trẻ và tôi

TT - Một dự án xây dựng tủ sách kiến thức có tên “Cánh cửa mở rộng” vừa được GS Ngô Bảo Châu trao đổi với NXB Trẻ để thực hiện, nhân chuyến ghé thăm trụ sở NXB Trẻ trong khuôn khổ chuyến về thăm và làm việc tại Việt Nam hiện tại.

“Cánh cửa mở rộng” bao gồm các đầu sách do GS Ngô Bảo Châu và nhà văn - TS Phan Việt tuyển chọn và giới thiệu, NXB Trẻ tổ chức bản thảo và xuất bản. Mục đích tủ sách là giới thiệu những tác phẩm hay, hữu ích trong nước và thế giới đến độc giả Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc đọc sách, tinh thần hiếu học, coi trọng tri thức và những giá trị sống.

Tủ sách sẽ có ba mảng nội dung: văn học, khoa học xã hội - kinh tế và khoa học tự nhiên; gồm 80% các sách có khả năng tiếp cận đông đảo người đọc và 20% cho các sách chuyên sâu. Năm tựa sách đầu tiên sẽ được xuất bản vào tháng 11-2011.

* Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập (24-3-1981 - 24-3-2011), NXB Trẻ khai mạc một hội sách giảm giá vào sáng nay 18-3 tại sân trước NXB (161B Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM) với hơn 2.000 đầu sách, trong đó có 65 tựa sách mới và hơn 110 tựa sách tái bản. Hội sách sẽ diễn ra trong sáu ngày (đến 23-3)... Đồng thời từ ngày 15-3 đến hết ngày 15-4, trên website nxbtre.com.vn, NXB Trẻ mở cuộc thi bình chọn Sách trẻ và tôi.

Với 40 bộ sách và tựa sách gợi ý mà NXB Trẻ đã xuất bản trong 30 năm qua, bạn đọc có thể tham gia bình chọn một trong những tựa sách này hoặc đề cử thêm những quyển sách mà bạn cho là xứng đáng, kèm theo bài cảm nhận không quá 500 chữ. Kết quả cuộc bình chọn sẽ được công bố và phát giải vào Ngày đọc sách thế giới năm nay 23-4, tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM và trên website NXB Trẻ.

L.ĐIỀN



tuoitre.vn
Thứ Bảy, 25/06/2011, 08:14 (GMT+7)

GS Ngô Bảo Châu làm việc ba tháng tại Việt Nam

TT - Thông tin từ Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho biết GS Ngô Bảo Châu sẽ về làm việc ba tháng hè tại Việt Nam, chủ yếu là tại viện trên cương vị giám đốc khoa học mà ông đã được bổ nhiệm.

Ngày 23-6, với sự tham dự của các nhà toán học tên tuổi trong nước, giảng viên các trường ĐH, cán bộ nghiên cứu toán từ các viện, GS Ngô Bảo Châu đã có bài giảng đầu tiên tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, mở đầu cho chuỗi các hoạt động khoa học nhân dịp chính thức khai trương viện.

T.HÀ - T.V.N.

Thủ tướng Nhật Naoto Kan từ chức

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 26/08/2011, 11:57 (GMT+7)

TTO - Hôm nay 26-8, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tuyên bố từ chức chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc rời bỏ ghế thủ tướng. Đây là vị thủ tướng thứ 5 của Nhật Bản phải từ chức từ năm 2006 đến nay.

Thủ tướng Naoto Kan trong buổi họp toàn đảng DPJ tại tòa nhà quốc hội ở Tokyo sáng nay 26-8 - Ảnh: Reuters

Ba dự luật được thông qua

AFP cho biết việc từ chức của ông Kan đã được chính ông đưa ra hồi tháng 6 trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ tại Hạ viện. Ông Kan ra điều kiện sẽ từ chức nếu ba dự luật quan trọng được thông qua: một gói ngân sách bổ sung, một dự luật phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách và một dự luật thúc đẩy sử dụng năng lượng tái sinh.

Sáng nay 28-6, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật phát hành trái phiếu và dự luật thúc đẩy sử dụng năng lượng tái sinh. Trước đó, ngày 25-7, Quốc hội đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ 2 trong tài khóa 2011. Như vậy là cả ba dự luật quan trọng mà thủ tướng Kan đề ra đều đã được thông qua.

Theo Bloomberg, vị thủ tướng thứ sáu sẽ nhận trách nhiệm khắc phục hậu quả thảm họa kép và khủng hoảng hạt nhân đang diễn ra, nền dân số già đi, giá đồng yen tăng mạnh, và nợ nước ngoài đã đạt đến mức cao nhất.

9 thành viên ứng cử thủ tướng

Việc lựa chọn tân chủ tịch đảng DPJ sẽ diễn ra vào ngày 29-8 tới và quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua tân thủ tướng một ngày sau đó.

Hiện tại 9 ứng viên có khả năng tranh cử thủ tướng, trong đó có bốn người đã xác nhận là cựu ngoại trưởng Seiji Maehara, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda, Bộ trưởng Thương mại Banri Kaieda, Bộ trưởng Nông nghiệp Michihiko Kano. Hiện tại ông Seiji Maehara rất được dân chúng ủng hộ với tỉ lệ bình chọn đến 28%, theo hãng tin Kyodo.

Từ khi nắm quyền điều hành chính phủ từ tháng 6 năm ngoái đến nay, tỉ lệ ủng hộ thủ tướng Naoto Kan, 64 tuổi, liên tục giảm, xuống dưới mức kỉ lục 20%. Ông còn phải đối mặt với sự tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng DPJ và sự chia rẽ tại Quốc hội, khi đảng Dân chủ Tự do đối lập LDP đã không thông qua nhiều dự luật.

Bác đơn từ chức Bộ trưởng Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp

Hãng tin Kyodo ngày 25-8 cho biết đơn từ chức của Bộ trưởng Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp Banri Kaieda đã không được thủ tướng Kan chấp nhận.

Ông Kaieda cho biết sẽ vẫn giữ chức bộ trưởng cho đến khi cuộc tranh cử chủ tịch đảng DPJ diễn ra. Ông Kaidea là một người ủng hộ công nghiệp điện hạt nhân so với thủ tướng Kan.

Hồi tháng 7 tại một phiên họp ở Quốc hội, ông Kaieda từng nói sẽ từ chức vì đã xảy ra sự rối loạn ở các chính quyền địa phương xung quanh vấn đề khởi động lại các lò phản ứng đã ngừng hoạt động để kiểm tra.

TẤN KHOA

Ông Gaddafi:"Những bộ tộc sẽ tiến về Tripoli"

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 26/08/2011, 09:53 (GMT+7)

TTO - Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi ngày 25-8 lại phát đi một thông điệp chống phương Tây và lực lượng nổi dậy, trong khi Mỹ và Nam Phi đã đạt được một thỏa thuận giải băng lượng tài sản 1,5 tỉ USD của Libya để chi cho các hoạt động nhân đạo và dân sự.

Những tay súng vẫn xuất hiện khắp nơi ở Tripoli trong ngày 25-8 - Ảnh: Reuters

“Những bộ tộc sẽ tiến về Tripoli - Reuters dẫn lời ông Gaddafi nói trong một đoạn băng ghi âm phát trên truyền hình - Đừng để Tripoli rơi vào tay lũ chuột bọ, hãy giết sạch chúng, quét sạch chúng càng nhanh càng tốt”.

Hiện không ai biết ông Gaddafi, 69 tuổi, đang ở đâu. Những tin đồn khác nhau nói ông có thể vẫn đang có mặt đâu đó tại Tripoli hoặc đã rút về quê nhà, thị trấn miền đông Libya Sirte. Nổ súng vẫn tiếp diễn tại thủ đô vào ngày 25-8 khi các lực lượng có thể là thân Gaddafi tấn công những trạm kiểm soát của quân nổi dậy tại phi trường. Còn tại Sirte, các máy bay chiến đấu của NATO vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc không kích và đánh bom.

Reuters dẫn lời đại tá Hisham Buhagiar của quân nổi dậy nói họ đang lên danh sách một số địa điểm truy lùng Gaddafi. “Chúng tôi đã cử lực lượng đặc biệt đi mỗi ngày để tìm kiếm Gaddafi”, Buhagiar nói.

Cùng lúc, để tiến hành chuyển giao quyền lực, quan chức phụ trách về dầu mỏ và tài chính Ali Tarhouni của Hội đồng chuyển đổi quốc gia (NTC) cho biết tổ chức này đang lên kế hoạch chuyển từ Benghazi tới Tripoli.

Trong cuộc gặp của các quan chức thuộc Nhóm liên lạc Libya tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-8, thông cáo chung đã kêu gọi chấm dứt các cuộc trả thù, nhưng với việc ông Gaddafi vẫn còn chưa bị bắt nguy cơ bạo lực tiếp diễn vẫn rất lớn.

Trong khi đó, ngày hôm qua phe nổi dậy Libya đã phát hiện mạng lưới đường hầm phức tạp phía dưới dinh thự kiên cố của Gaddafi. Các đường hầm có vẻ như là một mạng lưới kết nối các căn phòng, các trung tâm thông tin và văn phòng lại với nhau.

Đường hầm bí mật trong khu dinh thự của Gaddafi - Ảnh: AP
Lối xuống bằng thang - Ảnh: AP
Đường vào hầm - Ảnh: AP
Các binh sĩ kiểm tra chiếc giường ở đường hầm - Ảnh: AP



Phát hiện đường hầm bí mật của Gaddafi tại Tripoli - Theo YouTube

HẢI MINH


tuoitre.vn

Thứ Tư, 24/08/2011, 07:33 (GMT+7)

Libya: cuộc chia phần bắt đầu

TT - Khi chiến sự tại Tripoli còn chưa kết thúc, tung tích nhà lãnh đạo Gaddafi vẫn còn là một ẩn số thì các nước phương Tây đã vội tìm cách tiếp cận các giếng dầu chất lượng cao của Libya.

>> Gaddafi đang ở đâu?
>> Quân nổi dậy kiểm soát hầu hết Tripoli
>> Con trai ông Gaddafi vẫn chưa bị bắt

Con trai Gaddafi là Saif al-Islam xuất hiện ở Tripoli ngày 23-8 - Ảnh: Reuters

Trước khi cuộc nổi dậy nổ ra hồi tháng 2-2011, Libya sản xuất 1,8 triệu thùng dầu thô/ngày và xuất khẩu 1,5 triệu thùng/ngày. Con số này chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng cung dầu thô toàn cầu, nhưng rất ít quốc gia trên thế giới có được loại dầu ngọt, nhẹ chất lượng cao như của Libya. Khi chiến tranh xảy ra, các công ty dầu khí nước ngoài buộc phải rút nhân sự ra khỏi Libya.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Libya tụt giảm còn chưa đầy 60.000 thùng/ngày, chỉ đủ đáp ứng 20% nhu cầu năng lượng nội địa của nước này.

Trong những ngày qua, lực lượng nổi dậy chỉ có thể xuất một lượng nhỏ dầu thô còn tồn kho ra thị trường quốc tế qua đường Qatar. Tuy nhiên, nếu dòng xuất khẩu dầu từ Libya được nối lại, giá dầu thô tại Mỹ và châu Âu sẽ sụt giảm, kéo giá xăng tụt theo. Cũng giống như thời kỳ sau chiến tranh ở Iraq, các nước phương Tây, đặc biệt là các thành viên NATO đã tham gia cuộc không kích Libya, đều nhanh chóng lên tiếng và bày tỏ ý muốn các công ty của nước mình sớm tiếp cận các giếng dầu ở Libya.

Cuộc đua tìm “vàng đen”

Con trai Gaddafi thề quyết chiến

Theo Hãng tin Ả Rập Al Jazeera, ngày 23-8 Saif al-Islam, con trai ông Gaddafi, lại xuất hiện trên đường phố Tripoli dù trước đó có tin ông ta đã bị lực lượng nổi dậy bắt giữ. Saif tuyên bố quân đội của ông Gaddafi đã ”bẻ gãy sống lưng lực lượng nổi dậy”. Al Jazeera cho biết giao tranh vẫn đang diễn ra ở Tripoli và cả hai phe đều tuyên bố đang kiểm soát thủ đô.

Báo New York Times cho biết ngày 22-8 khi Tripoli rơi vào tay quân nổi dậy, Ngoại trưởng Ý Franco Frattini đã tuyên bố Công ty dầu khí Ý Eni “sẽ đóng vai trò số 1” tại Libya trong tương lai. Thậm chí ông còn khẳng định các kỹ thuật viên của Eni đã lên đường đến miền đông Libya để nối lại hoạt động sản xuất dầu thô.

Cũng trong ngày 22-8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã mời Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) Mustafa Abdel-Jalil đến Pháp để hội đàm. Báo Wall Street Journal đưa tin Hãng BP (Anh) cũng vừa tuyên bố sẽ sớm trở lại Libya để tiếp tục hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Eni, BP cùng Total (Pháp), Repsol YPF (Tây Ban Nha) và OMV (Áo) đều là những nhà sản xuất dầu lớn ở Libya trước khi chiến sự nổ ra. BP đang thực hiện chương trình trị giá 900 triệu USD trước khi mọi hoạt động bị ngưng trệ.

Trong khi đó, Hãng Royal Dutch Shell (Hà Lan) cũng cho biết “đang theo dõi chặt chẽ tình hình Libya”. Các tập đoàn Mỹ như Hess, ConocoPhillips và Marathon cũng từng ký hợp đồng khai thác dầu với chính quyền Gaddafi và đang nóng ruột quay trở lại. Trong những năm gần đây, dầu thô từ Libya đáp ứng 20% nhu cầu dầu của Ý, hơn 15% nhu cầu của Pháp, Thụy Sĩ, Ireland và Áo.

Nhà lãnh đạo Gaddafi bị xem là một đối tác khó chịu đối với các công ty dầu khí quốc tế, bởi ông thường xuyên tăng thuế phí và hay đưa ra nhiều yêu sách khắt khe khác. Giới quan sát nhận định một chính quyền mới có quan hệ gần gũi với NATO sẽ giúp quan hệ hợp tác dầu khí giữa Libya và phương Tây trở nên suôn sẻ hơn. Một số chuyên gia dầu khí cho rằng khi có được sự tự do, không bị ông Gaddafi cản trở, các công ty dầu phương Tây có thể tìm thấy nhiều dầu hơn ở Libya.

Do đó trong thời gian tới, các công ty dầu quốc tế, đặc biệt là Total và Eni với Chính phủ Pháp và Ý đứng sau, sẽ cạnh tranh dữ dội để ký được những hợp đồng khai thác tốt nhất. “Khi các cường quốc phương Tây nhìn vào Libya và khu vực, họ thường nói đến nhân quyền và dân chủ - nhà hoạt động Greg Muttitt thuộc Tổ chức War on Want nhận định - Nhưng họ chỉ nghĩ đến dầu khí mà thôi”.

Dòng dầu sẽ sớm chảy

Cái được của các nước phương Tây sẽ lại là cái mất của Nga, Trung Quốc và Brazil, ba nước không ủng hộ cuộc trừng phạt chế độ Gaddafi. “Chúng tôi không có vấn đề gì với các nước phương Tây như Ý, Pháp hay Anh - Reuters dẫn lời người phát ngôn Công ty dầu Agoco của lực lượng nổi dậy - Nhưng chúng tôi có vấn đề với Nga, Trung Quốc và Brazil”.

Trước cuộc chiến, Trung Quốc có 75 công ty hoạt động ở Libya, các hãng dầu của Nga như Gazprom Neft và Tatneft có các dự án trị giá hàng tỉ USD, còn các công ty của Brazil như Petrobras và Odebrecht cũng làm ăn tại đây.

Một số chuyên gia dự báo Libya sẽ phải mất một năm để sửa chữa các cơ sở khai thác dầu khí và khôi phục được sản lượng xuất khẩu 1,5 triệu thùng/ngày như thời điểm trước tháng 3-2011. Thế nhưng, theo báo Wall Street Journal, nhiều người lại cho rằng việc xuất khẩu dầu sẽ tái khởi động chỉ trong vài tháng tới.

Dầu là nguồn lợi kinh tế chủ yếu của Libya, do đó chính phủ mới sẽ phải ưu tiên hoạt động khai thác dầu khí, bao gồm việc đảm bảo an ninh các giếng dầu, hệ thống đường ống, nhà máy lọc dầu và cảng biển, và thiết lập quan hệ với các công ty dầu quốc tế. Giới chuyên gia ước tính khi đó giá dầu Brent biển Bắc có thể giảm xuống 85 USD/thùng so với mức 108 USD/thùng hiện tại.

SƠN HÀ

Cài đặt sẵn trên các máy tính của Intel Phần mềm học tiếng Anh miễn phí cho học sinh

Vietnam+ (VietnamPlus)
18/08/2011 | 22:23:00

Ảnh minh họa. (Phạm Mai/Vietnam+)

Ngày 18/8, Công ty trách nhiệm hữu hạn Intel Việt Nam (Intel Việt Nam) phối hợp với Hội đồng Anh công bố “Phần mềm học tiếng Anh” mới trên máy tính dành cho học sinh tiểu học và trung học tại Việt Nam.

Phần mềm này sẽ được cài đặt sẵn trên các máy tính của Intel. Do đó, chỉ cần mua máy tính, khách hàng sẽ được sử dụng phần mềm miễn phí.

Gói phần mềm này bao gồm các bài học tiếng Anh được thiết kế trên cơ sở tinh lọc từ hai trang web học tiếng Anh nổi tiếng nhất của Hội đồng Anh.

Các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng đối tượng học sinh. Với bậc tiểu học có hàng loạt câu chuyện nhỏ bằng hình ảnh sinh động, có tiếng và phụ đề tiếng Anh để các em có thể vừa nghe, đọc, nhìn, giúp các em trau dồi từ vựng, ngữ pháp và tình huống sử dụng. Bậc trung học có các bài đọc, bài luận và câu hỏi. Phần hướng dẫn được dịch sang tiếng Việt để phụ huynh dễ theo dõi. Nội dung các bài học bám sát theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Tom Burns, đại diện Tập đoàn Intel cho biết: “Với phần mềm học tiếng Anh mới được cài đặt trên các máy tính, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao ý thức học tiếng Anh ở những người trẻ đồng thời cải thiện khả năng cảm thụ ngôn ngữ để các em có thể lĩnh hội kiến thức tiếng Anh nhanh hơn”.

Theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Ngọc Hùng, Ủy viên thường trực Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2010-2020 thì đây là tài liệu bổ ích, tạo điều kiện cho học sinh có thể học tiếng Anh bên ngoài môi trường lớp học.

Tuy nhiên, với việc không bán ngoài và chỉ cài đặt trên hệ thống máy tính của Intel, phần mềm này sẽ rất khó đến được với những người đã có máy tính và không có nhu cầu hoặc học sinh vùng khó không đủ điều kiện mua máy tính./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Thí sinh phía Nam nô nức, phía Bắc cẩn trọng chờ

Vietnam+ (VietnamPlus)
25/08/2011 | 19:24:00

Thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 tại Đại học Cần Thơ sáng nay, ngày 25/8/2011. (Ảnh: Đại học Cần Thơ)

Kết thúc ngày nhận hồ sơ xét tuyển đầu tiên, trong khi các trường phía Nam có khá đông thí sinh đến đăng ký, có trường nhận được hàng nghìn hồ sơ thì tại các trường phía Bắc, số thí sinh ít hơn rất nhiều.

Ngày đầu, hồ sơ thu được đã bằng chỉ tiêu

Năm nay, Đại học Cần Thơ có khoảng 1.100 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2 ở 31 ngành học khác nhau. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã lập tức được lấp đầy ngay trong ngày nhận hồ sơ xét tuyển đầu tiên.

Cụ thể, theo ông Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ Đỗ Văn Xê, tính đến cuối giờ chiều nay, ngày 28/5, Đại học Cần Thơ đã nhận được trên 1.100 hồ sơ đăng ký của thí sinh, bằng với chỉ tiêu của trường.

Ông Xê cho biết, ngay từ đầu giờ sáng đã có rất đông học sinh và phụ huynh đến đăng ký. Khi thí sinh đến, trường nhập trực tiếp các dữ liệu về thí sinh như họ tên, ngày tháng năm sinh, ngành học, điểm số… thay vì ghi sổ rồi mới nhập dữ liệu sau. Vì thế, việc thu nhận hồ sơ khá nhanh chóng, gọn nhẹ và không mất nhiều công đoạn. Trường đánh số thứ tự và xếp thí sinh theo điểm số từ cao xuống thấp, ở từng ngành học.

“Với cách làm này, ngay khi đăng ký xong, thí sinh đã có thể vào mạng internet, tra cứu trên cổng thông tin điện tử của trường để biết mình xếp vị trí thứ bao nhiêu trong tổng số các thí sinh nộp hồ sơ vào cùng ngành học,” ông Xê nói.

Số hồ sơ nhận được cho mỗi ngành khác nhau. Các ngành Kinh doanh Thương mại, Kế toán đều nhận được 30 hồ sơ trong khi ngành Sư phạm Vật lý mới có 19 thí sinh đăng ký.

“Thời gian nhận hồ sơ còn 19 ngày nữa. Chúng tôi rất hy vọng sẽ có được nguồn tuyển dồi dào,” ông Xê vui vẻ nói. Vị lãnh đạo Đại học Cần Thơ này, sở dĩ trường nhận được nhiều hồ sơ đăng ký do trong những năm qua, Đại học Cần Thơ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu nên thu hút được thí sinh.

Cũng theo ông Xê, Đại học Cần Thơ sẽ không trả lại lệ phí cho thí sinh nếu các em muốn rút hồ sơ. Lý giải cho cách làm này, lãnh đạo Đại học Cần Thơ cho biết, việc rút tiền đòi hỏi nhiều thủ tục nhiêu khê. Hơn nữa, đây cũng là lệ phí cho việc trường nhập dữ liệu rồi xóa dữ liệu về thí sinh, đồng thời để thí sinh khi nộp hoặc rút hồ sơ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Giống như Đại học Cần Thơ, kết thúc ngày thu hồ sơ đầu tiên, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận được trên 1.000 hồ sơ đăng ký. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ có hơn 400 lượt thí sinh nộp hồ sơ. Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng đón trên 500 lượt thí sinh…

Thí sinh phía Bắc cẩn trọng

Trong khi các trường phía Nam rất đông thí sinh đến đăng ký thì khu vực phía Bắc, tình hình có vẻ trầm lắng hơn. Đại học Nguyễn Trãi có khoảng chục thí sinh đến đăng ký. Các trường Đại học Sư phạm, Đại học Thương mại, Đại học Dân lập Hải Phòng cũng thưa vắng thí sinh.

Thu hút được nhiều sĩ tử đến đầu quân trong ngày hôm nay ở phía Bắc có lẽ phải kể đến Viện Đại học Mở Hà Nội. Ban tuyển sinh của trường cho biết, có khoảng 300 thí sinh đã đến làm thủ tục xét tuyển. Đại học Kinh doanh và Công nghệ cũng nhận được trên 300 bộ. Ngay từ đầu giờ sáng, đã có rất nhiều phụ huynh và thí sinh đến để đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, vẫn có những thí sinh còn đang băn khoăn tính toán. Tại cổng Viện Đại học Mở Hà Nội, thí sinh Nguyễn Văn Tuấn, quê ở Hoài Đức, Hà Nội ngần ngừ chưa quyết về việc đăng ký xét tuyển. Tuấn cho biết, em thi khối D được 15 điểm và muốn đăng ký vào Viện Đại học Mở, nhưng đến nơi, thấy nhiều người cùng đăng ký nên hơi do dự. “Em sợ mình cạnh tranh không nổi. Có lẽ phải cân nhắc thêm,” Tuấn chia sẻ.

Cũng theo Tuấn, dù Bộ cho phép thí sinh được phép rút hồ sơ nhưng việc đi đến trường để rút cũng rất mất thời gian. Hơn nữa, bản thân em cũng không muốn nộp vào, rút ra.

Đây có lẽ cũng là tâm lý chung của rất nhiều thí sinh, nhất là thí sinh khu vực phía Bắc với bản tính người miền Bắc hay cẩn trọng.

Năm nay là năm Bộ Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều đổi mới trong việc xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 như kéo dài thời gian xét tuyển, cho phép thí sinh được rút hồ sơ, yêu cầu các trường công khai danh sách. Trong khi đó, chỉ tiêu nguyện vọng 2 của các trường lại rất dồi dào. Cơ hội đỗ đại học vì thế rất rộng mở cho thí sinh. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian nhận hồ sơ sẽ kéo dài đến hết ngày 15/9/2011./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Lãi suất… "nuốt" lợi nhuận

24h.com.vn - Thị trường - Tiêu dùng
Thứ Sáu, ngày 26/08/2011, 09:19

Với lãi suất ngân hàng cho vay 22%-25%/năm như hiện nay, DN làm ra lợi nhuận, ngân hàng hưởng hết.

Nhiều DN sản xuất phản ánh mức lãi ngân hàng cho vay hiện nay quá cao 22%-25% đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tê liệt, dự án đình đốn… Nhiều hiệp hội gửi văn bản kêu cứu vì nếu tình trạng này kéo dài thì DN sẽ chết hàng loạt.

Lãi suất cao nhưng DN muốn vay cũng không dễ. Có những DN trả tiền chậm cho ngân hàng liền bị đưa vào nợ quá hạn và hạ bậc xếp loại, lần sau không được giải quyết cho vay nữa.

Bỏ cuộc vì thiếu vốn

Bà Vũ Thị Thu Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Ngũ Cốc Việt Granis (quận 7, TP.HCM), cho biết đến thời điểm 1-10-2011, DN kinh doanh gạo nào không đáp ứng kho chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ… sẽ không được trực tiếp xuất khẩu gạo. Lý do Nghị định 109 quy định DN kinh doanh xuất khẩu gạo cần có số vốn 20-30 tỉ đồng đáp ứng yêu cầu kho chứa, nhà máy xay xát... Tuy nhiên, trong lúc lãi suất ngân hàng ở mức cao trên 20% như hiện nay, không có DN nào đủ tự tin vay vốn xây dựng kho bãi, nhà máy xay xát đáp ứng nghị định. Chính vì lãi suất ngân hàng quá cao nên nhiều DN kinh doanh gạo chắc chắn sẽ giã từ cuộc chơi.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt (TP.HCM), cho rằng đây là điều đáng tiếc bởi trong số DN không đáp ứng đủ điều kiện của Nghị định 109 có nhiều DN có kinh nghiệm, thị trường xuất khẩu gạo.

Tương tự, dù giá thịt trên thị trường tăng liên tục, thị trường khan hiếm hàng nhưng nhiều chủ trang trại heo không dám đầu tư vì thiếu vốn.

Ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Công Trí (Đồng Nai), nhận định thị trường từ đây đến cuối năm sẽ thiếu thịt heo. Do đó, ông cần huy động nguồn vốn 20-30 tỉ đồng phát triển trang trại với quy mô khoảng 4.000 heo nái. Nhưng khó khăn của ông và các chủ trang trại là không thể tìm nguồn vốn vay lãi suất thấp. Bởi nếu vay với lãi suất như bây giờ thì không ai dám, dù giá thịt heo rất có lãi.

Phá sản ngay trước mắt

Tình trạng lãi suất cao đang đè nặng lên vai DN diễn ra ở hầu hết các ngành. Điều này thấy rõ ở “vương quốc” tôm thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Ông Phạm Khắc Ghi, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau, cho biết nguồn thu ngân sách từ thuế thu nhập DN tại hệ thống các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản trong tỉnh bị ảnh hưởng lớn. Theo tìm hiểu ban đầu từ Cục Thuế tỉnh Cà Mau thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm về hiệu quả kinh doanh của hệ thống công ty chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau là do lãi suất ngân hàng tăng quá cao thời gian gần đây.

“Với mức lãi suất vay lên đến 22%/năm, nhiều công ty phải gánh nặng đến vài tỉ đồng mỗi tháng, thu nhập DN ảnh hưởng trầm trọng” - ông Ghi cho biết.

Ghi nhận của chúng tôi tại tỉnh Cà Mau cho thấy có ít nhất năm công ty chế biến và xuất khẩu thủy hải sản đang lâm tình trạng nguy kịch.

Phó tổng giám đốc một công ty chế biến thủy sản tại phường 8, TP Cà Mau phân tích: “Lãi suất chúng tôi đang gánh là 22%/năm, cá biệt có một số đơn vị do thiếu hụt vốn phải chấp nhận với mức 24%, 25%/năm. Mức lãi suất này đã kéo lợi nhuận của công ty xuống rất mạnh. Những năm trước đây, tỉ lệ lãi trên vốn có thể đạt 20%-30% nhưng trong năm nay, công ty nào làm đạt được 8% hoặc 10% đã là quá cao”.

Theo vị phó tổng giám đốc này, riêng tại Cà Mau hiện có ba đơn vị sắp vỡ nợ mà nguyên nhân chính là lãi suất quá lớn, mỗi tháng gánh gần chục tỉ đồng.

Lãi suất… "nuốt" lợi nhuận, Thị trường - Tiêu dùng, ngan hang, lai suat, doanh nghiep, kinh doanh, san xuat, gia gao

Lãi suất quá cao khiến nhiều DN nhỏ và vừa đứng bên bờ vực phá sản.

Khắp nơi kêu cứu

Không chịu đựng được lãi suất ngân hàng quá cao, nhiều hiệp hội ngành nghề đã thay mặt DN kêu cứu.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM, cho rằng lãi suất ngân hàng hiện quá cao đã ăn hết lợi nhuận DN. “Một năm DN làm ra lợi nhuận 20%-30%, vậy mà năm nay lãi suất cho vay trung bình của ngân hàng trên 22%/năm thì làm sao DN dám vay để hoạt động. Hiện ngành da giày chúng tôi có nhiều DN khó khăn nhưng không dám kêu vì sợ ngân hàng không rót vốn. Lý do, đó là các công ty con, nếu kêu khó thì ngân hàng không cho các công ty mẹ vay vốn” - ông Khánh bộc bạch.

Ông Khánh cho biết thêm: “Tình hình vốn tín dụng lãi cao ảnh hưởng đến sản xuất, chúng tôi đã làm văn bản gửi Sở Công Thương, Bộ Công Thương phản ánh thực tế khó khăn của DN và đề xuất Nhà nước có các hướng hỗ trợ về chính sách, lãi suất...”.

Trong lúc này, tại tỉnh Bạc Liêu, Hội DN trẻ của tỉnh đã lên tiếng kêu gọi UBND tỉnh xem xét giải quyết khó khăn cho hệ thống DN trong toàn tỉnh. Hội này nhấn mạnh ở gánh nặng lãi suất mà các DN phải gánh hiện nay bình quân là 22%/năm. Hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để ngân hàng giảm dần lãi suất cho vay. Các giải pháp cụ thể như ngân hàng cần có chính sách cho nợ lãi được kéo dài và trả dần đến khi kết thúc cùng với kỳ hạn nợ gốc. Đối với nợ gốc, ngân hàng nên cho phép được kéo dài kỳ hạn trả nợ ít nhất bằng với một chu kỳ của thời hạn nợ đã định trước đó…

Tại TP.HCM, trong cuộc họp với UBND TP mới đây, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP nói có gần 30% DN TP đứng bên bờ vực phá sản vì lãi suất cao. Vì thế, Hiệp hội đã đề xuất TP cần có ngay các biện pháp hỗ trợ DN.

22%-25% là mức lãi suất tính theo năm đối với lĩnh vực phi sản xuất. 16,5%-20% là mức lãi suất năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu. Đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác 18%-21%/năm.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 19-8)

DN niêm yết cũng te tua

Soi gần 500 DN niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, TP.HCM càng thấy sức ép lãi suất hạ gục DN. Báo cáo tài chính của nhiều DN cho thấy hàng tồn kho, nợ ngân hàng quá lớn, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh không khởi sắc và ngày càng xấu đi.

TAGS: ngan hang, lai suat, doanh nghiep, kinh doanh, san xuat, gia gao
Theo Nhóm PV (Pháp luật TP.HCM)


Vietnam+ (VietnamPlus)
"Điều hành tiền tệ cần chủ động và linh hoạt hơn"
25/08/2011 | 19:28:00

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Kiều Khanh/Vietnam+).
Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 25/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần chủ động, linh hoạt hơn nữa trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Đánh giá cao những kết quả trong việc điều hành chính sách của cơ quan này thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng việc điều hành chính sách, tiền tệ, tỷ giá có nhiều điểm sáng, tốt hơn năm ngoái.

Việc "cắt" những cơn "sốt" của giá vàng, tỷ giá trong thời gian qua cũng chứng tỏ sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã nhạy bén và trúng hơn. Cơ cấu tín dụng cũng đã có sự chuyển dịch tích cực, các ngân hàng đã tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Về những tháng còn lại của năm, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Ngân hàng Nhà nước cần tập trung phân tích khó khăn của các doanh nghiệp để đưa ra mức độ ưu tiên vốn cụ thể đối với từng đối tượng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh về vấn đề chia sẻ lợi nhuận giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn khi mà các ngân hàng công bố mức lãi cao như vừa qua; khẩn trương hoàn thiện về mặt cơ chế, chính sách về vấn đề vàng, ngoại tệ. Theo đó, tiến tới thu hẹp dần khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu khẳng định từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đến những vấn đề như khó khăn của từng đối tượng doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ kịp thời, đồng thời chú trọng thanh khoản và giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Trước mắt, Ngân hàng vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, nếu lạm phát giảmn thì sẽ xem xét điều chỉnh giảm các mức lãi suất với biên độ phù hợp; tiếp tục giữ trần lãi suất huy động 14%/năm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay (khi điều kiện thích hợp Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ trần lãi suất huy động).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ họp với các ngân hàng thương mại để tạo sự đồng thuận trong việc giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất thông thường xuống còn 17-19%/năm.

Để kiểm soát tín dụng bằng VND, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và có tỷ lệ cho vay phi sản xuất cao hơn mức quy định tại Chỉ thị 01; tiếp tục duy trì các quy định về cho vay phi sản xuất và tùy theo diễn biến tình hình thị trường để có những điều chỉnh thích hợp.

Để kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ, công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được tăng cường đối với một số tổ chức tín dụng có tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao, thu hẹp đối tượng được vay bằng ngoại tệ; cân nhắc các biện pháp nhằm tăng chi phí vay bằng ngoại tệ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, vàng để có giải pháp điều hành phù hợp; xây dựng trình Chính phủ phương án bình ổn giá vàng trong ngắn hạn và phương án Ngân hàng Nhà nước huy động vàng trong nền kinh tế nhằm tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước đảm bảo quyền lợi của người dân nắm giữ vàng; trình Chính phủ Nghị định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Giá vàng tăng mạnh 1,4 triệu đồng/lượng

Thanh Niên Online:
Ảnh: Thanh Hải

(TNO) Theo đà tăng của giá vàng thế giới, sáng nay (26.8), giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại, vượt ngưỡng 46 triệu đồng/lượng.

>> Giá vàng đổ dốc
>> Vàng giảm 2,5 triệu đồng/lượng, người dân đổ xô mua
>> Thực phẩm đua nhau giảm giá mạnh

Lúc 9 giờ 15 phút, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại TP.HCM niêm yết ở mức 45,8 và 46,2 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Tại Hà Nội, giá vàng SJC cũng có mức tăng tương tự, với cùng mức mua vào nhưng bán ra cao hơn 20.000 đồng/lượng so với giá bán tại thị trường TP.HCM.

Như vậy, giá vàng SJC đã tăng 1,4 triệu đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều qua.

Vàng miếng Phượng Hoàng PNJ-DongA Bank của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết với giá mua vào 45,7 triệu đồng/lượng và bán ra 46,08 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng hiệu SBJ của Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank mua bán cùng thời điểm lần lượt là 45,61 và 45,99 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) trong sáng nay cũng tăng mạnh, đang niêm yết ở mức 45,7 và 46,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Đóng cửa phiên giao dịch 25.8 (vào rạng sáng nay 26.8, giờ VN), giá vàng tại New York (Mỹ) chốt ở mức 1.774,8 USD/ounce, tăng 18,3 USD/ounce so với phiên liền trước. Trong phiên, có lúc giá vàng tăng lên mức cao nhất 1.774,7 USD/ounce.

Còn tại thị trường châu Á vào sáng nay, giá vàng giảm nhẹ. Theo bảng giao dịch điện tử Kitco, giá vàng thế giới lúc 9 giờ 18 phút (giờ VN) ở mức 1.762,1 USD/ounce, giảm 10,2 USD so với giá mở cửa đầu ngày

Lê Trần

dantri.com.vn
Thứ Sáu, 26/08/2011 - 10:45
(Dân trí) - Đến 10h40, vàng trong nước đang lấy lại được toàn bộ số điểm đã mất hôm qua khi vọt lên mốc 47,2 triệu đồng/lượng bán ra khi vàng thế giới leo qua mốc 1.773 USD/ounce.
>> Cả thế giới quay cuồng với vàng
>> Vàng "ngót" mất 2,4 triệu đồng/lượng
Lúc 10h40, vàng SJC đã tăng hơn 2,5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua khi chỉ sau 1 tiếng điều chỉnh hơn 700 nghìn đồng/lượng lên mức 46,7 - 47,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán lúc này bị đẩy lên 500 nghìn đồng/lượng. Đà tăng chóng vánh của giá cùng với khoảng cách chênh lệch quá cao giữa giá mua bán và với giá vàng thế giới gia tăng rủi ro cao khi thực hiện giao dịch lúc này.
---
Vẫn điệp khúc tăng nhanh xuống chậm của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới. Sáng nay, khi vàng thế giới vẫn lên xuống quanh mốc 1.767 USD/ounce thì giá vàng trong nước chỉ có tăng chứ không giảm. Đến 9h40, giá vàng trong nước đã lấy lại được 1,8 triệu đồng/lượng đã mất trong phiên hôm qua khi giá vàng giao dịch ở mức 46,15 - 46,55 triệu đồng/lượng, tăng đến 450 nghìn đồng/lượng chỉ sau hơn 30 phút. Chênh lệch giữa mua bán vẫn giữ mức cao 400 nghìn đồng/lượng.
Điều đáng nói, khoảng cách chênh lệch mua bán giữa vàng trong nước và vàng thế giới đang bị "đội" cao, hơn 2 triệu đồng/lượng (chưa kể phí và thuế).
Giá vàng tăng trở lại sau 2 ngày tuột mạnh.
Đến 9h, SJC niêm yết giá vàng mua vào – bán ra lên mức 45,7 – 46,1 triệu đồng/lượng, tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua. Chênh lệch mua bán đầu ngày tăng lên 400 nghìn đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đêm qua đã phục hồi trở lại sau 2 phiên giảm mạnh do chứng khoán toàn cầu giảm mạnh thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.

Chốt phiên đêm qua, vàng giao tháng 12 trên sàn Comex (New York) đã bật tăng 5,9 USD lên 1.763,2 USD/ounce sau khi xuống mức thấp nhất 1.705 USD/ounce. Trong phiên xu hướng đi xuống vẫn chủ yếu.
Hiện tại thị trường châu Á, vàng giao ngay dao động quanh mốc 1.760 USD/ounce. Trước đó, có lúc vàng giao ngay tăng lên mức 1776 USD/ounce.

Giá vàng tăng trở lại chấm dứt chuỗi 2 phiên giảm mạnh liên tiếp khi thị trường chứng khoán toàn cầu đêm qua sụt giảm mạnh do lo ngại về động thái sắp tới của FED. Thị trường chứng khoán châu Âu còn bị rung động mạnh khi rộ lên tin đồn Đức có thể bị hạ bậc xếp hạng nợ công.

Nhu cầu đối với kim loại quý này gia tăng trở lại khi báo cáo về việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tuần đến 20/8, số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng thêm 5.000 lên 417.000 hồ sơ, cao hơn dự đoán trước đó của giới phân tích.

Vàng đã tăng 24% trong năm nay và vẫn đang hướng tới mốc tâm lý 2.000 USD/ounce do nền kinh tế toàn cầu suy yếu, khủng hoảng nợ công tại châu Âu kéo dài.

Tuy nhiên, giới quan sát đang trông chờ vào quyết định cuối cùng của FED về gói kích thích kinh tế QE3 vào tối nay theo giờ Việt Nam để có dự đoán chính xác về chiều đi của giá vàng trong ngắn hạn.

Nhật Linh



thanhnien.com.vn



thanhnien.com.vn