|
Ông Thaksin Shinawatra đang tạo ra các rủi ro chính trị cho em gái Yingluck Shinawatra, tân Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) - Bị lật đổ trong một cuộc đảo chính của quân đội vào năm 2006 và phải sống lưu vong ở nước ngoài để tránh bản án hai năm tù về tội tham nhũng, những tưởng cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã không còn đường trở lại Thái Lan ...
>> Đảng Dân chủ đề nghị khởi tố Ngoại trưởng Thái Lan
>> Ông Thaksin sẽ thăm Nhật Bản
Thế nhưng, những ngày sau khi em gái của ông là bà Yingluck Shinawatra được bầu làm Thủ tướng Thái Lan, tên tuổi của ông Thaksin lại xuất hiện dày đặc trên báo chí, gây khó khăn cho những nỗ lực của chính phủ mới nhằm thu phục sự tín nhiệm của người dân và khiến nguy cơ bất ổn tại Thái Lan có thể tái diễn.
Mặc dù sống ở một biệt thự xa xôi tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất), ông Thaksin vẫn được nhìn nhận là đã hỗ trợ, tác động giúp bà Yingluck thắng cử. Ông đóng vai trò như nhà môi giới quyền lực, nhà cố vấn chính trị sau hậu trường dù đang đeo án tù về tội tham nhũng. Nhiều người nghĩ ông Thaksin sẽ im hơi lặng tiếng, chờ các đồng minh chính trị ở Thái Lan củng cố quyền lực và mở ra cánh cửa ân xá, cho phép ông có thể quay trở về.
Thế nhưng, ông đã làm ngược lại hoàn hoàn bằng cách lên kế hoạch cho những chuyến thăm Nhật Bản và Campuchia. Điều này đã khiến bà Yingluck túng túng và giảm bớt sự chú ý của người dân vào các chính sách của bà (tăng lương tối thiếu cho người lao động, lương tối thiểu cho sinh viên mới tốt nghiệp, mua lúa gạo của nông dân với giá cao hơn thị trường…).
Và rõ ràng sóng gió chính trị đã nhen nhóm trước mắt bà Yingluck, một người mới chân ướt chân ráo bước vào chính trường khi phe đối lập đảng Dân chủ đề nghị khởi tố Ngoại trưởng Surapong Towijakchaikul vì đề nghị Nhật Bản cấp thị thực cho “tội phạm” Thaksin. Ngày 18-8, một nhóm nhỏ người dân cũng đã đến đại sứ quán Nhật Bản ở Bangkok biểu tình phản đối việc cấp thị thực cho ông Thaksin.
Cố vấn pháp lý của ông Thaksin buộc phải tuyên bố ông Thaksin sẽ không thăm Campuchia như dự kiến. Trong lúc Thái Lan vẫn đang tranh chấp khu vực biên giới ở ngôi đền cổ Preah Vihear, chuyến thăm này sẽ là mục tiêu công kích tiếp theo của phe đối lập mặc dù trước đó bà Yingluck phân trần rằng đó là chuyến đi cá nhân của ông Thaksin, không liên quan gì đến công việc của chính phủ. Dư luận và phe đối lập khó chấp nhận việc ông Thaksin thăm Campuchia và gặp Thủ tướng Hunsen trước bất kỳ phái đoàn chính thức nào của chính phủ Thái Lan.
Chuyên gia nghiên cứu chính trị Thái Lan Michael Montesano ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói: “Dường như ông ấy không thể kiềm chế bản thân. Đây là trò chơi chính trị hết sức nguy hiểm”.
Ông Michael Montesano nhận định: “Sự hấp tấp, nóng vội của ông Thaksin đến nhanh hơn tôi trông đợi. Cách hành xử của ông ấy gây khó khăn cho bà Yingluck. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy sự hấp tấp này nhiều hơn nữa và những khó khăn của bà Yingluck trong việc chế ngự người anh trai càng tồi tệ hơn”.
Xã hội Thái Lan đang bị chia rẽ sâu sắc bởi mâu thuẫn giữa một bên là tầng lớp dân lao động (tức phe áo đỏ), giới doanh nghiệp thân cận của ông Thaksin với một bên là các tướng lĩnh quân đội, giới thượng lưu bảo thủ, những người bảo hoàng và tầng lớp trung lưu đô thị (tức phe áo vàng).
Tất cả những phe phái, quan chức ủng hộ ông Thaksin (ngoại trừ đảng Puea Thai) đã bị phế truất quyền lực. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo đảng Puea Thai sẽ chịu số phận tương tự nếu ông Thaksin đi quá giới hạn và vẫn tiếp tục tìm cách tác động đến cách điều hành đất nước của bà Yingluck.
Bà Yingluck thắng cử nhờ vào những chính sách dân túy mà đảng Puea Thai của bà cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử. Thế nhưng, việc ông Thaksin tạo ra tâm điểm chú ý của dư luận đặt ra rủi ro cao hơn: chọc tức các tướng lĩnh quân đội đã tiến hành đảo chính lật đổ ông Thaksin cách đây năm năm.
Những ngày qua, báo chí Thái Lan đang gia tăng áp lực cho bà Yingluck khi đặt nghi vấn về việc bà Yingluck đang tạo điều kiện thuận lợi để đưa ông Thaksin trở lại Thái Lan. Báo Bangkok Post giật những tít bài như “Thủ tướng đã giúp đỡ ông Thaksin?”, “Người đàn bà đẹp có bước đi sai lầm đầu tiên”. Báo The Nation thì có những bài viết gây bất lợi cho bà Yingluck với các tựa đề như “Chính phủ đang nỗ lực để đưa Thaksin trở về”, “Âm mưu đưa Thaksin trở về” hay “Ít nhất, Thaksin hãy để cho em gái mình bắt đầu làm việc”.
Nhiều người Thái Lan tin rằng Ngoại trưởng Surapong, một người bà con xa với ông Thaksin, sẽ tìm cách tái cấp hộ chiếu cho ông Thaksin, một động thái cho thấy chính phủ mới không xem ông Thaksin là người đã bị kết án. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranont đã đánh tiếng sẽ đề xuất sửa đổi Hiến pháp mà theo báo The Nation nhận định có thể dẫn đến việc lược bỏ điều 309 (hợp pháp hóa các việc làm của Hội đồng an ninh quốc gia sau cuộc đảo chính năm 2006, bao gồm việc xét xử và kết án ông Thaksin).
Các nhà phân tích cho rằng việc ông Thaksin sốt sắng thực hiện các chuyến thăm nước ngoài có thể là một nỗ lực nhằm xây dựng lại hình ảnh của mình và gửi đi thông điệp với người dân Thái Lan rằng ông là người vô tội và cộng đồng quốc tế không xem ông là người bị kết án.
Điều này có thể làm giảm áp lực phản đối nếu ông muốn quay trở về Thái Lan bằng một hình thức ân xá nào đó. Tuy nhiên, với sự căm ghét sâu sắc của các phe phái phản đối ông, điều này cũng có thể dễ dàng dẫn đến những cuộc xuống đường biểu tình và xung đột chính trị mới mà có thể kết thúc chính phủ của người em gái sớm hơn mong chờ.
(Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét