Sợ giống Libya, Syria kêu gọi Nga ‘cấp cứu’?

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :6:48 AM, 24/08/2011
Trong bối cảnh phương Tây không ngừng gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sự trợ giúp của Nga đóng vai trò then chốt, lãnh đạo của Ủy ban Thống nhất quốc gia Syria Ali Salim al-Assad nhấn mạnh.

>> Syria tuyên bố chấm dứt các hoạt động quân sự
>> 4 lí do chính làm phương Tây thất vọng trong 'Mùa xuân Arab'

Trong thông điệp mới phát đi từ Washington, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định, tương lai của Syria phải do người dân nước này quyết định, song Tổng thống Bashar al-Assad đang cản đường họ. Vì lợi ích của nhân dân Syria, giờ là lúc Tổng thống Bashar al-Assad bước sang một bên.

Cùng với việc kêu gọi Tổng thống al-Assad từ chức, ông Obama quyết định siết chặt trừng phạt kinh tế đối với Damascus, bao gồm lệnh phong tỏa tài sản và cấm đầu tư của Mỹ vào Syria.

Ông lệnh cho cơ quan tư pháp Mỹ phong tỏa các tài sản của Chính phủ Syria, cấm mọi cá nhân Mỹ làm ăn buôn bán với Chính phủ Syria, cấm nhập khẩu dầu lửa hoặc các sản phẩm từ dầu của Syria vào Mỹ và cấm các cá nhân hoặc công ty Mỹ hoạt động hoặc đầu tư tại Syria.

Ngay sau những phát biểu trên của Tổng thống Mỹ, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton cũng tuyên bố: "EU thấy rằng ông al-Assad phải từ chức".

Tổng thống Obama thẳng thắn kêu gọi lãnh đạo Syria từ chức.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron cùng ngày ra tuyên bố chung kêu gọi ông al-Assad từ chức. Theo bản tuyên bố chung, Tổng thống al-Assad sử dụng sức mạnh quân sự và bạo lực để chống lại chính dân tộc mình, ông này mất tính hợp pháp và không thể tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Không dừng lại ở đó, bốn nước thành viên của Hội đồng An ninh châu Âu bao gồm Anh, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha cũng đang tìm cách thúc đẩy Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ra một nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt Syria. Các biện pháp này có thể bao gồm phong tỏa tài sản, cấm đi lại đối với một số cá nhân và cấm vận vũ khí.

Phó Đại sứ Mỹ Rosemary DiCarlo cho biết, Mỹ ủng hộ nỗ lực này của các nước châu Âu: “Chúng tôi sẽ phối hợp xây dựng một dự thảo nghị quyết bao gồm các biện pháp trừng phạt bởi điều đó là cần thiết để gia tăng áp lực lên Chính phủ Syria”.

Giáo sư Joshua Landis, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông, ĐH Oklahoma nhận định, một mình Mỹ không cấm vận được Syria nhưng đóng vai trò điều hợp. Chính châu Âu sẽ khóa chặt nguồn tài chính của Syria.

Chuyên gia Andrew Tabler thuộc Viện Chính trị Trung Đông ở Washington giải thích thêm là bản thân Syria cũng có nhiều nhược điểm có thể làm gia tăng hiệu lực lệnh cấm vận. Do dầu hỏa có tiếng là chất lượng kém nên Damascus khó có thể tìm thị trường khác như Ấn Độ hay Trung Quốc để thay thế châu Âu. Nếu không có nguồn ngoại tệ thì Damas không có tiền trả lương cho lực lượng vũ trang đàn áp biểu tình.

Còn theo một chuyên gia Trung Đông khác là bà Randa Slim thì một chiến dịch phong tỏa kinh tế do quốc tế phối hợp sẽ tác hại đến trung tâm của quyền lực, khả năng tồn tại của nó và lòng trung thành của quân đội, công chức. Thành phần ưu tú trong xã hội Syria vẫn xem Mỹ là siêu cường số một thế giới. Thái độ của Mỹ sẽ tác động đến tâm lý của những người hiện thời là cột trụ của chế độ.

Do đó, một khi nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc được thông qua, Syria khó có thể chống đỡ. Tuy nhiên, để thực hiện được bước đi cứng rắn này, Mỹ và châu Âu cần sự ủng hộ của Nga, ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Nói cách khác, nhận được sự trợ giúp từ Moscow đồng nghĩa với việc Damascus được “cứu sống”.

Chuyên gia Syria khẳng định, nước này cần sự trợ giúp của Nga. Ảnh minh họa.

Quan điểm này được Ali Salim al-Assad, lãnh đạo của Ủy ban Thống nhất quốc gia Syria thừa nhận. Theo ông, không đơn giản chỉ là nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Syria còn đối mặt với nguy cơ bị can thiệp quân sự giống Libya. Dù có thể sử dụng tên lửa để chống trả nhưng khả năng chiến thắng vẫn chưa thể chắc chắn. Vì vậy, Syria cần sự ủng hộ của Nga.

“Phương Tây nhận thấy rõ vị trí chiến lược của Syria. Không chỉ vậy, một số chuyên gia Mỹ còn không công khai thừa nhận rằng, mục đich của phương Tây tại Libya và Syria là nhằm đánh bật Nga ra khỏi Địa Trung Hải. Vì vậy, Moscow cần hết sức cảnh giác và chúng tôi đang mong chờ thái độ tích cực từ phía Nga. Syria hy vọng Nga sẽ cản trở nghị quyết trừng phạt mới chống lại Damascus của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có thể bao gồm khả năng không kích Syria như Libya”, ông Ali Salim al-Assad nhấn mạnh.

Khát vọng của Syria có thể được đáp ứng phần nào khi Bộ Ngoại giao Nga hôm qua tuyên bố Moscow không ủng hộ việc các nước phương Tây kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich khẳng định, Tổng thống Syria cần có thêm thời gian để thực hiện những biện pháp cải cách mà ông cam kết.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, ông Assad đã thực hiện “một số bước tiến lớn”, trong đó có việc hủy tình trạng khẩn cấp kéo dài gần nửa thế kỷ và cho phép người dân biểu tình hòa bình.

“Syria là đòn bẩy của Trung Đông và tình trạng bất ổn của nước này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Ngoài ra, Moscow còn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Chính phủ Syria bất chấp sự phản đối của Mỹ và Israel. Người đứng đầu công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport thuộc sở hữu của chính phủ Nga Anatoly Isaikin ngày 18/8 tuyên bố, Moscow sẽ bán máy bay chiến đấu và các loại khí tài quân sự khác cho Syria theo một số hợp đồng với tổng trị giá 3,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, quan điểm của Nga có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chính Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng ám chỉ, Moscow có thể thay đổi thái độ với Damascus nếu ông Assad không thúc đẩy cải cách.

Trà My (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét