Hà Nội sẽ xử lý việc lạm thu khoản tự nguyện của phụ huynh

Dân trí:
Thứ Tư, 24/08/2011 - 10:08

Ngày 23/8, đoàn giám sát của Ban dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện thu chi học phí, lệ phí và các khoản đóng góp khác của phụ huynh học sinh tại các cơ sở giáo dục.
>> Bộ GD-ĐT: Không ép buộc HS đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội có quy mô lớn hàng đầu cả nước, với 2.509 cơ sở giáo dục, 44.384 nhóm lớp; 1.510.735 học sinh; 103.725 cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên (trong đó có 80.773 giáo viên) của các lớp học.

Giáo dục mầm non có 839 trường, tiểu học có 685 trường, trung học cơ sở có 594 trường, trung học phổ thông có 189 trường.

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội cho biết hiện nay, các cơ sở giáo dục của Hà Nội đang thu học phí ở sát mức tối thiểu của khung quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiện nguồn thu học phí ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông hàng năm ước khoảng 10% chi thường xuyên ngân sách địa phương dành cho giáo dục đào tạo đã hỗ trợ một phần đáng kể cho hoạt động giảng dạy và học tập của các nhà trường, tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa thường xuyên, mua sắm trang thiết bị giảng dạy và học tập, nâng cao đời sống cho giáo viên.

Vào đầu năm học, Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội luôn có các đoàn kiểm tra công tác thu chi tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Qua kiểm tra, hầu hết các khoản thu chi theo quy định như học phí, các khoản thu thỏa thuận phục vụ trực tiếp cho học sinh như thu tiền ăn trưa, may đồng phục; thu chi hộ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể... các cơ sở giáo dục đều phản ánh, theo dõi trên sổ sách kế toán và chi theo quy chế chi tiêu nội bộ đã xây dựng.

Một số đơn vị tồn tại khoản thu tự nguyện do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề ra, đã được đoàn kiểm tra yêu cầu phải trả lại cha mẹ học sinh.

“Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm khắc các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện thu sai quy định, hoặc lạm thu các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh,” bà Phạm Thị Hồng Nga cho biết thêm.

Tuy nhiên, mức thu học phí đang áp dụng được xây dựng từ năm 2000 hiện nay là thấp so với thực tế và đòi hỏi của sự phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, nhiều mô hình giáo dục, đào tạo xuất hiện, vì vậy cũng cần phải có những quy định riêng về học phí cho từng đối tượng, mô hình cho phù hợp. Việc các cơ sở giáo dục và đào tạo phải trích 40% tổng thu học phí để thực hiện cải cách tiền lương phần nào đã ảnh hưởng đến việc giảng dạy, học tập của các trường và thu nhập giáo viên.

Thay mặt đoàn giám sát, ông Trần Thế Vượng - Ban dân nguyện-Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để khắc phục tình trạng này, việc quy định, hướng dẫn cụ thể kết hợp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ của địa phương đối với công tác thu chi tại các cơ sở giáo dục và đào tạo là hết sức cần thiết.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về các khoản thu ngoài học phí của các cơ sở giáo dục nên đòi hỏi các cấp, các ngành phải rà soát, kiểm tra lại các nội dung liên quan để đề ra các giải pháp khắc phục, chấm dứt tình trạng lạm thu, định hướng các khoản thu khác sao cho phù hợp.

“Chúng ta phải nghiêm túc rà soát, thanh tra thật kỹ lưỡng các khoản thu, đồng thời phải tìm hiểu thật kỹ nhu cầu của người dân trong lĩnh vực giáo dục, từ đó có điều chỉnh chính sách hợp lý, phù hợp với thực tế,” ông Trần Thế Vượng nhấn mạnh.

Theo TTXVN/Vietnam+


tuoitre.vn
Thứ Tư, 24/08/2011, 12:16 (GMT+7)

Phụ huynh phải đóng nhiều khoản không hợp pháp

TTO - Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga đã thừa nhận như vậy tại cuộc làm việc giữa thành phố Hà Nội và đoàn giám sát của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sáng 23-8) về nội dung thu chi học phí, lệ phí và các khoản đóng góp khác của phụ huynh học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thủ đô.

Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Văn Thọ (đứng) kiến nghị cách chức hiệu trưởng các trường để xảy ra các kiểu biến tướng các khoản thu ngoài quy định - Ảnh: Xuân Long

Biến tướng dưới danh nghĩa tự nguyện

Báo cáo về thực hiện thu chi học phí và các khoản đóng góp khác của phụ huynh học sinh, bà Nga thừa nhận Luật Giáo dục quy định ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khác, nhưng thực tế trên địa bàn TP những năm qua vẫn tồn tại các khoản thu ngoài quy định.

Mặc dù chưa đưa ra số liệu cụ thể hiện phụ huynh phải đóng bao nhiêu khoản, bao nhiêu tiền vào dịp đầu năm học, nhưng bà Nga cũng thừa nhận có đến 5-7 khoản phụ huynh phải nộp ngoài quy định và xét theo quy định của Luật Giáo dục thì đây là những khoản thu không hợp pháp.

Cụ thể như năm học 2010, bà Nga cho biết do ngân sách cấp cho các trường còn hạn chế nên nhiều trường phải thu tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền an ninh, tiền trông giữ xe và một số khoản thu trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện như tiền ăn trưa, hội phụ huynh các lớp cũng thu để lập quỹ khuyến học, khuyến tài, động viên học sinh và thầy cô. Ngoài ra các trường cũng phải thu hộ các khoản về bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể.

Đặt vấn đề các khoản thu tự nguyện đang biến tướng tại các trường, phó trưởng Ban Dân nguyện Hà Quang Long cho rằng thực chất của câu chuyện tự nguyện không hẳn ai có điều kiện thì ủng hộ mà thực tế nhiều phụ huynh rơi vào cảnh không muốn đóng cũng không được. Theo ông Long, vấn đề cử tri bức xúc nhất hiện nay là tình trạng lạm thu, nhà trường tự đặt ra các khoản thu, hội phụ huynh cũng đặt ra các khoản thu.

“Ngay cử tri cũng phản ánh việc tự nguyện đang bị biến tướng, còn đại diện cho hội phụ huynh thường là những người có kinh tế khá giả nên thường đưa ra mức thu lập quỹ quá cao, nhiều phụ huynh khác không muốn đóng cũng không được, chẳng lẽ con người khác đóng con mình không đóng, vậy là cuối cùng trở thành ép buộc” - ông Long nói.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga thừa nhận nếu xét theo quy định của Luật Giáo dục thì nhiều khoản thu phụ huynh đang phải đóng là không đúng quy định, không hợp pháp

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng cho rằng cái nhức nhối nhất trong vấn đề lạm thu trong nhà trường hiện nay là cả nhà trường và hội phụ huynh đều tùy tiện “đẻ” ra nhiều khoản thu ngoài quy định. Ông Vượng dẫn chứng có nhiều khoản thu được “dồn” tới phụ huynh, học sinh thông qua nhà trường như việc thu bảo hiểm thân thể, khi đó việc mua bảo hiểm thân thể từ khía cạnh tự nguyện đã trở thành vấn đề ép buộc.

“Chúng tôi rất muốn thành phố làm rõ có hay không chuyện biến tướng dưới danh nghĩa là tự nguyện, tại sao các đơn vị bán bảo hiểm thân thể lại thông qua nhà trường để bán, có phải để tạo áp lực, là móc ngoặc để bắt học sinh mua rồi cắt lại “hoa hồng” cho nhà trường, những câu hỏi này bắt buộc phải trả lời cho cử tri” - ông Vượng lưu ý.

Cách chức hiệu trưởng nếu để thu biến tướng

Đề cập đến việc các khoản thu ngoài quy định luôn nở rộ vào dịp đầu năm học, phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Văn Thọ cho rằng nhiều khoản không cần nhà trường thu như việc sắm đồng phục cho các em nhưng nhiều trường không chọn phương thức để cha mẹ mua sắm mà đứng ra thuê các đơn vị may sẵn, vậy là phụ huynh lại phải đóng thêm một khoản thu mới.

“Đề nghị trong thời gian tới thành phố cần có quy định về việc thu ngoài quy định, đặc biệt là quy định cụ thể về việc thu của các hội phụ huynh để tránh tình trạng tùy tiện thu như hiện nay. Còn xử lý thì cứ trường nào để xảy ra tình trạng thu không đúng quy định, lạm thu thì hạ một cấp bậc của hiệu trưởng để các trường khác noi gương, nếu để xảy ra các kiểu biến tướng các khoản thu thì đề nghị áp dụng biện pháp phù hợp nhất là cách chức hiệu trưởng” - ông Thọ kiến nghị.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng thừa nhận việc để tồn tại nhiều khoản thu ngoài quy định tại các trường trên địa bàn TP, đặc biệt việc hội phụ huynh mỗi nơi thu một kiểu như hiện nay dễ dẫn tới tiêu cực tại các trường.

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị TP Hà Nội phải làm rõ nội dung mỗi năm học phụ huynh phải đóng góp bao nhiêu khoản ngoài quy định, trong đó có bao nhiêu khoản thu phù hợp nhưng Luật chưa quy định cần kiến nghị Luật sửa đổi. “Ngay việc học sinh bỏ học chúng tôi rất muốn phải làm rõ lý do bỏ học của các em là do lười học hay do kinh tế gia đình khó khăn, thậm chí cần làm rõ xem có phải bỏ học do phải đóng nhiều khoản ngoài quy định.

Vấn đề mấu chốt của các cơ quan quản lý của TP là phải nắm được trường và hội phụ huynh thu ra sao, chi thế nào, nếu không vẫn cứ trăm dâu đổ đầu tằm rồi cuối cùng mọi khoản thu vẫn cứ núp bóng thỏa thuận thì làm sao mong giáo dục là quốc sách hàng đầu được” - ông Vượng nhấn mạnh.

Dừng 4 khoản thu ngoài quy định

Đề cập đến việc Sở GD-ĐT hướng dẫn các trường thu một số khoản ngoài quy định, bà Nga cho rằng việc Luật Giáo dục quy định chỉ thu học phí và lệ phí tuyển sinh là cứng nhắc vì thực tế vẫn cần phải có những khoản thu tự nguyện phù hợp với thực tiễn.

“Chúng tôi cũng mong muốn tiền học phí và ngân sách cấp đủ cho trang trải trong các nhà trường để không phải thu bất kỳ một khoản nào thêm. Còn trong năm học 2011-2012 khi thành phố quyết định tăng ngân sách cấp lên gấp đôi, hiện nay chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các trường không được thu tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền an ninh, tiền trông giữ xe” - bà Nga nói.

XUÂN LONG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét