Phong trào "Chiếm phố Wall" lan ra toàn thế giới

Vietnam+ (VietnamPlus)
15/10/2011 | 21:43:00

Biểu tình tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 15/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 15/10, phong trào "Chiếm lấy phố Wall" đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới với các cuộc tuần hành diễn ra tại nhiều thành phố như London (Anh), Frankfurt (Đức), Rome (Italy), Seoul (Hàn Quốc), Sydney (Australia) và Tokyo (Nhật Bản).

Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Hầu hết những người biểu tình đều hưởng ứng thông điệp của phong trào "Chiếm lấy phố Wall" khi họ nhận thấy khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng do những chính sách kinh tế có lợi cho các tập đoàn.

[Phong trào "Chiếm Phố Wall" tuyên bố chiến thắng]

Tại Anh, những người biểu tình đã tụ tập trước cửa trung tâm chứng khoán ở London giơ cao những biểu ngữ ghi "Chúng ta thuộc 99%," ý muốn nói 99% người lao động phải làm việc để phục vụ cho 1% số người giàu nhất trên thế giới.

Ước tính, khoảng 6.000 người đã biểu tình bên ngoài trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt. Những người biểu tình cho rằng hệ thống ngân hàng hiện nay "thật đáng kinh sợ" và các ngân hàng đầu tư phải tự mình gánh chịu những thua lỗ do họ gây ra.

Hàng chục nghìn người đã biểu tình ở Rome nhằm phản đối cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều người đã đập vỡ cửa sổ các ngân hàng và cửa hiệu, đồng thời đốt cháy hai xe ôtô. Ước tính, khoảng 200.000 người đã tham gia cuộc biểu tình. Khoảng 1.500 cảnh sát đã được triển khai trên các đường phố để bảo đảm an ninh.

Tại Seoul, những người biểu tình đã tập trung trước cửa Cục Cố vấn tài chính để bày tỏ sự ủng hộ đối với thông điệp của phong trào "Chiếm lấy phố Wall." Những người biểu tình thúc giục chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi các thể chế tài chính lớn, và bãi bỏ những quy định có lợi cho tầng lớp giàu có trong xã hội.

Hàng trăm người đã đổ ra đường phố Tokyo bày tỏ ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ, đồng thời lên án các ngân hàng phá hoại nền kinh tế toàn cầu và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.

Còn tại Sydney, khoảng 2.000 người tập trung bên ngoài Ngân hàng trung ương phản đối các tập đoàn kinh tế lớn và sự bất công về thu nhập. Những người tổ chức biểu tình cho biết họ có kế hoạch biểu tình vô thời hạn tại địa điểm này.

Phong trào "Chiếm lấy phố Wall" được phát động từ ngày 17/9 với cuộc biểu tình trước Sở giao dịch chứng khoán New York nhằm phản đối tình trạng bất công trong hệ thống tài chính Mỹ và những khó khăn mà người Mỹ đang trải qua. Sau đó phong trào này nhanh chóng lan rộng ra nhiều thành phố khác của nước Mỹ, trong đó có thủ đô Washington, sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn và chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tổ chức Ân xá Quốc tế đòi bắt cựu Tổng thống Bush

Thanh Niên Online:
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush - Ảnh: AFP
(TNO) Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) vào hôm 12.10 đã kêu gọi giới chức Canada bắt giữ và truy tố ông George W. Bush, nói rằng cựu Tổng thống Mỹ này đã cho phép “tra tấn” khi lãnh đạo cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, theo AFP.

Ông Bush dự kiến tham dự một hội nghị kinh tế ở thành phố Surrey, Canada vào ngày 20.10.

Trong một lá thư gửi đến Tổng chưởng lý Canada vào tháng trước song mới được công khai cho báo giới vào hôm qua, tổ chức có trụ sở tại London, Anh, tố cáo ông Bush chịu trách nhiệm pháp lý trong một loạt các vụ vi phạm nhân quyền.

“Bổn phận quốc tế đòi hỏi Canada bắt giữ và truy tố cựu Tổng thống Bush dựa vào trách nhiệm của ông ta với những tội ác theo luật quốc tế, bao gồm tội tra tấn”, Giám đốc phụ trách nước Mỹ của AI, Susan Lee, tuyên bố.

Bộ trưởng Di trú của Canada Jason Kenney đã công kích AI, tuyên bố tổ chức này chỉ sử dụng các vụ việc chọn lọc nhằm quảng bá hình ảnh của mình.

“Trò quảng cáo này giúp giải thích tại sao có nhiều nhà vận động nhân quyền đáng kính đã tránh xa Tổ chức Ân xá Quốc tế”, ông Kenney nói.

Ông Kenney cho biết thêm quyết định cho phép ông Bush nhập cảnh vào Canada phụ thuộc hoàn toàn vào các quan chức hải quan của nước này.

Ông Bush từng phải hủy một chuyến thăm Thụy Sĩ vào tháng 2 năm nay sau khi có các lời kêu gọi bắt giữ tương tự.

Ông Alex Neve, Tổng thư ký chi nhánh tại Canada của AI nói trong một cuộc họp báo rằng, nhóm nhân quyền này sẽ theo đuổi vụ việc chống ông Bush với chính phủ các nước khác mà ông này sẽ đến thăm.

AI vốn khẳng định ông Bush đã cho phép thực hiện các kỹ thuật thẩm vấn trái phép các tù nhân bị Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giam giữ bí mật từ năm 2002 đến 2009.

Sơn Duân

Thượng viện Mỹ bác dự luật việc làm của ông Obama

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Năm, 13/10/2011, 04:20 (GMT+7)

TT - Dự luật việc làm trị giá 447 tỉ USD của Tổng thống Mỹ Obama cuối cùng đã không được thông qua do vấp phải sự cản trở quyết liệt của phe Cộng hòa tại thượng viện trong ngày 11-10 (theo giờ Mỹ).

Michael Kink, giám đốc điều hành tổ chức kinh tế vững mạnh cho tất cả các nghiệp đoàn, tham gia biểu tình bên ngoài nhà của tỉ phú Jamine Dimon - Ảnh: Reuters

Dự luật bị bác bỏ với 51 phiếu chống so với 48 phiếu thuận, nghĩa là còn thiếu ít nhất 8 phiếu so với số phiếu cần thiết để được đưa ra tranh luận. Toàn bộ phe Cộng hòa đều bỏ phiếu chống cùng hai phiếu chống của phe Dân chủ.

Kết quả không gây ngạc nhiên này sẽ buộc đảng Dân chủ và Tổng thống Obama phải xem xét lại dự luật này và trình quốc hội thông qua từng phần.

“Cuộc bỏ phiếu này chưa phải là kết thúc cuộc chiến” - Tổng thống Obama nêu rõ trong một thông báo sau cuộc bỏ phiếu ở thượng viện. Reuters cho biết ông Obama sẽ chiến đấu đến cùng cho dự luật và cảnh báo việc bác bỏ này có thể sẽ gây ra làn sóng suy thoái mới cho Mỹ, bởi tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay vẫn là 9,1%. Ông sẽ gặp thượng nghị sĩ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số thượng viện, “để đảm bảo những đề nghị cá nhân về dự luật này được đưa ra bỏ phiếu càng nhanh càng tốt”. Ông Obama nhấn mạnh “đã đến lúc quốc hội phải nhận lấy trách nhiệm của mình”.

Được giới thiệu vào đầu tháng 7, kế hoạch của Tổng thống Obama dự tính sẽ tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Obama đảm bảo các biện pháp này sẽ tạo ra 1,9 triệu việc làm và giảm tỉ lệ thất nghiệp từ 9,1% xuống còn 8,1%.

Phe Dân chủ chỉ trích động cơ bác bỏ dự luật của đảng Cộng hòa nhằm đánh bại Tổng thống Obama trong cuộc tổng tuyển cử năm 2012, chứ không phải cứu nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ đại khủng hoảng đang ngày càng tồi tệ.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối một số phần của dự luật cũng như đề xuất tăng thuế đối với người giàu. Tuần qua, thượng nghị sĩ Harry Reid đã loan báo việc đánh thuế 5,6% đối với những người Mỹ có thu nhập trên 1 triệu USD/ năm để lấy tiền cho kế hoạch này.

Phát biểu trước giới nghiệp đoàn tại Pittsburg, Pensylvania, ông Obama cho rằng cuộc bỏ phiếu tại thượng viện là “một thời khắc của sự thật” đối với những người dân cử, và ông kêu gọi người dân Mỹ hãy “lên tiếng cho (các thành viên) quốc hội biết họ đang làm việc cho ai”.

“Chiếm lấy Phố Wall” xuất hiện ở Hàn Quốc

Trong khi cuộc chiến trong nghị trường Mỹ đang diễn ra thì trên đường phố, cuộc biểu tình của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” vẫn tiếp diễn và lan rộng trước dự kiến sẽ diễn ra một cuộc biểu tình lớn khắp thế giới vào ngày 15-10. Trang web www.occupytogether.org đã phát lời kêu gọi người dân trên toàn thế giới tham gia “Chiếm lấy Phố Wall”. Tại New York, những người “Chiếm lấy Phố Wall” đã tuần hành qua khu nhà giàu dọc đại lộ số 5 và đại lộ Park. Họ dừng lại bên ngoài các tòa nhà sang trọng nơi có căn hộ của trùm truyền thông Rupert Murdoch, ông chủ ngân hàng Jamine Dimon và trùm dầu mỏ David Koch.

Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” cũng đã lan đến Hàn Quốc. Một số tổ chức đã lên tiếng sẵn sàng tham gia cuộc biểu tình nhân bản “Chiếm lấy Phố Wall” như ở Mỹ. “Có thể chúng tôi bắt đầu với 10 người, nhưng sau đó sẽ nhiều hơn” - một công dân Seoul nói. Biểu tình sẽ diễn ra tại khu tài chính của Hàn Quốc trước tòa nhà chứng khoán Hàn Quốc ở Yeouido (Seoul).

Liên đoàn Tiêu dùng tài chính Hàn Quốc - tổ chức theo dõi đầu cơ của Hàn Quốc - và Liên hiệp các nghiệp đoàn, các nhóm lợi ích khác và người dân Seoul đang lên kế hoạch cho cuộc biểu tình này. “Chúng tôi sẽ làm tăng nhận thức của công chúng bằng cách nói cho họ biết rằng khủng hoảng tài chính có thể xảy ra với họ bất cứ lúc nào” - Baek Sung Jin, người phát ngôn của nhóm chuẩn bị biểu tình, cho biết.

MỸ LOAN


Thứ Tư, 12/10/2011, 01:11 (GMT+7)

“Chiếm lấy Phố Wall” lan rộng: nhà giàu sợ hãi

TT - Sau gần một tháng, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” ở New York như vết dầu loang đã lan ra hơn 68 thành phố tại Mỹ và cả các nước như Canada, Anh, Úc và Hi Lạp.

Một người biểu tình ở Los Angeles giương biểu ngữ ghi: “Một đất nước bị lòng tham áp chế” - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ngày 10-10 (giờ Mỹ) khoảng 3.000 người đã đổ ra đường phố Chicago hưởng ứng cuộc tuần hành “Đứng dậy Chicago” để phản đối sự tham lam của giới ngân hàng và những bất bình đẳng xã hội như “Hủy bỏ chính sách giảm thuế (cho giới nhà giàu) thời Bush”... Ngoài New York, các cuộc biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” tiếp tục nổ ra ở thủ đô Washington và hơn 68 thành phố khắp nước Mỹ.

Khen và chê của giới chính trị

Trong khi những người “Chiếm lấy Phố Wall” quyết bảo vệ tính độc lập của phong trào, không hề có liên hệ nào với các đảng phái chính trị, với những người tài trợ cho các đảng phái này thì giới chính trị ở Mỹ bắt đầu nhảy vào cuộc để chỉ trích hay ủng hộ họ.

Một loạt nhân vật Đảng Cộng hòa và Đảng Trà đang ra sức dè bỉu phong trào “”Chiếm lấy Phố Wall”. Báo New York Times cho biết thị trưởng New York Michael Bloomberg của Đảng Cộng hòa, tỉ phú ngành tài chính, cáo buộc người biểu tình đang “cố cướp lấy công việc của những người đang làm việc trong thành phố”.

Hai ứng cử viên tranh cử tổng thống năm 2012 của Đảng Cộng hòa là Mitt Romney và Newt Gingrich đều khẳng định cuộc biểu tình là “sản phẩm tự nhiên của cuộc chiến giai cấp (giữa người giàu và người nghèo) mà Tổng thống Barack Obama châm ngòi”. Ông Gingrich mô tả người biểu tình thiếu hiểu biết và là sản phẩm của “một chế độ giáo dục tồi tệ”.

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở hạ viện Eric Cantor thậm chí còn xếp loại người biểu tình là “đám lưu manh” đang gây ra cuộc chiến “người Mỹ chống lại người Mỹ”. Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Herman Cain còn chụp cho người biểu tình cái mũ là “phản quốc”, “phản chủ nghĩa tư bản”. Ông Cain cười ngạo người biểu tình là những kẻ ghen tị “đang muốn thó cái xe Cadillac của một ai đó”. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa còn lên án Tổng thống Barack Obama đứng sau giật dây “để che đậy các chính sách thất bại”.

Trong khi đó về phía Đảng Dân chủ, như báo New York Post cho biết, ủy ban chiến dịch của đảng này vừa kêu gọi thu thập 100.000 chữ ký để ủng hộ phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”. “Người biểu tình đang tuần hành ở New York và khắp cả nước để cho các tỉ phú, công ty dầu khí và các ngân hàng lớn biết rằng chúng ta sẽ không để 1% những người giàu nhất áp đặt những chính sách kinh tế thái quá và những khoản cắt giảm mờ ám trong các chương trình an sinh xã hội chính yếu của người Mỹ trung bình” - ủy ban này viết.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke thừa nhận người biểu tình có lý khi kết tội giới tài chính đã đẩy nước Mỹ vào khủng hoảng. Nhiều tờ báo Mỹ bắt đầu có những bình luận thiện cảm, thậm chí ủng hộ phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”. Báo Washington Post đánh giá đây là “lời kêu gọi công lý kịp thời”, báo Chicago Sun-Times nhận định cuộc biểu tình hoàn toàn có ý nghĩa và chính đáng. Báo Baltimore Sun phản đối giọng điệu chụp mũ của ông Herman Cain và khẳng định chính việc ông ta mô tả cuộc biểu tình là “phản quốc” mới thật sự là hành động phản quốc!

“Sự sợ hãi của giới tài phiệt”

Trên báo New York Times, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman cho rằng phản ứng chống lại phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” của giới nhà giàu là “sự sợ hãi của giới tài phiệt”. Ông khẳng định “giới nhà giàu Mỹ đã kiếm lợi khủng khiếp từ một hệ thống bị thao túng, luôn phản ứng một cách điên cuồng với bất cứ ai chỉ ra sự bất cập của hệ thống đó”, và chỉ rõ lý do vì sao giới ngân hàng đã đồng loạt tấn công Tổng thống Obama hồi năm ngoái khi ông đề xuất đạo luật ngăn chặn các ngân hàng đầu tư mạo hiểm.

“Chuyện gì đang xảy ra? Câu trả lời là các ông trùm ở Phố Wall đã nhận ra rằng không có gì còn có thể bào chữa được cho họ nữa. Họ không phải là Steve Jobs. Họ làm giàu bằng những trò lươn lẹo tài chính, đã đẩy đất nước này vào khủng hoảng, gây tác hại nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người.

Nhưng họ không phải trả giá. Các ngân hàng được cứu trợ bằng tiền thuế của dân. Họ vẫn đang chơi trò mà trong đó người thắng là họ và kẻ thua là người dân Mỹ - ông Paul Krugman khẳng định - Những người biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” chỉ muốn cất lên tiếng nói, còn những kẻ “phản quốc”, những kẻ cực đoan thật sự là giới nhà giàu, bọn đầu sỏ chính trị, những kẻ muốn bóp nghẹt bất cứ tiếng nói nào đe dọa đến khối tài sản của họ”.

SƠN HÀ

Bầu Đức không muốn VFF quản lý VPF

Tin nhanh Việt Nam:
Cập nhật lúc 14 giờ 12/10/2011

Những cuộc tranh cãi về mô hình hoạt động của VPF đã bắt đầu khi ông bầu Đoàn Nguyên Đức từ Gia Lai đã lên tiếng phản đối quyền quản lý công ty cổ phần bóng đá Việt Nam của VFF.

679777151_Duc6_5B1_5D

Khẳng định VPF là một công ty, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai cho rằng: Liên đoàn bóng đá Việt Nam chỉ là một cổ đông, vì thế không có quyền quản lý VPF.

Sau cuộc gặp với ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch CLB Hà Nội ACB – người đại diện cho 28 ông chủ bóng đá, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn khẳng định, VPF do VFF quản lý về mặt chuyên môn và được Bộ VH-TT-DL quản lý về mặt nhà nước. Theo ông Viễn, về cơ bản, mô hình của VPF sẽ giống như bản đề án của các ông “bầu” nhưng có chút thay đổi về thành phần. Theo đó, ngoài VFF và 14 đội V-League, có 10 đội hạng Nhất (là CLB chuyên nghiệp) được phép trở thành cổ đông của VPF.

“VFF là tổ chức xã hội nhà nước giao trách nhiệm quản lý các hoạt động của bóng đá Việt Nam. VPF là doanh nghiệp nhưng có hoạt động đặc thù là quản lý V-League, giải đấu cao nhất Việt Nam. Vì thế, VFF phải có vai trò lớn hơn một cổ đông. VFF sẽ quản lý VPF về mặt chuyên môn bởi khi ra đời, VPF không thể đứng chơ vơ được. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc điểm của Việt Nam”. Ông Viễn lý giải về quyết định để VPF chịu sự quản lý của VFF.

Từ Pleiku, ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch đội Hoàng Anh Gia Lai tỏ ra bất bình trước thông tin này. Theo bầu Đức, VPF là một doanh nghiệp, vì thế, hãy để nó đứng đúng vị trí. “VPF là công ty cổ phần, hoạt động theo luật doanh nghiệp. VFF chỉ là một cổ đông của VPF. Ngay cả khi là cổ đông lớn nhất với hơn 30% cổ phần, VFF cũng chỉ được chia quyền lợi, biểu quyết theo đúng tỷ lệ vốn đầu tư. VFF không thể quản lý VPF được. Các CLB và VFF có tư cách ngang nhau ở VPF. Không ai có quyền áp đặt ở đây cả. Cơ quan quyền lực cao nhất của VPF là đại hội cổ đông. Các vấn đề cần bàn bạc, quyết định phải thông qua đại hội. Khi cần thiết, VPF sẽ báo cáo lên Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội. Nói thế không có nghĩa chúng tôi không có ý tranh giành với VFF về vấn đề này. Nhưng đã là doanh nghiệp thì phải tuân theo luật, một cách sòng phẳng”. Ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng nếu VPF bị VFF quản lý về mặt chuyên môn, công ty này sẽ mất đi tính độc lập – vốn là cơ sở để các ông bầu tin rằng VPF có thể đem đến một thức bóng đá sạch sẽ, chuyên nghiệp và thu được lợi.

“Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã khẳng định, thành lập VPF là việc cần làm vì nó đem lại lợi ích cho bóng đá Việt Nam. Bộ VH-DL-TT sẽ tạo điều để VPF được thành lập. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói với tôi như vậy. Có lẽ không cần bàn đến chuyện này nữa vì thực tế mọi vấn đề đều đã được thông qua ở cuộc gặp giữa VFF và 28 ông chủ bóng đá rồi. Bây giờ, việc phải làm chỉ là xúc tiến thành lập VPF thôi”, ông Đức củng cố lý lẽ của mình.

VFF đang làm công văn trình lên Bộ VH-TT-DL xung quanh việc thành lập VPF. Sau khi có ý kiến từ Bộ, VFF và các ông chủ bóng đá sẽ ngồi lại với nhau để bàn bạc cụ thể, thống nhất những chi tiết cuối cùng. Theo đại diện của VFF thì VPF có thể ra đời ngay trong tháng 10 nếu mọi việc suôn sẻ.

Theo VnExpress

GĐ TT Thủy Xuân phản hồi vụ từ thiện 1,5 triệu

Cập nhật 12/10/2011 05:31:12 PM (GMT+7)

- Sau bài báo phản ánh ý kiến của các người đẹp về vụ từ thiện 1,5 triệu ở Trung tâm Thủy Xuân (Huế), Giám đốc trung tâm, bà Thu Hồng đã lên tiếng chính thức xung quanh vụ việc này. Theo đó, bà muốn mọi việc qua đi để các em nhỏ sống trong bình yên với chút hoài niệm về những phút giây được vui chơi với các hoa hậu, người đẹp.


Chia sẻ với VietNamNet, bà Thu Hồng ghi nhận những ưu ái mà các hoa hậu dành cho Trung tâm Thủy Xuân khi họ đến Huế. Bà nói: "Bản thân các người đẹp chắc chắn cũng không nhẫn tâm tới mức giả vờ ôm một đứa bé mồ côi trong lòng để tạo cảnh chụp ảnh. Việc họ muốn tham gia làm vườn với các cháu là có thật, chỉ tiếc hôm đó trời mưa nên họ không thể làm đúng như trong kế hoạch mà thôi".

Về số tiền 1,5 triệu để có một bữa ăn chung với các em theo bà Thu Hồng chẳng có gì bàn cãi vì những bảo mẫu ở Trung tâm vốn biết "liệu cơm gắp mắm" nên bữa ăn tuy không mâm cao cỗ đầy nhưng cũng đủ thịt, cá và cả canh rau.

Bà Thu Hồng bùi ngùi: "Chỉ tiếc là số lượng khách báo 30 người như ban đầu đã bị tăng lên thành 60 người nên bữa ăn càng trở nên khiêm tốn. Chúng tôi bắt gặp những ánh mắt thiếu thiện cảm của một vài thành viên trong đoàn khách vì có lẽ họ cho rằng việc phục vụ của Trung tâm thiếu chu đáo trong khi họ đã đóng góp tiền"


Các người đẹp đang ăn cơm cùng các em nhỏ.

.

Cũng theo bà Thu Hồng ,sau khi đoàn hoa hậu đi có nhiều phóng viên tìm gặp để nắm thông tin về những hoạt động của đoàn và trung tâm đã kể lại một cách trung thực những gì đã xảy ra và hoàn toàn không hề ác ý với các hoa hậu. Việc đưa thông tin đến độc giả là quyền của nhà báo, ban tổ chức có quyền khiếu nại hoặc đưa các phóng viên ra tòa nếu họ khẳng định những thông tin trên là sai sự thật.

Tuy nhiên, điều mà bà Thu Hồng bất ngờ là trên một tờ báo ông Đào Đức Hiếu phỏng đoán "Sau buổi đến thăm Trung tâm, đoàn hoa hậu đã đi trao tiền mặt khoảng 50 triệu đồng cho một vài gia đình khó khăn ở nơi khác. Có thể họ cảm thấy bức xúc từ chuyện đó". Theo bà Thu Hồng, nếu có suy nghĩ nghi vấn như vậy thì Trung tâm không thể gắn bó lâu năm với tổ chức từ thiện này được.

Việc nhận 2 thùng quà của các nhà hảo tâm bà Thu Hồng khẳng định đã được mở công khai trước các phóng viên (gồm 60 cái khăn, 60 đôi găng tay). Việc phóng viên không phản ánh trong bài báo là chuyện của họ. Ông Đào Đức Hiếu có thể trực tiếp gặp các báo để yêu cầu nói lại cho đúng, chứ không thể trách móc Trung tâm không nói đến việc tặng quà.


Các người đẹp, hoa hậu chụp ảnh với các em nhỏ ở Trung tâm.

Bà Thu Hồng cho biết rất buồn về những sự việc vừa qua. Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi không trách hoa hậu, người đẹp vì chúng tôi hiểu rằng hoa hậu, người đẹp không phải là một nghề, nhiều hoa hậu, người đẹp đang còn đi học do đó họ không có tiền nhiều để trang trải tất cả. Chúng tôi vẫn ghi nhận tấm lòng của các hoa hậu khi đến với Trung tâm".

Về phía Trung tâm, bà Thu Hồng khẳng định hoàn toàn không có lỗi trong chuyện này, chỉ có hơi áy náy một chút là khâu chuẩn bị không được chu đáo (nhưng do việc thông báo không chính xác số người tham dự từ phía ban tổ chức).

"Chúng tôi không chê số tiền 1, 5 triệu là ít, thực chất đây chỉ là việc "góp gạo thổi cơm chung" mà thôi. Ông bà ta thường nói của cho không bằng cách cho, giá như ban tổ chức làm việc chuyên nghiệp hơn và có sự chuẩn bị hơn thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng như trên, các hoa hậu cũng không bị mang tiếng và Trung tâm Thủy Xuân cũng không gặp rắc rối của hậu chuyến viếng thăm.

Qua đây, chúng tôi cũng xin gửi lời nhắn của các cháu ở Trung tâm Thủy Xuân là vẫn mong được đón các chị hoa hậu đến chơi và giao lưu với các em trong một dịp gần nhất. Sự việc không lấy gì làm vui này hãy để cho nó qua đi, xin để cho các cháu được sống trong bình yên với một chút hoài niệm về những phút giây được vui chơi với các chị hoa hậu" - bà Thu Hồng chia sẻ.

Sơn Hà


vietnamnet.vn
Cập nhật 11/10/2011 09:04:00 AM (GMT+7)

Hoa hậu rềnh rang, từ thiện được 1,5 triệu đồng

Nhận được nhiều phản ánh về buổi đi làm từ thiện của các người đẹp trong khuôn khổ chương trình Hoa hậu Việt Nam 2010 - một năm nhìn lại diễn ra ngày 3-10 tại TP Huế, chúng tôi thử tìm hiểu từ các bên liên quan.

Ngày 3-10, 20 người đẹp gồm Hoa hậu Ngọc Hân, Á hậu Hoàng My và nhiều thí sinh thuộc top 20 của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 đã có mặt ở Huế.

Họp báo rình rang

Một buổi họp báo đã diễn ra long trọng tại khách sạn Celadon Palace (Huế). Tại buổi họp báo, ban tổ chức công bố dự án thực hiện cuốn sách ảnh Áo dài Việt Nam với sự tham gia của 20 người đẹp trên nhằm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khắp ba miền Nam, Trung, Bắc.

Tại cuộc họp báo, Hoa hậu Ngọc Hân phát biểu: “Ban đầu, cuộc hội ngộ này chỉ mang ý nghĩa gặp gỡ thông thường. Song các thành viên đã phát triển cuộc gặp gỡ này thành một cuộc hội ngộ có ích cho cộng đồng”. Vì vậy, các người đẹp đã lên kế hoạch đến thăm những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại một trung tâm bảo trợ trẻ em ở TP Huế.

Ông Đào Đức Hiếu, Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2010 - một năm nhìn lại, cho biết: Các người đẹp sẽ có một ngày để cùng lau nhà, dọn vệ sinh, nấu ăn, đưa đón các cháu đi học và về trung tâm… Tuy nhiên, do thời gian gấp rút nên thời gian sẽ được giới hạn lại từ 15 giờ đến 20 giờ ngày 3-10. Ban tổ chức cũng cho biết nơi đến là Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, TP Huế.

Các người đẹp đang làm từ thiện trong khuôn khổ chương trình Hoa hậu Việt Nam 2010 - một năm nhìn lại.

Thực tế sơ sài

Theo đại diện trung tâm, hoàn toàn không có chuyện hoa hậu, người đẹp nấu ăn, lau nhà như trong ảnh một số tờ báo mạng đăng tải. Do các người đẹp đến muộn nên các bảo mẫu đều đã làm xong các công việc trên. Do vậy, các người đẹp chỉ có thể “tham gia” một chút vào việc nhổ cỏ và nhặt rác quanh trung tâm. Số lượng trẻ ở trung tâm lên đến 70 cháu, đoàn từ thiện có 12/20 người đẹp và 30 tình nguyện viên. Vậy mà số tiền đoàn từ thiện đưa cho trung tâm nấu ăn cho hơn 110 người chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu đồng. Vậy nên các cô trong trung tâm đã tự nguyện xuất thêm tiền túi đi chợ.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, cho biết: “Ông Đào Đức Hiếu có bảo tôi là việc các hoa hậu đến sẽ quảng bá hình ảnh cho trung tâm chúng tôi. Tôi đã nói thẳng là trung tâm không cần nổi tiếng nhưng nghĩ rằng các cháu ở đây sẽ vui khi nghe hoa hậu đến nên chúng tôi mới tạo điều kiện để có sự giao lưu giữa họ với các cháu. Phía ban tổ chức có đưa tôi 1,5 triệu đồng và báo đoàn gồm 30 người sẽ đến dùng bữa cùng trẻ em tại trung tâm; cộng thêm 70 trẻ tại trung tâm nữa là 100 người. Tôi thấy số tiền này không đủ nên đề nghị ban tổ chức thay vì tặng quà, họ có thể đưa thêm tiền còn trung tâm sẽ bỏ thêm 1 triệu đồng để các cháu được ăn ngon một bữa. Thế nhưng họ không đồng ý. Trung tâm có năm khu nhà, tôi đành chia ra mỗi khu 300.000 đồng để nấu ăn”.

Cô Văn Thị Cháu, bảo mẫu tại trung tâm, bày tỏ: “Tôi nhận được 300.000 đồng để nấu cơm cho khu nhà mình. Tuy nhiên, số lượng người ăn từ phía ban tổ chức đã tăng khoảng 10 người mà không hề báo trước. Hôm đó tôi đã bỏ thêm 100.000 đồng để đi chợ”. Một tình nguyện viên cho biết số tiền 2 triệu đồng mua bánh kẹo, tổ chức vui chơi cho các cháu đều do các tình nguyện viên tự quyên góp chứ không phải là tiền từ ban tổ chức.

Chúng tôi không có tiền nhiều


PV: Ông có ý kiến gì trước những thông tin về chương trình từ thiện trên như chúng tôi đã nhận được?

+ Ông Đào Đức Hiếu, Trưởng ban tổ chức Hoa hậu VN 2010 - một năm nhìn lại: Có thể báo đã không nhận được thông tin đầy đủ. Điều đầu tiên là chúng tôi muốn mang tinh thần đến cho các em.


Theo lịch trình kế hoạch do Đoàn Thanh niên Trường ĐH Kinh tế Huế chuẩn bị, 16 giờ chúng tôi có mặt. Sau 15 phút tham quan, chúng tôi tham gia làm vệ sinh. Ngọc Hân, Hoàng My… có hình ảnh đang làm việc này trên báo. Khi đón các em đi học về, chúng tôi cùng chơi với các em rất vui; đem niềm vui đến cho các em mới là điều quan trọng nhất với chúng tôi. Còn vật chất thì không biết thế nào là đủ.


Nếu đã bảo rằng đem tinh thần và niềm vui đến là chính thì tại sao đoàn lại công bố kế hoạch cả ngày và số người ở lại ăn uống khá đông trong khi kinh phí lại hạn hẹp? Có gì ở đó để dọn không vì trung tâm bảo rằng đã dọn dẹp từ trước? Hình ảnh có thể không chứng minh được gì vì thực tế có nhiều chuyến đi từ thiện chỉ ghé trao quà vài phút để chụp ảnh và vẫn có được những hình ảnh rất đẹp?


+ Hình ảnh phải là tự nhiên vì các phóng viên chụp chứ không phải bên tôi chụp. Không thể hình thức vì chúng tôi chia làm ba đội thi xem ai dọn nhanh nhất. Chúng tôi cho rằng ý của mình là có một ngày chứ không phải là cả một ngày. Chúng tôi đã hỗ trợ đúng suất ăn theo cách tính 15.000 đồng/người. Việc tổ chức là do các bạn Đoàn Thanh niên thực hiện. Và tiền ở đây không từ tài trợ nào mà do tự các bạn quyên góp nên kinh phí hạn hẹp.


PV: Nếu kinh phí hạn hẹp vì sao lại yêu cầu tổ chức ăn uống, cũng như tổ chức họp báo và công bố rình rang trước đó?


+ Nói thật là chúng tôi không có tiền nhiều, cái tâm mới là chính. Họp báo có mục đích chính là để công bố về dự án quyển sách ảnh từ thiện.


Kế hoạch từ thiện là từ Đoàn Thanh niên tình nguyện. Các người đẹp tham gia chương trình này là đã sắp xếp thời gian có thể nhất của mình rồi.


. Không thể bảo chương trình từ thiện như thế là thầm lặng được. Rõ ràng việc đến một trung tâm bảo trợ trẻ em để làm từ thiện đã được công bố, vậy thì ban tổ chức phải công khai để xã hội giám sát việc làm ấy chứ?


+ Thì lúc đấy mình đã chính thức mời báo chí đi cùng để xem. Khi làm việc gì tôi chỉ biết làm chứ không nghĩ đến kết quả. Nhưng dù thế nào, hễ có lời phàn nàn nghĩa là ban tổ chức đã có sơ suất, phải xem xét lại. Khi làm từ thiện, chúng tôi chỉ biết làm bằng cái tâm chứ không vì gì khác.

(Theo Pháp luật TP.HCM)


vietnamnet.vn
Cập nhật 12/10/2011 06:30:00 AM (GMT+7)

Các người đẹp phản hồi vụ từ thiện 1,5 triệu

- Sau bài báo "Đoàn hoa hậu làm từ thiện... 1,5 triệu đồng!" được in trên một tờ báo, một số người đẹp và đại diện đơn vị tổ chức đã bày tỏ những bức xúc trước những thông được cho là chưa đúng sự thật.


Hoa hậu Tài năng Bích Trâm: Chúng tôi bị mang tiếng!

Từ TP.HCM, người đẹp Phạm Bích Trâm cũng bày tỏ bức xúc khi đọc thông tin trên báo nói đoàn hoa hậu đi từ thiện 1,5 triệu đồng. "Mọi người cứ quen nghĩ làm từ thiện là cứ phải mang tiền đến ban phát! Thực ra, biết thế nào là đủ vì trên đời còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nữa!

1,5 triệu không phải số tiền quá lớn, nhưng nhiều người không hiểu sẽ khiến chúng tôi bị mang tiếng. Người ta sẽ bảo có những người đẹp xài cái túi mười mấy triệu, hai mấy triệu tại sao không bỏ tiền ra quyên góp cho các em. Nhưng ở đây chương trình giao lưu từ thiện vì cộng đồng, tất cả mọi người quên góp, không vì một cá nhân nào cả" - Bích Trâm giãi bày.


Hình ảnh các người đẹp ngồi chơi với các em ở TT

Theo Bích Trâm chính một số bạn tình nguyện viên ở Huế nói với cô rằng Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân cũng không phải quá khó khăn. Bản thân cô cũng mồ côi mẹ nên tôi có thể hiểu và đồng cảm với các em nhỏ mồ côi rất cần sự động viên về tinh thần như thế nào.

Bích Trâm bảo cô cùng các người đẹp có những việc làm như dọn dẹp, nhổ cỏ và chơi đùa với các em nhỏ ở trung tâm thực sự chứ không phải "diễn" qua loa để chụp ảnh trong chốc lát như bài báo đưa tin. Vì thế, người đẹp hoàn toàn "sốc" khi đọc những thông tin thiếu khách quan.


Các người đẹp nhặt cỏ ở vườn

"Sau buổi giao lưu tại trung tâm, tôi được biết, ba bạn Thu Hà, Ngọc Hân, Phước Hạnh có dùng tiền cá nhân đi trao 50 triệu đồng cho một số hộ dân nghèo ở Huế. Thông tin này cũng đăng tải lên một số báo, có thể đại diện trung tâm đọc được thấy chạnh lòng và có sư so sánh giữa hai bên chăng?".

Nhã Uyên, Thùy Dương: Làm từ thiện bao tiền thì đủ?

Người đẹp Thùy Dương (Hải Phòng) cho biết mới đi du học ở Canada về cùng một số người bạn muốn tổ chức một cuộc hội ngộ 3 miền để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống sau một năm xa nhau. Sau đó, nhân chuyến hội ngộ các người đẹp nảy ra ý định thực hiện một cuốn sách để đem đi đấu giá dùng tiền làm từ thiện.

Người đẹp Thùy Dương (thứ 2 từ phải sang)

Việc đến Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân (Huế), Thùy Dương cho biết cô và các người đẹp khác đều hiểu đó là buổi giao lưu chơi với các em nhỏ là chính chứ không phải là đi làm từ thiện. Người đẹp này bảo đã rất sốc khi đọc những thông tin về bài báo khi nói rằng cả đoàn đi làm từ thiện chỉ với 1,5 triệu đồng.

"Tôi không có danh hiệu thì không sao. Nhưng những chị như Ngọc Hân, Hoàng My đã có danh hiệu thì thật đáng thương vì rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng đến. Chỉ vài tiếng sau khi bài báo được đăng tải trên mạng thấy trên một số diễn đàn người ta bàn tán và chửi bới Ngọc Hân thậm tệ, đọc mà thấy thương" - Thùy Dương nói.


Hoa hậu Ngọc Hân bế một em nhỏ ở trung tâm.

Người đẹp gốc Huế, Nhã Uyên cũng tham gia chuyến hội ngộ và tỏ ra bất ngờ bất ngờ trước thông tin nói các hoa hậu, người đẹp chỉ từ thiện được 1,5 triệu đồng cho Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân. Đồng quan điểm với Thùy Dương, Nhã Uyên khẳng định việc đến thăm và chơi với các em tại Trung tâm nhằm mang lại tinh thần vui vẻ cho các em chứ không phải đi làm từ thiện.

"Chúng tôi không mang theo nhiều tiền, những món quà có thể nói không nhiều nhưng tấm lòng, tình cảm của chúng tôi là có thật. Làm từ thiện bao tiền thì đủ? Là người đồng hành trong chương trình này tôi thực sự thấy rất buồn trước những thông tin chưa đúng sự thật. Buồn hơn khi sự việc lại xảy ra ở ngay mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên" - Nhã Uyên bày tỏ.


Nhã Uyên (Huế) đang bế một em nhỏ.

Trưởng đoàn từ thiện Đức Hiếu: Chúng tôi làm mọi việc từ cái Tâm!

Ông Đào Đức Hiếu, người đồng hành với các thí sinh trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, Trưởng ban tổ chức cuộc hội ngộ Hoa hậu Việt Nam 2010 - một năm nhìn lại khẳng định bài báo "Đoàn hoa hậu làm từ thiện... 1,5 triệu đồng!" thiếu khách quan và có những thông tin sai sự thật.

Trước tiên về việc bài báo nói đoàn tổ chức họp báo rùm beng, ông Hiếu cho biết sở dĩ có buổi họp báo là do được sự tài trợ của một khách sạn 5 sao. "Chúng tôi họp báo để nói về chương trình Hội ngộ hoa hậu Việt Nam, về cuốn sách ảnh sẽ được đấu giá làm từ thiện chứ không nói về việc làm từ thiện ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân.

Phóng viên hỏi các anh, các chị sẽ đến đâu? Có định làm theo kiểu chỉ hình thức thôi hay không? Thì chúng tôi có trả lời rằng muốn biết chúng tôi có làm theo kiểu hình thức hay không thì xin mời các nhà báo hãy đồng hành cùng chúng tôi. Còn bản thân chúng tôi muốn âm thầm làm các công việc" - ông Hiếu nói.


Người đẹp nhổ cỏ ở vườn

Về thông tin cho rằng các người đẹp chỉ có thể tham gia một chút vào việc nhổ cỏ và nhặt rác quanh trung tâm do đến muộn ông Hiếu khẳng định chưa chính xác. Anh Hiếu bức xúc: "Chúng tôi chia làm ba đội (vệ sinh ngoài sân, vệ sinh cổng, ngoài vườn) xem đội nào nhanh nhất, trong gần 1 tiếng đồng hồ chứ làm sao dàn dựng để chụp ảnh trong mấy phút được".

Riêng số tiền 1,5 triệu đồng cho Trung tâm, ông Đào Đức Hiếu trình bày: "Tôi có hỏi đại diện trung tâm mỗi ngày một em được hỗ trợ bao tiền ăn thì được biết là 6 ngàn/ ngày. Do đó, ê kíp đã góp tiền hỗ trợ 100 suất ăn, mỗi suất 15 ngàn đồng".

Ông Đào Đức Hiếu cho biết thêm thực tế, Khánh Shyna ở Huế - tài trợ trang điểm cũng gửi một thùng quà cho các em, công ty Việt Đà travel gửi mũ cho các em đội đi học, khách sạn Cedadon tài trợ một thùng quà, các bạn sinh viên tự góp tiền mua bánh kẹo, tất cả những cái đó đều trao trong buổi giao lưu nhưng không được GĐ trung tâm nhắc tới.

"Chúng tôi sẽ cử người đến Trung tâm Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân gặp gỡ ban giám đốc trung tâm để có thể hiểu ngọn ngành mọi vấn đề và cũng đáp lại niềm mong mỏi của nhiều người đẹp đã đồng hành với chương trình này bởi tất cả làm mọi việc đều xuất phát từ cái Tâm của mình" - ông Hiếu cho hay.

Sơn Hà
Ảnh: ĐĐH cung cấp

Hà Nội sẽ cấm ô tô, xe máy trên nhiều phố

VietNamNet
Cập nhật 12/10/2011 07:23:38 AM (GMT+7)
- “Sở đang cố gắng hoàn thiện đề án tuyến phố đi bộ để sớm nhất cuối tháng 10 sẽ trình lên lãnh đạo UBND thành phố. Khi thí điểm sẽ cấm hoàn toàn ô tô và xe máy đi lại”, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết chiều 11/10.

Hà Nội đang lên kế hoạch phân làn hàng loạt tuyến phố. Trong khi đó, có nhiều bất cập xảy ra với những tuyến phố đã được phân làn cách đây 1 tháng.

Cơ quan chức năng của Hà Nội cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm Hà Nội sẽ chi khoảng 24 tỷ đồng để phân làn 12 tuyến phố.

Những nỗ lực này có giảm được ùn tắc giao thông để tiếp tục phát huy? Hãy đưa ra quan điểm và đề xuất giải pháp của mình!

Mọi thông tin xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.


Ông Tân cho hay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án tuyến phố đi bộ từ Đồng Xuân - Hàng Ngang - Hàng Đào - quanh hồ Hoàn Kiếm - Tràng Tiền, trước mắt sẽ thí điểm vào các ngày cuối tuần từ thứ 6 đến Chủ nhật, quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Để thực hiện kế hoạch này, Sở GTVT đang tiến hành điều tra xã hội học toàn bộ số dân đang sinh sống ở trên các tuyến phố này để giải quyết tất cả nhu cầu, như xe đi thế nào, trẻ em đi học, cấp cứu, cứu hỏa ra sao, đi bộ thì vệ sinh, uống nước ở đâu...
Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án tuyến phố đi bộ, nếu đề án này được thông qua và thực hiện thí điểm thì sẽ cấm hoàn toàn ô tô và xe máy đi lại

”Hiện nay, Sở đang cố gắng hoàn thiện đề án tuyến phố đi bộ để sớm nhất cuối tháng 10 sẽ trình lên lãnh đạo UBND thành phố. Khi thí điểm sẽ cấm hoàn toàn ô tô và xe máy đi lại”,
ông Tân nói.

Ông Tân cho biết thêm, sau gần 1 tháng phân làn tại 4 tuyến phố, kết quả bước đầu đã tạo được sự đồng thuận của người tham gia giao thông. Người dân đã có ý thức đi đúng làn đường khi tham gia trên các tuyến đường tổ chức phân làn, tạo thói quen văn minh đô thị trên các tuyến phố.

Tại các tuyến phân làn các xung đột giao thông trên tuyến đã giảm đáng kể, tăng khả năng thông hành của các phương tiện lưu thông trong khu vực, giảm tai nạn giao thông.

Trả lời báo chí về những hạn chế của việc phân làn như đường hẹp, nhiều nút cắt, ông Tân cho biết: Với tốc độ quy định đi trong nội đô từ 25 đến 30 km/h cho các phương tiện giao thông cơ giới, chỉ cần cách các ngã ba, ngã tư khoảng 30m là các phương tiện trên đã có thể rẽ phải, rẽ trái rất an toàn.

Trước lo ngại về việc, Sở GTVT cho đặt các biển báo phân luồng ngay trên mặt đường, liệu có gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông? Ông Tân khẳng định, đây là việc làm cần thiết vì “không có cách nào khác ngoài việc phải cưỡng bức giao thông” đối với các phương tiện cố tình không đi đúng làn đường.
24 tỷ đồng để phân làn 12 tuyến phố
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, tuy mới tổ chức phân làn giao thông trên 4 tuyến phố trên nhưng thành phố đã phải chi khoảng kinh phí gần 5 tỷ đồng.

Dự kiến từ nay đến cuối năm Hà Nội sẽ chi khoảng 24 tỷ đồng để phân làn 12 tuyến phố.

Thời gian tới (trong 3 tháng cuối năm 2011), Sở sẽ phối hợp với Công an thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện phân làn tách dòng theo phương tiện trên các tuyến phố sau: Kim Mã (đoạn từ Voi Phục đến Bến xe Kim Mã); Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông) (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Lê Trọng Tấn (Hà Đông); Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật; Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai; Lê Văn Lương; Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao QL5 - Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy); Bắc Thăng Long -Nội Bài và đường Hoàng Quốc Việt

Gia Văn

Truyền thông quốc tế nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức

Thanh Niên Online:
Truyền thông các nước đã có nhiều bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Báo chí Đức ngày 11/10 đã đưa đậm tin về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Merkel, trong đó nhấn mạnh tới việc Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược và một chương trình hành động chung.

Tạp chí Focus (Tiêu điểm) cho rằng, với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Chính phủ Đức muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Á. Theo quan điểm của Chính phủ Đức, với dân số gần 90 triệu người, Việt Nam nằm trong số những nước mới nổi, ngay sau những nước được gọi là nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), là những nước có tầm quan trọng đối với trật tự thế giới đa phương.

Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức cũng khẳng định sẽ ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế như LHQ.

Trong khi đó, đài BBC nêu rõ các lĩnh vực hợp tác Việt Nam - Đức then chốt bao gồm chính trị chiến lược, thương mại đầu tư, tư pháp và pháp luật, phát triển và bảo vệ môi trường, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.

Hãng AFP trích một nguồn tin cao cấp trong Chính phủ Đức, cho biết trước chuyến thăm Việt Nam, bà Merkel dự định thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Ấn Độ “cần tăng cường quan hệ với Việt Nam”

Thanh Niên Online:


Nhiều chuyên gia và cựu quan chức Ấn Độ đề nghị nước này tăng cường các quan hệ chiến lược, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng, với Việt Nam.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 11-13.10. Nhân trước chuyến thăm, báo chí Ấn Độ đã có nhiều bài viết về quan hệ song phương. Trong đó, các chuyên gia nước này đều cho rằng Ấn Độ cần thắt chặt hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Hãng tin lớn nhất Ấn Độ Press Trust of India ngày 7.10 dẫn lời cựu ngoại trưởng nước này MK Rasgotra kêu gọi phát triển quan hệ song phương, đồng thời khẳng định rằng Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực biển Đông. Cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Leena Ponappa thì nhận định quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam được dựa trên “nền tảng các niềm tin chung”. Theo bà Ponappa, Việt Nam là một quốc gia “tăng trưởng ấn tượng” và Ấn Độ cần đẩy mạnh hợp tác về nhiều mặt, nhất là năng lượng vì an ninh năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai phát triển của nước này.


Tàu SANKALP thuộc Lực lượng tuần duyên Ấn Độ thăm cảng Sài Gòn hồi tháng 3 - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM cung cấp

Bên cạnh đó, Press Trust of India dẫn lời chuyên gia C.Raja Mohan thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi đề nghị Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trong công nghệ không gian và lĩnh vực hạt nhân dân sự. Ông Mohan cũng kêu gọi hai bên nâng cao quan hệ quốc phòng, đặc biệt là về an ninh biển. Hầu hết các chuyên gia Ấn Độ đều đồng ý rằng biển Đông đóng vai trò thiết yếu đối với tất cả quốc gia trong khu vực và với bờ biển dài 3.100 km, Việt Nam là quốc gia có vị trí an ninh chiến lược quan trọng.

Trong bài xã luận đăng ngày 8.10, báo The Times of India nhận định: “Với nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam là một đối tác hấp dẫn đối với Ấn Độ. Những vấn đề chiến lược và quốc phòng có thể cũng sẽ được chú trọng hơn trong hợp tác song phương”. Cũng theo báo này, Ấn Độ đang tích cực phát triển quan hệ an ninh biển và hải quân với Việt Nam.

The Times of India dẫn lời một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ đang thực hiện chính sách “hướng Đông”, tăng cường quan hệ với các nước Đông Á và Đông Nam Á. Những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực càng khiến chính sách này được đẩy mạnh. Ngoài chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ấn Độ cũng sẽ đón tiếp Tổng thống Myanmar Thein Sein, thăm chính thức từ ngày 12-15.10, theo Reuters. Trước đó, trong cuộc hội đàm hôm 23.9, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và người đồng cấp Nhật Bản Yoshihiko Noda chia sẻ quan điểm về an ninh biển và cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để bảo đảm hòa bình, ổn định tại các vùng biển trong khu vực.

Văn Khoa

Nước Mỹ rúng động vì Chiếm Phố Wall

Thanh Niên Online:

Đợt biểu tình Chiếm Phố Wall ở Mỹ đang trở thành “Chiếm mọi thứ” và tình hình càng thêm căng với sự tham gia của các chính trị gia.

Đến ngày 9.10, phong trào Chiếm Phố Wall đã bước sang tuần thứ tư với tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa ngày càng lớn. Thống kê của tờ The Atlantic ước tính phong trào này đã và đang xuất hiện tại khoảng 1.000 địa điểm trên toàn quốc. Người biểu tình từ Boston đến San Francisco, từ Chicago đến Houston, cùng đứng chung trong một phong trào đang phát triển mạnh mẽ, bất chấp việc chẳng có ai đứng mũi chịu sào, cũng như thiếu hẳn đường lối chiến lược và chủ trương thống nhất. Từ chỗ phản đối sự tham lam của các tập đoàn lớn và bất công xã hội, phong trào này đang mở rộng sang các vấn đề khác như cuộc chiến tại Afghanistan.


Biểu tình tại Quảng trường Tự do ở Washington - Ảnh: AFP

Ở vài nơi, phong trào đã được gọi là “Cùng chiếm lĩnh mọi thứ”, theo CNN. Ngày 8.10, người biểu tình tại thủ đô Washington hô to khẩu hiệu: “Chiếm lĩnh mọi thứ và không bao giờ trả lại” bên cạnh khẩu hiệu chính thức của phong trào Chiếm Phố Wall: “Chúng ta là 99%”. Con số 99% xuất phát từ thống kê của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz rằng 40% tài sản quốc gia của Mỹ nằm trong tay 1% dân số. Trong lúc hăng máu, một số người tính tràn vào khuôn viên Viện Bảo tàng hàng không và Vũ trụ quốc gia ở Washington. AP dẫn lời phát ngôn viên của bảo tàng là Linda St.Thomas cho hay các bảo vệ phải can thiệp bằng cách xịt hơi cay và bắt giữ một người. Để đề phòng tình hình diễn biến phức tạp, viện bảo tàng buộc phải đóng cửa sớm.

Lý giải tại sao phong trào trên được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn và nhiều tầng lớp dân chúng, CNN dẫn lời ông Jim Nichols, người tham gia biểu tình tại Atlanta giải thích rằng họ muốn đòi lại “Giấc mơ Mỹ”, vốn đã nhạt nhòa dần sau khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, giới chính khách Mỹ cũng bắt đầu tỏ quan điểm của mình về Chiếm Phố Wall. Hạ nghị sĩ Charles Rangel khẳng định ông đứng về phe biểu tình, về phe những người đang vỡ mộng. Đài ABC News thì dẫn lời lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi cũng cho biết bà ủng hộ phong trào này. Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số Hạ viện Eric Cantor gọi Chiếm Phố Wall là “một đám côn đồ hỗn tạp đang đông lên”.

Thụy Miên

Iran phản ứng với cáo buộc khủng bố của Mỹ

Thanh Niên Online:
Tòa Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Mỹ - Ảnh: AFP
(TNO) Iran đã gọi những cáo buộc của Mỹ về kế hoạch ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Washington là một “âm mưu xấu xa” trong một kháng nghị gửi đến Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào hôm nay, 12.10.

>> Mỹ phá âm mưu ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út

Theo AFP, Đại sứ Iran tại LHQ đã tố cáo Israel tiến hành mưu sát các nhà khoa học hạt nhân của Iran với sự giúp đỡ của Mỹ trong một lá thư gửi đến Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Hội đồng Bảo an LHQ.

“Với những ngôn từ mạnh mẽ nhất, Iran thẳng thừng lên án luận điệu đáng hổ thẹn của giới chức Mỹ và lấy làm tiếc về một âm mưu xấu xa được cân nhắc kỹ theo chính sách chống Iran của họ”, ông Mohammad Khazaee nói trong thư.

Trước đó, nhà chức trách Mỹ tuyên bố họ đã phá một âm mưu của chính phủ Iran nhằm ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Washington Adel al-Jubeir. Chính quyền Mỹ đã cam kết sẽ buộc Iran phải chịu trách nhiệm.

Theo chính phủ Mỹ, hai người đàn ông đã bị khởi tố về âm mưu tổ chức vụ tấn công dưới sự chỉ đạo của lực lượng Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran và một người đã bị bắt giam tại Mỹ.

Ông Khazaee đã bày tỏ “sự phẫn nộ” với những luận điệu của Mỹ trong lá thư gửi đến HĐBA, nơi Iran đang chịu nhiều áp lực vì chương trình hạt nhân của nước này.

“Iran luôn lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện”, và từng là nạn nhân, Đại sứ Khazaee nói, “Một ví dụ rõ ràng mới đây là các vụ ám sát một số nhà khoa học hạt nhân Iran trong hai năm qua do chế độ Do Thái thực hiện và được Mỹ hỗ trợ”.

Theo AFP, một giáo sư vật lý hạt cơ bản tại Đại học Tehran đã bị giết trong vụ đánh bom bên ngoài nhà ông này vào tháng 1.2010. Một nhà khoa học khác đã bị giết tại Tehran vào ngày 29.11 năm ngoái trong khi người đứng đầu chương trình hạt nhân Iran Fereydoon Abbasi Davani thoát chết trong một âm mưu ám sát diễn ra cùng ngày.

Ông Khazaee khẳng định “quốc gia Iran theo đuổi một thế giới không có khủng bố và xem bộ máy tuyên truyền và hiếu chiến chống Iran của Mỹ là mối đe dọa không chỉ với chính mình mà còn với cả nền hòa bình và ổn định tại vùng Vịnh”.

Ông nói với ông Ban: “Với tư cách Tổng thư ký LHQ, ngài có trách nhiệm quan trọng trong việc giúp công luận thế giới hiểu rõ những hậu quả nguy hiểm trong chính sách hiếu chiến của chính quyền Mỹ với an ninh và hòa bình quốc tế”.

Sơn Duân

Bà Tymoshenko lãnh 7 năm tù

Thanh Niên Online:
Bà Tymoshenko phản ứng sau khi tòa tuyên án - Ảnh: AFP
Một tòa án ở thủ đô Kiev của Ukraine ngày 11.10 tuyên phạt cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko 7 năm tù do liên quan đến một thỏa thuận khí đốt với Nga hồi năm 2009.

Theo AFP, bà Tymoshenko bị kết tội vi phạm các thủ tục pháp lý trong quá trình ký kết thỏa thuận nhập khí đốt với Nga khi còn làm thủ tướng. Thỏa thuận này bị cho là quá bất lợi đối với Ukraine và khiến nước này thiệt hại khoảng 190 triệu USD. Ngoài ra, bà Tymoshenko bị cấm giữ các chức vụ của nhà nước trong vòng 3 năm sau khi ra tù.

Cựu Thủ tướng Ukraine là một trong những thủ lĩnh của cuộc Cách mạng cam năm 2004 và là đối thủ của đương kim Tổng thống Viktor Yanukovich. Có nhiều ý kiến cho rằng vụ xét xử là “âm mưu chính trị” của ông Yanukovich nhằm triệt hạ bà. Ngay sau khi bản án được tuyên, bà Tymoshenko tiếp tục lên án chính quyền và tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng”. Theo AFP, khoảng 1.000 người đã biểu tình tại Kiev vào hôm qua để phản đối phán quyết của tòa khiến nhà chức trách phải triển khai cảnh sát chống bạo động để giữ gìn trật tự.

Cũng trong ngày 11.10, EU tuyên bố bản án dành cho bà Tymoshenko đến từ một phiên xử “không bảo đảm các nguyên tắc công bằng và minh bạch”, đồng thời cảnh báo quan hệ với Ukraine có thể bị tổn hại. Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông cáo nói: “Chúng tôi nhận thấy có động cơ chống Nga đằng sau bản án vì thỏa thuận năm 2009 hoàn toàn tuân thủ luật pháp hai nước”. Đáp lại, AFP dẫn lời Tổng thống Ukraine Yanukovich nói ông hiểu phản ứng của các bên và đây chưa phải là phán quyết cuối cùng bởi bà Tymoshenko vẫn có quyền kháng cáo.

Trùng Quang

Nhiều y bác sĩ vẫn không từ chối phong bì

VnExpress:
Thứ tư, 12/10/2011, 12:25 GMT+7

Dù 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội là Việt Đức, Bạch Mai, K, E, Phụ sản Trung ương đã ký cam kết "nói không với phong bì", song chuyện bệnh nhân, người nhà đưa tiền cho bác sĩ, y tá vẫn tiếp diễn khá phổ biến.

> 5 bệnh viện cam kết 'nói không với phong bì'

Đây là các bệnh viện thí điểm phong trào thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong ngành y tế, trong đó có nội dung bác sĩ nói không với phong bì, tuy nhiên theo khảo sát của VnExpress.net, tình trạng bệnh nhân đưa và y bác sĩ nhận phong bì vẫn không có gì thay đổi so với trước đây.

Ngày 11/10, ngồi đợi đến giờ vào thăm cháu ở khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bà Ngà (chợ Hôm, Hà Nội) lấy 50.000 đồng nhét vào chiếc tã giấy để cho nhân viên y tế. "Phải kín đáo vậy họ mới nhận. Ngày nào tôi cũng làm thế, chỉ mong người ta để ý số thứ tự mà chăm cháu kỹ hơn", bà nói.

Cách đây hơn tuần, con dâu bà Ngà sinh mổ tại bệnh viện này. Bé sinh non tháng nên phải nằm lồng kính. Bà Ngà cho biết, từ lúc có thai con dâu bà đã tìm được một bác sĩ có tiếng tại viện và theo khám tại phòng mạch tư của vị này. Lúc sắp sinh, chị đến nhờ ông trực tiếp mổ và khi mọi việc xong xuôi đã đưa phong bì cảm ơn 2 triệu đồng.

Với tâm lý "phải có phong bì khi vào viện người nhà mình mới được chăm sóc chu đáo hoặc khỏi mất công chờ đợi", hầu hết bệnh nhân đều đưa thêm tiền cho nhân viên y tế, từ khâu khám, xét nghiệm, đến lúc mổ, ra viện, và bằng nhiều cách khác nhau, chủ yếu là gặp đưa tại phòng riêng, kẹp trong sổ khám, nhét vào túi áo blouse, thậm chí cài vào người (với bé sơ sinh cần tắm)... Động tác này gần như trở thành "thói quen" của nhiều người phải vào viện.

Con học lớp 10 bị viêm gan B nên chị Hiền (Hiệp Hòa, Bắc Giang) thường xuyên đưa cháu tới Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra. Lần đầu, chị mua sổ rồi xếp hàng đợi đến lượt khám, xét nghiệm, xong xuôi mất đứt 2 ngày. Lần thứ 2, rút kinh nghiệm, chị vẫn mua phiếu, nhưng không xếp hàng mà đưa con lên thẳng phòng bác sĩ nhờ khám cho nhanh, kèm phong bì 200.000 đồng.

Ảnh: MT.
Có ít nhất 2 người trong số này đã phải đưa tiền cho nhân viên y tế khi chờ người thân sinh nở tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Minh Thùy

Hiện nay, nhiều bệnh nhân coi việc đưa phong bì như một "thủ tục" không thể thiếu khi vào viện. Vì thế, không ít người, dù không ai gợi ý, cũng chủ động đưa tiền cho nhân viên y tế để được thoải mái, an lòng, nhất là khi có người thân bị bệnh nặng, cần mổ xẻ.

Bế cô con gái mới hơn một tháng tuổi đứng đợi xe ở gần cổng Bệnh viện Việt Đức, chị Thanh (Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, bé bị giãn bể thận, vừa được mổ nội soi trong viện và được về nửa tháng rồi lên mổ lại. "Cho tới giờ, tôi đã đưa 4 phong bì, mỗi cái một triệu đồng, cho 4 bác sĩ trực tiếp liên quan đến ca mổ", chị Thanh nói.

Chị cho biết, việc đưa bao nhiêu tiền, cho ai, vào lúc nào... chị cũng phải mất nhiều thời gian mới "học" được vì vợ chồngđều ở quê, chưa phải vào viện lần nào. "Có khi lấy cớ hỏi tình hình bệnh của con, lịch mổ rồi kẹp phong bì vào cuốn sổ, để lên bàn; có lúc phải đưa trước lúc mổ, sau đó quay lên đưa một gói cho điều dưỡng luôn để họ chăm sóc con mình được chu đáo", chị Thanh chỉ dẫn.

Theo lời chị, tất cả những nhân viên y tế chị gặp chưa ai gợi ý chị phải đưa tiền nhưng cũng chẳng có ai từ chối lúc chị nhét phong bì. "Những người có con cùng nằm cùng phòng với tôi đều làm vậy. Con mình còn đỏ hỏn thế này phải đụng dao kéo vào người, lo lắm chứ, thêm vài đồng cho bác sĩ mà yên tâm hơn thì chẳng ai không làm, dù tiền đó cũng phải chạy vạy ngược xuôi mới có", chị nói.

"Thậm chí, nếu không đưa phong bì còn thấy ngại, có lỗi. Tôi cũng nghiệm ra là nếu không thêm tiền thì khó mà được chăm sóc cẩn thận, chu đáo bằng người có”, bác Thanh, 57 tuổi (Hưng Yên) đang điều trị xạ tại khoa Ung Bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.

Dù vậy, không phải ai đút lót cho bác sĩ cũng nhận được sự ưu ái hơn vì số bệnh nhân quá đông. Cách đây không lâu, chị Lan (Hà Nội) đưa em họ ở Lạng Sơn vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ cắt khối u xơ tử cung. Vì khối u khá to, sợ biến chứng, chị đã chọn bác sĩ mổ với chi phí 1,5 triệu. Để yên tâm, chị còn gặp trực tiếp bác sĩ phẫu thuật nhờ xếp lịch mổ sớm và làm cẩn thận hơn.

“Lần đầu gặp, mình đưa cho bác sĩ một triệu đồng. Ấy thế mà 2 hôm sau lên giục thì ông ấy chả nhớ mình là ai. Mình hoảng quá, may mà ca mổ tốt, không thì áy náy mãi”, chị Lan nói.

Theo một khảo sát nhanh của VnExpress.net với gần 1.000 độc giả, có tới hơn 1/3 ý kiến khẳng định lần nào đi viện cũng bị gợi ý phải đưa phong bì và 1/5 cho biết thỉnh thoảng họ cũng gặp tình huống này. Tuy nhiên, cứ 10 người thì có 3 thừa nhận hoàn toàn tự nguyện khi tặng tiền cho bác sĩ.

Thực tế, một số bệnh nhân và người nhà cho biết cũng có bác sĩ không nhận khi họ đưa phong bì.

Có chồng bị gãy xương cổ do tai nạn giao thông, đang đợi mổ tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, chị Nguyễn Thị Sâm (Bắc Ninh) cho biết, vì sốt ruột, gia đình chị đã tìm gặp bác sĩ để "bồi dưỡng", mong họ xếp mổ sớm nhưng không ai nhận phong bì. "Mới đầu tôi cũng lo, sợ mình đưa ít hoặc do đi sai cửa, nhưng sau thấy mấy người đã được mổ tại đây cho biết, họ cũng bị từ chối tiền nhưng các bác sĩ vẫn điều trị rất ân cần".

Một bác sĩ trong khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết "không nhận phong bì của bệnh nhân" là một quy định được đưa ra từ lâu tại bệnh viện này, có điều vẫn có cá nhân nào đó không thực hiện đúng. "Ai cũng muốn người nhà mình được ưu tiên và đưa tiền để đạt được điều đó, nhưng chúng tôi chỉ ưu tiên theo mức độ nặng nhẹ, cấp bách của bệnh mà thôi", bác sĩ này nói.

Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo, Phát triển cộng đồng cho biết, hiện tượng đưa phong bì cho nhân viên y tế phổ biến trên toàn quốc nhưng hầu như chỉ tập trung ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, đặc biệt là các đơn vị quá tải như bệnh viện chuyên khoa.

“Tuy nhiên, nếu quy kết trách nhiệm cho cá nhân trong việc nhận phong bì thì không thỏa đáng. Đó là vấn đề của cả hệ thống, cả xã hội. Không chỉ ngành y mà ngành nào cũng có chuyện đút lót”, tiến sĩ Tuấn nói.

Một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận, đúng là "nạn" phong bì đã làm xấu đi hình ảnh ngành y và chủ trương nói "không" với phong bì là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, theo ông ý nghĩa thực sự của việc đưa phong bì là tiêu cực hay tích cực còn do cách nhìn nhận ở từng góc độ. Nó sẽ là tiêu cực khi nhân viên y tế vòi vĩnh, ra điều kiện hay tỏ thái độ với bệnh nhân. Nhưng khi nó chỉ là tấm lòng của người bệnh đối với người đã cứu chữa cho mình thì lại hoàn toàn khác.

"Đối với những bác sĩ chân chính - theo tôi số này là phần lớn, chữ tâm được đặt lên hàng đầu, điều quan trọng nhất là chữa bệnh cứu người và họ không bao giờ ra giá cho việc đó. Tất nhiên, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, được nhận một lời tri ân, chia sẻ, người thày thuốc sẽ thấy ấm lòng hơn", ông chia sẻ.

Theo ông, để chấm dứt phong bì trong bệnh viện rất khó. "Việc này xuất phát từ hai phía, bên cho và bên nhận. Vì thế, chỉ khi cả hai cùng nói 'không' thì mới có thể ngừng hẳn được, mà điều này chẳng dễ", ông nói.

Tâm sự với VnExpress.net, một bác sĩ có thâm niên 10 năm cho biết, lương của anh hơn 4 triệu đồng một tháng, tiền bồi dưỡng cho mỗi ca mổ loại 1 được 35.000 đồng, loại 2 được 25.000, loại 3 được 20.000, trực một ngày đêm được 35.000.

Theo anh, hiện đa số nhân viên y tế ở tuyến dưới đều quá chán nản với ngành y, họ còn ở lại bệnh viện chỉ vì cuộc sống, chứ chẳng còn mấy người tâm huyết vì "chế độ tiền lương quá bọt bèo, bệnh nhân còn tệ hơn: chửi mắng, đâm chém, thưa kiện...". Vì thế, bác sĩ cho rằng, trước khi siết chặt vấn đề kỷ luật cần tăng thu nhập chính đáng cho nhân viên y tế, nếu không thì tất cả các quyết sách trước nay cũng không đạt hiệu quả gì.

Phương Trang - Minh Thùy

Hoảng hồn vì ngân hàng đốt tài liệu tại... nghĩa địa

Dân trí:
Thứ Tư, 12/10/2011 - 11:43

Quảng Bình: Hoảng hồn vì ngân hàng đốt tài liệu tại... nghĩa địa

(Dân trí) - Khoảng 7 giờ sáng ngày 9/10, một đám cháy lớn xuất hiện tại nghĩa địa xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình khiến người dân nơi đây hốt hoảng.

“Tôi vừa ngủ dậy, đang định ra giếng vệ sinh cá nhân thì tá hỏa thấy phía nghĩa địa của làng có một ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt, khói bụi bay mù mịt”, anh Son - một người dân kể lại.

Hiện trường đám cháy

Anh Son liền gọi thêm mấy người hàng xóm tức tốc chạy ra hiện trường. “Tôi và mấy anh em chạy ra chỗ ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt thì thấy có gần chục người đang đốt một đống giấy to. Họ nói là người của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình đang hủy tài liệu. Thấy họ đốt giấy ngay cạnh mồ mả ông bà, sợ ảnh hưởng nên tôi và mấy anh em xông vào dập lửa thì bị ngăn lại, dọa là sẽ bắt đi tù nếu đụng vào tài liệu mật của nhà nước”, anh Son kể tiếp.

Ngay sau đó, người dân đã báo sự việc cho Công an xã Quảng Long và Công an huyện Quảng Trạch. Lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời, lập biên bản sự việc, yêu cầu phía ngân hàng dừng ngay việc đốt tài liệu và buộc phải vận chuyển đến bãi rác để đốt, tránh gây ô nhiễm môi trường cho người dân xung quanh.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường là hàng chục bao tải rỗng ruột nằm ngổn ngang xung quanh đống lửa. Người của ngân hàng đang dội nước vào đám cháy để dập lửa theo yêu cầu của công an địa phương. Khoảng 1/5 số tài liệu chưa kịp cháy hết, bị lửa sém nham nhở, trong đó có nhiều hồ sơ vay vốn của khách hàng, thậm chí có cả kết luận thanh tra của ngân hàng cấp trên.

Khoảng 1/5 số tài liệu chưa kịp cháy hết

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Hữu Báu, PGĐ chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình, người trực tiếp chỉ huy việc đốt tài liệu từ chối trả lời vì lý do: “Tui là cấp phó, muốn phát ngôn thì phải gặp trưởng, và hơn nữa hôm nay là ngày nghỉ”.

“Một cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình cho biết: Việc tiêu hủy tài liệu của ngân hàng được quy định rất nghiêm ngặt, thời hạn lưu trữ được quy định cụ thể đối với từng loại hồ sơ. Tài liệu phải được cắt xén, đánh nhuyễn bằng máy trước khi đưa đi tiêu hủy”.

Làm việc với ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình, ông Hoàng cho rằng: Việc tiêu hủy tài liệu hết thời hạn lưu trữ nằm trong kế hoạch hàng năm của đơn vị. Hơn 1 tấn tài liệu được mang đi tiêu hủy lần này đều có trước năm 1999 (tức là đã sau 20 năm theo quy định của nhà nước về tiêu hủy tài liệu của ngân hàng).

Ông Hoàng cũng cho biết là đã báo cáo với chính quyền xã Quảng Long về việc tiêu hủy tài liệu tại địa điểm nói trên, nhưng do người dân không biết nên đã có sự hiểu lầm. Sau đó, công an địa phương đã giải thích cho người dân, việc tiêu hủy đã được tiếp tục và hoàn thành ở địa điểm nói trên.

Ông Hoàng khẳng định: Không có gì khuất tất trong việc tiêu hủy tài liệu lần này, không có chuyện tiêu hủy hồ sơ vay vốn của khách hàng sau năm 1999 như phản ánh của người dân. Còn việc tiêu hủy vào ngày nghỉ là do ngân hàng nhiều việc nên tranh thủ.
Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều người dân có mặt tại hiện trường, họ có nhìn thấy nhiều bộ hồ sơ liên quan đến vay vốn trong những năm gần đây (chứ không phải trước năm 1999) đã bị cháy sém.
Được biết, Chi nhán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình được thành lập từ năm 2006.
Danh sách vay vốn của các doanh nghiệp đã trả nợ và chưa trả nợ ghi ngày 22/5/2007 bị cháy sém

Dân trí làm việc với Công an xã Quảng Long, được ông Trần Thế Hiền, Phó trưởng Công an xã này, khẳng định: Công an xã đã lập biên bản sự việc và yêu cầu phía ngân hàng vận chuyển ra bãi rác cách đó 4km để tiêu hủy tài liệu. Ông Ngô Văn Năm, người lái xe công nông được thuê, nói là nhận từ ngân hàng này 300 ngàn đồng tiền công chuyên chở số tài liệu còn lại ra bãi rác.

Đặng Tài

TQ thăm dò dầu ngoài khơi Campuchia

BBC Vietnamese
Cập nhật: 12:06 GMT - thứ ba, 11 tháng 10, 2011
Bản đồ dầu khí Campuchia

Trên bản đồ Lô F nằm ngay bên cạnh đảo Phú Quốc của Việt Nam

Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc CNOOC sẽ bắt đầu tiến hành thăm dò ngoài khơi tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia trong tháng 10 này.

Báo Campuchia loan báo việc thăm dò dầu khí "sẽ được thực hiện tại Lô F, nằm cách tỉnh Preah Sihanouk gần 40km về phía Nam".

Nếu nhìn trên bản đồ của cơ quan dầu khí Campuchia, người ta sẽ thấy Lô F (Bloc F) nằm trong Vịnh Thái Lan, ngay bên cạnh đảo Phú Quốc của Việt Nam.

Khoảng thời gian để tập đoàn CNOOC làm công việc thăm dò là từ tháng 10-tháng 12 năm nay.

Ông Mam Sambat, Giám đốc điều hành một tổ chức NGO chuyên về phát triển ở Campuchia, nói với báo Reaksmei Kampuchea rằng CNOOC là công ty nước ngoài đầu tiên đã thực hiện khảo sát ảnh hưởng tới môi trường trước khi đào dầu ở Campuchia, tuy các tổ chức về môi trường không đủ thời gian để xem xét khảo sát này.

Campuchia đã cấp giấy phép thăm dò dầu khí cho khoảng 100 công ty cả trong nước lẫn nước ngoài, bao gồm Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore, Trung Quốc và Thái Lan.

Chính phủ Phnom Penh hy vọng sẽ tìm thấy nguồn dầu thô đầu tiên vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, tại các lô thăm dò, có một số khu vực chồng lấn giữa Campuchia và các nước.

Việc Trung Quốc vào thăm dò dầu khí ở Campuchia đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ kinh tế giữa hai bên, điều chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh hoan hỷ, nhất là khi hoạt động dầu khí giữa Trung Quốc và Miến Điện đang gặp một số trục trặc.

Các nhà vận động Miến Điện đang kêu gọi chính phủ dừng dự án đường ống dẫn khí từ bờ Tây nước này sang Trung Quốc trong một loạt các sự kiện được đánh giá là Naypidaw quay lưng lại với Bắc Kinh để làm thân với phương Tây.

Tăng cường quan hệ

Trong những năm gần đây, quan hệ Phnom Penh-Bắc Kinh trở nên nồng ấm rõ rệt, trong khi quan hệ của Campuchia và các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam nảy sinh một số vấn đề.

Cuối năm ngoái Trung Quốc và Campuchia ký các hợp đồng hợp tác tổng trị giá 6,4 tỷ đôla nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc tới Phnom Penh.

Phnom Penh công khai tuyên bố ủng hộ chính sách của Trung Quốc trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, thí dụ chủ trương không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, vốn do Trung Quốc khởi xướng.

Campuchia và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1958.

Trong những năm 1970,Trung Quốc ủng hộ chính thể Khmer Đỏ và đã tiến quân "trừng phạt Việt Nam" sau khi Hà Nội can thiệp lật đổ Pol Pot, giúp lập nên chính quyền của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia.

Đảng này nay vẫn cầm quyền ở Campuchia.

Hoàng gia Campuchia có quan hệ thân chặt với Bắc Kinh, Quốc vương Norodom Sihamoni mới hôm 08/10 vừa lên đường sang Trung Quốc kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bí mật động trời của trường ĐH Lao động Xã hội

VTC News:
11/10/2011 09:15

Có lẽ đây là một trong những vụ việc sai phạm kỷ lục trong ngành Giáo dục: Chỉ trong hai đợt tuyển sinh 2009, 2010 Trường đại học Lao động - Xã hội (ĐH LĐ-XH) đã tiếp nhận hàng trăm thí sinh không thi, bỏ thi, khác khối, dưới điểm sàn, dưới điểm chuẩn vào hệ đại học. Không những thế, nhiều trường hợp thí sinh có hồ sơ, điểm thi hợp lệ lại phải nhận quyết định buộc thôi học một cách vô lý. Kỳ quặc hơn nữa là những trường hợp bị buộc thôi học này vẫn được học… bình thường. Vậy, chuyện gì đang xảy ra ở ngôi trường này?

Tin liên quan

» Tuyển sinh: ĐH tặng học bổng nhưng vẫn “trắng” hồ sơ
» ĐH Xây Dựng: 1.000 sinh viên ra trường chậm?
» Viện ĐH Mở nhờ công an điều tra vụ SV tố GV lạm thu
» Viện ĐH Mở nói gì về vụ sinh viên tố giảng viên lạm thu
» Sinh viên tố phó khoa lạm thu hàng trăm triệu đồng
» Thực hư chuyện sinh viên tố trường “lạm thu”



Thí sinh “lọt lưới”

Trường ĐH LĐ-XH thành lập năm 2005 trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng Lao động – Xã hội. Hiện tại, trường có cơ sở chính ở Hà Nội, một cơ sở ở TP Hồ Chí Minh và thị xã Sơn Tây.

Vụ việc bắt đầu khi cán bộ, sinh viên Trường ĐH LĐ-XH xôn xao bàn tán về chuyện có hàng trăm sinh viên dính vào nghi án… “chạy trường”. Những trường hợp này đều dưới điểm sàn, thấp hơn điểm chuẩn, khác khối thi, thậm chí là không thi, bỏ thi. Tuy nhiên, tin đồn đó vẫn chỉ là tin đồn rỉ tai nhau tạo nên một hình ảnh rất xấu trong mắt đông đảo sinh viên trong trường.

Bí mật động trời của trường ĐH Lao động Xã hội
ĐH Lao động Xã Hội

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hai năm 2009, 2010 Trường ĐH LĐ-XH không tổ chức thi tuyển sinh hệ đại học chính quy mà tiến hành xét tuyển nguyện vọng 1 và 2 từ kết quả thi của các trường đại học khác. Trong quá trình xét tuyển này, nhiều trường hợp sai phạm nghiêm trọng như trên bị “lọt lưới” vào học hệ chính quy tại một trường có tiếng như ĐH LĐ-XH.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các trường hợp sai phạm này đều nằm ở 2 cơ sở đào tạo phía Bắc, và đều nằm ở nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 mà trước đó các thí sinh đã dự thi rất nhiều trường ĐH trên toàn quốc như ĐH Thương Mại, Viện ĐH Mở, ĐH Bách Khoa HN, Học viện Tài chính, Luật Hà Nội, Kinh tế Quốc dân HN…

Từ những thông tin ban đầu, chúng tôi đã chọn 43 trường hợp ngẫu nhiên bị tố cáo vi phạm quy chế tuyển sinh như không thi, bỏ thi, khác khối, dưới điểm sàn… để kiểm tra bằng cách gửi công văn đề nghị xác minh điểm thi đến trường các thí sinh đã dự thi từ những năm trước.

Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành xem trên các trang web tra kết quả điểm thi của hơn 300 trường hợp thí sinh có nghi vấn. Kết quả làm chúng tôi kinh ngạc: 100% trường hợp thí sinh đem so kết quả đều không đủ chỉ tiêu để tuyển vào trường. Vậy là, việc xôn xao đồn đại của dư luận trong trường bấy lâu nay không phải là tin đồn nhảm.

Tại sao một sai phạm “động trời” như thế, đến nay Trường ĐH LĐ-XH vẫn có thể che được “lưới trời” là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và cơ quan chủ quản là Bộ LĐTB&XH?

Trong 12 trường hợp từng dự thi tại Học viện Tài chính năm 2010, sau đó được được xét tuyển theo NV1, NV2 vào ĐH LĐ-XH hiện đang học ở các lớp kế toán, quản lý lao động đa số chỉ làm hồ sơ đăng ký mà không dự kỳ thi tuyển sinh năm 2010. Danh sách 12 thí sinh này đã được phòng chức năng của Học viện Tài chính xác nhận 11 không thi, 1 không có tên trong danh sách đăng ký dự thi.

Trong 11 trường hợp đang học tại ĐH LĐ-XH từng dự thi tại Trường ĐH Thương mại Hà Nội năm 2010, có 5 trường hợp không đạt điểm sàn của Bộ GD&ĐT quy định vẫn được xét tuyển vào NV1; 6 trường hợp thiếu 2, 3 điểm so với điểm chuẩn xét tuyển của ĐH LĐ-XH cũng được xét tuyển vào NV1. Trong 20 trường hợp đã từng dự thi tại Viện ĐH Mở Hà Nội, có 13 trường hợp đang học NV1 tại ĐH LĐ-XH ở các khoa kế toán, quản lý lao động có điểm xét tuyển dưới điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định và thấp hơn điểm chuẩn mà ĐH LĐ-XH công bố năm 2010 vào học theo NV1. Có 7 trường hợp vào học theo NV2 thấp hơn điểm chuẩn do ĐH LĐ-XH công bố.

Ngoài ra, còn nhiều sinh viên được vào học ở các khoa của ĐH LĐ-XH từng dự thi ở các khối mà ở ĐH LĐ-XH chưa bao giờ tuyển sinh như khối B, V…

Kết quả điều tra mà chúng tôi thu thập cho thấy số lượng sinh viên có dấu hiệu “chạy chọt” để vào trường lớn hơn rất nhiều lần danh sách sinh viên chúng tôi đem đi xác minh.

Như vậy, với việc tuyển sinh sai quy chế hàng trăm sinh viên vào các ngành học theo chỉ tiêu hàng năm của ĐH LĐ-XH đồng nghĩa với việc hàng trăm sinh viên khác đã nộp hồ sơ đáng lẽ trúng tuyển thì lại bị gạt ra cho những trường hợp sai phạm này. Liệu họ có rõ sự việc này.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: trong vụ việc này, số tiền mà các thí sinh “rải” qua các “cửa” để có tên trong các lớp học hệ đại học là bao nhiêu và phương thức trao đổi như thế nào? Có bao nhiêu cán bộ tại trường có liên quan đến những sai phạm này?

Bị đuổi học mà vẫn… học

Không chỉ vướng vào các sai phạm trên, trường ĐH LĐ-XH còn bị cho là có cách “hành xử” tắc trách khi ra Quyết định số 1013/QĐ–ĐH LĐXH buộc thôi học 4 sinh viên khóa 5 học tại cơ sở Sơn Tây với lý do vi phạm quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này đã khiến các sinh viên như “ngồi trên đống lửa”, còn các bậc phụ huynh thì bức xúc, tức giận vì kiểu làm việc thiếu nguyên tắc của Ban lãnh đạo nhà trường.

Bí mật động trời của trường ĐH Lao động Xã hội
Danh sách sinh viên có liên quan đến vụ việc là một con số không nhỏ


Trao đổi với chúng tôi, em Trần Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ: “Trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học 2009, em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường đại học Thương Mại. Tuy nhiên, vì chỉ được 16,5 điểm (chưa cộng điểm khu vực – PV) nên em đành phải làm nguyện vọng 2 sang Trường ĐH LĐ-XH và nhận được giấy báo trúng tuyển vào khoa Kế toán của trường…”.

Có giấy báo trúng tuyển, Bích đi nhập học bình thường. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, Bích bất ngờ “được” gọi lên làm việc với cán bộ Phòng PA25 – Công an thành phố Hà Nội (nay là PA83) vì “có vấn đề” trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển.

Được biết, trong vụ này, ngoài Bích ra, còn nhiều em khác rơi vào tình trạng tương tự như thế. Nguyễn Thanh Tùng là một trong những “nạn nhân” đó. Theo Tùng thì cũng trong năm 2009, em đăng ký thi tại Trường ĐH Luật Hà Nội, nhưng cũng không đủ điểm nên đã nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 tại cơ sở Sơn Tây, ĐH LĐ-XH. Sau đó em nhận thông báo trúng tuyển vào học ngành Quản lý lao động.

Khi được nhà trường, cũng như công an đưa ra lý do gọi các em lên là vì giấy báo điểm bị tẩy xóa, chỉnh sửa, các sinh viên đã giải thích, khẳng định rằng không có chuyện đó. Bản thân tờ giấy báo điểm mà cơ quan chức năng đưa ra làm bằng chứng cũng không đúng với giấy báo điểm thi khi các em nhận được để nhập học.

“Em thi khối C vào ĐH Luật được 17,5 điểm, trong khi đó nguyện vọng 2 vào Trường ĐH LĐ-XH chỉ lấy 17 điểm, sao em phải sửa thành đối tượng dân tộc miền núi để được cộng thêm điểm vào làm gì. Mà nếu có sửa thành đối tượng dân tộc, thì em đã đủ điểm đỗ nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Luật Hà Nội rồi, vì trường đó chỉ lấy 19 điểm”, Tùng giải thích.

Mặc dù đã giải thích cặn kẽ như vậy, nhưng ngày 1/12/2010, Bích, Tùng và hai sinh viên khác được gọi ra… khu nhà nghỉ giáo viên để nhận quyết định buộc thôi học?!. “Dù nhận quyết định buộc thôi học với lời an ủi không phải lo lắng vì đây chỉ là động tác của các thầy, còn các em vẫn cứ học, sau này nhận bằng bình thường, nhưng em và các bạn ấy đều lo lắng vô cùng”, Tùng cho biết.

Và sự thật là từ ngày có quyết định buộc thôi học đến nay, sau hơn 9 tháng các em vẫn được học bình thường, vẫn đóng học phí, vẫn lên lớp, vẫn tham gia sinh hoạt, vẫn được thi cử các môn như bao sinh viên khác…

Theo ông Nguyễn Tiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH LĐ-XH cho biết: “Quyết định 1013/QĐ–ĐHLĐXH đã căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh của Phòng PA83 – Công an thành phố Hà Nội”. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu cung cấp biên bản xác minh của Phòng PA83 – Công an TP Hà Nội thì ông Tiệp trả lời, vì đã lâu nên không nhớ để ở đâu”.

Cũng cần nói thêm rằng, Quyết định 1013/QĐ – ĐHLĐXH cũng đã được gửi lên Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH để báo cáo. Không biết, trên bộ này có biết rằng, 4 em này vẫn đang học “sờ sờ” ở trường hay không? Nếu không biết, phải chăng đây là cú lừa “kép” của Trường ĐH LĐ-XH nhằm “hợp thức hóa” những việc làm khuất tất khác?

Một phụ huynh (xin được giấu tên) bức xúc: “Tôi không thể tin ở một trường đại học lớn như LĐ-XH lại có việc làm mờ ám, tắc trách đến như vậy. Nếu nhà trường có trách nhiệm, chỉ cần một động tác nhỏ là sang ngay trường mà các cháu đã dự thi hoặc lên Bộ GD&ĐT để lấy kết quả điểm thi là biết chính xác ngay. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra rõ ràng, để các cháu yên tâm học tập, cũng như trả lại danh dự cho các cháu nói riêng và gia đình nói chung”.

Trong diễn biến khác, buổi làm việc với phóng viên Báo Năng lượng Mới vừa qua, bà Hiệu phó Nguyễn Thị Thuận cho rằng, những sai phạm của trường mà phóng viên cung cấp hiện nhà trường cũng chỉ mới biết nên không đưa ra bình luận gì. Tuy nhiên, bà Thuận cho biết hiện Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã vào cuộc để làm rõ.
Một thông tin mới nhất chúng tôi nhận được: Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định 1181/QĐ-LĐTBXH về việc ông Nguyễn Tiệp (Hiệu trưởng ĐH LĐ-XH) thôi điều hành Trường ĐH LĐ-XH từ ngày 1/10/2011. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH sẽ kiêm nhiệm vị trí này trong thời gian tới.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến của sự việc.

Bạn đọc suy nghĩ gì về những "bí mật" động trời tại trường ĐH Lao động Xã hội. Ý kiến của bạn đọc xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.

Tin liên quan

» Tuyển sinh: ĐH tặng học bổng nhưng vẫn “trắng” hồ sơ
» ĐH Xây Dựng: 1.000 sinh viên ra trường chậm?
» Viện ĐH Mở nhờ công an điều tra vụ SV tố GV lạm thu
» Viện ĐH Mở nói gì về vụ sinh viên tố giảng viên lạm thu
» Sinh viên tố phó khoa lạm thu hàng trăm triệu đồng
» Thực hư chuyện sinh viên tố trường “lạm thu”

Theo Vũ Minh Tiến (Petrotimes)

Trung Quốc: Báo chí điều tra “mất lửa”

Báo chí điều tra “mất lửa” - Tuổi Trẻ Online:
Thứ Năm, 29/09/2011, 07:39 (GMT+7)

Báo chí điều tra “mất lửa”

TT - Đối mặt với sự đe dọa mà mình là nạn nhân, nhiều phóng viên điều tra đã và đang có ý định bỏ nghề. Đó là kết luận trong báo cáo “Môi trường hành nghề của phóng viên điều tra ở Trung Quốc”.

Trương Hiểu Ba, một trong hai nghi phạm giết phóng viên Lý Tường của Đài truyền hình Lạc Dương, bị bắt ngày 21-9 - Ảnh: China Daily

Báo cáo do giáo sư Trương Trị An thuộc Trường Báo chí của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) và tiến sĩ Thẩm Phi thuộc Đại học Hong Kong cùng thực hiện. Thời Báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của Nhân Dân Nhật Báo, đã đăng tải báo cáo này, gây nên sự chú ý lớn trong dư luận Trung Quốc. Báo cáo cho biết trong tương lai gần, phần lớn phóng viên điều tra của các tờ báo lớn ở Trung Quốc có khuynh hướng sẽ bỏ nghề do “kiệt sức vì những đe dọa”.

Đe dọa tính mạng

Giáo sư Trương và tiến sĩ Thẩm đã phỏng vấn 343 phóng viên điều tra (chiếm hơn 95% số phóng viên điều tra của Trung Quốc) thuộc 80 cơ quan truyền thông khác nhau ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và các thành phố lớn khác của Trung Quốc. Trong đó có những tờ báo lớn như Tuần báo Phương Nam, Đô Thị Phương Nam, Nhật báo Đại Hà, Tin Tức Bắc Kinh. Theo nghiên cứu của giáo sư Trương, chỉ 15% có thâm niên làm việc từ 11-15 năm, hơn 50% làm việc từ 6-10 năm, đại bộ phận (84%) là nam. Họ đang phải làm việc trong môi trường đầy áp lực và nguy hiểm.

Những mối đe dọa đến tính mạng và sự an nguy của gia đình khiến cánh phóng viên điều tra ở Trung Quốc phải xem xét lại nghề nghiệp của mình. Trong thời gian gần đây, một số phóng viên điều tra ở Trung Quốc đã thiệt mạng. Dư luận Trung Quốc vẫn bàng hoàng khi biết tin Lý Tường, phóng viên đài truyền hình Lạc Dương (Hà Nam), bị đâm 10 nhát dao và thiệt mạng khi đang trên đường về nhà ngày 19-9. Anh bị giết sau khi đưa tin về đường dây chế biến kinh doanh dầu ăn bẩn ở Trung Quốc.

“Một số chính quyền địa phương và các tập đoàn có lợi ích đặc biệt đã khiến các phóng viên điều tra phải sống khổ sở. Các tổ chức này ngày càng trở nên ma mãnh hơn trong việc cản trở các phóng viên điều tra tác nghiệp” - trưởng ban phóng sự báo Thế Kỷ 21 (Quảng Châu) Tác Chí Kiên cay đắng kết luận. Ông Tác cho rằng không chỉ phóng viên ở những tờ báo quy mô nhỏ mà ngay cả phóng viên điều tra của hãng thông tấn lớn như Tân Hoa xã hay Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng từng phải đối mặt với những nguy hiểm khôn lường khi đến các địa phương làm điều tra.

Bỏ hay cố bám trụ?

Theo kết quả khảo sát của giáo sư Trương và tiến sĩ Thẩm, chỉ 13% phóng viên điều tra cho biết họ sẽ tiếp tục theo nghề trong năm năm tới, còn 40% quyết định bỏ nghề.

Nguyên nhân, như giáo sư Trương cho biết, do họ phải “đối mặt với nguy hiểm rất lớn về tính mạng của mình và các thành viên trong gia đình cũng có thể bị vạ lây. Ngoài ra, thu nhập quá thấp cũng làm họ khó có thể nuôi sống nổi gia đình”. Báo Đô Thị Phương Nam cho biết khoảng 67% phóng viên điều tra ở Trung Quốc có thu nhập từ 5.000-10.000 nhân dân tệ (770-1.550 USD), trong khi 17% có thu nhập trên 10.000 nhân dân tệ và 16% còn lại thu nhập chỉ dưới 5.000 nhân dân tệ/tháng.

Ngày 27-9, tại Hội nghị thượng đỉnh truyền thông thế giới ở Bắc Kinh, lãnh đạo các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh quan tâm hơn đến vấn đề an toàn cho phóng viên.

“Tôi luôn lo lắng khi cử phóng viên đến những nơi nguy hiểm, bởi họ có thể bị đe dọa tính mạng khi tác nghiệp”- chủ tịch Tân Hoa xã Lý Tùng Quân phát biểu. Các chuyên gia cho rằng ngành truyền thông cần huấn luyện phóng viên về kỹ năng tự bảo vệ.

Kết luận báo cáo khảo sát của mình, giáo sư Trương viết: “Báo chí điều tra có tác động và tầm quan trọng rất lớn đối với công luận. Trung Quốc cần có một thế hệ những nhà báo điều tra mới yêu nghề và có tay nghề”.

MỸ LOAN