Khi nói đến Tháp Rùa, thường ai cũng lơ mơ biết đến chuyện xưa, có một người nào đó định xây mộ cho cha mẹ mình, mới đứng ra xây Tháp Rùa, nhưng không được, thành ra hình bóng của Tháp Rùa chỉ là một câu chuyện dở dang.
Nhưng thực ra, cố nhân Nguyễn Hữu Kim (1832 – 1901), với chức danh Bá Hộ xưa cũng chỉ tương đương với trưởng phường hiện nay; đã nổi tiếng vì dám đứng ra tổ chức chôn cất cho cụ Hoàng Diệu, quan Tổng đốc tuẫn tiết vì thất bại, trong thời kỳ kháng Pháp đầu tiên (1882). Lúc đó, một số quan lại cao cấp kế cận Hoàng Diệu, đều bỏ trốn hoặc đầu hàng, làm tay sai cho Pháp. Không ai dám đứng ra mai táng cho cụ Hoàng Diệu. Trong khi đó ông Kim đã cùng dân góp tiền mua áo quan, làm lễ đưa mộ cụ Hoàng Diệu về gần miếu Trung Liệt, rồi sau di ra dinh quan Đốc học. Việc làm này chứng tỏ ông Kim, một thương nhân giầu có, đã thể hiện lòng dũng cảm và thương xót một người anh hùng đã hy sinh anh dũng vì đất nước.
Mặc dù có thời, ông Kim còn được phong là Tri phủ Thường Tín, rồi thương biện phủ Hoài Đức, nhưng lại bị Pháp nghi kỵ, cách chức và quản thúc, chỉ vì có cô con gái lại tham gia phong trào chống Pháp. Người con gái của ông tên là Khuê, sau này trở thành nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Bóng nước Hồ Gươm” của Chu Thiên, một cuốn sách mô tả phong trào chống giặc Pháp xâm lược hết sức quyết liệt của người Hà Nội. Thêm nữa, cháu nội của ông là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Vũ (1908 – 1932), từng là Bí thư Thành uỷ chính thức đầu tiên của đảng bộ Hà Nội ( đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó) và đã hy sinh trong Hoả Lò, năm 1932.
Có lần bác sĩ Nguyễn Thìn, một bác sĩ đầu ngành sản khoa viện C Hà Nội, cháu năm đời của ông Kim đã cho xem gia phả, càng thấy rõ 5 người con trai và 3 con gái của ông Kim đều được giáo dục và trưởng thành, trong một gia đình có nền nếp, luôn hướng tới làm những việc thiện, vì dân vì nước. Vậy nên việc xây Tháp Rùa của ông Kim, khi ấy với ý nghĩa “hậu chẩm” cho chùa Báo Ân xưa, ở vị trí nhà Bưu điện trung tâm ngày nay, cũng có cái lý nhất định. Nhưng dù sao, ông cũng là người đã xây nên ngôi tháp này trên đảo rùa, với bốn tầng, mang dấu ấn như một sự hoà trộn giữa hai màu sắc kiến trúc, phương Tây và Á đông, cũng là một sự lạ vào thời đoạn 1884-1887. Tên ông luôn được gắn với những câu chuyện về Tháp
Rùa và được mọi người nhớ đến, như thành tựu của một doanh nghiệp, đối với Hà Nội cũng bởi lẽ đó.
Dấu tích còn lại về ông hiện còn được lưu giữ tại số nhà 29 phố Hai Bà Trưng, là dinh cơ cũ và là nhà thờ đại tôn của họ Nguyễn, theo gia phả năm đời thuộc gia đình ông.
Tuy vậy, có thể nói ngày đó Tháp Rùa quả là một công trình có ý nghĩa công đức cho cộng đồng và trở thành một cái tên sớm được nhắc đến cho bất cứ ai lần đầu tiên đến Hà Nội. Xưa các tao nhân mặc khách đã hoạ thơ:
“Hồ Gươm soi bóng Tháp Rùa
Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn
Đài nghiên, Tháp Bút chưa mòn…”
Lẽ dĩ nhiên từ đó Tháp Rùa gắn bó với đền Ngọc Sơn tạo nên cảnh quan hài hoà, và trở thành điểm nhấn cho Hồ Gươm.
Nghe nói, trước đây có một con đường nhỏ đi bộ từ bờ hồ ra đảo Rùa được, vì xưa nơi này từng là nơi câu cá giải trí của vua quan triều Lê. Có người tò mò rằng, ai là người thiết kế một kiểu kiến trúc “tân cổ giao duyên” như vậy, bản vẽ gốc giờ ở đâu, hay chỉ là ông Kim tự nghĩ ra rồi thuê thợ làm theo ý mình. Bởi lẽ hai tầng dưới làm theo kiểu Tây, còn hai tầng trên lại theo phong vị của đền chùa cổ Việt. Chả thế thời đó, ngay trên một số báo Pháp còn gọi Tháp Rùa là ngôi đền nhỏ, hay chỉ là chùa được xây trên nền một ngôi đền nhỏ trước đó. Bởi nó chỉ cao 8,8m, với diện tích khoảng 28,51m2, chiếm tỉ lệ khiêm tốn trên gần một sào diện tích đảo Rùa. Chính vì lẽ đó, với độ cao chỉ vừa đủ làm một bệ tượng mà có chuyện một kỹ sư người Pháp là Daurelle quyết định Tháp Rùa phải đội bức tượng Thần tự do Mỹ?.
Đó là chuyện có thật. Nhưng nói chính xác chỉ là một phiên bản nhỏ, mẫu của tượng thần tự do, trước khi người Pháp xây tặng cho nước Mỹ. Đây là phiên bản thứ hai, tượng Thần tự do bằng đồng, cao 2,85 m được Pháp đem sang Việt Nam trưng bày trong một cuộc triển lãm, tại Hội chợ Đấu Xảo, (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô), năm 1887. Sau đó tượng được tặng lại cho Hà Nội và được đặt ở vườn hoa Chí Linh. Nhưng đến năm 1890, Chính phủ Bảo hộ muốn lấy chỗ đó đặt tượng Pôn Be, Thống sứ đầu tiên bị chết tại Hà Nội, trước đó mấy năm, nên tượng Thần tự do được dinh ra đặt trên nóc Tháp Rùa, mặt quay về phía vườn hoa Chí Linh. Theo một tài liệu, qua báo chí thời đó, thì Tháp Rùa phải đội tượng Thần tự do này trong 6 năm, từ 1891 đến 1896.
Rồi không hiểu vì lý do gì mà tượng Thần tự do được chuyển về đặt ở vườn hoa Cửa Nam. Đến trước thời kỳ Cách mạng tháng 8 nổ ra pho tượng này đã bị giật đổ cùng với một số tượng khác ở Hà Nội, theo lệnh ký ngày 31-7-1945 của Thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai lúc đó. Nhưng thật khó ngờ vì một biểu tượng nổi tiếng của nước Mỹ, một công trình nghệ thuật tuyệt đẹp lại có một phiên bản duy nhất được trưng bày ở nước ta trong một thời gian dài chừng hơn nửa thế kỷ. Đến nay số phận bức tượng đồng Thần tự do đó ra sao cũng không còn dấu tích nữa.
Từ lâu hình ảnh Hồ Gươm và Tháp Rùa được soi bóng trong văn, thơ, hoạ nhạc, như một biểu tượng lung linh cho Hà Nội. Tháp Rùa sống với tâm trí cộng đồng, gắn bó về tình cảm, như một sự chia sẻ hay bầy tỏ thân thiết với những người con thủ đô. Thật khó ai có thể quên hình ảnh Tháp Rùa trong tranh Phố của cố danh hoạ Bùi Xuân phái, với tà áo dài bên Hồ Gươm, xa xa nghiêng bóng Tháp Rùa, trong nắng sớm. Và, ai cũng có thể nhớ đến bản tráng ca “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, hoặc “Nhớ Về Hà Nội” của Hoàng Hiệp, cũng như “Gửi người em gái miền Nam” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh… Tất cả đều gắn bó với hình ảnh Tháp Rùa, với những câu ca giầu cảm xúc như: “Chạnh lòng tôi nhớ tới người em. Em tháp Rùa yêu dấu…” hay “Hà Nôi đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng. Bóng Tháp Rùa thân mật ấm lòng…” và “Ôi! Nhớ Hồ Gươm xanh thắm. Nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng…”
Chuyện quanh tháp Rùa ngỡ như chỉ gắn liền với huyền thoại hay những lời bàn mang yêu tố tâm linh làm tăng màu sắc của rêu phong một thuở. Nhưng ít ai ngờ, trong sử sách về cách mạng của thủ đô ngàn năm văn hiến, còn ghi lại câu chuyện xảy ra vào đúng ngày sinh nhật Bác Hồ ngày nào. Có thể coi đây là một câu chuyện mới nhất, về lá cờ của một chiến sĩ đã bí mật treo trên đỉnh Tháp Rùa, ngay trong lòng địch, đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ, 19-5-1948. Chuyện xảy ra hơn 60 năm, nhưng người thanh niên quả cảm, một chiến sĩ công an đã hy sinh anh dũng đến nay mới được xác nhận là liệt sĩ, quả là một thiệt thòi không nhỏ.
…Sáng hôm đó, chiến sĩ Nguyễn Trọng Quang, mới 18 tuổi đã cùng đồng đội bơi ra Tháp Rùa để treo là cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cao nhất. Sự kiện này làm chấn động đời sống người dân Hà Nội. Từ ngày giặc Pháp chiếm Hà Nội, đây là sự kiện đầu tiên, lá cờ cách mạng tung bay làm náo nức lòng người, như một bằng chứng hùng hồn về sự hiện diện của cách mạng ở ngay giữa lòng địch, thể hiện tinh thần quật khởi của người dân thủ đô, làm kẻ địch hoảng loạn.
Sau đó ít ngày chiến sĩ Quang bị địch bắt giam tại Hoả Lò. Tại đây, anh đã vẽ lá cờ đỏ sao vàng và viết khẩu hiệu “Hồ Chủ Tịch muôn năm” lên tường. Ông Đông, người bị bắt cùng với anh Quang kể thêm, ngay hôm sau bọn giặc bắt tất cả đi tra tấn và tìm cho ra người vẽ. Lúc đó, anh Quang đã khảng khái đứng ra nhận và bị chúng đưa đi biệt giam với tội danh đặc biệt nguy hiểm. Đến ngày 12-6 năm đó, chiến sĩ Nguyễn Trọng Quang đã bị chúng bắn chết…
Chiến công của liệt sĩ Nguyễn Trọng Quang đã được xác nhận, nhưng thật khó khăn, khi đồng đội không biết địa chỉ gia đình ở đâu để làm thủ tục công nhận liệt sĩ. Sau này, với sự giúp đỡ của phóng viên báo Công An Nhân Dân cúng các đồng đội cũ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Quang đã tìm được thân nhân của gia đình ông ở 12 Bát Đàn, Hà Nội.
Vậy là, sáng 10-4-2009, sau 61 năm, bằng Tổ quốc ghi công mới được trao cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Trọng Quang. Có thể nói đây là câu chuyện duy nhất có ý nghĩa, gắn với Tháp Rùa trong câu chuyện trăm năm, soi bóng trên truyền thuyết lịch sử hoàn kiếm của vua Lê.
Trở lại với hiện thực khi hơn trăm năm trôi qua, giờ đây Tháp Rùa đã trở thành một biểu tượng trong lòng người với nhiều cảm xúc thân thương. Nhưng thật ra gọi Tháp Rùa là di tích loại gì cũng khó xác định, cả về hai khía cạnh lịch sử và văn hoá, mặc dù nó đã là một địa chỉ trong khuôn viên du lịch thủ đô. Nhìn tổng thể, tháp lại là một công trình kiến trúc xấu, lai tạp, vậy thiết nghĩ, có thể cải tạo, nâng cấp cho đẹp hơn, giống như nhiều di tích đã từng làm.
Vả lại trên thực tế, Tháp Rùa cũng đã từng vài ba lần, dỡ nóc để đặt tượng, trong 6 năm trời, hoặc tróc vỏ, trát vữa, quét vôi đến trơ trụi như hiện nay. Hơn nữa cái chuyện những người thợ xây đã bí mật ném hài cốt của song thân ông Bá Kim ngày xưa cũng chỉ là truyền miệng, không thể kiểm chứng. Biết đâu mọi chuyện ngược lại. Vậy việc thiết kế, làm lại móng, nâng cấp cho Tháp Rùa xứng đáng là một kiến trúc có giá trị văn hoá và bền vững, của thủ đô thiết nghĩ cũng là chuyện cần thiết.
(Theo Pháp luật Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét