Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương: Cuốn sách góp phần làm sáng tỏ cội nguồn dân tộc

thanhtra.com.vn
Cập nhật lúc: 06:53 20/02/2013



(Thanh tra)- Cuốn sách “Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương” do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh làm chủ biên là tư liệu được sưu tầm, sao chép, tổng hợp, biên soạn lại từ các truyền thuyết, những bài văn bia, thần phả, thần tích, các công trình nghiên cứu, tham luận của nhiều học giả từ cổ chí kim… nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin đã, đang và còn hiện hữu về thời kì sơ khai đất Việt.

Từ đó, nhằm tiếp tục xác định khái niệm, rằng cội nguồn của đất Việt đã tồn tại ba thế hệ quân vương kế tiếp nhau lập quốc: Kinh Dương Vương (cha), Lạc Long Quân (con) và Hùng Vương (cháu).

Huyền thoại và hiện hữu


Lăng mộ, đền thờ Kinh Dương Vương, nhân vật huyền thoại được coi là “Nam Bang Thủy Tổ” (Thủy Tổ nước Nam) vẫn tồn tại, lưu giữ, tôn tạo tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Phần mộ của Thủy Tổ và ngôi đền thờ được xây trên vùng đất cao bên bờ sông Đuống. Lăng nhìn ra sông, có nhiều bậc tam cấp xuống tận mép nước. Đền xây trong làng, cổng Tam môn có đôi rồng đá chầu vào và những trụ đèn lồng 2 bên cánh phong đắp nổi hình võ sĩ giáp trụ oai nghiêm.

Từ ngoài nhìn vào, cổng Tam môn đắp nổi bốn chữ Hán “Thủy Tổ Đài Môn” (cửa đền thờ Đức Thủy Tổ). Từ trong nhìn ra, đắp nổi ba chữ “Ẩm Tư Nguyên” (uống nước nhớ nguồn). Ngay lối vào lăng có 1 tấm bia đá khắc nổi 2 chữ Hán “Hạ Mã” nhắc nhở mọi người xuống ngựa (xe) trước khi vào viếng.

Lăng mộ Kinh Dương Vương được ghép toàn bằng đá xanh. Trên lăng khắc nổi 2 chữ Hán cổ “Bất Vong” (trường tồn, không bao giờ mất). Tấm  bia đá trong lăng khắc sâu bốn chữ Hán lớn “Kinh Dương Vương lăng” (lăng Kinh Dương Vương). Phần lạc khoản cho thấy, tấm bia được khắc dựng trong lần trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 21 (năm 1840).
 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh trống khai hội Kinh Dương Vương Xuân Nhâm Thìn (2012)
 
Trong đền thờ Thủy Tổ, ở gian tiền tế có 2 bức đại tự: “Nam Bang Thủy Tổ” (Thủy Tổ nước Nam) và “Thần Tiên Thiên Tử” (con của Thần, Tiên và Trời). Trong gian chính điện, ở vị trí trang trọng nhất đặt ngai, bài vị thờ Kinh Dương Vương với bức đại tự: “Nam Bang Thủy Tổ”. Bên phải là ngai, bài vị thờ cha Lạc Long Quân với bức đại tự: “Hải Khoát Sơn Tràng” (biển rộng núi dài). Bên trái là ngai, bài vị thờ mẹ Âu Cơ với bức đại tự: “Bách Việt Tổ”.

Sách “Đại Nam Nhất thống chí” chép rằng, năm 1840, thời Vua Minh Mạng, lăng được trùng tu. Các bậc cao niên trong làng Á Lữ cho biết, nhân dân địa phương còn lưu giữ được nhiều sắc phong của nhiều vương triều phong kiến khẳng định đây là lăng tẩm đế vương khai sinh nước Việt và hàng năm được thờ phụng theo nghi lễ quốc khánh.

Trong khuôn viên đền thờ Kinh Dương Vương còn có chùa Đông Linh Bát Nhã thờ Tam tòa Thánh Mẫu, gồm: Thiên Tiên Thánh Mẫu (tức Tiên Nương công chúa, con gái cụ Vụ Tiên, vợ cụ Đế Minh, thân mẫu Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương); Thượng Ngàn Thánh Mẫu (tức Nữ Thần Long, vợ cụ Kinh Dương Vương, thân mẫu Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân) và Thủy Tiên Thánh Mẫu (tức mẹ Âu Cơ)…
 
 
Tưởng nhớ Tổ tiên, từ hàng nghìn năm nay, cứ vào ngày 18 tháng Giêng Âm lịch, nhân dân từ khắp mọi miền đất nước nô nức về dự lễ hội, thắp hương tưởng nhớ Thủy Tổ Kinh Dương Vương, Thế Tổ Lạc Long Quân, Tam Vị Thánh Tổ và dự hội phục euộc (hội tắm gội) tại ấp Phúc Thần, làng Á Lữ, vùng Luy Lâu, Kinh Bắc (nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Hội này vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay.

Trăn trở của tác giả

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh, tác giả của hàng chục đầu sách nghiên cứu về văn hóa, con người vùng Kinh Bắc, trong đó có cuốn “Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương” nguyên là cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Bắc (cũ). Ông là người Bắc Ninh.

Trong quá trình công tác, ông có nhiều trăn trở về các di tích lịch sử còn sót lại và hiện đang được lưu giữ tại khu lăng và đền thờ Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ. Trước khi viết các bài báo, rồi in thành sách, ông đã trao đổi với rất nhiều người có chuyên môn, có trách nhiệm mong nhận được sự chia sẻ. Đơn cử: Gọi Vua Hùng là Quốc Tổ thì không biết xếp Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân vào thứ bậc nào. Bởi, từ thủa ấu thơ, thầy cô đã dạy cho chúng ta về lịch sử Việt Nam rằng Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, rồi Lạc Long Quân mới sinh ra Vua Hùng. Nếu ta gọi Kinh Dương Vương là Thủy Tổ, thì Lạc Long Quân sẽ là Thế Tổ, còn Hùng Vương chỉ là… Bác Tổ (vì là con trưởng trong đàn con nở ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ).

Bút tích Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong lần về dâng hương, viết lưu niệm tại khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương (2009).

Theo GS Sử học Phan Huy Lê, lịch sử của bất cứ một đất nước nào cũng bắt đầu từ huyền thoại và truyền thuyết. Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương… đều là những nhân vật huyền thoại. Việc tìm thấy các khu lăng mộ là chứng tích của những huyền thoại được các thế hệ về sau lịch sử hóa. Việc ghi nhớ các nhân vật huyền thoại này là sự tưởng nhớ nguồn gốc xa xưa của Tổ tiên.

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Trần Quốc Thịnh, cúng giỗ Vua Hùng (ở Phú Thọ) là chúng ta tri ân vị vua Tổ thứ ba của người Việt thời dựng nước, có công sáng lập nước Văn Lang truyền 18 đời vua. Cúng giỗ xong ở Phú Thọ, lẽ ra chúng ta phải tổ chức hành hương về làng Á Lữ để lễ Vương Thuỷ Tổ Kinh Dương, Vương Thế Tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ nhằm tri ân con người và mảnh đất đã sinh ra Hùng Vương; đồng thời cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của người.

Cuốn sách “Nam Bang Thủy Tổ Kinh Dương Vương” được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành lần đầu năm 2011, lần thứ 2 năm 2012 và năm 2013 sẽ in lần thứ 3. Đây là một trong những công trình nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh “rút ruột rút gan” để thực hiện, mặc dù hiện nay tác giả đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hi”. Công sức của ông đã được đền đáp khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà chuyên môn, quản lý… Cuốn sách là một gợi ý có giá trị nhằm đạt được sự đầy đủ hơn, thuyết phục hơn về việc lý giải cội nguồn dân tộc Việt.

Được biết, sắp tới, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ thực hiện chương trình hội thảo, trùng tu, tôn tạo khu di tích để tương xứng với vị trí của nó trong trái tim nhiều thế hệ con cháu Lạc Hồng. Cụm di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương tại Á Lữ cũng đang được gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị Chính phủ công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia hạng đặc biệt.

    Thế Lữ