Vĩnh biệt một huyền thoại Boney M

Thanh Nien Online
31/12/2010 22:09
Bìa đĩa đơn Rivers of Babylon của nhóm Boney M - Ảnh: Lizmitchellfanclub
Bobby Farrell (61 tuổi), nam ca sĩ duy nhất và là vũ công chính của nhóm nhạc disco Boney M huyền thoại, bất ngờ qua đời trong phòng khách sạn tại thành phố St.Petersburg (Nga) vào hôm 30.12.

Người quản lý John Seine nói với Reuters rằng Bobby vừa biểu diễn một chương trình ca nhạc vào tối 29.12, nhưng sáng hôm sau thì đột ngột qua đời. “Ông không được khỏe hôm 29.12 và có vấn đề về hô hấp nhưng vẫn ra sân khấu biểu diễn”, John Seine nhớ lại. Nguyên nhân cái chết đang được cảnh sát làm rõ, tuy nhiên bước đầu đã xác định Bobby Farrell không bị sát hại.

Sinh ngày 6.10.1949 tại Aruba, một đảo nhỏ thuộc vùng Caribe, năm 15 tuổi, Bobby Farrell quyết định làm thủy thủ trong 2 năm trước khi đến Na Uy, rồi chuyển sang Hà Lan làm đủ thứ nghề, trong đó có DJ (người chỉnh nhạc), sau đó rong ruổi qua Đức. Những năm cuối thập niên 1960, Bobby tình cờ quen Frank Farian, một nhà sản xuất băng đĩa nhạc. Từ ý tưởng của Farian, nhóm Boney M ra đời vào năm 1975 với Bobby Farrell là giọng nam chính hợp cùng 3 nữ ca sĩ Liz Mitchell (người Jamaica), Marcia Barrett và Maizie Williams (đến từ Montserrat, vùng biển Caribe).

Năm 1982, Reggie Tsiboe thay thế Bobby Farrell, nhóm tiếp tục phát hành album The Carnival is over, rồi Jambo và tiếp đến là Ten thousand lightyears (năm 1984). Nhưng tất cả các album này dường như không còn sức hút mạnh với người nghe như thời của Bobby Farrell. Năm 1986, sau 10 năm thành lập, nhóm Boney M tan rã. Dù vậy, những ca khúc của Boney M vẫn thịnh hành đến những năm 1990.

Chia tay nhóm, Bobby Farrell chuyển về sống tại Hà Lan cùng con trai và con gái. Ông và 2 ca sĩ Liz Mitchell, Maizie Williams đã phát hành vài album hát đơn. Đầu thập niên 2000, Bobby Farrell hồi sinh nhóm Boney M bằng tên mới: Bobby Farrell's Boney M, chỉ trình bày những ca khúc nổi tiếng cũ.

Boney M là nhóm nhạc đã pha trộn thành công phong cách disco và calypso với những ca khúc mà 30 năm sau, mỗi khi nghe lại con tim của những khán giả tuổi 20 ngày ấy chợt rung động với Daddy cool, Sunny, Ma Baker, Rivers of Babylon, Rasputin, Bahama Mama, Felicidad... bởi ký ức của một thời tuổi trẻ, của những ngày trái bóng tròn lăn trên sân cỏ Espana 82, của một thời khó khăn, thiếu thốn nhưng ngập tràn niềm vui, tình yêu với bóng đá.


Ca sĩ Bobby Farrell - Ảnh: PRAVDA

Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, gần như khắp phố phường Hà Nội và Sài Gòn đều vang lên tiếng hát của Boney M qua chiếc radio cassette cũ kỹ hay tại những vũ trường. Ai được dịp ra nước ngoài cũng tìm mua bằng được vài đĩa Boney M mang về làm quà. Nghe nhạc Boney M, cảm giác sức sống, nhiệt huyết luôn tràn đầy. Tuổi trẻ, mùa hè, ánh mặt trời luôn hiện hữu trong ca từ của Boney M như trong bài Hooray! Hooray! It’s a Holi-Holi day: "... Đôi ta lái xe về một vùng quê yên bình. Nơi những ngôi sao tỏa sáng nhất. Bỏ chiếc xe cũ của anh lại và chúng ta sẽ đi thật xa. Những cơn gió mùa hè khiến đôi ta cảm thấy dễ chịu...".

Một ca sĩ tài năng, người luôn thích những bộ quần áo sặc sỡ, tính khí lập dị nhưng tràn đầy tình yêu với âm nhạc, thổi vào tim khán giả thứ năng lượng không giới hạn của cảm xúc đã vĩnh viễn ra đi. Khán giả sẽ mãi nhớ đến Bobby Farrell, đến Boney M với những giai điệu disco bốc lửa.

Những Album nổi tiếng

Các album làm nên tên tuổi của Boney M gồm: Take me heat off me (1976), Love for sale (1977), Rivers of Babylon/Brown girl in the ring Nightflight to Venus (1978), The magic of Boney M - 20 Golden Hits (1980), Boonoonoonoos và Christmas Album (1981)...

Năm 1978, Boney M sang Liên Xô (cũ) biểu diễn cùng Elton John. Thời điểm này rộ lên tin đồn về việc ông bầu Frank Farian tự hát gần như tất cả các ca khúc của Boney M trong phòng thu, rất hiếm khi Bobby Farrell được hát thực thụ nhưng rồi khán giả gần như chẳng mấy quan tâm đến scandal này.

Boney M hai lần đến Việt Nam

Nhóm Boney M từng đến TP.HCM biểu diễn hai đêm 4 và 5.1.1995 tại CLB Phan Đình Phùng. Hơn 5.000 khán giả được thưởng thức những ca khúc của Boney M dù chỉ còn duy nhất một thành viên cũ là ca sĩ Liz Mitchell. 3 giọng ca còn lại là Carol Grey, Patricia Foster và Toni Achroff. Lần thứ 2 Boney M trình diễn tại TP.HCM là ngày 28.1.1999 tại khách sạn New World và sân vận động Thống Nhất chiều ngày 29.1.1999.

Trong cả 2 lần biểu diễn ấy, dù thiếu vắng trụ cột Bobby Farrell nhưng Boney M vẫn giữ được hình ảnh trong lòng người hâm mộ: thân thiện, gần gũi và hết lòng vì âm nhạc.

Đỗ Tuấn

Thêm nhiều quy định có lợi cho dân

Tiền Phong Online:
08:19 | 01/01/2011

Từ hôm nay: Thêm nhiều quy định có lợi cho dân

TP - Xài điện thoại cố định sẽ rẻ hơn do quy định về thả nổi cước điện thoại có hiệu lực; người bệnh được quyền cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án; mua ô tô con nhập khẩu từ các nước Asean sẽ rẻ hơn;... Những quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân này đều được thực thi từ hôm nay 1-1-2011.

Từ 1-1-2011, vàng trang sức xuất khẩu chịu thuế 10%
Từ 1-1-2011, vàng trang sức xuất khẩu chịu thuế 10% . Ảnh: Hồng Vĩnh

1. Người bệnh có quyền được cung cấp thông tin tóm tắt hồ sơ bệnh án, khi người bệnh cần có văn bản đề nghị. Đây là một trong những nội dung mới, được quy định trong Luật Khám chữa bệnh, có hiệu lực từ 1-1-2011.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc cung cấp dịch vụ y tế...

Bên cạnh đó, luật cũng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề cho tất cả người hành nghề và giấy phép hoạt động cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không phân biệt giữa khu vực công và khu vực tư. Trước đây, chứng chỉ hành nghề chỉ được cấp cho những người hành nghề y tư nhân, cơ sở y tế tư nhân. Quy định này nhằm chuẩn hóa chất lượng thực hành y khoa.

Từ nay, bệnh nhân được quyền yêu cầu bác sỹ cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án
Từ nay, bệnh nhân được quyền yêu cầu bác sỹ cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án . Ảnh: Hồng Vĩnh

2. Thêm 7 mặt hàng phải có tem CR khi lưu thông trên thị trường

Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, từ 1-1-2011, bảy loại thiết bị điện và điện tử gồm bàn ủi, lò vi sóng, lò nướng điện, dây và cáp điện, máy sấy khô tay, bình pha trà và cà phê, ấm điện loại dùng que đun chìm trong nước phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và dán tem hợp quy (CR) khi đưa ra thị trường.

Trước đó, từ 1-6 (rồi gia hạn đến 15-9), các loại thiết bị điện, điện tử là dụng cụ điện đun nước nóng tức thời; dụng cụ điện đun và chứa nước nóng; máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc khác; ấm đun nước; nồi cơm điện và quạt điện cũng đã đáp ứng những điều kiện tương tự mới được lưu thông trên thị trường.

3. Giảm thuế nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ

Từ 1-1-2011, thuế nhập khẩu ô tô có xuất xứ từ ASEAN giảm thêm 13%, theo cam kết Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).

Thuế suất thuế nhập khẩu các dòng ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam giảm từ mức 83% hiện nay xuống còn 70%.

4. Xe ô tô có thời hạn sử dụng trên 25 năm làm sắt vụn

Theo Nghị định 95 của Chính phủ, có hiệu lực từ 1-1-2011, các loại ô tô chở hàng có thời gian sử dụng trên 25 năm, ô tô chở người nguyên bản có thời gian sử dụng trên 20 năm và ô tô chở người chuyển đổi công năng trước ngày 1-1-2002 (hoặc có thời gian sử dụng trên 17 năm) sẽ phải ngừng hoạt động trên đường bộ.

5. Sử dụng giấy phép lái xe mới

Thông tư số 35 của Bộ Giao thông vận tải, mẫu giấy phép lái xe mới sẽ được sử dụng hai ngôn ngữ là Việt và Anh. Ảnh của người được cấp sẽ in trực tiếp lên giấy phép thay vì dán như hiện nay.

Giấy phép lái xe được làm bằng vật liệu chịu được nước và nhiệt độ cao, có ký hiệu bảo mật để chống làm giả. Các mẫu giấy phép lái xe cũ vẫn có giá trị sử dụng.

6.Túi ni lông chịu thuế môi trường cùng bảy mặt hàng khác

Theo Luật Thuế Môi trường, có hiệu lực từ 1-1-2011, tám loại hàng hóa phải chịu thuế môi trường. Đó là, nhóm hàng xăng dầu (xăng, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn chịu mức thuế môi trường từ 1.000đ - 4.000đ/lít), than đá (10.000đ - 50.000đ/tấn), dung dịch HCFC (1.000đ - 5.000đ/kg), túi ni lông (30.000đ - 50.000đ/kg), thuốc trừ sâu (500đ - 2.000đ/kg), thuốc bảo quản lâm sản (1.000 - 3000đ/kg), thuốc khử trùng (1.000 - 3.000đ/kg), các loại thuốc trừ mối hạn chế sử dụng (1.000 - 3.000đ/kg).

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi áp dụng luật thuế này, số thu thuế môi trường dự kiến đạt ít nhất 14.300 tỷ đồng (tính theo mức thuế tối thiểu- trong khi năm 2009 chỉ thu được 10.224 tỷ đồng) hoặc cao nhất tới gần 57.000 tỷ đồng (nếu tính theo thuế tối đa).

Hiện nhu cầu kinh phí cho các đề án cải tạo môi trường và xử lý ô nhiễm tại các làng nghề, khu công nghiệp lên tới 17.678 tỷ đồng mỗi năm.

7. Mức lương tối thiểu cao nhất là 1,55 triệu đồng/tháng

Theo Nghị định 107 và Nghị định 108 của Chính phủ, quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam, từ ngày 1-1-2011 sẽ tăng mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Mức lương tối thiểu vùng sắp tới sẽ cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 100.000 - 370.000 đồng/tháng. Mức cao nhất thuộc về vùng 1, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 1,55 triệu đồng/tháng, mức lương tối thiểu thấp nhất là vùng 4, doanh nghiệp trong nước với 830.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng sắp tới sẽ cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 100.000 - 370.000 đồng/tháng.

8. Thuế suất xuất khẩu vàng tăng lên 10%

Từ 1-1, vàng trang sức xuất khẩu chịu thuế 10%
Từ 1-1, vàng trang sức xuất khẩu chịu thuế 10% . Ảnh: Hồng Vĩnh

Từ 1-1-2011, các loại vàng nguyên liệu, vàng trang sức có hàm lượng cao sẽ chịu thuế xuất khẩu 10% theo quy định do Bộ Tài chính vừa ban hành, thay cho mức 0% cũ.

Theo thông tư 184 do Bộ Tài chính ban hành, các loại vàng nguyên liệu thuộc nhóm 8718 sẽ áp dụng thuế suất 10%. Các loại vàng trang sức khác có hàm lượng cao; vàng miếng vàng thỏi, vàng bột có hàm lượng dưới 99,99% cũng chịu thuế suất 10% so với mức 0% hiện hành.

Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế đối với vàng trang sức sẽ hạn chế được hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế để “lách” quy định xin giấy phép xuất khẩu vàng trang sức.

9. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động tiền đồng

Từ 1-1-2011, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng quốc gia theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Do đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải bình đẳng như các ngân hàng thương mại trong nước trong việc áp dụng các giới hạn về cấp tín dụng và bảo lãnh.

Thêm vào đó, các ngân hàng nước ngoài sẽ được nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ các cá nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng, không còn bị hạn chế theo tỷ lệ trên mức vốn được cấp của chi nhánh.

10. Nộp thuế qua Internet, Mobile, ATM

Theo Thông tư 180 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, từ ngày 1-1-2011, người nộp thuế có thể lựa chọn các hình thức nộp thuế điện tử như giao dịch trực tiếp với ngân hàng nơi mở tài khoản thông qua các kênh giao dịch điện tử (Internet, Mobile, ATM) hoặc thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Về thủ tục đăng ký, người nộp thuế lập tờ khai đăng ký thuế điện tử (gồm tờ khai đăng ký thuế lần đầu, đăng ký bổ sung, đăng ký thay đổi) trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế hoặc lập bằng các phần mềm, công cụ đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế.

Sau khi hoàn thành việc lập tờ khai đăng ký thuế điện tử, người nộp thuế gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan thuế thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo xác nhận đến người nộp thuế.

11.TPHCM: Hành nghề xe ôm được đeo thẻ

Theo quyết định số 71 của UBND TPHCM, từ ngày 1-1-2011, tài xế xe ôm hoạt động trên địa bàn TPHCM bắt buộc phải đeo thẻ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Theo đó, người hành nghề xe ôm phải đến UBND phường, xã nơi mình cư trú (hoặc đang làm việc) để nhận phiếu đăng ký rồi điền đầy đủ thông tin. Tiếp đó, phường sẽ xác nhận rồi gửi lên Sở Giao thông vận tải để tiến hành in thẻ.

Mọi chi phí in thẻ được trích từ kinh phí của Ban An toàn giao thông TPHCM nên người lái xe không phải trả chi phí làm thẻ. Thẻ có giá trị trong vòng 5 năm kể từ ngày cấp.

12. Thả nổi giá cước cố định nội hạt

Từ 1-1-2011, giá cước điện thoại cố định nội hạt sẽ được “thả” theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp tự căn cứ vào hoạt động kinh doanh của mình để ban hành bảng cước. Riêng VNPT, đơn vị nắm khoảng 70% thị phần điện thoại cố định, sẽ phải báo cáo phương án giá trước mỗi lần điều chỉnh cước.

Cũng tại thời điểm này, mức cước dịch vụ điện thoại cố định nội hạt tại các điểm giao dịch công cộng, dịch vụ dành cho các khách hàng lớn, đại lý... sẽ do các doanh nghiệp tự quy định nhưng không vượt quá 50% so với gói cước cơ bản.

Với quy định trên, giới doanh nghiệp viễn thông dự báo sẽ có cuộc cạnh tranh giảm giá cước mới.

Từ 1-1-2011, nhiều luật mới được Quốc hội ban hành có hiệu lực pháp luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật Trọng tài thương mại; Luật Nuôi con nuôi; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Bưu chính; Luật Người khuyết tật; Luật An toàn thực phẩm.

Nhóm PV

Thái Lan gia tăng quân đội tại biên giới với Campuchia

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 5:50 PM, 01/01/2011

Phía Thái Lan giải thích, việc triển khai thêm quân là nhằm ngăn chặn những người "áo vàng" phản đối việc Campuchia bắt giữ 7 công dân Thái Lan.

Báo chí Campuchia ngày 01/01 cho biết, quân đội Thái Lan đã tăng quân tại khu vực biên giới ở huyện Svay Chek thuộc tỉnh Sa Keo, đối diện với huyện O' Chrou thuộc tỉnh Bantey Meanchey, nơi 7 công dân Thái Lan, trong đó có một nghị sĩ, vừa bị bắt giữ vì tội xâm phạm trái phép lãnh thổ Campuchia.

Cảnh sát trưởng tỉnh Bantey Meanchey, ông Hun Hean xác nhận có việc gia tăng quân đội Thái Lan, đồng thời cho biết vài chục người "áo vàng" thuộc Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) ở Thái Lan đã có mặt tại khu vực này.

Trong khi đó, Tướng Srey Dek, Sư trưởng Sư đoàn 3 Quân đội Campuchia đóng tại khu vực đền Preah Vihear, cho biết tình hình tại khu vực biên giới nói trên vẫn bình thường và ông không thấy có sự di chuyển quân bất thường nào bên phía Thái Lan.

Phía Thái Lan giải thích rằng việc triển khai thêm quân là nhằm ngăn chặn những người "áo vàng" kéo tới khu vực này để phản đối việc Campuchia bắt giữ 7 công dân Thái Lan, chứ không nhằm gây căng thẳng trên khu vực biên giới chung.

Trong khi đó, cũng trong sáng nay, hàng trăm thành viên thuộc phe “áo vàng” thuộc Liên minh nhân dân vì dân chủ đã tổ chức biểu tình trước Tòa nhà Chính phủ ở thủ đô BangKok, đòi chính phủ can thiệp buộc Campuchia thả ngay những người Thái đang bị Campuchia bắt giữ.

Ngoài một nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền, 6 người khác bị bắt giữ sáng 29/12 gồm thủ lĩnh Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) Veera Somkwamkid và 5 thành viên khác của phong trào này./.


Đánh bom trước nhà thờ làm 100 người thương vong

Vietnam+ (VietnamPlus)
01/01/2011 | 20:53:00


Trong một thông cáo báo chí ngày 1/1, Bộ Nội vụ Ai Cập cho rằng vụ đánh bom ngay trước một nhà thờ Cơ Đốc giáo ở thành phố cảng nổi tiếng Alexandria của nước này trong những giờ phút đầu tiên của Năm Mới có thể là đánh bom liều chết.

Vụ đánh bom xảy ra lúc 0 giờ 30 phút ngày 1/1 (giờ địa phương) và theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Ai Cập, con số thương vong tăng lên 100 người, trong đó có 21 người thiệt mạng và 79 người bị thương.

Bộ Nội vụ nước này khẳng định các kết quả kiểm tra hiện trường ban đầu cho thấy có thể quả bom phát nổ do một kẻ tấn công liều chết thực hiện và thủ phạm đã thiệt mạng.

Bộ Nội vụ rút lại giả thuyết ban đầu là vụ tấn công đẫm máu này là đánh bom xe. Quả bom tự tạo có những mảnh kim loại nhằm gây sát thương lớn nhất có thể. Điều này cho thấy các phần tử ngoại quốc đã lên kế hoạch và theo sát việc thực hiện.

Tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak kêu gọi người Cơ Đốc giáo và Hồi giáo sát cánh chống lại chủ nghĩa khủng bố; yêu cầu nhanh chóng tìm ra kẻ đứng sau vụ tấn công khủng bố này.

Hiện chưa có tổ chức hay cá nhân nào nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom này. Trước đó, một nhóm tự xưng là al-Qeada tại Iraq đã dọa sẽ tấn công các tín đồ Cơ Đốc giáo Ai Cập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Biên giới Việt - Trung và sức ép công tội người đàm phán

TuanVietNam.VietNamNet.vn:

Gặp gỡ và Đối thoại tuần này là cuộc trò chuyện với PGS - TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm UB Biên giới về cuộc đàm phán và phân giới cắm mốc Việt - Trung kéo dài 19 năm, với những đồn đoán về công tội, và bài học tạo dựng thế bình đẳng trong cuộc chơi với đối tác nước lớn.

>> Biên giới Việt - Trung và những nguyên tắc công bằng
>> Việt - Trung chính thức có đường biên giới đất liền lịch sử
>> Thứ trưởng Ngoại giao: Không có chuyện "cắt đất" cho nước khác
>> Việt Nam và hành trình "rào" phên dậu quốc gia

Một tấc đất của đất nước không để mất

Trải qua 19 năm đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới, năm 2010, Việt Nam và Trung Quốc chính thức có được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, với việc các hiệp định về phân giới cắm mốc Việt-Trung chính thức có hiệu lực.

Nỗ lực để đi đến đàm phán thành công, thế nhưng, ngay khi kết thúc đàm phán biên giới Việt - Trung, những nhà đàm phán Việt Nam lại phải đối mặt với những đồn đoán trong dư luận rằng hình như Việt Nam đã nhượng bộ cho Trung Quốc khá nhiều. Thay vì ghi công, có người đòi "hỏi tội" những người đàm phán. Là người trong cuộc, ông có thể chia sẻ điều gì?

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao: Vấn đề biên giới Việt-Trung đã được hai nước quan tâm đặt vấn đề giải quyết ngay từ năm 1957. Đàm phán trực tiếp qua bốn giai đoạn, 1974, 1977, 1978 và 1991-2010 khi các văn kiện biên giới chính thức có hiệu lực. Giai đoạn 1991-2010 là giai đoạn đàm phán dài nhất 19 năm liên tục. Ngày 31/12/1999 ký Hiệp định hoạch định biên giới, ngày 31/12/2008 tuyên bố hoàn thành phân giới cắm mốc, ngày 18/11/2009 ký Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về Quy chế quản lý cửa khẩu, ngày 14/7/2010 các văn kiện chính thức có hiệu lực.

Nói thế để thấy rằng hai bên đều đã rất nỗ lực, rất thận trọng, kiên trì, phấn đấu để có kết quả công bằng, chính xác nhất.

Một nhà ngoại giao giấu tên nhận xét, trong 14 đối tác đàm phán về biên giới với Trung Quốc, Việt Nam là đối tác "khó nhằn" nhất. Các nhà đàm phán Việt Nam đã thể hiện kĩ năng xuất sắc.

Chúng tôi hiểu rằng biên giới là vấn đề thiêng liêng của mọi quốc gia, dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam thì vấn đề chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và khát khao mong muốn được sống trong hòa bình, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Sự chỉ đạo của lãnh đạo: một tấc đất của đất nước không để mất và một tấc đất của nước bạn cũng không vi phạm. Không phải với Trung Quốc, mà với cả Lào và Campuchia, chúng ta đều có lập trường nhất quán, thủy chung như vậy.

Tôi rất tâm đắc lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng viết về lịch sử thì nhiều lần, bởi nhiều người để đi đến có cái hiểu thống nhất về lịch sử. Khi đứng trước vấn đề phân chia lãnh thổ, động chạm đến quyền lợi dân tộc, rất nhiều người quan tâm, bày tỏ ý kiến, đó là điều đáng mừng khi người dân thực hiện quyền công dân của mình. Nhưng cũng không thể không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau nhất là khi thông tin chưa đầy đủ hay xem xét vấn đề từ những góc nhìn khác nhau. Đã làm biên giới, thì không còn cách nào khác là chấp nhận khó khăn thách thức, phải dám chịu trách nhiệm, đàm phán giải quyết trên cơ sở pháp lý-chính trị, phù hợp luật pháp quốc tế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng viết về lịch sử thì nhiều lần, bởi nhiều người để đi đến có cái hiểu thống nhất về lịch sử. TS Nguyễn Hồng Thao đứng ngoài cùng, bên trái.

Trong công tác biên giới, chúng tôi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo, sự đồng thuận, đoàn kết cao, ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, nhân dân biên giới. Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm ra tận mốc 44 ở Chi Ma, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát ở cửa sông Bắc Luân. Các lão thành cách mạng cũng quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến quý báu như đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn An, Trần Đức Lương.

Chỉ xin nhắc lại một kỷ niệm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 98 tuổi còn tham gia với chúng tôi, hỏi rất kỹ những địa danh mà Đại tướng đã đi qua trong những ngày chỉ đạo chiến dịch biên giới, đóng góp vào phương án cuối cùng, dặn dò chúng tôi: "Các cháu đã làm rất tốt, phải biết nắm thời cơ, phải giữ vững chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng không làm gì tổn hại đến tình hữu nghị".

Kết quả cuối cùng đã được đa số đồng tình ủng hộ. Làm đúng cơ sở pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, lợi ích của nhân dân, được sự đồng tình ủng hộ của đa số dư luận trong và ngoài nước thì sao lại phải ngại. Quyết tâm của lãnh đạo hoàn thành phân giới cắm mốc vào cuối năm 2008 là một quyết định sáng suốt, để tập trung vào vấn đề trên biển.

Thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất, sẽ có sự đánh giá khách quan nhất.

Đã vì đất nước thì phải dấn thân

- Còn nhớ, ngay khi hai nước kết thúc đàm phán, trên nhiều trang mạng, đã có những thông tin (không rõ cơ sở) nói rằng Việt Nam đã mất hàng ngàn cây số vuông đất cho Trung Quốc. Thậm chí, Việt Nam đã "cắt đất" cho Trung Quốc...

Đúng là có những thông tin như vậy. Và thực tế chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho những đồn đoán ấy.

Không có chuyện "Việt Nam mất đất", "cắt đất" như họ nói. Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau.

Là người trực tiếp đàm phán, chúng tôi biết rõ, toàn bộ khu vực tranh chấp Việt Nam - Trung Quốc có trên 200 km2, Hiệp ước hoạch định biên giới 1999 đã quy thuộc về Trung Quốc 117,2 km2, quy thuộc về Việt Nam là 114,9 km2. Như vậy các khu vực tranh chấp đã được quy thuộc một cách tương đối công bằng, có thể chấp nhận được. Quá trình Phân giới cắm mốc chỉ là đưa đường biên giới trên bản đồ Hiệp ước 1999 ra thực địa.

Sau 1 năm phân giới cắm mốc và 6 tháng Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới Việt-Trung có hiệu lực (từ ngày 14/7/2010), số vụ vi phạm về biên giới đã giảm đi rất nhiều, giao lưu phát triển, công tác quản lý đi vào chiều sâu, hợp tác hiệu quả.

Nếu có dịp lên thăm các làng bản biên giới, bạn cũng sẽ thấy bà con hết sức phấn khởi.

Như vậy, thực tế đã chứng minh việc làm của chúng ta là đúng đắn, được người dân ủng hộ. Nếu dân không ủng hộ, thì hẳn nhiên là quyết sách có vấn đề; trường hợp ngược lại tức là hợp với lợi ích của nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát ở cửa sông Bắc Luân. Ảnh: Hiền Anh

Là người đàm phán, chúng tôi hiểu áp lực rất lớn. Chúng tôi cũng hiểu rằng, phải dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc.

Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác Hồ đã đi tìm hình của nước, thế hệ chúng ta lãnh trách nhiệm trước lịch sử "dựng hình" của nước đánh dấu bằng các cột mốc hiện đại. Đã vì đất nước thì phải dấn thân.

Đến lúc này, chúng tôi có quyền tự hào được báo cáo với đất nước, với Nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho đất nước phát triển và hội nhập, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng. Không có chuyện để xảy ra sơ sẩy, mất đất, bán nước ở đây.

- Ngay cả khi đang đàm phán, những thông tin trái chiều, không thuận đâu phải ít?

Có những vấn đề khi đang đàm phán thì chưa thể công bố ra ngoài; lúc đó, với dư luận trong nước, cũng chỉ còn cách thuyết phục miệng, mà nếu không được thì đành để thời gian và lịch sử trả lời.

Ví dụ, khi kí xong 1 Hiệp định, rất nhiều người sẽ nói phải công bố ngay số liệu, không công bố tức là có dấu hiệu mờ ám, mất đất. Thực tế có phải như vậy không?

Trên thực tế, như đường biên giới với Trung Quốc có đến 1971 cột mốc, mỗi mốc 1 bộ hồ sơ riêng. Sau khi phân giới cắm mốc xong, lực lượng kĩ thuật còn phải kiểm tra, rà soát từng li từng tí, đối chiếu, khi tất cả đã chuẩn, đã khớp mới có thể ra Nghị định thư. Riêng việc in bản đồ kèm theo cũng phải hàng trăm lần. Chỉ một sai sót về mầu sắc, về độ nét to nhỏ là phải bỏ hết in lại.

Như vậy, với những số liệu chưa được kiểm định, liệu có thể công bố được chưa? Thành quả của quá trình đàm phán nằm trong hơn 2.500 trang tài liệu, bao gồm cả bản đồ và những lời văn mô tả, chứ không đơn giản như một số người nghĩ cứ tuyên bố hoàn thành Phân giới cắm mốc là xong, là đã có đường biên giới mới.

Đến nay, khi các văn kiện về đường biên giới mới đã được phê chuẩn và có hiệu lực theo đúng thủ tục giữa hai nước, chúng đều đã được công bố chính thức trên các mạng của Chính phủ, mọi người có thể tham khảo (www.biengioilanhtho.gov.vn - PV).

Điều chỉnh trên cơ sở cân bằng nhưng không nhân nhượng

Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn, trong đàm phán luôn phải có những thỏa hiệp, nhượng bộ lẫn nhau. Trong suốt 19 năm đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới Việt - Trung ấy, việc thỏa thuận, nhân nhượng và thỏa hiệp như thế nào, thưa ông?

Phải nói rằng, biên giới lãnh thổ là thiêng liêng và người làm công tác đàm phán không bao giờ hi sinh lợi ích thiêng liêng ấy. Đàm phán về biên giới, vì thế, chưa bao giờ là việc dễ dàng, đơn giản, thường mất nhiều năm. Như biên giới Brazil - Chile đã phải trải qua 45 năm đàm phán, hay biên giới Nga - Trung cũng mới hoàn thành năm 2007.

Nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc là phải đàm phán hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đàm phán chỉ có kết quả khi hai bên đều có thiện chí.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cùng ông Nguyễn Hồng Thao và anh em trong Vụ Việt Trung chụp ảnh kỉ niệm bên cột mốc biên giới số 1116 cửa khẩu Hữu ngh. Ảnh do TS Nguyễn Hồng Thao cung cấp.

Đàm phán giải quyết vấn đề biên giới phải trên cơ sở pháp lý - chính trị, không thể chỉ dựa vào lý trí tình cảm hay suy đoán mà phải có hồ sơ, chứng cứ pháp lý rõ ràng, đủ sức thuyết phục. Những gì thuộc về nguyên tắc thì không thể nhân nhượng. Với những khu vực cơ sở pháp lý - quản lý của cả hai bên chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa đủ sức thuyết phục, tạo thành tranh chấp thì phải kiên trì đàm phán, tìm giải pháp giải quyết công bằng hợp lý, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và hai bên có thể chấp nhận. Thông qua đàm phán, tranh luận các bên hiểu rõ thêm lập trường của nhau, và hiểu rõ thêm cả chính mình. Điều cốt yếu là phải tìm ra những điểm chung nhất.

Để đạt tới mục tiêu có được một đường biên giới hòa bình hữu nghị, ổn định, hợp tác, rõ ràng, đánh dấu bằng những Hiệp định, những cột mốc, thì cần có thiện chí, hợp tác với nhau. Trong đàm phán cũng có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích. Điều chỉnh chứ không phải nhân nhượng.

Nói thì dễ, nhưng làm không dễ. Trong điều kiện chịu áp lực trong và ngoài nước, trên bàn đàm phán và trên thực địa, đòi hỏi phải có bản lĩnh dám chịu trách nhiệm, nắm vững cơ sở pháp lý - kĩ thuật, hiểu biết sâu sắc thực địa, đào sâu nghiên cứu mới có thể có bước đi đúng.

- Trong đàm phán, việc có cách hiểu, cách giải thích khác nhau là khó tránh khỏi. Có khi nào không khí đàm phán căng tới mức có nguy cơ đổ vỡ?

Chuyện đàm phán đông cứng, căng thẳng là có, nhất là khi các bên đều kiên quyết giữ lập trường, không chịu lắng nghe. Không phải là không có những trường hợp có bên có thể hiểu quá đi do lợi ích của mình. Phải kiên trì, đấu tranh, thuyết phục đối tác.

Lần đàm phán cuối cùng, hai bên đã tiến hành 13 vòng đàm phán chính thức cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, rất nhiều cuộc gặp hai Trưởng đoàn, 31 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc. Càng về cuối đàm phán càng khó khăn, phức tạp. Riêng năm 2008, hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán cấp Chủ tịch, vòng ngắn nhất kéo dài 9 ngày, vòng dài nhất 23 ngày. Có những lần, chúng tôi đã ngồi đàm phán liên tục đến 32 tiếng đồng hồ không nghỉ. Thậm chí, có lúc, vài chục tiếng ngồi trong phòng không phải để thảo luận, mà để "cân não".

Ngày 31/12/2008, 19g Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, thay mặt hai đoàn Việt Nam, Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về việc hoàn thành phân giới cắm mốc, thế nhưng, cuộc đàm phán vẫn chưa đi đến hồi kết. Hai bên đã thống nhất về văn bản đường biên giới đi qua thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân nhưng lại phát hiện ra việc thể hiện trên bản đồ đính kèm của hai bên có sự khác biệt. Chúng tôi tiếp tục thảo luận.

Để khích lệ anh em chuyên viên chúng tôi, trưởng đoàn ta úy lạo anh em một chai Nếp Mới. Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường góp chai Mao Đài. Nhân đó trưởng đoàn ta vịnh bốn câu thơ:

"Phân giới xong rồi nhẹ đôi vai

Đêm nay Nếp Mới với Mao Đài

Việt - Trung hữu nghị tình thắm mãi

Giữ trọn niềm tin hướng tương lai".

Chúng tôi hiểu Trưởng đoàn muốn mượn thơ để nhắn nhủ: gần đến thắng lợi không thể tránh khỏi gian nan, Mao đài và Nếp mới là tượng trưng cho sự bình đẳng giữa hai nước, cũng có nghĩa là đêm nay còn có khác biệt, còn có hai phương án, nhưng hai bên đều có thiện chí, đều mong muốn vun đắp tình hữu nghị thì nhất định phải đi đến thống nhất. Tới 2h5 phút sáng 1/1/2009, hai bên mới đặt bút kí vào biên bản và tới 4h sáng cùng ngày, những thủ tục cuối cùng mới hoàn tất, thể hiện kết quả đúng như những gì mà chúng ta dự kiến.

Không riêng gì đàm phán, mà ngay cả khi phân giới cắm mốc cũng có lúc gặp khó. Năm 2007, tốc độ phân giới cắm mốc chậm hẳn lại do các khu vực tồn đọng đều là các khu vực nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời, khó giải quyết. Có tháng, có nhóm phân giới cắm mốc không cắm được cột mốc nào. ...

Nhưng nhờ thiện chí và nỗ lực của hai bên, Việt Nam - Trung Quốc đã giải quyết hợp tình hợp lý những khu vực tranh chấp biên giới, kết thúc việc hoạch định, phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung dài 1450 km.

Lấy dân làm gốc

- Như ông đã nói, không có chuyện nhân nhượng trong đàm phán biên giới Việt - Trung, chỉ có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích. Ông có thể làm rõ hơn ý này?

Ví dụ, qua hàng trăm năm lịch sử, có những làng bản của Việt Nam nằm sang phía Trung Quốc, làng bản Trung Quốc nằm sang Việt Nam; nếu cứ áp dụng đúng pháp lý sẽ tạo ra sự xáo trộn đời sống của người dân. Người dân khi nhà cửa, mồ mả, ruộng vườn bị ảnh hưởng do đường biên giới pháp lý đi qua, tình cảm đầu tiên nghĩ đến là một sự xáo trộn cuộc sống của họ rồi mới nghĩ đến đó là đường biên giới quốc gia.

Biên giới xây dựng lên cũng là nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ đời sống yên bình của người dân. Mọi quyết định đều không thể không tính đến yếu tố lấy dân làm gốc, dựa trên tình hình thực địa.

Trên cơ sở đó, ví dụ bản Ma Lỳ Sán (xã Pà Vày Xủ, huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang) của Việt Nam nằm quá đường biên giới được hoạch định và Phân giới cắm mốc chính thức về phía Trung Quốc trong khi 13 nóc nhà của nhân dân Trung Quốc gần biên giới Hang Dơi (Lạng Sơn) lại nằm quá sang đường biên giới được hoạch định và Phân giới cắm mốc chính thức về phía Việt Nam, hai bên đã thống nhất điều chỉnh cho nhau trên cơ sở giữ nguyên diện tích để bảo đảm đời sống dân cư. Nhân dân hai khu vực này rất đồng tình. Đây cũng là việc thường xảy ra trong thực tiễn quốc tế khi giải quyết các vấn đề biên giới.

Trong đàm phán cũng có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích. Điều chỉnh chứ không phải nhân nhượng. Ảnh tư liệu từ trang Biengioilanhtho.gov.vn

Đi được đến Hiệp định là thắng lợi của cả 2 bên, cho ra đời một đường biên giới ổn định. Về mặt số học cũng hết sức rõ ràng.

Thế còn Thác Bản Giốc, và Hữu nghị quan vốn được dư luận quan tâm nhiều nhất?

Thác Bản Giốc gồm 2 phần: phần thác phụ và phần thác chính. Theo hồ sơ lưu trữ của Việt Nam và Pháp, khi Công ước Pháp - Thanh 1887/1895 được kí kết cũng đã không giải quyết trọn vẹn vấn đề thác Bản Giốc; nhưng đã ghi rõ đường biên giới sẽ đi theo trung tuyến sông Quây Sơn.

Theo Hiệp ước 1999, đường biên giới được xác định theo nguyên tắc trung tuyến dòng chảy chính nhưng chưa thể hiện đường biên giới chính thức (chỉ ghi nhận hai đường nét đứt thể hiện quan điểm hai bên).

Với một thác nằm ở đường biên giới, theo luật quốc tế sẽ được 2 bên sử dụng như nhau, biên giới đi theo đường trung tuyến dòng chảy ở những nơi tàu thuyền không qua lại được hoặc theo đường trung tuyến luồng ở những nơi tàu thuyền qua lại được. Đó là nguyên tắc cũng từng được chúng ta áp dụng để giải quyết vấn đề biên giới với các bạn Lào, Campuchia.

Giải pháp Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận là đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính, theo trung tuyến dòng chảy chính trên sông Quây Sơn. Như vậy, Phần thác phụ hoàn toàn thuộc phía Việt Nam, còn phần thác chính đổ thẳng xuống sông Quây Sơn là sông chung biên giới, được phân chia theo trung tuyến dòng chảy chính.

Hiện nay 2 nước đang đàm phán để phát triển toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thành khu vực tự do du lịch, để nhân dân 2 nước đều được ngắm cảnh đẹp, thúc đẩy giao lưu phát triển du lịch.

Về khu vực Hữu nghị quan: Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc, đường biên giới nằm phía nam Trấn Nam Quan. Theo "Đại Nam Nhất thống chí" của Viện Khoa học xã hội Việt Nam dịch Hán Nôm, giới thiệu năm 1962, Trấn Nam Quan được xây dựng từ thời nhà Minh; sau đó, đời Nhà Thanh cho tu bổ lại. Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị còn lại là mốc 19 cũ do Pháp Thanh cắm năm 1894.

Vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cắm mốc 1117 trùng với vị trí mốc 19 cũ, đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray hiện tại 148m về phía Bắc.

Như vậy có thể khẳng định đường biên giới tại cửa khẩu Hữu nghị vừa được phân giới cắm mốc là phù hợp với lịch sử, với Hiệp ước 1999 và thực tiễn quản lý ở khu vực này.

- Thế còn các điểm cao biên giới dọc đường biên giới Việt - Trung thì sao, thưa ông?

Theo Hiệp định, các khu vực hai bên quản lý quá sang nhau, sau khi có đường biên giới chính thức, sẽ trao trả cho nhau. Hiện 38 chốt quân sự ở các điểm cao dọc biên giới Việt - Trung đã được dỡ bỏ.

Đàm phán trên tư cách bình đẳng, ngang hàng

- Là một nước nhỏ đàm phán với một đối tác lớn như Trung Quốc, có khi nào Việt Nam bị lép vế?

Đúng là bên cạnh một Trung Quốc lớn đang trỗi dậy mạnh mẽ, có vị thế lớn trên trường quốc tế là một khó khăn, thách thức; nhưng đó cũng là cơ hội để ta triển khai đàm phán hòa bình, trên cơ sở hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Trong thời đại phát triển luật pháp như hiện nay, tất cả các nước đều bình đẳng, dù lớn hay nhỏ, số dân nhiều hay ít. Nắm vững nguyên tắc đó, tâm thế đó, ta bước vào đàm phán một cách sòng phẳng, ngang hàng với đối tác.

Hơn nữa, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán với các đối tác lớn rồi. Chúng ta đã từng cùng các cường quốc như Pháp, Mỹ ngồi lại, bàn về nền hòa bình cho Việt Nam. Lúc đó, có ai nghĩ ta có thể bước ra khỏi đàm phán với tư thế của người ngang hàng? Nhờ chính nghĩa, biết phát huy thế mạnh, dựa vào luật pháp quốc tế, Việt Nam đã thành công.

TS Nguyễn Hồng Thao tại ĐH Thi đua Yêu nước năm 2010 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cũng cần nói thêm, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà đối tác Trung Quốc đồng ý áp dụng Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895, các Công ước ký trong thời thực dân-phong kiến, làm cơ sở giải quyết biên giới . Còn với 13 nước khác có chung đường biên với Trung Quốc, nước này đều yêu cầu phải đàm phán lại từ đầu, vì cho rằng những Hiệp ước kí kết dưới chế độ thực dân trước đây nhà Thanh đều bị lép vế, không bình đẳng dẫn đến bất lợi cho họ.

Không vì thắng lợi nhỏ, trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài

- Qua thời gian dài đàm phán với Trung Quốc, ông đúc rút được điều gì trong cuộc chơi bình đẳng, công bằng với một nước lớn như vậy? Theo ông, điều gì để Việt Nam tạo dựng và giữ được thế bình đẳng, ngang hàng với đối tác lớn?

Vừa qua tôi thấy Vietnamnet có một chuyên mục cho bạn đọc trao đổi ý kiến Việt Nam cần làm gì bên cạnh một Trung Quốc hùng mạnh đang phát triển. Có ý kiến lo lắng, có ý kiến cho rằng đó là thời cơ.

Tôi nghĩ chúng ta cần phải xuất phát từ thực tế chúng ta là một nước láng giềng với Trung Quốc và là một nước láng giềng có vị trí tương đối đặc biệt với Trung Quốc. Hai nước có biên giới tương đối dài, gắn bó. Có cả biên giới đất liền và biên giới biển. Có mối liên hệ văn hóa sâu sắc. Gần đây cũng có ý kiến Kinh Dịch và tiếng Hán xuất phát từ tộc Bách Việt, mà một nhánh là Lạc Việt (Việt Nam). Lịch sử hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau, không chỉ ngàn năm lịch sử mà cả trong thời kỳ hiện đại. Cách mạng hai nước cũng gắn bó và hỗ trợ cho nhau. Hai nước cùng có những trăn trở vươn lên, Trung Quốc với 4 hiện đại hóa, Việt Nam với Đổi mới và đều đã có những thành công.

Chúng ta không thể sống tách biệt với Trung Quốc, cũng như Trung Quốc không thể sống tách biệt với Việt Nam. Tự nhiên và lịch sử đã đặt hai nước, hai dân tộc sống cùng nhau.

Một Trung Quốc phát triển, có trách nhiệm hơn với thế giới là điều đáng mừng, là cơ hội cho Việt Nam học hỏi vươn lên. Nhiều nước trên thế giới, ở xa mong muốn hợp tác làm ăn với Trung Quốc, tại sao chúng ta ở gần hơn lại không nắm bắt cơ hội.

Một Trung Quốc mạnh cũng là thách thức không nhỏ nếu như chúng ta không chủ động vươn lên, không cải cách hành chính, kinh tế. Phải coi vị trí láng giềng của "người khổng lồ" là động lực để phấn đấu vươn lên. Nguyễn Trãi đã từng dạy: Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng hào kiệt đời nào cũng có.

Có lãnh đạo (hào kiệt) sáng suốt , đường lối độc lập tự chủ, dám chịu trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm, dám sáng tạo, thu phục nhân tài, đoàn kết nhất trí trên dưới, bình tĩnh giải quyết các vấn đề nảy sinh trên cơ sở luật pháp quốc tế, có chiến lược không vì thắng lợi nhỏ, thắng lợi trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài, thủy chung. làm bạn với tất cả bạn bè quốc tế. Những bài học đó của ông cha không bao giờ cũ cả.

Bạn hãy nhìn lại lịch sử, vào những thời điểm quyết định, đứng trước những thử thách gay go nhất, trước những "đối thủ, đối tác" tiềm lực mạnh hơn nhiều, dân tộc ta vẫn đi lên, vẫn tồn tại vì chúng ta biết lấy nhu thắng cương, lấy chính nghĩa khắc sức mạnh, dĩ bất biến ứng vạn biến.

- Từ kết quả đàm phán hiệp định và phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, chúng ta rút ra kinh nghiệm gì cho việc đàm phán biên giới, cả trên bộ và trên biển trong thời gian tới?

Chắc sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm. Cái chính vẫn là kiên trì nguyên tắc, tin tưởng lãnh đạo, những gì về nguyên tắc không thể nhân nhượng, đồng thuận, đoàn kết, nắm vững thời cơ, dám chịu trách nhiệm, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ pháp lý, hiểu người hiểu ta, giải quyết phù hợp luật pháp quốc tế và lòng dân, phải biết giữ bí mật và kỷ luật đàm phán đến cùng thì mới thành công. Đúng như lời Bác Hồ đã dạy ngành Ngoại giao: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".

Đồng thời, phải hiểu được văn hóa của nhau. Mỗi nước đều có lòng tự hào của riêng mình. Đối tác luôn tự hào về thể diện nước lớn còn chúng ta luôn tự hào về ý chí kiên cường của dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh.

Công lý không bao giờ đo bằng sức mạnh

- Đã có những thỏa thuận pháp lý, đã hoàn thành phân giới cắm mốc, nhưng việc tuân thủ pháp lý ở đường biên vẫn là một thách thức. Theo ông, chúng ta phải làm gì để đường biên giới hai nước thực sự hòa bình, hữu nghị, không có chuyện gặm nhấm từng bước theo nhiều cách khác nhau?

Hai bên cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền để mọi người đều hiểu, tôn trọng và tuân thủ các văn bản pháp lý về đường biên giới đã có hiệu lực. Các lực lượng quản lý biên giới cần tăng cường hợp tác. Biên giới để phân định chủ quyền quốc gia nhưng biên giới còn có chức năng thứ hai là biên giới hợp tác, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển vì tình hữu nghị và lợi ích chung của hai dân tộc.

TS Nguyễn Hồng Thao cùng đại biểu quốc tế người Hy Lạp đồng thời là cựu chiến binh trung úy quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Lập tại ĐH Thi đua yêu nước 2010.

- Một trong những bí quyết thành công của đàm phán biên giới trên bộ Việt - Trung là sự chuẩn bị kĩ lưỡng về hồ sơ, tài liệu, về nghiên cứu thực địa. Trong khi đó, với vấn đề Biển Đông vốn nhiều phức tạp và cũng rất nhạy cảm, dường như việc nghiên cứu của ta có vẻ "lép vế" so với bạn. Làm thế nào để ta khắc phục được, giành thắng lợi trong "cuộc chiến không cân sức" ấy?

Tôi không đồng ý với bạn về những từ "lép vế", "cuộc chiến không cân sức". Một nước Nicaragoa bé nhỏ kiện Mỹ ra Tòa năm 1995 và đã được Tòa án Công lý xử thắng. Công lý không bao giờ đo bằng sức mạnh cả. Chúng ta không đe dọa ai, không đánh ai, không gây hấn với ai, nhưng chúng ta bảo vệ lãnh thổ của mình, chúng ta mong muốn được sống trong hòa bình, ổn định để phát triển.

Trong thế giới hiện đại, ở đâu cũng có đấu tranh và hợp tác. Vấn đề Biển Đông phức tạp và nhạy cảm, là một trong những vấn đề khó do lịch sử để lại.

Để giải quyết tốt vấn đề chúng ta đã chú trọng cho công tác nghiên cứu. Vừa qua ngay ở Lý Sơn, ở Huế, người dân cũng hưởng ứng đóng góp nhiều văn bản có giá trị. Chúng ta có nhiều nghiên cứu của nhiều thế hệ...

Có thể so sánh về số lượng các Viện nghiên cứu, các công trình nghiên cứu thì chúng ta có thể ít, nhưng chất lượng nghiên cứu ngày càng được nâng cao. Cuốn sách Việt Nam và các tranh chấp trong Biển Đông của tôi viết bằng tiếng Pháp đã được tặng giải thưởng luật biển quốc tế INDEMER năm 2000 và được Nhà xuất bản dannh tiếng Pedone xuất bản năm 2004.

Nói như vậy không phải đề cao cá nhân, sự đóng góp của cá nhân rất nhỏ bé nhưng lập luận của mình về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về giải pháp cho vấn đề Biển Đông được giới khoa học luật quốc tế ghi nhận trong khi chưa có tác phẩm nào của học giả Trung Quốc về Biển Đông được giải thưởng cả.

Mình có lập luận có căn cứ, có chính nghĩa, phải tự tin, dám đấu tranh mới thành công.

Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu, động viên các em phấn đấu, nghiên cứu. Cần đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng, sưu tầm hồ sơ pháp lý, đào tạo cán bộ pháp lý luật quốc tế, luật biển.

Hy vọng trong thời gian không xa, chúng ta có những thẩm phán người Việt tham gia vào Tòa án quốc tế La Hay, Tòa án quốc tế Luật biển.

Trong lĩnh vực Toán học chúng ta đã có Ngô Bảo Châu, nhưng để có những người Việt tham gia vào các tổ chức tài phán quốc tế hay trở thành lãnh đạo của các Tổ chức quốc tế phục vụ cho hòa bình và công lý quốc tế thì chúng ta còn phải phấn đấu, phải đầu tư nhiều hơn nữa. Người Myanma, người Hàn Quốc đã từng và đang giữ vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc, người Thái Lan đã từng lãnh đạo WTO. Chúng ta phải phấn đấu, phải có chiến lược bài bản, không tự ti, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Sinh viên tạo nước sạch cho nhân loại với thiết bị 70.000 đồng

PC World VN: Thứ Tư, 29/12/2010 17:18 (GMT+7)

Bạch Đình Vinh

Một thiết bị được các sinh viên ĐH Washington (Mỹ) xây dựng có thể giúp cung cấp nước uống sạch cho những nước nghèo.

Hiện trên toàn thế giới đang có sự thiếu hụt nước uống sạch nghiêm trọng. Người dân ở các nước như Bangladesh, Azerbaijan, Madagascar và Haiti chỉ có cơ hội sử dụng loại nước bẩn nhất trên thế giới. Nhưng những sinh viên của ĐH Washington đã đưa ra một giải pháp với giá rẻ bất ngờ: 3,40 USD (~69 nghìn đồng).

Các sinh viên: Jung Chin Cheng, Charlie Matlack, Penny Huang, và Jacqueline Linnes đã nhận thách thức do tổ chức phi lợi nhuận Fundación SODIS (có trụ sở tại Bolivia) đặt ra để phát triển một phương pháp cung cấp nước uống sạch cho những người đang thiếu nước.

Cuộc thi được InnoCentive Inc. xúc tiến và được Quỹ phi lợi nhuận GlobalGiving tài trợ. Thách thức trong câu hỏi liên quan đến quá trình được gọi là SODIS (Solar Disinfection) - dùng năng lượng mặt trời khử trùng nước trong chai nhựa, một quá trình loại bỏ tới 99,9% vi khuẩn và virus.

Đối với SODIS, tất cả những gì bạn phải làm là đổ đầy nước vào một chai nhựa trong, để nó dưới ánh mặt trời trong một thời gian; nhiệt của mặt trời và tia cực tím sẽ giết chết bất cứ thứ gì bên trong. Thật không may, cho đến bây giờ, không có cách đơn giản nào biết được khi nước đã tinh khiết. Thiết bị SODIS rất đơn giản, sử dụng các bộ phận từ một dây khoá sẽ nhấp nháy khi lộ sáng. Thiết bị này được gắn vào chai nước, và nó sẽ theo dõi độ trong của nước bên trong chai, nhấp nháy khi ánh sáng bị các hạt che khuất. Khi không có các hạt nổi xung quanh nữa, ánh sáng dừng nhấp nháy và bạn có nước uống sạch 99,9%.

Thiết bị đơn giản có giá thành chỉ 3,40 USD (~69 nghìn đồng), và khi sản xuất hàng loạt để bán với số lượng lớn thì giá còn giảm thêm nữa. Quỹ Rockefeller đã trao cho các sinh viên giải thưởng 40.000 USD (~800 triệu đồng). Hy vọng các sinh viên sẽ sử dụng khoản tiền này để tiếp tục thiện chí của họ.

Nguồn: PC World Mỹ, 28/12/2010

Việt Nam - năm ấn tượng

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 9:06 AM, 01/01/2011

(VOV) - Với những thành tích tăng trưởng ấn tượng và vị thế trên trường quốc tế gia tăng, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để “bứt phá” nhưng đồng thời cũng gặp phải thách thức không nhỏ

GDP tăng trưởng ấn tượng

GDP năm 2010 đạt 6,78% là con số được Tổng cục Thống kê công bố trong cuộc họp báo sáng 31/12. Như vậy, mục tiêu đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay đã được vượt qua.

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP quý 1/2010 đạt 5,84%, nhưng đến quý 2 đã tăng 6,44%, quý 3 tăng 7,18% và quý 4 ước tăng 7,34%. Như vậy, mức tăng GDP quý 4 năm nay đạt cao nhất kể từ quý 2/2008.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mức tăng trưởng GDP năm nay đạt được do tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp và xây dựng đạt cao nhất trong các ngành kinh tế cấp 1, tăng 7,7%; tiếp đến là dịch vụ tăng 7,52%; khu vực nông, lâm và thủy sản tăng năm nay tăng 2,78%.

Thành quả này cũng được ghi nhận tại Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 12/2010 của Ngân hàng Thế giới (WB): “Trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá nhanh và ổn định”.

Theo Báo cáo này, WB cho rằng: “Mặc dù tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu không đều khắp trên toàn thế giới, khu vực châu Á vẫn đạt được thành tích khá tốt. Đặc biệt, trong khu vực châu Á và Việt Nam vẫn tiếp tục đạt thành tích tăng trưởng khá ấn tượng. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương (EAP) trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và vẫn duy trì được vị trí đó cả sau khủng hoảng. Sau khi đạt mức tăng trưởng GDP thực 5,3% trong năm 2009, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong khoảng 6,5-6,7% trong năm 2010”.

Nhìn nhận Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nhà báo Kavi, nguyên Tổng biên tập tờ Nation của Thái Lan cho rằng, trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định vai trò là một nền kinh tế chủ lực trong khối. “Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số đầy ấn tượng, Việt Nam đã có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế ASEAN trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu”- nhà báo Kavi viết.

Và điều quan trọng, việc Intel khánh thành nhà máy kiểm thử vi mạch lớn nhất thế giới tại TP HCM cho thấy cộng đồng đầu tư quốc tế vẫn đánh giá cao Việt Nam bằng hành động.

Vị thế được khẳng định

“Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 8 cuối tháng 11 cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế gia tăng. Đó là một thực tế chứ không chỉ là “lời ca ngợi”- Nhà báo kinh tế Trần Ngọc Châu (Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn) khẳng định.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Quan chức Cao cấp Việt Nam tại ASEAN: Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề ra được những ưu tiên chung phù hợp cho năm 2010 và đã điều phối chủ động và hiệu quả các hoạt động trong năm, trên tất cả các khuôn khổ và các kênh. Việt Nam đã nỗ lực trong việc tăng cường, mở rộng và làm sâu sắc thêm các quan hệ đối ngoại của ASEAN, cùng phấn đấu vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.

Ông Vinh khẳng định: “Các nước đánh giá rất cao việc Việt Nam đã điều phối để đi đến đồng thuận cao về quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) và mời Nga và Mỹ tham gia làm thành viên, về việc khởi động và triệu tập Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), cũng như về việc tổ chức Cuộc họp đầu tiên những người đứng đầu các cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA), việc thông qua Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền đi biển gặp nạn, Chương trình hành động thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF đến 2020, cùng nhiều văn kiện khác, coi đây là những đóng góp quan trọng và có ý nghĩa lâu dài đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực”.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2010 và đóng góp của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN khẳng định: “Năm 2010, ASEAN đã hoạt động rất thành công trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam, các mục tiêu hợp tác nội và ngoại khối nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đều được thúc đẩy thực hiện; thế và lực của ASEAN với vai trò là động lực và là trung tâm trong kết cấu hợp tác khu vực ngày càng được khẳng định và củng cố”.

Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên đều có chung ý kiến là Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có một năm hoạt động rất thành công; Việt Nam, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng AEC đã làm việc rất hiệu quả, tích cực và chuyên nghiệp, đã có nhiều sáng kiến thiết thực, góp phần quan trọng vào thành công chung của Hội đồng và của năm ASEAN 2010.

Năm 2010, Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN đã lần đầu tiên tham gia một diễn đàn quốc tế gồm những nền kinh tế mạnh nhất thế giới để bàn thảo các vấn đề kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều bài phát biểu quan trọng về các vấn đề như: triển khai Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại và đầu tư; cải cách các thể chế tài chính quốc tế; biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh…

Các sáng kiến cụ thể của Việt Nam như hình thành cơ chế phối hợp giữa G20 với các tổ chức khu vực như ASEAN trong việc triển khai các chính sách kinh tế; ra Tuyên bố chung của các nước G20, ASEAN, Eu, NAFTA, AU… nhằm thúc đẩy hoàn thành Vòng Doha, được hội nghị ủng hộ và ghi nhận trong Tuyên bố chung của Hội nghị. Việt Nam cũng tích cực chia sẻ các nước kinh nghiệm phát triển và xử lý các thách thức của quá trình phát triển với các nước, bao gồm cả xử lý khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu và thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại Thượng đỉnh G20 – cơ chế quản trị toàn cầu quan trọng hàng đầu - với những ý tưởng và sáng kiến mới, đã góp phần khẳng định năng lực đảm nhận các trách nhiệm quốc tế và tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên các diễn đàn, cơ chế hợp tác và quản trị toàn cầu. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm kép, một mặt đại diện xứng đáng cho các quan điểm và quyền lợi của ASEAN, mặt khác đã phản ánh được quan điểm, lợi ích và các mối quan tâm của Việt Nam, góp phần tiếp tục nâng cao hình ảnh và uy tín Việt Nam trên trường Quốc tế và củng cố quan hệ của nước ta với hàng loạt nước quan trọng nhất trên thế giới.

Thành công của các hoạt động lớn này đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng cộng đồng quốc tế về quyết tâm và năng lực của Việt Nam hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng của đất nước tới các nước và các doanh nghiệp quốc tế.

Hội nghị WEF Đông Á 2010 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam cũng là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Hội nghị đã thu hút số lượng tham dự đông nhất từ trước tới nay với hơn 450 đại biểu gồm các chính khách cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, học giả.

Việt Nam đã thể hiện rất chủ động vai trò của nước chủ nhà thông qua sự tham dự tích cực của 13 diễn giả Việt Nam gồm các lãnh đạo chính phủ; lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo doanh nghiệp tại 16/20 phiên cho chương trình chính thức của Hội nghị (trong đó ta tham dự 4/5 phiên toàn thể). Bài phát biểu định hướng khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gây được tiếng vang lớn, các nội dung thảo luận của hội nghị cũng như các ý kiến đóng góp của các diễn giả Việt Nam đều được các đại biểu đánh giá cao.

Việc tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã gây dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị, góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi và các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.

Khép lại năm 2010, ASEAN và các nước, bạn bè đều đánh giá chung là một Năm ASEAN rất thành công, với đậm dấu ấn nước Chủ tịch Việt Nam và vai trò chủ động, tích cực và nổi bật của ASEAN, thông qua các hoạt động dồn dập, hiệu quả và với nhiều kết quả và quyết sách quan trọng trên nhiều mặt hợp tác.

ASEAN đã thực sự phát huy vai trò quan trọng và không thể thiếu trong nỗ lực chung nhằm củng cố và tăng cường môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.

Nhìn vào những kết quả nêu trên, có thể thấy rõ những đóng góp quan trọng và dấu ấn đậm nét của Việt Nam, một Chủ tịch năng động, tích cực, trách nhiệm, công tâm, được bạn bè tin cậy và đánh giá cao.

Chuẩn bị cho một năm mới triển vọng

Theo WB, cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam nổi bật không chỉ nhờ thành tích tăng trưởng cao mà còn do xu hướng tương đối ổn định. Chính vì vậy, tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau những trầm lắng của năm 2009 là chậm hơn so với các nước đã có tăng trưởng âm vào năm ngoái. Và thành tích tăng trưởng ấn tượng cũng song hành với một số vấn đề kinh tế vĩ mô.

Theo phân tích của WB, dấu hiệu rủi ro đầu tiên xuất hiện vào năm 2007 khi nền kinh tế Việt Nam đón nhận một luồng vốn ngoại tăng vọt chưa từng thấy ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, khởi đầu cho cuộc bùng nổ tín dụng và bong bóng giá tài sản.

Kể từ đó, vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn với một loạt cú sốc từ bên ngoài - giá cả hàng hóa thế giới tăng trong năm 2008, khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu trong năm 2009 và khủng hoảng nợ quốc gia năm 2010 ở Châu Âu.

Việt Nam hiện nay rơi vào tình trạng không mong muốn với tỉ lệ lạm phát cao nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á Thái Bình Dương (6,5%) trong năm 2009 và khoảng trên dưới 10% trong năm 2010.

Bên cạnh tỉ lệ lạm phát cao, Việt Nam còn phải đối mặt với sức ép về tiền tệ, mức dự trữ ngoại hối sụt giảm, thị trường chứng khoán ảm đạm và chênh lệch lãi suất quốc gia cao so với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh khác ở Châu Á.

Như vậy, theo WB, mặc dù là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, Việt Nam cũng là một ngoại lệ so với xu hướng của các thị trường mới nổi nói chung là đồng tiền mạnh hơn, luồng vốn đổ vào mạnh mẽ và dự trữ ngoại hối tăng.

Theo Nhà báo Kinh tế Trần Ngọc Châu, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra cho các năm tới, thì xuất khẩu vẫn phải là quốc sách: “Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính, một số nhà xuất khẩu Việt Nam được khuyến khích quay về thị trường nội địa, nhưng ta nên biết rằng đó chỉ là “tránh bão”, là giải pháp tình tế”./.

Trí Nhân

Niềm tin triển vọng tươi sáng kinh tế Việt Nam năm 2011

VGP News
10:28 AM, 01/01/2011

(Chinhphu.vn)- Năm 2011, Chính phủ đã xác định chủ trương nhất quán là năm tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Theo đó, ngay từ những ngày đầu năm hệ thống các biện pháp đồng bộ để ổn định kinh tế vĩ mô đã được triển khai.

Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là trọng tâm

Tại phiên họp Chính phủ cuối năm 2010 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó hết sức chú ý các chính sách tiền tệ, chính sách tài chính".

Cụ thể, giảm dần đầu tư từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn từ ngân sách, các bộ, ngành, địa phương; khuyến khích đầu tư, sản xuất từ nguồn vốn xã hội.

Tập trung nâng cao năng lực dự báo tình hình, từ đó xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực, thời điểm của Chính phủ nói chung và từng ngành, địa phương nói riêng. Phải phát hiện nhanh nhạy các vấn đề mới phát sinh để chủ động xử lý, hạn chế tối đa những trường hợp biến động như giá vàng, giá USD thời gian qua.

Thủ tướng yêu cầu tập trung nguồn lực để kiểm soát lạm phát bằng các biện pháp tiền tệ, ngân sách và quản lý giá nhằm thu hẹp tổng cầu và tăng cung hàng hoá vào các tháng quý I/2011. Trên cơ sở đó ổn định và tiến tới giảm dần lãi suất, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và xuất khẩu.

Nói về những nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: “Dù nền kinh tế hiện còn một số yếu tố rủi ro nhất định nhưng với những chuyển biến hợp lý và kế hoạch giải quyết khó khăn về kinh tế vĩ mô quyết liệt của Chính phủ, tôi rất lạc quan và tin vào kinh tế của đất nước trong năm 2011”.

Bằng các biện pháp tích cực, Chính phủ có thể ổn định được tỷ giá hối đoái trong quý I/2011 và giảm dần lãi suất trong các tháng sau đó trên nền tảng kiểm soát được lạm phát ở mức như Quốc hội đã đề ra...

Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư

Tại hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro năm 2011 - Từ vĩ mô đến ngành và thị trường chứng khoán” do Quỹ Đầu tư An Phúc và Cổng Thông tin tài chính Vietstock tổ chức tại TPHCM, các chuyên gia cũng cho rằng dòng tiền sẽ đổ mạnh vào chứng khoán nếu kinh tế vĩ mô ổn định hơn trong năm tới.

Ông Lê Văn Thanh Long, chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán SME, cho rằng khi vấn đề ổn định tỉ giá được giải quyết tốt, không còn cơ chế hai giá như hiện nay thì sẽ thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, theo ông Long, năm 2010, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã phát hành cổ phiếu, thu hút vốn về rất nhiều. Dòng tiền này chắc chắn sẽ quay trở lại thị trường khi nền kinh tế ổn định hơn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2011 sẽ đạt 7,2%, mức cao thứ 3 trong các nước châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cùng với Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam sẽ là 1 trong 3 nước duy nhất có mức tăng trưởng năm 2011 cao hơn năm 2010. Đó là nhận định của ông Edward Lee, Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược tỷ giá khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered. Theo ông Lee, động lực chính của tăng trưởng là sự tăng trưởng mạnh của tiêu dùng nội địa và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) về xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2011, Việt Nam tăng 10 bậc và hiện đứng thứ 78/183 nước có mức độ thuận lợi kinh doanh năm 2011. Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước có mức độ cải thiện tốt nhất trong bảng xếp hạng 2011. Đặc biệt, nếu tính 5 năm gần đây, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về mức độ cải thiện, nhờ tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu.

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) của Tạp chí Economist của Anh đánh giá, năm 2011 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển bền vững.

Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong tăng trưởng GDP so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu. Trong phương diện phát triển kinh tế, viễn cảnh kinh tế Việt Nam là lạc quan so với các khu vực khác trên thế giới, với dự đoán của giới phân tích là tăng trưởng GDP thực tế hàng năm trung bình ở mức 6,7% giai đoạn 2010-2011 và sẽ tăng thêm đạt mức trung bình 7,2% giai đoạn 2012-2014.

Vũ Trọng

Xu ly rua tai do o Ho guom bang bay

BAODATVIET.VN
4:27 PM, 01/01/2011

Sáng 31/12, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội (KHCN) đã họp bàn giải pháp loại bỏ rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm. Các nhà khoa học kiến nghị nên bắt rùa tai đỏ tại Hồ Gươm bằng bẫy

Rùa tai đỏ
Ngoài các cơ quan quản lý, cuộc họp có sự tham gia của một số chuyên gia về sinh vật học. Báo Hà Nội mới đã cho biết thông tin trên vào sáng 1/1/2011.

Theo công bố của PGS - TS Hà Đình Đức (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), tại hồ Hoàn Kiếm, rùa tai đỏ đã xuất hiện từ năm 2004 và chúng có sức sống tốt trong nhiều môi trường khác nhau. Rùa tai đỏ được tổ chức môi trường thế giới xếp vào hàng 100 loài xâm hại môi trường mạnh nhất...

GS - TS Mai Đình Yên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về rùa tai đỏ. Tuy nhiên, các nguồn tư liệu nước ngoài cho thấy rùa tai đỏ khi bé thường ăn thịt, lớn lên ăn cỏ và đến nay chưa có tư liệu nói rằng chúng ăn tảo. Rùa tai đỏ có thể ăn côn trùng trên cạn, tôm, cua, kể cả động vật có xương sống nhỏ.

TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết: Sở sẽ sớm trình thành phố giải pháp bắt rùa tai đỏ khi chúng ở dưới nước và trên cạn nhưng vẫn bảo đảm mỹ quan đô thị, không làm ảnh hưởng đến loài rùa đặc hữu ở hồ. Công việc sẽ được tiến hành khẩn trương, nhưng trước khi áp dụng tại hồ Hoàn Kiếm thì cần thử nghiệm bắt rùa tai đỏ tại một hồ nào đó, để kiểm tra tính khả thi.

Hiện nay, Sở KHCN đã thành lập một tổ công tác chịu trách nhiệm bắt rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm.

Động đất ở tỉnh Sơn La nhưng không gây thiệt hại

Động đất không gây thiệt hại về người và của.
Ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định hai trận động đất xảy ra tại tỉnh Sơn La vào lúc 1 giờ 50 phút và 4 giờ 44 phút ngày 31/12, tại huyện Sông Mã, không gây thiệt hại gì về người và tài sản do tâm điểm động đất tại vùng núi thưa dân cư.

Theo đánh giá ban đầu, trận động đất gây chấn động cấp VI ảnh hưởng đến các tỉnh Điện Biên, các huyện miền núi Quan Hóa và Bá Thước thuộc tỉnh Thanh Hóa và một phần bên lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giáp với huyện biên giới Sốp Cộp của tỉnh Sơn La.

Đây là vùng động đất đang hoạt động kể từ đầu năm đến nay và còn có khả năng xảy ra những trận động đất tiếp theo.

Hiện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

2011: Năm quốc tế về rừng

Thông tin được đăng tải trên Website ThienNhien.Net cho biết: Liên Hợp Quốc đã chính thức tuyên bố năm 2011 là Năm Quốc tế về rừng.

Ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, mỗi năm 130.000km² rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Điều này khiến cho môi trường sống của 2/3 loài trên Trái đất bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy giảm, và với đà này, trong tương lai không xa, mỗi ngày chúng ta sẽ phải nói lời chia tay với 100 loài.

Thông qua các hoạt động trong Năm Quốc tế về rừng tại các quốc gia và khu vực, Liên Hợp Quốc mong muốn mật độ che phủ rừng trên toàn thế giới sẽ gia tăng đáng kể thông qua quản lý rừng bền vững (SFM), bao gồm bảo vệ, phục hồi trồng rừng và tái trồng rừng, cùng những nỗ lực ngăn chặn suy thoái rừng.

Đồng thời, giảm những tác động kinh tế, xã hội và môi trường đến rừng bằng cách cải thiện sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Quốc Minh

10 vấn đề công nghệ sẽ “nóng" trong năm 2011

Quản Trị Mạng - QuanTriMang.com:
10 vấn đề công nghệ sẽ “nóng" trong năm 2011
Cập nhật lúc 16h18' ngày 16/12/2010

Công nghệ hình ảnh 3 chiều, cuộc chiến máy tính bảng trở nên khốc liệt hơn, lưu trữ trực tuyến và điện toán đám mây… được dự báo sẽ là những vấn đề công nghệ gây “sốt” trong năm 2011.

Hệ điều hành Chrome OS được chờ đợi bấy lâu sẽ chính thức trình làng, hàng loạt mẫu máy tính bảng được hứa hẹn trong năm 2010 sẽ ra mắt thị trường, những chiếc điện thoại thông minh sẽ trở nên thông minh hơn. Facebook và Google sẽ tiếp tục hợp tác hay cạnh tranh với nhau.

Và đây là những vấn đề công nghệ chính đáng chú ý trong năm 2011 sắp tới:

Ứng dụng công nghệ 3D

Nếu như trong năm 2010, 3D được xem là một bước đột phá lớn thì sang năm 2011, công nghệ này được dự báo sẽ vươn lên đỉnh cao mới. Hãng Sky đã có kênh truyền hình 3D TV đầu tiên của mình, đánh dấu việc đưa công nghệ 3D tới các hộ gia đình. Cùng với đó là sự bùng nổ của đầu đĩa 3D Bluray với đủ mức giá phù hợp với túi tiền của từng đối tượng người tiêu dùng, sự xuất hiện của những chiếc laptop 3D, nội dung 3D ngày càng phong phú. Máy chơi game cầm tay Nintendo 3DS cũng được hứa hẹn sẽ lên kệ. Ngoài ra, hàng loạt các bộ phim được trình chiếu dưới dạng 3D chắc chắn sẽ khiến công nghệ này gần gũi với mọi người hơn.

3D sẽ là công nghệ phổ biến và vươn xa trong năm 2011?

HTC đã nhanh chân gia nhập trào lưu 3D bằng mẫu điện thoại di động 3D đầu tiên. Apple cũng đã bắt đầu gia nhập cuộc chơi mới mẻ này bằng việc đăng ký sở hữu bằng sáng chế một màn hình hiển thị 3D tự động đơn giản, đẹp mắt và dĩ nhiên không cần đeo kính dành cho các thiết bị cầm tay như iPod, iPhone và iPad.

Cuộc chiến máy tính bảng khốc liệt hơn

2011 được dự báo sẽ là năm chứng kiến những cuộc chiến giữa những chiếc máy tính bảng đình đám như BlackBerry PlayBook của RIM hay iPad 2 của Apple. Đặc biệt là sự góp mặt của đội quân tablet Android ngày càng đông đảo. Các phiên bản Android 2.3 và Android 3.0 xuất hiện sẽ khiến những chiếc tablet Android trở nên thân thiện hơn. Ngoài ra, còn phải kể đến bộ vi xử lý Oak Trail của Intel dành riêng cho tablet sẽ được đưa vào sản xuất đầu năm tới.

Máy tính bảng càng trở nên "hot" trong năm 2011 với nhiều đối thủ cạnh tranh

Chúng ta cũng hy vọng sẽ có sự góp mặt của những chiếc máy tính bảng do gã khổng lồ tìm kiếm Google sản xuất. Năm 2011 chắc chắn sẽ là năm tablet ào ạt đổ bộ ra thị trường.

Điện toán đám mây và lưu trữ trực tuyến

Năm 2011 là năm đánh dấu sự xuất hiện của hệ điều hành Chrome OS trên các sản phẩm công nghệ. Đây là hệ điều hành hoạt động hoàn toàn bên trong một trình duyệt, có nghĩa là mọi người có thể tiếp cận nó qua Chrome browser trên mọi máy tính, kể cả Windows PC hoặc Mac. Đặc biệt Chrome OS hỗ trợ điện toán đám mây (cloud computing), trong đó, các chương trình không cần cài đặt trên máy tính mà được truy cập qua trình duyệt, còn dữ liệu của người sử dụng sẽ nằm trên máy chủ Internet thay vì được lưu trong PC.

Điều này rất hữu ích bởi hiện nay chúng ta cần làm nhiều việc trên máy tính ngay trên đường hơn là tại nhà, chúng ta cũng chuyển từ thiết bị này sang dùng thiết bị khác liên tục: smartphone sang tablet, desktop sang laptop… Điện thoại và tablet không có khả năng lưu trữ tất cả những gì chúng ta muốn. Vì vậy, lưu trữ bằng điện toán đám mây là phương sách tốt nhất.

Lưu trữ trực tuyến cũng đang là một xu hướng được nhiều người quan tâm. Các mạng lưới của chúng ta đã đủ nhanh và có công nghệ nén đủ tốt cho nhu cầu lưu trữ các bộ phim và bản nhạc. Hãng Netflix (Mỹ) đang có kế hoạch trình làng một dịch vụ lưu trữ video. Riêng ở Anh đã xuất hiện dịch vụ iPlayer cho phép người dùng xem và tải các chương trình về máy tính, thậm chí là thông qua cả điện thoại di động.

Kể từ khi Apple thâu tóm dịch vụ lưu trữ nhạc Lala.com hồi đầu năm nay, một phiên bản lưu trữ của iTunes cũng đang được chờ đợi ngày ra mắt.

Các dịch vụ định vị

Trong năm 2010, các dịch vụ định vị đều đang ở trong giai đoạn “thai nghén” nhưng năm 2011, những dịch vụ này sẽ phát triển và đóng một phần quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Dịch vụ Google Maps sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn cảnh về nơi mà bạn đang lên kế hoạch đi du lịch hoặc các địa điểm mua sắm. Facebook cũng đang thúc đẩy dịch vụ Deal kết hợp FourSquare-a-like Places với Groupon-esque.

Dịch vụ định vị trong tương lai sẽ tích hợp với các ứng dụng khác để giúp chiếc smartphone của bạn thông minh hơn, có thể tùy chỉnh chế độ theo địa điểm mà bạn đang có mặt. Ví dụ với Nokia Situations, điện thoại của bạn sẽ tự động tắt chuông khi bạn đang ở những nơi cấm tiếng ồn. Các nhà sản xuất điện thoại Android cũng đang nghiên cứu để tích hợp các tính năng kiểu này vào sản phẩm của họ.

Augmented Reality (công nghệ tương tác thời gian thực - AR)

AR (Augmented Reality) là công nghệ sử dụng tín hiệu từ hình ảnh thực tế thông qua định vị GPS, camera, micro rồi cung cấp cho người dùng những thông tin cụ thể. Công nghệ này thường được biết đến với các ứng dụng dẫn đường thế hệ mới, giúp người dùng tương tác trực tiếp với môi trường xung quanh trên các điện thoại chạy iOS hay Android. Lấy thí dụ ứng dụng Google Sky map sẽ đưa thông tin chi tiết các ngôi sao hay thiên thể khi camera điện thoại chỉ đến. Hoặc trình duyệt Layar cung cấp về nhà ở, khu mua sắm, máy rút tiền ATM, nhà hàng nổi tiếng...

Tương tác thời gian thực sẽ giúp ích nhiều cho cuộc sống

Sang năm 2011, AR sẽ tiếp tục tiến tới trở thành công nghệ hàng ngày. Phiên bản thế hệ mới nhất của Google Earth đang cho chúng ta thấy cách để xóa nhòa ranh giới giữa thế giới thực và ảo ngày một rõ hơn.

Trang:
Theo Dân Trí

10 vấn đề công nghệ sẽ “nóng" trong năm 2011 (Bạn đang ở trang 2)
Cập nhật lúc 16h18' ngày 16/12/2010

Màn hình tablet sắc nét hơn

Các nhà sản xuất đã lỗi hẹn với người tiêu dùng trong việc đưa màn hình OLED vào sản phẩm máy tính bảng mà chỉ có thể đưa công nghệ màn hình này đến điện thoại di động. Chỉ có một lý do đơn giản: đó là nhu cầu quá lớn cho tấm màn hình OLED kích cỡ điện thoại di động. Tuy nhiên, những chiếc máy tính bảng sở hữu màn hình OLED lớn với hình ảnh sống động hơn, thời lượng pin dài hơn và thiết kế mỏng chắc chắn sẽ được trình làng trong năm 2011. Apple được đồn đoán sẽ mang công nghệ màn hình Retina Display cho iPad.

Các vấn đề về chất lượng mạng di động

Trong năm 2011, tất cả điện thoại smartphone, các ứng dụng lưu trữ trực tuyến và tablet 3G sẽ kết nối dễ dàng với các mạng di động cùng tốc độ siêu nhanh, siêu ổn định cũng như truy cập Internet tốc độ cao.

Tuy nhiên, người dùng sẽ phải lựa chọn giữa việc truy cập đắt đỏ hoặc nghẽn mạng vì quá tải. Nhà nghiên cứu As John Levett của Jupiter Research giải thích “Năm 2010 là năm mà lưu lượng truy cập dữ liệu di động tăng đột biến do sự bùng nổ người dùng smartphone, điều đó khiến mạng 3G bị quá tải nghiêm trọng. Một số nhà khai thác mạng đã đối phó với tình trạng này bằng các gói dữ liệu với từng mức giá khác nhau – một xu hướng chắc chắn sẽ tăng nhanh – nhưng số lượng người dùng smartphone vẫn không ngừng tăng lên, do đó việc thử nghiệm mở rộng dung lượng mạng sẽ được tiến hành trong năm 2011”.

Thanh toán bằng điện thoại di động

Tại sao phải mang theo một đống giấy tờ hóa đơn bên người khi chiếc điện thoại của bạn có thể thực hiện được tất cả dịch vụ thanh toán từ hóa đơn siêu thị, vé máy bay…Trong năm 2011 tới, chiếc điện thoại của bạn có thể trở thành một chiếc thẻ Oyster Cards hay thậm chí là thẻ tín dụng.

E-Ink (Mực điện tử)

Trong mùa lễ Giáng Sinh năm nay, hãng bán lẻ trực tuyến Amazon đã tung ra thị trường hàng loạt các thiết bị sử dụng mực in điện tử. HTC hiện đang tiến hành thử nghiệm một loại công nghệ màn hình có thể tích hợp cả việc sử dụng mực điện tử cho các sản phẩm của hãng, trong khi đó thiết bị E-Ink màu đầu tiên đã được bán ra tại Trung Quốc hồi tháng trước.

Sự kết hợp e-ink màu với thiết bị đọc sách điện tử cảm ứng của Sony đã mang lại cho người sử dụng những trải nghiệm tuyệt vời.

Kho ứng dụng

Hiện nay, các hãng công nghệ đang ồ ạt cho ra mắt hàng loạt các kho ứng dụng dành riêng cho từng loại thiết bị. Bên cạnh các cửa hàng ứng dụng thiết bị di động khác nhau, Apple đang chuẩn bị trình làng kho ứng dụng dành riêng cho máy Mac. Ngoài ra, khi Windows 8 ra mắt, nhiều khả năng sẽ có kho ứng dụng riêng cho nền tảng này.

Trang:
Theo Dân Trí

Estonia quyết định gia nhập Khu vực đồng Euro

Vietnam+ (VietnamPlus)
01/01/2011 | 10:47:00

Thủ tướng Estonia Andrus Ansip cầm những đồng Euro đầu tiên từ một máy rút tiền tự động. (Nguồn: Reuters)

Estonia đón chào Năm mới 2011 bằng việc thông qua quyết định gia nhập Khu vực đồng Euro vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trở thành thành viên thứ 17 của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trong buổi lễ kỷ niệm sự kiện Estonia gia nhập Khu vực đồng Euro, diễn ra tại Nhà hát Opera quốc gia ở thủ đô Tallinn, Thủ tướng nước này Andrus Ansip cùng một số quan khách nước ngoài đã rút những đồng Euro đầu tiên từ một máy rút tiền tự động đặt bên ngoài nhà hát, trước sự chứng kiến của khoảng 5.000 người có mặt tại đây chào mừng sự kiện này và đón chào Năm mới, bất chấp cái rét dưới 0 độ C.

Giơ cao đồng Euro trên tay, Thủ tướng A. Ansip khẳng định nước này tự hào là thành viên chính thức của một khu vực tài chính lớn thứ hai thế giới. Ông nhấn mạnh đồng Euro là vật đảm bảo đầu tiên cho an ninh của Estonia.

Trong thông điệp phát đi trước đó vài giờ từ trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso hoan nghênh Estonia gia nhập Khu vực đồng Euro, khẳng định đây là một tín hiệu mạnh mẽ về sức hấp dẫn và sự ổn định mà đồng tiền này có thể mang lại cho tất cả các nước thành viên EU.

Nhằm tránh gây xáo trộn đời sống, Chính phủ Estonia cho phép mọi khách hàng giao dịch ở nước này được đổi miễn phí đồng tiền nội địa sang đồng Euro từ ngày 1/12/2010, và được sử dụng song song cả tiền cũ và tiền mới trong 2 tuần đầu của tháng 1/2011.

Việc đổi tiền có thể được thực hiện tại một số chi nhánh ngân hàng nhà nước cho đến hết năm 2011 và tại Ngân hàng Trung ương trong thời gian không hạn định. Tiền gửi trong ngân hàng sẽ được chuyển đổi tự động.

Việc Estonia gia nhập Khu vực đồng Euro đang nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận trong nước, với 50% số người được hỏi ủng hộ và 40% phản đối, số còn lại không bầy tỏ quan điểm.

Những người phản đối chủ yếu nêu lý do thời điểm, vì nhiều quốc gia trong Khu vực đồng Euro đang trải qua cuộc khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước.

Những người ủng hộ, bao gồm lãnh đạo chính quyền và nhiều nhà kinh tế Estonia, cho rằng đồng Euro sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại của Estonia vì 70% khối lượng giao dịch ngoại thương của nước này được thực hiện với các nước thành viên EU./.

(TTXVN/Vietnam+)