Trung Quốc chỉ là “hổ giấy” về quân sự?

Bee - Khoa học & Đời sống Online:
28/12/2010 10:43:02

- Tờ Washington Post của Mỹ đã đăng bài bình luận về sức mạnh quân sự thực sự của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Dù đạt được nhiều thành tích trong công cuộc hiện đại hóa quốc phòng song giới chuyên gia cho rằng khả năng quân sự của Trung Quốc đã được phóng đại. Theo tờ Washington Post, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt là của Nga.

Chưa sản xuất nổi động cơ máy bay?

Báo chí Nga và các chuyên gia quốc phòng cho biết là sau nhiều năm phát triển, Trung Quốc vẫn chưa thể chế tạo động cơ máy bay quân sự.


Tháng trước, các quan chức Trung Quốc nói với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov là họ sẽ lại mua vũ khí Nga, sau nhiều năm trời gián đoạn. Trong danh sách Bắc Kinh muốn mua có máy bay tiêm kích Sukhoi 35, các phương tiện vận tải hàng không, máy bay vận tải quân sự IL 476, máy bay tiếp liệu trên không IL 478 và hệ thống phòng không S-400.

Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công nghệ Chiến lược, đồng thời là cố vấn của Bộ Quốc phòng Nga, được tờ Washington Post trích lời dự báo Trung Quốc cần một thập niên nữa để hoàn thiện động cơ máy bay. Ông nói: “Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào chúng tôi và sẽ tiếp tục như vậy trong thời gian tới”.

Thực lực thực sự của Trung Quốc về tàu ngầm

Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh về tàu ngầm. Theo nguồn tin báo chí, tháng 10/2006, một tàu ngầm tấn công động cơ diesel thuộc lớp Tống của Trung Quốc đã bí mật bám theo hàng không mẫu hạm Mỹ USS Kitty Hawk và chỉ cách có 4 dặm mà không bị phát hiện.

Trong hai năm qua, Trung Quốc đã chế tạo được ít nhất là một tàu ngầm lớp Tấn chạy bằng năng lượng nguyên tử, trang bị tên lửa đạn đạo. Trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ có thêm 5 tàu ngầm loại này.


Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) nhận định, tàu ngầm lớp Tấn cho phép Trung Quốc có đủ khả năng đánh trả một cuộc tấn công hạt nhân với tên lửa đạn đạo tầm xa 4.000 dặm. Thế nhưng, trong một báo cáo gần đây, ONI cũng nói rõ tàu lớp Tấn còn ồn hơn cả tàu ngầm do Liên Xô cũ chế tạo cách đây 30 năm. Do vậy, nó có thể bị phát hiện sớm, ngay sau khi rời cảng.

Tình trạng phụ thuộc kéo dài vào các nhà cung ứng vũ khí Nga cho thấy sự thật quan trọng về bộ máy quân sự của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ đã có những thay đổi để đối phó với sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc, giới chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng phải nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên nữa Trung Quốc mới có thể chế tạo được tên lửa đạn đạo tấn công tàu chiến.

Báo cáo trên dẫn lời Giám đốc dự án Thông tin Hạt nhân của Mỹ, ông Hans Kristensen cho biết: “Hiện có xu hướng nói về Trung Quốc như một mối đe dọa quân sự lớn sẽ xảy ra trong tương lai. Thế nhưng, các tàu ngầm Trung Quốc mang tên lửa đạn đạo lại là những mục tiêu dễ bị tấn công”.

Trà My (tổng hợp)


VTC:

Vài nét về thủy phi cơ SH-5 của hải quân Trung Quốc

28/12/2010 08:53
Với thiết kế đặc biệt, thủy phi cơ SH-5 đóng vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ tầm xa.

Đồng thời, SH-5 là phương tiện yểm trợ hữu hiệu cho chiến lược mới của Hải quân Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Giới chức quân sự Trung Quốc coi những chiếc SH-5 là một phương tiện bí mật của hải quân và chưa hề tiết lộ về kỹ thuật. Tuy nhiên, điều dễ thấy là SH-5 có độ bền chắc và khả năng cất hạ cánh tốt trên mặt nước.


Chúng được chế tạo để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trên biển. Do đó, sẽ đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong chiến lược mới của Trung Quốc, từ nhiệm vụ bảo bệ bờ biển sang phòng vệ xa bờ cũng như làm lực lượng hộ tống cho tàu thương mại.

Tổng quan về SH-5

Sau nhiều năm nghiên cứu, đến đầu năm 1970, Tập đoàn chế tạo máy bay Cáp Nhĩ Tân (HAMC) và Viện Chế tạo thủy phi cơ Trung Quốc đã chính thức cho ra mắt hình dạng đầu tiên về chiếc thủy phi cơ với 4 động cơ cánh quạt.

Năm 1971, các nhà khoa học Trung Quốc bắt đầu tiến hành các thử nghiệm, tuy nhiên "Cách mạng văn hóa" làm ngưng trệ dự án này.

Đến tháng 8/1974, công việc nghiên cứu, chế tạo được khởi động lại. Ngày 3/4/1976, chuyến bay thử đầu tiên được thực hiện và thu về những kết quả khả thi, tạo động lực quan trọng cho chương trình.

Mặc dù được chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm, dự án chế tạo này chỉ cho ra đời một loạt 6 chiếc SH-5 trong hai năm 1984 và 1985. Sau đó, 4 chiếc được chuyển giao cho lực lượng không quân hải quân thuộc Hạm đội Bắc Hải vào năm 1986. Căn cứ chính của chúng xây dựng gần Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông).

Tổng quan về SH-5

Các thông số cơ bản của SH-5: chiều dài 38,9 mét, sải cánh 36 mét, cao 9,8 mét, diện tích cánh 144 mét vuông, trọng lượng rỗng 26.500 kg (58.422 lb), trọng lượng cất cánh tối đa 45.000 kg (99.208 lb).

Máy bay trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt Dongan WJ5A, công suất 2.350 kW (3.150 HP) mỗi chiếc.


SH-5 có vận tốc cực đại 556 km/h (300 hải lý/h, 345 dặm/h), vận tốc tuần tiễu 450 km/h (243 hải lý/h, 280 dặm/h), tầm bay 4.750 km, trần bay 10.250 m (33.650 ft), vận tốc lên cao 9.0 m/s (1.770 ft/phút). Máy bay có thể bay liên tục từ 12 - 15 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu (bay bằng 2 động cơ).

Các động cơ của SH-5 được chế tạo dựa trên phiên bản động cơ thủy phi cơ loại Be-12 của Nga và US-1A của Nhật, vỏ làm hoàn toàn bằng thép nhẹ, thân đơn, có độ bền cao, chống sự va đập tốt khi đáp xuống mặt nước có sóng lớn.

Theo thiết kế ban đầu, SH-5 được trang bị một số vũ khí như tháp súng 23 mm trên lưng, 4 giá treo mang được 6.000 kg vũ khí, tên lửa đối hạm loại YJ-1 (C-101), ngư lôi chống tàu ngầm, thiết bị đo độ sâu, thủy lôi và bom, nhằm sử dụng cho các mục đích tác chiến đối hải và chống ngầm.


Hệ thống điện tử hàng không bao gồm: thiết bị thông tin vô tuyến, thiết bị điều khiển bay, hệ thống radar điều khiển Doppler, thiết bị cảm biến hồng ngoại, màn hình và hệ thống chỉ thị số liệu.

Tuy nhiên, lúc đó Trung Quốc thiếu hụt về khả năng kỹ thuật và vũ khí cho nên chỉ đủ trang bị phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra và trinh sát biển. Về sau, các nhà khoa học nước này đã liên tục nâng cấp bổ sung và tích hợp các thiết bị mới bảo đảm phục vụ cho các hoạt động tác chiến hải quân, đặc biệt được tích hợp các thiết bị tình báo điện tử (trinh sát kỹ thuật) và vũ khí tiến công có hỏa lực mạnh.

Theo một số nguồn tin, SH-5 được nâng cấp cơ bản và trang bị một số loại vũ khí hiện đại như: bom điều khiển bằng laser, tên lửa không đối không PL-5, tên lửa chống hạm chiến thuật tầm trung YJ-82 (phiên bản được trang bị trên máy bay JH-7 của hải quân), radar kiểm soát bắn JL-10A, hệ thống tác chiến điện tử, ngư lôi chống tàu ngầm, thiết bị đo độ sâu và thủy lôi. Dù vậy hải quân Trung Quốc khá kín đáo về vũ khí và khả năng tác chiến của loại thủy phi cơ này.

Khả năng tác chiến

Do được trang bị hệ thống tên lửa đối hạm loại YJ-1 (C-101), sau đó được nâng cấp bằng loại tên lửa chống hạm chiến thuật tầm trung YJ-82 (C-802) và hệ thống radar kiểm soát bắn JL-10A, khả năng thực hiện tác chiến chống hạm của thủy phi cơ SH-5 được nâng một bước đáng kể.

Ngoài những đặc tính như cất hạ cánh trên mặt nước, tốc độ bay nhanh, trần bay cao cùng kết cấu khá chắc chắn đã khiến SH-5 trở nên linh hoạt trong tác chiến chống hạm.


SH-5 có thể tiến công vào các mục tiêu trên biển bằng bom điều khiển bằng laser, tên lửa YJ-82 (C-802), có thể tiến công các mục tiêu đó khi hạ cánh xuống mặt nước như một chiến hạm. Với đặc tính là thủy phi cơ cho nên SH-5 trở thành một mục tiêu khó bị phát hiện và tiêu diệt khi đối phương truy kích.

Nhờ trang bị ngư lôi, radar nén xung hiện đại, thiết bị phát hiện tàu ngầm đang lặn tần số thấp cùng các thiết bị điện tử hiện đại khác như máy thu cảnh báo đỏ và hệ thống điều khiển Doppler, thủy phi cơ có khả năng phát hiện, định vị và tiêu diệt nhanh các mục tiêu là tàu ngầm ngay cả khi đang bay hoặc hạ cánh xuống mặt nước.

Ngoài khả năng tác chiến linh động và hỏa lực mạnh, SH-5 có thể hoạt động ở tầm xa, vươn tới những nơi xa xôi trên biển cả nhờ vào một số ưu điểm như: có động cơ ổn định, 4 động cơ có thể thay nhau hoạt động ngay cả khi bay, khoang chứa nhiên liệu lớn, bảo đảm bay liên tục trong 15 giờ, khoang vận tải lớn có thể mang theo tới 8000 kg nhiên liệu (1 trong 4 chiếc SH-5 đã được sử dụng vào mục đích vận tải và tiếp nhiên liệu).

Đặc biệt, thủy phi cơ có thể hạ cánh xuống mặt nước và hoạt động như một chiếc tàu chiến thông thường.

Tác chiến trên biển


SH-5 có thể hoạt động độc lập không cần sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật khác, có khả năng tự cung ứng nhiên liệu từ khoang chứa ngoài. Bên cạnh đó, SH-5 còn đảm trách nhiệm vụ vận tải và tiếp tế cho các hạm tàu tác chiến dài ngày trên biển.

Với công tác cứu hộ và cứu nạn, SH-5 đã phát huy khá tốt vai trò của mình, sẵn sàng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bảo đảm hoạt động trong môi trường sóng biển lớn.

Khả năng này đã được lực lượng không quân hải quân Hạm đội Bắc Hải chứng minh trong đợt diễn tập cứu hộ và cứu nạn trên khu vực biển Hoàng Hải hôm 14/12/2010.

Từ trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại cùng ưu điểm cất hạ cánh trên mặt nước, có tính độc lập cao và hoạt động ở tầm xa, SH-5 được giới chuyên gia quân sự đánh giá là một phương tiện yểm trợ hữu hiệu cho tác chiến hải quân và chiến lược biển mới của Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét