Việt Nam - năm ấn tượng

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 9:06 AM, 01/01/2011

(VOV) - Với những thành tích tăng trưởng ấn tượng và vị thế trên trường quốc tế gia tăng, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để “bứt phá” nhưng đồng thời cũng gặp phải thách thức không nhỏ

GDP tăng trưởng ấn tượng

GDP năm 2010 đạt 6,78% là con số được Tổng cục Thống kê công bố trong cuộc họp báo sáng 31/12. Như vậy, mục tiêu đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay đã được vượt qua.

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP quý 1/2010 đạt 5,84%, nhưng đến quý 2 đã tăng 6,44%, quý 3 tăng 7,18% và quý 4 ước tăng 7,34%. Như vậy, mức tăng GDP quý 4 năm nay đạt cao nhất kể từ quý 2/2008.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mức tăng trưởng GDP năm nay đạt được do tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp và xây dựng đạt cao nhất trong các ngành kinh tế cấp 1, tăng 7,7%; tiếp đến là dịch vụ tăng 7,52%; khu vực nông, lâm và thủy sản tăng năm nay tăng 2,78%.

Thành quả này cũng được ghi nhận tại Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 12/2010 của Ngân hàng Thế giới (WB): “Trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá nhanh và ổn định”.

Theo Báo cáo này, WB cho rằng: “Mặc dù tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu không đều khắp trên toàn thế giới, khu vực châu Á vẫn đạt được thành tích khá tốt. Đặc biệt, trong khu vực châu Á và Việt Nam vẫn tiếp tục đạt thành tích tăng trưởng khá ấn tượng. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương (EAP) trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và vẫn duy trì được vị trí đó cả sau khủng hoảng. Sau khi đạt mức tăng trưởng GDP thực 5,3% trong năm 2009, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong khoảng 6,5-6,7% trong năm 2010”.

Nhìn nhận Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nhà báo Kavi, nguyên Tổng biên tập tờ Nation của Thái Lan cho rằng, trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định vai trò là một nền kinh tế chủ lực trong khối. “Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số đầy ấn tượng, Việt Nam đã có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế ASEAN trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu”- nhà báo Kavi viết.

Và điều quan trọng, việc Intel khánh thành nhà máy kiểm thử vi mạch lớn nhất thế giới tại TP HCM cho thấy cộng đồng đầu tư quốc tế vẫn đánh giá cao Việt Nam bằng hành động.

Vị thế được khẳng định

“Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 8 cuối tháng 11 cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế gia tăng. Đó là một thực tế chứ không chỉ là “lời ca ngợi”- Nhà báo kinh tế Trần Ngọc Châu (Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn) khẳng định.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Quan chức Cao cấp Việt Nam tại ASEAN: Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề ra được những ưu tiên chung phù hợp cho năm 2010 và đã điều phối chủ động và hiệu quả các hoạt động trong năm, trên tất cả các khuôn khổ và các kênh. Việt Nam đã nỗ lực trong việc tăng cường, mở rộng và làm sâu sắc thêm các quan hệ đối ngoại của ASEAN, cùng phấn đấu vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.

Ông Vinh khẳng định: “Các nước đánh giá rất cao việc Việt Nam đã điều phối để đi đến đồng thuận cao về quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) và mời Nga và Mỹ tham gia làm thành viên, về việc khởi động và triệu tập Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), cũng như về việc tổ chức Cuộc họp đầu tiên những người đứng đầu các cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA), việc thông qua Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền đi biển gặp nạn, Chương trình hành động thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF đến 2020, cùng nhiều văn kiện khác, coi đây là những đóng góp quan trọng và có ý nghĩa lâu dài đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực”.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2010 và đóng góp của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN khẳng định: “Năm 2010, ASEAN đã hoạt động rất thành công trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam, các mục tiêu hợp tác nội và ngoại khối nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đều được thúc đẩy thực hiện; thế và lực của ASEAN với vai trò là động lực và là trung tâm trong kết cấu hợp tác khu vực ngày càng được khẳng định và củng cố”.

Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên đều có chung ý kiến là Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có một năm hoạt động rất thành công; Việt Nam, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng AEC đã làm việc rất hiệu quả, tích cực và chuyên nghiệp, đã có nhiều sáng kiến thiết thực, góp phần quan trọng vào thành công chung của Hội đồng và của năm ASEAN 2010.

Năm 2010, Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN đã lần đầu tiên tham gia một diễn đàn quốc tế gồm những nền kinh tế mạnh nhất thế giới để bàn thảo các vấn đề kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều bài phát biểu quan trọng về các vấn đề như: triển khai Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại và đầu tư; cải cách các thể chế tài chính quốc tế; biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh…

Các sáng kiến cụ thể của Việt Nam như hình thành cơ chế phối hợp giữa G20 với các tổ chức khu vực như ASEAN trong việc triển khai các chính sách kinh tế; ra Tuyên bố chung của các nước G20, ASEAN, Eu, NAFTA, AU… nhằm thúc đẩy hoàn thành Vòng Doha, được hội nghị ủng hộ và ghi nhận trong Tuyên bố chung của Hội nghị. Việt Nam cũng tích cực chia sẻ các nước kinh nghiệm phát triển và xử lý các thách thức của quá trình phát triển với các nước, bao gồm cả xử lý khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu và thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại Thượng đỉnh G20 – cơ chế quản trị toàn cầu quan trọng hàng đầu - với những ý tưởng và sáng kiến mới, đã góp phần khẳng định năng lực đảm nhận các trách nhiệm quốc tế và tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên các diễn đàn, cơ chế hợp tác và quản trị toàn cầu. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm kép, một mặt đại diện xứng đáng cho các quan điểm và quyền lợi của ASEAN, mặt khác đã phản ánh được quan điểm, lợi ích và các mối quan tâm của Việt Nam, góp phần tiếp tục nâng cao hình ảnh và uy tín Việt Nam trên trường Quốc tế và củng cố quan hệ của nước ta với hàng loạt nước quan trọng nhất trên thế giới.

Thành công của các hoạt động lớn này đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng cộng đồng quốc tế về quyết tâm và năng lực của Việt Nam hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng của đất nước tới các nước và các doanh nghiệp quốc tế.

Hội nghị WEF Đông Á 2010 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam cũng là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Hội nghị đã thu hút số lượng tham dự đông nhất từ trước tới nay với hơn 450 đại biểu gồm các chính khách cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, học giả.

Việt Nam đã thể hiện rất chủ động vai trò của nước chủ nhà thông qua sự tham dự tích cực của 13 diễn giả Việt Nam gồm các lãnh đạo chính phủ; lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo doanh nghiệp tại 16/20 phiên cho chương trình chính thức của Hội nghị (trong đó ta tham dự 4/5 phiên toàn thể). Bài phát biểu định hướng khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gây được tiếng vang lớn, các nội dung thảo luận của hội nghị cũng như các ý kiến đóng góp của các diễn giả Việt Nam đều được các đại biểu đánh giá cao.

Việc tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã gây dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị, góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi và các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.

Khép lại năm 2010, ASEAN và các nước, bạn bè đều đánh giá chung là một Năm ASEAN rất thành công, với đậm dấu ấn nước Chủ tịch Việt Nam và vai trò chủ động, tích cực và nổi bật của ASEAN, thông qua các hoạt động dồn dập, hiệu quả và với nhiều kết quả và quyết sách quan trọng trên nhiều mặt hợp tác.

ASEAN đã thực sự phát huy vai trò quan trọng và không thể thiếu trong nỗ lực chung nhằm củng cố và tăng cường môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.

Nhìn vào những kết quả nêu trên, có thể thấy rõ những đóng góp quan trọng và dấu ấn đậm nét của Việt Nam, một Chủ tịch năng động, tích cực, trách nhiệm, công tâm, được bạn bè tin cậy và đánh giá cao.

Chuẩn bị cho một năm mới triển vọng

Theo WB, cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam nổi bật không chỉ nhờ thành tích tăng trưởng cao mà còn do xu hướng tương đối ổn định. Chính vì vậy, tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau những trầm lắng của năm 2009 là chậm hơn so với các nước đã có tăng trưởng âm vào năm ngoái. Và thành tích tăng trưởng ấn tượng cũng song hành với một số vấn đề kinh tế vĩ mô.

Theo phân tích của WB, dấu hiệu rủi ro đầu tiên xuất hiện vào năm 2007 khi nền kinh tế Việt Nam đón nhận một luồng vốn ngoại tăng vọt chưa từng thấy ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, khởi đầu cho cuộc bùng nổ tín dụng và bong bóng giá tài sản.

Kể từ đó, vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn với một loạt cú sốc từ bên ngoài - giá cả hàng hóa thế giới tăng trong năm 2008, khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu trong năm 2009 và khủng hoảng nợ quốc gia năm 2010 ở Châu Âu.

Việt Nam hiện nay rơi vào tình trạng không mong muốn với tỉ lệ lạm phát cao nhất trong toàn bộ khu vực Đông Á Thái Bình Dương (6,5%) trong năm 2009 và khoảng trên dưới 10% trong năm 2010.

Bên cạnh tỉ lệ lạm phát cao, Việt Nam còn phải đối mặt với sức ép về tiền tệ, mức dự trữ ngoại hối sụt giảm, thị trường chứng khoán ảm đạm và chênh lệch lãi suất quốc gia cao so với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh khác ở Châu Á.

Như vậy, theo WB, mặc dù là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, Việt Nam cũng là một ngoại lệ so với xu hướng của các thị trường mới nổi nói chung là đồng tiền mạnh hơn, luồng vốn đổ vào mạnh mẽ và dự trữ ngoại hối tăng.

Theo Nhà báo Kinh tế Trần Ngọc Châu, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra cho các năm tới, thì xuất khẩu vẫn phải là quốc sách: “Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính, một số nhà xuất khẩu Việt Nam được khuyến khích quay về thị trường nội địa, nhưng ta nên biết rằng đó chỉ là “tránh bão”, là giải pháp tình tế”./.

Trí Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét