Năm 2011 còn nhiều thách thức lớn

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 8:46 PM, 31/12/2010

(VOV) - Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, sang năm 2011, đất nước ta còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn: lạm phát tăng cao, giảm nghèo chưa bền vững và nhiều vấn đề xã hội khác…

Chiều 31/12, tại Hà Nội, họp báo Chính phủ cuối năm 2010. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì họp báo.

Tăng trưởng trong khó khăn

Kết thúc 2010, là năm thứ 3 chúng ta phải đối phó với khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới và sự suy giảm kinh tế của nước nhà. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao; riêng tháng 12 tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt hơn 16%, tương đương trước thời kỳ trước suy giảm kinh tế thế giới.

Sản xuất nông nghiệp đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu. Giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cả năm ước tăng 4,69%.

Giá thóc gạo tăng cao đạt 6.000-7.000 đồng/kg, các loại gia cầm, thực phẩm đều tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 19 tỷ USD/tổng số 72 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, giá tăng thì nông dân được lợi và ngành nông nghiệp đạt một nửa do giá, một nửa do lượng. Việc phát triển nông nghiệp góp phần bảo đảm an ninh lượng thực, đời sống nước ta.

Khu vực dịch vụ tăng 58% so với 2009, trong đó thương mại đạt 1.561,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2009; dịch vụ thương mại trong nước tăng cao (thông qua cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt thành công) đạt xấp xỉ 25%. Thành công này đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,78%. “So với các nước khác, chúng ta đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, hồi phục kinh tế nhanh” – Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu cân đối vĩ mô năm nay đều được cải thiện. Thu ngân sách vượt dự toán 14,2% (hơn 60.000 tỷ đồng); kiềm chế được nhập siêu ở mức 17,3% (dự kiến ban đầu 20%) bằng 12,2 tỷ USD. “Chúng ta phải chấp nhận nhập siêu vì sự yếu kém của kinh tế nước nhà” – PTT Nguyễn Sinh Hùng nói.

Đầu tư nước ngoài không đạt dự kiến nhưng vẫn đạt 17 tỷ USD. Việt Nam vẫn là điểm đến tích cực của đầu tư. ODA cũng đạt xấp xỉ 8 tỷ (7,8 tỷ USD). Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 16 bậc và đứng thứ 59 trên thế giới. “Thế giới đánh giá chúng ta đã thoát khỏi nước nghèo và có thu nhập bình quân 1.168 USD/người/năm. Việt Nam được coi là một điểm sáng của thế giới về xóa đói giảm nghèo. Năm nay chỉ tiêu hộ nghèo giảm xuống còn 9,45%, giảm 1,85% so với năm 2009” – Phó Thủ tướng cho biết.

Thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng bên cạnh những thành công, năm 2010 vẫn còn một số hạn chế như: giá cả tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lãi suất ngân hàng cao, thâm hụt cán cân thanh toán khoảng 4 tỷ USD (năm 2009 là 8,8 tỷ USD).

Giá tăng, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, về chủ quan do chưa đảm bảo được cân đối kinh tế vĩ mô. Chi phí sản xuất còn cao (ví dụ, một nhà máy dùng điện tốn gấp đôi các nước khác; hoặc trong lĩnh vực công nghiệp phải nhập phụ trợ, nguyên, nhiên vật liệu, máy móc; Tổng nhập khẩu nước ta có tới 90% phục vụ cho sản xuất xuất khẩu).

Ngoài ra, thị trường vốn của Việt Nam còn yếu kém nên không có vốn, cổ phiếu trái phiếu không phát triển được. Yếu kém của thị trường tài chính – tiền tệ chưa đảm bảo cho sản xuất phát triển. “Ngân hàng một mình một sân nên lãi cao. Đây là yếu kém về cơ cấu kinh tế trong thị trường tài chính – tiền tệ. Điều hành của Chính phủ và Thống đốc chưa thực sự nhất quán” – Phó Thủ tướng thừa nhận.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu một số nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong nước, đó là: giá cả thế giới những tháng cuối năm tăng nhanh; giá dầu xấp xỉ 90 USD/thùng đẩy giá xăng dầu trong nước tăng lên ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, giá bán hàng hóa.

Ngoài ra, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chuyển dịch chậm do dành tiền để xóa đói, giảm nghèo, làm các công trình phúc lợi xã hội; Công nghiệp phụ trợ chậm phát triển nên phải nhập khẩu nhiều, thiếu USD, gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất, tiền tệ; sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao.

“Chúng ta chủ yếu mới dừng ở giải quyết việc làm, tiền lương” – Phó Thủ tướng nói.

Bước sang năm 2011, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, chưa bao giờ nước ta có cơ hội lớn như hiện nay để phát triển; tiềm lực kinh tế, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nghiệp, thế hệ trẻ và quyết tâm của toàn dân. Và chúng ta còn có tiền đề từ đỉnh cao công tác đối ngoại, an ninh, quốc phòng, văn hóa, du lịch năm 2010./.

Vũ Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét