Tránh vào Facebook bằng IE

Nhịp Sống Số - Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 28/05/2011, 11:34

TTO - Tất cả các phiên bản Internet Explorer đều có thể bị tin tặc khai thác đánh cắp dữ liệu nhạy cảm như thông tin nhận dạng khi truy cập Facebook hay email. Người dùng cần lưu ý khi sử dụng IE trước khi có bản vá chính thức được phát hành.

Thông tin nhận dạng đăng nhập mạng xã hội có thể bị khai thác qua lỗi trong trình duyệt IE - Ảnh minh họa: Internet

Lỗi nguy hiểm dạng zero-day (0-day) được khám phá bởi chuyên gia bảo mật Rosario Valotta, hiện diện trong tất cả các phiên bản của trình duyệt web Internet Explorer, có thể bị tin tặc lợi dụng khai thác để đánh cắp thông tin trong cookie (*).

Cơ chế bảo mật của trình duyệt IE thường ngăn chặn các website trên Internet nhúng các nội dung cục bộ (local), ví dụ như các nội dung từ ổ cứng của một người dùng vào trong iFrame. Tuy nhiên, Rosario Valotta đã phát hiện ra các cookie đã "miễn" cơ chế bảo mật này và có thể được nạp vào trong iFrame.

Các cookie này sẽ được đánh dấu là văn bản ẩn và chuyển đến iFrame ở cửa sổ chính của người dùng bằng cách kéo/thả. Để đánh lừa nạn nhân không nhận ra được hành động trên, Valotta đã "đóng gói" tất cả thao tác vào trong một trò chơi tương tự Angry Bird để thu hút "con mồi".

Video clip mô tả cách Valotta "đánh lừa" nạn nhân tham gia trò chơi và khai thác lỗi - Nguồn: YouTube


Tuy vậy, để khai thác lỗi này, tin tặc cần biết chính xác đường dẫn nơi lưu trữ cookie trên máy tính nạn nhân, mà đường dẫn này lại chứa đựng tên tài khoản đăng nhập Windows của nạn nhân. Mỗi phiên bản hệ điều hành Windows có các vị trí lưu trữ cookie khác nhau. Thông tin này có thể được phân tích thông qua đối tượng navigator.userAgent. Tin tặc cần chuẩn bị trước đường dẫn đầy đủ trước khi bắt đầu tấn công vào một nạn nhân

Để đối phó với tình huống trên, Valotta nhúng một hình ảnh được lưu trữ trên mạng chia sẻ SMB vào trong một website có mã độc. Bằng những thủ thuật cao cấp, Valotta vẫn có thể thu gom được đến 80 tập tin cookie từ 150 tài khoản Facebook trong danh bạ của mình từ đợt thử nghiệm khai thác lỗi.

Lỗi nguy hiểm đã được Valotta cảnh báo đến Trung tâm Ứng cứu Bảo mật của Microsoft vào ngày 28-1-2011 và Microsoft đã khắc phục nhanh chóng trong phiên bản IE9 khi phát hành phiên bản này vào 18-3. Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau đó, Valotta lại khám phá ra một lỗ hổng có thể cho phép đánh cắp cookie từ người dùng sử dụng IE9. Valotta đã trình diễn lỗi này tại hội thảo Hackinthebox vừa diễn ra ở Hà Lan (từ ngày 17 đến 20-5).

Người dùng đang sử dụng các phiên bản trình duyệt IE, kể cả các phiên bản mới như IE7, IE8 và IE9 được khuyến cáo tạm đổi sang sử dụng các trình duyệt web khác như FireFox, Chrome hay Opera. Cần có mức độ cảnh giác cao khi dùng IE9 lướt web, nhất là các trang mạng xã hội, webmail hay các dịch vụ có lưu trữ tài khoản.

Cookie (*): được xem là những tin nhắn đơn giản được máy chủ đang quản lý một website, chủ động gửi đến trình duyệt web đang dùng để lướt trang web đó, nhằm mục đích theo dõi các hoạt động của người đang xem website. Tin nhắn này có định dạng mào đầu (header) HTTP chỉ là một chuỗi văn bản. Chuỗi văn bản này sẽ được đưa vào trong bộ nhớ của trình duyệt web. Trình duyệt web sẽ lần lượt lưu giữ các thông tin cookie lên đĩa cứng, vì thế khi trình duyệt tắt đi và bật trở lại thì các thông tin cookie vẫn có thể được dùng tiếp.

* Tham khảo chi tiết: Cookie có làm hại máy tính không?

THANH TRỰC tổng hợp

ictnews.vn:
28/05/2011 10:00:49 AM

IE_resize.jpg

IE dính lỗ hổng "cookiejacking"

ICTnews - Lỗ hổng mới của Internet Explorer tiếp tay cho hacker đánh cắp cookies để truy cập vào các trang web được bảo vệ bằng mật khẩu như Facebook, Twitter.

Rosario Valotta, chuyên gia bảo mật người Italia đã khám phá và báo cáo vụ tấn công này với tên gọi "cookiejacking" tại một hội nghị bảo mật đầu tháng 5. Kiểu tấn công này có thể chọc thủng mọi phiên bản Internet Explorer.

Valotta cho biết tấn công "cookiejacking" có thể lây nhiễm cho "mọi website, mọi cookie".

Để tiến hành vụ tấn công, hacker cần tên tài khoản của người dùng Windows. Để truy xuất thông tin này, hacker sẽ lừa người dùng kéo và thả (drag and drop) một đối tượng trên màn hình trước khi đánh cắp cookie. Ví dụ, Valotta tạo ra một trò chơi ghép hình trên Facebook trong đó người tham gia sẽ cởi bỏ dần quần áo của một bức hình phụ nữ. Hacker cũng cần biết người dùng đang sử dụng hệ điều hành nào.

Anh tiết lộ với Reuters: "Tôi tung game này trên Facebook và chưa tới ba ngày, hơn 80 cookie đã được gửi tới máy chủ của tôi. Đó là tôi chỉ có 150 người trong danh sách bạn bè thôi."

Microsoft phát biểu trong một tuyên bố qua email rằng hãng không coi vụ tấn công đó là mối "đe dọa nghiêm trọng".

M icrosoft giải thích: "để có thể bị ảnh hưởng, người dùng phải ghé thăm một website nhiễm độc, bị lừa click và và kéo các mục di chuyển trên trang web, và kẻ tấn công cũng chỉ nhắm được vào cookie của website mà người dùng đã đăng nhập. Chúng tôi khuyến khích tất cả khách hàng tự bảo vệ mình khỏi các vấn đề có thể xảy ra bằng cách tránh bấm chuột vào các đường liên kết (link) đáng nghi trong email, đồng thời thay đổi thiết đặt Internet để đạt mức bảo mật cao hơn."

Phạm Duyên

Theo Huffingtonpost


Thứ Sáu, 19/05/2006, 23:37

Cookie có làm hại máy tính không?

TTO - Cookie là gì? Cookie có hại gì không? Nó có phải là phần mềm gián điệp không? Xin cho biết cách phòng trừ cookie nếu nó có hại! (Tinvuivn…@yahoo.com)

Cookie được xem là những tin nhắn đơn giản được máy chủ đang quản lý một website, chủ động gửi đến trình duyệt web đang dùng để lướt trang web đó, nhằm mục đích theo dõi các hoạt động của người đang xem website.

Tin nhắn này có định dạng mào đầu (header) HTTP chỉ là một chuỗi văn bản. Chuỗi văn bản này sẽ được đưa vào trong bộ nhớ của trình duyệt web. Trình duyệt web sẽ lần lượt lưu giữ các thông tin cookie lên đĩa cứng, vì thế khi trình duyệt tắt đi và bật trở lại thì các thông tin cookie vẫn có thể được dùng tiếp.

Tin nhắn này có định dạng là một chuỗi văn bản đơn giản, nó sẽ được đưa vào thư mục lưu trữ “Temp” của trình duyệt web và trình duyệt web sẽ tự động lưu trữ mọi thông tin cookie vào đĩa cứng. Các thông tin này sẽ phản ánh thói quen của người dùng khi vào trang web đó, chẳng hạn như chuyên mục nào thích xem nhất… và sau đó sẽ tự động gửi các thông tin thu thập được về cho chủ nhân của trang web.

Khi tắt đi trình duyệt thì cookie vẫn còn lưu trữ trong máy và vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở các lần ghé thăm sau. Dựa vào các thông tin mà cookie gửi về, chủ nhân trang web có thể biết được khách lướt web đang quan tâm về những vấn đề gì để sau đó tung quảng cáo phù hợp để bán sản phẩm.

Tung cookie có rất nhiều cái lợi cho chủ trang web:

- Họ có thể biết được một số thông tin về những người đang truy cập trang web của mình, biết được mức độ thường xuyên truy cập cũng như cả thời gian chi tiết truy cập.

- Họ có thể biết được sự cảm nhận của người dùng khi duyệt web đó. Các cookie có thể giúp cho việc lưu trữ các thông tin cá nhân của bạn, mà những thông tin này giúp cho bạn khi vào trang web đó lần sau sẽ cảm thấy thuận tiện hơn. Điển hình là việc vào các trang web yêu cầu bạn “check” vào những ô đại loại như “Remember me on this computer”… chủ yếu là các trang web e-mail mạng, diễn đàn v.v mà lần truy cập sau bạn sẽ thấy nickname của mình hiện sẵn trong ô username, thậm chí nó còn nhớ luôn password và bạn chỉ cần “Enter” là vào thẳng được tài khoản đã đăng ký. Các trang mua sắm trực tuyến còn “siêu” hơn, nó sẽ nhớ luôn những lần mua sắm trước của bạn để tung quảng cáo ra những sản phẩm mới hơn cái bạn đã mua. Các máy chủ sẽ theo dõi việc mua sắm của bạn, xem bạn chọn các món hàng nào và sẽ lưu các thông tin này vào trong các cookie.

- Họ sẽ dùng cookie để điều chỉnh các quảng cáo của mình. Cookie sẽ cung cấp cho chủ nhân của nó những quảng cáo nào được xem nhiều nhất từ đó đề ra các biện pháp điều chỉnh hoặc thiết kế phù hợp.

Chủ nhân của các cookie không thể dùng nó để phát tán virus, spyware, trojan… được vì nó không thể truy được vào đĩa cứng của bạn. Tuy nhiên nó cũng có thể thu thập được khá nhiều thông tin cá nhân của bạn, nhất là những thông tin mà bạn cung cấp cho trang web, chẳng hạn như thông tin thẻ tín dụng của bạn sẽ chứa trong các cookie nếu bạn cho phép nó nhớ theo kiểu “Remember me on this computer” hoặc “Nhớ tên truy cập…”.

Thực chất Cookie không có gì độc hại nhưng hiểm họa tiềm năng thì cũng có thể có. Những cookie thuộc dạng "siêu hiện đại" thời nay có thể thu thập được nhiều thứ hơn bạn tưởng. Tuy không nguy hiểm cỡ như spyware, virus, trojan.. nhưng việc chủ nhân các website tung cookie vào máy tính người dùng đã bị xem là bất hợp pháp tại Mỹ.

Tốt nhất bạn nên diệt sạch cookie bằng những công cụ “quét dọn” máy tính như: SBMAV Disk Cleaner, Your Uninstaller! 2006 Pro, System Cleaner, Fast Cleaner Gold, HS Cleandisk Pro, Morpheus Clean Disk v.v

Để ngăn cấm cookie xâm nhập vào máy tính khi sử dụng Internet Explorer, bạn làm như sau: Vào menu Tool -> Internet Option -> chọn thẻ Privacy -> nhấn vào nút “Advance” -> đánh dấu vào ô “Override automatic cookie handling”, sau đó đánh dấu hết vào 2 ô “Block” để hoàn toàn chặn lại cookie và nhấn OK để hoàn tất.

HOÀNG KIM ANH

Voi rừng quật chết người

Thanh Niên Online:
(TNO) Đêm 27.5, một con voi rừng bất ngờ xuất hiện tại khu vực xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An và quật chết một công nhân đi làm thuê đang ngủ trong lán trại.

Hạt Kiểm lâm Anh Sơn cho biết, nạn nhân là anh Vi Văn Sinh (41 tuổi, ngụ huyện Con Cuông) - là người đến trồng cây cho Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn.

Đêm 27.5, anh Sinh cùng với ba người khác đang ngủ trong lán trại thì bất ngờ voi rừng xuất hiện.


Lán trại của công nhân bị voi phá nát sau khi quật chết người - Ảnh: N.Phê

Nghe tiếng động mạnh từ bên ngoài, cả bốn người chạy ra xem thì bị voi tấn công, ba người kia đã kịp chạy thoát, riêng anh Sinh bị voi quật chết.

Sau đó, con voi này còn phá nát cái lán của nhóm công nhân trước khi bỏ đi.

Được biết, khu rừng thuộc địa bàn xã Phúc Sơn hằng năm đàn voi vẫn thường kéo về phá hoại hoa màu của người dân khi trong rừng khan hiếm thức ăn.

Cuối tháng 3 vừa qua, một con voi đực đã bị giết hại và bị cắt lấy ngà tại địa bàn giáp ranh giữa huyện Anh Sơn và Thanh Chương.

Khánh Hoan

Thay đổi kết luận vụ giảng viên bị sinh viên tố “bán điểm ăn tiền”

Xã hội - Dân trí:
Thứ Sáu, 27/05/2011 - 21:38
Thay đổi kết luận vụ giảng viên bị sinh viên tố “bán điểm ăn tiền”
(Dân trí) - Sáng 27/5, GS.TS Phạm Hồng Thái - Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đã công bố quyết định 329/KL thay cho kết luật số 327/KL do chính GS.TS Thái ký trước đó. Kết luận mới khẳng định, sinh viên tố dùng tiền đưa cho thầy Diến là những người có thật, không mạo danh.
>> Công bố kết luận vụ giảng viên bị sinh viên tố “bán điểm ăn tiền”
>> Một giảng viên đại học bị sinh viên tố “bán điểm ăn tiền”

Tại buổi làm việc với PV Dân trí vào sáng nay (27/5), GS.TS Phạm Hồng Thái - Chủ nhiệm Khoa Luật trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã khẳng định, cả 2 quyết định nói trên đều do ông Thái ký ban hành gửi đến những cá nhân và đơn vị có liên quan.

Cho biết về lý do ký Quyết định số 329/KL thay cho kết luận số 327/KL ký đề ngày 25/5, ông Thái khẳng định: “Về cơ bản Quyết định số 329/KL không có thay đổi nhiều so với quyết định trước đó, nhưng do Quyết định số 327/KL có một vài lỗi về câu chữ nên Khoa đã thu lại Quyết định số 327/KL để ban hành Quyết định số 329/KL với nội dung phù hợp hơn”.

Quyết định mới số 329/KL ký đề ngày 26/5 thay cho Quyết định số 327/KL cũng do ông Thái ký đề ngày 25/5. (Ảnh: Q.Đ)
Theo ông Thái, điểm khác nhau giữa Quyết định số 329/KL với Quyết định số 327/KL là Quyết định số 329/KL khẳng định thêm, việc sinh viên tố cáo PGS. TS Nguyễn Bá Diến nhận tiền “đi thầy” của sinh viên và việc một số sinh viên có liên quan trình bày với hai tổ xác minh là có đưa tiền cho ông Diến trước khi thi môn Tư pháp Quốc tế đều là những người có thật, không mạo danh.
Tuy nhiên, chưa có đủ cơ sở để kết luận sinh viên liên quan đã đưa tiền cho ông Diến với mục đích “xin điểm” và ông Diến đã nhận tiền của sinh viên trước khi thi môn Tư pháp Quốc tế.
Về việc ông Nguyễn Hùng Cường chưa có quyết định đứng lớp giảng dạy mà lại đứng lớp giảng dạy sinh viên (theo quy định thì ông Cường phải là Thạc sĩ nhưng thực tế ông Cường là Cử nhân), sau đó ông Diến lại ký nhận tiền giảng dạy mang tên, chức danh ông Diến là việc làm sai với quy định của trường ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ông Thái cho rằng, việc một người giảng dạy mà một người khác lại ký nhận với chức danh như PGS.TS Nguyễn Bá Diến là việc làm không hay, nếu xem xét cụ thể vấn đề này cũng phải kiểm tra lại nhiều công đoạn và có thể có trường hợp người phân lịch… không biết. Hơn nữa, chênh lệch về tài chính trong vấn đề này cũng không đáng là bao!?.

Ông Thái - Chủ nhiệm khoa Luật, ĐHQGHN lý giải sự khác nhau giữa 2 kết luận trong buổi làm việc với PV Dân trí. (Ảnh: A.T)
Ông Thái khẳng định, hiện Khoa Luật đã nộp Quyết định số 329/KL lên Ban Giám đốc trường ĐH Quốc gia Hà Nội chờ hướng giải quyết của lãnh đạo nhà trường. “Về cá nhân giữa tôi và ông Diến có quan hệ bình thường, không có thù hằn gì với nhau. Có người cho rằng tôi bao che cho ông Diến, còn thông tin phản ảnh của ông Diến lại cho rằng tôi trù úm, làm khó dễ ông ấy… Quyết định số 329/KL mà tôi ký chính là quyết định cuối cùng của khoa Luật, còn nếu như sự việc có dấu hiệu sai pháp luật thì đơn tố cáo của sinh viên cũng đã được gửi đi một số nơi, hiện cơ quan công an cũng đang vào cuộc để xác minh, làm rõ” - ông Thái giãi bày sự việc.

Ông Thái cũng cho biết thêm, đến thời điểm này với tư cách là Trưởng khoa Luật, ông mới chỉ ký 3 quyết định liên quan đến việc sinh viên tố cáo ông Diến. Một là Quyết định về việc không bố trí ông Nguyễn Hùng Cường (con trai ông Diến) giảng dạy tại khoa từ ngày 25/3/2011. Hai là Quyết định tạm dừng nhiệm vụ đào tạo và Quyết định tạm đình chỉ chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế để phục vụ cho việc giải quyết tố cáo, cả 2 được ký vào ngày 31/3/2011. Quyết định thứ 3 cũng do ông Thái ký vào ngày 29/4/2011 về việc chấm dứt hiệu lực của 2 quyết định do chính ông Thái ký trước đó vào ngày 31/3/2011.

Sự việc xẩy ra tại khoa Luật trường ĐHQGHN đang gây xôn xao dư luận sinh viên trong trường. (Ảnh: A.T)
Cho PV Dân trí biết thêm thông tin về sự việc, ông Trần Quốc Bình - Phó Chánh văn phòng trường Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo, hiện Ban giám đốc trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã nhận được Quyết định số 329/KL từ khoa Luật. Sau khi tiếp nhận kết quả báo cáo từ khoa Luật, lãnh đạo nhà trường sẽ thụ lý giải quyết sự việc theo quy định.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về sự việc.

Quốc Đô - Anh Thế

vietnamnet.vn

Sự việc sinh viên trường ĐHQG Hà Nội tố phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm bộ môn Luật quốc tế, “ăn” tiền của sinh viên trước mỗi kỳ thi đã bị đẩy đi xa hơn khi nội bộ giáo viên trong trường quay ra "vạch áo cho người xem lưng".

TS Ngô Huy Cương, giảng viên khoa Luật ĐHQG Hà Nội, người trực tiếp tham gia điều tra sự việc sinh viên tố thầy Diến "ăn tiền", gửi đơn tố cáo về việc ông bị người lạ hành hung.

"Sáng 8/3/2011, Tổ thanh tra họp và có ý kiến kết luận về sự việc của PGS.TS Nguyễn Bá Diến. Vào lúc 6 giờ chiều ngày 8/3, khi tôi vừa làm việc với Chủ nhiệm khoa xong và chuẩn bị đi về nhà, ông Diến cho người bất ngờ uy hiếp tôi tại sân trường. Sau khi làm việc xong, tôi ra mở cửa xe ô tô thì bị một người đàn ông thấp, đậm chặn lại hỏi: “Mày có phải là Cương không?”. Thấy “có vấn đề”, tôi lùi lại, đáp: “Phải”. Người này nói: “Tao là người nhà ông Diến đây. Tại sao mày tố cáo ông Diến? Tao phải xử lý mày” - TS Cương chia sẻ trên Báo Giáo dục Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Bá Diến (Ảnh: VTC News)

Đáp trả lại những lời cáo buộc của TS Cương, PGS.TS Nguyễn Bá Diến cho rằng:“Ông Cương về khoa mới được 5 - 6 năm nhưng tố cáo tới 7- 8 người, nhà báo muốn hiểu về con người ông ta như thế nào thì xin mời tới Văn phòng Quốc hội, Cục Hàng không, cơ quan cũ của ông ta mà hỏi. Nếu tôi đe dọa ông ấy thì đã là phạm tội hình sự rồi, ông ấy đến cơ quan công an mà tố cáo chứ tố cáo với báo chí làm gì?”. Cũng theo ông Diến, do ông Cương bực tức về việc ông Diến không bỏ phiếu bầu trong hội đồng thẩm định PGS, GS năm 2010 cho ông Cương nên “ông ấy lợi dụng sinh viên để đánh tôi”, ông Diến quả quyết trên VnMedia.

Trước đó, sự việc sinh viên ĐHQG Hà Nội tố phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm bộ môn Luật quốc tế, “ăn” tiền của sinh viên trước mỗi kỳ thi đã khiến dư luận xôn xao. ĐHQG Hà Nội đã tổ chức thanh tra độc lập và đã có kết luận.

Theo đó, ông Diến đã bị tạm đình chỉ việc giảng dạy ở những lớp có sinh viên tố thầy 'ăn' tiền. Đối với các lớp khác ông Diến vẫn tiếp tục giảng dạy bình thường và vẫn đảm nhiệm chức vụ trưởng bộ môn Luật quốc tế - GS.TS Phạm Hồng Thái, Chủ nhiệm khoa Luật chia sẻ trên VTC News.

GS.TS Thái khẳng định, việc sinh viên tố cáo con trai ông Diến là ông Nguyễn Hùng Cường chưa đủ tiêu chuẩn để đứng bục giảng dạy là có thật. Lãnh đạo khoa cũng đã có quyết định tạm đình chỉ công tác giảng dạy đối với trường hợp của ông Cường ở các lớp.

Tuy nhiên, "phản pháo" lại quyết định này, thầy Cường đã trích dẫn thông tin chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nói rằng những giảng viên (những cử nhân) đạt chất lượng loại giỏi có thể được tuyển thẳng vào làm giảng viên. Bản thân ông Cường cũng nói rằng, theo ông được biết hiện có trên 3.000 giảng viên làm cử nhân đang giảng dạy tại các trường đại học, kể cả Đại học Luật Hà Nội.

Sự việc sinh viên tố thầy giáo "ăn tiền" đã làm dư luận cả nước xôn xao. "Bất luận ai đúng ai sai trong sự việc này thì hình ảnh những người thầy hàng ngày đứng trên bục giảng đã không còn nguyên vẹn trong mắt của sinh viên"- bạn vananh chia sẻ trên linkhay.

Mẫn Chi (Tổng hợp)

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành Ký ức thế giới

Thanh Niên Online:
Bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: Ngọc Thắng

Bia đá các khoa thi tiến sĩ thuộc các triều đại Hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa được chính thức đưa vào danh sách Ký ức thế giới của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc - UNESCO.

Năm 2010, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới nằm trong chương trình Ký ức thế giới thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 25.5, tại thành phố Manchester (Anh), Tổng giám đốc UNESCO - bà Irina Bokova, đã chính thức phê duyệt, đưa 45 di sản tư liệu của nhiều nước trên thế giới, trong đó có bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vào danh sách Ký ức thế giới (ghi danh các di sản tư liệu trên toàn thế giới) của UNESCO do Ủy ban Cố vấn quốc tế thuộc Ủy ban Ký ức thế giới đề nghị.

Chương trình Ký ức thế giới được UNESCO thực hiện từ năm 1992. Danh sách Ký ức thế giới ghi danh các di sản ở các loại hình khác nhau như đá, chất dẻo, da động vật, băng audio… Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 238 di sản tư liệu của nhiều quốc gia trên thế giới có tên trong danh sách. Mục đích của chương trình Ký ức thế giới là bảo tồn, quảng bá rộng rãi giá trị các di sản tư liệu quý giá của toàn thế giới, khuyến khích sự sáng tạo, đa dạng của các nền văn hóa, xã hội…

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành Ký ức thế giới là tin vui với di sản Việt Nam. Đáng tiếc, mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) chưa có tên trong danh sách Di sản tư liệu thế giới của UNESCO như mong đợi.

Minh Ngọc

Trung Quốc-Myanmar nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 28/05/2011 - 12:05

(Dân trí) - Trung Quốc và Myanmar vừa thông báo nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược và ký hàng loạt thoả thuận kinh tế - dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ song phương được củng cố mạnh mẽ hơn giữa hai nước.
Tổng thống Myanmar Thein Sein (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào tại Ðại sãnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh

Những thoả thuận quan trọng trên đạt được trong cuộc hội đàm chiều qua giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào và Tổng thống Myanmar Thein Sein đang ở thăm Bắc Kinh. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Thein Sein kể từ khi Myanmar thành lập một chính phủ dân bầu.

Ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh chuyến thăm của ông Thein Sein sẽ giúp tăng cường hiểu biết và quan hệ song phương, trong khi ông Thein Sein khẳng định quan hệ với Trung Quốc là “quan hệ đối tác thân thiết nhất và quan trọng nhất” với Myanmar.

Nhà lãnh đạo Myanmar đánh giá cao sự hỗ trợ lâu nay của Trung Quốc với nước này, mà theo ông đã góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế và xã hội của đất nước ông.

Lãnh đạo hai bên nhấn mạnh cam kết tăng cường quan hệ, và đồng ý thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; tăng cường hơp nữa quy mô và mức độ hợp tác kinh tế-thương mại song phương.

Tổng thống Myanmar Thein Sein đã đến Bắc Kinh ngày 26/5 trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày mà theo báo giới là dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề an ninh cũng như thương mại mang tính nhạy cảm.

Tháp tùng ông Thein Sein có hàng chục các bộ trưởng trong nội các và các giới chức quân sự cấp cao.

Hãng Xinhua trước đó nói rằng ông sẽ gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong khi ở thăm Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Khương Du cho biết các nhà lãnh đạo sẽ ký thỏa thuận hợp tác về công nghệ và kinh tế.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư lớn nhất của Myanmar, với các khoản đầu tư của Bắc Kinh ở vào khoảng hơn 15 tỷ USD trong năm ngoái. Phần lớn số tiền này được dùng vào việc xây dựng đường ống kép, dẫn dầu và khí đốt sang miền nam Trung Quốc qua biên giới Myanmar.

Chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Myanmar diễn ra ngay sau chuyến thăm Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.

Trà Giang
Theo Xinhua, Reuters

SGGP Online- Bước ngoặt mới của “Mùa xuân Arab”

SGGP Online
Thứ bảy, 28/05/2011, 02:06 (GMT+7)

Cơ quan công tố Ai Cập vừa quyết định sẽ đưa cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ra tòa xét xử về tội cố sát và lãng phí công quỹ. Ông H.Mubarak bị cáo buộc ra lệnh cho lực lượng an ninh bắn đạn thật vào đám đông người biểu tình tại Quảng trường Tahrir hôm 25-1.

Đây là một quyết định chưa từng có bởi từ trước đến nay chưa một lãnh đạo tại bất kỳ một quốc gia nào tại Arab bị triệu ra tòa xét xử. Nếu bị kết án, ông H.Mubarak rất có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.

Ngày ra tòa của ông H.Mubarak chưa được xác định nhưng giới quan sát nhận định quyết định trên sẽ tạo ra một bước ngoặt đối với phong trào đấu tranh tại khu vực Trung Đông được biết đến với tên gọi “Mùa xuân Arab” đang được phương Tây ra sức cổ vũ.

Nasser Amin, một thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế đã nhận định, với việc đưa ông Mubarak ra tòa, các nhà lãnh đạo các nước nằm trong tầm phủ sóng của làn sóng biểu tình sẽ nghi ngờ những thỏa thuận ngầm mà phương Tây can thiệp để họ ra đi trong hòa bình. Nỗ lực nộp hơn 3 triệu USD trước đó cùng cam kết giao hơn 140 triệu USD của vợ chồng ông H.Mubarak để được ân xá có thể sẽ không còn ý nghĩa.

Có dư luận cho rằng chính việc đưa ông Mubarak ra xét xử đã khiến Tổng thống Yemen, Ali Abdullah Saleh chần chừ chưa muốn trao quyền lực bởi lo ngại bản thân mình khi hết quyền lực cũng sẽ rơi vào tình trạng như thế, dù theo báo Wall Street Journal, Mỹ đang vận động ông này ra đi trong ôn hòa. Việc ông Mubarak bị xét xử sẽ khó thuyết phục được các lãnh đạo này theo gương cựu Tổng thống Ai Cập. “Không một ai muốn có một kết cục như ông H.Mubarak”, ông Amin nói. Ngược lại, những nhà lãnh đạo này rất có thể còn tăng cường sử dụng vũ lực nhiều hơn nữa để giữ lại quyền lực của họ. Những cố gắng của phương Tây kêu gọi các nhà lãnh đạo từ bỏ vị trí một cách ôn hòa chắc chắn sẽ không còn thuận buồm xuôi gió.

Có thể nói rằng vụ xét xử này đang làm Mỹ khó xử. Bởi trước hết quyết định của Cơ quan Công tố Ai Cập dường như vượt ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, không chỉ đặt Mỹ vào tình trạng bỗng dưng thành người thất hứa mà còn rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nếu không ủng hộ việc khởi tố ông Mubarak, Mỹ sẽ bị đánh giá không ủng hộ công lý ở Ai Cập, nhưng nếu ủng hộ thì thành người thất hứa. Tình huống này khiến Mỹ khó xoay xở hơn sự kiện tháng 2 khi phong trào đấu tranh chống ông Mubarak dâng cao. Ngay thời điểm đó, Mỹ còn đang ủng hộ mạnh mẽ cho ông Mubarak, nhưng trước sức mạnh của quần chúng, Mỹ cảm nhận được thế cờ yếu của nhà lãnh đạo này nên ngay lập tức quay sang ủng hộ lực lượng biểu tình và đàm phán bí mật để ông rời bỏ quyền lực với lời hứa đảm bảo tính mạng và tài sản.

Việc xét xử ông Mubarak, người tự nguyện trao quyền lực, cùng với cuộc không kích Libya kéo dài đã hơn 2 tháng nhưng chưa thể lật đổ Tổng thống Gaddafi, người không tự nguyện rút lui, đang thực sự cản trở chiến lược can thiệp và bảo vệ lợi ích của phương Tây ở Trung Đông.

ĐỖ VĂN

Cựu thủ lĩnh quân sự Serbia Ratko Mladic bị bắt

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 28/05/2011, 07:45 (GMT+7)

Cựu thủ lĩnh quân sự Serbia Ratko Mladic bị bắt

TT - Ngày 26-5, vị tướng khét tiếng trong cuộc chiến tranh Bosnia là Ratko Mladic bị bắt giữ tại phía bắc thủ đô Belgrade của Serbia sau gần 16 năm lẩn trốn cáo trạng tội ác diệt chủng.

>> Read this on Tuoitrenews.vn

Ngày 27-5, Darko Mladic, con trai của Ratko Mladic, đề nghị có chuyên gia độc lập kiểm tra sức khỏe cha mình sau khi tòa án phán quyết Mladic đủ khỏe để bị dẫn độ và xét xử ở ICTY - Ảnh: AFP

“Thay mặt nước Cộng hòa Serbia, tôi tuyên bố Ratko Mladic đã bị bắt. Việc dẫn độ đang được thực hiện - Reuters dẫn lời Tổng thống Serbia Boris Tadic xác nhận với báo giới - Đây là một bước cho thấy Serbia là một quốc gia có luật lệ được thiết lập vững chắc”. Theo ông Tadic, việc Mladic bị tóm đã khép lại trang sử đen tối của quốc gia này.

Bắt giữ dễ dàng

Chiến dịch truy bắt cựu tướng lĩnh 69 tuổi Mladic diễn ra không mấy khó khăn cho lực lượng đặc nhiệm của Serbia. Cảnh sát cho biết đã phát hiện Mladic trong một căn nhà thuộc vùng nông thôn Lazarevo, cách Belgrade khoảng 100km, thuộc sở hữu một người họ hàng của Mladic.

Ông ta có hai khẩu súng đã nạp đạn song không chống cự khi bị bắt. Mladic hốc hác và già đến mức khó còn nhận ra và sống dưới cái tên giả Milorad Komodic. “Một người có thể đi ngang qua mà không nhận ra ông ta. Ông ta xanh xao có thể do hiếm khi ra khỏi nhà, một lý do khiến ông ta không bị chú ý” - một quan chức Serbia phụ trách hợp tác với Tòa án xét xử tội phạm chiến tranh Nam Tư cũ (ICTY) cho biết.

Hàng xóm của Mladic tại Lazarevo cho biết họ không hề biết mình sống cùng với một tội phạm chiến tranh bị truy nã gắt gao nhất châu Âu trong một thời gian dài và hết sức ngạc nhiên khi nghe tin về vụ bắt giữ trên truyền thông. Mladic lẩn trốn từ năm 2001 sau khi cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic bị bắt giữ. Ông Milosevic chết năm 2006 khi đang bị xét xử về tội ác chiến tranh. Trước đó, Mladic được cho là tự do đi lại, ăn uống ở những nơi sang trọng và thậm chí xuất hiện trong các trận bóng đá ở Belgrade.

Chỉ vài giờ sau khi bị bắt giữ, Mladic bị đưa ra thẩm vấn ở Serbia song phiên tòa đã bị dời sang ngày 27-5 do luật sư cho biết tình trạng sức khỏe của ông ta không được ổn định, bị liệt tay, cao huyết áp và có vấn đề về thận. Nếu kết quả khám sức khỏe của Mladic không khả quan, phiên tòa có thể tiếp tục bị hoãn.

Các quan chức tòa án Serbia cũng cho biết Mladic sẽ tìm cách chống lại sức ép quốc tế muốn dẫn độ ông ta khỏi Serbia đến ICTY ở The Hague (Hà Lan). Luật sư của Mladic nói ông ta không thừa nhận Tòa án The Hague. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác lại cho biết Mladic đã được dẫn độ tới The Hague “vì việc giữ ông ta lại Belgrade là rất nguy hiểm”.

Đổi Mladic để gia nhập EU

Báo New York Times dẫn lời các chuyên gia quốc tế bình luận vụ bắt giữ Mladic đã dẹp bỏ được một trở ngại lớn cho Serbia trong quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, phía EU đặt điều kiện Serbia phải bắt được Mladic và đưa tới ICTY trước khi Serbia đàm phán gia nhập EU. Trong các nước châu Âu, Hà Lan từng tuyên bố chừng nào ông Mladic còn tự do thì Serbia không thể gia nhập EU. Hà Lan là quốc gia đưa quân đội tới gìn giữ an ninh ở Srebrenica, nơi Mladic ra lệnh thảm sát 8.000 người.

Thông tin Mladic bị bắt giữ nhận được sự hoan nghênh mạnh mẽ từ châu Âu. Tại G-8, các nhà lãnh đạo quốc tế đều dành những lời lẽ tích cực cho sự kiện này. Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt nói viễn cảnh cho Serbia trở nên tươi sáng hơn bao giờ hết, trong khi Ngoại trưởng Anh William Hague nhận xét đây là một thời khắc lịch sử đối với khu vực châu Âu bị chia rẽ bởi chiến tranh những năm 1990. Còn Chủ tịch EU Jose Manuel Barroso tuyên bố “công lý đã được thực thi cho gia đình các nạn nhân (của Mladic)”. Các lãnh đạo châu Âu hi vọng Mladic sẽ được dẫn độ đến The Hague trong vòng bảy ngày.

Trong khi đó, người Serbia vẫn luôn đánh giá Mladic là một anh hùng và lên án ICTY trong khi truy đuổi Mladic hay Radovan Karadzic nhưng bỏ qua cho các nhà lãnh đạo Croatia và Bosnia thời kỳ chiến tranh. Trong chiến tranh Nam Tư cũ, rất nhiều người Serbia cũng bị sát hại. Những năm gần đây, đã có hàng loạt lời tố cáo người Kosovo gốc Albania đã giam giữ người Serbia để bán nội tạng của họ.

“Đốt cháy và phá hủy”

Tướng Mladic năm 1993 và hiện nay - Ảnh: Reuters

Phương Tây đánh giá Ratko Mladic là kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất còn sống sót. Sử gia người Anh David Owen gọi ông ta là “kẻ sát nhân khát máu”. Cựu đại sứ Mỹ tại Nam Tư cũ gọi ông ta là Heinrich Himmler (bộ trưởng nội vụ Đức quốc xã, tàn sát hàng triệu người Do Thái) của thập niên 1990.

Theo báo Đức Der Spiegel, Mladic gốc người Serbia, sinh tháng 3-1942 ở làng Bozinovic, cách Sarajevo 50km ở Bosnia. Theo học tại Học viện Quân sự Belgrade và gia nhập quân đội, Mladic nhanh chóng thăng tiến và trở thành tướng lãnh đạo Lực lượng liên bang Nam Tư ở Sarajevo, sau này trở thành quân đội Serbia ở Bosnia. Khi Slovenia và Croatia tách khỏi Nam Tư vào năm 1991, các cuộc giao tranh bắt đầu.

Đầu tháng 5-1992, một tháng sau khi Cộng hòa Bosnia tuyên bố độc lập, Mladic và các tướng lĩnh Serbia dẫn quân bao vây thành phố Sarajevo, khởi đầu cuộc vây hãm Sarajevo kéo dài bốn năm - cuộc vây hãm dài nhất trong lịch sử quân sự hiện đại. Trong thời kỳ đó, Sarajevo liên tục bị giội bom. Nhiều người cáo buộc Mladic đích thân ra lệnh cho các tay súng bắn tỉa nhắm bắn thường dân Sarajevo. Khi ra lệnh cho binh sĩ bắn súng vào một khu vực ngoại ô Sarajevo, Mladic nói: “Đốt cháy bộ não của chúng đi”. Ông ta cũng thường đưa ra mệnh lệnh: “Đốt cháy và phá hủy”.

Tuy nhiên, tội ác đẫm máu nhất của Mladic là vụ thảm sát ở Srebrenica tháng 7-1995 ở thị trấn Srebrenica thuộc Bosnia và Herzegovina, khu vực dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Quân đội của Mladic thảm sát khoảng 8.000 người đàn ông và nam thiếu niên Hồi giáo ở Srebrenica. Tháng 11-1995, khi truy tố Mladic ở tòa án tội ác chiến tranh tại The Hague, chánh án Fouad Riad tuyên bố vụ thảm sát Srebrenica là “cảnh tượng ở địa ngục, là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử loài người”. Đây là vụ thảm sát lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Trong chiến tranh, Mladic có quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với lãnh đạo người Serbia ở Bosnia Radovan Karadzic. Tháng 8-1995, Karadzic từng tuyên bố sa thải Mladic, nhưng sự ủng hộ mạnh mẽ của các tướng lĩnh Serbia ở Bosnia đã khiến Karadzic phải bãi bỏ quyết định này. Đến tháng 11-1996, tổng thống Serbia ở Bosnia là Biljana Plavsic đã sa thải Mladic. Bị Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh Nam Tư cũ (ICTY) truy tố từ năm 1995, Mladic vẫn sống tự do ở Serbia cho đến năm 2001 khi cựu tổng thống Nam Tư cũ Slobodan Milosevic bị bắt giữ.

Theo AP, có thời kỳ Mladic cùng vợ sống bình yên ở nhà, nuôi ong và dê. Có tin 23 con dê mang tên của những chính khách nước ngoài mà ông ta căm ghét. Chương trình Giải thưởng cho công lý của Mỹ treo giải 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt Mladic. Trong những năm qua, Mladic vẫn lẩn trốn trong khi Karadzic bị bắt, cho tới ngày 26-5.

SƠN HÀ

TRẦN PHƯƠNG - H.VÂN

Phương Tây đang thất bại trong cuộc chiến chống Al Qaeda

LAODONG:

Thứ Bảy, 28.5.2011 | 10:32 (GMT + 7)

Phương Tây đang thất bại dần trong cuộc chiến chống Al Qaeda dù trùm khủng bố Osama bin Laden mới bị tiêu diệt. Hiện, Al Qaeda nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Cuộc chiến của al-Qaeda có thể kéo dài hàng thập kỷ
"Al Qaeda chắc chắn sẽ trả thù cho bin Laden"
Giết Bin Laden không đặt dấu chấm hết cho Al-Qaeda
Những nhân vật nguy hiểm còn lại ở Al-Qaeda
Al-Qaeda cảnh báo Mỹ về cuộc thánh chiến mới
Al-Qaeda chọn được thủ lĩnh kế nhiệm bin Laden?

Những người Pakistan ủng hộ Al Qaeda đốt cờ Mỹ trong cuộc biểu tình ngay sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt.
Những người Pakistan ủng hộ Al Qaeda đốt cờ Mỹ trong cuộc biểu tình ngay sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt.

Đó là lời cảnh báo của một cựu sĩ quan cao cấp thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sau khi Pakistan cho phép một nhóm bác sĩ pháp y Mỹ kiểm tra khu nhà ở của bin Laden - cựu thủ lĩnh nhóm Al Qaeda.

Cựu giám đốc CIA Michael Scheuer, người lãnh đạo một đội đặc nhiệm chuyên săn lùng bin Laden trong những năm 1990, tuyên bố các nước phương Tây đơn giản là không am hiểu về cuộc xung đột.

Ông Scheuer cho hay mặc dù việc giết kẻ sáng lập ra Al Qaeda là "rất quan trọng, nhưng tổ chức này đã trở nên mạnh hơn bao giờ hết và có thêm rất nhiều mối liên kết bởi những người tin vào tư tưởng của bin Laden".

Ông Scheuer, nay là một giáo viên tại Đại học Georgetown, nói với tạp chí Times: "Trong năm 2001, Al Qaeda chiếm thế áp đảo ở Afghanistan. Lực lượng này hiện vẫn còn một phần ở Afghanistan. Ngoài ra, nó rất đông đảo tại Pakistan, vững chân tại Yemen và đang tái hồi sinh ở Iraq".

Ông Scheuer cảnh báo rằng với những diễn biến gần đây ở Libya, Al Qaeda có thể phát triển trong khu vực này. Lebanon, Syria, Palestine và Jordan đều có thể trở thành điểm nóng.

Ông Scheuer tin rằng vai trò thủ lĩnh của Al-Qaeda có lẽ sẽ được chuyển giao cho Abu Yahya al-Libi - kẻ đã trốn thoát khỏi một nhà tù của Mỹ ở Afghanistan vào năm 2006.

Abu Yahya al-Libi được tin rằng sẽ đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh lực lượng Al Qaeda.
Abu Yahya al-Libi được tin rằng sẽ đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh lực lượng Al Qaeda.

Ông Scheuer cũng không đồng tình với tuyên bố của Tổng thống Obama rằng các cuộc nổi dậy gần đây ở những nước Arab là một "lời khiển trách đối với thế giới quan của Al Qaeda". "Nếu đúng như những gì ông Obama nói, thì một tên côn đồ, một kẻ cướp không có việc gì để làm với người theo đạo Hồi. Hắn ta sẽ không bao giờ đẩy một vấn đề nào đó lên thành mối phiền toái gây chết người".

"Nhưng bởi vì hắn là một gã thông minh, một người Hồi giáo ngoan đạo, và lời nói đi đôi với việc làm, nên hắn trở thành một mối lo không chỉ khi còn sống", ông Scheuer nói. "Chúng ta ở phương Tây nên không hiểu tư duy đang diễn tiến ở đó".

Ông Scheuer, từng viết một cuốn tiểu sử về bin Laden, cho rằng chính sách đối ngoại Mỹ là một phần tác động làm tăng sức mạnh của Al Qaeda và khả năng tuyển dụng nhân sự mới của lực lượng này. "Không có sự tuyển dụng nào đối với Al Qaeda hiệu quả hơn là chính sách đối ngoại Mỹ", ông Scheuer nói.

Nam Anh (Theo Mail)

Nga ủng hộ ông Gaddafi phải từ chức

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 28/05/2011, 12:04 (GMT+7)

TTO - Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 27-5 bày tỏ sự hài lòng trước đề nghị của Nga đóng vai trò trung gian ở Libya, nơi liên quân do NATO dẫn đầu đang tìm cách lật độ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bằng các biện pháp quân sự.

Hội nghị G8 tại Deauville, Pháp - Ảnh: Getty Images

Ngày 27-5, Nga đã chấp thuận ký một tuyên bố chung của nhóm G8 khẳng định Gaddafi không còn là nhà lãnh đạo hợp pháp và không có tương lai nào cho ông trong một đất nước Libya tự do, dân chủ. “Ông ta phải ra đi”, tuyên bố của G8 sau hội nghị tại Deauville, Pháp, nói. Nga cũng khẳng định họ sẽ cử một đoàn đại biểu tới Beghazai và không chấp thuận để ông Gaddafi lưu vong.

Phát biểu với các phóng viên sau Hội nghị Thượng đỉnh G8, ông Medvedev nói rằng "cộng đồng thế giới không coi ông ta là nhà lãnh đạo Libya", đồng thời cho biết nếu ông Gaddafi đi sống lưu vong, "điều đó sẽ có ích cho Libya và người dân nước này". Tuy nhiên, ông khẳng định "chúng tôi sẽ không bắt giữ ông ta".

Ngoài ra, Tổng thống Nga cho biết nước này sẽ cử phái viên cấp cao của mình tại Châu Phi đến thành trì Benghazi của quân nổi dậy để tiếp xúc với lực lượng chống lại ông Gaddafi. Đề cập đến Mikhail Margelov, chuyên viên về Châu Phi của Điện Cremli, ông Medvedev nói: "Ông ta sẽ đến Benghazi ngay lập tức".

Libya phản bác

Sau khi thông tin về hội nghị G8 được tuyên bố, chính quyền Libya lập tức phủ nhận khả năng ông Gaddafi sẽ ra đi. “G8 là một hội nghị kinh tế. Chúng tôi không quan tâm đến quyết định của họ”, Thứ trưởng ngoại giao Libya Khaled Kaaim nói.

Tripoli cũng từ chối khả năng Nga làm trung gian hòa giải và nhắc lại rằng họ chỉ chấp nhận một kế hoạch với Liên minh châu Phi có vai trò trung gian.

“Chúng tôi là một quốc gia châu Phi. Bất cứ ý định nào bên ngoài khuôn khổ Liên minh châu Phi sẽ bị từ chối”, không Kaaim nói. Ông cũng khẳng định chính phủ Libya chưa nhận được thông tin gì về sự thay đổi lập trường của Nga và hiện đang liên lạc với Moskva để làm rõ những gì báo chí đưa.

Đề xuất ngừng bắn

Trước đó một ngày, chính phủ Libya đã đưa ra một đề xuất ngừng bắn mới, trong đó lần đầu tiên khẳng định sẵn sàng thương lượng với các lãnh đạo chính trị của quân nổi dậy hiện đang kiểm soát miền đông đất nước.

Phát biểu trước các phóng viên ở khu làm việc của chính quyền tại Tripoli, Thủ tướng Al-Baghdadi al-Mahmoudi tuyên bố chính quyền đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Phi chuẩn bị và giám sát một lệnh ngừng bắn có hiệu lực ngay lập tức giữa chính quyền, lực lượng nổi dậy và NATO, đồng thời cam kết sẽ bắt đầu chuyển đổi sang một chính phủ hiến định cũng như đền bù cho những nạn nhân của cuộc xung đột ba tháng qua.

Vấn đề Syria cũng được đưa ra thảo luận, nhưng các lãnh đạo G8 đã không tìm được tiếng nói chung. Nga chưa muốn đưa chủ đề Syria ra Liên Hiệp Quốc. “Không có cơ sở gì để xem xét vấn đề này (Syria) ở Hội đồng bảo an”, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các phóng viên.

Ông cũng nói bản sơ thảo nghị quyết được trao cho 15 thành viên Hội đồng bảo an vào thứ Tư tuần này do Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha soạn thảo là “có tác dụng không tốt”. “Chúng tôi còn chưa đọc”, ông Ryabkov nói. Nghị quyết này, nếu được đưa ra, cũng có thể bị Trung Quốc phủ quyết.

Cùng lúc với hội nghị G8, các nhà lãnh đạo châu Phi cũng đã có cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thủ đô Ethiopia Addis Ababa để kêu gọi NATO ngừng không kích và tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Các nhà lãnh đạo châu Phi, bao gồm Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, còn dự định tới châu Phi vào đầu tuần sau để làm trung gian hòa giải.

H.MINH


laodong.com.vn - Quốc tế

Mỹ, Anh, Pháp nhờ Nga dàn xếp vấn đề Libya

Thứ Sáu, 27.5.2011 | 10:15 (GMT + 7)

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho hay, các thành viên trong nhóm G8 đều xem Nga là nước có vai trò quan trọng trong việc dàn xếp và tìm kiếm ổn định cho tình hình tại Libya.

NATO tiến hành đợt không kích lớn nhất vào Libya
Libya mất khả năng quân sự?
Chính quyền Gaddafi tỏ ý "sẵn sàng ngừng chiến"

Medvedev
Medvedev được đề nghị đảm nhận sứ mệnh dàn xếp tình hình tại Libya.

"Trong mỗi cuộc họp song phương, những yêu cầu như trên đều được các nhà lãnh đạo đưa ra", Natalia Timakova - thư ký báo chí của Tổng thống Nga Medvedev nói sau các cuộc hội đàm song phương bên lề của ông Medvedev với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron.

Thư ký báo chí của ông Medvedev cho biết: "Trong những cuộc gặp này, các vị lãnh đạo đều cảm ơn ông Medevdev vì những đóng góp mang tính xây dựng của ông đối với tình hình Libya. Trên tất cả, họ đều đưa ra lời đề nghị yêu cầu Nga đảm nhận sứ mệnh dàn xếp tìm kiếm sự ổn định cho Libya".

Cũng trong hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Thủ tướng Libya Baghdadi al-Mahmoudi có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Deauville với Tổng thống Medvedev. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, phía chính quyền của Gaddafi chủ động gọi điện. Tripoli yêu cầu được giúp đỡ trong vấn đề tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn và bắt đầu đàm phán vô điều kiện.

Libya tỏ ý sẵn sàng ngừng chiến và đàm phán vô điều kiện.
Libya tỏ ý sẵn sàng ngừng chiến và đàm phán vô điều kiện.

Trong cuộc điện đàm này, ông Lavrov nói với ông al-Mahmoudi về quan điểm của các nhà lãnh đạo Nga trong việc làm thế nào vượt qua khủng hoảng tại Libya. Ông Lavrov khẳng định, Nga sẽ đề cập vấn đề này với các lãnh đạo trong nhóm G8 tại Deauville, Pháp.

Bộ Ngoại giao Nga tin rằng, một cơ hội thực sự cho việc tìm kiếm giải pháp bình ổn tại Libya đang được mở ra. Tuy nhiên, điều này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào người dân Libya "trong đó có chính quyền Tripoli - chính quyền này phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với định mệnh của đất nước" - Ria Novosti dẫn lời.

Nga chính là nước bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép liên quân tham chiến tại Libya nhằm bảo vệ dân thường đất nước Bắc Phi này hồi tháng 3.

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G8 vừa khai mạc tại Deauville, Pháp hôm qua 26.5. Tại đây, vấn đề Libya được xem là một trong những chủ đề chính của chương trình nghị sự.

Thanh Thanh Lan (Theo Ria)

Giả thầy cúng “trừ quỷ, bắt ma” để lừa tiền

VietNamNet
- Với thủ đoạn tự xưng mình là thầy cúng cao tay biết xem bói và “trừ quỷ bắt ma”, Liu Qiu Di cùng đồng bọn đã dễ dàng tiếp cận, lừa đảo chiếm đoạt tiền của người mê tín.

Ngày 24/5, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Liu Qiu Di (38 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) cùng đồng bọn thực hiện.

Theo cáo trạng, ngày 21/6/2010, một nhóm người Trung Quốc gồm Liu Jin Qing (29 tuổi), Wu Cai Ping (43 tuổi), Zhang Xue Yong (47 tuổi), Liu Qiu Di, Liu Mao Kui do Tan Mu Sheng làm trưởng nhóm tiến hành nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với mục đích du lịch.
Các bị cáo tại tòa

Sau khi nhập cảnh, Sheng bàn bạc với Di, Qing và Ping hôm sau sẽ đến chợ Thiếc (quận 11, TP.HCM) kiếm tiền bằng cách tìm những người Việt Nam biết nói tiếng Hoa nhẹ dạ cả tin dụ họ xem bói toán rồi chiếm đoạt tài sản của họ, sau khi lấy được tài sản sẽ có taxi do Yong đón sẵn chở về khách sạn, các đối tượng trên đồng ý tham gia.

Sáng hôm sau, Sheng thuê taxi chở cả nhóm đến chợ Thiếc thực hiện kế hoạch. Tại đây, Qing và Ping làm quen với bà L.L. tại sạp bán rau. Biết được nhà bà L. có người đang bị ốm nên Qing nói dối mình biết một thầy thuốc chữa bệnh giỏi rồi dẫn bà L. đến gặp, thực chất “thầy” là do Liu Qui Di “nhập vai”.

Sau khi xem chỉ tay cho bà L., “thầy” phán chính bà L. đang bị ma ám, nếu không cúng giải hạn trừ tà thì trong ba ngày nữa gia đình bà L. sẽ có hai người chết, quá hoảng sợ bà L. lập tức nghe theo rồi về nhà lấy tiền làm lễ. Bà L. về nhà chạy vạy được hơn 9 triệu đồng đựng vào bọc nilon mang ra ngồi chờ “thầy” phán, lợi dụng lúc người này không để ý, Di cùng đồng bọn đã tráo lấy bọc tiền rồi lên xe taxi tẩu thoát.

Trước khi đi, Di không quên bỏ lại “thần dược” vào túi nilon và dặn bà L. bảy ngày sau mới được mở. Đi đến giữa đường, nạn nhân mở túi ra xem mới phát hiện đã bị tráo mất tiền nên đã đến cơ quan công an trình báo, các đối tượng trên bị bắt.

Liên quan đến vụ án, phát hiện đồng bọn bị bắt, Tan Mu Sheng đã bỏ trốn, Liu Ma Kui đi du lịch một mình, không tham gia nên cơ quan công an không khởi tố.

Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử tuyên phạt Liu Qiu Di 1 năm 6 tháng tù, Liu Jin Qing 1 năm 3 tháng tù, Wu Cai Ping 1 năm 1 tháng tù, riêng Zhang Xue Yong giữ vai trò thứ yếu nên tòa tuyên phạt mức án 11 tháng 1 ngày tù ( bằng thời gian tạm giam) cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

M. Phượng

Mẹ giết con chồng khóc đòi được tử hình

VietNamNet

- Nức nở trước vành móng ngựa, bà mẹ kế thuê người hạ độc con chồng một mực xin được nhận án tử hình.

Trong suốt phần thẩm vấn tại tòa, Nguyễn Thị Chinh (SN 1968, ở Thái Nguyên) ôm mặt khóc và một mực khai rằng, thứ thuốc mà bà ta đưa cho người tình để thuê giang hồ bắt con chồng uống, gây nên cái chết cho anh Nguyễn Văn Nhường chỉ là thuốc ngủ.

Bị cáo một mực khẳng định bà ta không có ý định sát hại con chồng mà chỉ muốn thuê người bắt anh ta về cho bà ta “nói chuyện”.

Các bị cáo tại phiên tòa
Luật sư của bị cáo cũng cho rằng, lúc đầu bị cáo thuê người bắt cóc anh Nhường, nhưng sau khi biết chuyện anh Nhường không còn tranh chấp chuyện đất cát nữa thì cũng không còn lý do gì để sát hại nạn nhân. Tuy nhiên, bị cáo đã để mặc cho sự việc trôi đi. Luật sư lý giải: Cái 'đen' của bị cáo là tiền đã đưa, thuốc đã đưa, điện thoại, ảnh đã đưa... Và bởi vì Chinh không nhận thức được thứ thuốc đưa cho Thái là gì và không thể ngờ nạn nhân uống thuốc sau 30 giây đã chết.

Để phản biện, luật sư Hà Đăng, bảo vệ quyền và lợi ích cho phía bị hại nhắc lại một bản cung khi Chinh khai rằng, ban đầu chỉ định thuê người đánh anh Nhường, nhưng sau đó nửa tháng, chị ta đã đổi ý định, quay sang thuê người bắt cóc và cho nạn nhân uống thuốc. Thứ thuốc mà Chinh đưa cho đồng bọn, bị cáo chỉ nghĩ rằng đó là thuốc ngủ là khó chấp nhận được.

Theo luật sư Hà Đăng, bị cáo với tư cách một người mẹ, khi biết anh Nhường không còn tranh giành đất cát, nhẽ ra bị cáo có thể gọi điện cho đồng bọn hoặc thậm chí là gọi điện cho anh Nhường để ngăn chặn sự việc, tuy nhiên bị cáo đã không làm như vậy...

Phân tích hoàn cảnh của bị cáo khi lấy ông Nguyễn Văn Nhuận, hơn bị cáo vài chục tuổi, lại là một thương binh, Chinh cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng theo luật sư Hà Đăng, đành rằng sau khi chồng mất, Chinh và các con chồng có mâu thuẫn trong vấn đề tài sản nhưng chẳng lẽ, cứ mâu thuẫn là thuê giang hồ ra tay? Về mặt tình cảm, có thể Chinh đáng thương, nhưng về mặt luật pháp, Chinh là kẻ giết người.

Kết thúc phần tranh luận của các luật sư, khi được hỏi, Chinh giọng run run, nước mắt giàn giụa xin được nhận án tử hình.

Bà ta nức nở: Bị cáo không biết hậu quả lại như thế. Bị cáo không bao giờ nghĩ tới chuyện giết người, chiếm tài sản. Bây giờ bị cáo chẳng biết nói thế nào để mọi người tin. Bị cáo xin chết. Bị cáo không muốn sống nữa. Bị cáo xin chết cho đỡ khổ...

Sáng 27/5, sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Chinh, Nguyễn Duy Niệm, Đặng Anh Cường mức án chung thân; Dương Quang Thái, Nguyễn Sỹ Bắc phải nhận mức án 15 năm tù giam; Lê Nguyên Trưởng: nhận 18 năm tù; Trần Quốc Việt: 18 năm, 6 tháng tù; Bùi Văn Ninh: 12 năm tù; Nguyễn Trọng Minh phải nhận mức án 18 tháng tù.

T.Nhung

- Sau khi lấy một người đàn ông đã qua một đời vợ, Chinh cặp bồ với một chàng “phi công” ít hơn mình hai tuổi. Chán chê với mối tình trẻ, Chinh tiếp tục có con với một người đàn ông khác... Khi người chồng qua đời, vì tranh chấp thừa kế, Chinh đã thuê người tình cũ hạ độc con chồng một cách tàn ác.

Bà mẹ kế độc ác


Năm 1989, sau khi vợ mất, ông Nguyễn Văn Nhuận (SN 1947 ở TP Thái Nguyên) tái hôn với Nguyễn Thị Chinh (SN 1968, ở Thái Nguyên). Một năm sau đó, hai người sinh con gái chung là Nguyễn Trà My.

Vẻ đẹp mặn mà đã không giữ Chinh chung tình với chồng, đến năm 2003, Chinh đã cặp kè với Dương Quang Thái, người đàn ông kém bà ta 2 tuổi. Mối tình vụng trộm của họ kéo dài được hai năm thì chấm dứt.

Và Chinh tiếp tục phản bội chồng khi bà ta có quan hệ bất chính rồi có con với một người đàn ông khác.

Bị cáo Nguyễn Thị Chinh.

Tháng 3/2007, ông Nhuận qua đời, để lại bản di chúc với nội dung chia toàn bộ tài sản cho 3 người con của vợ trước. Bản di chúc này cũng nói rõ đây là tài sản riêng có trước khi ông Nhuận kết hôn với bà Chinh.

Sau khi ông Nhuận qua đời, căn cứ vào bản di chúc trên, bà Chinh và con gái không được hưởng tài sản gì đã phải đi ở nơi khác.

Dù đã là chủ nhà nghỉ Trà My, nhưng Chinh vẫn hậm hực với anh Nguyễn Văn Nhường (SN 1977), con trai của ông Nhuận vì cho rằng chính anh Nhường là người đã bày ra tất cả, khiến Chinh “trắng tay” không được thừa kế. Từ đây, Chinh đem lòng thù tức và mẫu thuẫn giữa mẹ kế con chồng cũng phát sinh từ đó.

Đến khoảng 11 giờ 45 ngày 25/8/2010, công an nhận được tin báo, người dân địa phương phát hiện xác một nam giới tại dốc Dây Diều, thuộc địa phận xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, cơ quan chức năng xác định nạn nhân là luật sư Nguyễn Văn Nhường (SN 1977).

Tiến hành điều tra, công an làm rõ, vào khoảng tháng 7/2010, Chinh nhờ người tình cũ là Thái tìm bắt anh Nhường, ép nạn nhân uống thuốc độc, vứt xuống vệ đường.

Và vụ án mạng kinh hoàng

Với tất cả hành vi phạm tội của mình, ngày 25/5, TAND TP Hà Nội đưa Nguyễn Thị Chinh cùng đồng bọn là Dương Quang Thái (SN 1970, ở Thái Nguyên), Nguyễn Sỹ Bắc (SN 1971, ở Vĩnh Phúc), Nguyễn Duy Niêm (SN 1980, ở Hải Phòng), Trần Quốc Việt (SN 1988, ở Hải Phòng), Lê Nguyên Trưởng (SN 19851, ở Bắc Ninh), Đặng Anh Cường (SN 1985, ở Hải Phòng), Bùi Văn Ninh (SN 1957, ở Hải Phòng) ra xét xử tội giết người; đưa Nguyễn Trọng Minh (SN 1985, Quảng Ninh) ra xét xử tội không tố giác tội phạm.

Theo cáo trạng của VKS, Chinh cùng Thái đã đến tìm Bắc để cùng tìm cách bắt anh Nhường. Bắc đồng ý với giá 150 triệu đồng. Chinh đồng ý với điều kiện, sau khi bắt được anh Nhường, Bắc phải giao nạn nhân cho Chinh và Thái tại khu vực trạm thu phí Sóc Sơn, Hà Nội.

Để thực hiện kế hoạch, Chinh đưa cho Bắc một ảnh của anh Nhường, đằng sau có ghi tên, số điện thoại của anh Nhường và 50 triệu đồng tiền đặt cọc. Hai bên thỏa thuận khi nào xong việc sẽ thanh toán nốt.

Sau khi nhận việc, Bắc gọi điện cho Minh nhờ tìm bắt anh Nhường. Minh đã gọi điện cho Niên nhờ vả, Niên nhận lời và ra giá là 100 triệu đồng. Niêm đã gọi điện cho Lê Nguyên Trưởng, Đặng Anh Cương và Bùi Văn Ninh để lên kế hoạch bắt cóc anh Nhường.

Đến tối ngày 21/8/2010, Chinh gọi điện cho Thái hẹn đến nhà gặp và báo rằng ngày 22/8/2010, anh Nhường sẽ về Thái Nguyên để họp gia đình về việc phân chia tài sản. Khi Thái đến, Chinh đưa cho Thái một túi ni lon bên trong có 1 lọ thủy tinh có chứa chất Cyanua, 1 đôi găng tay cao su và 110 triệu đồng.

Lọ thủy tinh này Chinh biết thừa bên trong có đựng bả chó, do trước đó bà ta được một người quen gửi lại nhà nghỉ Trà My. Chinh vẫn để lọ thuốc đó trên chuồng chó cho đến khi nảy sinh ý định tàn độc thì bà ta vơ lọ thuốc đưa cho người tình cũ và nói rằng bên trong lọ đựng thuốc ngủ.

Khi đưa lọ thuốc cho Thái, Chinh dặn: Trước khi giao Nhường cho bà ta, phải bắt Nhường uống thuốc.

Ngay sau đó, Thái gọi điện cho Bắc báo việc anh Nhường sẽ về nhà vào ngày hôm sau để Bắc liệu đường ra tay. Liền sau đó Bắc gọi điện cho Niêm rồi hẹn gặp nhau vào lúc 9 giờ sáng ở ngã ba Kinh Anh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội để cùng lên Thái Nguyên nhận mặt, theo dõi và bắt anh Nhường theo “hợp đồng”.

Thái đã đưa cho Bắc 10 triệu đồng và một túi ni lon bên trong có lọ thủy tinh đựng cyanua, đôi găng tay, những thứ mà Chinh đã đưa cho Thái và dặn Bắc, trước khi giao Nhường thì phải bắt nạn nhân uống lọ thuốc trên và khi anh Nhường nằm im, cứ để nạn nhân nằm bên vệ đường sẽ có người đến nhận.

Nhận lệnh xong, Bắc tìm gặp Niêm, Cương và Ninh và truyền đạt lại “chỉ thị” vừa nhận được từ Thái và không quên đưa lại cho Niêm lọ thuốc cyanua cùng 5 triệu đồng.

Nhóm của Niêm theo dõi anh Nhường, khi thấy nạn nhân bắt xe khách từ Thái Nguyên về Hà Nội, Niêm, Cương cũng lên xe theo sát nạn nhân, trong khi Ninh bắt taxi bám theo. Khi về đến bến xe Mỹ Đình, Niêm gọi cho Việt, Trưởng cùng đến tăng cường theo dõi anh Nhường khi nạn nhân về nhà trọ ở phố Lê Trọng Tấn.

Sáng hôm sau, cả bọn bám theo anh Nhường khi anh đi ăn sáng uống cà phê rồi lừa đưa anh lên xe taxi, phóng về hướng đường Phạm Văn Đồng. Khi xe chạy qua trạm thu phí cầu Thăng Long, Việt, Trưởng, Cương, Niêm tìm cách ép anh Nhường uống thuốc độc.

Bọn chúng giữ đầu, bóp miệng, lấy chai nước đã pha sẵn thuốc đổ vào mồm ép nạn nhân uống. Chỉ 30 giây sau đó, anh Nhường đã bất động, người mềm nhũn, mép chảy dịch.

Khi đến chân dốc Dây Diều, Niêm giao anh Nhường cho Bắc thì Bắc bảo Niêm cứ thả xuống vệ đường, sẽ có người nhận. Sau đó Bắc nhận 100 triệu đồng từ Thái rồi giao cho Niêm 60 triệu đồng.

Sau tất cả tội ác đã vạch cho đồng bọn thực hiện, trước tòa, Chinh mếu máo, vẹo vọ “ôn nghèo kể khổ” khi bà ta đã phải chăm sóc chồng, nuôi con chồng cực nhọc vất vả, nhưng lại bị đối xử không ra gì.

Tại tòa, bà ta một mức cho rằng mình bị oan, bị nhục hình, ép cung nên mới nhận tội. Để làm rõ hành vi phạm tội của Chinh, VKS dồn bị cáo bằng các câu hỏi:

- Khi bị cáo đưa thuốc cho Thái bị cáo nói gì?

- Đây là thuốc ngủ ạ!

- Bị cáo có biết đó là thuốc bả chó không?

- Không ạ.

- Trong các lời khai ở cơ quan điều tra, bị cáo nói đó là thuốc bả chó là sao?

- Bị cáo bị đánh ạ!

- Trong khi viết các bản tường trình, bị cáo có bị ai đánh không?

- Không ạ.

- Sao bị cáo ghi rõ trong bản tường trình đó là thuốc bả chó?

HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo:

- Bị cáo có liên hệ với Thái để bắt anh Nhường không?

- Có.

- Bị cáo có đưa tiền không?

- Có.

- Có đưa chân dung ảnh của anh Nhường không?

- Có.

- Bị cáo có thông báo ngày anh Nhường về cho đồng bọn không?

- Có.

“Từ đó cho thấy phù hợp với tất cả các lời khai của bị cáo trước đây dù tại tòa bị cáo chối tội”, vị Hội thẩm nhân dân nói.

Theo dự kiến, ngày mai 26/5, vụ án sẽ tiếp tục với phần tranh luận.

T.Nhung

Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho Việt Nam

Thanh Niên Online:
Dây cáp tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt đứt. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 27/5, trả lời câu hỏi của Thông tấn xã Việt Nam về việc ngày 26/5/2011, tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, quan chức Bộ Ngoại giao xác nhận vào lúc 5 giờ 58 phút sáng 26/5/2011, trong khi tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị 3 tàu hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.

Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12o48’25” Bắc và 111o26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.

Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết sáng 27/5/2011, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nội chiến sắp xảy ra ở Yemen

HNMO:
27/05/2011 17:10

(HNMO) - Hôm nay (27/5), Yemen đã đứng bên bờ vực của cuộc nội chiến khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã bất chấp các lời kêu gọi ông từ bỏ quyền lực từ các đối thủ và các nhà lãnh đạo thế giới.

Hơn 40 người Yemen đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trên đường phố ở thủ đô Sanaa ngày hôm qua - ngày thứ tư của cuộc đụng độ kể từ sau khi một thỏa thuận do Vùng vịnh làm trung gian để đưa ông Saleh rời bỏ quyền lực và kết thúc 4 tháng bất ổn tại quốc gia này bị sụp đổ.

Các cư dân thoát chạy khỏi thành phố để tránh bạo lực đã lên đến hàng nghìn người. Những người khác đã chất các vật tư thiết yếu và chờ đợi trong lo lắng về những gì có thể xảy ra trong ngày.

Những người cầu nguyện hôm nay đã đến một điểm tập hợp truyền thống cho các đối thủ và những người ủng hộ ông Saleh - người đã cai trị quốc gia nghèo khó này trong gần 33 năm - và có thể là sự khơi mào cho bạo lực gia tăng trở lại.

Cuộc chiến đánh vào lực lượng an ninh của ông Saleh chống lại các thành viên của bộ tộc Hashed hùng mạnh do Sadiq al-Ahmar lãnh đạo - là cuộc chiến đẫm máu nhất mà Yemen từng chứng kiến kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu hồi tháng 1.

Hơn 80 người đã thiệt mạng kể từ hôm 22/5, khi các chiến binh trong các trang phục thường dân đi vào các khu phố. Đạn súng máy đã vang lên khắp thành phố ngày hôm qua và các vụ nổ lẻ tẻ cũng đã nổ ra gần nơi biểu tình, nơi hàng nghìn người yêu cầu ông Saleh ra đi vẫn đang cắm trại.

Khi tình hình xấu đi, các đại sứ quán nước ngoài đã giảm lượng nhân viên và kêu gọi các công dân của họ rời khỏi nước này.

Các nhà lãnh đạo nhóm G8 đang nhóm họp tại Deauville, Pháp, đã kêu gọi ông Saleh từ bỏ quyền lực.

Mỹ, từ lâu đã xem ông Saleh như một đồng minh chống lại al Qaeda, cũng nói rằng, giờ họ muốn ông ra đi. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, ông đã "liên tục thất hứa" về các thỏa thuận từ chức.

Có lo ngại rằng Yemen, hiện đã đứng bên bờ vực của sự sụp đổ tài chính, có thể trở thành một nhà nước thất bại có thể làm suy yếu an ninh khu vực và đặt ra một mối nguy nghiêm trọng cho người hàng xóm Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Mỹ và Ả Rập Xê-út lo ngại về bất kỳ sự lây lan nào của tình trạng hỗn loạn có thể khiến các mạng lưới chiến binh toàn cầu có nhiều cơ hội hoạt động hơn.

Lãnh đạo bộ tộc Ahmar nói với Reuters rằng, không có cơ hội hòa giải với ông Saleh và ông kêu gọi các cường quốc khu vực và toàn cầu buộc ông Saleh phải ra đi trước khi đất nước có thể xảy ra nội chiến.

Hôm 25/5, ông Saleh cho biết, ông sẽ không cúi đầu trước "các mệnh lệnh" quốc tế yêu cầu ông phải từ chức và rời khỏi Yemen.

Áp lực đã được gia tăng kể từ tháng 2, khi người biểu tình lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng dân chủ ở Tunisia và Ai Cập đã bắt đầu cắm trại ở các quảng trường và diễu hành kêu gọi ông Saleh ra đi. Những nỗ lực của ông Saleh nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng vũ lực đã khiến 260 người thiệt mạng.

Cuộc chạy đua vũ trang không tránh khỏi ở biển Đông

RFA:
2011-05-27

Trong 10 năm trở lại đây ngân sách quốc phòng của các nước Đông Nam Á đều tăng. Việc các nước trong khu vực gia tăng ngân sách quốc phòng giữa lúc căng thẳng tại biển Đông ngày càng phức tạp, lại dấy lên nhiều lo ngại về một cuộc chạy vũ trang trong khu vực

AFP

Nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội năm 2009, Trung Quốc biểu diễn trình bày 56 tàu ngầm, chiến hạm trang bị tên lửa, máy bay nhiều loại tại khu vực biển Đông


Đó cũng là cảnh báo của Tổng thống Philippines Benigno Aquino khi ông gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt hôm thứ Hai. Khả năng một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực có phải đang dần rõ ràng hơn?

Từ hiện đại hóa quân đội đến chạy đua vũ trang

Quỳnh Chi hỏi chuyện giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc Đại học George Mason, Virginia. Trước tiên, ông cho biết ý kiến của mình về lời phát biểu của Tổng thống Philippines:
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Điều này đúng vì chúng ta thấy rằng gần đây tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á (ĐNA) đều đi mua thêm vũ khí cả. Có một vài người cho rằng việc này là bình thường vì những chi tiêu quốc phòng sau 1 thời gian khủng hoảng đã phục hồi trở lại để mua vũ khí mới thay thế những cái cũ. Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ ràng ngân sách quân đội của các nước trong khu vực tăng lên. Mà nó tăng lên sau những hiện đại hóa quân sự cũng như thái độ khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.
chúng ta thấy rõ ràng ngân sách quân đội của các nước trong khu vực tăng lên. Mà nó tăng lên sau những hiện đại hóa quân sự cũng như thái độ khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.
Việc Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng đã gây ra sự thắc mắc cho các nước lớn như Hoa Kỳ và dĩ nhiên là tạo sự quan tâm cho các nước trong khu vực khi họ có tranh chấp với Trung Quốc. Và một khi quan
Đặc biệt hải quân Trung Quốc được hiện đại hóa với tốc độ đáng ngại. AFP
Đặc biệt hải quân Trung Quốc được hiện đại hóa với tốc độ đáng ngại. AFP
tâm thì họ phải có hành động là nhờ thế giới bảo vệ.
Quỳnh Chi: Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Tổng thống Philippines cũng cho biết rằng mặc dù hiện tại họ không có khả năng hiện đại hóa quân sự nhưng họ sẵn sàng chạy đua vũ trang nếu cần thiết. Ông có cho rằng Việt Nam cũng sẽ phản ứng tương tự?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết tôi muốn nói rằng Tổng thống Benigno Aquino nói đúng. Ngân sách Philippines không cho phép họ tăng ngân sách quốc phòng và họ không muốn tăng ngân sách này nếu họ không phải tăng. Nhưng trước việc Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quân sự nhất là với ý định không rõ ràng, cộng với hành động của Hoa Lục thì Philippines dù không muốn tăng ngân sách quốc phòng cũng phải làm thôi.
Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quân sự nhất là với ý định không rõ ràng, cộng với hành động của Hoa Lục thì Philippines dù không muốn tăng ngân sách quốc phòng cũng phải làm thôi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng tuyên bố rằng Việt Nam phải mua vũ khí để tự phòng vệ cho mình. Những điều này cũng hợp lý thôi.

Mầm mống và nguyên nhân

Quỳnh Chi: Vâng, những năm gần đây, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng lên. Đầu tháng 5 này Trung Quốc lại tăng cường thêm 1 tàu mới vào hạm đội tuần tra biển Đông. Và theo Phó giám đốc Cơ quan Giám sát hàng hải nước này thì họ sẽ mua thêm 36 tàu tuần tra trong vòng 5 năm tới. Ông đánh giá thế nào về khả năng tuần tra và phòng vệ tại biển Đông của Hoa Lục? Và khả năng ấy của Việt Nam là như thế nào?
Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò”
Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông. (Đây là bản đồ nguyên gốc phổ biến trên nhiều website Trung Quốc:Tianyon/china)
GS Nguyễn Mạnh Hùng:
Khả năng quân sự của Trung Quốc ngày càng mạnh và một khi mà họ đã có được hàng không mẫu hạm thì khả năng phóng sức mạnh của họ càng xa. Đây là một đe dọa rất lớn nếu Trung Quốc có tham vọng lấn chiếm biển Đông. Việt Nam nằm gần Trung Quốc, lại có tranh chấp toàn phần Trường Sa với nước này. Những năm gần đây Trung Quốc lại thỉnh thoảng cấm đánh bắt ngay cả những vùng tranh chấp. Cho nên sức mạnh của Trung Quốc đến mức Việt Nam phải quan tâm.
Khả năng quân sự của Trung Quốc ngày càng mạnh và một khi mà họ đã có được hàng không mẫu hạm thì khả năng phóng sức mạnh của họ càng xa. Đây là một đe dọa rất lớn nếu Trung Quốc có tham vọng lấn chiếm biển Đông.
Quỳnh Chi: Giả sử trong tương lai có một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, mặt tích cực và tiêu cực của việc này là gì thưa ông?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Chạy đua vũ trang thì không có việc gì tốt cả. Chạy đua vũ trang trong quá khứ đã tạo ra Đệ nhị Thế chiến. Chính vì thế mà người ta luôn tìm cách làm giảm các cuộc chạy đua vũ trang. Muốn làm điều này phải biết việc này bắt nguồn từ đâu. Hiện nay việc chạy đua vũ trang trong khu vực ĐNA bắt nguồn từ sự lo lắng của các nước nhỏ về việc gia tăng ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Hiện nay thì Hoa Kỳ và các quốc gia khác đều yêu cầu Trung Quốc minh bạch hóa việc này để biết họ hiện đại hóa để làm gì.
Quỳnh Chi: Xem ra việc chạy đua vũ trang không phải là một kế sách hay để giải quyết các vấn đề tranh chấp tại biển Đông. Nếu trong tương lai thật sự có cuộc chạy đua vũ trang như người ta đang lo ngại, thì điều này ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
Việt Nam quan tâm đến an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ, cũng như cố gắng tìm cách để bảo vệ sự lãnh thổ quốc gia. Ông Nguyễn Chí Vịnh nói rằng Việt Nam dùng nhiều cách để bảo vệ. Ông cho rằng cuối cùng thì cũng phải dùng quân sự nhưng ngoại giao là cách tốt nhất.
Quân đội Việt Nam: Chiến đấu cơ Su-30MK2 và tàu ngầm "Kilo" 636 của Nga (Nguồn : Wikipedia)
Quân đội Việt Nam: Chiến đấu cơ Su-30MK2 và tàu ngầm "Kilo" 636 của Nga
(Nguồn : Wikipedia)
GS Nguyễn Mạnh Hùng:
Nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề ngân sách. Nếu mình dùng nhiều ngân sách cho quốc phòng thì sẽ không có tiền để làm những việc khác. Một ví dụ rõ ràng nhất là Nhật Bản. Trong nhiều năm, nước này được Hoa Kỳ bảo vệ nên không phải chi nhiều tiền cho quốc phòng mà tập trung phát triển kinh tế. Nếu Việt Nam phải chi nhiều tiền cho quốc phòng thì sẽ ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển kinh tế Việt Nam và tạo căng thẳng cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, đó là vấn đề không thể tránh khỏi được. Có một cách là Việt Nam có thể liên kết với các quốc gia khác trong vực hoặc các nước lớn để tạo một thế cân bằng quyền lực.
Quỳnh Chi: Vậy ông thấy phản ứng của các viên chức trong Bộ Quốc phòng Việt Nam về việc bảo vệ chủ quyền quốc gia như thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Qua những cuộc phỏng vấn với báo giới của ông Nguyễn Chí Vịnh (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), có thể thấy Việt Nam quan tâm đến an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ, cũng như cố gắng tìm cách để bảo vệ sự lãnh thổ quốc gia. Ông Nguyễn Chí Vịnh nói rằng Việt Nam dùng nhiều cách để bảo vệ. Ông cho rằng cuối cùng thì cũng phải dùng quân sự nhưng ngoại giao là cách tốt nhất. Thêm một điều nữa, tôi thấy những tuyên bố ấy có bài bản hẳn hoi cho thấy Việt Nam ngày càng tăng cường khả năng tham mưu.
Quỳnh Chi: Vâng, cám ơn giáo sư.
2011-05-27

Trong 10 năm trở lại đây ngân sách quốc phòng của các nước Đông Nam Á đều tăng. Việc các nước trong khu vực gia tăng ngân sách quốc phòng giữa lúc căng thẳng tại biển Đông ngày càng phức tạp, lại dấy lên nhiều lo ngại về một cuộc chạy vũ trang trong khu vực

AFP

Nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội năm 2009, Trung Quốc biểu diễn trình bày 56 tàu ngầm, chiến hạm trang bị tên lửa, máy bay nhiều loại tại khu vực biển Đông


Đó cũng là cảnh báo của Tổng thống Philippines Benigno Aquino khi ông gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt hôm thứ Hai. Khả năng một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực có phải đang dần rõ ràng hơn?

Từ hiện đại hóa quân đội đến chạy đua vũ trang

Quỳnh Chi hỏi chuyện giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc Đại học George Mason, Virginia. Trước tiên, ông cho biết ý kiến của mình về lời phát biểu của Tổng thống Philippines:
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Điều này đúng vì chúng ta thấy rằng gần đây tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á (ĐNA) đều đi mua thêm vũ khí cả. Có một vài người cho rằng việc này là bình thường vì những chi tiêu quốc phòng sau 1 thời gian khủng hoảng đã phục hồi trở lại để mua vũ khí mới thay thế những cái cũ. Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ ràng ngân sách quân đội của các nước trong khu vực tăng lên. Mà nó tăng lên sau những hiện đại hóa quân sự cũng như thái độ khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.
chúng ta thấy rõ ràng ngân sách quân đội của các nước trong khu vực tăng lên. Mà nó tăng lên sau những hiện đại hóa quân sự cũng như thái độ khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.
Việc Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng đã gây ra sự thắc mắc cho các nước lớn như Hoa Kỳ và dĩ nhiên là tạo sự quan tâm cho các nước trong khu vực khi họ có tranh chấp với Trung Quốc. Và một khi quan
Đặc biệt hải quân Trung Quốc được hiện đại hóa với tốc độ đáng ngại. AFP
Đặc biệt hải quân Trung Quốc được hiện đại hóa với tốc độ đáng ngại. AFP
tâm thì họ phải có hành động là nhờ thế giới bảo vệ.
Quỳnh Chi: Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Tổng thống Philippines cũng cho biết rằng mặc dù hiện tại họ không có khả năng hiện đại hóa quân sự nhưng họ sẵn sàng chạy đua vũ trang nếu cần thiết. Ông có cho rằng Việt Nam cũng sẽ phản ứng tương tự?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết tôi muốn nói rằng Tổng thống Benigno Aquino nói đúng. Ngân sách Philippines không cho phép họ tăng ngân sách quốc phòng và họ không muốn tăng ngân sách này nếu họ không phải tăng. Nhưng trước việc Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quân sự nhất là với ý định không rõ ràng, cộng với hành động của Hoa Lục thì Philippines dù không muốn tăng ngân sách quốc phòng cũng phải làm thôi.
Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quân sự nhất là với ý định không rõ ràng, cộng với hành động của Hoa Lục thì Philippines dù không muốn tăng ngân sách quốc phòng cũng phải làm thôi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng tuyên bố rằng Việt Nam phải mua vũ khí để tự phòng vệ cho mình. Những điều này cũng hợp lý thôi.

Mầm mống và nguyên nhân

Quỳnh Chi: Vâng, những năm gần đây, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng lên. Đầu tháng 5 này Trung Quốc lại tăng cường thêm 1 tàu mới vào hạm đội tuần tra biển Đông. Và theo Phó giám đốc Cơ quan Giám sát hàng hải nước này thì họ sẽ mua thêm 36 tàu tuần tra trong vòng 5 năm tới. Ông đánh giá thế nào về khả năng tuần tra và phòng vệ tại biển Đông của Hoa Lục? Và khả năng ấy của Việt Nam là như thế nào?
Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò”
Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông. (Đây là bản đồ nguyên gốc phổ biến trên nhiều website Trung Quốc:Tianyon/china)
GS Nguyễn Mạnh Hùng:
Khả năng quân sự của Trung Quốc ngày càng mạnh và một khi mà họ đã có được hàng không mẫu hạm thì khả năng phóng sức mạnh của họ càng xa. Đây là một đe dọa rất lớn nếu Trung Quốc có tham vọng lấn chiếm biển Đông. Việt Nam nằm gần Trung Quốc, lại có tranh chấp toàn phần Trường Sa với nước này. Những năm gần đây Trung Quốc lại thỉnh thoảng cấm đánh bắt ngay cả những vùng tranh chấp. Cho nên sức mạnh của Trung Quốc đến mức Việt Nam phải quan tâm.
Khả năng quân sự của Trung Quốc ngày càng mạnh và một khi mà họ đã có được hàng không mẫu hạm thì khả năng phóng sức mạnh của họ càng xa. Đây là một đe dọa rất lớn nếu Trung Quốc có tham vọng lấn chiếm biển Đông.
Quỳnh Chi: Giả sử trong tương lai có một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, mặt tích cực và tiêu cực của việc này là gì thưa ông?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Chạy đua vũ trang thì không có việc gì tốt cả. Chạy đua vũ trang trong quá khứ đã tạo ra Đệ nhị Thế chiến. Chính vì thế mà người ta luôn tìm cách làm giảm các cuộc chạy đua vũ trang. Muốn làm điều này phải biết việc này bắt nguồn từ đâu. Hiện nay việc chạy đua vũ trang trong khu vực ĐNA bắt nguồn từ sự lo lắng của các nước nhỏ về việc gia tăng ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Hiện nay thì Hoa Kỳ và các quốc gia khác đều yêu cầu Trung Quốc minh bạch hóa việc này để biết họ hiện đại hóa để làm gì.
Quỳnh Chi: Xem ra việc chạy đua vũ trang không phải là một kế sách hay để giải quyết các vấn đề tranh chấp tại biển Đông. Nếu trong tương lai thật sự có cuộc chạy đua vũ trang như người ta đang lo ngại, thì điều này ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
Việt Nam quan tâm đến an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ, cũng như cố gắng tìm cách để bảo vệ sự lãnh thổ quốc gia. Ông Nguyễn Chí Vịnh nói rằng Việt Nam dùng nhiều cách để bảo vệ. Ông cho rằng cuối cùng thì cũng phải dùng quân sự nhưng ngoại giao là cách tốt nhất.
Quân đội Việt Nam: Chiến đấu cơ Su-30MK2 và tàu ngầm "Kilo" 636 của Nga (Nguồn : Wikipedia)
Quân đội Việt Nam: Chiến đấu cơ Su-30MK2 và tàu ngầm "Kilo" 636 của Nga
(Nguồn : Wikipedia)
GS Nguyễn Mạnh Hùng:
Nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề ngân sách. Nếu mình dùng nhiều ngân sách cho quốc phòng thì sẽ không có tiền để làm những việc khác. Một ví dụ rõ ràng nhất là Nhật Bản. Trong nhiều năm, nước này được Hoa Kỳ bảo vệ nên không phải chi nhiều tiền cho quốc phòng mà tập trung phát triển kinh tế. Nếu Việt Nam phải chi nhiều tiền cho quốc phòng thì sẽ ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển kinh tế Việt Nam và tạo căng thẳng cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, đó là vấn đề không thể tránh khỏi được. Có một cách là Việt Nam có thể liên kết với các quốc gia khác trong vực hoặc các nước lớn để tạo một thế cân bằng quyền lực.
Quỳnh Chi: Vậy ông thấy phản ứng của các viên chức trong Bộ Quốc phòng Việt Nam về việc bảo vệ chủ quyền quốc gia như thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Qua những cuộc phỏng vấn với báo giới của ông Nguyễn Chí Vịnh (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), có thể thấy Việt Nam quan tâm đến an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ, cũng như cố gắng tìm cách để bảo vệ sự lãnh thổ quốc gia. Ông Nguyễn Chí Vịnh nói rằng Việt Nam dùng nhiều cách để bảo vệ. Ông cho rằng cuối cùng thì cũng phải dùng quân sự nhưng ngoại giao là cách tốt nhất. Thêm một điều nữa, tôi thấy những tuyên bố ấy có bài bản hẳn hoi cho thấy Việt Nam ngày càng tăng cường khả năng tham mưu.
Quỳnh Chi: Vâng, cám ơn giáo sư.