Báo Philippines: TQ xây dựng nhiều tiền đồn ở Trường Sa

VietNamNet
Tờ Philstar hôm qua (24/5) đưa tin, Trung Quốc đã thiết lập các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông.
Các tài liệu và hình ảnh mà News5 có được cho thấy, các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự đã được thiết lập ở sáu bãi đá ngầm trong Nhóm đảo Kalayaan. Chính quyền của Tổng thống Aquino đã và đang thúc đẩy các giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Philippines đang tuyên bố chủ quyền với Nhóm đảo Kalayaan (một phần của quần đảo Trường Sa).
Chuẩn bị vào đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Chu Thanh Vân
Các tài liệu và hình ảnh cho thấy, các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự mà Trung Quốc xây dựng thuộc về các bãi đá ngầm gồm: Kagitingan, Calderon, Gaven, Zamora, Chigua và Panganiban.
Tại bãi đá ngầm Kagitingan, Trung Quốc đã xây dựng trạm thông tin liên lạc thường xuyên và đài quan sát hàng hải có thể chứa 200 quân. Họ còn xây dựng một bãi đáp cho trực thăng, một doanh trại hai tầng và cầu tàu dài 300 mét cho phép các tàu hậu cần và tàu tuần tra cập bến. Trung Quốc coi Bãi đá ngầm Kagitingan như khu vực chỉ huy chính với hệ thống rađa, các súng hải quân hỏa lực mạnh…
Các tài liệu cũng cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở của họ tại Bãi đá ngầm Panganiban. Năm 1995, Manila và Bắc Kinh đã có tranh cãi ngoại giao khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các kết cấu trên bãi đá này. Khi ấy, Trung Quốc tuyên bố đó là những công trình giúp ngư dân trú ẩn nhưng sự hoài nghi đặt ra ngày một lớn khi những khu vực trú ẩn ấy được trang bị hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và radar.
Ngoài các đơn vị đồn trú, Trung Quốc còn tích cực thúc đẩy những dự án hàng hải quy mô lớn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ với Trường Sa. Đó là các dự án xây dựng cầu cảng, sân bay, hải đăng, đài quan sát hải dương và mạng lưới khí tượng học hàng hải.
Đấu khẩu
Gần đây, Tổng thống Philippines đã đề cập tới ý tưởng của các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông về việc cùng phát triển tài nguyên vùng biển và cùng chia sẻ lợi nhuận.
Ngày 5/4, Philippines đã gửi thư ngoại giao phản đối việc Trung Quốc đưa ra bản đồ đường lưỡi bò tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông bao gồm cả quần đảo Trường Sa - khu vực giàu tài nguyên dầu khí đang tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc và ba quốc gia khác.
Sau đó, ngày 14/4, Trung Quốc đã có động thái tương tự đáp trả Philippines. Nước này tuyên bố: "Kể từ những năm 1970, Philippines đã bắt đầu xâm lấn và chiếm đóng một số đảo cũng như vỉa đá ngầm tại quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi tên quần đảo Trường Sa) và đưa ra các tuyên bố chủ quyền liên quan, điều mà Trung Quốc mạnh mẽ phản đối".
Một ngày sau khi Trung Quốc đưa ra bản đồ chín đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) lên một ủy ban của LHQ tháng 5/2009, Việt Nam và Malaysia đã đệ đơn phản đối. Indonesia, tuy không phải là bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng phản đối bản đồ của Trung Quốc năm ngoái. Tuy nhiên, trong cả bốn thư ngoại giao đệ trình lên LHQ chống lại bản đồ chín đoạn của Trung Quốc, chỉ có thư phản đối của Philippines khiến Bắc Kinh gửi công hàm đáp trả lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon.
Trung Quốc tuyên bố trong công hàm gửi LHQ rằng: "Cái gọi là quần đảo Kalayaan mà Philippines tuyên bố chủ quyền là một phần của quần đảo Nam Sa của Trung Quốc".
Về phần mình, trong công hàm gửi tới Ban phụ trách các vấn đề Đại dương và Luật biển của LHQ, Philippines tuyên bố, nhóm đảo Kalayaan là một phần không tách rời của Philippines, và nước này có chủ quyền với vùng biển xung quanh hoặc tiếp giáp với mỗi đặc trưng địa chất trong Nhóm đảo Kalayaan theo quy định của luật pháp quốc tế, cũng như theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).
Giải pháp hòa bình
Hôm 23/5, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Manila và Bắc Kinh đã nhất trí tiến hành đối thoại về vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Trả lời báo chí sau cuộc gặp trên, người phụ trách truyền thông Philippines Ricky Carandang nói: “Hai bên nhất trí không để những vụ việc xảy ra trong vài tháng qua gây khó khăn cho quan hệ song phương”. Carandang đề cập tới vụ việc hồi tháng 3 khi hai tàu Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò Philippines tại khu vực thuộc Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền.
Carandang mô tả cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines và ông Lương là “thân mật, hòa giải và hiệu quả”. Ông nói: “Trong cuộc gặp này, hai bên đã tái khẳng định quan điểm đàm phán hòa bình về vấn đề có thể không thường nhất trí”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt đã cam kết tránh “các hành động đơn phương có thể gây báo động và tập trung vào một giải pháp hòa bình” cho tranh chấp ở Biển Đông.
Trong một tuyên bố, Philippines cho hay: “Hai bộ trưởng bày tỏ hy vọng về các chỉ dẫn thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 sẽ sớm hoàn thành và thống nhất, góp phần giữ ổn định khu vực và các bên cùng làm việc cho một giải pháp hòa bình”.
Ông Lương Quang Liệt đã tới thăm Singapore và Indonesia trước khi tới Philippines. Ông sẽ trở về Trung Quốc vào thứ hôm nay.
vietnamnet.vn:
Philippines đã sẵn sàng tăng cường gấp bội các khả năng tuần tra tại Biển Đông sau khi gửi thư ngoại giao lên LHQ phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền ở vùng biển này.

Theo đó, vào tháng tới, Philippines sẽ triển khai tàu tuần duyên hạng nặng lớp Hamilton (WHEC) ở gần nhóm đảo mà họ gọi là Kalayaan. Tàu tuần tra lớp Hamilton là tàu lớn nhất mà Hải quân Philippines mua từ Mỹ kể từ những năm 1980.

Hải quân Philippines mua tàu tuần tra lớp Hamilton từ Mỹ để tăng cường tuần tra biển. Ảnh: navaltoday

Con tàu dài 115m, có hai động cơ diesel và động cơ turbine khí, đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, có thể vận hành trên biển mà không cần tiếp nhiên liệu trong vòng 45 ngày, với một thủy thủ đoàn gồm 167 người. Đây là một trong những tàu mới nhất tại Hạm đội Philippines.
Tàu có cả nhà chứa máy bay và sân đỗ cho trực thăng. Để chuẩn bị cho việc vận hành con tàu lớp Hamilton, 21 sĩ quan và thủy thủ đang được đào tạo cùng lực lượng Phòng vệ Bờ biển Mỹ tại vịnh Mexico và Caribbea.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã xác nhận việc nước này gửi thư ngoại giao tới Ban phụ trách các vấn đề Đại dương và Luật Biển LHQ để phản đối yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Manila khẳng định, tuyên bố chủ̉ quyền Biển Đông của Trung Quốc "không có cơ sở theo luật quốc tế".
Sau động thái của Manila, một quan chức cấp cao Trung Quốc hôm 14/4 đã tuyên bố, chính phủ nước này không thể chấp nhận tuyên bố của Philippines về chủ quyền với một số đảo ở Biển Đông.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo và vùng biển lân cận tại Biển Đông. Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển, đáy biển và thềm lục địa liên quan”.
Người phát ngôn nhấn mạnh: “Chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông và các quyền liên quan, quyền tài phán có căn cứ từ cả quan điểm lịch sử cũng như pháp lý”.
Đầu tháng trước, Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền với khu vực nơi một tàu thăm dò dầu khí Phillippines thông báo bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines Ethan Sun khẳng định, nước ông có chủ quyền với khu vực xảy ra vụ việc.
Ông đảm bảo rằng, Trung Quốc đang đi theo Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và cam kết duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. “Phía Trung Quốc cho rằng, các tranh chấp liên quan nên được gải quyết thông qua thương lượng hòa bình”, ông nói.
Vụ việc quấy nhiễu tàu ngày 4/3 đã khiến Mỹ kêu gọi cả Philippines và Trung Quốc kiềm chế. Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas Jr. nhấn mạnh, hai bên cần “kiềm chế” trong giải quyết vấn đề.
Thụy Phương (Theo Philippines Star, Manila Bulletin)


tuanvietnam.vietnamnet.vn:

Tranh cãi Biển Đông: Bài học từ sai lầm của Philipines


Những tin tức xuất hiện trong tháng này về việc Philippines phải ngừng công tác nghiên cứu thăm dò tại khu vực Reed Bank (Bãi cỏ rong) thuộc đảo Palawan sau khi bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu, đã làm rõ hơn khả năng xung đột tại Biển Đông.
Khi sự quả quyết ngày một lớn của Trung Quốc trong việc theo đuổi chủ quyền ở hầu như toàn bộ Biển Đông là điều rõ ràng, thì thực tế những quốc gia nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam - lại chưa tìm được tiếng nói chung hay sức mạnh tập thể, lại càng làm trầm trọng thêm chuyện tìm ra một giải pháp cho vấn đề.
Đặc biệt là Philippines, đã phạm một số sai lầm chiến lược mà tất cả các bên liên quan có thể rút ra bài học từ đó.
Lỗi đầu tiên là vào năm 2004, khi Philippines "phá vỡ hàng ngũ" với các quốc gia khác có liên quan và trở thành nước đầu tiên ký một thỏa thuận với Trung Quốc để cùng khảo sát địa chấn tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Thỏa thuận này khiến Việt Nam không còn lựa chọn nào khác mà phải miễn cưỡng tham gia, kết quả là Thỏa thuận ba bên về Hợp tác Nghiên cứu Hải dương (JMSU) ra đời năm 2005.
Nhưng JMSU bị chỉ trích rộng rãi ở chính Philippines và trong năm 2008 - giữa lúc xảy ra các cuộc tranh cãi gay gắt trong nước - Philippines trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố, thỏa thuận JMSU sẽ không được gia hạn sau khi hết hiệu lực. Tuy vậy, do "phá vỡ hàng ngũ" năm 2004, Philippines đã làm xói mòn quan điểm thống nhất của các nước nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông.
Ảnh minn họa: Theo Diplomat
Sai lầm thứ hai xảy ra vào năm 2009, khi Philippines không đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ (CLCS) hồ sơ liên quan tới thềm lục địa ở Biển Đông. Việt Nam đã đệ trình báo cáo của riêng mình liên quan tới khu vực ở đông nam quần đảo Hoàng sa và một báo cáo chung với Malaysia về khu vực ở tây nam quần đảo Trường Sa. Việt Nam và Malaysia đã mời Philippines tham gia một báo cáo chung, nhưng phía Philippines từ chối.
Do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông bằng cách đưa ra bản đồ hình chữ U (còn gọi là đường lưỡi bò) và sự vượt trội về cả sức mạnh cứng cũng như mềm của họ, các quốc gia nhỏ hơn có liên quan trong cuộc tranh chấp này cần biết sử dụng luật pháp quốc tế một cách thích hợp.
Trong nội dung tranh chấp hàng hải, có hai đạo luật đặc biệt quan trọng với các bên tuyên bố chủ quyền.
Thứ nhất là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), trong đó quy định rằng, tuyên bố chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa chỉ bắt nguồn từ các đặc điểm đất liền (chứ không phải từ kiểu lập luận như "chủ quyền lịch sử"). Là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc phải tuân thủ nguyên tắc này.
Điều thứ hai cần xem xét là tập hợp những quy định trong quá khứ của Tòa án Công lý Quốc tế. Theo đó, các EEZ và thềm lục địa của các quần đảo nhỏ như Hoàng Sa và Trường Sa thường bị coi là không đáng kể so với các khu vực tương tự bắt nguồn từ những đặc điểm đất liền với đường bờ biển dài hơn nhiều. Chắc chắn là, không tòa án quốc tế nào công nhận các EEZ và thềm lục địa của Hoàng Sa và Trường Sa mở rộng vượt quá đường trung tuyến giữa các quần đảo này với những bờ biển xung quanh thuộc Biển Đông.
Hai đạo luật quốc tế có nghĩa là, các bên tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa phải hạn chế tuyên bố chủ quyền hàng hải liên quan tới hai quần đảo này ở khu vực không vượt quá đường trung tuyến giữa các quần đảo với bờ biển xung quanh thuộc Biển Đông, và không vượt quá 12 hải lý tính từ Hoàng Sa và Trường Sa. Như thế có thể hiểu rằng, bản đồ hình chữ U của Trung Quốc - với tuyên bố chủ quyền hàng hải vượt quá đường trung tuyến - là không hợp lý. Thêm vào đó, thực tế là Hoàng Sa và Trường Sa là những khu vực tranh chấp, và vì thế không nhất thiết thuộc về Trung Quốc. Điều này vì thế sẽ có lợi không chỉ với các quốc gia nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp, mà còn với cả các bên thứ ba có quyền lợi ở Biển Đông khi bản đồ hình chữ U của Trung Quốc bị bác bỏ.
Nếu Philippines hoặc tham gia một báo cáo chung với Việt Nam và Malaysia, hoặc có riêng báo cáo của mình về các khu vực liên quan tới Biển Đông, thì đã góp phần khẳng định nguyên tắc của UNCLOS đối với vùng biển này. Điều này đổi lại đã giúp cho nỗ lực khẳng định sự bất hợp lý về đường bản đồ hình chữ U của Trung Quốc, ví dụ như tăng cường các quyền của Philippines ở khu vực Reed Bank. Đáng tiếc là Philippines không làm cả hai điều này.
Sai lầm thứ ba là quyết định của Philippines khi đệ trình thư phản đối lên CLCS chống lại báo cáo của Việt Nam cũng như báo cáo chung của cả Việt Nam và Malaysia. Trong thư phản đối, Philippines trích dẫn việc tranh chấp với các đặc điểm đất liền, nhưng lại bỏ qua thực tế là các khu vực hàng hải được tạo ra bởi quần đảo Trường Sa - cấu thành nên vùng biển tranh chấp, lại không đáng kể.
Điều này có lợi cho phía Trung Quốc theo hai cách.
Đầu tiên, Trung Quốc không còn là nước duy nhất phản đối báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia - Trung Quốc đã có thể bị cô lập trong sự phản đối một báo cáo chung của Việt Nam, Malaysia và Philippines. Nhưng thay vào đó là Trung Quốc và Philippines phản đối Việt Nam và Malaysia.
Thứ hai, hành động của Philippines có nghĩa là, Trung Quốc không còn là nước duy nhất bỏ qua thực tế rằng, EEZ và thềm lục địa được tạo ra bởi quần đảo Trường Sa không cho phép bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền vùng biển với những giới hạn "tùy hứng".
Thú vị là, Indonesia sau đó đã đệ trình thư phản đối lên CLCS, chỉ trích sự phản đối của Trung Quốc. Bức thư nhấn mạnh "những đặc điểm hoặc rất xa, hoặc rất nhỏ ở Biển Đông không cấu thành nên vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa riêng", và vì thế, bản đồ đường chữ U của Trung Quốc "rõ ràng là thiếu cơ sở luật pháp quốc tế và tương đương với việc phá vỡ UNCLOS 1982".
Điều thú vị hơn là thực tế rằng, nếu Trường Sa không có riêng các EEZ và thềm lục địa, hoặc có rất ít các khu vực hàng hải này, Philippines sẽ đứng ở vị trí có lợi nhất so với các nước khác vì sự chồng chéo giữa các khu vực hàng hải do Trường Sa tạo ra hay do đường cơ sở của Philippines tạo ra sẽ được thu hẹp ở mức lớn nhất. Ở đây cũng sẽ không có cơ sở pháp lý cho bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào với Trường Sa có thể tranh chấp với các quyền của Philippines với khu vực Reed Bank.
Vậy, cách nào là tốt nhất với các nước nhỏ? Thứ nhất, Philippines nên tham gia cùng Việt Nam, Malaysia và Indonesia trong việc khẳng định Trường Sa không có các EEZ hay thềm lục địa riêng, hoặc ít nhất là có rất ít các khu vực hàng hải này. Mặc dù quan điểm này sẽ không giải quyết được tranh chấp với Trường Sa, nhưng nó có nghĩa là phần lớn không gian hàng hải ở Biển Đông sẽ không phải là "đối tượng" tranh chấp, và sau đó sẽ thuộc về các nước này khi EEZ và thềm lục địa được tạo ra bởi các đường bờ biển và đường cơ sở quần đảo quanh Biển Đông.
Thứ hai, các nước nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp nên bắt đầu tận dụng lợi thế nhóm của mình. Cụ thể là, họ nên ủng hộ việc mỗi bên có quyền có EEZ và thềm lục địa 200 hải lý được tạo ra bởi các đường bờ biển và đường cơ sở quần đảo quanh Biển Đông.
Một bước đi cụ thể nữa họ có thể thực hiện là đồng thuận với các quyền của Philippines tại khu vực Reed Bank, quyền của Malaysia ở khu vực James Shoal, của Indonesia ở Natuna Sea, và các quyền của Việt Nam ở Vanguard Bank và Nam Côn Sơn. Ở mỗi trường hợp, tiếng nói của năm quốc gia sẽ chống lại tuyên bố đơn độc của Trung Quốc, để dễ dàng thuyết phục quan điểm quốc tế về trường hợp của riêng mình, và góp phần ngăn chặn sự lấn át của Trung Quốc.
Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam không bao giờ được quên rằng, đoàn kết sẽ đứng vững, bất đồng sẽ sụp đổ.
Thụy Phương Theo The Diplomat
  • Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho quan điểm của tòa soạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét