Vụ nổ mỏ than ở Ukraine: Số người chết lên tới 18 người

Thời sự quốc tế | Người Lao Động Online: "

Thứ Bảy, 30/07/2011 16:20

(NLĐO)- Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine sáng 30-7 cho hay số người thiệt mạng trong vụ nổ hầm mỏ Sukhodilska-Vostochnaya tại vùng Luhansk đã lên tới 18 người.
Theo tuyên bố của Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine, cho tới 7 giờ sáng 30-7 (giờ địa phương), có 18 người chết, 2 người bị thương trong khi 8 người vẫn mất tích.
Hôm 29-7, mỏ than Sukhodolskaya-Vostochnaya ở khu vực phía Đông Ukraine phát nổ. Thông tin ban đầu cho thấy ít nhất 16 thợ mỏ thiệt mạng, 10 người mất tích và 3 người bị thương
Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine cho biết vụ nổ xảy ra lúc 1 giờ 57 phút (theo giờ địa phương) tại mỏ Sukhodolskaya-Vostochnaya, trong khi 252 người đang làm việc. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine, ôngYuri Boiko, đã tới hiện trường để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ. Hãng tin Interfax (Nga) dẫn lời một quan chức khai thác mỏ địa phương cho biết nguyên nhân vụ nổ liên quan đến nồng độ khí methan bên trong mỏ. Tuy nhiên, các quan chức không đưa ra thông tin chi tiết.
Mỏ Sukhodolskaya-Vostochnaya

Tai nạn chết người thường xuyên xảy ra ở các mỏ than của Ukraine, hầu hết là các mỏ tại vùng công nghiệp phía Đông nước này. Rất nhiều mỏ than không được đầu tư đúng mức và trang thiết bị nghèo nàn, đã vậy còn thường xuyên vi phạm quy tắc an toàn lao động.

H.Bình-T.Hằng

NATO tuyên bố "bịt được miệng" đại tá Gaddafi

Thời sự quốc tế | Người Lao Động Online:

Thứ Bảy, 30/07/2011 11:33

(NLĐO)- NATO hôm 30-7 tuyên bố một cuộc không kích chính xác của tổ chức này đã vô hiệu hóa 3 ăng-ten truyền hình vệ tinh của Đài truyền hình nhà nước Libya tại thủ đô Tripoli.
Được biết chiến dịch không kích này của NATO nhằm mục đích “bịt miệng” đại tá Gaddafi bằng cách phá hủy các phương tiện truyền tải “những thông điệp kích động” của nhà lãnh đạo này.
NATO thực hiện chiến dịch không kích Tripoli nhiều tháng qua

Tuyên bố của NATO cho biết cuộc không kích “do một chiến đấu cơ thực hiện sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác” và sứ mệnh đã được tiến hành “sau khi cân nhắc và lên kế hoạch kỹ lưỡng để tối thiểu hóa nguy cơ thương vong”.

Phía NATO cho biết họ đang trong quá trình đánh giá tác động của đợt không kích. Tuy nhiên, sau khi tuyên bố trên của NATO được đưa ra, đài truyền hình nhà nước Libya vẫn tiếp tục lên sóng.

Nhà chức trách Đài truyền hình Libya cho hay 3 kỹ thuật viên của họ bị chết và 15 người khác bị thương trong đợt không kích.

Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters cho biết Tư lệnh quân đội của lực lượng nổi dậy Libya Abdel Fatah Younes đã bị chính những người đồng đội của ông sát hại vì nghi ngờ mưu phản.
Ông Younes và hai trợ lý bị ám sát hôm 28-7 sau khi bị triệu tập về thành trì của quân nổi dậy ở Benghazi để trả lời chất vấn.
Ông Abdel Fatah Younes
Reuters dẫn lời ông Ali Tarhouni, Bộ trưởng Dầu mỏ của quân nổi dậy, cho biết một chỉ huy khác thuộc quân nổi dậy bị bắt sau đó đã thú nhận rằng ông đã ra lệnh cho cấp dưới giết tướng Younes.

Ông Ali Tarhouni khẳng định rằng ông Younes bị sát hại bởi các thành viên của Lữ đoàn Obaida Ibn Jarrah, một nhóm có liên quan mật thiết với quân nổi dậy.

Ông Abdel Fattah Younes là một thành viên trong đội ngũ trung thành từng giúp đại tá Gaddafi giành được chính quyền năm 1969. Ông này giữ chức Bộ trưởng Nội vụ của Libya trước khi đào thoát và gia nhập lực lượng nổi dậy hồi tháng 2, ngay sau khi xảy ra các cuộc nổi dậy chống chế độ của ông Gaddafi.
Cái chết của ông Younes cho thấy dấu hiệu của sự chia rẽ trong giới lãnh đạo quân nổi dậy và là bước lùi lớn lớn trong nỗ lực của liên minh phương Tây nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi.
Không những thế, những rạn nứt giữa phe nổi dậy và các đồng minh phương Tây về chuyện liệu Gaddafi có thể ở lại trong nước hay không nếu ông từ chức cũng phần nào làm cho người ta càng mơ hồ về cái kết của cuộc chiến ở đất nước Bắc Phi này.
Đỗ Quyên (Theo Ria Novosti, Reuters, BBC)

Na Uy tổ chức tưởng niệm nạn nhân

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 30/07/2011, 13:36 (GMT+7)

TTO - Ngày 29-7, tại thủ đô Oslo đã diễn ra lễ tưởng niệm đầu tiên các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công kép kinh hoàng vào cuối tuần qua khiến ít nhất 77 người chết.

Người thân nạn nhân tham gia lễ tang không cầm được nước mắt

Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg (trái) dự lễ tưởng niệm nạn nhân tại nhà thờ Hồi giáo Jamaat Ahle Sunnat ở thủ đô Oslo ngày 29-7 - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Jens Stoltenberg đã đến tham gia và dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ. Đi cùng ông là một lãnh tụ Hồi giáo và một giám mục từ nhà thờ quốc gia Lutheran của Na Uy. Lễ tưởng niệm diễn ra tại một nhà thờ Hồi giáo lớn ở Oslo, vào lúc 20g30 (giờ Việt Nam), trùng với thời điểm tên Breivik kích nổ chiếc xe chở bom tại thủ đô vào ngày 22-7.

Thủ tướng Stoltenberg phát biểu tại lễ tưởng niệm: "Chúng tôi là nạn nhân của cuộc tấn công vào trung tâm nền dân chủ. Nhưng kết quả là sự dân chủ sẽ được nâng cao hơn nữa, thống nhất hơn. Chúng tôi muốn trở thành một cộng đồng, cho dù có theo tôn giáo, dân tộc, giới tính hay đẳng cấp nào".

Những người Hồi giáo hoan nghênh lời kêu gọi thống nhất của thủ tướng. "Điều đó rất tuyệt, rất cởi mở với cộng đồng Hồi giáo" - Ahmed Ali, 23 tuổi, là dân nhập cư từ Iraq, nói.

Một phụ nữ Hồi giáo ôm chầm Thủ tướng Jens Stoltenberg sau lễ tưởng niệm - Ảnh: Reuters

Người dân Na Uy đã hạ cờ xuống để tưởng nhớ các nạn nhân. Thân nhân và đồng nghiệp của những người thiệt mạng ôm chầm lấy nhau sau khi cầu kinh. Những ngày qua, lượng cung hoa hồng đã không đáp ứng đủ nhu cầu người dân trong nước để tưởng niệm các nạn nhân. Hoa hồng cũng là biểu tượng của Đảng Lao động cầm quyền.

Nhiều người đã đến tưởng niệm các nạn nhân

Một cuộc thăm dò do báo Sunnmoersposten thực hiện cho thấy tỉ lệ ủng hộ Đảng Lao động đã tăng lên 10%, hiện là 38,7% sau vụ tấn công. Nhiều người khen ngợi cách xử lý khủng hoảng điềm tĩnh và mạnh mẽ của Thủ tướng Stoltenberg. Còn sự ủng hộ với Đảng Tiến bộ mà tên Breivil từng tham gia đã giảm. Một ủy ban có tên "Ủy ban 22-7" đã được thành lập để nghiên cứu toàn diện về vụ tấn công.

Một linh mục Công giáo và một lãnh tụ Hồi giáo cùng dẫn đầu đoàn người đưa tang - Ảnh: Reuters

Tại thành phố Nesodden ở miền nam thủ đô đã diễn ra lễ tang của thiếu nữ Bano Rashid 18 tuổi. Cô cùng gia đình rời Iraq đến Na Uy vào năm 1996. Rashid là người đầu tiên được chôn cất tại một phần nghĩa trang mới trên phần đất của một nhà thờ Công giáo cổ đã được hiến tặng dành riêng cho người Hồi giáo. Khi còn sống, cô là một trong những thanh niên trẻ hoạt động năng nổ trong đoàn thanh niên của Đảng Lao động. Hàng trăm người đã theo đưa tiễn cô đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Ngoại trưởng Na Uy, ông Jonas Gahr Stoere, đã đến dự tang lễ của Rashid. "Nhìn thấy một lãnh tụ Hồi giáo và một linh mục cùng nhau đi từ nhà thờ ra là một hình ảnh mạnh mẽ nhất" - ông Jonas nói. Còn tại thành phố Hamar miền bắc thủ đô, thanh niên 19 tuổi Ismail Haji Ahmed đã được chôn cất. Ahmed là một vũ công và từng xuất hiện trong một cuộc thi tài năng trên truyền hình năm nay.

TẤN KHOA

Philippines muốn ASEAN đoàn kết về kế hoạch ở Biển Đông

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 30/07/2011 - 14:13

(Dân trí) - Philippines hôm qua tuyên bố nước này đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của khu vực cho kế hoạch cùng phát triển tại những nơi đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong những tuyên bố chủ quyền ở vùng này.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trước đó tuyên bố Manila sẽ đề nghị để LHQ làm trọng tài giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez thông báo các chuyên gia luật pháp của ASEAN sẽ nhóm họp ở Manila vào tháng 9 để thảo luận về đề xuất này.

“Mục đích cuối cùng là để 10 nước trong khối ASEAN, và sau đó là Trung Quốc, chấp thuận đề xuất nhằm vạch rõ những khu vực có tranh chấp trong vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này”, người phát ngôn nói.

“Nếu chúng ta có thể xác định được những điểm tranh chấp đó, chúng ta có thể có một kế hoạch phát triển chung cho những khu vực này.”

Đại diện Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Các khu vực không có tranh chấp thì đương nhiên thuộc quyền quản lý của quốc gia có chủ quyền tại đó”.

Philippines đưa ra ý kiến trên trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực tố cáo Trung Quốc có thái độ gây hấn ở vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển.

Tàu của Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với mục đích biến khu vực không có tranh chấp thành nơi có tranh chấp.

Tuần trước, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuật về bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC).

Tuy nhiên, Trung Quốc lâu nay vẫn luôn bác bỏ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp này bằng đường lối đa phương và muốn giải quyết các cuộc tranh chấp qua các cuộc thương thuyết song phương, trong khi các nước hội viên ASEAN đã và đang tìm cách đoàn kết để dựa vào sức mạnh tập thể.

Theo người phát ngôn Philippines, nếu đề xuất của Manila thu hút chú ý của các bên, thì đề nghị xác định các vùng biển có tranh chấp tại Biển Đông sẽ được thảo luận tiếp ở cấp cao hơn và sau đó sẽ được trình lên cấp ngoại trưởng ASEAN.

Bước thách thức kế tiếp sẽ là đưa Trung Quốc đến bàn thương lượng, ông Raul Hernandez nói.

Tuy nhiên, người phát ngôn xác nhận “thuyết phục Trung Quốc đồng thuận với kế hoạch này “không phải là việc dễ làm”.

“Chúng ta hy vọng rằng Trung Quốc sẽ lắng nghe tiếng nói của ASEAN và thậm chí cả của cộng đồng quốc tế”, ông Hernandez nói.

Trà Giang
Theo AFP, AP



thanhnien.com.vn - Thế giới

Bắc Kinh "thèm khát" Biển Đông không chỉ vì tài nguyên

VTC News:
25/07/2011 17:55

(VTC News) - Trên quan điểm của một thủy thủ tàu ngầm, sự “thèm khát” độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là năng lượng, thủy sản, mà ở đó còn là chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Đó là nội dung bài viết “Why China Wants South China Sea” trên tờ The Diplomat của tác giả Tetsuo Kotani, nghiên cứu sinh đặc biệt tại Viện Nghiên cứu Okazaki Nhật Bản.

Bài viết do Nghiên cứu Biển Đông giới thiệu.

Tin liên quan

» Khám phá các thế hệ tàu ngầm Trung Quốc (phần 2)
» Tiềm năng tác chiến của tàu ngầm Trung Quốc ra sao?
» TQ xác nhận phát triển tên lửa "sát thủ tàu sân bay"
» Trung Quốc sẽ thử nghiệm tàu sân bay vào tháng 7
» Người Trung Quốc nói về tàu sân bay Trung Quốc

Ở Biển Đông, Bắc Kinh không chỉ quan tâm đến năng lượng và thủy sản, mà khu vực này còn bộ phận không thể tách rời trong chiến tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Trong nỗ lực nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này đối với châu Á, nhà phân tích địa chiến lược Nicholas Spykman đã từng mô tả Biển Đông như “Địa Trung Hải của châu Á”. Gần đây nhất, Biển Đông cũng đã được gọi là “Caribê của Trung Quốc”. Và, cũng như Italia và Mỹ đã kiểm soát Địa Trung Hải và Caribê, Trung Quốc hiện đang tìm cách thống trị Biển Đông.

Rõ ràng các tuyên bố chủ quyền và sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc đang làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở vùng biển này. Mặc dù phần lớn sự chú ý tập trung vào sự thèm khát các nguồn tài nguyên thủy sản và năng lượng của Bắc Kinh nhưng theo quan điểm của một thủy thủ tàu ngầm, vùng biển này là một phần trong chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Và nếu không hiểu rõ quy mô hạt nhân của các tranh chấp ở Biển Đông, sự bành trướng trên biển của Trung Quốc không có ý nghĩa gì cả.

Bắc Kinh "thèm khát" Biển Đông không chỉ vì tài nguyên
Tàu ngầm JL-1 (SLBM) của Trung Quốc

Sở hữu sự răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy là một ưu tiên trong chiến lược quân sự của Trung Quốc. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Hạ mẫu 092 được trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ tàu ngầm JL-1 (SLBM) của Trung Quốc chưa từng tiến hành hoạt động tuần tra răn đe trên biển Bột Hải kể từ khi tàu ngầm này được đưa vào hoạt động trong những năm 1980.

Tuy nhiên, Trung Quốc sắp có khả năng tấn công thứ hai đáng tin cậy khi nước này đưa vào sử dụng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ tàu ngầm thế hệ hai JL-2 có tầm bắn ước tính 8.000km cùng với DF-31 và DF-31A, các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể cơ động trên mặt đất (ICBM). Bên cạnh đó, Trung Quốc có kế hoạch đưa vào hoạt động tới 5 chiếc tàu ngầm lớp Tấn mẫu 094 được trang bị các tên lửa JL-2 và đang xây dựng căn cứ tàu ngầm ở dưới nước ở đảo Hải Nam trên Biển Đông.

Rõ ràng là Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để kiểm soát Biển Đông như Liên Xô trước đây đã từng làm ở biển Okhotsk trong thời Chiến tranh Lạnh. Trước đó, Liên Xô đã từng sử dụng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và được trang bị tên lửa đạn đạo (SSBN) nhằm chống lại khả năng triển khai các ICBM của Mỹ ở trên mặt đất. Sự cần thiết phải đảm bảo lực lượng phòng thủ trước các cuộc tấn công và sự cần thiết phải có sự chỉ huy và kiểm soát hiệu quả cũng đồng nghĩa rằng SSBN của Liên Xô phải được triển khai gần với nước này và được trang bị các tên lửa tầm xa để tấn công Mỹ.

Cùng với biển Barents, Mátxcơva ưu tiên biến biển Okhotsk thành nơi trú ẩn an toàn cho các SSBN bằng cách cải thiện sự phòng thủ về vật chất cho quần đảo Kuril và tăng cường Hạm đội Thái Bình Dương đóng ở Vladivostok. Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô triển khai 100 tàu ngầm, cùng với 140 tàu chiến, trong đó có một tàu sân bay lớp Kiép, để bảo vệ lực lượng bảo đảm này ở biển Okhotsk.

Cũng giống như vậy, Trung Quốc cần đảm bảo lực lượng bảo đảm này trên Biển Đông và thay đổi chiến lược và học thuyết hàng hải một cách phù hợp. Hiện nay, các chức năng chiến tranh chủ chốt của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gồm: 1) bảo đảm các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan; 2) tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương để không cho các lực lượng thù địch tự do hành động; 3) bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc; và 4) chặn các tuyến giao thông đường biển của kẻ thù.

Với việc đưa vào sử dụng tàu ngầm mẫu 094, việc bảo vệ các SSBN của Trung Quốc sẽ trở thành một chức năng quan trọng khác của Hải quân Trung Quốc, và chức năng này sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải tiêu diệt các lực lượng chống tàu ngầm chiến lược thù địch và chấm dứt sự kháng cự của các nước cũng tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.

Khả năng chống xâm nhập của Trung Quốc, nhất là đối với các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân êm hơn, có thể được sử dụng để chống lại các chiến dịch tấn công chống tàu ngầm của kẻ thù. Các tàu sân bay của Trung Quốc, khi được đưa vào hoạt động, sẽ được triển khai ở Biển Đông để buộc các nước láng giềng cùng tuyên bố chủ quyền phải câm lặng.

Bắc Kinh "thèm khát" Biển Đông không chỉ vì tài nguyên
Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc

Chiến lược này đã từng áp dụng gần hai thập kỷ trước tại thời điểm Trung Quốc bắt đầu bao vây Biển Đông để lấp đi khoảng trống quyền lực do việc Mỹ rút lực lượng quân sự ra khỏi Philippines vào năm 1991. Trung Quốc tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền “mang tính lịch sử” đối với tất cả các đảo nhỏ, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và gần 80% trong tổng số 3,5 triệu km2 vùng biển chạy dọc theo đường 9 đoạn hình chữ U mặc dù không có cơ sở pháp lý quốc tế nào để làm như vậy.

Các hòn đảo nhỏ này có thể sử dụng làm các căn cứ không quân và hải quân cho các hoạt động tình báo, theo dõi và do thám, và là các căn cứ để tuyên bố chủ quyền đối với các phần sâu hơn trên Biển Đông để xây dựng căn cứ cho các tàu ngầm được trang bị các tên lửa đạn đạo và các tàu khác.

Trung Quốc diễn giải Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) một cách độc đoán và không chấp nhận các hoạt động quân sự của các tàu và máy bay nước ngoài trên lãnh hải của nước này.

Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm thống trị Biển Đông của Trung Quốc đang gặp phải những thách thức lớn. Sự quyết đoán của Trung Quốc không chỉ thổi bùng sự thù hận từ các nước cũng tuyên bố chủ quyền khác mà còn làm gia tăng quan ngại của các nước cũng đi lại trên biển khác như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Trên hết, không giống như biển Okhotsk, Biển Đông được coi là tuyến hàng hải quan quốc tế được thừa nhận. Bên cạnh đó, do các tên lửa JL-2 không thể vươn tới Los Angeles từ Biển Đông, các tàu ngầm mẫu 094 cần phải đi vào biển Philíppin, nơi Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản đang tiến hành các chiến dịch chống tàu ngầm cường độ cao.

Để làm yên lòng các nước láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc đối thoại và tham vấn với các nước này kể từ những năm 1990. Một kết quả là Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, trong đó kêu gọi các giải pháp hòa bình thông qua đối thoại. Tuy nhiên, Trung Quốc không sẵn sàng ký kết một bộ quy tắc ứng xử mang tính bắt buộc.

Để đối phó với sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở các vùng biển tranh chấp và tăng cường quan hệ với Mỹ, với sự hiện diện của Mỹ được cả hai nước coi như là phương pháp răn đe rõ ràng nhất.

Về phần mình, Mỹ đã phản đối hành động quyết đoán của Trung Quốc tại nhiều diễn đàn khu vực bằng cách nhấn mạnh sự quan tâm của nước này đối với quyền tự do hàng hải. Gần đây, Mỹ đã thông báo triển khai các tàu chiến ven biển ở Singapore với hy vọng rằng sự hiện diện của chúng sẽ làm tăng tác dụng răn đe đối với sự quyết đoán của Trung Quốc, giống như Anh triển khai các tàu HMS Prince of Wales và HMS Repulse ở Gibraltar nhằm răn đe Nhật Bản trước đây.

Mặt khác, do các tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc đã dẫn tới các sự cố như đã từng xảy ra năm 2001 với máy bay do thám EP-3 và năm 2009 với tàu USS Impeccable, Mỹ đang tìm kiếm thỏa thuận về biển với Trung Quốc. Mặc dù vậy, Trung Quốc không quan tâm tới bất cứ những gì như vậy bởi vì một thỏa thuận sẽ bào chữa cho sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Biển Đông.

Ấn Độ là một nước có vai trò quan trọng khác ở Biển Đông. Niu Đêli sẽ sớm đưa vào sử dụng tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo đầu tiên Arihant và có kế hoạch xây dựng hai chiếc tàu tương tự khác bằng cách phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa K-4. Tuy nhiên, cho đến khi Ấn Độ thành công trong việc phát triển SLBM tầm xa, các tàu ngầm của nước này sẽ cần phải hoạt động trên Biển Đông để chĩa mũi nhọn vào Bắc Kinh.

Australia cũng quan ngại về tình trạng căng thẳng trong khu vực này. Sự ổn định ở Đông Nam Á trong “các con đường tiếp cận phía Bắc” của Australia được các nhà hoạch định chính sách nước này coi là đặc biệt quan trọng như việc một quốc gia thù địch có thể phô trương quyền lực với Australia hay đe dọa các tuyến thương mại đường biển và tuyến đường cung cấp năng lượng cho nước này. Kết quả là người ta hy vọng Australia sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở phía Bắc nước này, đồng thời cho phép quân đội Mỹ tiếp cận lớn hơn với các căn cứ quân sự của nước này.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng có các quan tâm mang tính chiến lược của nước này đối với Biển Đông, vốn là một tuyến đường biển cực kỳ quan trọng bởi vì khoảng 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu của nước này đang được vận chuyển qua tuyến đường này. Cán cân quyền lực ở Biển Đông có ảnh hưởng lớn đối với an ninh trên các vùng biển xung quanh Nhật Bản, gồm biển Hoa Đông và biển Philippines. Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc thành công trong việc đạt được khả năng tấn công thứ 2 trên biển bằng cách thống trị Biển Đông, điều đó sẽ làm suy yếu sự tin cậy vào khả năng răn đe mở rộng của Mỹ.

Bắc Kinh "thèm khát" Biển Đông không chỉ vì tài nguyên

Nhật Bản đã công bố Đại cương chương trình quốc phòng mới hồi tháng 12/2010, trong đó kêu gọi tăng cường các hoạt động tình báo, giám sát và do thám dọc theo chuỗi đảo Ryukyu và tăng cường hạm đội tàu ngầm. Trong cuộc gặp 2+2 (giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao) của Nhật Bản và Mỹ ở Wasington gần đây, Tokyo và Washington đã đưa việc duy trì an ninh đường biển và tăng cường quan hệ với ASEAN, Australia và Ấn Độ vào các mục tiêu chiến lược chung giữa hai nước.

Tất cả điều này cũng đồng nghĩa rằng Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan trên biển “Okhotsk của Trung Quốc”. Trung Quốc càng tìm cách thống trị tuyến đường biển quốc tế này, nước này càng vấp phải sự thù địch. Để tránh làm tình hình trở nên tồi tệ thêm, Trung Quốc cần phải thay đổi các tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn cho phù hợp với UNCLOS (và Mỹ cần gia nhập UNCLOS ngay lập tức). Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục cách hành xử quyết đoán, các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản để thiết lập một hệ thống chiến tranh chống tàu ngầm trong khu vực.

Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc có trách nhiệm, các quốc gia khác trong khu vực cũng cần tìm cách hợp tác. Nơi nào có khả năng thì cần theo đuổi việc hợp tác khai thác các vùng biển tranh chấp, và nguy cơ cướp biển ngày càng gia tăng ở Biển Đông cho thấy một vấn đề khác để các quốc gia có thể phối hợp với nhau. Trong khi đó, các nước trong khu vực cần tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về an ninh trên biển tại các diễn đàn như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á.

Sẽ là không dễ dàng nhưng việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử là cơ hội tốt nhất để tránh một cuộc xung đột vũ trang.

Theo The Diplomat
Văn Cường (gt)

>> Xem thêm bài viết trên Nghiên cứu Biển Đông

Thiếu nữ chơi đêm và những hiểm họa khó lường

VnExpress:
Thứ sáu, 29/7/2011, 17:26 GMT+7

Phượng đi chơi khuya với nhóm bạn trai, say xỉn, bị họ đưa vào sân trường vắng định giở trò đồi bại. Rất may cô được người đi đường phát hiện, cứu đưa vào bệnh viện. Có thiếu nữ phải chịu nhiều thiệt thòi từ sự dễ dãi này.

Phượng (Phú Yên) được cứu giúp kịp thời nên không bị xâm phạm trinh tiết, song thiếu nữ 16 tuổi phải nằm viện cả tuần vì hoảng loạn, sợ hãi. Nhóm con trai định cưỡng hiếp cô cũng ở lứa tuổi thiếu niên, bị công an bắt rồi đưa về gia đình giáo dục vì còn vị thành niên, hành vi cưỡng dâm chưa thành.
Sự việc của Phượng chỉ là một trong nhiều trường hợp thiếu nữ sinh hoạt khá phóng khoáng, gây nên hậu quả lớn, ví dụ như vụ gây rối đập phá bệnh viện ở Cà Mau hồi tháng 6 gần 40 người bị bắt. Khơi đầu câu chuyện là cô gái 16 tuổi đi hát karaoke khuya với con trai, bị quấy rối nên chống cự, ngã xuống đường. Cô bị bỏ mặc ngoài đường suốt đêm, sáng hôm sau được người dân phát hiện đưa vào bệnh viện thì đã hôn mê.
Bác sĩ tắc trách, chẩn đoán sai bệnh trạng của cô gái trẻ nên không tiến hành các xét nghiệm cần thiết, cũng từ chối chuyển viện. Sáng hôm sau, thiếu nữ qua đời. Bức xúc trước cách làm việc của bác sĩ, người nhà bệnh nhân không đưa thi hài cô về nhà mà đặt trước cổng bệnh viện "bắt đền", rồi đưa lên xe mang đi diễu hành khắp phố phường. Nhiều người lợi dụng sự việc tổ chức gây rối, đập phá bệnh viện và nhà bác sĩ, lấy đi nhiều tài sản quý giá.
Từ những vụ việc này, các chuyên gia tâm lý cảnh báo tình trạng hiếp dâm, cướp của với mục tiêu là các cô gái trẻ đi chơi đêm. Do đó các bạn gái phải xem lại giờ giấc sinh hoạt của mình và tránh chơi riêng với người khác giới vào giờ quá khuya. Bố mẹ cũng phải quan tâm và nghiêm khắc với con trẻ, đặt ra nề nếp gia phong cụ thể để buộc con cái phải theo, hạn chế việc đi chơi đêm đặt biệt với con gái.
"Xã hội ngày càng phát triển nên giới trẻ ngày nay dễ tiếp xúc với nhiều luồng thông tin độc hại, trong khi bố mẹ vì mưu sinh nên lơ là không quan tâm tới con cái. Mà con cái nếu không học được từ tấm gương tốt trong gia đình thì chúng sẽ học ở xã hội. Do đó, các bậc làm cha làm mẹ cần quan tâm đến con cái mình hơn", một chuyên gia tâm lý tại TP HCM nhấn mạnh.
Chuyên gia tâm lý này cũng nhìn nhận, đừng tưởng chỉ có con trai mới đi chơi qua đêm, mà ngày nay các thiếu nữ chơi khuya không phải ít. Thậm chí có nhiều cô còn cuốn gói đi mấy ngày liền mới về nhà mà bố mẹ không thể làm được gì.
Trường hợp của Thúy quê ở miền Tây, là một. Cô gái trẻ này lên TP HCM làm việc mới chỉ hơn một năm, nhưng nhìn cô không ai nghĩ là ở quê mới lên bởi sự sành điệu chẳng khác gì những tiểu thư nhà giàu.
Nửa đêm 27/7, tại một quán nhậu trên đường Nguyễn Tri Phương, Thúy cho biết mình và nhóm bạn mới đi bar về nên vào quán ăn tối rồi mới về ngủ.
Con gái và những cuộc chơi đêm. Ảnh minh họa.
Con gái và những cuộc chơi đêm. Ảnh minh họa.
Thúy tâm sự, thời gian đầu lên Sài Gòn xa nhà, buồn, nên cô được một nhóm bạn rủ đi chơi bar, vũ trường, nhậu. Dần dần trở nên nghiện, hầu như ngày nào cô cũng cùng bạn đi nhậu, trở thành khách quen của các bar với tần suất một tuần vài lần.
Thúy nói: "Lắm khi uống nhiều quá và nhà trọ lại xa nên em thường đến nhà bạn hoặc vô khách sạn ngủ, sáng hôm sau mới về. Em xa nhà nên giờ giấc rất thoải mái, không có người lớn giám sát".
Còn Vân, con gái cưng của một gia đình giàu có thì lại bắt đầu đi chơi đêm từ sau một buổi đi sinh nhật bạn về khuya, vừa về đến nhà thì bị mẹ mắng và đánh trước mặt bạn bè. Giận mẹ, cô bé bỏ đi mấy ngày liền đến khi chị Ngọc - mẹ Vân nhắn tin năn nỉ thì cô mới trở về.
Nhưng từ đó, Vân càng được nước làm tới, tần suất đi chơi và thời gian về nhà càng lúc càng trễ hơn. Thậm chí có lần Vân còn đi tới trưa hôm sau mới về nhà. Mẹ Vân cho biết không biết làm cách nào để khuyên bảo được cô con gái cưng của mình. Chị không dám la mắng hay đánh con bởi vì sợ cô bé lại bỏ đi như lần trước.
Ly lại là con út trong một gia đình đông anh em nhưng từ bé đã không được sự quan tâm từ gia đình. Do đó hàng ngày chơi với đám bạn giống như mình, không như những cô gái khác, Ly thích những cuộc đua tốc độ về đêm. Vào mỗi cuối tuần Ly thường theo đám bạn đi đua xe thâu đêm. Không có xe nên Ly phải đi ké với bạn, nhiều lúc bạn không chở đi được thì Ly lên mạng kiếm người chở đi "bão" chung. Nhiều lần bị bắt nhưng Ly vẫn không sợ mà chứng nào tật nấy.
Cô gái trẻ kể, sau mấy lần bị bắt về nhà ba đánh đòn, cô đợi đến nửa đêm để trốn ra ngoài lại đi cùng đám bạn đến sáng.
Anh Tâm - cha của Ly cũng chia sẻ: "Tôi khuyên nhủ thậm chí la mắng, đánh đập thế nào, chỉ được vài ngày thì con gái lại trốn đi. Làm cha mẹ như tôi bất lực quá!".
Các chuyên gia tâm lý cho rằng các em gái mới lớn thích thể hiện mình, ví dụ như mua sắm đồ hiệu, bỏ nhà đi chơi đêm, đua xe... Hành vi này nhằm thỏa mãn nhu cầu gây sự chú ý. "Hiểu rõ nhu cầu này của con trẻ, bố mẹ cần quan tâm sâu sắc đến con và làm gương cho các cháu trong sinh hoạt của mình", các chuyên gia đúc kết.
Huy Đức

vnexpress.net
Thứ ba, 19/7/2011, 15:53 GMT+7

Thiếu nữ say rượu nhập viện nghi bị cưỡng hiếp bất thành

Em Nguyễn Thị Hồng Phượng ở Tuy An, Phú Yên, sáng 18/7 được đưa vào bệnh viện trong tình trạng say rượu, hoảng loạn. Người nhà bệnh nhân cho biết em uống rượu cùng nhóm bạn trai và bị giở trò đồi bại.

Gia đình bệnh nhân cũng cho biết, may mắn là hành vi xâm hại của nhóm bạn trai kia chưa thành vì bị người đi đường phát hiện. Phượng được cứu và đưa vào bệnh viện.
Đến sáng nay, thiếu nữ sinh năm 1995 đã tỉnh lại nhưng vẫn còn lơ mơ, hoảng hốt.
Người nhà thuật lại câu chuyện. Đêm 17/7, Phượng và 3 người bạn trai đi nhậu ở sân trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn) đến khuya. Gần 1h sáng 18/7, người đi xem hát lăng về thì nghe tiếng kêu cứu yếu ớt của Phượng trong sân trường. Mọi người vào xem, thấy 3 thanh niên giở trò cưỡng hiếp cô gái trẻ đang say rượu. Bị phát hiện, cả nhóm trai bỏ chạy.
Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết: bệnh nhân nhập viện trong tình trạng say rượu, hoảng loạn. Sau khi bệnh nhân tỉnh, theo yêu cầu của người nhà và công an, bệnh viện đã chuyển thiếu nữ sang khoa sản để xác định thương tích. Kết quả, vùng kín của bệnh nhân không bị thương hay có dấu vết của việc cưỡng hiếp.
Nhóm thanh niên nghi cưỡng hiếp bất thành cô gái trẻ đang được công an tìm kiếm.
Thiên Lý

Máu người không phải nước lã

Một câu hỏi đặt ra : nguồn mạch nào đã tạo ra ý chí và sức mạnh của dân tộc ta vượt qua những thử thách chiến tranh nối tiếp chiến tranh vô cùng tàn khốc, thế hệ này sang thế hệ khác kế tiếp nhau cầm vũ khí chiến đấu không ngừng không nghỉ bất chấp mọi hy sinh?
Trong những ngày tháng bảy nặng trĩu suy tư này, cùng với nén nhang thắp lên mộ liệt sĩ và lá thư gửi người bạn thương binh vượt quá tuổi "xưa nay hiếm" đã lâu vẫn đang gò lưng trên trang viết có thể đưa lên trang báo, trang mạng những lời tâm huyết, lại phải dày vò trong sự lý giải về những hy sinh vô bờ bến của dân tộc mình để tồn tại và phát triển đăng tìm lối ra cho những day dứt, băn khoăn.
Một câu hỏi đặt ra : nguồn mạch nào đã tạo ra ý chí và sức mạnh của dân tộc ta vượt qua những thử thách chiến tranh nối tiếp chiến tranh vô cùng tàn khốc, thế hệ này sang thế hệ khác kế tiếp nhau cầm vũ khí chiến đấu không ngừng không nghỉ bất chấp mọi hy sinh? Liệu có phải ông cha ta đã từng giải thích điều đó. Lục tìm trong ký ức bài thơ "Gốc Lửa" [Nguyên hỏa] của thiền sư Khuông Việt thế kỷ XI
Mộc trung nguyên hữu hỏa
Nguyên hỏa phục hoàn sanh
Nhược vị mộc vô hỏa
Toàn toại hà do manh
[Tạm dịch : Trong cây vốn có lửa/ Sẵn lửa, lửa mới sinh ra/ Nếu cây không có lửa/ Khi cọ xát sao lại thành]. Bản lĩnh Việt Nam được tôi luyện trong cái thế trứng chọi đá mà muốn tồn tại thì phải thường trực cảnh giác và ngoan cường, chỉ một chút lơi lỏng, dao động là mất nước.
Bởi vậy mới có câu "Đầu tôi chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo" của Trần Thủ Độ trấn an vua Thái Tông. Nhưng rồi trước sức uy hiếp của giặc, Thánh Tông và Nhân Tông vẫn băn khoăn. Để chấm dứt sự dao động, Trần Hưng Đạo quyết liệt hơn : "Bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi"! "Nếu cây không có lửa", nếu hồn thiêng sông núi không hun đúc nên một bản lĩnh, khí phách và tài thao lược của "Đức Thánh Trần" thì làm sao quy tụ được lòng dân, quan quân "một lòng phụ tử" để khắc lên cánh tay hai chữ "Sát Thát"!
Chính sách "ngụ binh ư nông" của thời Trần thế kỷ XIII vẫn cứ phải kéo dài cho đến thế kỷ XXI và chắc sẽ còn phải bổ sung, cập nhật, sáng tạo thêm. Thì đấy, chỉ sau ngày 30 tháng tư năm 1975, non sông quy vào một mối chưa được bao lâu, hậm hực vì một Việt Nam hùng mạnh cản trở những tham vọng nung nấu từ thời đế quốc Nguyên Mông muốn tràn xuống Đông Nam Á, một cuộc chiến đẫm máu nữa đã được phát động. Cho dù đã có những danh tướng như Toa Đô phải rơi đầu, Ô Mã Nhi phải nằm trong bụng cá, vẫn chưa đủ "dạy" cho chúng những "bài học"! Cơn khát năng lượng khiến cho "cái lưỡi bò" tham lam liều lĩnh vẫn cứ thè ra bất chấp pháp lý và đạo lý!
Trước nanh vuốt của kẻ thù, từ người lính đến người dân trĩu nặng lòng yêu nước, thuộc mọi tầng lớp xã hội, chính kiến, tôn giáo trong nước và nước ngoài... đã kiên trì đấu tranh, khi thầm lặng, khi quyết liệt trên tất cả các mặt trận từ quân sự đến chính trị, ngoại giao... Vậy thì cái gì đã hun đúc nên sức quật khởi kỳ diệu của chủ nghĩa yêu nước sâu nặng, thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không làm nô lệ của người Việt Nam ta?
Liệu có phải do lời răn dạy của ông cha ta, khi "sơn hà nguy biến" thì phải bằng sức mạnh toàn dân để hóa giải, "gươm dơ lấy nước làm sạch, nước dơ lấy máu làm sạch".
Máu của biết bao thế hệ Việt Nam đã thấm đẫm trên từng thước đất, thước nước từ Trường Sơn ra đến Biển Đông. Ai có thể đếm được, để tồn tại, dân tộc này phải trả giá bao nhiêu sinh mạng Việt Nam, bao nhiêu cơ nghiệp, nhà cửa, đền thờ, chùa chiền, mồ mả ông cha... bị tàn phá trong cuộc chiến đấu tàn khốc quyết giành cho được độc lập và thống nhất đất nước, tự do và hạnh phúc cho nhân dân? Máu chảy ruột mềm,ai đã ngã xuống trên mảnh đất này, dù ở trên chiến tuyến nào cũng đều chung dòng máu Việt Nam trong huyết quản.
Vậy mà vết thương của chiến tranh đâu đã thôi rỉ máu. Làm sao cảm thông đủ được với những nạn nhân của chất độc da cam mà nhiều người, nhiều gia đình đang gánh chịu? Theo nhiều nhà khoa học thế giới, số người bị nhiễm chất độc này ở Việt Nam không phải chỉ dừng ở con số 4, 8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người, tác động của chất độc khủng khiếp này không chỉ là 20 năm mà có thể trên cả 100 năm với những di truyền về sinh thái đặc biệt gây ra tình trạng sảy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh. Theo Beatrice Eisman và Vivian Raineri *, trong thập niên 1980, chỉ riêng tại bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày có một trẻ sơ sinh ra đời với dị tật bẩm sinh.
Xin chỉ gợi ra đây một chuyện. Từ một lá thư của độc giả gửi đến người đang viết những dòng này khẩn thiết kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ ông bố của anh : một thương binh đang bị hành hạ bởi chất độc da cam trong khi một mảnh đạn vẫn còn nằm trong đầu chưa gắp ra được. Bức thư có đoạn : " qua quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh viện đã xác định bố cháu bị xơ gan, ung thư gan, tiểu đường típ 2. Vào năm 2010, bố cháu đã 3 lần được bệnh viện đưa đến giám định tại Trung tâm Giám định chất độc da cam của Bệnh viện. Trong 3 lần ấy, các bác sĩ tại đây đã làm các xét nghiệm đầy đủ và đã có kết luận là bố cháu bị nhiễm chất độc màu da cam [Trong số 120 người đến giám định, sau khi loại dần chỉ còn lại 6 người, sau đó còn 3 người thì bố cháu ở trong diện 3 người đó]. Mặc dầu vậy, trong thời gian qua, bố cháu chưa hề nhận được bất cứ sự trợ giúp nào của Nhà nước theo như chính sách đã quy định. Vừa rồi, bố cháu lại nhận được giấy gọi đi giám định lần thứ 4 vào ngày 14.4.2011 tới. Trong tình trạng bệnh tình nguy kịch của bố cháu hiện nay, bố cháu vẫn bắt khiêng đi giám định...".
Bốn lần giám định mà chi phí đều do người bệnh gánh chịu và đã có kết luận hình như vẫn chưa đủ để nhận được một trợ giúp cho người thương binh nhâp ngũ tháng 7.1967 và chiến đấu trên các mặt trận, nơi Mỹ rải nhiều chất da cam nhất, trong cơn túng quẫn của gia đình anh H...tình cờ đọc được bài báo của người đang viết những dòng này và gửi thư cầu cứu. Bức thư được chuyển đến báo Đại Đoàn Kết, và Tổng biên tập đã có phản hồi tích cực, cử phóng viên về địa phương tìm hiểu và có bài phóng sự đăng trên số báo ra ngày 24.6.2011.
Và, oái oăm thay, sự quan tâm của ngôn luận lại đến quá muộn, trước đó mấy ngày, bố anh H... đã lìa đời để không thể nghe đọc bài phóng sự tình nghĩa nóng bỏng kia. Tìm cách trao tờ báo ra muộn này cho anh, con trai của người xấu số, anh H...ứa nước mắt đau đớn : "Thế là Bố cháu không còn đọc được tin vui này để vơi đi phần nào nỗi đau đớn và u uất". Vậy mà anh vẫn chân thành cám ơn người chuyển tờ báo và rồi mấy ngày sau, người này nhận được gói nụ vối anh gửi tặng để tỏ lòng biết ơn!
Trong sương sớm, giữa sự tĩnh lặng của thành phố mang tên Bác, ngồi nhâm nhi ngụm nước vối nghĩa tình để suy ngẫm về thời cuộc và thân phận con người qua câu chuyện của người cựu chiến minh từng đổ máu trên chiến trường. Vị chát đắng quen thuộc của hương thơm nụ vối đọng lại trong cổ.. Bất giác không cầm được nước mắt. Thoáng trong óc lời bài hát Trịnh Công Sơn : "...Giọt nước mắt thương dân/ Dân mình phận long đong...Ôi dòng nước mắt trong tim/ Chảy lai láng vào hồn..."**.
Nước mắt Việt Nam nào cũng có vị mặn, máu của cơ thể Việt Nam nào cũng màu đỏ. Bỗng nhớ đến một cuốn sách của ai đó có nhan đề "Máu người không phải nước lã" để rồi vận vào mình : máu của dân tộc mình chắc chắn không phải là nước lã!
------------------------
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tâp 12. NXBCTQG. Hà Nội, 1995.tr. 560
2. HCM Toàn Tập. Tập 4. NXBCTQG. Hà Nội 1995, tr.56
* Dioxin damage Scientists urge study of the effects of Agent
Orange _ USVFA 4oct01, New Internationalist, 5. 1996.
** Trịnh Công Sơn. Giọt nước mắt cho quê hương

Trung Quốc làm gì khi Mỹ khủng hoảng nợ?

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, với số tiền nợ nắm giữ trị giá khoảng hơn 1.100 tỷ USD. Trong khi Quốc hội Mỹ tiếp tục vật vã đàm phán nâng mức nợ trần, không ít người đặt câu hỏi: Bắc Kinh sẽ làm gì một khi Washington vỡ nợ?
Tuần trước, trong chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã phải lên tiếng đảm bảo với Bắc Kinh rằng các nhà lập pháp Mỹ sẽ sớm đạt được thỏa thuận về tăng mức trần nợ công. Tuy nhiên, mỗi ngày bế tắc trôi qua, nguy cơ vỡ nợ “kỹ thuật” của nền kinh tế lớn nhất thế giới càng đến gần. Nếu tình huống khó tưởng tượng này xảy ra, quan hệ Mỹ - Trung sẽ đi về đâu?
Trung Quốc sẽ tiếp tục mua trái phiếu Mỹ
Lâu nay, một số chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng Mỹ đang quá phụ thuộc vào việc Trung Quốc mua các trái phiếu của nước này. Những người có tâm lý ghét Mỹ hí hửng cho rằng nếu Bắc Kinh ngừng mua trái phiếu Mỹ, bán rẻ trái phiếu Mỹ như biện pháp nhằm tránh thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc hoặc để trừng phạt sự thiếu thận trọng của Mỹ thì nền kinh tế Mỹ có thể sụp đổ.
Tuy nhiên, kịch bản này rất khó xảy ra. Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài việc tiếp tục mua trái phiếu của Mỹ trong ngắn hạn, kể cả khi Washington tạm ngưng trả lãi cho Bắc Kinh trong một thời gian. Một phân tích trên tờ China-US Focus chỉ ra ba lý do chính để giải thích điều này.
Thứ nhất, các loại cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản tài chính Mỹ vẫn là một sản phẩm đầu tư hữu hiệu nhất đối với Trung Quốc và góp phần tạo ra lượng dữ trữ ngoại hối khổng lồ của nước này. Thị trường nợ của Mỹ trở thành nơi đặc biệt để người Trung Quốc dùng đồng USD - vốn dịch chuyển từ Mỹ qua Trung Quốc nhờ thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ - mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Một lý do khiến Trung Quốc mua các trái phiếu ngắn hạn của Mỹ là bởi thị trường này linh hoạt, tính thanh khoản cao, cho phép các bên đưa ra giá cả, mua và bán nhanh chóng. Chừng nào còn muốn duy trì hình mẫu phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu thì Trung Quốc còn phải tìm những nơi thuận lợi để đầu tư. Bởi vậy, dù nền kinh tế Mỹ có vỡ nợ hay không, các tài sản tài chính của Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn duy trì một cách ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Việc duy trì tỷ giá nhân dân tệ thấp một cách giả tạo sẽ giúp Trung Quốc kéo dài khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thường “múc” hết dòng USD chảy vào Trung Quốc, sau đó mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Thứ ba, Bắc Kinh quá đủ thông minh để không bán rẻ một lượng lớn trái phiếu Mỹ bởi động thái này có thể làm giảm giá trị rất nhiều đầu tư được định giá bằng đồng USD của Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu Bắc Kinh chơi kiểu vũ khí “hạt nhân” tài chính này, Mỹ có thể cắt giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn thương mại với Trung Quốc. Khi đó, hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phá sản vì mất cơ hội kinh doanh với Mỹ, gây nên tình trạng thất nghiệp đe dọa tới ổn định xã hội Trung Quốc.
Nói một cách khác, việc Mỹ vỡ nợ sẽ không để lại ảnh hưởng lâu dài cho mối quan hệ tài chính Mỹ - Trung bởi mọi thứ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường khi Mỹ dọn dẹp được “mớ lộn xộn” tài chính.
Trung Quốc cũng nhận thức rõ tình thế nguy hiểm từ nợ chính phủ Mỹ và đang giảm dần việc dùng dự trữ ngoại hối để mua trái phiếu Mỹ.
Nhưng đây không phải là phản ứng trực tiếp trước cuộc tranh luận mức trần nợ công ở Mỹ mà chỉ là một phần trong chiến lược “dài hơi” của Bắc Kinh nhằm tạo ra một đồng nhân dân tệ mạnh hơn, được quốc tế hóa và một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng. Vợ nỡ Mỹ do đó chỉ có thể làm hợp lý hơn chiến lược này.
Hơn 60 năm qua, không nền kinh tế nào thách thức Mỹ trong việc dẫn dắt các vấn đề kinh tế toàn cầu. Vị thế này giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc sử dụng “quyền lực mềm” để lôi kéo các nước khác đưa ra những chính sách kinh tế có lợi cho Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ còn cố sử dụng quyền lực kinh tế nhằm kiềm chế Trung Quốc, bóng gió chỉ trích rằng chính sách đồng nhân dân tệ yếu của Bắc Kinh là không phù hợp với kinh tế toàn cầu.
Khủng hoảng nợ của Mỹ có thể coi là “cú đấm” thứ ba nhằm vào uy tín của nước Mỹ, vốn từng được coi là một thế lực ổn định và đầy trách nhiệm trong kinh tế toàn cầu. Qua cuộc tranh luận về mức trần nợ công, thế giới nhìn thấy chính trường Mỹ đang chia rẽ sâu sắc về chính sách, xếp hạng tín dụng của Mỹ vì thế đứng trước nguy cơ sụt giảm.
Trước đây, “cú đấm” đầu tiên đã xảy ra năm 2008 khi “bong bóng” nợ xấu vỡ tung, đưa kinh tế thế giới vào suy thoái. Kể từ đó, các bản tin về hệ thống tài chính Mỹ đã liên tục chuyển hình ảnh một nước Mỹ đáng ngưỡng mộ thành hình ảnh của chủ nghĩa tư bản lạc lối.
“Cú đấm” thứ hai xuất hiện cuối năm 2010 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tung ra gói kích thích kinh tế gây nhiều tranh cãi mang tên “Nới lỏng định lượng lần 2” (QE2) với số tiền lên đến 600 tỷ USD. Trong khi FED khăng khăng giải thích QE2 giúp tạo lực đẩy cho kinh tế quốc nội đang èo uột của Mỹ thì nhiều đối tác bên ngoài lại cho rằng Mỹ quay lại với chính sách “lợi mình, hại người”, cố hạ giá trị đồng USD để hàng hóa Mỹ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Trái ngược với tình cảnh của Mỹ, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã cải thiện được danh tiếng như một thế lực dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Mặc dù phải đối mặt với chỉ trích ngày càng tăng ở bên ngoài xung quanh chính sách đồng nhân dân tệ yếu song Trung Quốc vẫn biện hộ rằng trong những thời điểm nền kinh tế toàn cầu bấp bênh, vai trò của họ là phải duy trì đồng nội tệ ổn định.
Năm 2008, Bắc Kinh cũng đã đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) khen ngợi kế hoạch này không chỉ tốt cho Trung Quốc mà còn mang lại lợi ích cho kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, Trung Quốc đã giành được vị trí quyền lực thứ ba trong IMF qua việc tăng thị phần trong tổ chức này.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu Mỹ phá sản, thiệt hại về mặt uy tín, vị thế của Mỹ sẽ lớn hơn nhiều so với hậu quả về mặt kinh tế. Vợ nỡ của Mỹ sẽ ngày càng làm xói mòn uy thế của Mỹ trước Trung Quốc, nhất là trong các vấn đề kinh tế “nóng bỏng” như “cuộc chiến” tỷ giá đồng USD và đồng nhân dân tệ. Về dài hạn, nếu Mỹ vỡ nợ, Trung Quốc có thể thực sự trở thành “kẻ thắng cuộc” hưởng lợi nhất, cô lập những chỉ trích của Mỹ để khẳng định quyền lực kinh tế mạnh mẽ nhất hành tinh.

V.Giang

Trung Quốc quay cuồng săn tìm dầu

Nhu cầu dầu của Trung Quốc trong tháng 5 tiếp tục gần đạt tới mức kỷ lục 9,3 triệu thùng/ngày (bpd), tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC).
Trong năm 2010, tiêu thụ dầu của Trung Quốc tăng 11% so với cùng kỳ năm trước ở mức trung bình 9,2 triệu bpd. Mức kỷ lục được thiết lập vào tháng 4 với 9,36 triệu bpd.
Theo giới phân tích, cơn khát dầu Trung Quốc có thể giảm tốc giữa những dấu hiệu "nguội dần" của nền kinh tế. Ước tính tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2011 ở mức 9 -9,5% thay vì mức 10%-10,5%. Trong tháng 6, nhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm ở xuống thấp nhất trong vòng 8 tháng ở con số 5,7% so với tháng trước và 11,5% với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, trừ khi nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn ngừng chạy, nếu không sự sụt giảm chỉ giống như đốm sáng tạm thời.
Trong 4,8 triệu bpd mà Trung Quốc nhập khẩu năm ngoái (52% tổng tiêu thụ dầu của nước này), gần một nữa đến từ Trung Đông. Ảrập Xêút, Iran, Oman, Kuwait và Iraq chiếm khoảng 45% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc năm 2010.
Sự phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu ước tính sẽ gia tăng, với những nguồn cung mới đặc biệt đến từ đường bộ ở chính châu Á - điều mà các nhà hoạch định an ninh năng lượng tin là đỡ rủi ro hơn các nguồn cung đường biển như tuyến vận chuyển qua Eo biển Malacca.
Ví dụ, từ đầu năm nay, Nga bắt đầu vận chuyển dầu sang Trung Quốc thông qua hệ thống ống dẫn Skovorodino - Đại Khánh, một nhánh của dự án Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO) mà Trung Quốc đã cho Nga vay 25 tỉ USD đầu năm 2009. ESPO khởi nguồn cách Trung Quốc 4.800 km tại vùng Irkutsk.
Khi Nga bắt đầu xây dựng mạng lưới Skovorodino với khoản vay của Trung Quốc, thì Trung Quốc đã xây dựng đường sắt nối từ biên giới Nga tới Đại Khánh. Tháng trước, phó Thủ tướng Nga Igor Sechin tuyên bố, việc vận chuyển dầu có thể gia tăng để cung cấp cho một nhà máy lọc dầu liên doanh giữa Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhà máy này được cho là đang trong quá trình xây dựng gần Bắc Kinh với công suất 260.000 bpd, và Nga dự kiến cung cấp hơn 2/3 tổng số.
Theo cơ quan Năng lượng Quốc tế tại Paris, dự án hợp tác này là một phần của nỗ lực thúc đẩy gia tăng gấp bội công suất lọc dầu quốc gia Trung Quốc (hiện tại là 10 triệu bpd) vào 2016. Các cuộc đàm phán cũng được tiến hành với Tập đoàn Dầu khí Kuwait cho một nhà máy lọc dầu 300.000 bpd ở tỉnh Quảng Đông, bao gồm việc xây dựng một mạng lưới bán lẻ cho phép Kuwait đạt mục tiêu xuất khẩu 500.000 bpd sang Trung Quốc.
Ảnh minh họa: yozonia
Cho dù liên doanh nhà máy lọc dầu Trung - Nga xây dựng gần Bắc Kinh, và cho dù nhu cầu tổng thể của Trung Quốc ngày một lớn, nhưng không phải tất cả dầu ESPO sẽ tới Trung Quốc. Đó là vì Nga muốn đa dạng hóa cơ sở khách hàng của mình ở nước ngoài (đặc biệt là mục tiêu Nhật Bản và Hàn Quốc) bằng cách sử dụng cảng Kozmino, cách không xa biên giới của họ với Trung Quốc và Triều Tiên.
Các công ty dầu mỏ Trùng Quốc thậm chí đã vươn xa tới cả Iraq trong công cuộc tìm kiếm thêm nhiều nguồn cung cấp.
Tổng cộng sản lượng dầu sản xuất ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc đạt 1,2 triệu bpd năm 2009, bao gồm cả dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Kazakhstan kể từ năm 2005. Đường ống dẫn đầu Kazakhstan - Trung Quốc mang theo dầu cả ở Kazakhstan và Nga, ước tính trong năm nay đạt công suất dự kiến 400.000 bpd.
Ở đây còn chứng kiến nhu cầu tiếp tục tăng mạnh với sản phẩm liên quan khí tự nhiên và mức độ nhập khẩu chất đốt đạt kỷ lục. Sự phụ thuộc vào nước ngoài còn lan rộng ra toàn bộ nguồn năng lượng bao gồm than đá - nước này trở thành nhà nhập khẩu ròng than đá trong năm 2009. Than chiếm 71% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc trong năm 2009, năm mới nhất với mọi con số thống kê đầy đủ. Con số thiếu 3,5 tỉ tấn cho tiêu dùng trong năm chiếm gần một nửa lượng tiêu dùng than toàn cầu, và gần gấp đôi mức tiêu thụ nội địa vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ.
Ngoài một phần trong hàng loạt thỏa thuận năng lượng mà Trung Quốc kí kết với Nga năm 2009 bao gồm hệ thống ống dẫn ESPO, Bắc Kinh đã cho Moscow vay 6 tỉ USD trong một phần thỏa thuận nhập khẩu 15 - 20 triệu tấn than mỗi năm trong giai đoạn kéo dài tới giữa 2030.
Trung Quốc đang tiến hành những bước đề phòng rủi ro địa chính trị. Họ tìm cách khôi phục thỏa thuận đã ký kết với Myanmar năm 2009. Nhưng hệ thống ống dẫn ấy sẽ không mang theo dầu từ Myanmar, nó sẽ là một lộ trình thay thế vận chuyển dầu thô từ châu Phi và Trung Quốc thay đi vì đi qua Eo biển Malacca. Cơ quan Năng lượng Quốc tế vẫn giữ ước tính, tốc độ gia tăng nhu cầu dầu của Trung Quốc từ 2010 - 2012 chiếm hơn 1/3 mức gia tăng nhu cầu toàn cầu.
Bởi vậy, Trung Quốc đang không ngừng nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng nội địa trong khi vẫn gia tăng phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài về khí đốt, than đá và dầu mỏ. Tình hình địa - kinh tế đã góp phần làm tăng tầm quan trọng của các nguồn dầu khí tiềm năng trong khu vực, bao gồm cả quần đảo Trường Sa ở Biển Đông - nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và nhiều nước khác.
* Tiến sĩ Robert M Cutler được đào tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Michigan. Ông nghiên cứu và giảng dạy ở nhiều trường đại học tại Mỹ, Canada, Pháp, Thụy Sĩ và Nga. Hiện ông là nhà nghiên cứu cấp cao ở Đại học Carleton, Canada.
Chị cho vào box cho em:
- Trước căng thẳng Biển Đông, Trung Quốc đã cảnh báo các bên tuyên bố chủ quyền khác ngừng mọi hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nếu không có sự cho phép của Bắc Kinh. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển này.
- Trong tháng 5, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất nước này đã đưa ra 19 lô cùng hợp tác khai thác dầu khí ngoài khơi với các công ty nước ngoài trong khu vực Biển Đông. Trong tháng 2, một thông tin do đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) cho hay, CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc thăm dò và khai thác ở Biển Đông trong tương lai gần", giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa nói trong một cuộc họp báo về chiến lược kinh doanh của công ty năm 2011.
Hôm 24/5, Tân Hoa xã đưa tin, tại Thượng Hải, một giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu 3.000m đã được bàn giao cho CNOOC.
- Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Đây là một hình thể biển lớn nhất sau năm đại dương. Các đảo ở Biển Đông có số lượng nhiều, tập hợp thành một số quần đảo. Rất nhiều trong số này là các đảo chìm, đảo đá không có người ở. Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 đã đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là "Vịnh Ba Tư thứ hai". Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh.
Ngài Lee Kuan Yew phát biểu về Trung Quốc
Ngài Lee Kuan Yew dù đã về hưu vẫn được tin cậy để hỏi ý kiến về Trung Quốc do ông có mối quan hệ khá gần gũi với các lãnh đạo nước này.
Tại diễn đàn "FutureChina Global Forum" hôm thứ Hai, ông đã có ý kiến cho rằng, Trung Quốc nên giữ quan hệ bình đẳng và bền vững với Mỹ trong vòng 20 đến 30 năm tới.
Trung Quốc vẫn có thể đạt được nhiều thứ từ Mỹ vì họ vẫn cần công nghệ, thị trường và bí quyết trong nhiều lĩnh vực. Sự phong phú mà Trung Quốc chưa thể đạt được đã cho nước Mỹ sức mạnh mà Trung Quốc vẫn cần cho tương lai phát triển của họ.
Ông cũng tiên đóan quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á) sẽ còn phát triển trong thập kỷ tới. Trung Quốc vẫn là thị trường vô cùng hấp dẫn mà không quốc gia nào có thể bỏ qua. Các quốc gia này sẽ đồng hành cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế 1.3 tỷ con người này. Họ sẽ đầu tư vào đó, trao đổi thương mại với nó và thu hút đầu tư từ nó. Ông cũng nhấn mạnh đó là điều Singapore sẽ làm.
Nói về tương lai của Đông Nam Á, ông nhận thấy các nước trong khu vực sẽ kết hợp với nhau để thương thảo các vấn đề với các thế lực quốc tế khác. Và chỉ có như vậy mới có sức mạnh. Các đàm phán song phương với hoặc Mỹ, hoặc Trung Quốc hay Nhật sẽ trở thành yếu thế hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, quá trình xích lại với nhau như vậy sẽ khá chậm do con đường đi của từng
nước trong 10 nước ĐNA rất khác nhau.
Châu Sa (Theo Channel NewsAsia)
  • Nguyễn Huy (Theo Atimes)

Phát ngôn&Hành động: Tổng Bí thư "yêu Kiều" và sự sòng phẳng với lịch sử

tuanvietnam.vietnamnet.vn

Mục Phát ngôn & Hành động tuần này xin được xin lỗi các độc giả quan tâm đến văn hoá, bởi phải dành đất cho các sự kiện chính trị - xã hội - ngoại giao quá nổi bật. Mặc dù, khái niệm văn hoá, dưới nhiều khía cạnh khác nhau, vẫn xen lẫn vào những sự kiện đó. 

Vị Tổng Bí Thư "Yêu Kiều" và lời hứa của các lãnh đạo chủ chốt
Tuần qua, sự kiện quan trọng số một trong đời sống chính trị Việt Nam, không còn bàn cãi gì nữa, là kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất của khoá 13, với việc bầu các chức danh chủ chốt điều hành đất nước trong 5 năm tới.
Người được bầu đầu tiên là ông Nguyễn Sinh Hùng, với chức danh Chủ tịch Quốc hội.  Sau khi nhận bó hoa từ tay Tân Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã nán lại trên diễn đàn ít phút để chia sẻ cảm giác của mình 4 năm về trước, vào một hoàn cảnh tương tự. Ông nhắc lại chuyện ông đã lẩy hai câu Kiều lúc đó: "Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn / Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay".
Rõ ràng, ông Trọng hiểu cái trách nhiệm lớn lao, trước đất nước, dân tộc mà ông phải đón nhận khi được bầu. Và ông đã cùng các cộng sự ở quốc hội nỗ lực ở mức cao nhất có thể được.
Tuy không phải trách nhiệm nào quốc hội cũng hoàn thành tốt, như mong đợi của cử tri, nhưng, công bằng mà nói, quốc hội khoá 12, dưới sự lãnh đạo của ông, đã làm được một số việc quan trọng. Có thể đơn cử ra hai ví dụ tiêu biểu.
Đó là việc không thông qua đề án đường sắt cao tốc, hao tiền tốn của mà ít hiệu quả.
Đó là việc trong kỳ họp cuối cùng quốc hội đã kiên quyết chất vấn các thành viên chính phủ liên quan về vụ Vinashin, để từ đó chính phủ có những biện pháp quyết liệt để xử lý vụ này, trước khi đã quá muộn.
Chính vì vậy, không phải vô cớ mà Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thốt lên rằng "quốc hội rất thương chính phủ".
Tân Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng và Tổng bí thư ra mắ
Kết thúc dòng tâm sự, ông Trọng, người đang đảm đương vị trí tổng bí thư, lại mượn Kiều để giao "trọng trách" cho người kế nhiệm: "Chén vui nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày này.. năm năm sau".
Hoàn toàn không phải "phận mỏng cánh chuồn" theo nghĩa kinh nghiệm điều hành, vị Tân Chủ tịch Quốc hội đã có quá nhiều kinh nghiệm với chính phủ, từ vị trí bộ trưởng tài chính đến phó thủ tướng thường trực. Có thể nói, ông thuộc mọi "ngóc ngách" trong việc điều hành kinh tế - tài chính của chính phủ.
Chắc chắn, đó là lợi thế để ông và các đồng sự "thừa kế thành quả và kinh nghiệm các khoá trước, nhất là khoá 12, tiếp tục đổi mới, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, để thực hiện quyền hạn và trách nhiệm mà Hiến pháp qui định, xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất", như ông đã hứa khi nhậm chức.
Hơn nữa, vị tân chủ tịch quốc hội này, theo lời ông Trọng, lại có may mắn hơn người tiền nhiệm của mình, là có trong tay "một đội hình đẹp". Ông Trọng hình dung rằng sắp tới Chủ tịch điều hành ngồi giữa, hai bên có hai phó chủ tịch nữ, một miền Bắc bề thế, một miền Nam xinh đẹp, và hai phó chủ tịch bên ngoài là một người phụ trách về luật pháp và một phụ trách an ninh quốc phòng.
Không hẹn mà gặp! Những hình dung của vị Tổng Bí thư "Yêu Kiều" lại dường như trùng với những cam kết "có gang có thép" của Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông Sang đã nhấn mạnh tới những mục tiêu quan trọng được ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch nước của ông là củng cố an ninh quốc phòng để bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống tham nhũng và đoàn kết dân tộc.
Về vấn đề chủ quyền biển đảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người ở vị trí Thường trực Ban Bí thư vẫn chưa lên tiếng liên quan đến Biển Đông, đã khẳng định rằng ông sẽ có trao đổi về vấn đề này và thể hiện thái độ của mình. Ông còn hé lộ quyết tâm thúc đẩy quốc hội nhanh chóng hoàn chỉnh và thông qua luật biển.
"Đương nhiên, trên cơ sở Công ước (của LHQ về Luật Biển), chúng ta phải luật hóa bằng luật quốc nội, để xác lập quyền chiếm hữu biển đảo về mặt pháp lý cũng như về thực địa", ông Sang nói.
Về quyết tâm chống tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đồng thời cũng phụ trách mảng tư pháp, kêu gọi các đại biểu quốc hội (trong đó có cả các thành viên chính phủ) không chủ quan trước lời hứa chống tham nhũng, lãng phí của mình,và kêu gọi nhân dân tích cực kiểm tra, giám sát, kể cả cá nhân ông. "... để góp phần thúc đẩy việc phòng chống tham nhũng của khóa này có kết quả. Ít ra là tốt hơn khóa vừa rồi", ông nói.
Vị Tân Chủ tịch nước cũng kêu gọi xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những quan điểm khác nhau không trái với lợi ích dân tộc. Điểm tương đồng về lợi ích, theo Chủ tịch nước, là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, và công bằng.
"Đề cao tinh thần dân tộc, yêu nước, nhân nghĩa khoan dung, để tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài", ông nhấn mạnh.
Trong khi Tân Chủ tịch Quốc hội và Tân Chủ tịch nước lên tiếng cám ơn những kinh nghiệm quí báu họ thừa hưởng từ những người tiền nhiệm, Tân Thủ tướng của nhiệm kỳ mới đã không cần phải làm vậy - ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Mặc dù vậy, không thể nói những kinh nghiệm điều hành ở nhiệm kỳ đầu không phải là những bài học quí giá đối với vị lãnh đạo được coi là "quyết liệt" này. Nhất là việc ông phải chèo lái một nền kinh tế trong bối cảnh bất lợi hơn nhiều, so với 5 năm trước
Kinh tế vĩ mô đang cực kỳ bất ổn với những thách thức lớn như lạm phát và chi tiêu công ở mức độ rất cao, hiệu suất đầu tư của toàn nền kinh tế thấp, cũng như việc giải quyết những vấn đề cơ cấu và lợi ích nhóm trong quan hệ công bằng xã hội.
Tuy nhiên, không phải nhiệm kỳ mới của ông không hé ra những thuận lợi, chí ít là khi nguy cơ và cơ hội  trở nên rõ ràng hơn. Quan trọng hơn, ông nhìn nhận rõ hơn những gì là "kỳ vọng ảo".
Và, quan trọng nhất, ông bắt đầu nhiệm kỳ này trùng với những bước đi đầu tiên của một chiến lược 10 năm mới, với một tư duy tăng trưởng mới là "bền vững", dựa vào giá trị gia tăng cao và nguồn nhân lực được đào tạo. Chứ không phải đi nốt chặng cuối cùng của một chặng đường 20 năm dựa trên sự tận khai tài nguyên và nguồn nhân công giá rẻ, như trong nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, người ta vẫn phải chờ đợi để nghe những định hướng điều hành nền kinh tế trong 5 năm tới của ông. Bởi, như ông giải thích, ông muốn dành cơ hội phát biểu nhân việc tái đắc cử vào tuần sau, khi quốc hội đã phê chuẩn danh sách các thành viên chính phủ cho ông đề cử.
"Trả lại tên cho anh"
Ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ (27.7) năm nay, có hai sự kiện đặc biệt, nhưng vô tình có liên quan đến nhau.
Thứ nhất, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị các Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 5, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông có những dấu hiệu leo thang, chủ yếu xuất phát từ quốc gia có liên quan đến Biển Đông bên ngoài ASEAN.
Nhiều ý tưởng, sáng kiến đã được đưa ra, để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hải quân ASEAN, như mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực, phối hợp triển khai chung, tuần tra chung, chia sẻ thông tin, kể cả thông tin tình báo, thiết lập đường dây nóng...
Thứ hai, sau 23 năm, kể  từ trận hải chiến đẫm máu giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc, khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm một số đảo quần đảo Trường Sa của Việt Nam, những chiến sĩ tham gia, đặc biệt là các liệt sĩ và thương binh, đã chính thức được vinh danh trên truyền thông đại chúng của Việt Nam
Các bài báo, hay loạt bài báo, đã kể lại những câu chuyện cụ thể về việc họ đã chiến đấu kiên cường, đã anh dũng ngã xuống như thế nào, hay gan dạ chịu đựng cảnh tù đày thế nào. Người viết thiết nghĩ không cần phải nhắc lại.
9 chiến sĩ khi được Trung Quốc trao trả hàng trên: Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thống, Trần Thiện Phụng, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Tiến Hùng; hàng dưới: Trương Văn Hiền, Lê Minh Thoa, Mai Văn Hải, Dương Văn Dũng cùng vợ anh Trần Thiện Phụng và cán bộ dân phòng.
Điều người viết muốn nhấn mạnh ở đây là sự xuất hiện đúng lúc của những bài báo này. Không chỉ thuần tuý là sự vinh danh cần thiết, tuy khá muộn màng, cho những người con đã không tiếc sinh mạng mình, quyết bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc. Tấm gương của họ, hơn nữa, đã gợi lại truyền thống anh dũng của những người Việt Nam vốn yêu chuộng hoà bình, nhưng dứt khoát không chịu khuất phục những kẻ có dã tâm cướp đất, cướp nước của họ.
Tuy nhiên, bên trong sự vinh danh khá ồn ã này, cũng như những hành động đền ơn đáp nghĩa được ca ngợi trên truyền hình, đâu đó dường như vẫn có những tiếng thở dài xen lẫn vào.
Đó là câu hỏi của một người lính hải quân tên Hải ở Quảng Bình, người đã bị thương ở Trường Sa năm 1988, bị bắt và chỉ được trao trả sau khi Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ, rằng liệu anh và các đồng đội bị thương có được hưởng các chính sách với thương binh, như nhà nước qui định hay không. Việc họ chỉ nhờ phóng viên hỏi hộ, sau hai thập kỷ im lặng, cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của những con người giàu lòng yêu nước và lòng tự trọng này khốn khó đến mức nào.
Đó là câu hỏi của anh hùng chống Mỹ và Khmer Đỏ Phan Văn Xệ, người mà trên cơ thể không có chỗ nào không bị thương, rằng liệu từ giờ đến khi chết mảnh đất mà anh được quân đội cấp có được chính quyền cấp sổ đỏ hay không. Điều đáng buồn hơn là câu hỏi này lại được đặt ra với một đoàn làm phim của Nhật Bản, chứ không phải phóng viên Việt Nam như trường hợp đầu tiên.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505
"Bản công hàm năm 1958" và sự sòng phẳng với lịch sử
Trong mục "Phát ngôn & Hành động" tuần trước, đồng nghiệp Kỳ Duyên  đã bình luận về bài viết "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam", do nhóm đồng nghiệp từ báo Đại Đoàn Kết thực hiện.
Chắc hẳn không phải là người theo dõi kỹ câu chuyện Biển Đông, nhưng, rõ  ràng, đồng nghiệp Kỳ Duyên đã khá tinh khi phát hiện rằng, khi nào Trung Quốc to mồm nhất, thì đó là chỗ họ đuối lý nhất. Nói theo kiểu nhà văn Nguyễn Quang Lập, một người cũng ái mộ nữ ký giả Kỳ Duyên, là "chuẩn không cần chỉnh".
Nhưng đọc đi đọc lại bài viết này, người viết vẫn thấy có hai điểm cần bàn thêm.
Thứ nhất, đọc kỹ những cơ sở lập luận, cả về khía cạnh lịch sử, pháp lý lẫn lý luận, thì dường như có sự đóng góp khá quan trọng về tư liệu từ "kho lưu trữ" của Bộ Ngoại giao, thông qua các nhà nghiên cứu thuộc biên chế bộ này.
Thứ hai, cũng với suy luận  đó, tại sao cho đến thời điểm 20.7.2011, bài báo mới xuất hiện, thay vì sau khi báo chí Trung Quốc đưa tin về việc Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn hội đàm tháng trước với người đồng cấp phía Trung Quốc?
Những người theo dõi kỹ  câu chuyện hội nghị ngoại trưởng ASEAN, và các sự kiện đi cùng như hội nghị với các  đối tác và diễn đàn an ninh khu vực, có thể lý giải rằng phía Việt Nam đã có sự lo ngại rằng nếu không im lặng, biết đâu Trung Quốc lại không ký vào văn bản hướng dẫn việc triển khai DOC, sau 9 năm trì trệ?
Sự thận trọng có lẽ  không thừa. Bởi anh hàng xóm xấu chơi có thể lấy cớ nọ, cớ kia để "thoái thác trách nhiệm".
Tuy nhiên, những người khác có  thể đặt vấn đề: Nếu cứ ngại mãi như  thế, họ sẽ tiếp tục "bắp thóp" mà ép điều nọ điều kia. Để rồi đến lúc những người ủng hộ lý lẽ của mình cũng đâm ra bán tín bán nghi về "lập trường" và "cơ sở pháp lý" của mình. Trong cuộc chiến thông tin để họ "thả gà" ra rồi mình "bắt lại" mệt lắm.
Mà Trung Quốc thì thạo cái nghề này lắm. Câu chuyện "Tăng Sâm giết người" trong Cổ học Tinh hoa là một ví  dụ tiêu biểu. Đến Gơ Ben cũng phải gọi bằng "cụ tổ".

Còn nhớ, trong hội nghị tuyên truyền về biển bảo đầu năm 2009, tại Đồ Sơn, nhà báo lão thành Phạm Khắc Lãm đã kể rằng hồi ông còn là sinh viên học ở Trung Quốc vào cuối những năm '50, một người bạn Trung Quốc đã nói với ông: "Điện Biên Phủ là chiến thắng của cố vấn Trung Quốc."
Khi ông Lãm hỏi tại sao lại nói vậy, người bạn này giải thích rằng anh ta được học như vậy ở phổ thông. Lý Thông đến thế là cùng!
Nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Danh Dy thì cho biết rằng báo chí Trung Quốc, nhất là các mạng, thường tuyên truyền rằng người Việt Nam "ăn cháo đá bát", "Trung Quốc giúp đỡ như vậy trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà vô ơn", thậm chí còn "xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc nữa".
Đúng như đồng nghiệp Kỳ Duyên nhận định tuần trước, đã đến lúc phải nhanh chóng minh bạch lịch sử.
Nhà sử học kiêm đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cách đây 8 năm đã từng nói với một ký giả Nhật Bản: "Lịch sử phải sòng phẳng. Đúng là Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, từ vũ khí đến nhu yếu phẩm. Thế nhưng, cũng nhờ có Việt Nam đánh Mỹ mà Mao Trạch Đông bắt tay được với Nixon, từ đó phá được thế bao vây cấm vận, và nhờ đó Trung Quốc mới hùng mạnh như ngày nay."
Hơn nữa, xét cho cùng, DOC cũng chỉ là những nguyên tắc xây dựng lòng tin trong ứng xử của các bên trên Biển Đông thôi, và văn bản hướng dẫn vẫn còn mập mờ lắm. Liệu có nên quá thận trọng mà đánh đổi một lòng tin "trên trời" với một anh hàng xóm "khả nghi" với lòng tin với nhau giữa các thành viên trong gia đình, tức là dân tộc này?
Hoàn toàn không nên, theo thiển nghĩ người viết. Thiếu gì cách "vẹn cả  đôi đường".
Thế mới là "quán triệt  đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh" !

Tên lửa Mỹ gặp sự cố ngay sau khi phóng

Thứ Năm, 28/07/2011 19:27

(NLĐO) - Quân đội Mỹ ngày 27-7 thông báo đã bắn hủy một quả tên lửa xuyên lục địa chỉ 5 phút sau khi nó được phóng thử trên Thái Bình Dương.

Quả tên lửa trên có tên Minuteman 3, không mang vũ khí. Nếu theo đúng dự kiến, nó sẽ bay xa khoảng 6.750 km tới quần đảo Kwajalein Atoll, cung cấp dữ liệu cho chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ.


Một tên lửa Minuteman 3 được bắn thử vào tháng 5-2008. Ảnh: AP
Tuy nhiên, nó đã bị hủy 5 phút sau khi rời bệ phóng tại căn cứ không quân Vandenberg, bang California. “Lực lượng Không quân đã phát hiện có điều bất thường và hủy tên lửa vì lý do an toàn. Khi bị hủy, tên lửa đang bay trên vùng biển phía đông bắc đảo Roi-Namur, cách Vandenberg hơn  6.700 km” – đại tá Matthew Carroll của căn cứ Vandenberg nói.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết lực lượng không quân sẽ điều tra hiện tượng bất thường trên. Đây là lần thử gặp sự cố thứ hai đối với Minuteman 3 trong 5 tuần qua.
Chương trình tên lửa Minuteman 3 được ra đời vào thập niên 1950 và là trụ cột của chương trình vũ khí hạt nhân thời chiến tranh lạnh của Mỹ. Được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, Minuteman 3 là tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ thứ ba, có tầm bắn gần 10.000 km.
Theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) đã ký với Nga, Mỹ cam kết duy trì 450 tên lửa Minutemen 3 cho lực lượng tác chiến tại các căn cứ ở các bang Montana, North Dakota và Wyoming.
Hải Ngọc (Theo AP)

Tuần tới Thái Lan bầu Thủ tướng


Thứ Năm, 28.7.2011 | 14:31 (GMT + 7) 

Quốc hội mới của Thái Lan sẽ chính thức họp phiên đầu tiên vào ngày 1.8, mở đường để bầu Thủ tướng trong tuần tới.
d
Nữ Thủ tướng tương lai của Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Trong một tuyên bố chiều qua, Hoàng gia Thái Lan cho biết, Thái tử Maha Vajiralongkorn sẽ thay mặt Quốc vương phát biểu khai mạc kỳ họp quốc hội vào chiều ngày thứ hai (1.8) tại thủ đô Bangkok.

Hạ viện với 500 ghế dự kiến bắt đầu làm việc vào ngày 3.8 để bầu Chủ tịch, sau đó chức danh Thủ tướng sẽ được bầu vào ngày 5.8 - nguồn tin từ Đảng Pheu Thai cho biết.

Lãnh đạo Đảng Pheu Thai, bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng bị lật đổ năm 2006 Thaksin Shinawatra dự kiến sẽ được bầu làm Thủ tướng mới của Thái Lan trong lần bỏ phiếu tới.

Nữ Thủ tướng tương lai đầu tiên của đất nước Chùa Vàng đã thành lập liên minh gồm 6 đảng, chiếm 3/5 số ghế tại Hạ viện.

Cuối giờ chiều hôm qua, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết đã thông qua tư cách nghị sĩ của 94 ứng viên chiến thắng trong kỳ bầu cử hôm 3.7 vừa qua, nâng tổng số ứng viên đã được thông qua lên 496/500 người, vượt qua ngưỡng 95% theo luật pháp Thái Lan, đủ để Hạ viện triệu tập phiên họp đầu tiên.
Song Minh (Theo AFP)

Nga “khoe” sức mạnh quân sự trước Mỹ - NATO

Thứ Năm, 28/07/2011 09:11

(NLĐO)- Tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa Ekaterinburg của Hạm đội phương Bắc (Nga) ngày 27-7 đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa RSM-54 Sineva tại vùng biển Barents.

Được phóng đi từ tàu ngầm nguyên tử Ekaterinburg tại vùng biển Barents, tên lửa RSM-54 Sineva đã bắn trúng mục tiêu tại thao trường Kura trên bán đảo Kamchatka.
 

Tên lửa Sineva được phóng đi từ dưới nước. Ảnh chụp lần bắn thử vào tháng 4-2011
 
RSM-54 Sineva, NATO gọi là SS-N-23 Skiff, thuộc loại tên lửa thế hệ thứ ba, được trung tâm tên lửa quốc gia Nga Makeyev chế tạo và đưa vào trực chiến từ tháng 7-2007.
 
Có tầm bắn hơn 10.000 km, Sineva có thể mang theo 4 - 10 đầu đạn hạt nhân và được thiết kế để bắn trúng các mục tiêu cỡ nhỏ được bảo vệ cẩn mật. Mỗi chiếc tàu ngầm Ekaterinburg có thể chở 16 tên lửa Sineva.
 
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, tên lửa Sineva được phóng đi từ dưới nước để kiểm tra độ an toàn của các tên lửa chiến lược thuộc Hải quân Nga. Đây là lần thứ ba Hải quân Nga phóng tên lửa Sineva trong năm 2011 và cả ba lần đều thành công.
 
Mỗi chiếc tàu ngầm Ekaterinburg có thể chở 16 tên lửa Sineva
  
Còn các hãng tin nước ngoài phân tích việc Nga bắn thử tên lửa Sineva vào thời điểm này nhằm phô diễn sức mạnh quân sự trong bối cảnh Nga đang căng thẳng ngoại giao với phương Tây về hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ và hệ thống phòng thủ tên lửa chung (AMD) của châu Âu.
 
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố nếu Mỹ triển khai NMD tại châu Âu và NATO xây dựng AMD mà không tính đến quan điểm của Nga thì Moscow buộc phải có biện pháp đáp lại. Trước hết, Nga dọa rút khỏi Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới), có hiệu lực từ đầu tháng 2 vừa qua.
Bằng Vy (Theo Itar-Tass, Tân Hoa Xã)

Bản quy hoạch chung Hà Nội có thông tin gì?

VietNamNet

- Bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thực sự mở ra một triển vọng mới cho Thủ đô với những bước biến chuyển lớn lao.

Cơ quan đầu não

Theo quyết định, hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đình trong khi khu vực Tây Hồ Tây bố trí thêm trụ sở các cơ quan Trung ương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủt yêu cầu, rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan Trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và tây Hồ Tây; ưu tiên vị trí tại khu vực tây Hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan trung ương làm việc, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi với trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ.

Cũng theo quyết định này, trụ sở cơ quan Thành ủy, HĐND, UBND thành phố được bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm.

Xuất hiện “chùm đô thị”?

Theo quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh với các chức năng và đặc thù riêng gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Các đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập.

Hà Nội sẽ xuất hiện "chùm đô thị"

Các đô thị và thị trấn này được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp với các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố ).

Đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo, đầu tư các cơ sở trọng tâm là ĐH quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc; tiếp tục hoàn thiện Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam gắn với Đồng Mô - Ngải Sơn và vùng du lịch Ba Vì - Viên Nam; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ như: Trung tâm y tế, các cơ sở giáo dục đại học, các dự án về đô thị mới như Tiến Xuân - Phú Mãn, Đông Xuân. Đô thị này sẽ gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông tốc độ cao trên Đại lộ Thăng Long và trục Hồ Tây – Ba Vì.

Đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới. Là cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội, đô thị này sẽ được gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thông giao thông công cộng trên Quốc lộ 32 và đường Tây Thăng Long.

Đô thị vệ tinh Xuân Mai (cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội) là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng... Đô thị ở cửa ngõ phía Tây Nam này sẽ kết nối đô thị trung tâm với các tỉnh miền núi Tây Bắc qua hành lang Quốc lộ 6 và Nam Quốc lộ 6.

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội) là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng.

Hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề... Xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước nhân tạo lớn để phục vụ thoát nước, phù hợp với đặc điểm thấp trũng của khu vực. Đây là đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến hành lang kinh tế Bắc Nam – Quốc lộ 1A.

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn (đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô) là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo.

Không gian xanh

Theo bản quy hoạch này, định hướng không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh và vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị.

Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vực đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị.

Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là các vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng.

Các nêm xanh là vùng đệm xanh phân cách các khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng.

Kiểm soát phát triển các làng xóm hiện hữu, xây dựng một số công trình công cộng ở quy mô nhỏ, thấp gắn với đặc trưng sinh thái cây xanh và mặt nước.

Không gian xanh của thành phố được phê duyệt

Rà soát các công trình cao tầng

Theo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 số 1259 /QĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội có nhiệm vụ tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy hoạch xây dựng các khu dân cư nông thôn, quy chế quản lý Quy hoạch kiến trúc… phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Thành phố Hà Nội có nhiệm vụ chỉ đạo việc rà soát, quản lý các công trình cao tầng trên địa bàn thành phố theo điều kiện cụ thể của từng khu vực, phù hợp quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch được duyệt.

Dự kiến đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30m2 sàn sử dụng/người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25m2 sàn sử dụng/người. Khu vực nội đô sẽ bị kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kĩ thuật. Kiểm soát quy hoạch và kiến trúc đối với nhà ở dân tự xây.

Mở rộng giới hạn khu nội đô

Khu vực nội đô trong Bản Quy hoạch mới được mở rộng thêm khái niệm và cả giới hạn:

Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2 là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Thành cổ… Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài.

Tại đây, sẽ hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.

Khu nội đô mở rộng giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại.

Khu mở rộng phía nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4) gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì. Đây là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia.

Khu mở rộng phía bắc sông Hồng, nam sông Cà Lồ gồm 3 khu chính: Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên (phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1); khu đô thị Đông Anh (phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì; hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội và của quốc gia, trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội và vui chơi giải trí của thành phố); khu đô thị Mê Linh - Đông Anh (phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh).

Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.

  • Thu Lý

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung Hà Nội

- Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kí quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Điều đó cũng có nghĩa, hàng trăm dự án bất động sản nằm trong Hành lang xanh và Vành đai xanh có nguy cơ phải xem xét lại hoặc hủy bỏ.

Tầm nhìn 2050

Theo quy hoạch này, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn được đặt tại Ba Đình. Không quy hoạch các cơ quan Chính phủ tại Ba Vì, một số bộ, ngành sẽ chuyển trụ sở đến Khu vực Tây Hồ Tây và Mỹ Đình...

Từ vành đai 4 trở vào là các trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế chất lượng cao của cả nước...

Trong bản Quy hoạch Hà Nội 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Mô hình về không gian của Thủ đô định hướng: Hình thành hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ nhằm phân tách kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh.

Hành lang xanh chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn; bảo vệ vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá và kiểm soát lũ lụt.

Công trường xây dựng trong hành lang xanh (ảnh chụp 2010) - Ảnh: Thu Lý

Trong khu vực hành lang xanh, xây dựng đường cảnh quan Bắc-Nam và 3 đô thị sinh thái mật độ thấp là Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn (quy mô dân số tối đa 5 vạn người/đô thị) tại giao cắt của 3 tuyến chính QL6, đường Láng - Hòa Lạc và QL32.

Duy trì các thị trấn hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Phúc Thọ, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín… và hình thành mới một số thị tứ.

Hà Nội hình thành 5 đô thị vệ tinh la Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn và các đô thị sinh thái...
Các đô thị sinh thái và các thị trấn, thị tứ có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công cộng hỗn hợp cho khu vực nông thôn.

Thiết lập vành đai xanh dọc theo sông Nhuệ kết nối các không gian mở và hệ thống công viên đô thị tạo vùng đệm và là không gian cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới của đô thị hạt nhân trên tuyến vành đai IV tránh việc phát triển theo vết dầu loang.

Vành đai xanh dọc sông Nhuệ sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng, tiến tới không phát triển dân cư đô thị chỉ có các công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước...

Nhiều dự án bất động sản ảnh hưởng?

Từng trao đổi với PV VietNamNet khi bắt đầu công bố Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đền năm 2050, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Đình Tòan có cho biết: Nguyên tắc của hành lang xanh và vành đai xanh là nhất định diện tích phải nhiều màu xanh, không có nhà cao quá 3 tầng trong đó.

Điều đó có nghĩa, khi quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, những dự án đô thị nằm trong khu vực này có nguy cơ “chết yểu”.

Những huyện ảnh hưởng nhiều là Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai (trong khu vực có dự án đường vành đai 4 chạy qua), với mỗi địa phương có hàng trăm dự án BĐS, chủ yếu là dự án nhà ở, khu đô thị. Trong số này, có thể kể đến những dự án có diện tích rất lớn lại nằm trong khu vực hành lang xanh và vành đai xanh.

Liên quan đến thông tin này, trả lời báo chí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã khẳng định: “Những dự án vướng vành đai xanh chắc chăn sẽ phải xử lý. Các dự án đó đã được rà soát lại, xem xét để xắp xếp, dự án nào được tiếp tục, dự án nào không tiếp tục. Sau khi cho phép triển khai tiếp tục, bước thứ 2 là rà soát chi tiết cụ thể hơn để làm sao khớp kết nối với nhau về mặt hạ tầng, không gian kiến trúc, không gian xanh…”.

Năm 2009, khi bản dự thảo Quy hoạch được công bố và tổ chức triển lãm tại Triển lãm Vân Hồ để lấy ý kiến người dân, hàng chục nghìn người đã kéo về để xem và xuống tiền “ôm đất” theo quy hoạch.

Ngay sau đó, cơn sốt đất tại Ba Vì, Lương Sơn, Quốc Oai… đã làm cho không ít người đầu tư cả gia tài để mong được ở gần Trung tâm hành chính tương lai để rồi lâm vào cảnh méo mặt vì không bán lại đựơc cho ai.

Đến thời điểm này, khi hàng trăm dự án bất động sản có nguy cơ phải hủy bỏ vì vướng vành đai xanh, hành lang xanh, một lần nữa, hàng chục nghìn người dân đã trót đóng tiền “góp vốn” vào các dự án sẽ méo mặt vì không biết số phận đồng tiền của mình sẽ đi đâu, về đâu?

  • Thu Lý