Mối lo tin tặc Trung Quốc

SGGP Online
Thứ tư, 27/07/2011, 01:03 (GMT+7)

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa có kết luận vụ tấn công vào hệ thống máy tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 6 là do tin tặc ở Trung Quốc thực hiện. Thông tin này tiếp nối chuỗi thông tin nóng bỏng về các vụ tấn công an ninh mạng toàn cầu xảy ra dồn dập những ngày qua.

  • Thời của... tin tặc

Vụ tấn công vào hệ thống máy tính của IMF làm hàng loạt email và các tài liệu khác của IMF “bốc hơi”. Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu kẻ xấu lợi dụng thông tin về điều kiện tài chính của 187 quốc gia thành viên để gây ảnh hưởng đến giao dịch tiền tệ, cổ phiếu và các công cụ tài chính khác trên thị trường toàn cầu. Những tài liệu bị đánh cắp còn bao gồm các thông tin nhạy cảm liên quan nhiều quốc gia đang khốn đốn với nợ công như Hy Lạp, Bồ Đào Nha... IMF phải tạm ngừng mọi liên hệ điện tử với Ngân hàng Thế giới (WB) để bảo đảm an toàn.

Tin tặc chuyên nghiệp được ví như “nấm mọc sau mưa”, ngày càng tinh vi.

Mới nhất là vụ tấn công vào Cơ quan chuyên trách về bảo vệ cơ sở hạ tầng mạng của Ý (CNAIPIC). 8GB tài liệu bị đánh cắp gồm tin về các cơ quan chính phủ như Bộ Quốc phòng Australia và Bộ Nông nghiệp Mỹ cùng dữ liệu của nhiều công ty, cá nhân bị phát tán rộng rãi.

Mỹ, một trong những cường quốc về công nghệ thông tin cũng không thể thoát được tin tặc. Giữa tháng 7, Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng một chính phủ nước ngoài đã tiếp cận được 24.000 hồ sơ mật trong một cuộc tấn công mạng tháng 3 vừa qua.

  • Áp lực đè nặng giới lãnh đạo

Người phát ngôn IMF cho rằng, kết luận của FBI gây áp lực lên tân Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, vì đã bổ nhiệm Chu Dân, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc làm Phó Giám đốc Điều hành IMF. Quyết định bổ nhiệm này được cho là sự trả ơn của bà Christine Lagarde vì đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Theo Financial Times, kinh nghiệm cho thấy, vụ tấn công này nhiều khả năng được giải quyết bằng con đường ngoại giao thay vì thông qua tòa án.

Các vụ tấn công riêng lẻ vào hệ thống mạng của Chính phủ Mỹ từ đầu năm đến nay (trong đó có vụ tin tặc ở Tế Nam, Trung Quốc tấn công tài khoản gmail của các quan chức cao cấp, nhà báo và sĩ quan quân đội Mỹ cùng các quan chức ở các nước châu Á khác, phần lớn ở Hàn Quốc do Google cáo buộc) dẫn đến việc ông Randy Vickers, người đứng đầu Cơ quan sẵn sàng ứng phó với tình trạng khẩn cấp máy tính của Mỹ từ chức ngày 22-7.

Truyền thông Mỹ có hàng loạt bài viết chỉ trích cơ quan này. Tờ Bloomberg dẫn lời các lãnh đạo của Ủy ban Thượng viện về quân sự chỉ trích Bộ Quốc phòng Mỹ lỡ hẹn với Quốc hội trong việc đưa ra báo cáo về kế hoạch thiết lập hệ thống tường lửa và điều này đang làm tổn thương nước Mỹ.

  • Trung Quốc có đơn vị tấn công mạng?

Tin tặc có ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, tin tặc Trung Quốc là mối lo ngại đặc biệt của nhiều nước. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa thành lập một đội chuyên gia nhằm tăng cường khả năng bảo vệ an ninh mạng của nước này.

Theo Sydney Morning Herald, các cơ quan tình báo và chuyên gia mạng có nhiều lý do tin rằng nhiều cuộc tấn công được thực hiện bởi các tin tặc thuộc PLA, Bộ Công an hoặc tin tặc có liên quan tới giới chức tình báo Trung Quốc.

Trong bài phân tích đăng trên Infosec Island (trang thông tin dành cho những cá nhân quan tâm đến bảo mật thông tin) hồi tháng 5 vừa qua, nhà phân tích tình báo Anh Glenmore Trenear-Harvey dẫn lời nhiều chuyên gia tình báo quốc tế khẳng định việc Trung Quốc có hẳn một đơn vị tấn công mạng hoạt động ít nhất 5 năm nay.

Theo bài viết này, tin tặc Trung Quốc không chỉ có nhiệm vụ thâm nhập hệ thống kinh tế phương Tây mà còn có mặt ở các nền kinh tế mới nổi, những khu vực đang có xung đột chính trị và khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc phủ nhận tất cả thông tin trên.

NHƯ QUỲNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét