Triều Tiên yêu cầu Mỹ ký hiệp ước hoà bình

Thế giới - Dân trí:
Thứ Sáu, 29/07/2011 - 06:25

(Dân trí) - Triều Tiên đã yêu cầu ký hiệp ước hòa bình với Mỹ để chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên, khi các nhà ngoại giao cao cấp Triều Tiên đến New York để thảo luận về phương cách nối lại đàm phán 6 bên - báo chí Mỹ hôm qua đưa tin.


Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-Gwan đến Mỹ từ hôm 26/7.

Trước đó, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA trong dịp kỷ niệm 58 năm đình chiến chiến cuộc Triều Tiên (1950-1953) nói rằng “một hiệp ước hòa bình có thể giải quyết bế tắt hiện nay về đàm phán 6 bên vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”.

Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc từ lâu, nhưng về mặt kỹ thuật, hai miền vẫn có chiến tranh vì chỉ mới ký hiệp định đình chiến, chưa ký hiệp ước hòa bình chính thức.

Sau hiệp ước đình chiến năm 1953, cho đến nay, Mỹ vẫn triển khi 28.500 quân tại Hàn Quốc. Triều Tiên vẫn tuyên bố vũ khí hạt nhân mà họ phát triển chính là để chống lại số quân Mỹ này.

Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã mời Thứ Trưởng Ngoại Giao Triều Tiên Kim Kye Gwan đến thăm New York cuối tuần qua, khi các nhà ngoại giao Nam - Bắc Triều Tiên gặp nhau bên lề hội nghị cảu khối ASEAN ở Bali.

Tuyên bố khi đến New York, ông Kim bày tỏ hy vọng “viễn cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ được nối lại và mối liên hệ Triều Tiên-Mỹ sẽ được cải thiện. “Đây là thời điểm để hai quốc gia xích lại gần nhau hơn”, ông nói.

Theo Nhà Trắng, chương trình buổi gặp gỡ của hai bên không ngoài việc tìm phương cách cải thiện quan hệ song phương và thúc đẩy trở lại vòng đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Washington cho biết là đang tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il thực sự muốn hoà bình.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner nói Mỹ “đang chờ đợi một dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ là Bình Nhưỡng thật sự muốn tiến tới”. “Mỹ sẽ theo dõi xem Bình Nhưỡng có tôn trọng trở lại thoả thuận năm 2005 đưa ra trong cuộc đàm phán 6 bên, cũng như có những bước tiến cụ thể không thể đảo ngược trong việc phi hạt nhân hoá hay không”.

Hà Khoa
Theo Reuters, AFP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét