Chuyện về những liệt sĩ 'sống lại'

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :4:30 PM, 27/07/2011
(ĐVO) Sau 30 - 40 năm mang danh liệt sĩ, bỗng nhiên họ trở về trong sự ngạc nhiên của người nhà, làng xóm. Tuy nhiên, cuộc sống hiện tại của họ gặp rất nhiều khó khăn với những di chứng của chiến tranh.

Hành trình từ cõi chết trở về

Giữa tháng 5 vừa qua, ông Phạm Tuấn Hanh, xã Kim Tân, huyện Kim Thành (Hải Dương) trở về nhà sau 43 năm đi chiến đấu và sau 38 năm được công nhận là liệt sĩ trước sự sững sờ của người nhà, bà con hàng xóm.

Ông Phạm Tuấn Hanh
Sau 38 năm bà Phạm Thị Bình (em gái ông Hanh) ôm ảnh của anh trai đi tìm mộ nhưng đều vô vọng. Nhưng sau đó, bà được báo mộng ông Hanh còn sống, bà lại quyết tâm đi tìm và đã tìm được anh trai tại Lâm Đồng, rồi đón ông về nhà.

Cuộc chiến tranh tàn khốc tuy không lấy đi sinh mạng nhưng đã lấy đi của ông Hanh trí nhớ khiến ông không thể tìm được đường về quê suốt 38 năm, thậm chí không nhận ra người thân khi hội ngộ. Chỉ đến khi, được sống trong tình yêu thương thật sự của gia đình, ông mới dần phục hồi một phần trí nhớ.

Đôi lúc nhớ ra, ông Hanh kể lại rằng: trong một trận càn ác liệt của địch, ông bị sức ép của bom, đã may mắn được một già làng người dân tộc đưa về nhà chăm sóc chữa bệnh. Ông Hanh giữ được mạng sống nhưng hoàn toàn không nhớ gì về bản thân và gia đình. Người đàn ông dân tộc nuôi dưỡng ông Hanh được 4 năm thì qua đời do một cơn bạo bệnh, từ đó ông Hanh lang thang, làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi thân. Bà con trong xóm rẫy thương tình cho ông ngủ nhờ rồi sinh sống cho qua ngày.

Tương tự, vào một ngày đầu tháng 7/2010, liệt sĩ Ngô Văn Bính cùng vợ con đã trở về nhà bố mẹ (xóm 1, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đúng lúc gia đình đang chuẩn bị làm giỗ lần thứ 29 cho ông.

Tháng 10/1977, ông Bính nhập ngũ khi vừa 21 tuổi và sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đầu năm 1981, gia đình nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về báo tin ông Bính đã mất tích trong trận chiến đấu với tàn quân Pol Pot ngày 21/2/1981. Ông Bính được công nhận là liệt sĩ.

Giải thích về việc mất tích gần 30 năm, ông Bính cho biết, đầu năm 1981, sau một trận đánh tại Campuchia, khi tỉnh dậy thì thấy mình bị thương, đồng đội khi ấy đã rút đi, ông phải tự tìm đường về Việt Nam.

Ông Ngô Văn Bính

Gần một tuần lễ lê lết trong rừng, ông đã ngất xỉu khi về đến biên giới Việt Nam và được một người đàn ông người dân tộc ở miền núi An Giang phát hiện, cõng về nhà chạy chữa vết thương. Ông nhận người đã cứu mạng làm cha nuôi, sau đó cưới một cô gái trong vùng làm vợ.

Cũng theo ông Bính, sau khi thoát chết, nhiều lần anh cũng nghĩ đến việc tìm về gia đình nhưng một phần do nghèo đói, phần khác sợ dân làng hiểu lầm là đảo ngũ nên không quyết tâm về quê sớm. Cũng đã mấy lần anh gửi thư nhưng thất lạc nên người nhà không nhận được.

Giữa tháng 8/2006, sự "sống lại" và trở về nhà của liệt sĩ Lê Văn Róc cũng đã làm xôn xao khắp xã Hồng Thái Tây (Đông Triều, Quảng Ninh) hàng tháng.

Tháng 7/1967, ông Róc tình nguyện xin nhập ngũ, khi đó ông mới 21 tuổi và đổi tên là Lê Văn Bắc. Năm 1973, trong một trận chống càn, ông đã bị một mảnh đạn pháo găm vào đầu và mê man. Lúc tỉnh dậy, ông chỉ thấy những người dân Campuchia. Họ bảo rằng sau trận đánh, thấy ông nằm thoi thóp nên họ đã đưa ông về một bệnh viện nhỏ ở tỉnh Cà Tum (Campuchia). Người ta gắp mảnh đạn ở đầu ra cho ông, rồi điều trị trong ba tháng.

Ông Lê Văn Róc

Chưa kịp bình phục, ông lại bị lính của Lon-non bắt giữ và đưa về nhà tù ở Kông-pông-chàm. Ông bị đánh thừa sống thiếu chết và bị giam tới cuối năm 1974, khi nghe tin quân giải phóng sắp tiến vào Sài Gòn, người nào đó đã mở cửa nhà tù và thả cho mọi người ra.

Ông Róc lúc này dở sống dở chết, được ai đó đặt nằm trên một cây bông goòng to cỡ người ôm, rồi thả cho xuôi dòng Mêkông để về đất Việt. Ông cứ nằm thế, lênh đênh 3 ngày đêm không ăn, chỉ uống nước sông. Đến khi cây mắc vào một chân cầu (vẫn thuộc đất Campuchia), ông được người dân đưa lên bờ, cho ăn uống và chăm sóc 20 ngày trời.

Rồi họ đưa ông ra xe đò, bảo ông đi theo lộ 11 về huyện Cỏ Thum (Campuchia), rồi về huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ở đây, một bà tên Sáu nghe chuyện của ông, thương tình vì con trai bà cũng là liệt sĩ, đã nuôi dưỡng ông và rồi gả con gái cho ông.

Lúc đó, ông có vài lần viết thư về cho một người quen làm việc ở huyện Đông Triều để liên lạc với người nhà nhưng đều thất lạc. Đến tận tháng 8/2006, ông quyết định thu xếp tìm đường về quê.

Đối mặt với cuộc sống khó khăn

Tuy thoát khỏi cái chết, nhưng hầu hết những “liệt sĩ” này đều mang trên mình di chứng chiến tranh và cuộc sống nghèo nàn, khốn khổ, không một giấy tờ tùy thân.

Sự trở về của liệt sĩ Phạm Tuấn Hanh khiến người nhà vui sướng khôn siết nhưng cũng không không khỏi đau đớn, xót xa trước bộ dạng đói rách, lúc nhớ lúc quên của ông.

Được biết, sau khi sống sót từ một trận càn ác liệt của địch, ông Hanh bị tổn thương trí nhớ và phải làm thuê kiếm sống, cuộc sống vô cùng vất vả, nghèo đói.

Đây cũng là hoàn cảnh của "liệt sĩ" Ngô Văn Bính và là một phần nguyên nhân khiến anh không thể trở lại quê hương ngay sau khi thoát chết.

Anh Bính cho biết đang sống ở xã Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Gia đình anh sống chủ yếu bằng nghề đi mót lúa, cuộc sống vất vả nên cả ba con của anh không ai được học hết cấp 2 mà phải bỏ học sớm

“Tôi cứ nghĩ sẽ làm việc gom góp khi nào kiếm đủ mươi mười lăm triệu đồng thì mới đưa cả gia đình về quê. Nhưng hàng chục năm trời, số tiền đó có khi nào góp được đâu, mãi đến năm nay gom được 3 triệu đồng và vay thêm hàng xóm được mấy triệu nữa mới dám đi về quê", anh Bính giải thích nguyên nhân khiến anh đến bây giờ mới trở về quê.

Tương tự, cuộc sống hiện tại của của liệt sĩ Lê Văn Róc ở An Giang hết sức khổ cực, khó khăn. Hai vợ chồng ông làm nghề chài lưới, đặt đó đánh cá, đem bán kiếm tiền sống qua ngày. Nhà không có, chỉ có một cái chòi tạm mái lợp bằng tôn, cây tràm làm cột. Các con đông, nhưng không đứa nào được đi học vì tiền ăn còn chẳng đủ. Gia tài có giá trị duy nhất là chiếc ghe nhỏ để đi đánh cá.

Cuộc sống nghèo túng khiến ông nhiều lần nghĩ đến việc về quê mà không thể thực hiện được. Nhưng đến cuối năm 2006, khi trong đầu ông cứ vang lên ý nghĩ: Phải về nhà và ông quyết định đi vay nặng lãi được 1,5 triệu đồng để ra Bắc, tìm về quê.

Với hoàn cảnh hiện nay, những “liệt sĩ” này mong nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan, chính quyền địa phương để hạn chế những khó khăn hiện tại.

Hải An (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét