Tiếp những chuyện lạ quanh việc 23 người nguy kịch vì ăn thịt trăn

Xã hội - Dân trí:
Thứ Sáu, 29/10/2010 - 13:31

(Dân trí) - Khi thông tin về 23 người ăn thịt trăn bị mắc bệnh lạ được lan rộng, nhiều người có kinh nghiệm đi rừng khẳng định con trăn đó là con Nưa - một loài trăn cực độc. Cùng đó là sự xuất hiện của một thầy thuốc lạ với cách chữa cũng lạ không kém.
>> Hoang mang chuyện 23 người mắc bệnh lạ vì ăn thịt “trăn tinh”

“Trăn tinh” là một con Nưa?

Anh Phòng đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Binh đoàn 15
Anh Nguyễn Văn Phòng, 1 trong 23 người mắc bệnh lạ sau khi ăn thịt trăn, cho biết chính anh là người môi giới giúp anh Biên và anh Hà (trú tại huyện Chư Sê, Gia Lai, là dân đi rừng, hiện đã về quê ở Hà Tĩnh) bán con trăn cho ông Nguyễn Văn Thông.

Theo lời hai người bán trăn kể cho anh Phong thì trong một lần họ đi đốn gỗ vào giữa tháng 8, ở huyện Sa Thầy (Kon Tum), sau khi hạ được một cây gỗ lớn, họ thấy cây gỗ bị rỗng ruột; trong lòng cây có một con trăn lớn đang nằm cuộn tròn. Lúc đầu họ rất hoảng sợ nhưng sau thấy con trăn không phản ứng gì nên họ tìm cách bắt mang về bán.

Anh Phòng cho biết thêm, trong quá trình làm thịt trăn, cắt tiết ở phần đuôi được hơn nửa lít máu. Trong dạ dày trăn có đầu, xương ngực và bộ lông con khỉ mà trăn chưa tiêu hóa hết. Hôm đó anh Phòng ăn rất ít nhưng anh có uống rượu huyết trăn và mật trăn. “Mấy năm trước tôi đã từng ăn thịt trăn mà có sao đâu. Nhưng lần này quả thật căn bệnh rất kì lạ”, anh Phòng than.

Một người dân địa phương khá hiểu biết về rắn khẳng định con vật mà 23 người trên ăn phải chắc chắn là con Nưa. Độc Nưa rất nguy hiểm; để chữa được chỉ có cách chế bộ da Nưa làm thuốc giải độc. Hai người bắt được Nưa hôm đó đã gặp may vì khi đó con Nưa đã ăn quá no, nếu không chắc chắn đã bị Nưa tấn công mà chết.

Ông Lê Quốc Xuân (61 tuổi, trú xã Ia Nhin) cho biết ngày trẻ ông đã từng bắt được con Nưa. Con Nưa có hình dạng rất giống con trăn nhưng đầu Nưa thường sà dưới đất chứ không ngóc lên như trăn. Nưa có 2 sợi râu dài, trong đó có chất sệt sệt màu trắng giống như mủ cóc, rất độc. Nưa thường phun chất độc từ 2 chiếc râu này để giết con mồi và tự vệ.

Nưa thường trú trong bọng cây tại những vùng rừng ẩm ướt. Còn các loại trăn lại thường sống trong hốc đá hoặc đào hang trú ẩn. Tiết và mật trăn đều không độc nhưng tiết và mật Nưa lại tuyệt đối không được ăn. Ông Xuân cũng nghe nói da Nưa chế được thuốc giải độc nhưng không biết cụ thể.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Thông thì được biết bộ da con trăn hôm đó đã được cho vào nấu cao. Vậy là hy vọng thuốc giải không còn.

Hiện cả 23 bệnh nhân đều đang rất hoang mang khi cách đây gần một tháng, con chó nhà ông Thông sau khi ăn chút xương, thịt trăn thừa đã chết.

Xuất hiện thầy chữa bệnh bằng phương pháp lạ

Trong số 23 bệnh nhân đang nằm viện hoặc tự điều trị bằng nhiều phương thuốc khác nhau, hiện chỉ có anh Lê Trọng có phần hồi phục nhờ được một thầy thuốc chữa cho 3 ngày nay. Đáng nói là thuốc của thầy lại chỉ là... nước lã.

Nhận được điện thoại của anh Lê Trọng, chúng tôi lập tức đến nhà anh, gặp anh đang tươi tỉnh dắt con gái đi chơi quanh làng. Anh cho biết cách đây 3 ngày, khi anh đang lên cơn sốt, các bắp cơ đau nhức, không làm được gì thì có người đàn ông tìm đến nhà giúp anh chữa bệnh: “Ông ấy nói ông ấy không phải là thầy thuốc. Ông ấy chỉ chữa thử nghiệm cho tôi, nếu tôi khỏi ông ấy sẽ quay lại chữa tiếp cho những người còn lại. Ông ấy cũng không nói chuyện tiền bạc” - anh Trọng kể.
Anh Trọng đang được ông Hoan chữa bệnh bằng phương pháp lạ.

“Thuốc” chữa bệnh chỉ là một lít nước giếng. Ông thầy một nửa đun sôi, một nửa không đun, hòa lẫn vào nhau rồi đưa cho anh Trọng uống. Sau đó ông cầm hai tay anh đưa đi đưa lại. Theo lời anh Trọng, sau khi được chữa theo cách này, bệnh của anh đã giảm rõ rệt. Sang tới ngày thứ 3 thấy trong người khỏe nhiều. Đợt điều trị thứ hai, thuốc vẫn chỉ là nước lã nhưng lần này ông thầy cầm hai tay anh Trọng, hai bàn chân anh Trọng đặt lên hai bàn chân ông, mắt anh Trọng nhìn vào trán ông.

Trao đổi với chúng tôi, ông này cho biết mình là Quách Trọng Hoan (70 tuổi), ngụ tại thôn 4, xã Biển Hồ, TP Pleiku. Ông không phải thầy thuốc nhưng ông rất thích tìm hiểu về các bài thuốc dân gian trong sách vở. Ông cũng từng đi khắp núi rừng Tây Nguyên để tìm hiểu về các loài động vật, thú rừng ở đây nên khá am hiểu lĩnh vực này.

Về trường hợp của 23 người dân nói trên, ông khẳng định họ đã ăn phải con Nưa, một loại trăn cực độc. Cách chữa trị trên là bài thuốc dân gian ông đã tìm hiểu trên sách vở. Ông dùng nước để hạ sốt cho bệnh nhân, dùng năng lượng mà lâu nay ông thiền định để truyền cho người bệnh, thu năng lượng âm trong người họ sang cơ thể ông.

“Tôi không nhận mình là thầy thuốc, nhưng một vài ngày nữa nếu anh Trọng khỏi bệnh hoàn toàn, tôi sẽ quay lại chữa cho tất cả những người mang bệnh còn lại”, ông Hoan khẳng định.

Chúng tôi không dám khẳng định phương pháp chữa bệnh của ông Hoan đúng hay sai, chỉ biết nhìn mắt thường thấy anh Trọng khá khỏe mạnh. Trong khi đó vợ chồng ông Thông - bà Mai đang phải nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, trong tình trạng rất nguy kịch, tiểu ra máu, phải truyền thức ăn bằng đường dẫn. Những người khác đang chữa trị ở nhiều nơi nhưng hầu hết chưa thuyên giảm.

Thiên Thư

Hoảng loạn sau bữa tiệc thịt trăn

Thanh Nien Online:
29/10/2010 23:58

Sau bữa tiệc thịt trăn, 23 người dân ở xã Ia Nhin, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) bỗng dưng bị bệnh lạ: cứ mê mê tỉnh tỉnh, tay chân rũ ra không thể lên rẫy. Một không khí hoang mang đang bao trùm tại địa phương này.

Chuyện xảy ra cách đây non hai tháng, ông Nguyễn Văn Thông (48 tuổi) nghe có người rao bán một con trăn to, lập tức đến hỏi mua. Con trăn nặng 13,5 kg, dài khoảng 3m. Ông Thông đã mua con trăn này với giá 130 ngàn đồng/kg. Sau đó, ông Thông làm thịt trăn, lấy mật, tiết uống rượu, còn thịt được chế biến thành món nộm.

Nạn nhân bữa tiệc “hoành tráng”

Chiều 22.8, bữa tiệc thịt trăn tổ chức ngay tại nhà ông và có 23 người được mời tham dự. Sau tiệc 10 ngày, cả nhà ông Thông gồm 9 người đều có chung những triệu chứng như sốt cao, một số người lên cơn co giật, nhẹ thì nhức mỏi từ trong xương, không thể lê bước lên rẫy, ăn uống không nổi. Nhiều người bị các triệu chứng trên hành hạ như thế khoảng 5-6 ngày thì trở lại bình thường, sau đó khoảng 15 ngày triệu chứng trên lại xuất hiện như một chu trình tuần hoàn.

Thịt trăn được bày bán rất phổ biến ở một số địa phương như Cà Mau - Ảnh: G.B

Vợ chồng ông Thông được gia đình khẩn trương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 311 ở TP Pleiku (Gia Lai), rồi uống thuốc nam, và sau cùng là vào tận Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM điều trị cũng chưa biết bệnh gì. Những người dự tiệc còn lại cũng được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện 331 và Bệnh viện Quân y 211 nhưng bệnh vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm.


Ban đầu bệnh nhân Nguyễn Văn Thông được đưa vào khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc này ông có các biểu hiện yếu liệt tứ chi, tình trạng bệnh giống như bệnh nhân viêm đa cơ (do thuốc, do nhiễm trùng...). Nhưng không tìm ra nguyên nhân nên khoa Nội thần kinh chuyển ông xuống khoa Bệnh nhiệt đới để tiếp tục theo dõi, điều trị. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến cuối ngày hôm qua 29.10, bệnh nhân Thông vẫn còn trong tình trạng yếu các chi, và đang phải thở máy. Bệnh nhân được bác sĩ nghĩ đến trường hợp bị viêm rễ thần kinh, còn nguyên nhân vì sao viêm thì chưa xác định được.

Quanh chuyện này nhiều người địa phương thêu dệt rằng họ bị quỷ thần bắt vì ăn phải "Trăn Tinh". Tuy nhiên anh Khánh khẳng định con trăn này nhìn bình thường, chẳng có điểm gì khác lạ, chỉ có khi mổ bụng trăn thì thấy có con khỉ chưa tiêu hóa hết. 13 người ăn thịt trăn bị bệnh, do quá hoảng loạn, còn mời hai thầy cúng "cao tay ấn" tận Thanh Hóa vào cúng giải hạn (!?).

Có thể bị nhiễm bệnh giun xoắn

Sau khi nhận được thông tin về việc 23 người tại xã Ia Nhin đồng loạt đổ bệnh sau khi ăn thịt trăn dù đã điều trị nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không khỏi, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đã cử cán bộ đến tận nơi tìm hiểu, xác định nguyên nhân chính gây bệnh. Qua tìm hiểu bệnh lý lâm sàng của 3/23 người đã ăn thịt trăn, chi cục đã có kết luận sơ bộ: Nhiều khả năng họ đều mắc bệnh giun xoắn do nhiễm ký sinh trùng khi uống rượu tiết và mật của con trăn này.

Ngày 29.10, ông Đoàn Mạnh Thắng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Gia Lai cho biết thêm: “Nưa là loài bò sát thuộc họ trăn, thức ăn chính của loài này là thịt động vật còn sống, thịt các động vật này phần lớn bị nhiễm ấu trùng trong cơ thể, chủ yếu là giun xoắn. Khi nưa (trăn) ăn vào sẽ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt là trong máu và mật sẽ chứa nhiều ấu trùng của loài giun này và lây sang người nếu không thực hiện việc ăn chín, uống sôi. Nếu số người trên bị nhiễm loại giun này, chi phí khám chữa bệnh chỉ mất khoảng 1 triệu đồng/người. Hiện chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương để thông tin đến gia đình những bệnh nhân đã ăn thịt trăn hôm đó cần sớm đến Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, Bình Định (thuộc Bộ Y tế) xét nghiệm để có kết quả chính xác”.

Thịt trăn không hề độc

Theo lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Q.5, TP.HCM) thì bản thân trăn không độc cho sức khỏe. Trong y học cổ truyền, trong dân gian, hầu hết các bộ phận của trăn từ da, thịt, mỡ, xương đều được sử dụng để điều trị bệnh. Thường dùng nhất là cao trăn (được nấu từ thịt và xương trăn) để trị các bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi người, và còn cho dinh dưỡng cao. Da trăn dùng làm thuốc chữa phong ngứa. Còn mỡ trăn thì trị phỏng rất hay… Tương tự, lương y Vũ Quốc Trung (Hội viên Hội Đông y VN) cũng cho rằng: "Thịt trăn không hề độc; y học cổ truyền thường dùng cao trăn để chữa chứng đau nhức xương khớp".

Lương y Huỳnh Văn Quang cho rằng, việc một số người bị độc sau khi dùng thịt, mật trăn có thể xảy ra là do, trước đó con trăn vừa ăn một con vật nào đó, mà con vật này đã bị nhiễm bệnh. Một chi tiết khác theo lương y Huỳnh Văn Quang đó là: "Con trăn mà những người ở Gia Lai ăn khi mổ ra trong bụng có chứa con khỉ chưa tiêu hóa hết. Bản thân trăn rất khó bắt được khỉ nếu khỉ khỏe mạnh, lanh lợi, mà chỉ bắt được khi khỉ mắc bệnh nằm một chỗ. Bản thân khỉ bình thường cũng không độc, mà còn là vị thuốc dùng trong y học cổ truyền. Vì vậy, chỉ có thể con khỉ bị nhiễm bệnh, hoặc trăn đã ăn một con vật khác có bệnh trước đó".

Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, không nên dùng mật trăn hay mật một số động vật (mật sống) để uống tươi. Từ lâu y học cổ truyền đã nói đến tính độc của mật trăn tươi, biểu hiện ngộ độc sau uống là: đau bụng, co giật; nếu uống quá nhiều sẽ gây vàng da và đỏ mắt. Mật trăn nên sử dụng sau khi đã qua chế biến - cụ thể là sấy khô, tán bột, để dành dùng dần.

Ở một góc độ khác, lương y Phạm Như Tá (Hội viên Hội Đông y TP.HCM) cho rằng: "Thịt trăn có tính hơi hàn (lạnh), dùng thích hợp với phụ nữ gầy yếu, phụ nữ tuổi mãn kinh. Nhưng lại không hợp với nam giới. Bởi vì, theo lý giải của Đông y "thường sau khi ăn con mồi no nê, trăn nằm nghỉ tại chỗ đến mấy tháng, lúc này trăn có tính nhu, không cương, vì thế nếu nam giới dùng quá nhiều thịt trăn ở thời điểm này sẽ không mạnh về chuyện sinh lý".

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có trên 600 hộ nuôi trăn, với số lượng gần 20 ngàn con. Nhưng sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải việc người dân ăn thịt trăn bị bệnh lạ, thì sức mua thịt trăn tại chợ và các hộ nuôi bị chựng lại thấy rõ.

Cô Lê Hồng Nga, người bán thịt trăn ở chợ Cầu Cũ (phường 2, TP Cà Mau, Cà Mau) ngạc nhiên: "Tôi bán thịt trăn ở đây gần cả chục năm nay, đâu có ai đến phàn nàn ăn thịt trăn bị bệnh gì đâu. Mà hồi nào tới giờ cũng đâu có ai nói ăn thịt trăn bị bệnh. Mấy ngày nay, thịt trăn cả chợ này bán chậm, hôm nào cũng ế. Như hôm nay (29.10), sáng giờ tôi bán không được 10 kg. Trước đó, tôi bán một ngày gần cả trăm kg".

Anh Lữ Hoàng Nhứt, người có quầy bán thịt trăn cạnh cô Nga cũng cho rằng: "Tôi bán trăn đã hơn 5 năm, cũng chưa từng nghe ai ăn thịt trăn bị bệnh cả. Và cũng chưa từng bị ai mắng vốn là ăn thịt trăn bị bệnh, bị dị ứng chi hết". Còn chú Nguyễn Ngọc Cung, người nuôi trăn ở P.1, TP Cà Mau lo lắng: "Tôi nuôi trăn gần 20 năm và ăn không biết nhiêu con trăn, đâu thấy bị bệnh gì đâu. Thịt trăn là vị thuốc, có tính hàn thì có, chứ ăn bệnh thật tình tôi chưa nghe. Mấy ngày nay, nghe báo đài đưa tin ăn thịt trăn bị bệnh, mấy người thu mua trăn gọi điện thoại cho hay tháng này không ăn hàng nữa, chờ thực hư chuyện đó thế nào đã, bởi vậy hàng ở chợ không bán được. Tôi cũng mong các ngành chức năng sớm có kết luận về 23 người ăn thịt trăn bị bệnh lạ, để giải oan cho thịt trăn".

Thanh Tùng - Gia Bách

Thiên Trúc

Đàn chim câu mừng Đại lễ đang lâm nguy

Tin Nhanh - VietNamNet:
,

- Trong dịp Đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua (từ 1-10/10), hình ảnh 1.000 con bồ câu tung cánh trên bầu trời thu Hà Nội đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Thế nhưng, đàn chim hòa bình này đang bị chết dần chết mòn.

Sự có mặt của đàn chim 1.000 con bồ câu đã góp phần không nhỏ vào thành công của Đại lễ. Phần lễ của Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1/10) kết thúc bằng nghi thức thả 1.000 con bồ câu trên bầu trời hoà bình thật ấn tượng. Trong buổi lễ mít tinh chào mừng Đại lễ vào sáng 10/10, 1000 em thiếu nhi đã thả lên bầu trời quảng trường Ba Đình lịch sử 1000 quả bóng bay và chim bồ câu với ước nguyện đất nước hòa bình, phồn vinh, phát triển. Có thể nói, đàn chim 1.000 con bồ câu là điểm nhấn ấn tượng của Đại lễ.

Hàng nghìn con chim bồ câu được thả lên bầu trời trong ngày khai mạc Đại lễ. (Ảnh: Bee.net.vn)

Đại lễ kết thúc, đàn chim câu này được đưa về chăm sóc tại công viên Bách Thảo làm biểu tượng vườn chim hòa bình cho TP. Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đàn chim này đang chết dần chết mòn với những diễn biến vô cùng phức tạp.

Có mặt tại khu vực hồ Bách Thảo những ngày này, thay vì nhìn thấy đàn chim câu tung cánh chao lượn trắng trời là một quang cảnh vô cùng ảm đạm. Những con chim câu sã cánh, đầu nghiêng vẹo, đúng rúm ró, ủ rũ ở những gốc cây, có con đã chết từ bao giờ.

Chia sẻ trên báo Đất Việt, ông Phạm Tài Thu - người hàng ngày chăm sóc và huấn luyện đàn chim câu này - cho biết, số lượng các con chim bị ốm, chết ngày càng tăng lên và tình trạng ngày càng trầm trọng.

Theo ông Thu, sự thay đổi đột ngột của thời tiết miền Bắc trong những ngày qua khiến cho đàn chim không thích ứng kịp dẫn đến việc chim kém ăn, sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh…

Tuy nhiên, ông Thu cho rằng, nguyên nhân chính khiến đàn chim mắc bệnh đậu thứ nhất là do điều kiện sinh sống tại khu vực giữa hồ trong công viên Bách Thảo không được đảm bảo. Khu vực chuồng trại, sân chim không được chuẩn bị từ trước, đến ngày chim được mang đến đây thì mới vét bùn lên gò giữa hồ đắp ụ san bằng. Khi sân chưa kịp khô, mưa đến, bùn bẩn dễ bắn vào mắt, miệng chim gây nhiễm bệnh.

Thứ 2 là việc thiếu hệ thống nước sạch trong công viên cho chim uống. Dù ông Thu đã thuê một người xách nước sạch ở ngoài vào cho chim uống nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu của cả ngàn con, do vậy đàn chim buộc phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong hồ. Mà chim câu chỉ uống nước sạch thì mới khỏe mạnh. Chính điều này đã khiến nhiều con bị bệnh và lây lan sang các con khác, số lượng chim bị chết tăng nhanh.

Một nguyên nhân quan trọng khiến số lượng chim bị giảm là do chim câu mới mang ra Hà Nội nên chưa quen địa hình, dễ lạc không quay về được, thậm chí, trong ngày bế mạc thả chim câu vào 20h (ngày 10/10) lại có bắn pháo hoa nên cả 200 con chim câu thả hầu như mất hết.

Nguyên nhân nữa khiến đàn chim thường xuyên bị hao hụt là do bị bắt trộm. Ông Thu cho biết nhiều lần thấy người dân bắt trộm chim câu, nhưng vì có một mình và cả vườn Bách Thảo cũng chỉ có một bảo vệ chung nên bảo vệ không xuể.

Nghệ nhân Phạm Tài Thu và chú bồ câu trắng (Ảnh: Dân Việt)

Hiện ông Thu và các học trò đang cố gắng hết sức để cứu đàn chim. Biện pháp trước mắt là mỗi sáng nhỏ thuốc thường xuyên cho từng con.

TIN LIÊN QUAN
Theo ông Thu, để khôi phục đàn chim, cần phải bổ sung một số lượng chim câu khoảng 200 - 300 con nữa, số còn lại sẽ tự sinh sản; phải nhanh chóng hoàn thành việc thi công tại khu vực tổ chim, rồi dùng thuốc sát khuẩn khử trùng chuồng trại cẩn thận, có máng ăn, máng uống hợp lý, có nước máy cho chim uống...

Trước đó, những con chim này đều là những con chim khỏe mạnh, được tuyển lựa kỹ càng từ nhiều tỉnh, thành; do ông Phạm Tài Thu đích thân mang từ Đà Nẵng quê ông ra để phục vụ Đại lễ. Ông Thu là một trong những chuyên gia hiếm hoi của Việt Nam theo nghề huấn luyện chim.

Trước khi mang ra Hà Nội, ông Thu đã phải bỏ công huấn luyện đàn chim cả tháng ròng, chăm chút từ thức ăn, nước uống rồi chuẩn bị cả thuốc thang sao cho khi vận chuyển, chim không bị ốm, mệt…

Mong muốn của nghệ nhân Phạm Tài Thu là xây dựng nhiều vườn chim hoà bình trên khắp đất nước. Trước khi thực hiện dự án nuôi 1.000 con chim bồ câu trắng cho Hà Nội, ông cũng đã thực hiện nhiều dự án nuôi chim bồ câu ở các tỉnh, thành khác. Chia sẻ trên báo Dân Việt, ông Thu cho rằng: "Hà Nội là thành phố hoà bình vậy nên các công viên Bách Thảo, Thống Nhất, Thủ Lệ, Hoà Bình... đều nên có sự hiện diện của những cánh chim bồ câu trắng".

  • Thu An (Tổng hợp)

Bức tranh rùng rợn về cuộc chiến Iraq

Thanh Nien Online:
23/10/2010 23:06
Nhiều tù nhân tại Iraq bị ngược đãi tàn tệ - Ảnh: Army.mil
Những vụ tra tấn tù nhân, giết hại dân thường trong cuộc chiến Iraq đã được liệt kê từng chi tiết trên website WikiLeaks.

Gần 400.000 tài liệu quân sự tuyệt mật do website WikiLeaks tung ra tối 22.10 đã vẽ nên một bức tranh khủng khiếp bằng máu và sự thống khổ của người Iraq kể từ cuộc chiến lật đổ chính quyền Saddam Hussein năm 2003. Xuyên suốt những trang tài liệu này là những ghi chép về các vụ tra tấn tù nhân dã man hay giết hại dân thường do lực lượng an ninh Iraq và cả binh lính nước ngoài gây ra. Theo AFP, đây là vụ rò rỉ tài liệu quân sự mật lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Hồi tháng 7, WikiLeaks cũng đã tung ra khoảng 92.000 tài liệu mật về các chiến dịch của Mỹ tại Afghanistan.

Sau khi tiếp cận thông tin từ WikiLeaks, tờ Guardian viết: “Chính quyền Mỹ đã không điều tra hàng trăm báo cáo về những vụ ngược đãi, tra tấn, hãm hiếp và thậm chí giết người mà thủ phạm là binh lính và cảnh sát Iraq”. Trong một tài liệu, quân nhân Mỹ miêu tả cảnh 95 người bị bịt mắt và nhốt chung trong một căn phòng chật chội. Nhiều người mang dấu tích bị tra tấn, trong đó có dấu bỏng thuốc lá, vết bầm tím và vết thương hở. Hơn 10 tù nhân khác thiệt mạng vì bệnh tật trong vòng vài tuần. WikiLeaks cũng ghi nhận các nghi can bị tra tấn bằng gậy gộc, ống nước, dây cáp, dao... đến sốc điện, thậm chí có người còn bị móc mắt. Một số người phải tự nhận là khủng bố để được chuyển sang người Mỹ thẩm vấn.

Dù giới chức Mỹ và Anh khẳng định không có số liệu chính thức về số dân thường thiệt mạng, nhưng báo cáo của WikiLeaks cho thấy có đến 66.081 trường hợp tử vong ngoài các trận chiến trong số 109.000 người thiệt mạng từ năm 2003 đến nay. Đài truyền hình Al Jazeera dẫn lời Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, cho hay ông nắm các chứng cứ của khoảng 40 vụ sát hại thường dân vô cớ. Nhiều trường hợp người dân đã bị bắn hạ tại các chốt kiểm soát và lính Mỹ cũng như Anh cho nổ tung nhiều tòa nhà chỉ vì nghi có phần tử khủng bố trốn trên mái nhà.

Hôm qua, Washington và London đã chỉ trích mạnh mẽ hành động của WikiLeaks, cho rằng nó gây nguy hiểm cho binh sĩ nước ngoài tại Iraq và dân thường ở nước này. AFP dẫn lời phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Geoff Morrell nói các tài liệu trên “chỉ mô tả những sự kiện riêng lẻ và không phản ánh đủ toàn bộ bức tranh”. Trong khi đó, đại diện Bộ Nhân quyền Iraq tuyên bố “không có gì ngạc nhiên với những thông tin của WikiLeaks”. Theo bộ này, chính quyền Iraq đã nhiều lần báo cho Mỹ về những vụ giết hại dân thường. Đến nay vẫn chưa thể xác minh độ chân thực của các tài liệu trên vì WikiLeaks từ chối tiết lộ nguồn gốc của chúng. Hôm qua, điều tra viên chuyên về vấn đề tra tấn của LHQ Manfred Nowak nói đã đến lúc Mỹ nên điều tra tính chính xác của các báo cáo trên thay vì yêu cầu WikiLeaks xóa bỏ chúng. WikiLeaks là website thường gây tranh cãi bằng cách tiết lộ các thông tin mật của các quốc gia. Hôm qua, đại diện website này lại khiến chính quyền Mỹ “lên ruột” khi cho hay sẽ sớm tung thêm 15.000 hồ sơ mới về cuộc chiến ở Afghanistan.

Thụy Miên

Trẻ 4 tuổi suýt chết vì bị cô giáo nhốt trong thang máy

Xã hội - Dân trí:
Thứ Bẩy, 30/10/2010 - 11:23

Bé Lê Quang Vinh (4 tuổi) vì lười ăn mà bị cô giữ trẻ nhốt vào thang máy vận chuyển thức ăn. Trong quá trình thang di chuyển, cháu bị “đa chấn thương nặng, máu ướt đẫm từ đầu đến chân; đầu, mặt và toàn thân bầm dập, sưng húp; mắt trái bị lồi ra”...

Bị nhốt vì không ăn

Theo trình bày của chị Dư Thị Thanh Thúy, mẹ bé Lê Quang Vinh, ngày 17/9 vừa qua, bé Vinh bị cô Trần Thị Xuân Nữ (Nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, quận Tân Phú, TPHCM) ẵm bỏ vào thang máy vận chuyển thức ăn, đóng cửa và bấm cho thang di chuyển từ lầu hai xuống đất.

Theo chị Thúy thì thang máy chỉ có cửa ở nơi lấy đồ ra vào, mặt trước của thang giáp với bức tường tô xi măng nhám. Khi bị nhốt, bé kêu cứu, hai tay bám vào cửa, khi thang đi xuống thì người bé ma sát với vách tường. “Bé chấn thương quá nặng, máu ướt đẫm từ đầu đến chân; đầu, mặt và toàn thân bầm dập, sưng húp; mắt trái bị lồi ra”.

Sau khi được cấp cứu tại BV Phú Thọ, bé được chuyển sang BV Chợ Rẫy. Giấy chứng nhận thương tích của BV Chợ Rẫy xác định: Bé Vinh bị chấn thương đầu: sưng bầm thái dương trái, xuất huyết vùng cổ mặt; bầm tím mặt; hai mắt bị xuất huyết kết mạc, nề mi. Vết thương lóc da thái dương trái 15 cm, lộ sọ. Vết thương vùng chẩm khoảng 5 cm. CT sọ não thấy tụ khí mô mềm. Chấn thương ngực, bụng: Xây xát rộng trước ngực, cổ đến bụng. Sưng vùng vai trái. Vết thương nông ngực trái khoảng 3 cm. CT ngực, bụng thấy tổn thương dạng phế nang thùy dưới hai phổi, theo dõi dập phổi. X-quang phổi thấy gãy 1/3 giữa xương đòn trái. Ngoài ra còn nhiều vết thương ở tay và đùi.



Bé Vinh lúc điều trị tại BV Chợ Rẫy. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Lúc đầu, nhà trường và cô giáo đều nói là bé Vinh bị té ngã, đến ngày 22/9, cô Nữ mới thú thật là đã bỏ bé vào… thang máy vận chuyển thức ăn.

Hiện bé Vinh đã xuất viện nhưng tình trạng bệnh vẫn còn nặng, phía hông trái còn hai chỗ da chưa tái đắp được, bé cũng mới đi lại lững chững. Tinh thần bé đang hoảng loạn, không dám tiếp xúc với người ngoài. “Gia đình chúng tôi muốn nhà trường và cô giáo phải bồi hoàn những di chứng tổn hại về tinh thần và thể chất cho bé Vinh đến suốt đời” - chị Thúy bất bình nói.

Bà Vũ Thị Kim Dung, Trưởng nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, cho biết: Ngay khi sự việc xảy ra, sức khỏe của bé Vinh ảnh hưởng nghiêm trọng, bà đã đóng tiền viện phí 10 triệu đồng và đưa cho gia đình bé 40 triệu đồng để chữa trị. Phòng Giáo dục quận Tân Phú đã ra quyết định đình chỉ công tác cô giáo Nữ. Sự việc đã xảy ra quá nghiêm trọng, bé Vinh còn sống là rất may mắn. Thang máy vận chuyển bằng dây cáp, khi bé hoảng loạn, quơ tay, quơ chân kêu gào mà không bị nghiến đứt tay chân là rất may mắn!

Đình chỉ cô giáo và nhóm trẻ

Bà Dung cho biết thêm: Gia đình bé Vinh đã làm đơn gửi công an, VKSND quận Tân Phú yêu cầu khởi tố cô Nữ. Các cơ quan chức năng cũng đã dựng lại hiện trường và đang chờ giám định thương tật của bé Vinh.

Thang máy vận chuyển thức ăn mà bé Vinh bị nhốt vào gây thương tật nặng cho bé.

Trao đổi với PV vào chiều 21/10, bà Chung Bích Phượng, phụ trách mầm non Phòng Giáo dục quận Tân Phú, cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, phường đã xử phạt hành chính. Phường đang phối hợp với phòng giáo dục ra quyết định đình chỉ hoạt động nhóm trẻ này một thời gian. Ngày 30/10 sẽ họp phụ huynh lo chỗ học cho các cháu trong thời gian nhóm bị đình chỉ hoạt động. Phòng giáo dục yêu cầu nhóm trẻ tư thục Hoa Lan sửa chữa, nâng cấp cơ sở và cho giáo viên đi học bồi dưỡng nghiệp vụ để xem xét cấp phép cho hoạt động trở lại với hình thức trường tư thục mầm non do phòng giáo dục quản lý.

Hiện gia đình bé Vinh đang chờ kết quả giám định thương tật từ Trung tâm Giám định pháp y TPHCM gửi các cơ quan chức năng yêu cầu khởi tố cô giáo Nữ.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Đoàn Luật sư TPHCM, người hỗ trợ pháp lý cho gia đình bé Vinh:

Cần xử nghiêm để răn đe chung

Hành vi của cô giáo là rất đáng lên án, chỉ vì đứa bé biếng ăn mà hù dọa đưa vào thang máy gây thương tích là hành vi trái pháp luật, do đó cần phải xử lý nghiêm.

Cũng có thể là cô giáo nghĩ không hết hậu quả nhưng cô phải biết rằng khi bỏ đứa bé vào thang máy thì cháu sẽ hoảng loạn như thế nào, chấn thương tâm lý của cháu kéo dài chứ không phải điều trị một ngày, một bữa là hết.

Hiện phải chờ kết luận của cơ quan chức năng mới có thể biết cô giáo có thể bị khởi tố hay không nhưng về kinh nghiệm nghề nghiệp thì vấn đề khởi tố là chắc chắn, bởi thương tích của bé là quá trầm trọng mà cháu bé sống được đã là may mắn.

Lâu nay ở TPHCM và một số tỉnh, thành khác đã xảy ra sự việc tương tự, cô giáo phạt học sinh gây thương tích, hoảng loạn tinh thần. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng được bảo vệ. Cần xử lý để có tác dụng răn đe phòng ngừa chung. Qua đây cũng cần lưu ý những cô giáo dạy trẻ là cần có kiến thức về tâm sinh lý trẻ em, có phương pháp sư phạm để giáo dục trẻ tốt hơn.

Theo Duy Tính - Quốc Việt

Pháp luật TPHCM

Thế kẹt của Paris

30/10/2010 08:09

(HNM) - Đà phục hồi kinh tế mong manh của nước Pháp đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng biểu tình và đình công triền miên, làm tê liệt nhiều ngành sản xuất, bao gồm cả những ngành công nghiệp mũi nhọn.

Hoạt động của ngành đường sắt ở Pháp bị đình trệ do các cuộc đình công.

Căng thẳng càng có chiều hướng gia tăng sau khi Quốc hội chính thức thông qua phiên bản cuối cùng của Dự luật Cải cách chế độ hưu trí với 336 phiếu thuận, 223 phiếu chống vào tối 27-7 (giờ Việt Nam). Đây được coi là một thắng lợi trong “dự án hiện đại hóa nước Pháp” của Tổng thống Nicolas Sarkozy - một đòn bẩy cho chiến lược tái tranh cử năm 2012 tới. Về khía cạnh kinh tế, cuộc cải cách này là chìa khóa quan trọng giúp quốc gia hình lục lăng đạt được mục đích dành ra 100 tỷ euro để lấp vào “lỗ thủng” ngân sách lên tới 8,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP), đồng thời, giảm nhẹ gánh nợ công lên tới gần 1.500 tỷ euro, tương đương với hơn 82% GDP. Như vậy, mỗi người dân Pháp đang phải “cõng” trên lưng một khoản nợ chừng 25.000 euro.

Tuy nhiên, diễn biến tại đất nước hơn 62 triệu dân này những ngày qua đang có nguy cơ làm chệch hướng mọi mục tiêu của Tổng thống N. Sarkozy và khiến lộ trình trở thành chủ nhân Điện Elisée thêm một nhiệm kỳ nữa của ông trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất đăng trên tờ Journal du Dimanche cho thấy số người ủng hộ “công dân số 1” nước Pháp chỉ còn 29% - mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống N.Sarkozy nhậm chức năm 2007. Đây cũng là mức ủng hộ thấp nhất dành cho một Tổng thống Pháp trong nhiều thập kỷ qua.

Trong khi đó, làn sóng đình công và biểu tình của người lao động nhằm chống lại dự luật gây tranh cãi trên đã làm nước Pháp tiêu tốn khoảng từ 200 triệu đến 400 triệu euro mỗi ngày và tổng số tiền thiệt hại trong vòng hơn một tháng qua ước tính từ 2,15 tỷ đến 5 tỷ USD - cái giá khá đắt cho một cuộc cải cách. Đó là còn chưa kể đến những cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình được phát sóng trên toàn thế giới đang dần hủy hoại hình ảnh tốt đẹp trước đây của nước Pháp với Paris hoa lệ.

Không dừng lại ở đó, ngày 28-10, khi 8/12 nhà máy lọc dầu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đình công, nhiều chuyến bay chưa được nối lại, hàng chục nghìn tấn rác vẫn còn tràn ngập khắp các đường phố ở Marseilles, các nghiệp đoàn lại tiếp tục kêu gọi lực lượng lao động tham gia đình công, biểu tình trong ngày hành động lần thứ bảy kể từ đầu tháng 9 đến nay. Theo con số thống kê của các tổ chức công đoàn, khoảng 2 triệu người đã “xuống đường” lần này. Các hãng hàng không phải hủy 30-50% chuyến bay và hoạt động của nhiều ga tàu hỏa tiếp tục bị gián đoạn. Các đợt phản kháng mới sẽ kéo dài đến giữa tháng 11 - thời điểm dự luật được Tổng thống Nicolas Sarkozy chính thức ký ban hành.

Nhìn chung, những gì đang diễn ra tại Pháp hiện nay không khác mấy so với các cuộc đình công năm 1995 nhằm phản đối những chính sách cải tổ hệ thống phúc lợi nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 5% GDP xuống 3%. Khi đó, đình công cũng làm nước Pháp gần như tê liệt, gây tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Cuối cùng sức ép từ đường phố cũng đã buộc chính phủ nhượng bộ.

Với người Pháp, những cuộc đình công và biểu tình không đơn thuần là việc đòi quyền lợi hay cản trở quy định nghỉ hưu muộn hơn hai năm. Nói cách khác, người Pháp không phải lười biếng hay phi logic. Người biểu tình xem đề xuất cải cách chế độ hưu trí của chính phủ như một cái ngưỡng, nếu bị vượt qua sẽ xói mòn “niềm tự hào” của đất nước trong suốt 150 năm qua. Chính vì vậy, ngay cả khi kế hoạch cải cách hưu trí đã thành luật, làn sóng biểu tình chưa chắc đã dừng lại. Xem ra, Tổng thống N.Sarkozy khó lòng “tiến lên phía trước” với một chính sách mà số người phản đối chiếm tới 3/4 dân số. Thế nhưng, nếu không thực hiện chính sách này, Paris cũng “khó ăn khó nói” với EU khi tốc độ thâm thủng ngân sách ngày càng phi mã.

Quỳnh Chi

"Thú tội" của tài xế xe khách bị lũ cuốn

Tin Nhanh - VietNamNet:
,

- Hối hận, dằn vặt và cả những giọt nước mắt muộn mằn nhỏ xuống đau đớn, người tài xế điều khiển xe khách bị lũ cuốn đã kể lại tai nạn thảm khốc xảy ra sáng 18/10 khiến 20 người thiệt mạng.

Nước mắt và nước mắt... Tài xế Trần Văn Trường (35 tuổi, trú tại xã Hải Cường, Hải Hậu, Nam Định) - người điều khiển xe khách bị lũ cuốn - dù có khóc bao nhiêu cũng không đủ trước số phận của 20 con người không thể trở về.

Mô tả ảnh.
Hàng nghìn người bên bờ sông Lam theo dõi trục vớt xe khách ngày 21/10.
(Ảnh: VietNamNet)

Lời "thú tội" muộn màng

Trên báo PL&CS, trong dằn vặt và hối hận, tài xế Trần Văn Trường đã thú nhận, giá như anh lường được hiểm họa phía trước thì đã không xảy ra tấn thảm kịch đau lòng.

Lúc đó, vào khoảng 4h30 phút sáng ngày 18/10, nước lũ ngập mênh mông trên QL1 đoạn qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Chiếc xe khách mang biển kiểm soát 48K - 5868 chạy từ Đắk Nông về Nam Định khi qua địa phận xã Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã gặp nạn khiến 20/37 hành khách thiệt mạng.

Tài xế Trường - người điều khiển xe khách lúc đó kể lại, tài xế chính của xe khách là Đinh Văn Lương (đã tử nạn - PV), còn anh mới được nhận vào làm hợp đồng cho công ty nên chỉ đi theo phụ những lúc tài xế mệt. Trước đó, anh Lương đã lái một quãng đường dài từ Quảng Bình về Hà Tĩnh khá căng thẳng nên đã đổi lái cho Trường.

Trường kể lại, thời điểm để xảy ra tai nạn thương tâm, anh cũng chỉ mới cầm lái một quãng đường ngắn, khoảng 50km, từ thị trấn Voi (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhưng gần như cả đoạn đường đó đều ngập nước, có chỗ đến nửa thân xe.

"Lúc chỉ còn một quãng rất ngắn là đến đoạn đường khô ráo thì tai họa bất ngờ giáng xuống", Trường đau đớn nhớ lại.

Xe chạy đến đoạn qua xã Xuân Lam, nước ngập cả 2 hàng cọc tiêu bên đường, trời vừa mưa vừa tối, hành khách trên xe thì ngủ gà gật. Lúc xe đi vào đoạn ngập sâu nhất thì bất ngờ anh nhận thấy phía trước có vật cản lờ mờ chắn đường nên giảm phanh và đánh vô lăng sang bên trái để tránh.

Bị phanh đột ngột, lại lấn đường đúng chỗ nước ngập, xe va phải cọc tiêu nên chết máy, sóng lớn đánh vào thân xe khiến chiếc xe bị trôi tự do. Lúc này, nhà xe cũng như hành khách không xác định được là xe trôi hay đang đi trên đường vì trời quá tối, chỉ đến khi thấy chòng chành, chiếc xe nghiêng hẳn về một phía thì mọi người mới bắt đầu nhốn nháo.

Do xe ghế nằm cao cấp nên cửa lên xuống cũng không mở được, chiếc xe cứ thế bồng bềnh trên dòng nước dữ, trôi dần ra sông Lam.

Cũng trên tờ này, Trường kể lại, lúc xe trôi đến gần chân một trụ điện thuộc đường điện 500KV thì chủ xe phát hiện và hô đập kính để chui ra với mục đích bám vào cột điện này. Tuy nhiên, loại kính xe này quá chắc, trong xe lại không có búa phá nên rất lâu sau mới phá được ô kính cạnh tài xế Trường và một ô kính ở hàng ghế phía sau. Nhưng xe lại trôi khá xa cột điện và nước bắt đầu tràn vào.

Chiếc xe bắt đầu chìm. Tài xế Trần Văn Trường thoát ra từ ô cửa được phá vỡ và vật lộn giữa dòng nước dữ để tìm cách lên bờ, cùng một số người khác thoát nạn tìm đến hàng quán ven đường xin quần áo mặc...

Ai "gánh" trách nhiệm

Có mặt tại Hà Tĩnh khi nước lũ đang dâng cao vào thời điểm đó, PV VietNamNet đã quan sát và phản ánh, 2 chiếc xe (xe khách và 1 xe Innova - PV) trước khi đến chỗ gặp nạn sẽ phải đi qua 2 điểm Cầu Già và Hồng Lĩnh.

Trong những ngày lũ lụt tại miền Trung, VietNamNet đã cử các PV vào vùng lũ để cung cấp nhanh nhất đến độc giả những hình ảnh sống động, mà người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An phải hứng chịu.

Mời bạn đọc bấm vào đây để xem "Toàn cảnh Đại hồng thủy" mà những người dân miền Trung phải "oằn mình" chống đỡ.

Sau khi tai nạn xảy ra, ông Nguyễn Thanh Bảo, Trưởng Phòng CSGT Hà Tĩnh đã trả lời trên phương tiện truyền thông là, đêm 17/10, CSGT Hà Tĩnh đã cử 6 cán bộ túc trực tại chốt TX Hồng Lĩnh, đồng thời dùng một ô tô chắn ngang đường để ngăn xe, nhưng vẫn có khoảng 10 xe cố tình vượt qua, trong đó có xe bị nạn.

Khi trao đổi với VietNamNet, ông Bảo còn nói thêm, việc phân luồng, lập sào chặn là trách nhiệm của ngành giao thông đường bộ. Nhiệm vụ của CSGT là đảm bảo trật tự, hướng dẫn, phân luồng giao thông đã được cơ quan quản lý đường bộ chỉ ra.

Anh Lương Hữu Thành, người may mắn thoát chết trên chiếc xe khách đã hãi hùng kể lại với PV VietNamNet. Anh Thành cho biết, đang cùng con gái chưa tròn 2 tuổi trên đường về quê thăm bà ngoại ốm. Dù mưa to gió lớn, nhiều đoạn đường trên QL 1A bị ngập đến nửa mét, mặc cho các trạm ngăn xe trên đường nhưng chiếc xe khách vẫn lao đi trong đêm.

Khi xe đến xã Xuân Lam thì lũ trên đường đã tràn qua hơn nửa mét. Chiếc xe khách như vấp phải ổ gà, liên tục chồm lên. Nước bắn tung tóe che kín cả kính ngắm. Rồi dần dần tài xế bị mất lái, chiếc xe trôi dần ra biển nước. Nghe tiếng gào thét rồi đạp cửa thoát nạn của lái xe, anh Thành ôm đứa con và túi đồ lao qua cửa kính để kịp thoát trước khi xe và hàng chục người bị nước nhấn chìm.

Còn người đàn ông Trần Đăng Lực, 47 tuổi, quê Ninh Bình sau thời gian tha phương vào Tây Nguyên làm ăn nay trở về quê cùng con trai Trần Đăng Khoa (18 tuổi) và đứa cháu Nguyễn Thị Thùy (16 tuổi) cũng đau xót nhớ lại, nghe tiếng người lái xe hét thất thanh: Mọi người đập kính thoát ra ngoài, bám vào các cột điện. Xe bị lũ cuốn rồi.

Nhưng chỉ mình ông thoát nạn. Giờ đây, bên dòng sông Lam cuồn cuộn chảy, con và cháu ông vẫn nằm đâu đó mà "chưa tìm về".

Mới đây, cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam Trần Văn Trường về tội "vi phạm quy định điều khiển phương tiên giao thông gây hậu quả nghiêm trọng". Tâm sự trên tờ PL&CS, điều mà Trường trăn trở và đau đáu nhất là vợ con và bố mẹ già ở quê sẽ phải chịu sự phẫn nộ của dư luận, của gia đình nạn nhân gặp nạn. Mà trên chuyến xe đó, trong 20 người tử nạn thì 6 người là cùng quê anh.

Tài xế Trường sẽ bị trừng phạt trước pháp luật với những hành vi mà mình gây ra. Nhưng còn một bản án nữa Trường phải đối mặt, là bản án lương tâm sẽ ám ảnh anh đến cuối cuộc đời.

Báo VietNamNet cũng kêu gọi các nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân cùng chung tay cứu trợ đồng bào miền Trung trong cơn hoạn nạn. Nhiều chuyến hàng cứu trợ đã được chuyển vào từ 2 đầu Bắc, Nam của báo VietNamNet.

Hơn bao giờ hết, người dân miền Trung đang cần sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, để họ có thể vuợt qua cơn bĩ cực đầy thương đau này. Một gói mì, một bánh luơng khô…. chắc sẽ làm người dân nơi rốn lũ này cảm thấy ấm lòng hơn, vơi bớt nỗi buồn đau.

Mọi sự đóng góp, xin gửi về:

+ Chuyển khoản:
Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội

+ Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

+ Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:

Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: 04.37722729 - Fax: 04.39744882

Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3, TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: bandoc@vietnamnet.vn

  • Cẩm Anh (tổng hợp)

“Thầy đứng đắn thì không trò nào đưa tiền được”

Xã hội - Dân trí:
Thứ Bẩy, 30/10/2010 - 00:03

(Dân trí) - “Nguyên nhân trước hết là ở người thầy, bởi thầy đứng đắn, không học trò nào đưa tiền được… Người ta gọi nhà giáo là “thầy”, như bố mẹ học sinh. Bố mẹ nào lại ăn tiền của con?”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói về việc thầy nhận phong bì từ trò.
>> “Tôi chưa bao giờ nhận phong bì của sinh viên”
>> Khi số điểm được chấm bằng… “phong bì”!

GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có những trao đổi thẳng thắn về hiện tượng sinh viên “hối lộ” thầy trước mỗi môn thi với phóng viên Dân trí.

Thưa ông, báo Dân trí vừa đăng một số bài viết phản ảnh hiện tượng sinh viên “gom tiền" đưa thầy để được qua môn học. Ngay sau khi các bài báo được đăng, không ít độc giả đã phản ảnh các sự việc tương tự, trong khi nhiều độc giả khác bày tỏ sự bức xúc trước sự “mua - bán” trắng trợn này?

Theo tôi đó là hiện tượng có thật và đang ngày càng phổ biến. Lúc đầu có thể là “sáng kiến” của từng cá nhân, nhưng sau này với một số trường, một số bộ môn, một số giảng viên nhất định thì việc “chung chi” của sinh viên đã thành thông lệ.

Ngay từ thời gian tôi còn làm việc ở Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Phó Hiệu trưởng - PV), tôi cũng được một số anh em cho biết hiện tượng đó. Thế nhưng, phải nói thực, khi phát phiếu điều tra cho sinh viên với yêu cầu đơn giản đến mức chỉ cần đánh dấu vào cột “có” hoặc cột “không”, không cần ghi tên mà không ai dám đánh dấu nên mình không có cơ sở giải quyết.

Trong các kỳ thi sau đại học và tại chức cũng có những lần tôi được anh em giảng viên, giám thị tốt phản ảnh có chuyện này. Tôi cũng đã bắt được một vài trường hợp, trong đó có trường hợp mới nộp tiền, chưa đưa lên bàn giám thị. Phải đến khi tôi dọa hủy kết quả thi của những người trong danh sách nộp tiền nếu không nói thật, họ mới trả lại tiền cho nhau…

Như ông vừa nói, hiện tượng khá phổ biến và không ít sinh viên cũng nói rằng họ từng trải qua việc này, thế nhưng “tổng kết” lại thời gian qua, dường như quá hiếm các vụ việc được phát hiện, phanh phui?

Ở đây có thể có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân đúng với trường hợp này, có nguyên nhân đúng với trường hợp khác. Riêng ở khâu quản lý, tôi nghĩ nhẹ nhất là nguyên nhân quan liêu của những người quản lý, kế đến là nương nhẹ cho nhau và thứ ba, người quản lý cũng sai nên không dám xử lý cái sai của người khác.
GS Nguyễn Minh Thuyết: hiện tượng thầy nhận phong bì từ trò đang ngày càng phổ biến

Với sinh viên, có những em rất ấm ức nhưng họ sợ tố cáo thì không được bảo vệ. Nhiều sinh viên thấy việc làm đó cũng có lợi cho mình nên tảng lờ. Họ thấy mình không cần học một số môn nào đó mà vẫn qua được, nên tặc lưỡi cho qua.

Rất đáng nói khi không ít sinh viên đến từ các vùng quê nghèo, bố mẹ lam lũ, nhưng cũng “cắn răng” bám theo hình thức học tập thông qua phong bì?

Nếu ai không tham gia có thể bị các bạn cô lập, bị thiệt thòi trong đánh giá. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Nếu xét về hậu quả, “văn hóa” phong bì sẽ phá hủy rất nhiều giá trị của trường học, nơi được coi là luôn đề cao những điều tốt đẹp?

Giảng viên, giám thị nhận phong bì chắc chắn sẽ làm sai lệch kết quả đánh giá học tập của sinh viên. Thứ hai, sẽ làm cho những sinh viên này thấy không cần học. Thứ ba, sinh viên sẽ nhìn nhận về người thầy, về nhà trường rất xấu. Thứ tư, sau khi ra trường, những sinh viên này cũng sẽ hành xử như thế với người khác.

Ở đây anh mới nói riêng trường đại học, nhưng tôi cũng “tiết lộ” thêm, ở một số trường phổ thông đã có hiện tượng, để được làm giáo viên chủ nhiệm phải chi mấy triệu. Phải chi như thế chứng tỏ làm giáo viên chủ nhiệm có lợi và chắc chắn người ta phải móc túi ai đó để bù lại khoản tiền phải chi cho người khác.

Có thực trạng hiện nay là do lỗi từ phía học trò hay tại các thầy mất phẩm giá, hay do xã hội tác động?

Tôi nghĩ ba nguyên nhân anh nói đều đúng. Trước hết là ở người thầy, bởi người thầy đứng đắn thì không học trò nào đưa tiền được… Người ta gọi nhà giáo là “thầy”, như là bố mẹ học sinh. Bố mẹ nào lại ăn tiền của con?

Thứ hai là ở học trò. Có những học trò khôn ranh quá sớm, đem những tiêu cực của xã hội vào trong nhà trường và đi vận động các bạn nộp tiền để không phải học hành vẫn được qua môn học.

Nguyên nhân thứ ba là từ xã hội. Trong xã hội hiện nay, làm bất kỳ điều gì, cần bất kỳ điều gì ở những người có quyền, người ta đều cảm thấy hình như phải đưa tiền mới hợp "đạo lý". Điều này thành tâm lý chung của xã hội và đã ảnh hưởng đến cả lớp trẻ, hết sức nguy hiểm.

Chúng ta phải xử lý vấn đề “nguy hiểm” này như thế nào, thưa ông?

Giải quyết việc này rất khó. Trước hết, để giải quyết hiện tượng, tức giải quyết phần ngọn, phải kỷ luật thật nghiêm các trường hợp phát hiện được. Cụ thể, học trò tuỳ lỗi nặng nhẹ phải cảnh cáo, huỷ kết quả thi, đình chỉ học tập, thậm chí đuổi học ; còn với thầy, có thể đình chỉ giảng dạy, hạ lương, và nếu cần thì sa thải.

Xử lý nghiêm một vài trường hợp, tuyên truyền rộng rãi trong ngành, trên báo chí, mới chấm dứt được những trường hợp khác. Nếu tiếp tục chỉ dùng biện pháp kiên nhẫn giáo dục sẽ không ăn thua.

Thứ hai, giải quyết phần gốc sẽ khó hơn, tức phải giải quyết những chuyện tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Việc này đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)

Doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng giá 180.000 đồng/ha

Kinh doanh - Dân trí:
Thứ Sáu, 29/10/2010 - 21:38

Trong số các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng tại Việt Nam đã được phép đầu tư, chỉ riêng InnovGreen (Hồng Kông) đã thuê tới 274.848 ha, chiếm 87% diện tích đất thuê.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong nội dung báo cáo giám sát về tình hình thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường vừa gửi tới đại biểu Quốc hội.

Theo báo cáo giám sát, tính đến tháng 8/2010, tổng diện tích đất lâm nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để trồng rừng theo hình thức 100% vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 288.974 ha, và diện tích đất nhà đầu tư nước ngoài liên doanh liên kết với nhà đầu tư trong nước để trồng rừng là 21.657,51 ha.

Trong số các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng tại Việt Nam đã được phép đầu tư, chỉ riêng InnovGreen (Hồng Kông) đã thuê tới 274.848 ha, chiếm 87% diện tích đất thuê.

Nêu tiếp vấn đề này, báo cáo giám sát cho biết đã có 14 tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng và 5 tỉnh khác cấp giấy chứng nhận đầu tư chế biến lâm sản kết hợp trồng rừng quy mô nhỏ và các dự án có liên quan.

Đáng chú ý, “một số giấy chứng nhận đầu tư được cấp ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Ở một số địa phương có tình trạng giao đất trên giấy, nghĩa là diện tích đất rừng đã giao hộ gia đình quản lý cũng lại được giao cho nhà đầu tư nước ngoài thuê”.

Về giá cho thuê, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho biết, riêng Công ty InnovGreen, với 8.123 ha đã được cấp, đã nộp ngân sách 77.946 USD, giá thuê đất trồng rừng trung bình 9,58 USD/ha (tương đương 180.000 đồng/ha). Mức giá thuê này, theo Ủy ban, là quá thấp.

Trong khi đó, hiện nhu cầu được giao đất, giao rừng của hộ nông dân là rất lớn; các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây rừng, kỹ thuật canh tác cho năng suất trồng rừng cao; giá gỗ rừng tăng khoảng 4 lần so với trước đây, cho nên trên thực tế không đủ đất rừng giao đủ cho nhu cầu hộ gia đình.

Trước thực trạng trên, “cần xem xét việc giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài để việc giao đất, giao rừng đảm bảo quyền lợi của hộ gia đình, cá nhân tại địa phương và việc giao đất, giao rừng tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm an ninh quốc phòng”, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị.

Trước đó, bản báo cáo đề ngày 20/10/2010 của Chính phủ về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng cho biết, tính từ khi dự án trồng rừng đầu tiên được cấp phép vào năm 1995 đến ngày 10/8/2010, cả nước hiện có 8 dự án trồng rừng có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư (hoặc giấy chứng nhận đầu tư), với tổng vốn đầu tư là 286.090.000 USD.

Chính phủ cho biết, các dự án sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai nhưng chậm và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với quy mô diện tích đất dự kiến, đồng thời, tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước của cả 8 dự án trồng rừng có 100% vốn đầu tư nước ngoài là 24,65 tỷ đồng. Việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước là không đáng kể, chủ yếu là thuế môn bài và thuế thu nhập cá nhân.

Theo Nguyên Vũ
VnEconomy

Thử thành công siêu tên lửa đạn đạo của Nga

VnMedia: - Quốc tế -> Tin tức:
Cập nhật lúc 19h45" , ngày 29/10/2010

(VnMedia) - Bộ Quốc phòng Nga hôm nay (30/10) thông báo, nước này vừa phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Bulava.

Tên lửa Bulava được phóng đi từ chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Dmitry Donskoy ở Biển Trắng lúc khoảng 5h10 sáng nay theo giờ Moscow (tức khoảng 8h10 theo Hà Nội). Đầu đạn của tên lửa này đã bắn trúng mục tiêu ở khu thử Kura thuộc vùng Kamchatka, Viễn Đông Nga. Đây là vụ thử tên lửa Bulava thành công liên tiếp thứ hai của Nga trong vòng một tháng nay. Trước đó, hôm 7/10, Nga đã thực hiện một vụ thử thành công tên lửa này.

Tính từ năm 2004 đến nay, Nga đã tiến hành 14 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Bulava. 7 trong số những vụ thử này là thất bại. Kết quả này khiến nhiều quan chức dân sự và quân sự Nga hoài nghi về tương lai phát triển của tên lửa Bulava. Tuy nhiên, thành công liên tiếp của hai vụ thử mới nhất đã khiến hy vọng về tương lai phát triển của tên lửa Bulava lại được mở ra.

Không những thế, vụ thử tên lửa Bulava thành công ngày hôm nay đã chứng mình rằng những lần thất bại trước đó là do lỗi ở phần công nghệ lắp ráp, một nguồn tin từ ủy ban nhà nước phụ trách việc kiểm tra hệ thống sản xuất tên lửa cho hay

Tuy nhiên, kết luận cuối cùng về nguyên nhân những lần thử thất bại trước sẽ được đưa ra sau khi Nga tiến hành thêm một vụ thử tên lửa Bulava mới vào cuối năm nay

Quân đội Nga hy vọng tên lửa Bulava cùng với tên lửa đạn đạo Topol-M sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong bộ ba hạt nhân Nga.

Tên lửa Bulava (còn được gọi là SS-NX-30) là loại tên lửa đạn đạo 3 tầng được phóng từ tầu ngầm chạy bằng nhiên liệu rắn. Tên lửa có thể mang theo 10 đầu đạn MIRV với tầm bắn trên 8.000km này được thiết kế dành riêng cho các tàu ngầm hạt nhân lớp Borey mới của Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Chi phí “Đại lễ 1.000 năm” hết bao nhiêu tiền?

Thanh Nien Online :
29/10/2010 3:06
Đêm văn hóa nghệ thuật Thành phố rồng bay với hàng ngàn người tham gia - Ảnh: Ngọc Thắng
Số tiền chi cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cụ thể là bao nhiêu? Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra. PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về đại lễ, xung quanh vấn đề này.

* Dư luận đang có thông tin bên lề cho rằng tổng số kinh phí chi cho đại lễ lên tới 94.000 tỉ đồng, thực hư con số này thế nào, thưa ông?

- Con số 94.000 tỉ đồng chi cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được nói tới đây đó trong dư luận cũng như một số trang điện tử là con số hoàn toàn không có cơ sở và có thể nói là hết sức sai lệch. Tôi cũng không hiểu họ lấy con số này ở đâu. Để chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta triển khai rất nhiều hoạt động, nhưng không thể lấy con số chi phí cho các công trình xây dựng, công trình hạ tầng cơ sở để tính vào chi phí cho riêng đại lễ. Vì nếu không có đại lễ thì các công trình xây dựng phục vụ cho sự phát triển của thủ đô và của đất nước, phục vụ cho nhu cầu dân sinh chúng ta vẫn phải xây dựng (như các đại lộ lớn, cầu, đường, công trình văn hóa, trường học, bệnh viện...), và chúng ta làm trong dịp này là để tạo cái cột mốc đẹp là thời điểm 1.000 năm. Ngay cả các công trình chỉnh trang đô thị (như hạ ngầm các tuyến cáp điện, thông tin... hàng chục tuyến phố) cũng không thể tính gộp vào được và sau đại lễ, TP vẫn phải tiếp tục các công trình này. Nếu tính cả vào số kinh phí xây dựng đầu tư cho nhu cầu phát triển của thủ đô trong hiện tại và tương lai để nói rằng tiêu phí cho lễ hội thì đó là cách nói hoàn toàn không đúng.


“Đến thời điểm này, tôi cũng không đủ khả năng để ước lượng được tổng
số tiền ấy”
- Ông Hồ Quang Lợi

* Vậy con số kinh phí thực chi cho các hoạt động của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là bao nhiêu, thưa ông?

- Kinh phí tính vào đại lễ là số kinh phí trực tiếp chi cho hoạt động của các chương trình lễ hội mà chúng ta tổ chức trong 10 ngày. Tôi cho rằng, con số này tới thời điểm cuối tháng 10.2010 rất khó có thể tính đúng, tính đủ. Vì có những khoản chúng ta chi từ ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương và có nhiều công trình, dự án văn hóa - nghệ thuật được triển khai bằng nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân với hàng ngàn sản phẩm đặc biệt. Đấy là chưa kể tâm, sức của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ đã tạo ra các tác phẩm có giá trị tinh thần rất cao cũng không thể đong đo bằng tiền được.

* Có thể ước lượng tổng số tiền chi cho đại lễ là bao nhiêu và chúng ta đã thực sự tiết kiệm chưa, thưa ông?

- Đến thời điểm này, tôi cũng không đủ khả năng để ước lượng được tổng số tiền ấy. Bởi đến bây giờ cũng chưa có một báo cáo đầy đủ và chi tiết của các ngành, các cấp, các địa phương, các đơn vị, cá nhân, tập thể... về các việc đã làm cho đại lễ. Và chúng ta có thể khẳng định điều này, đại lễ cần phải tổ chức trang trọng ở mức cần thiết vì đây là niềm tự hào ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội và dân tộc VN trước bản thân chúng ta và trước thế giới nên cần phải có những khoản chi. Nhưng với tư cách là thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Trưởng tiểu ban Tuyên truyền quảng bá, giáo dục của đại lễ, tôi có thể nói rằng tất cả các hoạt động đều được tiến hành với tinh thần rất tiết kiệm và các cấp lãnh đạo đều cân nhắc, nếu không hiệu quả thì điều chỉnh và thậm chí cắt bỏ những chi phí không cần thiết. Như việc không dựng 5 cổng chào tiêu tốn 50 tỉ đồng, hoặc như lễ khai mạc dự định bắn chào mừng bằng 10 khẩu súng thần công cũng cắt bỏ vì tiền đúc súng khá tốn kém. Hoặc thay bằng việc phải mua (hoặc thuê) hàng chục khẩu pháo lễ (tốn hàng triệu USD) phục vụ cho ngày lễ chính 10.10 thì bên quân đội, trên tinh thần tiết kiệm đã có sáng kiến dùng pháo chiến đấu cải tiến bắn thay cho pháo lễ. Rồi việc cắt bỏ bắn pháo hoa ở 29 điểm để dành 5 tỉ đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Trung... Tất cả những việc ấy đều thể hiện tinh thần tiết kiệm cho đại lễ của chúng ta.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH: Cần công bố và giải thích rõ từng khoản chi

“Việc chi tiêu cho các hoạt động Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi cho rằng càng minh bạch càng tốt. Đây chẳng phải là bí mật quốc gia, nhất là dư luận lại quan tâm thì càng nên công bố và giải thích rõ từng khoản chi tiêu.

Nhưng theo tôi, cần phân biệt rõ giữa hai loại đầu tư chứ không nên đánh đồng làm một. Một là kinh phí cho các hoạt động lễ hội, tổ chức xong là... mất. Hai là kinh phí đầu tư xây dựng các công trình chào mừng đại lễ, sau đó là tài sản sử dụng lâu dài. Cũng phải tính toán, đầu tư đến đâu là vừa, kết thúc lễ hội thì phải tính toán xem mức đầu tư như vậy đạt hiệu quả đến đâu cả về mặt tinh thần lẫn mặt vật chất. Những công trình xây dựng để lại lâu dài cũng cần phân tích minh bạch về chất lượng công trình, về hiệu quả sử dụng như thế nào. Tôi cũng nghe có ý kiến cho rằng những công trình đầu tư cho giáo dục, y tế nhân dịp 1.000 năm Thăng Long hầu như không có, trong khi đó đây lại là vấn đề đang rất thiếu”.

GS Nguyễn Lân Dũng (ĐB QH tỉnh Đắk Lắk): Tôi đã chất vấn và chờ Bộ Tài chính trả lời

“Tôi đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính rằng: có thông tin cho rằng, dịp đại lễ vừa qua tốn kém tới 94.000 tỉ đồng, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chính thức rằng thông tin đó đúng hay sai. Nếu sai thì phải cải chính. Còn nếu đúng thì phải xem xét lại cách chi tiêu, vì như thế là lãng phí quá lớn. Điều thứ hai tôi chất vấn Bộ Tài chính là có thông tin nhân kỷ niệm đại lễ, ban chỉ đạo đã mua 2.000 viên ru-bi của châu Phi để lắp vào mắt 1.000 con rồng làm quà tặng cho các quan khách dự đại lễ. Vậy thông tin đó đúng hay sai, và nếu đó là doanh nghiệp làm để bán thì không nói làm gì nhưng nếu lấy kinh phí của Nhà nước làm việc đó thì không thể chấp nhận được. Những ai nhận được món quà đó?

Tôi cũng đã chất vấn trực tiếp lãnh đạo TP Hà Nội rằng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã thực sự để lại dấu ấn gì bởi vì sau đó tốn kém mà không thấy để lại được điều gì thực sự mang tính dấu ấn. Lãnh đạo TP Hà Nội đã trả lời tôi rằng: tất cả những công trình xây dựng trong vòng 10 năm nay đều là để kỷ niệm dịp 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, tôi lo ngại vì nhiều công trình làm vội, chất lượng ra sao? Tôi lấy ví dụ, hạ ngầm cáp quang làm rất gấp gáp, dù đường phố phong quang, đẹp hơn hẳn đấy nhưng tôi hỏi liệu nếu có trục trặc gì đó về dây cáp thì chúng ta có tìm được để xử lý hay không. Những công trình khác cũng vậy, làm nhanh như vậy có bền vững hay không....?”.

Phạm Thị Loan (ĐBQH TP Hà Nội): Tôi thấy nhiều việc chi tiêu lãng phí

“Tất cả mọi đồng ngân sách của Nhà nước đều phải công khai, việc chi phí cho một dịp lễ hội lớn như vậy càng cần phải công khai hết sức cụ thể, từng việc một để cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Tiền nào cũng là tiền của dân, kể cả doanh nghiệp góp vào thì cũng phải công khai tài chính. Tôi cũng chưa biết con số 94.000 tỉ mà dư luận phản ánh có chính xác hay không nhưng tôi có thể thấy nhiều việc chi tiêu rất lãng phí.

Tôi cho rằng phải kiểm tra cụ thể chất lượng của từng công trình một chứ không “vơ đũa cả nắm” rằng tất cả các công trình đều làm nhanh, làm ẩu. Tuy nhiên, suy luận một cách khoa học thì những công trình xây dựng nếu thúc ép về tiến độ thì rất dễ dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng công trình không đảm bảo.

Về phần lễ hội, những hoạt động để kỷ niệm rất cần thiết nhưng nên làm ở mức vừa phải, vẫn thể hiện được sự trang trọng, không nên quá ồn ào, lãng phí”.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Việt Chiến
(thực hiện)

Thanh Nien Online | Thử lật lại “vụ án” Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý

Thanh Nien Online:
29/10/2010 8:21
Lăng Thái sư Trần Thủ Độ (Thái Bình) - Ảnh: T.L
(TNTS) Nhà Lý và nhà Trần đều có công lớn đối với lịch sử dân tộc. Tuy nhiên mỗi lần đọc lại sử sách lại thấy “cộm” lên câu chuyện Trần Thủ Độ “giết hết” tôn thất nhà Lý. Hãy thử lật lại “vụ án” này.

Đúng là Đại Việt sử ký toàn thư có ghi:

“(Năm 1226)… Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 10, Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo.

Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo; bề ngoài giả vờ là để phụng sự, nhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt.

Có lần Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”.

Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi”.

Đến nơi, sai người bày biện hương hoa đến bảo (Huệ Tông): “Thượng phụ sai thần đến mời”.

Thượng hoàng nhà Lý nói: “Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”.

Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: “Thiên hạ nhà ta đã về tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi khác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”.

Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa.

Thủ Độ ra lệnh cho các quan đến khóc, khoét tường thành phía nam làm cửa (người bấy giờ gọi là “cửa khoét”), đưa linh cữu ra phường Yên Hoa để thiêu, chứa xương vào tháp chùa Bảo Quang, tôn miếu hiệu là Huệ Tông…”.

Đoạn sử trên đây có nhiều điều cần bàn.

Thứ nhất, từ hai câu đối đáp giữa Trần Thủ Độ và Lý Huệ Tông, đến Lý Huệ Tông tự tử, để nói Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông là không thỏa đáng.

Thứ hai, lời khấn của Lý Huệ Tông trong phòng ngủ nếu có thì chỉ có Lý Huệ Tông biết và chắc chắn không đem ra kể lại, thế thì tại sao có người biết mà ghi ? Hơn nữa, Trần Thái Tông là con rể của mình, con cháu họ Trần sau này cũng chính là con cháu của Lý Huệ Tông, sao ông nỡ có lời khấn như vậy được. Cả hai câu đối đáp ở trên cũng có khả năng là sự đồn đại, không thể có xuất xứ từ một tài liệu tin cậy. Cần biết, do bối cảnh Đại Việt sử ký toàn thư được biên soạn vào thời Lê sau khi nhà Minh tiêu hủy gần hết sách vở tài liệu của các đời trước, vua Lê Thánh Tông đã cho phép sử quan tập hợp tất cả truyền thuyết, dã sử và các câu chuyện kể trong dân gian vào sử sách, nên có khả năng những đoạn như thế này được lấy từ những câu chuyện hư cấu.


Hổ đá tại lăng Thái sư Trần Thủ Độ (Thái Bình) - Ảnh: T.L

Đại Việt sử ký toàn thư ghi tiếp:

“(Năm1232)… Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý.

Khi ấy Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng.

Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”.

Tiếp theo đoạn này, Đại Việt sử ký toàn thư mở ngoặc: “Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây”.

Ngày nay một “nghi án” mà không có tài liệu, không có “nhân chứng vật chứng” thì không thể kết tội, không kết tội được thì phải tuyên bố đương sự vô tội. Sử sách cũng vậy thôi, đã ghi một điều thì phải có nguồn dẫn tin cậy. Vấn đề là lâu nay khi giáo dục truyền bá lịch sử người ta thường không lưu ý đến câu mở ngoặc này của Ngô Sỹ Liên. Khi nghiên cứu lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu cũng không để ý đến bối cảnh có chỉ dụ của Lê Thánh Tông.

Để làm rõ hơn mối quan hệ kế thừa giữa nhà Trần và nhà Lý, có thể dẫn thêm một nguồn khác. Đó là An Nam chí lược của Lê Tắc. Dù Lê Tắc là người “có vấn đề”, nhưng An Nam chí lược chứa đựng những sử liệu hết sức quý giá, là cuốn sử cổ nhất của nước ta viết từ thời nhà Trần đến nay còn truyền bản.

Đề cập đến Lý Huệ Tông và Trần Thừa (cha Trần Thái Tông), An Nam chí lược viết:

“(Trần) Thừa có công đánh giặc, xin cho con kết hôn với công chúa Chiêu Thánh. Vương (Lý Huệ Tông) bằng lòng”. Đến đoạn nói về Lý Chiêu Hoàng, An Nam chí lược viết: “Lên ngôi được một năm, năm Canh Dần (1230) trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật Cảnh”.

Và An Nam chí lược có một đoạn rất quan trọng: “Lúc nhà Lý truyền ngôi được ba đời, Vương Võ Xứng nhà Tống làm sách Đông Đô sử lược Giao Chỉ phụ lục có đoạn : (…) Nay họ Lý truyền ngôi tám đời 220 năm. Huệ Tông không con, truyền nước cho rể. Đến nay họ Lý vẫn được tế tự luôn luôn, kể sự may thì may biết bao nhiêu”.

Dẫn như vậy để thấy nhà Trần đã kế thừa ngôi nhà Lý một cách danh chính ngôn thuận, không có lý do để “nhổ cỏ tận gốc”. Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông… đều là những anh hùng có công với nước, đặc biệt có có công trạng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống đội quân xâm lược mạnh nhất hành tinh lúc bấy giờ là quân Nguyên - Mông. Không thể vì những đoạn sử thiếu căn cứ mà làm tổn hại đến uy danh của tiền nhân.

Đối với Trần Thủ Độ, ông một tay quán xuyến cơ nghiệp nhà Trần trong buổi đầu, dù quyền hành “nghiêng nước” nhưng ông quang minh lỗi lạc, chí công vô tư, dù cho hết lòng bảo vệ nhà Trần ông cũng không thể dùng thủ đoạn lừa dối để giết người bừa bãi như vậy được.

Vả lại, Trần Thái Tông là con rể của Lý Huệ Tông và Trần Thánh Tông chính là cháu ngoại của Lý Huệ Tông. Nhà Trần, kể từ Trần Thánh Tông có một nửa dòng máu của họ Lý. Cho nên nói “Họ Lý vẫn được tế tự luôn luôn” là có cơ sở.

Hoàng Hải Vân

"Cô gái Đồ Long" làm nhiều blogger giật mình

Xã hội - VietNamNet:
,

– Không biết từ khi nào, các “cư dân mạng” trên các diễn đàn (đặc biệt là diễn đàn dành cho giới trẻ) đã tự cho mình quyền bình phẩm, thậm chí có nhiều ý kiến bình phẩm còn mang tính xúc phạm nhân vật được nhắc đến. Sau khi “topic” (chủ đề) được đưa ra, các thành viên trên diễn đàn tha hồ “ném gạch ném đá”, bất chấp những hậu quả có thể gây ra cho người được nhắc đến trong topic đó.

TIN LIÊN QUAN


>>
Rất nhiều blogger đang phạm luật!
>>
Đằng sau vụ việc "Cô gái Đồ Long"

>> Bắt Hương Trà, chủ blog "Cô gái Đồ Long"

>> Vụ Cogaidolong: Quechoa, Trang Hạ... lên tiếng


Nếu không dính đến người nổi tiếng thì sao?

Ngày 26/10, bà Lê Nguyễn Hương Trà, chủ nhân blog “Cogaidolong” vừa bị cơ quan an ninh bắt giữ để điều tra về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, bà Hương Trà đã có hành vi vi phạm khi đăng tải một số bài viết trên blog “Cô gái Đồ Long” của mình, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của một số cá nhân và một lãnh đạo nhà nước.

’Những
Những người xúc phạm, bôi nhọ người khác trên các blog "không nổi tiếng" như blog "Cô gái Đồ Long" liệu có bị xử lý như bà Hương Trà? (Ảnh: VietNamNet)

Sự việc này được cơ quan quản lý quan tâm và trở nên thu hút bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: Liên quan đến những người nổi tiếng; liên quan đến một lãnh đạo nhà nước; bản thân blog “Cogaidolong” từ năm 2007 cũng đã quá nổi tiếng trong cộng đồng mạng sau khi bà Hương Trà – chủ nhân blog - bị ca sỹ Phương Thanh kiện ra tòa vì cho rằng, trên blog “cogaidolong”, bà Hương Trà đã viết không đúng sự thật về live show "Mưa" của cô.

Như vậy, có thể thấy toàn bộ những nhân vật liên quan trong sự việc này đều ít nhiều đều được mọi người biết đến (đặc biệt là trong cộng đồng mạng).

Đặt ra một giả thiết: Nếu người vu khống và người bị vu khống đều là những nhân vật “vô danh” thì việc xử lý (như đối với bà Trà) liệu có xảy ra hay không?

Cứ lên mạng là được quyền “thoải mái chửi bới”?

Tự tử vì bị xúc phạm trên mạng xã hội

Năm 2008, một cô bé 13 tuổi ở Mỹ đã tự tử sau khi bị bạn bè của chính mình và của những người khác trong danh sách bạn bè sỉ nhục bằng những lời lẽ hận thù.

Trong quá trình điều tra, các nhà chức trách cho rằng khi tham gia Internet, người ta cần xác định họ có thể tiến xa tới đâu và khi nào nên dừng lại. Họ cần lường trước hậu quả và chịu trách nhiệm với mọi hành động của mình.

Không biết từ khi nào các “cư dân mạng” trên các diễn đàn (đặc biệt là diễn đàn dành cho giới trẻ) đã tự cho mình quyền bình phẩm, thậm chí có nhiều ý kiến bình phẩm còn mang tính xúc phạm nhân vật được nhắc đến.

Sau khi “topic” (chủ đề) được đưa ra, các thành viên trên diễn đàn tha hồ “ném gạch ném đá”, bất chấp những hậu quả có thể gây ra cho người được nhắc đến trong topic đó.

Ngày nay, những người thường xuyên ra vào các diễn đàn (nhất là diễn đàn giải trí dành cho giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi 9X trở lên) có thể dễ dàng bắt gặp những câu chửi bậy hết sức tục tĩu nhằm vào nhân vật được một thành viên khác nêu ra trong bài viết.

Trên diễn đàn h…9x..com, một nhân vật tên T.T được đưa lên làm tâm điểm bàn luận với những bức hình tình cảm với bạn trai. Nhân vật tên T. này xinh đẹp và còn trẻ măng (được chủ topic mô tả là mới 17 tuổi).

Không biết chủ topic quen thân, hiểu biết về nhân vật đến đâu, nhưng lời lẽ bình phẩm thì không khác gì kiểu nhân vật này đang “tự thú”: “17 tuổi nhưng bẻ gãy viên thuốc tránh thai và nhai rau ráu viên thuốc lắc” (!?). Chưa hết, chủ topic này còn kể lể chi tiết về quá khứ ăn chơi và yêu đương “hoành tráng” của T.T mà có khi nghe xong, đến dân chơi thứ thiệt cũng phải “tái mặt”.

“Được lời như cởi tấm lòng”, các thành viên khác không biết có quen biết hay không, cũng thi nhau hùa vào chửi bới nhân vật T.T này với những lời lẽ… chỉ dám nhìn rồi im lặng chứ không dám nói lại cho người khác nghe! Thậm chí, các thành viên này còn buông những lời lẽ xúc phạm cả gia đình nhân vật T.T vì cho rằng “gia đình T.T đã không biết đường giáo dục con cái” (?!)

Còn đối với người nổi tiếng, với những hotgirl xinh đẹp sành điệu thì việc các thành viên trên các diễn đàn bình phẩm một cách dung tục về ngoại hình đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”.

Mô tả ảnh.
Blog "Cô gái Đồ Long" của Hương Trà có lời lẽ xúc phạm danh dự, uy tín của một số cá nhân. Đây cũng là chuyện cơm bữa trên các diễn đàn hiện nay, đặc biệt là diễn đàn của giới trẻ (Ảnh: VietNamNet)

Với tốc độ phủ sóng và lan truyền nhanh, mạnh mẽ như hiện nay của mạng internet, liệu những nhân vật như T.T ở trên sẽ gặp phải những rắc rối thế nào trong cuộc sống? Mọi công dân có quyền tự do ngôn luận theo quy định của luật pháp, nhưng với cách hành xử như trên thì liệu có phải những thành viên trên diễn đàn kia cũng mắc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”?

Cũng với cách hành xử như thế này, đã có không ít người “khốn đốn” vì trở thành trò cười cho thiên hạ khi hình ảnh của mình bị sử dụng một cách vô tội vạ trong các bài viết “đọc xong mà nóng hết cả người”, số điện thoại cá nhân cũng bị trưng ra như cách mà gái làng chơi hay dùng để mồi chài khách, vv…

Cần lường trước hậu quả

Anh S., chủ nhân blog M. (đề nghị được giấu tên) là một trong những blog “hot” nhất trong cộng đồng mạng vài năm trở lại đây cho rằng, vấn đề đạo đức trong thế giới ảo hầu như không được mọi người quan tâm.

Bằng chứng là họ cứ thoải mái chửi bới và xúc phạm những con người cụ thể ở hết diễn đàn này đến diễn đàn khác.

“Điều nguy hiểm hơn cả mà tôi nhận thấy là những công dân ảo trên coi việc xúc phạm một con người bằng xương bằng thịt trong đời thực là một “thú vui”, là chuyện bình thường, và khi được bình phẩm người khác theo một cách không giống ai họ cảm thấy hả hê, sung sướng, giải tỏa được stress (có người đã “nghiện” cả blog và diễn đàn). Tôi không hiểu tâm lý này bắt nguồn từ đâu, nhưng thật sự điều này thể hiện ngày càng rõ nét”, anh S. nói.

Anh S. cho rằng, ngày nay, con đường chuyển tải thông tin không còn giới hạn ở cách truyền miệng, đọc báo, đọc sách. Lan truyền bằng internet là lan truyền nhanh nhất, mạnh nhất và gây áp lực rất nặng nề cho người bị đem ra bình phẩm, bởi hầu như tất cả các ý kiến đều được tất cả mọi người đọc. Các diễn đàn tự do thường không phân biệt hay xử lý mà cứ đưa thẳng những lời bình thiếu chính xác lên mạng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân vật.

Chính anh S. đã chứng kiến có những hotgirl bị gia đình bạn bè cấm chơi cùng vì không muốn con cái bị mang tiếng lây vì "chơi bời với đứa “hư hỏng”, ngoài khoe ngực khoe mông thì không còn gì để khoe nữa". “Mà thực tế thì không phải tất cả đều như vậy”, anh S. nói.

Theo quan điểm riêng của mình, anh S. cho biết thế giới ảo đang tạo ra diện mạo hoàn toàn khác trong cuộc sống của giới trẻ. “Trên diễn đàn, họ được quyền nói lên suy nghĩ của mình, nhưng nếu điều đó làm hại cuộc sống của người khác thì cần phải phê phán. Với mỗi việc mình làm, kể cả trên diễn đàn, cần lường trước hậu quả”, anh S. nói.

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị đi tù

Điều 121 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Phạm tội nhiều lần, đối với nhiều người, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đối với người thi hành công vụ, đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

  • Cẩm Quyên

VN sẵn sàng giúp Cuba khắc phục hậu quả cấm vận

Vietnam+ (VietnamPlus):
27/10/2010 | 10:18:00

Đại sứ Bùi Thế Giang, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Liên hợp quốc trong một phiên họp của Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Đại sứ Bùi Thế Giang, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Liên hợp quốc tuyên bố Chính phủ và nhân dân Việt Nam một lần nữa khẳng định ủng hộ và đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Cuba, sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục giúp đỡ Cuba khắc phục hậu quả cuộc cấm vận của Mỹ.

Đại sứ đã phát biểu như vậy trước cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 về nghị quyết yêu cầu Mỹ bãi bỏ cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống Cuba kéo dài suốt nửa thế kỷ qua.

Đại sứ nêu bật việc Đại hội đồng Liên hợp quốc đã 19 năm nay liên tục thông qua Nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh đơn phương cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống Cuba.

Đại sứ nhấn mạnh chính sách cấm vận chống Cuba vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có luật về tự do thương mại và hàng hải, quyền bình đẳng về chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, đi ngược lại các chuẩn mực được quốc tế công nhận về quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền cũng như các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Đại sứ lưu ý cuộc cấm vận kéo dài nửa thế kỷ này đã gây tổn thất to lớn về tài chính và vật chất cho nền kinh tế Cuba, là một cản trở chính đối với sự phát triển xã hội của Cuba, ảnh hưởng tới nỗ lực của nhân dân Cuba duy trì một cuộc sống bình thường trong tôn trọng và nhân phẩm, và cải thiện đời sống trong bối cảnh nhân loại đang phấn đấu thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Cuộc cấm vận còn tác động xấu tới những ai mong muốn và cố gắng kiến tạo quan hệ văn hóa, kinh tế, thương mại và tài chính bình thường, chính đáng và cùng có lợi với Cuba, kể cả một bộ phận ngày càng tăng trong nhân dân Mỹ.

Đại sứ Bùi Thế Giang nêu rõ, cũng như các năm trước, với việc bỏ phiếu thuận đối với Nghị quyết năm nay, Việt Nam nhắc lại lập trường trước sau như một về việc cần và có thể giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thông qua đối thoại và thương lượng hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Đại sứ yêu cầu Chính phủ Mỹ lập tức chấm dứt việc đơn phương cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba nhằm làm giảm căng thẳng, tạo bầu không khí thuận lợi cho những nỗ lực xây dựng tiến tới sớm bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 26/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 đã thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ bãi bỏ cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống Cuba kéo dài suốt nửa thế kỷ qua với 187 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng.

Đây là năm thứ 19 liên tiếp, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết này, với số phiếu ủng hộ năm sau cao hơn năm trước.

Nghị quyết yêu cầu các nước thành viên Liên hợp quốc không ban hành và áp dụng các luật và các biện pháp không phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của mình nhằm tái khẳng định quyền tự do buôn bán và tự do hàng hải. Nghị quyết nhắc nhở các nước cần từ bỏ hoặc vô hiệu hóa các luật cũng như các biện pháp như vậy.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez nhấn mạnh chính sách của Mỹ chống Cuba không có bất cứ cơ sở pháp lý và đạo đức nào, đồng thời thiếu lòng tin và sự ủng hộ. Ngay cả trong xã hội Mỹ theo các cuộc thăm dò mới đây, 71% công dân Mỹ ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ.

Chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực nhạy cảm như y tế và lương thực. Theo thống kê của Chính phủ Cuba, thiệt hại kinh tế do cấm vận của Mỹ gây ra từ năm 1962 tới nay lên đến 751 tỷ USD.

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba cho biết mặc dù hai năm trước đây, Tổng thống Mỹ Barak Obama cam kết tìm kiếm "sự khởi đầu mới với Cuba" nhưng chính sách cấm vận cho đến nay vẫn tiếp tục và bao vây kinh tế còn siết chặt hơn trong năm 2010. /.

(TTXVN/Vietnam+)