>> “Tôi chưa bao giờ nhận phong bì của sinh viên”
>> Khi số điểm được chấm bằng… “phong bì”!
GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có những trao đổi thẳng thắn về hiện tượng sinh viên “hối lộ” thầy trước mỗi môn thi với phóng viên Dân trí.
Thưa ông, báo Dân trí vừa đăng một số bài viết phản ảnh hiện tượng sinh viên “gom tiền" đưa thầy để được qua môn học. Ngay sau khi các bài báo được đăng, không ít độc giả đã phản ảnh các sự việc tương tự, trong khi nhiều độc giả khác bày tỏ sự bức xúc trước sự “mua - bán” trắng trợn này?
Theo tôi đó là hiện tượng có thật và đang ngày càng phổ biến. Lúc đầu có thể là “sáng kiến” của từng cá nhân, nhưng sau này với một số trường, một số bộ môn, một số giảng viên nhất định thì việc “chung chi” của sinh viên đã thành thông lệ.
Ngay từ thời gian tôi còn làm việc ở Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Phó Hiệu trưởng - PV), tôi cũng được một số anh em cho biết hiện tượng đó. Thế nhưng, phải nói thực, khi phát phiếu điều tra cho sinh viên với yêu cầu đơn giản đến mức chỉ cần đánh dấu vào cột “có” hoặc cột “không”, không cần ghi tên mà không ai dám đánh dấu nên mình không có cơ sở giải quyết.
Trong các kỳ thi sau đại học và tại chức cũng có những lần tôi được anh em giảng viên, giám thị tốt phản ảnh có chuyện này. Tôi cũng đã bắt được một vài trường hợp, trong đó có trường hợp mới nộp tiền, chưa đưa lên bàn giám thị. Phải đến khi tôi dọa hủy kết quả thi của những người trong danh sách nộp tiền nếu không nói thật, họ mới trả lại tiền cho nhau…
Như ông vừa nói, hiện tượng khá phổ biến và không ít sinh viên cũng nói rằng họ từng trải qua việc này, thế nhưng “tổng kết” lại thời gian qua, dường như quá hiếm các vụ việc được phát hiện, phanh phui?
Với sinh viên, có những em rất ấm ức nhưng họ sợ tố cáo thì không được bảo vệ. Nhiều sinh viên thấy việc làm đó cũng có lợi cho mình nên tảng lờ. Họ thấy mình không cần học một số môn nào đó mà vẫn qua được, nên tặc lưỡi cho qua.
Rất đáng nói khi không ít sinh viên đến từ các vùng quê nghèo, bố mẹ lam lũ, nhưng cũng “cắn răng” bám theo hình thức học tập thông qua phong bì?
Nếu ai không tham gia có thể bị các bạn cô lập, bị thiệt thòi trong đánh giá. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Nếu xét về hậu quả, “văn hóa” phong bì sẽ phá hủy rất nhiều giá trị của trường học, nơi được coi là luôn đề cao những điều tốt đẹp?
Giảng viên, giám thị nhận phong bì chắc chắn sẽ làm sai lệch kết quả đánh giá học tập của sinh viên. Thứ hai, sẽ làm cho những sinh viên này thấy không cần học. Thứ ba, sinh viên sẽ nhìn nhận về người thầy, về nhà trường rất xấu. Thứ tư, sau khi ra trường, những sinh viên này cũng sẽ hành xử như thế với người khác.
Ở đây anh mới nói riêng trường đại học, nhưng tôi cũng “tiết lộ” thêm, ở một số trường phổ thông đã có hiện tượng, để được làm giáo viên chủ nhiệm phải chi mấy triệu. Phải chi như thế chứng tỏ làm giáo viên chủ nhiệm có lợi và chắc chắn người ta phải móc túi ai đó để bù lại khoản tiền phải chi cho người khác.
Có thực trạng hiện nay là do lỗi từ phía học trò hay tại các thầy mất phẩm giá, hay do xã hội tác động?
Tôi nghĩ ba nguyên nhân anh nói đều đúng. Trước hết là ở người thầy, bởi người thầy đứng đắn thì không học trò nào đưa tiền được… Người ta gọi nhà giáo là “thầy”, như là bố mẹ học sinh. Bố mẹ nào lại ăn tiền của con?
Thứ hai là ở học trò. Có những học trò khôn ranh quá sớm, đem những tiêu cực của xã hội vào trong nhà trường và đi vận động các bạn nộp tiền để không phải học hành vẫn được qua môn học.
Nguyên nhân thứ ba là từ xã hội. Trong xã hội hiện nay, làm bất kỳ điều gì, cần bất kỳ điều gì ở những người có quyền, người ta đều cảm thấy hình như phải đưa tiền mới hợp "đạo lý". Điều này thành tâm lý chung của xã hội và đã ảnh hưởng đến cả lớp trẻ, hết sức nguy hiểm.
Chúng ta phải xử lý vấn đề “nguy hiểm” này như thế nào, thưa ông?
Giải quyết việc này rất khó. Trước hết, để giải quyết hiện tượng, tức giải quyết phần ngọn, phải kỷ luật thật nghiêm các trường hợp phát hiện được. Cụ thể, học trò tuỳ lỗi nặng nhẹ phải cảnh cáo, huỷ kết quả thi, đình chỉ học tập, thậm chí đuổi học ; còn với thầy, có thể đình chỉ giảng dạy, hạ lương, và nếu cần thì sa thải.
Xử lý nghiêm một vài trường hợp, tuyên truyền rộng rãi trong ngành, trên báo chí, mới chấm dứt được những trường hợp khác. Nếu tiếp tục chỉ dùng biện pháp kiên nhẫn giáo dục sẽ không ăn thua.
Thứ hai, giải quyết phần gốc sẽ khó hơn, tức phải giải quyết những chuyện tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Việc này đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét