Thứ Hai, 25/10/2010 - 19:35
(Dân trí) - Mặc dù nhiều nhân sĩ đã kiến nghị dừng dự án bô xít tại Tây Nguyên sau sự cố bùn đỏ ở Hungary song lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định dự án ở Việt Nam là an toàn và đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai.
>> "Tôi muốn Quốc hội ra nghị quyết mới về bô xít"
>> Về kiến nghị dừng các dự án Bô xít ở Tây Nguyên...
>> "Tôi muốn Quốc hội ra nghị quyết mới về bô xít"
>> Về kiến nghị dừng các dự án Bô xít ở Tây Nguyên...
Một hồ chứa bùn đỏ ở Ấn Độ từ khai thác bô xít (ảnh: redmud.org)
Trước vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV).
Trước kiến nghị của nhiều nhà khoa học, nhà trí thức về việc dừng dự án bô xít, quan điểm của ông thế nào?
Không giống như các dự án đầu tư thông thường khác, dự án bô xít phải báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ rất nhiều lần. Dự án có hiệu quả và phù hợp với sự phát triển của ngành nên mới được phê duyệt.
Bộ Công Thương không có kiến nghị dừng, ngược lại, chúng tôi chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ nhà máy Tân Rai. Bởi khi dự án đưa vào sử dụng càng sớm thì càng phát huy được hiệu quả của đồng vốn bỏ ra. Nếu sớm đưa vào sử dụng chúng ta có sản phẩm xuất khẩu, thu hẹp được nhập siêu, phát triển đời sống của đồng bào.
Nhưng sự cố bùn đỏ ở Hungary đã khiến cho dư luận đặc biệt lo ngại tới môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi triển khai dự án bô xít tại Tây Nguyên…?
Sau sự cố bùn đỏ ở Hungary, Bộ Công Thương đã tổ chức họp ngay với TKV, các đơn vị tư vấn để cùng nghiên cứu xem xét, trao đổi kỹ vấn đề này.
Chúng tôi cũng đã yêu cầu TKV xem xét rà soát lại dự án Tân Rai đang thi công, quán triệt thực hiện quy trình thi công hồ chứa bùn đỏ một cách nghiêm ngặt, bổ sung ngay một số giải pháp để bảo đảm an toàn.
Bộ Công Thương đã yêu cầu TKV thuê đơn vị tư vấn độc lập nước ngoài để thẩm tra lại một lần nữa phương án thiết kế hồ bùn đỏ đồng thời điều tra, xem xét lại các vấn đề về động đất ở Tây Nguyên.
Chúng tôi cũng đang cử đoàn cán bộ sang Hungary để tìm hiểu nguyên nhân về sự cố vỡ hồ bùn đỏ tại đây, giải pháp khắc phục và sắp tới dự kiến sang Brazil hoặc một nước khác có địa hình tương tự như Tây Nguyên, có công nghệ thải bùn đỏ tương tự để học hỏi kinh nghiệm quản lý, lưu giữ bùn đỏ.
Vậy cơ sở nào để chúng ta có thể an tâm là các hồ chứa bùn đỏ của 2 dự án tại Tây Nguyên sẽ bảo đảm an toàn?
Hồ được chia thành 8 khoang ngăn cách, không thông nhau. Trong trường hợp vỡ đập, bùn sẽ tràn vào các khoang bên cạnh. Cứ lần lượt, xong ô nào thì lấp ô đấy. Cách làm này để tranh trường hợp vỡ đập cùng một lúc, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
Công trình cũng đã tính toán chịu được động đất cấp 8, cấp 9 dù vùng đó thống kê không có động đất mức độ đó nhưng không ai nói trước được rủi ro. Nhưng nếu mọi người đã lên đó nhìn tận mắt, được xem xét tất cả tính toán, giải trình thì sẽ thấy yên tâm về hồ chứa bùn đỏ.
Chúng tôi cũng sẵn sàng lắng nghe những ai có ý kiến cho rằng vẫn có thể nguy hiểm và chứng minh được điều đó trên cơ sở khoa học.
Tại sao chúng ta sử dụng phương pháp thải ướt để xử lý bùn đỏ mà không phải thải khô, trong khi thải khô có vẻ ít nguy hại hơn?
Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Hiện trên thế giới có 66% nhà máy sử dụng phương pháp thải ướt để xử lý bùn đỏ, 34% sử dụng phương pháp thải khô.
Vấn đề là phương pháp nào phù hợp với địa hình, công nghệ và kinh tế nhất. Địa hình thung lũng phù hợp áp dụng phương pháp thải ướt vì thực tế nếu thải bùn khô khi gặp mưa cũng sẽ thành bùn ướt.
Có ý kiến cho rằng, với một đơn vị thiết kế là Trung Quốc, quốc gia không có một nhà máy nào xử lý loại bô xít như ở Tây Nguyên nhưng lại đang thiết kế 2 nhà máy cho Việt Nam sẽ rất nguy hiểm. Ông nghĩ sao?
Tôi có nghe có ý kiến cho rằng quặng bô xít của Trung Quốc không giống như của Việt Nam. Nhưng theo tôi, vấn đề này không đáng phải quá lo ngại bởi khi triển khai dự án, chúng ta không giao khoán cho Trung Quốc mà kế thừa kết quả nghiên cứu bô xít Tây Nguyên của nhiều quốc gia. Tiêu biểu trong đó là Nga, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Bên cạnh đó, đơn vị thiết kế 2 nhà máy cho Việt Nam là Tập đoàn lớn, có uy tín của Trung Quốc và là 1 trong các nhà sản xuất nhôm-alumin mang tầm quốc tế. Năm 2009, TKV cũng đã mời nhiều quan chức chính phủ, bộ ban ngành, các nhà báo đến để tìm hiểu các nhà máy của Trung Quốc và thấy rằng họ có nhiều kinh nghiệm.
Vậy bô xít được khai thác từ dự án này sẽ bán cho ai?
Hiện nay nhiều quốc gia như các nước Arap, Nhật Bản, Trung Quốc đều xin mua alumina từ khi dự án mới được triển khai. Chúng tôi đã tính đến phương án nhiều khả năng sẽ phải đấu giá vì nhu cầu quá lớn.
Xin cám ơn ông!
Lan Hương (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét