Bị nhốt vì không ăn
Theo trình bày của chị Dư Thị Thanh Thúy, mẹ bé Lê Quang Vinh, ngày 17/9 vừa qua, bé Vinh bị cô Trần Thị Xuân Nữ (Nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, quận Tân Phú, TPHCM) ẵm bỏ vào thang máy vận chuyển thức ăn, đóng cửa và bấm cho thang di chuyển từ lầu hai xuống đất.
Theo chị Thúy thì thang máy chỉ có cửa ở nơi lấy đồ ra vào, mặt trước của thang giáp với bức tường tô xi măng nhám. Khi bị nhốt, bé kêu cứu, hai tay bám vào cửa, khi thang đi xuống thì người bé ma sát với vách tường. “Bé chấn thương quá nặng, máu ướt đẫm từ đầu đến chân; đầu, mặt và toàn thân bầm dập, sưng húp; mắt trái bị lồi ra”.
Sau khi được cấp cứu tại BV Phú Thọ, bé được chuyển sang BV Chợ Rẫy. Giấy chứng nhận thương tích của BV Chợ Rẫy xác định: Bé Vinh bị chấn thương đầu: sưng bầm thái dương trái, xuất huyết vùng cổ mặt; bầm tím mặt; hai mắt bị xuất huyết kết mạc, nề mi. Vết thương lóc da thái dương trái 15 cm, lộ sọ. Vết thương vùng chẩm khoảng 5 cm. CT sọ não thấy tụ khí mô mềm. Chấn thương ngực, bụng: Xây xát rộng trước ngực, cổ đến bụng. Sưng vùng vai trái. Vết thương nông ngực trái khoảng 3 cm. CT ngực, bụng thấy tổn thương dạng phế nang thùy dưới hai phổi, theo dõi dập phổi. X-quang phổi thấy gãy 1/3 giữa xương đòn trái. Ngoài ra còn nhiều vết thương ở tay và đùi.
Lúc đầu, nhà trường và cô giáo đều nói là bé Vinh bị té ngã, đến ngày 22/9, cô Nữ mới thú thật là đã bỏ bé vào… thang máy vận chuyển thức ăn.
Hiện bé Vinh đã xuất viện nhưng tình trạng bệnh vẫn còn nặng, phía hông trái còn hai chỗ da chưa tái đắp được, bé cũng mới đi lại lững chững. Tinh thần bé đang hoảng loạn, không dám tiếp xúc với người ngoài. “Gia đình chúng tôi muốn nhà trường và cô giáo phải bồi hoàn những di chứng tổn hại về tinh thần và thể chất cho bé Vinh đến suốt đời” - chị Thúy bất bình nói.
Bà Vũ Thị Kim Dung, Trưởng nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, cho biết: Ngay khi sự việc xảy ra, sức khỏe của bé Vinh ảnh hưởng nghiêm trọng, bà đã đóng tiền viện phí 10 triệu đồng và đưa cho gia đình bé 40 triệu đồng để chữa trị. Phòng Giáo dục quận Tân Phú đã ra quyết định đình chỉ công tác cô giáo Nữ. Sự việc đã xảy ra quá nghiêm trọng, bé Vinh còn sống là rất may mắn. Thang máy vận chuyển bằng dây cáp, khi bé hoảng loạn, quơ tay, quơ chân kêu gào mà không bị nghiến đứt tay chân là rất may mắn!
Đình chỉ cô giáo và nhóm trẻ
Bà Dung cho biết thêm: Gia đình bé Vinh đã làm đơn gửi công an, VKSND quận Tân Phú yêu cầu khởi tố cô Nữ. Các cơ quan chức năng cũng đã dựng lại hiện trường và đang chờ giám định thương tật của bé Vinh.
Trao đổi với PV vào chiều 21/10, bà Chung Bích Phượng, phụ trách mầm non Phòng Giáo dục quận Tân Phú, cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, phường đã xử phạt hành chính. Phường đang phối hợp với phòng giáo dục ra quyết định đình chỉ hoạt động nhóm trẻ này một thời gian. Ngày 30/10 sẽ họp phụ huynh lo chỗ học cho các cháu trong thời gian nhóm bị đình chỉ hoạt động. Phòng giáo dục yêu cầu nhóm trẻ tư thục Hoa Lan sửa chữa, nâng cấp cơ sở và cho giáo viên đi học bồi dưỡng nghiệp vụ để xem xét cấp phép cho hoạt động trở lại với hình thức trường tư thục mầm non do phòng giáo dục quản lý.
Hiện gia đình bé Vinh đang chờ kết quả giám định thương tật từ Trung tâm Giám định pháp y TPHCM gửi các cơ quan chức năng yêu cầu khởi tố cô giáo Nữ.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Đoàn Luật sư TPHCM, người hỗ trợ pháp lý cho gia đình bé Vinh:
Cần xử nghiêm để răn đe chung
Hành vi của cô giáo là rất đáng lên án, chỉ vì đứa bé biếng ăn mà hù dọa đưa vào thang máy gây thương tích là hành vi trái pháp luật, do đó cần phải xử lý nghiêm.
Cũng có thể là cô giáo nghĩ không hết hậu quả nhưng cô phải biết rằng khi bỏ đứa bé vào thang máy thì cháu sẽ hoảng loạn như thế nào, chấn thương tâm lý của cháu kéo dài chứ không phải điều trị một ngày, một bữa là hết.
Hiện phải chờ kết luận của cơ quan chức năng mới có thể biết cô giáo có thể bị khởi tố hay không nhưng về kinh nghiệm nghề nghiệp thì vấn đề khởi tố là chắc chắn, bởi thương tích của bé là quá trầm trọng mà cháu bé sống được đã là may mắn.
Lâu nay ở TPHCM và một số tỉnh, thành khác đã xảy ra sự việc tương tự, cô giáo phạt học sinh gây thương tích, hoảng loạn tinh thần. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng được bảo vệ. Cần xử lý để có tác dụng răn đe phòng ngừa chung. Qua đây cũng cần lưu ý những cô giáo dạy trẻ là cần có kiến thức về tâm sinh lý trẻ em, có phương pháp sư phạm để giáo dục trẻ tốt hơn. |
Theo Duy Tính - Quốc Việt
Pháp luật TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét