Hôm nay, Iran bắt đầu tiến hành nạp nhiên liệu cho bộ phận trung tâm của lò phản ứng hạt nhân đầu tiên ở nước này, đặt trong nhà máy điện Bushehr liên doanh với Nga.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP |
Truyền hình quốc gia Iran đưa tin các kỹ sư nước này và đồng nghiệp Nga bắt đầu chuyển nhiên liệu hạt nhân vào khu nhà chứa lò phản ứng của nhà máy Bushehr từ tháng 8 vừa qua, nhưng công việc này sau đó bị đình lại. Tới hôm nay việc nạp nhiên liệu cho lò phản ứng mới được thực hiện tại cơ sở hạt nhân nằm ở phía nam Iran.
Phía đối tác Nga chịu trách nhiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân Bushehr, cung cấp nhiên liệu và chuyển đi chất thải hạt nhân. Iran cho biết nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất điện năng từ đầu năm 2011. Ban đầu các kỹ sư Đức tham gia dự án Bushehr từ năm 1975, nhưng sau đó nhà máy điện hạt nhân này được hoàn tất với sự hỗ trợ từ Nga.
Trong khi đó, Iran đang hứng chịu 4 vòng cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do bất đồng xung quanh chương trình tinh chế uranium. Giữa hoạt động gây tranh cãi này với việc xây dựng nhà máy tại Bushehr không liên quan đến nhau. Các chuyên gia cũng khẳng định, với việc Nga vận hành nhà máy Bushehr thì gần như không có nguy cơ xảy ra phổ biến hạt nhân.
Nguyên nhân vì nhiên liệu uranium sử dụng trong nhà máy Bushehr có tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với nhiên liệu uranium dùng trong vũ khí nguyên tử. Uranium dùng để chế tạo vũ khí huỷ diệt cần được tinh chế tới mức trên 90%, trong khi nhiên liệu uranium tại nhà máy Bushehr chỉ cần được tinh chế tới 3,5%
Theo hợp đồng của dự án nhà máy điện Bushehr, nhiên liệu hạt nhân do phía đối tác Nga cung cấp, mặc dù Iran đã tự sản xuất được uranium được tinh chế ở mức đủ sử dụng làm nhiên liệu cho lò phản ứng. Hiện Iran đang bắt đầu tinh chế uranium tới 20%, mức độ cần thiết cho một lò phản ứng phục vụ mục đích y tế.
Tehran nhiều lần khẳng định các chương trình tinh chế uranium của họ chỉ mang mục đích hoà bình, trong khi một số nước phương tây và Israel nghi ngờ đây là vỏ bọc che đậy tham vọng chế tạo vũ khí huỷ diệt của Iran.
Đình Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét