Đêm văn hóa nghệ thuật Thành phố rồng bay với hàng ngàn người tham gia - Ảnh: Ngọc Thắng |
* Dư luận đang có thông tin bên lề cho rằng tổng số kinh phí chi cho đại lễ lên tới 94.000 tỉ đồng, thực hư con số này thế nào, thưa ông?
- Con số 94.000 tỉ đồng chi cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được nói tới đây đó trong dư luận cũng như một số trang điện tử là con số hoàn toàn không có cơ sở và có thể nói là hết sức sai lệch. Tôi cũng không hiểu họ lấy con số này ở đâu. Để chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta triển khai rất nhiều hoạt động, nhưng không thể lấy con số chi phí cho các công trình xây dựng, công trình hạ tầng cơ sở để tính vào chi phí cho riêng đại lễ. Vì nếu không có đại lễ thì các công trình xây dựng phục vụ cho sự phát triển của thủ đô và của đất nước, phục vụ cho nhu cầu dân sinh chúng ta vẫn phải xây dựng (như các đại lộ lớn, cầu, đường, công trình văn hóa, trường học, bệnh viện...), và chúng ta làm trong dịp này là để tạo cái cột mốc đẹp là thời điểm 1.000 năm. Ngay cả các công trình chỉnh trang đô thị (như hạ ngầm các tuyến cáp điện, thông tin... hàng chục tuyến phố) cũng không thể tính gộp vào được và sau đại lễ, TP vẫn phải tiếp tục các công trình này. Nếu tính cả vào số kinh phí xây dựng đầu tư cho nhu cầu phát triển của thủ đô trong hiện tại và tương lai để nói rằng tiêu phí cho lễ hội thì đó là cách nói hoàn toàn không đúng.
số tiền ấy” - Ông Hồ Quang Lợi | |
* Vậy con số kinh phí thực chi cho các hoạt động của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là bao nhiêu, thưa ông?
- Kinh phí tính vào đại lễ là số kinh phí trực tiếp chi cho hoạt động của các chương trình lễ hội mà chúng ta tổ chức trong 10 ngày. Tôi cho rằng, con số này tới thời điểm cuối tháng 10.2010 rất khó có thể tính đúng, tính đủ. Vì có những khoản chúng ta chi từ ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương và có nhiều công trình, dự án văn hóa - nghệ thuật được triển khai bằng nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân với hàng ngàn sản phẩm đặc biệt. Đấy là chưa kể tâm, sức của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ đã tạo ra các tác phẩm có giá trị tinh thần rất cao cũng không thể đong đo bằng tiền được.
* Có thể ước lượng tổng số tiền chi cho đại lễ là bao nhiêu và chúng ta đã thực sự tiết kiệm chưa, thưa ông?
- Đến thời điểm này, tôi cũng không đủ khả năng để ước lượng được tổng số tiền ấy. Bởi đến bây giờ cũng chưa có một báo cáo đầy đủ và chi tiết của các ngành, các cấp, các địa phương, các đơn vị, cá nhân, tập thể... về các việc đã làm cho đại lễ. Và chúng ta có thể khẳng định điều này, đại lễ cần phải tổ chức trang trọng ở mức cần thiết vì đây là niềm tự hào ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội và dân tộc VN trước bản thân chúng ta và trước thế giới nên cần phải có những khoản chi. Nhưng với tư cách là thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Trưởng tiểu ban Tuyên truyền quảng bá, giáo dục của đại lễ, tôi có thể nói rằng tất cả các hoạt động đều được tiến hành với tinh thần rất tiết kiệm và các cấp lãnh đạo đều cân nhắc, nếu không hiệu quả thì điều chỉnh và thậm chí cắt bỏ những chi phí không cần thiết. Như việc không dựng 5 cổng chào tiêu tốn 50 tỉ đồng, hoặc như lễ khai mạc dự định bắn chào mừng bằng 10 khẩu súng thần công cũng cắt bỏ vì tiền đúc súng khá tốn kém. Hoặc thay bằng việc phải mua (hoặc thuê) hàng chục khẩu pháo lễ (tốn hàng triệu USD) phục vụ cho ngày lễ chính 10.10 thì bên quân đội, trên tinh thần tiết kiệm đã có sáng kiến dùng pháo chiến đấu cải tiến bắn thay cho pháo lễ. Rồi việc cắt bỏ bắn pháo hoa ở 29 điểm để dành 5 tỉ đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Trung... Tất cả những việc ấy đều thể hiện tinh thần tiết kiệm cho đại lễ của chúng ta.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH: Cần công bố và giải thích rõ từng khoản chi
“Việc chi tiêu cho các hoạt động Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi cho rằng càng minh bạch càng tốt. Đây chẳng phải là bí mật quốc gia, nhất là dư luận lại quan tâm thì càng nên công bố và giải thích rõ từng khoản chi tiêu. Nhưng theo tôi, cần phân biệt rõ giữa hai loại đầu tư chứ không nên đánh đồng làm một. Một là kinh phí cho các hoạt động lễ hội, tổ chức xong là... mất. Hai là kinh phí đầu tư xây dựng các công trình chào mừng đại lễ, sau đó là tài sản sử dụng lâu dài. Cũng phải tính toán, đầu tư đến đâu là vừa, kết thúc lễ hội thì phải tính toán xem mức đầu tư như vậy đạt hiệu quả đến đâu cả về mặt tinh thần lẫn mặt vật chất. Những công trình xây dựng để lại lâu dài cũng cần phân tích minh bạch về chất lượng công trình, về hiệu quả sử dụng như thế nào. Tôi cũng nghe có ý kiến cho rằng những công trình đầu tư cho giáo dục, y tế nhân dịp 1.000 năm Thăng Long hầu như không có, trong khi đó đây lại là vấn đề đang rất thiếu”. GS Nguyễn Lân Dũng (ĐB QH tỉnh Đắk Lắk): Tôi đã chất vấn và chờ Bộ Tài chính trả lời
“Tôi đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính rằng: có thông tin cho rằng, dịp đại lễ vừa qua tốn kém tới 94.000 tỉ đồng, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chính thức rằng thông tin đó đúng hay sai. Nếu sai thì phải cải chính. Còn nếu đúng thì phải xem xét lại cách chi tiêu, vì như thế là lãng phí quá lớn. Điều thứ hai tôi chất vấn Bộ Tài chính là có thông tin nhân kỷ niệm đại lễ, ban chỉ đạo đã mua 2.000 viên ru-bi của châu Phi để lắp vào mắt 1.000 con rồng làm quà tặng cho các quan khách dự đại lễ. Vậy thông tin đó đúng hay sai, và nếu đó là doanh nghiệp làm để bán thì không nói làm gì nhưng nếu lấy kinh phí của Nhà nước làm việc đó thì không thể chấp nhận được. Những ai nhận được món quà đó? Tôi cũng đã chất vấn trực tiếp lãnh đạo TP Hà Nội rằng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã thực sự để lại dấu ấn gì bởi vì sau đó tốn kém mà không thấy để lại được điều gì thực sự mang tính dấu ấn. Lãnh đạo TP Hà Nội đã trả lời tôi rằng: tất cả những công trình xây dựng trong vòng 10 năm nay đều là để kỷ niệm dịp 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, tôi lo ngại vì nhiều công trình làm vội, chất lượng ra sao? Tôi lấy ví dụ, hạ ngầm cáp quang làm rất gấp gáp, dù đường phố phong quang, đẹp hơn hẳn đấy nhưng tôi hỏi liệu nếu có trục trặc gì đó về dây cáp thì chúng ta có tìm được để xử lý hay không. Những công trình khác cũng vậy, làm nhanh như vậy có bền vững hay không....?”. Bà Phạm Thị Loan (ĐBQH TP Hà Nội): Tôi thấy nhiều việc chi tiêu lãng phí
“Tất cả mọi đồng ngân sách của Nhà nước đều phải công khai, việc chi phí cho một dịp lễ hội lớn như vậy càng cần phải công khai hết sức cụ thể, từng việc một để cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Tiền nào cũng là tiền của dân, kể cả doanh nghiệp góp vào thì cũng phải công khai tài chính. Tôi cũng chưa biết con số 94.000 tỉ mà dư luận phản ánh có chính xác hay không nhưng tôi có thể thấy nhiều việc chi tiêu rất lãng phí. Tôi cho rằng phải kiểm tra cụ thể chất lượng của từng công trình một chứ không “vơ đũa cả nắm” rằng tất cả các công trình đều làm nhanh, làm ẩu. Tuy nhiên, suy luận một cách khoa học thì những công trình xây dựng nếu thúc ép về tiến độ thì rất dễ dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng công trình không đảm bảo. Về phần lễ hội, những hoạt động để kỷ niệm rất cần thiết nhưng nên làm ở mức vừa phải, vẫn thể hiện được sự trang trọng, không nên quá ồn ào, lãng phí”. Tuệ Nguyễn |
Việt Chiến
(thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét