VN 'không nên chơi lá bài Mỹ'

Cập nhật: 10:01 GMT - thứ tư, 19 tháng 10, 2011
Tiến sĩ Mark Valencia
Tiến sĩ Mark Valencia cho rằng có tiến bộ trong các trao đổi về tranh chấp Biển Đông
Một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về tranh chấp Biển Đông cho rằng gần đây đã có những trao đổi thẳng thắn hơn về cuộc tranh chấp chủ quyền.
Tiến sĩ Mark Valencia, hiện làm tại Văn phòng nghiên cứu Quốc gia về châu Á (National Bureau of Asian Research) ở Mỹ, trả lời BBC Việt ngữ bên lề hội thảo Biển Đông tại Manila hôm 16/10.

Trước việc dồn dập nhiều hội thảo gần đây bàn về chủ đề này, nhà nghiên cứu từng có khoảng 200 bài báo về chính sách biển đảo, nhận xét đã có tiến bộ trong cuộc tranh luận.
Tiến sĩ Mark Valencia: Một số hội thảo, như cuộc gặp lần này, tập hợp được những nhân vật “phù hợp”. Đó là những người tương đối cởi mở để khảo sát những ý tưởng và lựa chọn khác, cho dù họ ở đây thay mặt đất nước mình.
Trong nhiều năm, tại nhiều hội thảo, có những vấn đề chỉ là dịp để người tham dự nhắc lại quan điểm quốc gia mà thôi. Nay chúng ta bắt đầu chỉ ra các vấn đề. Một trong số đó là đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định nó, hay nhượng bộ, hay sẽ giải thích rõ hơn?
Một số nước như Philippines và Việt Nam thì đã đề ra những đòi hỏi phù hợp hơn với Luật biển quốc tế. Đó là bước tiến lớn.
Nhìn thì có vẻ tốc độ rùa bò, nhưng thực ra có tiến bộ cụ thể.
"Nếu Trung Quốc bắt đầu can thiệp theo cách mà Mỹ xem là xâm phạm tự do đi lại, thì có thể Mỹ sẽ có hành động. Nhưng điều đó khác với việc ủng hộ đòi hỏi của một nước về một hòn đảo nào đó."
Ngoài ra, sự can dự của Mỹ cũng làm tình hình dịch chuyển. Dĩ nhiên không có nghĩa là sự can dự đó sẽ hoàn toàn tích cực.
BBC: Nói về vai trò của Mỹ, không ít người cho rằng nếu xảy ra xung đột thực sự, Mỹ sẽ chẳng làm gì cụ thể cả?
Tiến sĩ Mark Valencia: Ở đây có sự nhập nhằng. Nhiều người phàn nàn rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là nhập nhằng. Khi nói về khả năng dùng vũ lực, Mỹ cũng nhập nhằng. Họ không muốn người ta biết vũ lực sẽ được sử dụng khi nào, tại sao và ở đâu. Nhưng cũng đừng hoàn toàn bác bỏ khả năng ấy. Các nước cũng cần nhớ rằng khi chuyện xảy ra, cũng có thể Mỹ sẽ làm đúng như những gì họ đe dọa.
BBC: Nhưng ngay tại Philippines, chính giới đã từng yêu cầu Mỹ nói rõ có bảo vệ Philippines hay không nếu có xung đột ở vùng đảo tranh chấp. Kết quả đến nay không có câu trả lời rõ rệt.
Tiến sĩ Mark Valencia: Đúng vậy. Mỹ nói là sẽ cung cấp thiết bị, bán vũ khí, có thể là tin tình báo, rồi đào tạo. Nhưng Mỹ không cam kết gửi quân đội.
Lý do là vì các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau không thật sự có ý nghĩa với Mỹ. Điều có ý nghĩa với họ là cái gọi là “tự do đi lại”. Tôi dùng chữ “cái gọi là” với ý nghĩa rằng cái cụm từ “tự do đi lại” là theo cách diễn giải của Mỹ, một cách diễn giải gần như mang tính tuyệt đối.
Nếu Trung Quốc bắt đầu can thiệp theo cách mà Mỹ xem là xâm phạm tự do đi lại, thì có thể Mỹ sẽ có hành động. Nhưng điều đó khác với việc ủng hộ đòi hỏi của một nước về một hòn đảo nào đó.
BBC: Một số người ở Việt Nam đề cập mong muốn Việt Nam làm đồng minh của Mỹ hay Ấn Độ để đối chọi Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nghĩ thế nào?
"Người ta cần nghĩ về lâu dài, Việt Nam sẽ vẫn phải sống với Trung Quốc. Vì thế, theo tôi, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam giải quyết vấn đề trực tiếp với Trung Quốc, hơn là chơi “lá bài Mỹ”."
Tiến sĩ Mark Valencia: Đây là một câu hỏi khó. Sẽ tốt hơn nếu Việt Nam và Trung Quốc tự giải quyết với nhau. Nếu Việt Nam lại chơi “lá bài Mỹ”, Trung Quốc sẽ luôn nuôi cảm giác giận dữ.
Người ta cần nghĩ về lâu dài, Việt Nam sẽ vẫn phải sống với Trung Quốc. Vì thế, theo tôi, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam giải quyết vấn đề trực tiếp với Trung Quốc, hơn là chơi “lá bài Mỹ”.
Mặt trận thống nhất?
BBC: Về căn bản, đề xuất mới nhất của chính phủ Philippines là muốn một “mặt trận thống nhất” của Asean để thương lượng với Trung Quốc? Ông có nghĩ đến một “liên minh” Philippines – Việt Nam trong việc này?
Tiến sĩ Mark Valencia: Có hai khía cạnh quan trọng để điều này có thể xảy ra. Một là phản đối đường 9 đoạn. Thứ hai, các đảo xa và nhỏ trong vùng tranh chấp không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nếu hai nước đồng ý với nhau về hai điểm đó, nó sẽ gây khó cho Trung Quốc về mặt pháp lý.
Việc này cũng có rủi ro của nó. Trung Quốc có thể nói Luật biển LHQ hay luật quốc tế không áp dụng ở đây. Ta biết các cường quốc thường làm thế khi tình hình đi ngược lại quyền lợi của họ.
Và khi nói đến khả năng các nước có tranh chấp trong Asean đoàn kết, thì không hẳn dễ dàng. Malaysia và Philippines có vấn đề chung là tranh chấp đất Sabah. Thềm lục địa của Malaysia một phần dựa trên đường cơ sở tính từ Sabah. Philippines đã phản đối việc này lên LHQ vì Hiến pháp Philippines nói Sabah là của Philippines. Chừng nào việc này chưa giải quyết thì hai nước rất khó mà thống nhất với nhau.
BBC: Trung Quốc vẫn nói đến việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ông nghĩ thế nào về tính khả thi của nó?
Tiến sĩ Mark Valencia: Tôi không nghĩ là khả thi. Khi nói về việc cùng khai thác, Trung Quốc luôn nói chúng tôi dĩ nhiên muốn cùng khai thác miễn là các bạn công nhận chủ quyền của chúng tôi. Họ vừa nói vậy trong phòng họp.
Và các nước khác nói Không. Đây là thềm lục địa, là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho phép công ty của anh vào khảo sát dầu nhưng là trên cơ sở thương mại chứ không phải là khai thác chung vì các anh không có quyền ở đó.


bbc.co.uk
Cập nhật: 11:11 GMT - thứ hai, 17 tháng 10, 2011
GS Trần Sỹ Cầu
Ông Trần Sỹ Cầu phát biểu hai lần tại hội thảo Manila
Cựu quan chức ngoại giao và nay là giáo sư đại học Trung Quốc tái khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Trung Quốc tại hội thảo Biển Đông ở Manila.
Giáo sư Trần Sỹ Cầu, từng là người đứng đầu các phái đoàn chuyên gia Trung Quốc bàn về biển đảo với Việt Nam và Indonesia, nói Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) “không thể nào là nền tảng cho đòi hỏi lãnh thổ của một nước”.

UNCLOS “cũng không thể thay đổi vị thế pháp lý không tranh cãi của Trung Quốc trong việc có chủ quyền ở Nam Sa” [tên Trung Quốc đặt cho quần đảo Trường Sa].
Lập trường cứng rắn công khai của nhà ngoại giao kỳ cựu, từng là Đại sứ Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc, bị một học giả Việt Nam chỉ trích tại diễn đàn.
Đến lượt giáo sư Trần sau đó, trong tư cách thính giả, cũng đứng lên phê phán bài phát biểu của học giả Việt Nam tại phiên thuyết trình sống động ở Manila sáng thứ Hai 17/10.

‘Khả năng dùng vũ lực’

Giáo sư Trần Sỹ Cầu phát biểu: “Từ rất lâu, cả hơn một ngàn năm trước thập niên 1970, chẳng có cái gọi là tranh chấp chủ quyền với Nam Sa. Không có nghi ngờ gì quanh sự thật là Nam Sa, cùng Tây Sa [Hoàng Sa], Đông Sa, Trung Sa thuộc về Trung Quốc.”
“Không có nước nào quanh Nam Hải (Biển Đông) thách thức chủ quyền của Trung Quốc với Nam Sa và các vùng nước lân cận.”
“Chỉ bắt đầu từ thập niên 1970, khi dự trữ dầu hỏa và khí đốt được phát hiện ở Nam Hải, một số nước bắt đầu chiếm một phần các đảo và rặng san hô của Nam Sa và đòi chủ quyền, và thế là biến Nam Sa của Trung Quốc thành tranh chấp.”
Với giọng nói hùng hồn và vẻ mặt nghiêm nghị, người hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội Trung Quốc Nghiên cứu Nhân quyền, đọc cho cử tọa nghe “lịch sử” về “một phần không thể tách rời lãnh thổ Trung Quốc” liên quan khu vực mà nước ông gọi là Nam Sa.
Trong phần kết, ông đưa ra bốn kịch bản trong tương lai gần cho vùng Biển Đông.
Thứ nhất, ông nói về khả năng dùng vũ lực nhưng trấn an rằng “thời thế đã thay đổi. Nay các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.”
Thứ hai là tiếp tục “cãi nhau” để rồi rủi ro xảy ra xung đột là “rất cao”.
"Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) không thể nào là nền tảng cho đòi hỏi lãnh thổ của một nước."
GS Trần Sỹ Cầu, Trung Quốc
Thứ ba, học giả Trung Quốc nêu ra “giải pháp thông qua đối thoại trực tiếp và tham vấn bằng biện pháp hòa bình”. Có thể tóm tắt là các nước liên quan “cần chứng tỏ thành thật chính trị và linh động để tìm ra giải pháp cuối cùng mà hai bên chấp nhận được”.
Cuối cùng là kịch bản mà giáo sư Trung Quốc cho là khả thi nhất hiện nay. Vẫn dẫn lại khẩu hiệu Đặng Tiểu Bình “gác tranh chấp, cùng khai thác”, ông mời gọi các nước có những “dàn xếp tạm thời hay chuyển tiếp” để “không chỉ đem lại lợi ích cho mọi bên liên quan, mà tạo ra môi trường thuận lợi để giải quyết xung đột về lâu dài”.
Học giả Trung Quốc cũng không quên nhắc lại rằng không nên có “bên ngoài” tham gia, không nên “quốc tế hóa” vấn đề.
Ông Hasjim Djalal, cố vấn cao cấp cho Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, bình luận lời kêu gọi cùng khai thác chung đã có từ hơn một thập niên, nhưng câu hỏi căn bản vẫn là “ở đâu?”
Năm 1998, tại một hội thảo, ban đầu các bên tưởng đã đồng ý về dự định khai thác chung. Nhưng sau đó, ông Hasjim Djalal kể lại: “Có một nước đến bảo thôi không được, phần này lớn quá, nó lại thuộc về chúng tôi cơ mà. Thôi, để chúng tôi suy nghĩ thêm hai năm nữa, và rồi chẳng có gì xảy ra.”
Ông nói thêm tất cả những đề nghị “dễ để làm trước” kiểu như nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái…tại Biển Đông đều đã từng được nêu ra lâu rồi, nhưng các nước có quyết tâm chính trị hay không lại là chuyện khác.

Phản bác của học giả Việt Nam

Đến lượt mình phát biểu, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông tại Học viện Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội, nói thẳng Trung Quốc có chính sách Ba Không: Không nói rõ nội hàm của tuyên bố chủ quyền, Không đa phương hóa, Không quốc tế hóa.
Ông cũng châm biếm giáo sư Trần Sỹ Cầu: “Một số chuyên gia tự hỏi nếu Trung Quốc chứng minh được chủ quyền nhờ bằng chứng lịch sử, tại sao Trung Quốc không chấp nhận nhờ bên thứ ba giải quyết hay ra Tòa án Công lý ‎Quốc tế?”
Sau khi học giả Việt Nam hoàn tất bài nói, giáo sư Trần, ở tư cách thính giả, đứng lên không tán thành, nói rằng chính Trung Quốc đã góp phần làm giảm, chứ không làm tăng căng thẳng.
Có điều đặc biệt ông Trần là diễn giả duy nhất tại hội thảo có hai bài phát biểu, ở buổi sáng và chiều thứ Hai.
Sang buổi chiều, bài nói của ông Trần Sỹ Cầu được xếp ngay sau phần trình bày của nhà báo Barry Wain, người mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc.
Ông Trần phân bua ông không đến diễn đàn để “cãi nhau”.
Ông khẳng định Trung Quốc không chấp nhận quyền tài phán của Tòa án Công l‎ý Quốc tế và lại mời gọi các bên “ngồi lại nói chuyện với nhau”.
Việc ông cũng là người nhận được nhiều câu hỏi nhất từ thính giả cho thấy sự quan tâm của mọi người muốn biết Trung Quốc thực sự muốn gì.
Câu trả lời có lẽ vẫn là một sự “nhập nhằng chiến lược”, cho dù học giả Trần Sỹ Cầu bác bỏ cụm từ này mà nói ‎ rằng chẳng có sự nhập nhằng nào cả, vì Trung Quốc chỉ có thiện chí bỏ ngỏ khoảng trống để thương lượng mà thôi.

Bị cáo buộc lưu trữ thông bị đã xoá, Facebook sẽ bị phạt 138.000 USD

Thông tin công nghệ:

Theo The Guardian, trụ sở của Facebook tại CH Ai-len đang bị kiểm tra do lưu trữ các thông tin người dùng đã xóa. Nếu đúng sự thật, Facebook có thể sẽ bị phạt 138.000 USD.

Trường hợp này bắt đầu từ khi một sinh viên luật người Áo 24 tuổi, Max Schrems, yêu cầu Facebook trích xuất dữ liệu cá nhân cho anh ta vào tháng 6 vừa qua. Facebook sau đó đã gửi một CD với 1.200 trang dữ liệu, bao gồm tất cả lịch sử “like”, kết bạn, xóa bạn bè, thậm chí ngay cả nội dung trò chuyện.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi Schrems đã xóa một vài dữ liệu trước đó, tuy nhiên Facebook vẫn lưu trữ những dữ liệu này. Cậu sinh viên này sau đó đã tức giận và đâm 22 đơn kiện ra tòa án. Những đơn kiện xoay quanh việc Facebook lưu trữ các dữ liệu đã bị xóa, đi ngược lại với điều khoản của ông trùm mạng xã hội này.

Schrems cho biết, những bài viết đã bị xóa vẫn xuất hiện trong dữ liệu Facebook gửi về cho anh, nếu như những thông tin này bị lộ thì sẽ không tốt cho bản thân anh ta. Theo ZDNet, những đơn kiện này đã khiến Cục kiểm soát bảo vệ dữ liệu Ai-len (DPC) vào cuộc. DPC sẽ tiến hành kiểm tra các văn phòng của Facebook, trước thời điểm Giáng sinh.

Nếu như tìm thấy chứng cứ cho thấy Facebook vi phạm luật bảo vệ dữ liệu của Ai-len, rất có thể công ty này sẽ phải thay đổi cách lưu trữ dữ liệu cá nhân, hoặc đối diện với án phạt 138.000 USD. Trên thực tế, việc này trước hết sẽ làm mất uy tín của Facebook.

Mặt khác, theo Mark Zuckerberg, Facebook có lí do để lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng. Đơn cử như, nếu tài khoản gửi xóa tin nhắn, tin nhắn này vẫn xuất hiện bên hộp thư của tài khoản nhận, điều này gây khó khăn cho Facebook trong việc kiểm soát. Mặc dù cả hai bên đều có những lí lẽ cho riêng mình, hiện chưa rõ công lí sẽ thuộc về ai.

Liệu Facebook có phải thay đổi chính sách của mình một lần nữa?

Theo Mashabe

Nguyễn Tuấn Việt gửi vào Thứ bảy, 22 Tháng 10, 2011 - 10:05. Nguyễn Quốc Trung duyệt đăng. Cập nhật lần cuối vào ngày 22/10/2011 10:05.

Mỹ-Triều đạt thỏa thuận tìm kiếm hài cốt lính Mỹ

Vietnam+ (VietnamPlus)
22/10/2011 | 17:39:00

Tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ ở Triều Tiên. (Ảnh: Getty Images)
Ngày 21/10, chính quyền Mỹ cho biết họ đã đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên về nối lại các hoạt động tìm kiếm và trao trả hài cốt của binh sĩ Mỹ bỏ mạng trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên 1950-1953. Hoạt động này đã bị gián đoạn trong 6 năm qua.

Đây là kết quả cuộc họp 3 ngày tại Bangkok, Thái Lan giữa quan chức hai nước. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết vào năm 2012, các phái đoàn của Mỹ sẽ tới Triều Tiên để bắt đầu những nỗ lực tìm kiếm trong một khu vực trải dài khoảng 100km ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng và gần hồ nước Chosin-Jangjin, nơi hơn 2.000 lính bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ được cho là đã mất tích trong cuộc chiến tranh 1950-1953.

Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm những hài cốt lính Mỹ mất tích là một vấn đề nhân đạo, không liên quan đến bất cứ vấn đề nào giữa hai nước. Số liệu của bộ trên cho biết có khoảng 7.900 lính Mỹ đã mất tích trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Giới quan sát quốc tế nhận định thỏa thuận vừa đạt được này có thể giúp xoa dịu chút ít những căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên trong bối cảnh hai bên chuẩn bị tiến hành vòng đàm phán trực tiếp hiếm hoi thứ hai tại Geneva, Thụy Sĩ, dự kiến khai mạc vào đầu tuần tới, bàn về khả năng nối lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Thái Lan: “Giặc nước” còn hoành hành thêm 6 tuần nữa

Dân trí:
Thứ Bẩy, 22/10/2011 - 17:17

(Dân trí) - Thủ tướng Thái Lan Thái Lan Yingluck hôm nay cảnh báo rằng lũ lụt nghiêm trọng tại Thái Lan sẽ còn tiếp diễn từ 4-6 tuần nữa, trong khi số người thiệt mạng vì thảm hoạ thiên nhiên này đã tăng lên trên 350 và hơn 11.000 người phải đi sơ tán.
>> Bangkok mở các cổng ngăn lũ, người dân nín thở chờ đợi
Hàng chục phương tiện ngập trong nước lụt tại một khu vực công nghiệp ở ngoại ô Bangkok.
Bà Yingluck Shinawatra cũng cảnh báo người dân Bangkok hãy chuẩn bị đối phó với lũ lụt, miêu tả tình hình là “đặc biệt nghiêm trọng”.

Các trận mưa lớn trong 3 tháng qua đã khiến nhiều khu vực của Thái Lan bị ngập, cướp đi sinh mạng của 356 người.

Các khu vực ở miền bắc và trung ban đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, nhưng giờ đây nước lũ đang rút về phía nam, đe doạ Bangkok.

Bà Yingluck hôm qua đã đảm nhận sứ mệnh chỉ huy nhằm đối phó với lũ lụt. Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm nay, Thủ tướng đã yêu cầu người dân Bangkok di chuyển đồ đạc lên vị trí cách mặt đất ít nhất 1m.

“Bangkok phải mở tất cả các cửa xả để cho nước thoát ra biển. Vì thế, vào cuối tuần này, người dân phải di chuyển tất cả các tài sản có giá trị cách mặt đất ít nhất 1m.

Một lượng nước lớn sẽ chảy từ phía bắc xuống Bangkok. Vì các đê bao chỉ là tạm thời nên chúng ta không thể chặn nó mà chỉ có thể làm chậm dòng chảy”, bà nói.

Tại Bangkok, nước đang tiếp tục dâng cao, phá vỡ các đê bao tại các quận ở ngoại ô phía bắc thủ đô. Mặc dù trung tâm Bangkok vẫn khô ráo nhưng tình hình quanh thủ đô không khá lên chút nào.

Đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất tại Thái Lan kể từ năm 1942 và cuộc khủng hoảng này đang là một phép thử lớn đối với chính phủ non trẻ của bà Yingluck, người mới nhậm chức hồi tháng 7.

Lũ lụt đã gây thiệt hại hàng tỷ USD, khiến 11.000 người phải đi sớn và gần 700.000 người phải nghỉ việc tạm thời.

Nhưng ngành công nghiệp du lịch của Thái Lan cho tới nay hầu như không bị ảnh hưởng vì các hòn đảo nổi tiếng ở phía nam không bị lụt. Sân bay quốc tế chính tại Bangkok vẫn hoạt động bình thường vì các đê bao đã được gia cố.

An Bình
Theo AFP

Libya tiến hành khám nghiệm tử thi ông Gadhafi

Dân trí:
Thứ Bẩy, 22/10/2011 - 16:26

(Dân trí) - Một cuộc khám nghiệm tử thi xác của cựu lãnh đạo Gadhafi dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày hôm nay, tại thành phố Misrata. Trong khi đó có tin đồn ông Gadhafi có thể được hải táng.
>> Gia đình Gadhafi đòi xác, NATO kết thúc chiến sự
>> Libya trước sức ép minh bạch về cái cái chết của Gadhafi
>> Cái chết của Gadhafi tránh được một phiên tòa khó xử
>> Libya hoãn chôn cất ông Gadhafi vì bất đồng

Thi thể của ông Gadhafi, 69 tuổi, được để trần tới eo trong một phòng lạnh tại Misrata.

Kế hoạch chôn cất ông Gadhafi đã bị hoãn khi giới chức lâm thời không thống nhất được sẽ làm gì với thi thể của cựu lãnh đạo.

Liên hợp quốc và gia đình Đại tá Gadhafi đã kêu gọi một cuộc kiểm tra toàn diện về nguyên nhân cái chết của ông.

Hình ảnh video cho thấy Đại tá Gadhafi vẫn sống sau khi bị bắt tại Sirte vào ngày thứ năm nhưng ông đã chết ngay sau đó.

Mỹ đã kêu gọi giới chức trách mới ở Libya cung cấp đầy đủ thông tin về cái chết của Đại tá Gadhafi, với “thái độ cởi mở và minh bạch”.

Bác sỹ khám nghiệm tử thi ở Misrata, Othman al-Zintani, cho hay trên truyền hình al-Arabiya, cuộc khám nghiệm tử thi toàn diện sẽ được tiến hành trên xác của đại tá Gadhafi và con trai. Các cuộc khám nghiệm này dự kiến sẽ diễn ra vào hôm nay và sẽ mất nhiều tiếng.

Trong khi đó Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) dự kiến sẽ chính thức công bố giải phóng đất nước vào cuối tuần này.

NATO cũng cho biết sẽ chấm dứt chiến dịch tại Libya vào ngày 31/10.

Hàng trăm người Libya đã xếp hàng để có cơ hội nhìn thấy xác của Đại tá Gadhafi được để tại một phòng lạnh, trước kia dùng để chứa thịt, ở một khu chợ tại Misrata. Họ cũng tới xem cả xác của người con trai Mutassim Gadhafi, cũng được để ở đây sau khi bị giết vào hôm thứ năm.

Giới chức trách Libya, trong đó có Thủ tướng lâm thời Mahmoud Jibril, cũng đã tới xem các xác chết.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ali Tarhouni cho biết thi thể ông Gadhafi sẽ không được chôn cất ngay. “Tôi đã bảo họ để thi thể trong phòng lạnh vài ngày…để mọi người biết là ông ta đã chết”, ông nói.

Hiện chưa rõ liệu cựu lãnh đạo có được chôn ở Misrata, thành phố quê nhà Sirte, hay không.

Giới chức NTC cho hay họ sẽ tiến hành chôn cất bí mật. Cũng có tin đồn rằng ông có thể sẽ được hải táng, như với trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden, nhằm phòng trường hợp mộ chôn ông có thể biến thành đền thờ.

Vũ Quý

Theo BBC

Nữ sinh 13 tuổi giả con trai đại gia sàn chứng khoán

vnexpress.net
Thứ sáu, 21/10/2011, 12:14 GMT+7

Người giả danh con trai của ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch tập đoàn Vingroup) đi xe Limousine và 4 vệ sĩ "tỏ tình với thiếu nữ Sài Thành", sau đó quay clip và tung lên mạng vừa được xác định là cô bé học lớp 8.

Hình ảnh ghi lại từ clip "Con trai người giàu nhất sàn chứng khoán tỏ tình gây sốc”.
Ít ngày trước, trên mạng Internet xuất hiện clip tỏ tình được cho là của Phạm Nhật Hoàng - con trai ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2010.
Ngay lập tức, ông Phạm Nhật Vượng lên tiếng khẳng định nội dung trên sai sự thật; đồng thời gửi đơn đến lãnh đạo Tổng cục An ninh 2 Bộ Công an đề nghị điều tra vụ việc.
Cơ quan an ninh xác định nội dung trong clip là giả mạo. Con trai ông Vượng mới 11 tuổi, không phải là nhân vật trong clip. Người dàn dựng "kịch bản" này là một nữ sinh lớp 8 tại Hà Nội. Làm việc với cơ quan công an, cô gái cho biết lý do dựng clip giả con trai ông Vượng là để trêu đùa một hotgirl mà mình hâm mộ.
Cô nữ sinh lập nick chat là tony-scary, giả là Phạm Nhật Hoàng (con trai ông Phạm Nhật Vượng) làm quen với thiếu nữ; hẹn sẽ vào TP HCM gặp mặt.
Một sinh viên là giám đốc công ty truyền thông cũng đã mắc bẫy cô bé 13 tuổi này khi tài trợ vài chục triệu đồng để cô nữ sinh thực hiện "màn tỏ tình gây sốc với người đẹp".
Tại cơ quan an ninh, người tài trợ tiền cho biết, trên mạng Internet, anh làm quen với người có nick tony-scary và được giới thiệu là con trai của Chủ tịch tập đoàn Vingroup. “Tôi nghĩ giúp Hoàng để sau này có cơ hội được làm ăn với bố của anh ta”, vị giám đốc công ty truyền thông ở TP HCM giải thích.
Ngày 28/7, theo "đạo diễn" của tony-scary, anh ta huy động cả êkíp đến một quán café ở quận 1, Tp HCM để phục vụ việc tỏ tình gây sốc. Trong đó, cô học sinh lớp 8 đóng giả Phạm Nhật Hoàng, đi xe Limousine với 4 vệ sĩ tháp tùng đến tặng hoa với thiếu nữ Sài thành.
Để tránh bị phát hiện, Phạm Nhật Hoàng giả lấy cớ phải ra sân bay trở về Anh để sớm rời đi. Tất cả "vở kịch" chỉ diễn ra trong 2 phút. Theo yêu cầu của nữ sinh lớp 8, toàn bộ sự việc được quay lại, sau đó tung lên lên mạng với tiêu đề Con trai người giàu nhất sàn chứng khoán tỏ tình gây sốc”.
Theo nhà chức trách, việc mạo danh này đang được xử lý hành chính.
Xuân Ngọc

Băng bắn người, cướp gần 1.000 lượng vàng (Kỳ1 - Kỳ 8)

Trung Quốc đòi Philippines trả 25 tàu cá

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 21/10/2011, 12:53 (GMT+7)

TTO - Tân Hoa xã ngày 20-10 đưa tin Trung Quốc yêu cầu Philippines phải sớm trả 25 tàu cá nhỏ đã bị hải quân Philippines kéo đi sau vụ va chạm với một tàu lớn của Trung Quốc trên biển Đông.

Đáp lại, Philippines tuyên bố sẽ không xin lỗi vì vụ đụng độ, do tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Philippines.

Tàu chiến PS-74 của hải quân Philippines - Ảnh: Koreadefence

Vụ việc xảy ra ngày 18-10, khi tàu quân sự PS-74 của Philippines tuần tra khu vực bãi Cỏ Rong phát hiện một tàu đánh cá Trung Quốc đang kéo theo 25 tàu cá nhỏ không người điều khiển.

Khi tàu Philippines tới gần kiểm tra, thiết bị lái bị sự cố nên đâm vào tàu cá lớn của Trung Quốc. Chân vịt tàu Philippines bị mắc rối trong mớ dây neo của những tàu cá nhỏ. Sau đó, tàu lớn của Trung Quốc tách rời với các tàu nhỏ và quay đi. Còn tàu Philippines kéo theo 25 tàu bị bỏ lại về vịnh Hulugan gần đảo Palawan, phía tây Philippines.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 20-10: "Trung Quốc đã nêu rõ lập trường của mình đến Philippines. Chúng tôi yêu cầu Philippines trả lại tàu thuyền nhỏ của Trung Quốc vô điều kiện càng sớm càng tốt, cũng như xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan".

Bà Khương Du cho biết tàu cá lớn và các thủy thủ Trung Quốc vẫn an toàn, đồng thời khẳng định Trung Quốc có chủ quyền trên biển Đông và các vùng biển lân cận, nên ngư dân của họ hoàn toàn được quyền đánh cá. Bà Khương Du kết luận Philippines đã xâm phạm quyền lợi chính đáng của ngư dân Trung Quốc.

Hãng tin AP ngày 19-10 dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, ông Zosimo Paredes rằng hải quân nước này đã thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Manila về vụ tai nạn.

Tuy nhiên, trên báo The Star của Philippines hôm 20-10, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) khẳng định sẽ không xin lỗi vì sự cố va chạm, cho đó là điều không cần thiết. Ông Zosimo cũng khẳng định không có lời xin lỗi nào, "chỉ là một hành động ngoại giao". Nhiều ý kiến cho rằng Philippines không cần phải xin lỗi Trung Quốc vì Bộ trưởng ngoại giao Albert del Rosario đã khẳng định các tàu cá này khi đó đang ở trong vùng biển Philippines.

TẤN KHOA

Thủ tướng Thái: Bangkok không thể tránh khỏi lũ

Thanh Niên Online:

(TNO) Thủ tướng Thái Lan cảnh báo vào hôm nay, 20.10, rằng chính phủ không thể bảo vệ mọi khu vực của Bangkok tránh khỏi đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong hàng thập niên.

>> Bangkok báo động lũ ở ngoại thành
>> Bangkok chật vật chống lũ

Theo AFP, bà Yingluck Shinawatra mô tả tình hình lũ lụt tại Thái Lan là một “cuộc khủng hoảng quốc gia”. Bà Shinawatra cho biết chính phủ sẽ dẫn nước chảy qua thành phố tại những khu vực được chọn để giảm thiểu tác động.

“Chúng tôi càng chặn nước lũ thì mực nước càng dâng cao”, bà Shinawatra thừa nhận, “Chúng tôi cần những khu vực nước có thể chảy qua để hướng ra biển”.


Binh lính được triển khai để sơ tán người dân ở tỉnh Pathum Thani - Ảnh: Reuters

Chính phủ Thái vốn gia cố các tường chống lũ ở Bangkok trong nỗ lực nhằm ngăn lũ làm ngập lụt thành phố 12 triệu dân. Khu vực nội thành Bangkok cho đến nay đã thoát khỏi lũ lớn bởi giới chức đã dẫn nước đến những khu vực bên ngoài trung tâm thủ đô nhằm ngăn sông Chao Phraya phá bờ và làm ngập lụt trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, nỗ lực nhằm giữ cho thành phố đông đúc dân cư khô ráo trở nên phức tạo bởi đợt thủy triều dâng theo mùa.

“Nước lũ đang đến từ mọi hướng và chúng tôi không thể kiểm soát chúng vì đó là một lượng nước lớn. Chúng tôi sẽ cố gắng cảnh báo người dân”, bà Shinawatra nói.

Ba tháng mưa xối xả đã làm thiệt mạng 320 người, hủy hoại nhà cửa và phương kế sinh nhai của hàng triệu người, phần lớn tập trung tại miền bắc và miền trung Thái Lan, và buộc hàng chục ngàn người phải tìm nơi trú ẩn.

Hiện có khoảng 1/3 số tỉnh của Thái Lan bị ảnh hưởng bởi đợt lũ.

Các chính trị gia thuộc đảng Dân chủ đối lập vốn kêu gọi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm soát người dân và ngăn cản họ phá đê để hạ mực nước tại khu vực sinh sống.

Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra, người thuộc đảng Dân chủ đối lập, vào hôm 19.10, đã cảnh báo rằng bảy quận ở phía bắc và phía đông Bangkok có nguy cơ ngập lụt vì một con đê vỡ.

Ông khuyên các cư dân tại những khu vực này hãy ngắt các thiết bị điện, chuyển đồ đạc lên nơi cao và nghiên cứu kế hoạch sơ tán của thành phố, nói rằng họ có 24 giờ để chuẩn bị cho khả năng ngập lụt.

Sơn Duân

Tổ chức ân xá quốc tế kêu gọi điều tra cái chết của Gadhafi

Dân trí:
Thứ Sáu, 21/10/2011 - 16:15

(Dân trí) - Tổ chức ân xá quốc tế hôm nay đã kêu gọi binh sỹ thuộc chính quyền mới công khai sự thật đầy đủ về việc ông Gadhafi đã chết như thế nào và cho rằng tất cả thành viên của chính quyền cũ phải được đối xử nhân đạo.

Thi thể của ông Gadhafi trong một ngôi nhà ở Misrata.

Đã có thông tin mập mờ và đôi khi là trái ngược nhau về việc cựu lãnh đạo Libya Gadhafi đã bị bắt như thế nào.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London trên cho rằng cần phải tiến hành “một cuộc điều tra độc lập, đầy đủ và công bằng để hiểu rõ hoàn cảnh cái chết của Đại tá Gadhafi”. Và sự thật về cái chết của ông Gadhafi phải được công bố cho người dân Libya biết.

Tổ chức ân xá cũng kêu gọi “nhiều quan chức Libya” bị tình nghi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng “trong và trước cuộc nổi dậy năm nay” phải được đưa ra công lý.

Tổ chức này còn cho biết thêm các nhà lãnh đạo mới Libya “phải đoạn tuyệt hoàn toàn với văn hóa lạm dụng” dưới thời ông Gadhafi và bắt đầu cuộc cải cách về nhân quyền mà nước này đang rất cần.

Ân xá quốc tế kêu gọi Hội đồng chuyển tiếp quốc gia phải đảm bảo rằng tấ cả những người bị tình nghi lạm dụng nhân quyền và phạm tội ác chiến tranh, trong đó có những người thuộc chính quyền của ông Gadhafi và gia đình ông, phải được đối xử nhân đạo và nếu bị bắt phải được xét xử công bằng.

Cựu lãnh đạo Libya Gadhafi đã bị bắt và sau đó bị bắn chết. Từ hôm qua đã xuất hiện đoạn video cho thấy ông Gadhafi với áo ướt sũng máu bị kéo lê trên đường phố.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau cái chết của ông Gadhafi, Thủ tướng lâm thời Libya Jibril cho biết ông Gadhafi bị chết là do trúng đạn khi xảy ra giao tranh giữa những người bắt giữ và những người trung thành với ông.

Đại sứ Libya Aujali tại Washington cũng cho biết Hội đồng chuyển tiếp quốc gia và người dân Libya muốn ông Gadhafi bị bắt sống để trả lời cho những “tội ác của ông”. Trong một đoạn video quay ở hiện trường, có thể nghe rõ giọng của một người: “Không, không, chúng tôi muốn ông ấy sống, chúng tôi muốn ông ấy sống”.

Phan Anh

Tổng hợp

Mê man đưa hơn 120 lượng vàng cho kẻ cướp!

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 21/10/2011, 13:46 (GMT+7)

TTO - Khoảng 10g20 sáng nay (21-10), tại tiệm vàng Tín Huy (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã xảy ra vụ mất vàng và tiền mặt hi hữu: chủ tiệm vàng tự lấy vàng trong tủ trưng bày bán đưa cho kẻ cướp!

Người dân hiếu kỳ đến xem sự vụ - Ảnh: Tr.Giang

Phần lớn nữ trang trưng bày trị giá trên 4 tỉ đồng đã bị mất - Ảnh: Tr.Giang

Điều đáng nói là tại thời điểm xảy ra vụ cướp, có rất nhiều người trong nhà nạn nhân, tuy nhiên mọi người lại không hề hay biết, do chỉ có một mình bà chủ tiệm Nguyễn Thị Thúy đứng bán bên ngoài.

Theo lời kể của người nhà chủ tiệm vàng, kẻ thực hiện vụ cướp tiệm vàng là một thanh niên, mặc áo thun xanh dài tay, đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm.

Lực lượng công an đang điều tra sự việc qua camera an ninh của cửa tiệm - Ảnh: Tr.Giang

Bốn camera an ninh của tiệm vàng quay lại thời điểm người thanh niên này vào tiệm vàng cho thấy chủ tiệm vàng là bà Nguyễn Thị Thúy (41 tuổi) đã lần lượt cho vàng và nữ trang vào túi và đưa cho anh ta, không có hành động trấn áp hay xô xát gây mất trật tự gì xảy ra.

Sau đó anh ta bỏ đi. Do đối tượng ngụy trang quá kín nên không thể nhận dạng.

Anh Trịnh Phú Vĩ - thợ kim hoàn của tiệm vàng - cho biết: “Thấy anh ta đứng trước quầy trao đổi với chị Thúy bình thường, tui tưởng là khách mua vàng nên không để ý. Nhưng khi anh ta bỏ đi, thấy chị Thúy bỗng ngất xỉu và số vàng biến mất nên gọi người nhà đến chăm sóc chị Thúy và báo công an”.

Theo anh Vĩ, sự việc xảy ra trong khoảng 15 phút, người thanh niên dùng túi cho các loại đồ nữ trang như: lắc vàng, khuyên tai, nhẫn, giá trị vàng và tiền bị mất ước gần 4 tỉ đồng.

Còn bà Thúy sau khi tỉnh lại cho biết: Ban đầu người thanh niên vào hỏi mua 5 chỉ vàng, bà đưa vàng và người đó đưa tiền. “Tiếp theo tui như mê sảng hốt lần lượt sáu khay vàng với khoảng 100 lượng bỏ vào bao, đồng thời mở két sắt lấy số tiền mặt trên 1 tỉ đồng và đưa luôn cho anh ta mà không ý thức được gì” - bà Thúy khóc nức nở cho biết.

Người dân hiếu kỳ tụ tập trước tiệm vàng Tín Huy - Ảnh: Tr.Giang

Theo nhận định ban đầu của phó trưởng Công an huyện Bình Sơn Võ Văn Náo, có thể do bà Thúy đã bị đánh thuốc mê, làm mất khả năng nhận thức nên cứ thế hành động theo chỉ dẫn của đối tượng đó.

Trao đổi với Tuổi Trẻ trưa 21-10, ông Phan Thanh Phương, đội trưởng Đội cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Sơn, cho biết theo nhận định, đối tượng gây ra vụ cướp này đã theo dõi tiệm vàng này rất kỹ. Khi thấy tiệm vàng chỉ có một người đứng bán nên đã vào và dùng thuật thôi miên để chủ tiệm vàng tự động lấy nữ trang đưa cho.

Mặc dù tiệm vàng có camera theo dõi, nhưng không thấy được mặt người gây ra vụ cướp, do người đó đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang che kín cả mặt.

Hiện Công an huyện Bình Sơn đang khám nghiệm hiện trường, cùng Công an tỉnh Quảng Ngãi khoanh vùng và truy tìm kẻ gây ra vụ cướp trên.

TRÀ GIANG - TRÀ MINH

Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
(1)
Cần có qui định điều kiện về an ninh cho các cơ sở kinh doanh vàng
21/10/2011 4:20:47 CH
Đọc báo gần đây tôi thấy liên tục sảy ra các tiệm cướp, trộm tiệm vàng, nhưng không hiểu sao các cơ sở kinh doanh vàng lại không làm mọi cách để bảo đảm an toàn cho tài sản, tính mạng của mình. Nếu tiệm vàng này có lực lượng bảo vệ vòng ngoài thì chắc không có vụ cướp này sảy ra một cách "hi hữu" như thế này. Thiết nghĩ rằng, để tránh các thiệt hại cho các tiệm vàng và cho cả xã hội nữa, nhà nước nên qui định các điều khoản về an ninh và bắt buộc các tiệm vàng phải thực hiện, coi như là một ngành nghề kinh doanh phải có điều kiện đảm bảo về an ninh, các cơ quan hữu quan phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở thậm chí là xử phạt để không sảy ra những vụ án "đau lòng", chấn động dư luận.
Thanh Trung