Biển Đông trong chuyến thăm TQ của Tổng bí thư

VietNamNet
Cập nhật 17/10/2011 05:10:00 AM (GMT+7)
- Cuộc hội đàm quan trọng, cùng với một phiên họp riêng rẽ, diễn tại Bắc Kinh tuần qua giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, cùng các thành viên cao cấp của Đảng, Chính phủ hai nước, lần đầu tiên đã đưa ra những quan điểm mang tinh thần dứt điểm giải quyết các vấn đề tồn đọng trên biển giữa hai nước.

Nhận định vấn đề Biển Đông “không phải là toàn cục quan hệ Việt - Trung, nhưng là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp đối với cả hai Đảng, hai nước, vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia dân tộc”, hai nhà lãnh đạo cấp cao hai Đảng đã khẳng định “đây là vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được” nếu xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước.

Hai bên đã nhất trí “bình tĩnh giải quyết trên tinh thần nhìn từ tầm cao chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc và không để các vấn đề đó ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước”.

Đáng chú ý, hai bên đã ký bản Thỏa thuận quan trọng gồm 6 điểm về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ảnh: VOV

Các vấn đề trên biển từ lâu là một trong 3 vấn đề lớn, nhạy cảm do lịch sử để lại trong quan hệ song phương Việt -Trung và là vấn đề cuối cùng tồn tại, có nhiều khó khăn nhất mà hai bên cần giải quyết.

Cho đến trước chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ 11 đến 15/10), truyền thông nước ngoài trong một thời gian đã đưa ra những phỏng đoán xoay quanh vấn đề này theo những màu sắc nhận định khác biệt. Do đã chứng kiến những diễn biến thăng trầm, có lúc khá căng thẳng, giữa hai nước trong vấn đề này, đặc biệt từ đầu năm trở lại đây.

Trong bối cảnh diễn biến thời gian qua, cuộc hội đàm ở Bắc Kinh diễn ra vào thời điểm cần thiết, cho thấy đã đến lúc hai bên cần nhìn nhận thẳng thắn, dứt điểm tìm ra các giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Với mong muốn tìm ra một giải pháp ‘‘thỏa đáng, có lý, có tình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước”, bản Thỏa thuận 6 điểm được hai bên mô tả có ý nghĩa quan trọng nhằm “chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển”.

Nó cho thấy những nỗ lực khai thông vấn đề của hai phía, thể hiện cam kết kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị để xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển và làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình hữu nghị và hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Dựa trên bản Thỏa thuận 6 điểm, hai bên sẽ đẩy mạnh đàm phán vấn đề trên biển, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực trao đổi tìm kiếm giải pháp có tính quá độ, tạm thời, không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển…

Hai bên khẳng định căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển, cam kết thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC)…

Có hai vấn đề từng không kém phần nhạy cảm và phức tạp trong lịch sử quan hệ Việt - Trung là phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ, song cả hai đều đã được giải quyết xong.

Thỏa thuận 6 điểm chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ là bước đầu của quá trình tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai nước.

Như hai nhà lãnh đạo khẳng định: Nếu hai bên xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế thì hoàn toàn có thể tìm ra được một giải pháp thỏa đáng.

Trong Tuyên bố chung, hai bên cũng khẳng định nhất trí tăng cường hơn nữa “sự tin cậy chiến lược”, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước.

Nét nổi bật chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư:

• Là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, không lâu sau khi ông được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành Đảng khóa XI. Trung Quốc là đối tác lớn ngoài khu vực ASEAN truyền thống đầu tiên mà ông thăm chính thức.

• Ký kết 6 văn kiện quan trọng, trong đó có hợp tác giữa hai Đảng trong 5 năm tới, thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước, quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế - thương mại, các thỏa thuận trao đổi giáo dục, nghị định thư về vận tải ôtô.

• Hai bên chính thức khai thông đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

• “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” được ký kết nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được đối với vấn đề trên biển, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển của hai nước Việt Nam, Trung Quốc, góp phần vào hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

• Tuyên bố chung 8 điểm thể hiện những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về quan hệ hai Đảng, hai nước và những định hướng lớn để phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.

Linh Thư

Việt - Trung giữ gìn hòa bình Biển Đông
Ngày 15/10, tại thủ đô Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Việt-Trung ký thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề Biển Đông
Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
‘Hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề Biển Đông’
Nhận định Biển Đông là vấn đề “hết sức nhạy cảm, phức tạp”, hai nhà lãnh đạo cấp cao Việt-Trung khẳng định “hoàn toàn có thể giải quyết được”, nếu xuất phát từ lợi ích nhân dân hai nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét