VN 'không nên chơi lá bài Mỹ'

Cập nhật: 10:01 GMT - thứ tư, 19 tháng 10, 2011
Tiến sĩ Mark Valencia
Tiến sĩ Mark Valencia cho rằng có tiến bộ trong các trao đổi về tranh chấp Biển Đông
Một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về tranh chấp Biển Đông cho rằng gần đây đã có những trao đổi thẳng thắn hơn về cuộc tranh chấp chủ quyền.
Tiến sĩ Mark Valencia, hiện làm tại Văn phòng nghiên cứu Quốc gia về châu Á (National Bureau of Asian Research) ở Mỹ, trả lời BBC Việt ngữ bên lề hội thảo Biển Đông tại Manila hôm 16/10.

Trước việc dồn dập nhiều hội thảo gần đây bàn về chủ đề này, nhà nghiên cứu từng có khoảng 200 bài báo về chính sách biển đảo, nhận xét đã có tiến bộ trong cuộc tranh luận.
Tiến sĩ Mark Valencia: Một số hội thảo, như cuộc gặp lần này, tập hợp được những nhân vật “phù hợp”. Đó là những người tương đối cởi mở để khảo sát những ý tưởng và lựa chọn khác, cho dù họ ở đây thay mặt đất nước mình.
Trong nhiều năm, tại nhiều hội thảo, có những vấn đề chỉ là dịp để người tham dự nhắc lại quan điểm quốc gia mà thôi. Nay chúng ta bắt đầu chỉ ra các vấn đề. Một trong số đó là đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định nó, hay nhượng bộ, hay sẽ giải thích rõ hơn?
Một số nước như Philippines và Việt Nam thì đã đề ra những đòi hỏi phù hợp hơn với Luật biển quốc tế. Đó là bước tiến lớn.
Nhìn thì có vẻ tốc độ rùa bò, nhưng thực ra có tiến bộ cụ thể.
"Nếu Trung Quốc bắt đầu can thiệp theo cách mà Mỹ xem là xâm phạm tự do đi lại, thì có thể Mỹ sẽ có hành động. Nhưng điều đó khác với việc ủng hộ đòi hỏi của một nước về một hòn đảo nào đó."
Ngoài ra, sự can dự của Mỹ cũng làm tình hình dịch chuyển. Dĩ nhiên không có nghĩa là sự can dự đó sẽ hoàn toàn tích cực.
BBC: Nói về vai trò của Mỹ, không ít người cho rằng nếu xảy ra xung đột thực sự, Mỹ sẽ chẳng làm gì cụ thể cả?
Tiến sĩ Mark Valencia: Ở đây có sự nhập nhằng. Nhiều người phàn nàn rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là nhập nhằng. Khi nói về khả năng dùng vũ lực, Mỹ cũng nhập nhằng. Họ không muốn người ta biết vũ lực sẽ được sử dụng khi nào, tại sao và ở đâu. Nhưng cũng đừng hoàn toàn bác bỏ khả năng ấy. Các nước cũng cần nhớ rằng khi chuyện xảy ra, cũng có thể Mỹ sẽ làm đúng như những gì họ đe dọa.
BBC: Nhưng ngay tại Philippines, chính giới đã từng yêu cầu Mỹ nói rõ có bảo vệ Philippines hay không nếu có xung đột ở vùng đảo tranh chấp. Kết quả đến nay không có câu trả lời rõ rệt.
Tiến sĩ Mark Valencia: Đúng vậy. Mỹ nói là sẽ cung cấp thiết bị, bán vũ khí, có thể là tin tình báo, rồi đào tạo. Nhưng Mỹ không cam kết gửi quân đội.
Lý do là vì các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau không thật sự có ý nghĩa với Mỹ. Điều có ý nghĩa với họ là cái gọi là “tự do đi lại”. Tôi dùng chữ “cái gọi là” với ý nghĩa rằng cái cụm từ “tự do đi lại” là theo cách diễn giải của Mỹ, một cách diễn giải gần như mang tính tuyệt đối.
Nếu Trung Quốc bắt đầu can thiệp theo cách mà Mỹ xem là xâm phạm tự do đi lại, thì có thể Mỹ sẽ có hành động. Nhưng điều đó khác với việc ủng hộ đòi hỏi của một nước về một hòn đảo nào đó.
BBC: Một số người ở Việt Nam đề cập mong muốn Việt Nam làm đồng minh của Mỹ hay Ấn Độ để đối chọi Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nghĩ thế nào?
"Người ta cần nghĩ về lâu dài, Việt Nam sẽ vẫn phải sống với Trung Quốc. Vì thế, theo tôi, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam giải quyết vấn đề trực tiếp với Trung Quốc, hơn là chơi “lá bài Mỹ”."
Tiến sĩ Mark Valencia: Đây là một câu hỏi khó. Sẽ tốt hơn nếu Việt Nam và Trung Quốc tự giải quyết với nhau. Nếu Việt Nam lại chơi “lá bài Mỹ”, Trung Quốc sẽ luôn nuôi cảm giác giận dữ.
Người ta cần nghĩ về lâu dài, Việt Nam sẽ vẫn phải sống với Trung Quốc. Vì thế, theo tôi, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam giải quyết vấn đề trực tiếp với Trung Quốc, hơn là chơi “lá bài Mỹ”.
Mặt trận thống nhất?
BBC: Về căn bản, đề xuất mới nhất của chính phủ Philippines là muốn một “mặt trận thống nhất” của Asean để thương lượng với Trung Quốc? Ông có nghĩ đến một “liên minh” Philippines – Việt Nam trong việc này?
Tiến sĩ Mark Valencia: Có hai khía cạnh quan trọng để điều này có thể xảy ra. Một là phản đối đường 9 đoạn. Thứ hai, các đảo xa và nhỏ trong vùng tranh chấp không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nếu hai nước đồng ý với nhau về hai điểm đó, nó sẽ gây khó cho Trung Quốc về mặt pháp lý.
Việc này cũng có rủi ro của nó. Trung Quốc có thể nói Luật biển LHQ hay luật quốc tế không áp dụng ở đây. Ta biết các cường quốc thường làm thế khi tình hình đi ngược lại quyền lợi của họ.
Và khi nói đến khả năng các nước có tranh chấp trong Asean đoàn kết, thì không hẳn dễ dàng. Malaysia và Philippines có vấn đề chung là tranh chấp đất Sabah. Thềm lục địa của Malaysia một phần dựa trên đường cơ sở tính từ Sabah. Philippines đã phản đối việc này lên LHQ vì Hiến pháp Philippines nói Sabah là của Philippines. Chừng nào việc này chưa giải quyết thì hai nước rất khó mà thống nhất với nhau.
BBC: Trung Quốc vẫn nói đến việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ông nghĩ thế nào về tính khả thi của nó?
Tiến sĩ Mark Valencia: Tôi không nghĩ là khả thi. Khi nói về việc cùng khai thác, Trung Quốc luôn nói chúng tôi dĩ nhiên muốn cùng khai thác miễn là các bạn công nhận chủ quyền của chúng tôi. Họ vừa nói vậy trong phòng họp.
Và các nước khác nói Không. Đây là thềm lục địa, là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho phép công ty của anh vào khảo sát dầu nhưng là trên cơ sở thương mại chứ không phải là khai thác chung vì các anh không có quyền ở đó.


bbc.co.uk
Cập nhật: 11:11 GMT - thứ hai, 17 tháng 10, 2011
GS Trần Sỹ Cầu
Ông Trần Sỹ Cầu phát biểu hai lần tại hội thảo Manila
Cựu quan chức ngoại giao và nay là giáo sư đại học Trung Quốc tái khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Trung Quốc tại hội thảo Biển Đông ở Manila.
Giáo sư Trần Sỹ Cầu, từng là người đứng đầu các phái đoàn chuyên gia Trung Quốc bàn về biển đảo với Việt Nam và Indonesia, nói Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) “không thể nào là nền tảng cho đòi hỏi lãnh thổ của một nước”.

UNCLOS “cũng không thể thay đổi vị thế pháp lý không tranh cãi của Trung Quốc trong việc có chủ quyền ở Nam Sa” [tên Trung Quốc đặt cho quần đảo Trường Sa].
Lập trường cứng rắn công khai của nhà ngoại giao kỳ cựu, từng là Đại sứ Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc, bị một học giả Việt Nam chỉ trích tại diễn đàn.
Đến lượt giáo sư Trần sau đó, trong tư cách thính giả, cũng đứng lên phê phán bài phát biểu của học giả Việt Nam tại phiên thuyết trình sống động ở Manila sáng thứ Hai 17/10.

‘Khả năng dùng vũ lực’

Giáo sư Trần Sỹ Cầu phát biểu: “Từ rất lâu, cả hơn một ngàn năm trước thập niên 1970, chẳng có cái gọi là tranh chấp chủ quyền với Nam Sa. Không có nghi ngờ gì quanh sự thật là Nam Sa, cùng Tây Sa [Hoàng Sa], Đông Sa, Trung Sa thuộc về Trung Quốc.”
“Không có nước nào quanh Nam Hải (Biển Đông) thách thức chủ quyền của Trung Quốc với Nam Sa và các vùng nước lân cận.”
“Chỉ bắt đầu từ thập niên 1970, khi dự trữ dầu hỏa và khí đốt được phát hiện ở Nam Hải, một số nước bắt đầu chiếm một phần các đảo và rặng san hô của Nam Sa và đòi chủ quyền, và thế là biến Nam Sa của Trung Quốc thành tranh chấp.”
Với giọng nói hùng hồn và vẻ mặt nghiêm nghị, người hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội Trung Quốc Nghiên cứu Nhân quyền, đọc cho cử tọa nghe “lịch sử” về “một phần không thể tách rời lãnh thổ Trung Quốc” liên quan khu vực mà nước ông gọi là Nam Sa.
Trong phần kết, ông đưa ra bốn kịch bản trong tương lai gần cho vùng Biển Đông.
Thứ nhất, ông nói về khả năng dùng vũ lực nhưng trấn an rằng “thời thế đã thay đổi. Nay các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.”
Thứ hai là tiếp tục “cãi nhau” để rồi rủi ro xảy ra xung đột là “rất cao”.
"Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) không thể nào là nền tảng cho đòi hỏi lãnh thổ của một nước."
GS Trần Sỹ Cầu, Trung Quốc
Thứ ba, học giả Trung Quốc nêu ra “giải pháp thông qua đối thoại trực tiếp và tham vấn bằng biện pháp hòa bình”. Có thể tóm tắt là các nước liên quan “cần chứng tỏ thành thật chính trị và linh động để tìm ra giải pháp cuối cùng mà hai bên chấp nhận được”.
Cuối cùng là kịch bản mà giáo sư Trung Quốc cho là khả thi nhất hiện nay. Vẫn dẫn lại khẩu hiệu Đặng Tiểu Bình “gác tranh chấp, cùng khai thác”, ông mời gọi các nước có những “dàn xếp tạm thời hay chuyển tiếp” để “không chỉ đem lại lợi ích cho mọi bên liên quan, mà tạo ra môi trường thuận lợi để giải quyết xung đột về lâu dài”.
Học giả Trung Quốc cũng không quên nhắc lại rằng không nên có “bên ngoài” tham gia, không nên “quốc tế hóa” vấn đề.
Ông Hasjim Djalal, cố vấn cao cấp cho Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, bình luận lời kêu gọi cùng khai thác chung đã có từ hơn một thập niên, nhưng câu hỏi căn bản vẫn là “ở đâu?”
Năm 1998, tại một hội thảo, ban đầu các bên tưởng đã đồng ý về dự định khai thác chung. Nhưng sau đó, ông Hasjim Djalal kể lại: “Có một nước đến bảo thôi không được, phần này lớn quá, nó lại thuộc về chúng tôi cơ mà. Thôi, để chúng tôi suy nghĩ thêm hai năm nữa, và rồi chẳng có gì xảy ra.”
Ông nói thêm tất cả những đề nghị “dễ để làm trước” kiểu như nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái…tại Biển Đông đều đã từng được nêu ra lâu rồi, nhưng các nước có quyết tâm chính trị hay không lại là chuyện khác.

Phản bác của học giả Việt Nam

Đến lượt mình phát biểu, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông tại Học viện Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội, nói thẳng Trung Quốc có chính sách Ba Không: Không nói rõ nội hàm của tuyên bố chủ quyền, Không đa phương hóa, Không quốc tế hóa.
Ông cũng châm biếm giáo sư Trần Sỹ Cầu: “Một số chuyên gia tự hỏi nếu Trung Quốc chứng minh được chủ quyền nhờ bằng chứng lịch sử, tại sao Trung Quốc không chấp nhận nhờ bên thứ ba giải quyết hay ra Tòa án Công lý ‎Quốc tế?”
Sau khi học giả Việt Nam hoàn tất bài nói, giáo sư Trần, ở tư cách thính giả, đứng lên không tán thành, nói rằng chính Trung Quốc đã góp phần làm giảm, chứ không làm tăng căng thẳng.
Có điều đặc biệt ông Trần là diễn giả duy nhất tại hội thảo có hai bài phát biểu, ở buổi sáng và chiều thứ Hai.
Sang buổi chiều, bài nói của ông Trần Sỹ Cầu được xếp ngay sau phần trình bày của nhà báo Barry Wain, người mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc.
Ông Trần phân bua ông không đến diễn đàn để “cãi nhau”.
Ông khẳng định Trung Quốc không chấp nhận quyền tài phán của Tòa án Công l‎ý Quốc tế và lại mời gọi các bên “ngồi lại nói chuyện với nhau”.
Việc ông cũng là người nhận được nhiều câu hỏi nhất từ thính giả cho thấy sự quan tâm của mọi người muốn biết Trung Quốc thực sự muốn gì.
Câu trả lời có lẽ vẫn là một sự “nhập nhằng chiến lược”, cho dù học giả Trần Sỹ Cầu bác bỏ cụm từ này mà nói ‎ rằng chẳng có sự nhập nhằng nào cả, vì Trung Quốc chỉ có thiện chí bỏ ngỏ khoảng trống để thương lượng mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét