Tiền Việt Nam và cách nhận biết

CAND.COM:
Tiền Việt Nam và cách nhận biết (Kỳ I)
10:21, 08/12/2010










Tiền giả là vấn nạn mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Để phòng ngừa tiền giả, người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cục Phát hành và Kho quỹ) tiếp tục phát hành tài liệu "Tiền Việt Nam và cách nhận biết" nhằm hướng dẫn người tiêu dùng cách kiểm tra, nhận biết tiền thật/tiền giả; và thông tin về quy định của pháp luật trong phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam.

Bắt đầu từ số báo này, Báo CAND sẽ đăng nội dung của cuốn tài liệu "Tiền Việt Nam và cách nhận biết" lần lượt trong 6 kỳ liên tiếp.

Tiền Polymer Việt Nam

1. Nội dung cơ bản

Mặt trước: Hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quốc huy; dòng chữ "CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM"; mệnh giá bằng số và bằng chữ; hoa văn trang trí.

Mặt sau: Dòng chữ "NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM"; mệnh giá bằng số và bằng chữ; phong cảnh hoặc công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa; hoa văn trang trí.

2. Các đặc điểm bảo an cơ bản

(1) Hình bóng chìm;

(2) Dây bảo hiểm;

(3) Hình định vị;

(4) Yếu tố in lõm (nét in nổi);

(5) Mực đổi màu - OVI (Mệnh giá 100.000đ, 200.000đ và 500.000đ);

(6) Hình ẩn nổi (Mệnh giá 10.000đ, 20.000đ, 50.000đ và 200.000đ);

(7) IRIODIN (dải màu vàng lấp lánh);

(8) Cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi;

(9) Cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn - DOE (Mệnh giá 50.000đ, 100.000đ, 200.000đ và 500.000đ);

(10) Mảng chữ siêu nhỏ;

(11) Mực không màu phát quang khi soi dưới đèn cực tím;

(12) Số sêri phát quang khi soi dưới đèn cực tím;

Lưu ý: Mệnh giá khác nhau có thiết kế đặc điểm bảo an khác nhau về vị trí, hình dạng. Ví dụ: cửa sổ lớn ở mệnh giá 500.000đ có hình hoa sen cách điệu, ở mệnh giá 100.000đ có hình bút lông trên nghiên mực.

Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, người tiêu dùng cần kiểm tra các yếu tố bảo an theo các bước:

(1) Soi tờ bạc trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị);

(2) Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm);

(3) Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, hình ẩn nổi);

(4) Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn);

(5) Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).

Lưu ý: Phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để khẳng định tờ bạc là tiền thật hay tiền giả.

Các tổ chức, cá nhân có thể tìm hiểu thông tin về tiền Việt Nam tại website của Ngân hàng Nhà nước: http://www.sbv.gov.vn, mục Tiền Việt Nam; hoặc liên hệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cục Phát hành và Kho quỹ), địa chỉ: 49 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Điện thoại: 04.38247467.

(xem tiếp kỳ sau)


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tiền Việt Nam và cách nhận biết (Kỳ II)
9:14, 09/12/2010










I. Soi tờ bạc trước nguồn sáng (Kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị)

>> Tiền Việt Nam và cách nhận biết

1. Hình bóng chìm: nhìn thấy rõ từ hai mặt, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo, sáng trắng.

2. Dây bảo hiểm: nhìn thấy rõ từ hai mặt, chạy dọc tờ bạc, có cụm số mệnh giá và chữ "NHNNVN" (hoặc "VND" - mệnh giá 10.000đ) tinh xảo, sáng trắng.

Ở mệnh giá 50.000đ, dây bảo hiểm ngắt quãng, có cụm số "50000".

3. Hình định vị: hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau (nhìn thấy từ hai mặt).

Ở tiền giả: hình bóng chìm không tinh xảo. Các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét; một số trường hợp không có yếu tố này. Hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.


Cảnh giác với thủ đoạn tiêu thụ tiền giả

Bọn tội phạm thường dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hoá có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giá nhỏ để được trả lại bằng tiền thật. Hành vi tiêu thụ này thường nhằm vào những người buôn bán nhỏ, người già cả, nhất là ở các vùng nông thôn, nơi vắng người hay nơi dễ tẩu thoát khi bị phát hiện.

Từ 20.000 đến 500.000 và 10.000.
Dây bảo hiểm và hình định vị.

Hình phạt đối với tội phạm tiền giả

Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì tuỳ theo mức độ phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến hai mươi năm tù hoặc chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. (Điều 180, Bộ luật Hình sự và Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự)

(xem tiếp kỳ sau)


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tiền Việt Nam và cách nhận biết (Kỳ III)
2:21, 10/12/2010










II. Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm)
Vuốt nhẹ tờ bạc ở các yếu tố in lõm sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in.

>> Tiền Việt Nam và cách nhận biết (Kỳ II)

- Ở mặt trước (Tất cả các mệnh giá):

+ Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh;

+ Quốc huy;

+ Mệnh giá bằng số và bằng chữ;

+ Dòng chữ "CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM".

- Ở mặt sau (Mệnh giá 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ):

+ Dòng chữ "NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM";

+ Mệnh giá bằng số và bằng chữ;

+ Phong cảnh.

Ở tiền giả: vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, không phải do độ nổi của nét in.

Cảnh giác với thủ đoạn tiêu thụ tiền giả

Bọn tội phạm thường đưa tiền giả đến các vùng sâu, vùng xa, nơi mà người dân ít có thông tin về tiền giả để mua hàng hóa, chúng thường để tiền giả xen lẫn với tiền thật.

NHỮNG HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM

1. Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào;

2. Sao, chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

3. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. (Điều 29 Luật Ngân hàng Nhà nước, Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ v/v bảo vệ tiền Việt Nam)

(xem tiếp kỳ sau)


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tiền Việt Nam và cách nhận biết (kỳ IV)
11:55, 11/12/2010










Ở tiền giả: có làm giả yếu tố OVI nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật; không có yếu tố IRIODIN hoặc có in giả dải màu vàng nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.

III. Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, Iriodin, hình ẩn nổi)

1. Mực đổi màu (OVI): yếu tố này có màu vàng khi nhìn thẳng, đổi sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng.

2. Yếu tố IRIODIN: là dải màu vàng chạy dọc tờ bạc, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng tờ bạc.

3. Hình ẩn nổi: khi đặt tờ bạc nằm ngang tầm mắt nhìn thấy chữ "VN" nổi rõ ở mệnh giá 200.000đ, 10.000đ; chữ "NH" ở mệnh giá 50.000đ, 20.000đ.

Cảnh giác với thủ đoạn tiêu thụ tiền giả

Bọn tội phạm thường lợi dụng khi người bán hàng đang bận rộn hoặc chủ động có các hành vi khiến họ mất tập trung, thiếu cảnh giác để mua hàng với giá trị lớn bằng tiền giả, thủ đoạn này chúng có thể thực hiện ngay cả ở thành thị, nơi đông người.

(Xem tiếp kỳ sau)


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tiền Việt Nam và cách nhận biết (kỳ V)
11:55, 12/12/2010











Ở tiền giả: cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn không tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.

IV. Kiểm tra cửa số trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn)

1. Cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi: là chi tiết nền nhựa trong suốt ở phía bên phải mặt trước tờ bạc, có số mệnh giá dập nổi tinh xảo.

2. Cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn (DOE): là chi tiết nền nhựa trong suốt, ở phía trên bên trái mặt trước tờ bạc. Khi đưa cửa sổ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa...) sẽ thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng.

Ở tiền giả: cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn không tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.

Quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc bảo vệ tiền Việt Nam

1. Thông báo kịp thời cho cơ quan Công an hoặc Bộ đội Biên phòng, Hải quan nơi gần nhất về các hành vi làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào; sao chụp tiền Việt Nam mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước; từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam;

2. Kịp thời giao nộp tiền giả cho cơ quan Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ đội Biên phòng hoặc cơ quan Hải quan nơi thuận tiện nhất;

3. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, cơ quan Công an giám định tiền Việt Nam (trường hợp không khẳng định được là tiền thật);

4. Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, cơ quan Hải quan, Bộ đội Biên phòng khi phát hiện tiền giả phải lập biên bản thu giữ, phát hiện tiền nghi giả phải lập biên bản tạm thu giữ và kịp thời thông báo cơ quan Công an nơi gần nhất.

(Điều 4, Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ Tướng Chính phủ v/v bảo vệ tiền Việt Nam)

(Xem tiếp kỳ sau)


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tiền Việt Nam và cách nhận biết (kỳ VI)
2:20, 13/12/2010










Ở tiền giả: không có mảng chữ siêu nhỏ hoặc các dòng chữ, số không sắc nét, rất khó đọc. Không có mực không màu phát quang hoặc có làm giả nhưng phát quang yếu. Số sêri không phát quang hoặc phát quang không giống như ở tiền thật.

V. Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ,các yếu tố phát quang)

1. Mảng chữ in siêu nhỏ: được tạo bởi các dòng chữ "NHNNVN" hoặc "VN" hoặc số mệnh giá lặp đi lặp lại, nhìn thấy rõ dưới kính lúp.

2. Mực không màu phát quang: là cụm số mệnh giá in bằng mực không màu, chỉ nhìn thấy (phát quang) khi soi dưới đèn cực tím.

3. Số sêri phát quang: Khi soi dưới đèn cực tím:

- Số sêri dọc màu đỏ phát quang màu vàng cam;

- Số sêri ngang màu đen phát quang màu xanh lơ.

Một đặc điểm khác cũng cần lưu ý, chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bị bong tróc.

Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, người sử dụng tiền cần kiểm tra các yếu tố bảo an theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay tiền giả.

Thông qua loạt bài "Tiền Việt Nam và cách nhận biết" đã đăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mong muốn và khuyến nghị người sử dụng tiền:

1. Nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật;

2. Kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt;

3. Chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

Các tổ chức, cá nhân có thể tìm hiểu thêm thông tin về tiền Việt Nam tại website của Ngân hàng Nhà nước: http://www.sbv.gov.vn, mục Tiền Việt Nam; hoặc liên hệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cục Phát hành và Kho quỹ), địa chỉ: 49 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Điện thoại: 04. 38247467


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Máy ATM ở Hà Nội lại bị phá

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 18/12/2010, 17:09 (GMT+7)

TTO - Khoảng 2g15 sáng nay, 18-12, bảo vệ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội phát hiện một vụ phá cây ATM của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam - Vietcombank đặt tại số 10 Trịnh Hoài Đức, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Thông tin ban đầy cho biết, tên trộm đã đột nhập vào khu vực có cây ATM bằng cách trèo qua hàng rào vào bên trong khuôn viên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, sử dụng đèn khò để cắt hộp đựng tiền. Khi đang cắt hộp đựng tiền, người dân và bảo vệ Sở VHTT&DL phát hiện nên đã truy đuổi. Tuy nhiên nghi phạm cắt khóa cây ATM đã chạy thoát.

>> Máy ATM ở Hà Nội lại bị phá
>> Cắt máy ATM lấy trộm hơn 1 tỷ đồng

Cây ATM đã bị cắt đứt 1 tai khóa hộp tiền

Ngay sau đó, CA quận Đống Đa đã đến hiện trường để kiểm tra, khám nghiệm hiện trường và điều tra vụ việc. Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 2 bình khò, 1 kìm cộng lực. Cây ATM đã bị cắt đứt 1 tai khóa hộp tiền. Tuy nhiên, cây ATM này chưa bị mất trộm tiền. Sáng cùng ngày, nhân viên của ATM đã đến kiểm tra cây ATM này.

Trước đó, tại Hà Nội, trong các ngày 3 và 4-11, ngày 2-12 đã có 4 cây ATM bị các nghi phạm trộm cắp sử dụng đèn khò để phá hoại với mục đích lấy tiền nhưng đều không thành.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh đã có ít nhất 2 cây ATM bị phá hoại, lấy trộm hơn 2 tỉ đồng. Các vụ việc đều đang được cơ quan điều tra làm rõ. Tính đến đầu tháng 6-2010, cả nước có 24 triệu thẻ với 48 tổ chức phát hành thẻ, gần 11.000 ATM và khoảng 37.000 thiết bị chấp nhận thẻ.

M.QUANG

Duy trì đồng minh, nâng tầm đối tác

Thanh Nien Online
17/12/2010 23:20


Chuyến thăm Pakistan của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thuận lợi hơn nhiều so với chuyến thăm 2 ngày trước ở Ấn Độ. Cũng ký kết các thỏa thuận hợp tác trị giá hàng chục tỉ USD trong nhiều lĩnh vực, cũng đề ra mục tiêu tăng cường trao đổi thương mại, nhưng vì Bắc Kinh không có vướng mắc trong quan hệ với Islamabad như với New Delhi nên mọi chuyện vốn đã tốt giờ còn tốt hơn.

Trung Quốc là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Pakistan. Mỹ viện trợ quân sự nhiều nhất cho Pakistan nhưng Trung Quốc cũng hỗ trợ không kém. Mỹ hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực hạt nhân thì Trung Quốc cũng hợp tác hạt nhân với Pakistan. Bắc Kinh sử dụng Islamabad như cửa ngõ để thâm nhập thế giới Hồi giáo. Vì quan hệ Pakistan - Ấn Độ cũng như vì vai trò của nước này trong chiến lược an ninh của Mỹ ở khu vực nên Trung Quốc phải luôn chú ý vừa tăng cường quan hệ với Pakistan nhưng không tổn hại đến lợi ích trong quan hệ với các nước khác trong khu vực và với Mỹ.

Kết quả chuyến thăm của ông Ôn Gia Bảo ở Ấn Độ khiến việc thúc đẩy quan hệ với Pakistan trở nên dễ dàng hơn đối với Trung Quốc. Bên cạnh chủ ý giữ cân bằng quan hệ, có thể thấy một bản chất trong chính sách của Trung Quốc đối với Pakistan là duy trì quan hệ đồng minh và nâng tầm quan hệ đối tác, đi từ đồng minh chính trị, an ninh đến đối tác kinh tế, thương mại chứ không phải ngược lại. Đó cũng là khác biệt cơ bản nhất giữa chính sách của Trung Quốc với Ấn Độ và với Pakistan.

La Phù

anninhthudo.vn:
Thứ Bảy, 18/12/2010, 10:18

Trung Quốc - Ấn Độ bắt tay

(ANTĐ) - Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo rời Ấn Độ với chiếc ca táp nặng trĩu các hợp đồng làm ăn với kỳ vọng mở ra thời kỳ mới bùng nổ hợp tác kinh tế giữa hai cường quốc đông dân nhất thế giới.

49 hiệp định hợp tác với tổng trị giá khoảng 16 tỷ USD ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ từ 15 đến 17-12 của Thủ tướng Ôn Gia Bảo chưa phải là lớn so với tiềm năng của hai quốc gia láng giềng. Song con số đó được xem là một bước tiến dài của hợp tác kinh tế Trung-Ấn nếu biết rằng Trung Quốc hiện mới chỉ đầu tư vào Ấn Độ vẻn vẹn vài trăm triệu USD, bằng 0,1% tổng đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài.

Thực trạng hợp tác kinh tế Trung-Ấn hiện nay không hề tương xứng với tiềm năng của hai thị trường đều có hơn một tỷ dân và đang tăng trưởng mạnh mẽ như Trung Quốc và Ấn Độ. Bất đồng và tranh chấp từ nhiều năm nay được xem là trở ngại chính cho việc phát triển mối giao thương giữa hai nước.

Tranh chấp lớn nhất và cũng dai dẳng nhất là cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Phía Ấn Độ cho rằng Trung Quốc chiếm đóng 33.000km2 tại khu vực Kashmir của nước này trong khi Trung Quốc lại khẳng định bang Arunachal Pradesh phía nam Tây Tạng do Ấn Độ kiểm soát hiện nay là thuộc về Trung Quốc.

Thủ tướng Mammohan Singh
nồng nhiệt bắt tay Thủ tướng Ôn Gia Bảo


Trải qua 14 vòng đàm phán về đường biên giới tính tới 11-2010, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết được trở ngại lớn nhất trong quan hệ song phương. Chính điều này đã tác động tiêu cực, kìm hãm sự phát triển các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước.

Cùng với vấn đề biên giới lãnh thổ, Ấn Độ và Trung Quốc còn đang ganh đua quyết liệt nhằm cạnh tranh ảnh hưởng, lợi ích trong khu vực cũng như trên thế giới. New Delhi cho rằng Bắc Kinh đang muốn kiềm chế sự nổi lên của Ấn Độ bằng cách không ủng hộ nước này trở thành thành viên thường trực của HĐBA LHQ.

Tranh chấp và bất đồng vẫn còn tồn tại song nhu cầu cùng lợi ích hợp tác kinh tế Trung-Ấn lại đang gia tăng rất nhanh. Chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo khi tới Ấn Độ đã nhấn mạnh: "Hãy để thương mại lên tiếng. Những vấn đề khác gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước có thể được giải quyết dần dần sau đó".

Vì lợi ích hợp tác, hai Thủ tướng Mammohan Singh và Ôn Gia Bảo đã có những cam kết quan trọng làm nền tảng thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương. Cùng với cam kết hợp tác để duy trì hòa bình và an ninh tại đường biên giới chung, Trung Quốc khẳng định ủng hộ vai trò to lớn hơn của Ấn Độ trên trường quốc tế, trong đó có HĐBA LHQ.

Hai bên cũng nhất trí thiết lập cơ chế thăm qua lại thường xuyên của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ hai nước, trong đó có thiết lập đường dây nóng giữa Thủ tướng hai nước.

Hoàng Hà

Julian Assange sẽ chứng minh mình vô tội

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 18/12/2010, 08:38 (GMT+7)

TT - Ngày 17-12, Chính phủ Úc tuyên bố trang mạng WikiLeaks không vi phạm bất cứ điều luật nào của nước này khi cho đăng tải các tài liệu mật trong thời gian vừa qua. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi ông Julian Assange được tại ngoại.

Ông Julian Assange (trái) trả lời báo chí khi trên đường về sống tại khu biệt thự ở nông thôn ngày 16-12 - Ảnh: AFP

“Tôi hi vọng sẽ tiếp tục công việc và khẳng định sự vô tội của mình” - Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, tuyên bố ngay khi được tại ngoại, đồng thời lên án những điều kiện nghiêm khắc mà tòa án áp đặt cho mình khi đồng ý cho ông tại ngoại, như phải sống trong sự giám sát chặt chẽ tại khu biệt thự ở nông thôn, phải mang vòng an ninh, giao hộ chiếu, phải trình diện cảnh sát địa phương mỗi ngày...

Julian Assange cũng lên tiếng quan ngại Mỹ sẽ bắt ông vì có tin Washington đã có cáo trạng buộc tội ông làm gián điệp. Trong khi đó các luật sư của ông cho rằng Thụy Điển đang tìm mọi cách để dẫn độ ông từ Anh về Thụy Điển rồi sang Mỹ.

Cùng lúc, tinh thần và sức khỏe của binh nhì Bradley Manning, người bị kết tội sao chép, lưu trữ và chuyển thông tin ngoại giao nhạy cảm của Mỹ cho Julian Assagne tung lên mạng, đang tiếp tục xấu đi. Manning bị bắt từ bảy tháng trước, sau đó bị giam tại một doanh trại quân đội ở Virginia và hiện đang đối mặt trước tòa án quân sự với bản án 52 năm tù giam.

MỸ LOAN (Theo Guardian, AFP, Reuters)

cand.com.vn:
10:15:00 18/12/2010

Theo tuyên bố của Chính phủ Australia được đưa ra ngày 17/12, hoạt động của trang web WikiLeaks và ông chủ Julian Assange đều không vi phạm bất kỳ một điều luật nào ở Australia, cho dù website này đã công khai đăng tải những tài liệu mật của quân đội và Bộ Ngoại giao Mỹ.
>>Một số nước phản đối bắt giữ ông chủ WikiLeaks

Tuy nhiên, kết luận điều tra này của Australia không hề liên quan đến cuộc điều tra riêng rẽ do Mỹ đang tiến hành nhằm vào WikiLeaks hoặc những cáo buộc lạm dụng tình dục mà vì thế ông Julian Assange bị Thụy Điển phát lệnh truy nã. Trả lời phỏng vấn báo giới, Thủ tướng Australia Julia Gillard cho biết, cảnh sát đã báo cáo kết quả điều tra lên chính phủ trước khi công bố chính thức với công luận. Bà Julia Gillard nói: "Kết quả điều tra cho thấy không có hành vi vi phạm luật pháp Australia nào".

Mặc dù vậy, Thủ tướng Julian Gillard vẫn khẳng định, Australia sẽ tiếp tục hợp tác điều tra với Mỹ nếu chính quyền Washington đề nghị. Tổng chưởng lý Robert McClelland cung cấp thông tin rằng, cảnh sát Australia đã gửi kết luận điều tra tới các đồng nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, ông Robert McClelland vẫn phản đối và tỏ ý bất bình trước việc WikiLeaks công bố 25.000 trang văn thư ngoại giao của Mỹ vì cho rằng hành động này gây nguy hại cho quan hệ giữa các quốc gia.

Ông chủ WikiLeaks Julian Assange được tại ngoại sau 9 ngày bị tạm giam và tuyên bố sẽ công bố thêm nhiều tài liệu mật. Ảnh: AP

Các nhà phân tích nhận định rằng, tuyên bố trên của Australia là một tin vui đối với ông Julian Assange bởi trước đó, ông cũng được tòa án Anh bảo lưu việc tại ngoại sau khi nộp hơn 314.000 USD tiền bảo lãnh. Hiện ông Julian Assange đã được chuyển từ nhà tù về sinh sống tại ngôi biệt thự ở vùng Norfolk.

Theo điều kiện của tòa án cho trường hợp tại ngoại này, ông Julian Assange phải thường xuyên báo cáo với cảnh sát và chịu chế độ theo dõi chặt chẽ. Đổi lại, ông được ở trong một căn biệt thự lớn có 10 phòng ngủ mang tên Ellingham Hall nằm gần Bungay trên ranh giới giữa hai vùng Norfolk và Suffolk, một trong những nơi đẹp nhất nước Anh. Ngôi nhà sang trọng này thuộc sở hữu của Vaughan Smith, một người ủng hộ trang WikiLeaks, từng có thời gian phục vụ trong quân đội Anh trước khi sáng lập ra câu lạc bộ báo chí Frontline tại London. Trong buổi gặp gỡ báo giới sau khi được tại ngoại, ông Julian Assange đã tuyên bố sẽ tiếp tục công việc của mình ở WikiLeaks bằng việc công bố thêm nhiều thông tin gây sốc dư luận.

Trả lời câu hỏi về khả năng Mỹ sẽ truy tố ông về tội gián điệp, ông chủ WikiLeaks khẳng định: "Chúng tôi đã nghe thông tin này từ một trong những luật sư người Mỹ. Điều đó không có gì đáng ngại. Tôi sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn. Nhưng điều tôi quan tâm hiện nay là với những diễn biến này, khi tôi bị bắt giữ và cho tại ngoại ở Anh, Mỹ và Thụy Điển sẽ cùng làm thủ tục để xin dẫn độ và tôi sẽ phải đối mặt với cả hai nguy cơ này". Ông Julian Assange cũng cho biết không muốn quay về Australia dù mẹ và con trai đều sống ở đó.

Ngày 28/12, ông Julian Assange lại phải trình diện trước tòa án Westminster. Tuy nhiên, nhiều khả năng phiên toà này vẫn chưa thể ra quyết định cuối cùng về việc dẫn độ ông chủ WikiLeaks về Thụy Điển hay Mỹ

Huyền Chi

WikiLeaks không vi phạm luật pháp Úc

Quốc tế - Người Lao Động Online:
Thứ bảy, 18/12/2010 | 00:07GMT+7
Thủ tướng Úc Julia Gillard, trước đây từng lên án website WikiLeaks, nay đã công nhận rằng website này và nhà sáng lập Julian Assange không vi phạm luật pháp nước Úc.

Theo hãng tin Newsru, cảnh sát Úc đã nghiên cứu các tài liệu công bố trên WikiLeaks và cho rằng hoạt động của website này phù hợp với pháp luật địa phương, không có yếu tố phạm tội.
Thủ tướng Gillard nhận định rằng trong đa số trường hợp, hoạt động của WikiLeaks là thiếu trách nhiệm mặc dù không trái ngược với luật pháp nước Úc. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng Assange là công dân Úc nên sẽ nhận được sự ủng hộ cần thiết của nước này.
Trong khi đó, trong bài báo đăng trên tờ The Australian, Assange đã đổ lỗi cho Thủ tướng Gillard về sự ngược đãi đối với ông ta. Assange viết: “Chính phủ của bà Gillard mưu toan bắn người đưa tin bởi vì không muốn sự thật được tiết lộ; trong đó có sự thật về chính trị và ngoại giao của chính phủ này”.
Tiếp xúc với giới báo chí sau khi được Tòa án Tối cao London cho phép tại ngoại trong thời gian xem xét yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển, Assange than phiền về sự ngược đãi mà ông ta phải gánh chịu từ khi công bố các tài liệu của Mỹ. Đồng thời, Assange cho rằng sự buộc tội ông có động cơ chính trị là do Mỹ muốn WikiLeaks ngưng việc công bố các tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trả lời phỏng vấn của đài BBC, Assange quả quyết những cáo buộc phạm tội về tình dục là một bộ phận của chiến dịch bẩn thỉu chống lại ông ta.

Bên cạnh đó, báo chí Mỹ đưa tin Assange có thể đối mặt với các vấn đề về tư pháp ở Mỹ. Theo đó, Viện Công tố Mỹ đang xem xét khả năng truy tố hình sự đối với Assange.
Trong khi đó, ngày 16-12, cảnh sát Washington đã bắt giữ 131 người tham gia cuộc biểu tình ở gần Nhà Trắng phản đối cuộc chiến ở Afghanistan và ủng hộ WikiLeaks. Trong số đó có ông Daniel Ellsberg, 79 tuổi, từng là nhà phân tích của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ. Trước đây, ông này đã từng chuyển cho báo chí tài liệu mật của Lầu Năm Góc về việc chuẩn bị và tiến hành cuộc chiến tranh ở VN.
Lục San

Nga-Triều đồng thuận về vấn đề bán đảo Triều Tiên

LAODONG:

Thứ Tư, 15.12.2010 | 10:35 (GMT + 7)

(LĐO) - Trong cuộc gặp giữa hai bộ trưởng ngoại giao tại Mátxcơva, Nga và Triều Tiên đã đạt được đồng thuận nhất trí đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

d
Bộ trưởng Ngoại trưởng Nga (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra tuyên bố trên trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Pak Ui Chun, hãng thông tấn chính thức KCNA đưa tin ngày 14.12.

Theo tuyên bố cho biết, ngày 13.12, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Ui Chun và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế tại cuộc họp tổ chức ở Moscow, Nga.

Phía Nga bày tỏ nhận thức của mình về quan điểm của Triều Tiên sau vụ pháo kích ngày 23.11 và những quan ngại của Nga trước tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên do cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.

Theo tuyên bố trong cuộc họp giữa các quan chức ngoại giao 2 nước, Nga đặc biệt quan tâm đến quan điểm của Triều Tiên rằng chương trình hạt nhân vì mục đích hoà bình là quyền độc lập của mỗi quốc gia.

Hai bên nhất trí sẽ cùng nỗ lực để đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên thông qua các cuộc hội đàm song phương và đa phương, bao gồm cả đàm phán sáu bên phù hợp với tuyên bố chung trong cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.

Ngoài ra, hai bên đều nhất trí đánh giá cao sự phát triển quan hệ giữa hai nước và đạt được sự đồng thuận về tiếp tục tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị Triều Tiên – Nga, đồng thời ký kết kế hoạch truyền thông giai đoạn 2011-2012 giữa hai bộ ngoại giao, phát ngôn viên phát biểu cho biết thêm.

Trước đó, Bộ trưởng Pak bắt đầu chuyến thăm tới Mátxcơva từ ngày 12.12. Đây cũng là lần đầu tiên các quan chức ngoại giao cấp cao của hai nước tham gia đối thoại và ký kết nhiều văn bản quan trọng.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng sau vụ đấu pháo ngày 23.11 giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng. Sau đó, Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung từ ngày 28.11 đến 1.12, và Mỹ và Nhật Bản cũng tổ chức cuộc tập trận quân sự hỗn hợp chung từ ngày 3-10.12.

Thế Anh (Theo Tân hoa xã)

Nhật bỏ chính sách quân sự Chiến tranh Lạnh, đối phó thách thức mới

Sự kiện - Dân trí:
Thứ Sáu, 17/12/2010 - 19:19

(Dân trí) - Nhật hôm nay đã tiết lộ kế hoạch sửa đổi sâu rộng đối với chính sách quốc phòng, thực thi thái độ linh hoạt hơn và chuyển đổi nguồn lực tập trung của nước này do lo ngại trước việc củng cố quân sự của Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.



Nhật sẽ chuyển đổi sự tập trung nguồn lực vào hải quân và không quân.

Bản Chỉ đạo chương trình Quốc phòng, được nội các của Thủ tướng Nhật Naoto Kan phê chuẩn, đề xuất xem xét ngừng lệnh cấm tự đặt ra của nước này trong suốt nhiều thập niên qua đối với xuất khẩu vũ khí. Động thái này bị đảng nhỏ theo đường lối hòa bình phản đối, nhưng được cho là sẽ mở ra cánh cửa cho hợp tác phát triển quốc tế trong tương lai của Nhật.

Theo Chỉ đạo, Nhật sẽ chi 23,29 nghìn tỷ yên (280 tỷ USD) cho quốc phòng trong vòng 5 năm, bắt đầu từ tháng 4 tới, giảm 3% so với chi tiêu cho giai đoạn 5 năm kết thúc vào tháng 3/2010, do công nợ của nước này đã tăng gấp đôi GDP.

Kế hoạch nhấn mạnh củng cố quốc phòng của Nhật ở phía tây nam, nơi nước này chia sẻ biên giới biển với Trung Quốc, bằng cách tăng cường máy bay chiến đấu trên đảo Okinawa, miền nam đất nước và quân đồn trú trên các hòn đảo nhỏ hơn.

Bản cập nhật chính sách này là bản cập nhật lớn đầu tiên trong vòng 6 năm qua và là lần đầu tiên dưới thời Đảng Dân chủ của Thủ tướng Naoto Kan, đảng đã giành chiến thắng áp đảo lần đầu tiên sau nhiều năm vào năm ngoái.

Trong phản ánh lo ngại về nước láng giềng khổng lồ của mình, Trung Quốc, bản Chỉ đạo mới bày tỏ lo ngại tới việc tăng chi tiêu quốc phòng ngày càng lớn của Trung Quốc, quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang diễn ra nhanh chóng, cũng như việc gia tăng các hoạt động hàng hải của nước láng giềng.

“Những động thái này, cộng với việc thiếu minh bạch trong các vấn đề quân sự, an ninh, đã trở thành vấn đề lo ngại cho khu vực cũng như cộng đồng quốc tế”, báo cáo cho biết.

Ngoài ra, tài liệu cũng gọi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là “nhân tố làm bất ổn nghiêm trọng và hiện hữu đối với an ninh của đất nước chúng ta cũng như khu vực”.

Quan hệ Trung – Nhật đã bị tổn hại nghiêm trọng kể từ tháng 9 vừa qua, khi Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, tàu đã va chạm với 2 tàu tuần tra Nhật gần dãy đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Sankaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Song chỉ đạo quốc phòng cũng kêu gọi nỗ lực xây dựng mối quan hệ hai bên tốt đẹp hơn trong khi khuyến khích Bắc Kinh hành động với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thay đổi tập trung nguồn lực vào không, hải quân

Trong nỗ lực nhằm cũng cố khả năng quốc phòng nói chung, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Nhật lên kế hoạch sẽ chuyển các nguồn lực sang không quân và hải quân.

Khả năng quân sự của Nhật trước đây thường tập trung ở miền bắc, với một binh đoàn xe tăng lớn, “di sản” của thời Chiến tranh Lạnh, khi họ được triển khai nhằm đối phó với Liên Xô cũ.

Theo chỉ đạo mới, chỉ đạo xuyên suốt 10 năm tới, số lượng xe tăng sẽ được cắt giảm 1/3 xuống 400 xe và số đầu quân chính thức sẽ cắt giảm 1.000, xuống còn 154.000, mặc dù số đầu quân thực tế đã thấp hơn con số chính thức.

Ngược lại, Nhật dự kiến sẽ tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 bằng cách đặt mua thêm các tàu mới và giữ lại số tàu ngầm hiện có hoạt động trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, Nhật sẽ củng cố số lượng tàu chiến được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis từ 4 lên 6.

Một nghiên cứu cũng sẽ được tiến hành nhằm trả lời cho vấn đề cấm xuất khẩu vũ khí có từ nhiều thập kỷ nay. “Đã là một xu thế giữa các nước phát triển, khi củng cố khả năng về thiết bị quân sự và cắt giảm chi phí bằng cách cùng tham gia vào việc phát triển và sản xuất vũ khí của quốc tế”, chỉ đạo cho biết.

“Chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp phù hợp với xu thế lớn này”.

Lệnh cấm tự ban hành nhiều thập kỷ nay của Nhật chủ yếu nhằm vào việc xuất khẩu vũ khí và vào phát triển, sản xuất vũ khí với các nước khác không phải là Mỹ, khiến các nhà thầu quân sự của nước này như Mitsubishi Heavy Industries khó “làm ăn”, phải cắt giảm chi phí và “theo đuổi” các công nghệ vũ khí kém tối tân.

Bên cạnh có bước chuyển đổi chiến lược về các nguồn lực quân sự, Nhật cũng đặt mục tiêu củng cố khả năng quân sự bằng củng cố mối quan hệ an ninh bền chặt hơn nữa với đồng minh Mỹ, trong khi cũng củng cố hợp tác với các đối tác khu vực như Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và ASEAN.

“Liên minh Mỹ - Nhật sẽ vẫn không thể thiếu được trong việc đảm bảo hòa bình và an toàn của đất nước chúng ta”, bản chỉ đạo cho hay.

Bản chỉ đạo cho biết thêm, mặc dù vậy, Nhật cũng rất cần phải giảm gánh nặng của cộng đồng trong việc cho Mỹ đặt các căn cứ quân sự tại nước này, bởi người dân thường phàn nàn ở đâu có các căn cứ Mỹ là ở đó cũng đồng nghĩa với tai nạn, tội phạm và ô nhiễm gia tăng.

Mối quan hệ Mỹ - Nhật đã trở lên khó khăn khi đảng Dân chủ lên nắm quyền vào năm ngoái và Thủ tướng Yukio Hatoyama khi đó đã theo đuổi cam kết di dời một căn cứ không quân của lính thủy đánh bộ Mỹ ra khỏi Okinawa, nơi đồn trú gần một nửa trong tổng số 50.000 quân Mỹ tại Nhật.

Song hồi tháng 5 vừa qua Nhật và Mỹ đã nhất trí vẫn theo thỏa thuận đạt được năm 2006, đó là di dời căn cứ tới một khu vực ít dân cư hơn nhưng vẫn ở trên đảo này. Hiện kế hoạch đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương.

Phan Anh

Theo Reuters

Hơn 140 tù nhân Mexico vượt ngục

Thanh Nien Online:
18/12/2010 17:06

(TNO) Hơn 140 tù nhân đã trốn thoát khỏi một nhà tù ở thị trấn Nuevo Laredo, bang Tamaulipas (Mexico), gần biên giới với Mỹ vào hôm 17.12.

Đây được xem là một trong những vụ vượt ngục lớn nhất ở Mexico.

Lực lượng an ninh nhà tù đang bị thẩm vấn vì tình nghi giúp những tù nhân trên vượt ngục.

Trong khi đó, giám đốc nhà tù này thì mất tích.

Theo giới chức an ninh bang Tamaulipas, vụ vượt ngục kể trên chỉ được phát hiện khi cai ngục kiểm tra sỉ số tù nhân.

Nhà chức trách Mexico cho rằng, những tù nhân trên đã thoát khỏi nhà tù bằng các cổng sau với sự giúp đỡ của một hoặc nhiều cai ngục.

Hiện tất cả các cai ngục của nhà tù trên đều bị xem là nghi can giúp hơn 140 tù nhân vượt ngục, BBC dẫn lời ông Antonio Garza - một quan chức an ninh ở bang Tamaulipas cho hay.

Lực lượng an ninh trong vùng đã được huy động để mở chiến dịch truy tìm tù nhân vượt ngục, trong khi binh sĩ và lực lượng cảnh sát liên bang được triển khai bảo vệ nhà tù.

Nhà tù này thường giam giữ khoảng 1.000 tù nhân, hầu hết là tội phạm buôn ma túy, bắt cóc…

Huỳnh Thiềm

Nga bắt kẻ cầm đầu gây bạo loạn sắc tộc

Thanh Nien Online:
18/12/2010 14:28
Cảnh sát Nga bắt một kẻ gây rối hôm 15.12 - Ảnh: AFP
(TNO) Một kẻ bị cáo buộc gây ra các vụ bạo loạn sắc tộc gần đây ở Moscow (Nga) và tình nghi sát hại 1 người nhập cư gốc Kyrgyzstan, đã bị nhà chức trách Nga bắt giữ hôm 17.12 cùng với 3 kẻ gây rối khác, theo hãng tin Nga RIA Novosti.
Tòa án Moscow cho biết, giới chức Nga tin rằng Ilya Kubrakov là kẻ cầm đầu các vụ bạo loạn ở Quảng trường Manezh gần Điện Kremlin hôm 11.12 và có thể lãnh án chung thân liên quan đến vụ sát hại một người đàn ông Kyrgyzstan ở phía nam Moscow. Thi thể của nạn nhân được tìm thấy hôm 12.12.
Phát ngôn viên tòa án Oleg Shassayev cho biết, cả 4 nghi can có thể bị giam giữ để điều tra từ nay đến ngày 12.22011.
Nếu đến ngày đó, cuộc điều tra về các hành vi phạm tội của họ chưa được hoàn tất, các nhà điều tra có thể yêu cầu gia hạn việc giam giữ.
Tại Moscow, một đám đông hơn 5.000 người bao gồm những phẩn tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hooligan bóng đá đã xô xát với cảnh sát ở Quảng trường Manezh hôm 11.12.
Những người hâm mộ bóng đá phản đối hành động khinh suất của cảnh sát liên quan đến cái chết của Yegor Sviridov, 28 tuổi, người bị giết chết trong vụ ẩu đả với những người nhập cư gốc Bắc Caucasus trước đó.
Vụ xô xát này được tiếp nối bằng những vụ gây rối khác hôm 15.12 khi những người Nga bản địa và người nhập cư “hẹn thanh toán” tại một nhà ga xe lửa quan trọng ở Moscow.
Các vụ bạo động mang tính sắc tộc cũng xảy ra ở St. Petersburg và một số thành phố khác. Theo Pravda, cảnh sát Moscow đã bắt hơn 1.300 người trong ngày 15.12.
Tổng thống Dmitry Medvedev buộc tội các nhà điều tra gây ra bạo lực sắc tộc vì đã công bố các nghi can giết hại Sviridov. Ông kêu gọi cảnh sát và các công tố viên Nga thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm trừng phạt những kẻ gây tội ác.
Một loạt vụ tấn công mang tính sắc tộc vào tuần qua và thông tin về việc sẽ có thêm những hành động bạo lực mới đang đặt thủ đô Nga vào tình trạng báo động cao.
Quyên Quân

Triều Tiên yêu cầu Hàn Quốc ngừng kế hoạch bắn đạn thật

VOVNEWS.VN
Cập nhật lúc : 9:22 PM, 17/12/2010


Nếu Hàn Quốc vẫn tiến hành diễn tập bắn đạt thật, CHDCND Triều Tiên sẽ tự vệ bằng các cuộc tấn công trả đũa không báo trước.

>> Hàn Quốc diễn tập dân sự lớn chưa từng có
>> Bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng
>> Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc xuyên tạc sự thật về vụ đấu pháo

Ngày 17/12, CHDCND Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc ngừng ngay lập tức kế hoạch diễn tập bắn pháo đạn thật quanh đảo Yeonpyeong.

Tân Hoa Xã dẫn tin từ Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, người đứng đầu phái đoàn đàm phán cấp tướng liên Triều của Triều Tiên đã gửi thông cáo vừa nêu tới đối tác Hàn Quốc. Thông cáo nêu rõ nếu Hàn Quốc vẫn tiến hành diễn tập bắn đạt thật, CHDCND Triều Tiên sẽ tự vệ bằng các cuộc tấn công trả đũa không báo trước.

Lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập. (ảnh: AFP)

Cảnh báo cũng cho biết các cuộc tấn công trả đũa này sẽ có quy mô và sức mạnh lớn hơn nhiều cuộc cuộc tấn công trả đũa lần thứ nhất khi hai miền Triều Tiên đấu pháo vào cuối tháng 11 vừa qua.

Trong khi đó, theo Kyodo, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố quân đội nước này vẫn sẽ chuẩn bị cuộc diễn tập trên đảo Yeonpyeong như kế hoạch và cho rằng đòi hỏi của CHDCND Triều Tiên là "sự đe dọa và yêu cầu vô lý".

Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho biết họ sẽ diễn tập bắn đạt thật tại khu vực phía Tây Nam đảo Yeonpyeong, dự kiến diễn ra một ngày trong khoảng thời gian từ 18- 21/12, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã trở nên rất căng thẳng sau vụ đấu pháo giữa hai miền vào ngày 23/11. Sau sự kiện này, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành tập trận hải quân chung quy mô lớn từ ngày 28/11-1/12 ở vùng biển phía Tây Bán đảo Triều Tiên. Tiếp theo, ngày 3/12, Nhật Bản và Mỹ cũng tiến hành một cuộc diễn tập quân sự lớn chưa từng có với sự tham gia của các lực lượng hải-lục-không quân tại các căn cứ của Nhật Bản.

Hàng loạt hoạt động ngoại giao đang được xúc tiến trong nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc gặp giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg ngày 16/12 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), hai bên đã nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán, bao gồm đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Cùng ngày, Thống đốc bang New Mexico của Mỹ, ông Bill Richardson đã đến Triều Tiên trong chuyến thăm 5 ngày./.

Theo TTXVN

nguoilaodong.com.vn
Thứ sáu, 17/12/2010 | 20:00GMT+7
(NLĐO)- Trên trang web Uriminzokkiri - trang web chính thức của chính phủ Triều Tiên – ngày 17-12 xuất hiện lời cảnh báo: “Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu nổ ra sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến đó không chỉ giới hạn trên bán đảo Triều Tiên”.
Trang web này còn nhắc lại yêu cầu mà Bình Nhưỡng theo đuổi lâu nay, đó là Washington phải công nhận một hiệp ước hòa bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời rút 28.500 lính đang đồn trú ở Hàn Quốc về nước.
Khói bốc lên sau vụ nã pháo của Triều Tiên vào Hàn Quốc tháng 11-2010
Những tuyên bố trên được đưa ra ngay sau chuyến thăm cá nhân của đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về hạt nhân Bill Richardson đến Triều Tiên. Mục đích của ông Richardson là làm giảm căng thẳng sau vụ nã pháo của Triều Tiên và những tiết lộ về chương trình làm giàu uranium của nước này.
Trước đó, vào ngày 16-12, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết nước này ủng hộ tất cả các đề xuất về đối thoại nhưng sẽ không bao giờ “cầu xin” điều đó.
V.Trưởng (theo Yonhap)

Thủ tướng Nga trả lời trực tuyến trong thời gian kỷ lục

Thế giới - Dân trí:
Thứ Sáu, 17/12/2010 - 06:57

(Dân trí) - Trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến hàng năm với thời gian kỷ lục nhất trong sự nghiệp chính trị của mình, 4 giờ 30 phút, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã giải đáp thắc mắc hàng loạt vấn đề - từ kinh tế đến số phận cựu “vua dầu mỏ” Mikhail Khodorkovsky.
Thủ tướng Nga trong cuộc giao lưu trực tuyến “đường dây nóng”.

Với “cuộc trình diễn” xuất sắc trong cuộc giao lưu trực tuyến “đường dây nóng” với các công dân của đất nước Nga, Thủ tướng Putin đã tự phá vỡ kỷ lục do chính ông lập ra năm ngoái, khi ông trả lời phỏng vấn trực tuyến trong 4 giờ 24 phút.

Đã có hơn 1 triệu câu hỏi gửi tới Thủ tướng Nga. Nhờ chương trình của Nga phát thanh ra nước ngoài, các cư dân ở hơn 100 nước trên thế giới có thể nghe được cuộc trò chuyện của ông Putin ở Mátxcơva. Ông đã trả lời 90 câu hỏi, 31 câu trong số này do ông tự chọn. Hầu hết các câu hỏi liên quan đến các vấn đề xã hội-kinh tế, về hậu quả của vụ cháy rừng đã tàn phá nhiều khu vực của Nga hồi Hè năm nay.

Ông Putin cho rằng GDP của Nga sẽ trở về mức trước khủng hoảng trong nửa đầu năm 2012 - dù trước đó các chuyên gia Nga cho rằng điều này sẽ đến vào nửa cuối năm 2012.

Trả lời câu hỏi về mít-tinh của những người “không tán thành” ở Mátxcơva đã không bị giải tán hay cấm cản từ khi thủ đô Nga có Thị trưởng mới, ông Putin nhận xét rằng “nói chung, tốt nhất là không giải tán ai hết”. Thủ tướng Nga khẳng định Nhà nước không có hạn chế gì với tất cả những ai muốn phát biểu quan điểm của mình, nhưng đồng thời mit-tinh và tuần hành cũng không được xâm phạm quyền của những người khác.

Về việc đổi tên công an thành cảnh sát như ý tưởng của Tổng thống Nga, ông Putin cho rằng đây không phải để thay đổi vẻ ngoài, mà dành cho “những thay đổi thực chất” trong hệ thống lực lượng Nội vụ Nga. “Chúng tôi rất muốn để trong kết quả cuộc tranh luận xã hội rộng rãi, trong kết quả cuộc thảo luận dự thảo luật tại Viện Đuma quốc gia (Quốc hội), sẽ có thay đổi thực chất trong cơ cấu Nội vụ, trong tổ chức mà cảnh sát công tác”, Thủ tướng nói. Ngày 10/12, Viện Đuma quốc gia đã thông qua trong đợt xem xét lần thứ nhất dự thảo luật “Về cảnh sát” do Tổng thống nêu ra, dự trù thay thế cho đạo luật hiện hành.

Ông Putin cũng tuyên bố chế độ bổ nhiệm thống đốc hiện hành ở Nga nhằm mục đích bảo vệ xã hội khỏi hiện tượng phần tử tội phạm lọt vào cơ quan chính quyền. Theo ông, đáng tiếc, trong điều kiện hiện nay, chừng nào chưa có một xã hội công dân trưởng thành, thì hầu như đằng sau các ứng viên tham gia cuộc bầu cử trực tiếp đều là giới tội phạm. Bỏ ra những khoản tiền lớn bất chính, những kẻ tội phạm mưu toan tác động đến diễn biến cuộc vận động bầu cử.

“Kẻ cắp cần ngồi trong tù”. Câu trích dẫn này từ một bộ phim Nga nổi tiếng đã được Thủ tướng Vladimir Putin dùng để trả lời câu hỏi về quá trình xét xử cựu lãnh đạo hãng YOKOS Mikhail Khodorkovsky. Người đứng đầu Chính phủ Nga nhấn mạnh rằng những lỗi lầm của Khodorkovsky đã do Tòa án xác định - ở đây nói về việc biển thủ hàng tỷ rúp do trốn thuế, ăn cắp và lừa đảo. Vì những tội tương tự, nhân vật Robert Murdoch đã nhận án 150 năm tù.

Ông Putin còn nhấn mạnh Nga phải áp dụng các biện pháp cứng rắn trong cuộc đấu tranh chống các biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan bất kể xuất phát từ đâu; không được “sơn một màu” các đại diện dân tộc nào đó. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm và duy trì trât tự. Tuần qua, ở Mátxcơva đã diễn ra những vụ lộn xộn do giới thanh niên cấp tiến tổ chức sau cái chết của cổ động viên bóng đá Yegor Sviridov.

Nguyễn Viết
Theo RIA, Voice of Russia, Xinhua

Dấu hiệu ấm dần trong quan hệ Trung – Nhật

VOVNEWS.VN
Cập nhật lúc : 6:22 PM, 17/12/2010
(VOV) - Trung Quốc đang thể hiện thiện chí với Nhật Bản thông qua cuộc đối thoại an ninh cấp cao giữa 2 nước ở Bắc Kinh vào ngày 24/12 tới, nhằm thảo luận về tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Động thái này cho thấy quan hệ căng thẳng giữa hai nước đang dần cải thiện sau vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông hồi đầu tháng 9. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng: những thiện chí của Trung Quốc đối với Nhật Bản chẳng qua nhằm mục đích tìm kiếm sự “đồng thanh” giữa Bắc Kinh và Tokyo trong các vấn đề khu vực.

Một cách khá khéo léo, Trung Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại an ninh cấp cao song phương với Nhật Bản đúng thời điểm ngay sau khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa có cuộc tham vấn về vấn đề Triều Tiên đầu tuần trước. Vẫn là những nội dung như vụ pháo kích trên bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng hay đại cương về chương trình quốc phòng mới của Nhật Bản; nhưng ở cuộc đối thoại an ninh cấp cao lần này, lần đầu tiên Trung Quốc thể hiện thiện chí mong muốn tổ chức thường xuyên hơn nữa các cuộc gặp song phương với Nhật Bản để thảo luận về các vấn đề khu vực cũng như quốc tế. Không chỉ tổ chức cuộc đối thoại an ninh cấp cao song phương, theo Tân hoa xã trong tuần này, Trung Quốc và Nhật Bản còn tiến hành những cuộc điện đàm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ căng thẳng khu vực, vấn đề Triều Tiên và nhất là kêu gọi Tokyo hưởng ứng đề xuất mới đây của Bắc Kinh về việc tổ chức cuộc gặp tham vấn 6 bên khẩn cấp.

Hôm 11/12, Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ và người đồng cấp Nhật Bản Akitaka Saiki đã gặp nhau tại Bắc Kinh, trong một nỗ lực nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực Đông Bắc Á. Hai bên đã nhanh chóng đi đến sự nhất trí tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, theo chủ trương đổi viện trợ lấy phi hạt nhân hóa như các bên đã thỏa thuận năm 2005.

Những động thái này “thật khác xa” với thái độ lãnh đạm trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo suốt 3 tháng qua kể từ sau vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy quan hệ căng thẳng giữa hai nước đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, theo giới phân tích những thiện chí của Trung Quốc đối với Nhật Bản chẳng qua chỉ là để tìm kiếm “sự đồng thanh” giữa Bắc Kinh và Tokyo trong các vấn đề khu vực.

Thời gian gần đây, dư luận quốc tế đã nổi lên những lời “xì xào” về việc Trung Quốc đang bị các nước khác “phớt lờ” trong các cuộc thảo luận về tình hình khu vực. Chẳng gì thì trong cuộc tham vấn về vấn đề Triều Tiên đầu tuần trước, Trung Quốc đã buộc phải đứng ngoài khi các ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Hàn nhất trí tăng cường điều phối và tham vấn về các vấn đề liên quan đến Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Điều này được thể hiện trong chính tuyên bố chung của cuộc đàm phán Mỹ-Nhật-Hàn khi “yếu tố” Trung Quốc không được nhắc tới trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á.

Thêm vào đó, tiếng nói của Trung Quốc xem chừng như cũng đang mất dần trọng lượng khi trong không thể thuyết phục được Bình Nhưỡng giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Trong bối cảnh như vậy, một nhà nghiên cứu chính trị độc lập của Trung Quốc cho rằng: Bắc Kinh chỉ còn cách gác lại những khúc mắc, hàn gắn quan hệ với Tokyo mới có thể hy vọng lấy lại những “điểm” đã mất trên trường khu vực. Điều này cũng có nghĩa rằng là: tìm được tiếng nói “đồng thanh” với Nhật Bản, Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế tại bàn đàm phán về các vấn đề khu vực./.

Ngân Giang

Bình Nhưỡng cảnh báo tấn công nếu Seoul tiếp tục tập trận

Thế giới - Dân trí:
Thứ Sáu, 17/12/2010 - 16:42

(Dân trí) - Triều Tiên hôm nay cho hay sẽ lại tấn công vào Hàn Quốc nếu một cuộc tập trận bắn đạn thật đã được Seoul lên kế hoạch ở một hòn đảo tranh chấp vẫn được tiến hành. Cuộc tấn công đó thậm chí sẽ mạnh hơn cuộc nã pháo hồi tháng trước.


Hàn Quốc dự kiến tập trận bắn đạn thật ở đảo Yeonpyeong, đảo đã bị nã pháo hôm 23/11, từ ngày 18-21/12.

Tuyên bố đăng tải trên hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA được đưa ra khi Hàn Quốc đã sẵn sàng cho cuộc tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeonpyeong, gần biên giới biển tranh chấp giữa hai miền. Đây là cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên trên đảo này kể từ khi xảy ra vụ đấu pháo hôm 23/11.

Hàn Quốc dự kiến sẽ tiến hành cuộc tập trận vào khoảng từ 18-21/12.

“Cuộc tấn công sẽ mạnh mẽ hơn vụ nã pháo hôm 23/11, xét về sức mạnh cũng như quy mô”, KCNA cho hay.

Triều Tiên trước đó cho biết vụ bắn pháo của họ hôm 23/11 là phản ứng trước “những khiêu khích” của Hàn Quốc.

Cảnh báo của Triều Tiên được đưa ra sau khi Seoul cam kết sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn đối với bất kỳ cuộc tấn công thêm nào nữa vào lãnh thổ của họ.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg đang có chuyến công du 3 ngày tới Bắc Kinh.

Đe dọa tấn công mới của Triều Tiên được đưa ra vào thời điểm Thứ trưởng ngoại giao Mỹ James Steinberg đang ở thăm Bắc Kinh và Quốc vụ khanh Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc kêu gọi hai cường quốc lớn nên hợp tác hơn nữa để tháo ngòi căng thẳng trên Bán đảo Triều tiên. Trung Quốc trước đó cho biết Bình Nhưỡng đã cam kết kiềm chế.

Chuyến công du 3 ngày của ông Steinberg tới Bắc Kinh (kết thúc vào ngày hôm nay) là nhằm hối thúc Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn nữa để “kiềm chế” Triều Tiên.

Thống đốc bang New Mexico, nhà ngoại giao Richardson tới Bình Nhưỡng trong nỗ lực giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Đe dọa mới của Triều Tiên cũng được đưa ra khi nhà ngoại giao của Mỹ Bill Richardson tới thăm Bình Nhưỡng trong một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Phan Anh

Theo Reuters