Trung Quốc trấn an Pakistan sau khi ve vãn Ấn Độ

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :3:25 PM, 17/12/2010
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vừa bắt đầu chuyến công du Pakistan nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác năng lượng, quân sự và kinh tế, bất chấp quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ với Ấn Độ.

>> Trung Quốc, Pakistan thắt chặt hợp tác

Dự kiến, ông Ôn Gia Bảo sẽ ký kết cùng giới chức Pakistan nhiều thỏa thuận thương mại trị giá khoảng 10 – 14 tỷ USD. Đồng thời, Bắc Kinh cũng có thể cam kết trợ giúp Islamabad xây dựng một bến cảng quan trọng có tên Gwadar mà Trung Quốc “tạm ứng” 200 triệu USD vào trước đó.

Dự án xây dựng kéo dài 40 năm này từng suýt được trao cho Singapore nhưng sau đó giới chức Pakistan xoay chuyển tình thế bởi “muốn hợp tác với Trung Quốc hơn”.

Bến cảng này có thể giúp Pakistan, quốc gia đang chật vật với phát triển kinh tế, trở thành cửa ngõ thông thương với thế giới bên ngoài của Afghanistan và cả Trung Á. Nó cũng có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc chuyển dầu từ vùng Vịnh về nước dễ dàng hơn.

Ngoài ra, nhân tố Ấn Độ cũng chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của ông Ôn Gia Bảo tại Pakistan lần này.

Trung Quốc trấn an Pakistan. Ảnh minh họa.

Quan hệ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Ấn Độ và Pakistan luôn “căng như dây đàn” bởi có quá nhiều bất đồng. Vì vậy, sự “khăng khít về kinh tế” giữa Bắc Kinh và New Delhi khiến Islamabad “nóng mặt”, đặc biệt sau chuyến thăm ba ngày đến Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm New Delhi ngay sau khi rời Islamabad của ông Ôn Gia Bảo cho thấy, Trung Quốc muốn chứng minh cho Pakistan thấy rằng, Ấn Độ không thể chen ngang mối quan hệ của họ.

“Trong khi Mỹ coi trọng Pakistan hơn Ấn Độ thì quan điểm của Trung Quốc đối với hai quốc gia đều như nhau. Điều đó được thể hiện ngay trong thời gian chuyến thăm. Sau ba ngày ở Ấn Độ, Trung Quốc cũng sẽ dành 72 giờ tại Pakistan.”, Hamayoun Khan, cựu chuyên gia Trung Quốc – Pakistan tại Viện nghiên cứu chiến lược nhận định.

Theo ông Khan, đó là lý do vì sao kết quả thăm dò dư luận Pakistan mới đây của Trung tâm thăm dò Pew cho thấy, 84% người được hỏi chia sẻ, họ yêu mến Trung Quốc, trong khi chỉ có 16% khẳng định, họ có cảm tình với Mỹ.

Giới ngoại giao Pakistan thích gọi Trung Quốc là “đối tác đa phương” bởi nhu cầu chiến lược và kinh tế của đối tác này phù hợp với những gì Pakistan muốn nhận được và cho đi.

Dù là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ nhưng đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan còn lớn hơn gấp 7 lần so với Ấn Độ, bất chấp sự phản đối kịch liệt của phương Tây.

Trung Quốc muốn sử dụng Pakistan như một cánh cửa bước vào thế giới Hồi giáo, một đối trọng với sự trỗi dậy của quân đội Ấn Độ, đồng thời cũng là một trạm chung chuyển quan trọng trên "con đường tơ lụa mới", đưa năng lượng về Trung Quốc.

Đổi lại, Pakistan có thể nhận được nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc trong các dự án xây dựng đường sá và bến cảng.

Trà My (theo Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét