Chuẩn bị xét xử chủ trang web WikiLeaks

CAND Online
08:50:11 13/12/2010

Nếu không có gì thay đổi thì sáng 14/12, Tòa án London, Anh sẽ khai đình xét xử chủ trang web WikiLeaks và nếu bị kết tội ông Julian Assange có thể bị dẫn độ về Thụy Điển và hầu tòa với cáo buộc cưỡng hiếp.

Áp lực ngày càng gia tăng

Anonymous - "người đứng sau chiến dịch mang tên Operation Avenge Assange" (Chiến dịch báo thù cho Assange) vừa tuyên bố, sẽ nhằm vào các website của Chính phủ Anh nếu ông Julian Assange bị dẫn độ sang Thụy Điển. Tin tặc đã làm tê liệt một website công tố ở Hà Lan sau khi nhà chức trách bắt một thiếu niên 16 tuổi bị nghi liên can đến các vụ tấn công mạng ở The Hague. Làn sóng ủng hộ WikiLeaks tiếp tục lan mạnh. Được biết, đã có hàng ngàn người download phần mềm hacker của nhóm WikiLeaks để tấn công những "kẻ thù của ông Julian Assange".

Giới chuyên môn cũng như dư luận cũng rất quan tâm tới việc ra mắt trang web Openleaks với mô hình WikiLeaks. Ngày 12/12, tên miền openleaks.org chính thức ra mắt độc giả. Các thành viên sáng lập cho biết, mục đích của trang openleaks.org cũng tương tự như WikiLeaks, song thông tin sẽ không do một người duy nhất quản lý như ông Julian Assange. Nhiều người nói rằng, WikiLeaks đã thay đổi ngoại giao thế giới sau khi tiết lộ những trang tài liệu mật.

Được biết, ông Julian Assange đã bị chuyển từ khu chính của nhà tù Wandsworth (London) sang khu biệt giam. Nhà chức trách Anh cho biết, quyết định này nhằm bảo vệ an toàn cho người chuẩn bị hầu tòa.

Bà Jennifer Robinson, luật sư của chủ trang web WikiLeaks cho biết, ông Julian Assange bị gây khó dễ khi muốn gọi điện thoại ra ngoài, không được phép có máy tính trong phòng giam, cũng như hạn chế gặp luật sư.

Nhiều người nói rằng, các cuộc biểu tình ủng hộ ông Julian Assange sẽ tiếp tục diễn ra đúng hôm chủ trang web WikiLeaks phải hầu toà (14/12). Cuộc biểu tình mới nhất đã diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Anh tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và một số thành phố khác của nước này như Barcelona, Valencia, Seville (11/12) và những người này đã kêu gọi London thả ông Julian Assange bởi việc bắt giữ mang động cơ chính trị. Ông Julian Assange là người đứng đầu trong bảng danh sách 10 ứng cử viên do Tạp chí Time của Mỹ bình chọn để trở thành "nhân vật của năm".

Ông Julian Assange và cô Anna Ardin.

Ông Julian Assange cũng phải đối mặt với khả năng bị dẫn độ tới Mỹ. Theo bà Jennifer Robinson, Mỹ sẽ sớm truy tố chủ trang web WikiLeaks với tội danh gián điệp. Nhưng người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ lại từ chối bình luận về dự báo của bà Jennifer Robinson. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cho biết, đang điều tra những vụ tấn công nhằm vào các công ty, tổ chức bị coi là kẻ thù của WikiLeaks.

Trong tuyên bố hôm 10/12, Bộ trưởng Eric Holder cũng khẳng định, Washington không gây áp lực buộc các công ty thanh toán trực tuyến ngưng giao dịch với WikiLeaks. Theo thông báo hôm 10/12 của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, họ sẽ tổ chức điều trần vào ngày 16/12 với chủ đề "Luật tình báo, các vấn đề pháp lý và hiến pháp nảy sinh vì WikiLeaks". Nhưng điều đáng nói là trong khi Mỹ muốn truy tố ông Julian Assange thì Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ron Paul lại lên tiếng bảo vệ nhà sáng lập trang web WikiLeaks.

Cho đến nay, quan điểm của nhóm luật sư bảo vệ ông Julian Assange là bất kỳ quyết định khởi tố nào theo Luật gián điệp của Mỹ đều vi hiến và yêu cầu sử dụng Tu chính án lần thứ 1 để bảo vệ tất cả tổ chức truyền thông. Nếu bị xét xử tại Mỹ, ông Julian Assange sẽ phải đối mặt với mức án tử hình.

Những câu hỏi chưa lời giải

Theo những thông tin mới được WikiLeaks tiết lộ thì Washington đã thực sự lo sợ trước việc Moskva bán tên lửa hiện đại cho Venezuela, cũng như có thể lọt vào tay Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, tổ chức bị Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. WikiLeaks vẫn tiếp tục công bố các điện tín ngoại giao mật của Mỹ, nhưng giới chuyên môn đang đặc biệt quan tâm tới thông tin đăng trên Đài Truyền hình Cuba bởi Anna Ardin, một trong hai phụ nữ đã tố cáo ông Julian Assenge tội cưỡng hiếp từng tới Cuba và có quan hệ với các lực lượng chống đối nước này do Mỹ tài trợ.

Tờ Granma của Cuba cũng đưa tin, Anna Ardin là một cộng tác viên của CIA. Trong ngày 11/12, nhiều trang web đã có bài viết về "thân thế và sự nghiệp" của Anna Ardin. Trong đó đáng chú ý nhất là thông tin trên trang web www.indybay.org - cô Anna Ardin có anh làm việc cho cơ quan tình báo Thụy Điển. Và những thông tin này đều khẳng định một điều, ông Julian Assenge đã rơi vào bẫy của CIA và cơ quan tình báo Thụy Điển với con mồi là Anna Ardin. Tuy nhiên CIA đã bác bỏ cáo buộc này. Có tin nói rằng, Anna Ardin đã rời Thụy Điển và có thể không còn hợp tác với các công tố viên, luật sư và việc này sẽ khiến cho vụ kiện trở nên phức tạp hơn nhiều.

Cho tới giờ phút này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng: Tại sao WikiLeaks lại sở hữu nhiều bí mật và ai đã giúp ông Julian Assange trong vấn đề này. Những tin tức và tài liệu được công bố đều thuộc loại phải bảo vệ nghiêm mật, nhưng tại sao chủ trang web WikiLeaks vẫn có trong tay hàng trăm ngàn trang tài liệu quý (chưa kể số sắp công bố). Tuy Tạp chí Time đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính dẫn tới "thảm họa" này, nhưng vẫn không thuyết phục được giới chuyên môn bởi cho dù "nhiều kẻ đưa chuyện" hoặc công nghệ thông tin có hiện đại đến đâu cũng không thể kiểm soát một khối lượng thông tin mật khổng lồ như vậy.

Trong khi chưa đổ tội cho ai, cơ quan chức năng Mỹ đã bắt và chuẩn bị xét xử binh nhất Bradley Manning, người bị coi là đã cung cấp tài liệu mật cho chủ trang web WikiLeaks. Nếu bị kết án, Bradley Manning sẽ phải đối mặt với hơn 50 năm tù. Cách đây 7 tháng (tháng 5/2010), một hacker đã xâm nhập thành công vào kho tư liệu bí mật nội bộ chính phủ Mỹ (SIPRNet và JWICS) và sau khi lấy được 250.000 bức điện của Bộ Ngoại giao đã cho tải trên trang web WikiLeaks

Lê Chí Thiện

10:45:23 12/12/2010

Trong khi cả thế giới đang "sục sôi" trước việc ông chủ WikiLeaks Julian Assange bị bắt giữ tại Anh vì cáo buộc lạm dụng tình dục ở Thụy Điển thì tại Mỹ, số phận của binh nhất tên là Bradley Manning - người bị cáo buộc cung cấp tài liệu mật của quân đội Mỹ cho WikiLeaks lại khá mong manh. Với những gì đang bị cáo buộc, nhiều khả năng, Bradley Manning sẽ bị ngồi tù ít nhất 52 năm.

>> Một số nước phản đối bắt giữ ông chủ WikiLeaks

Cho đến nay, dù chưa có một tuyên bố cụ thể nào về nguồn cung cấp thông tin mật của quân đội và Bộ Ngoại giao Mỹ cho WikiLeaks, nhưng phần lớn giới chức Mỹ đều cho rằng, việc rò rỉ hàng chục ngàn trang tài liệu mật trong quân đội cùng hơn 250.000 điện tín ngoại giao xuất phát từ một binh nhất thuộc lực lượng quân đội Mỹ tên là Bradley Manning.

Năm nay 23 tuổi, Bradley Manning là người Oklahoma, đồn trú ở một đơn vị Mỹ tại phía Đông Thủ đô Baghdad ở Iraq. Anh này đã bị bắt từ ngày 20/5 sau khi bị một cựu tin tặc tên là Adriano Lamo tố giác bằng cách gửi các đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện online giữa binh sĩ này và anh ta cho FBI và CIA.

Bradley Manning và ông chủ WikiLeaks.

Tin từ trang web Wired.com cho biết, hôm 5/7, tức cách đây hơn 5 tháng, Bradley Manning đã bị buộc tội "chuyển thông tin mật cho một hệ thống máy tính mật" và "chuyển thông tin quốc phòng cho một nguồn không đáng tin cậy".

Hiện Bradley Manning đang bị giam giữ tại một căn cứ quân sự ở Quantico, bang Virginia của Mỹ để chờ ngày xét xử trước tòa án binh. Nhiều khả năng, Bradley Manning sẽ phải ngồi tù tới 52 năm. Vậy chàng thanh niên này đã làm gì và bị cáo buộc vi phạm pháp luật thế nào mà có nguy cơ bị xét xử nghiêm trọng như vậy?

Hãng CNN cho biết, ngay sau khi hơn 90.000 trang tài liệu mật về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq được đăng tải trên mạng WikiLeaks, các chuyên gia phân tích và công nghệ thông tin của Lầu năm góc đã lập một nhóm alpha để tìm ra nguồn cung cấp tin cho WikiLeaks. Mọi hướng điều tra đều nhằm về các binh sĩ làm việc về lĩnh vực công nghệ thông tin trong quân đội và những chuyên gia công nghệ thông tin cùng sinh viên Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Mắt xích đầu tiên bị phá vỡ khi nhóm điều tra phát hiện khả năng về một nhóm sinh viên năm thứ 3 của MIT có quan hệ với một binh nhất tên là Bradley Manning. Ngay lập tức, Bradley Manning được triệu tập để thẩm vấn và mọi hành vi của anh đều bị giám sát. Chưa hết, nhóm alpha còn lật lại hồ sơ của Bradley Manning. Hóa ra, chàng thanh niên này đã nhập ngũ năm 2005 khi mới 18 tuổi và sớm trở thành chuyên viên phân tích tình báo tại Iraq (năm 2007).

Được ưu ái làm việc tại căn cứ chiến đấu Hammer, cách Thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 65km về phía Đông, Bradley Manning thoát khỏi việc phải ra chiến trường đấu súng với tàn quân Taliban và thành viên những nhóm Hồi giáo cực đoan. Bradley Manning tiếp tục được đặc cách truy cập một số tư liệu mật để phục vụ công việc phân tích thông tin. Cụ thể là anh được phép truy cập Hệ thống bảo mật thông tin tình báo SIPRNET mà các quân nhân Mỹ, các nhân viên dân sự và nhà thầu tư nhân sử dụng.

Vào thời điểm đó, Bradley Manning chỉ coi việc xâm nhập vào hệ thống thông tin mật như một thú vui để giết thời gian, chứng tỏ bản thân và khỏi bị lạc lõng trong thế giới của những binh sĩ vạm vỡ, hay bắt nạt những người nhút nhát. Là một binh sĩ trẻ, lại là người đồng tính, Bradley Manning luôn có cảm giác "cô đơn" trong suốt thời gian làm việc ở Iraq. Anh từng tâm sự với một số người bạn trên Internet rằng, môi trường quân đội khá khắc nghiệt và tàn bạo.

Bước ngoặt khiến chàng thanh niên này quyết định tung tài liệu mật ra ngoài xuất phát từ vụ việc quân đội Mỹ cố tình giấu việc binh sĩ đã sát hại nhầm thường dân. Phát hiện ra vụ đầu tiên, Bradley Manning đã "choáng váng" và mất ngủ nhiều đêm. Anh bị ám ảnh bởi tiếng khóc của những đứa trẻ và tiếng la hét của những người phụ nữ.

Vụ thứ hai xảy ra tại Afghanistan khiến Bradley Manning không thể cầm lòng được nữa. Anh bắt đầu tìm kiếm đồng minh bằng cách móc ngoặc với một số binh sĩ khác trong đơn vị có cùng quan điểm. Thế là, trong lúc giả vờ nghe các bài hát của ca sĩ Lady Gaga, Bradley Manning đã sử dụng những chiếc CD trắng để tải tài liệu mật. Anh giấu nó vào một chiếc hộp và tìm cách liên lạc với bạn bè bên ngoài.

Giờ đây, Bradley Manning bắt đầu "sục sạo" trên các trang mạng xã hội và những trang thông tin về công nghệ thông tin. Qua loạt bài báo trên trang web Wire, Bradley Manning bắt đầu chú ý tới cái tên Adriano Lamo. Biết anh này là một cựu tin tặc. Bradley Manning đã từng bước tâm sự về những gì anh đã phát hiện. Tuy nhiên, khi thấy Adriano Lamo tỏ ý không hợp tác và cũng chả quan tâm, Bradley Manning lại tìm những đối tác mới.

Nhiều người biểu tình đòi thả Bradley Manning.

Cuối cùng, ý nguyện của anh đã thành khi một nhóm hacker nhận kết bạn và giúp Bradley Manning bẻ những mã khóa khó nhất. Họ trao đổi thông tin hằng ngày qua nhiều kênh khác nhau để tránh bị theo dõi. Khi đoạn video quay cảnh trực thăng Mỹ bắn vào một khu vực ở Baghdad năm 2007 làm thường dân tử vong mà anh cung cấp được tải lên trang WikiLeaks hồi tháng 4 dưới nhan đề "Án mạng tập thể", Bradley Manning đã tự an ủi mình vì thấy nó đã gây ra một scandal không nhỏ. Vậy là anh tiếp tục tung thêm đoạn video quay cảnh không kích của Mỹ năm 2009 ở Afghanistan, một tài liệu mật của quân đội Mỹ đánh giá WikiLeaks như một tổ chức đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Nhưng điều không ngờ nhất là Adriano Lamo vì quá lo lắng cho bản thân, đã gửi thư cảnh báo tới giới chức Mỹ. Và sau hai sự kiện này, Bradley Manning bị bắt. Song trước đó, chàng thanh niên này đã nhanh trí gửi số tài liệu mà mình tải được cho bạn bè qua Internet. Vì thế, Mỹ đã không thể ngăn chặn những gì xảy ra tiếp theo.

Về hành động của Bradley Manning, rất nhiều người ủng hộ với quan điểm cho rằng anh đã giúp thế giới biết rõ sự thật về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, một số người khác và cả giới chức Mỹ lại cho rằng đây là hành động phản quốc. Một số lại bảo do Bradley Manning không gắn bó nhiều với nước Mỹ nên anh ta mới "dũng cảm" làm xấu đi hình ảnh của quê hương mình.

Nguồn tin từ hãng BBC cho hay, chàng binh nhất này sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở bang Oklahoma nhưng do bố mẹ ly dị nên từ nhỏ, Bradley Manning đã sống ở xứ Wales (Anh) cùng với mẹ. Chỉ sau khi học xong trung học tại thị trấn Haverfordwest, Pembrokeshire (Anh), anh mới trở về Mỹ sống cùng cha. Bạn bè của Bradley Manning nói rằng, từ khi còn đi học, anh đã là chuyên gia máy tính, luôn mò mẫm trên Internet, tìm hiểu những kỹ thuật mới trong việc lấy tin và thích trở thành một hacker.

Cho đến nay, cả Bradley Manning và WikiLeaks vẫn bác bỏ cáo buộc có liên hệ với nhau. Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn cho rằng, chính Bradley Manning đã cung cấp 90.000 trang tài liệu mật cho WikiLeaks. Còn trang web này thì tuyên bố chi 20.000 USD tới quỹ ủng hộ Bradley Manning nhằm giúp anh này trong quá trình tố tụng và xét xử

Phan Hiển

cand.com.vn
10:28:00 11/12/2010
Tại Thụy Sĩ, Đức, Pakistan và một số quốc gia khác, một số cuộc biểu tình trên đường phố phản đối việc bắt giữ ông Julian Assange đã được tiến hành.

Đúng như những gì giới phân tích đã khuyến cáo, vụ bắt giữ ông chủ trang web WikiLeaks Julian Assange tại Anh vì cáo buộc lạm dụng tình dục ở Thụy Điển đã tạo nên một "cuộc chiến mạng" trên phạm vi toàn thế giới. Chưa hết, những gì xảy ra trong 3 ngày qua cho thấy, cuộc đấu tranh đòi dẫn độ ông Julian Assange của cả Thụy Điển và Mỹ đang trở nên khó khăn hơn khi vấp phải sự phản đối dữ dội từ dư luận quốc tế, cộng đồng internet và cả các nhà lãnh đạo thế giới.

Cho đến chiều 10/12, ngày càng nhiều trang web của các công ty bị coi là "mắc lỗi" với WikiLeaks bị tấn công. Cuộc chiến này càng trở nên gay go hơn khi giới chức nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) cũng lên tiếng phản đối việc cắt nguồn cung cấp tài chính cho quỹ hoạt động của WikiLeaks. Hãng AP dẫn lời bà Navi Pillay, quan chức cao cấp của LHQ về vấn đề nhân quyền, cảnh báo rằng, những hành động chặn nguồn quỹ và hoạt động trực tuyến của WikiLeaks là "vi phạm quyền tự do ngôn luận của WikiLeaks".

Trả lời phỏng vấn tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Navi Pillay nói: "Đây thực sự là một cuộc chiến không gian ảo mà truyền thông nhắc đến. Những gì đang diễn ra thật đáng kinh ngạc".

Đồng quan điểm này, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng đưa ra câu hỏi về việc rò rỉ văn thư ngoại giao của Mỹ và cho rằng, việc ông Julian Assange bị bắt và hầu tòa cho thấy phương Tây có những rắc rối về dân chủ. Phát biểu tại một cuộc hội thảo, Thủ tướng Nga nói: "Tại sao ông Assange phải ngồi tù? Đó có phải là dân chủ không?".

Một cuộc biểu tình phản đối việc bắt giữ ông Julian Assange trên đường phố Pakistan. Ảnh: AP

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói rằng, ông rất ngạc nhiên khi thấy ít có phản đối vụ bắt giữ ông Julian Assange từ các nhà lãnh đạo thế giới. Ông Lula da Silva nói: "Người của WikiLeaks bị bắt và tôi không thấy bất kỳ cuộc biểu tình nào để đòi tự do ngôn luận. Chẳng có gì cả, chẳng có sự đòi hỏi quyền tự do ngôn luận và chống đối việc giam ông Assange, người làm việc còn tốt hơn vô số các vị đại sứ".

Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, Đức, Pakistan và một số quốc gia khác, một số cuộc biểu tình trên đường phố phản đối việc bắt giữ ông Julian Assange đã được tiến hành.

Sáng 10/12, hơn 500 người Australia đã tuần hành trên đường phố Sydney trong khi một nhóm người khác diễu hành ở thành phố Multan của Pakistan. Một số người Pakistan quá khích còn đốt cờ của Mỹ, Anh để thể hiện sự phản đối của mình.

Đến chiều tối 10/12, các cuộc biểu tình tiếp tục "nổ ra" ở Brisbane (Australia) và London (Anh). Những người ủng hộ WikiLeaks tại Thụy Sĩ và Đức thậm chí còn đe dọa sẽ đệ đơn kiện những công ty tài chính của Mỹ là MasterCard và Visa vì họ không thực hiện thanh toán cho trang web này, khiến các hoạt động quyên tiền ủng hộ WikiLeaks bị đóng băng.

Quỹ Wau Holland có trụ sở tại Đức lên tiếng phản đối quyết định của hãng PayPal cắt nguồn thanh toán qua internet của WikiLeaks và nói rằng, 10.000 euro ủng hộ của quỹ này cho WikiLeaks cũng đã bị đóng băng. Các luật sư của quỹ Wau Holland đang yêu cầu PayPal khôi phục lại tài khoản thanh toán cho WikiLeaks nếu không sẽ phải bồi thường gấp đôi số tiền này.

Còn hãng DataCell, nơi từng cung cấp dịch vụ thanh toán cho WikiLeaks cũng cho biết sẵn sàng kiện hãng Visa và MasterCard về những hoạt động chống lại WikiLeaks…

Một nhóm tin tặc mang tên Anonymous (những kẻ vô danh) cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các đòn trả đũa những công ty không ủng hộ WikiLeaks. Nhóm này dùng một phần mềm chỉnh sửa để cho phép những người ủng hộ WikiLeaks có thể tham gia tấn công, dù họ chẳng biết gì về kỹ thuật của tin tặc. Họ chỉ cần tải một tập tin, sau đó tập tin này sẽ được điều khiển từ xa để gửi hàng nghìn yêu cầu truy cập giả đến các trang web muốn tấn công để những website này bị tê liệt. Số lượng máy tính tham gia vào vụ việc bắt đầu từ 400 hôm 8/12, nay đã lên đến 3.000 và có khả năng còn tăng nữa.

Trong bối cảnh cả thế giới "sục sôi" vì WikiLeaks và ông Julian Assange, hãng Reuters lại đưa ra một thông tin cũng gây nhiều tranh cãi. Đó là việc một nhóm cựu đồng nghiệp của ông Julian Assange tại WikiLeaks, những người đã rời bỏ trang web này đang tiến hành một chiến dịch mới chống lại ông chủ cũ.

Dự kiến, vào ngày 13/12 tới, những người này sẽ cho trang web với slogan "Những chiến binh WikiLeaks mới chống lại Assange". Ngay lập tức, "khẩu chiến" đã nổ ra và những người ủng hộ WikiLeaks đã cáo buộc đây chỉ là ngón đòn mới của các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến chống lại WikiLeaks.

* Chiều 10/12, tờ Huffingtonpost dẫn nguồn từ tờ Cricket của Australia cho biết, cô Anna Ardin (ảnh), một trong 2 người phụ nữ cáo buộc ông chủ WikiLeaks Julian Assange lạm dụng tình dục, có thể từ bỏ cáo buộc của mình. Hiện mọi liên lạc với cô Anna Ardin đều bị cắt đứt.

Có nguồn tin cho rằng cô đã bí mật rời khỏi Thụy Điển và từ chối hợp tác với các công tố viên Thụy Điển. Tờ Cricket đã cử phóng viên tới nhà của cô ở Thụy Điển, nhưng điện thoại, fax, email và thậm chí liên lạc qua trang mạng xã hội Twitter vẫn không thành.

Theo tin mà Cricket nắm được, cô Anna Ardin có tên thật là Bernardin, từng sống ở Bờ Tây và là thành viên một nhóm từ thiện đạo Cơ đốc với mục tiêu mang lại sự hòa giải cho người Palestine và người Israel.

Tờ Business Insider đưa tin rằng, Anna Ardin thường vào địa chỉ ở Twitter để liên lạc với bạn bè. Một người bạn của Anna Ardin tại Đại học Uppsala, nơi cô từng làm việc, cho hay, Anna Ardin đã ngừng hợp tác với các công tố viên vài tuần trước.

* Hôm 9/12, cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ một thiếu niên mới 16 tuổi với cáo buộc tấn công trang web của Visa và MasterCard. Thiếu niên này cũng đã thừa nhận thực hiện các vụ tấn công kể trên. Nhiều dữ liệu và một chiếc máy tính đã bị thu giữ trong vụ này.

Theo giới chức Hà Lan, đây chỉ là một trong nhóm hacker đông đúc đã thực hiện các vụ tấn công trả đũa cho ông chủ WikiLeaks Julian Assange. Mục tiêu của họ là những công ty, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp dịch vụ hoặc đã làm khó cho hoạt động của WikiLeaks. Hiện các nhà điều tra Mỹ cũng đang tiến hành điều tra các vụ tấn công vào hoạt động của những công ty Mỹ ngừng làm ăn với WikiLeaks.

Trong khi đó, tin từ Bộ Tư pháp Thụy Điển cho hay, trang web của bộ này và của Chính phủ Thụy Điển đã bị tấn công. Mãi đến chiều 9/12, cả hai trang web này mới hoạt động bình thường trở lại.

PV

Huyền Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét