Tin Tức Online - Xã hội - Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: Nới rộng khoảng cách giàu nghèo - In

Tin Tức Online - Xã hội:
30/11/2010 07:02 (GMT +7)

Tham nhũng trong quản lý đất đai không chỉ khiến cho Nhà nước bị thất thu ngân sách lớn mà còn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, khi người nghèo càng nghèo hơn vì bị mất đất.

Bên lề phiên đối thoại về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, được tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc cơ quan đầu mối của Tổ chức Hướng tới minh bạch quốc tế (TI) tại Việt Nam đánh giá như trên khi trò chuyện với chúng tôi. Bà Viễn cho biết, Chính phủ Việt Nam vẫn đang phải đối đầu với nhiều thách thức liên quan, đặc biệt trong việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tổng thể tình trạng tham nhũng.
- Nên nhìn nhận thực trạng tham nhũng trong quản lý đất đai tại Việt Nam như thế nào, thưa bà?

- Nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế, của các cơ quan chức năng và chuyên gia trong nước đều thừa nhận: tham nhũng nói chung và trong quản lý đất đai nói riêng tại Việt Nam đang là vấn đề nổi cộm, gây nhức nhối cho toàn xã hội. Tệ nạn tham nhũng xuất hiện trong rất nhiều nội dung quản lý của nhà nước về đất đai: từ việc quản lý quy hoạch sử dụng đất, giao đất, thu hồi đất, đăng ký quyền sử dụng, lập và quản lý hồ sơ địa chính tới việc giải quyết khiếu kiện tranh chấp về đất đai… Một thực trạng đang diễn ra phổ biến tại nhiều nơi là người dân thì mất đất mà giá trị đất ấy lại chưa được thu hồi về ngân sách nhà nước. Hệ quả là nhà nước bị thất thu một lượng ngân sách lớn, trong khi người nghèo sống lệ thuộc vào đất đai bấy lâu lại càng trở nên nghèo hơn.

Việt Nam đang hoàn thiện Luật Tố cáo, trong đó đã dành ra một chương quy định về bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, việc thực thi trong thực tế như thế nào vấn là điều đáng bàn", Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn

Sắp tới Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nhận được nguồn tiền rất lớn tạo ra cơ chế khuyến khích bảo tồn rừng quốc gia nhằm xoá bỏ nguy cơ phá rừng và suy thoái rừng. TI đánh giá nguồn tiền này có thể tạo ra rủi ro về nguy cơ tham nhũng rất cao, tạo thêm áp lực bên cạnh những vấn đề nổi cộm tham nhũng về đất đai bấy lâu mà Việt Nam chưa giải quyết xong.

- Đâu là những nguyên nhân chính khiến câu chuyện tham nhũng đất đai tại Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng?

Tham nhũng xuất phát trước hết từ việc thực thi và thừa hành quyền lực nhà nước của đội ngũ cán bộ, ngành chức năng. Tiếp theo là hệ thống chính sách pháp luật rất nhiều nhưng vẫn còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở. Một nguyên nhân gián tiếp nhưng cũng không kém phần quan trọng là Việt Nam còn thiếu cơ chế bảo vệ người “thổi còi” và lôi kéo cộng đồng tham gia vào đấu tranh phòng chống tham. Hiện Việt Nam đang hoàn thiện Luật Tố cáo, trong đó đã dành ra một chương quy định về bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, việc thực thi trong thực tế như thế nào vấn là điều đáng bàn.

- Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề công khai minh bạch thông tin cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng. Bà nghĩ sao?

Đúng vậy. Việt Nam hiện có rất nhiều quy định về công khai minh bạch thông tin nhưng chưa được thực thi một cách nghiêm túc. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra đạo luật về quyền tiếp cận thông tin để có chế tài xử lý vi phạm, mặt khác cũng tạo cơ sở bảo đảm quyền tiếp cận thông tin từ phía các cơ quan chức năng của người dân.

- Sắp tới TI có hoạt động gì hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng nói chung và tham nhũng trong đất đai nói riêng?

Để hiểu và đánh giá về tình trạng tham nhũng không phải là vấn đề đơn giản. Kể từ khi ra đời, TI đã liên tục xây dựng những bộ công cụ, chỉ số đánh giá tình trạng tham nhũng. CPI là bộ chỉ số quan trọng đưa ra những cảm nhận về hiện trạng tham nhũng trong lĩnh vực công của doanh nghiệp và chuyên gia tại các nước được đánh giá. Sắp tới TI cũng sẽ chia sẻ một công cụ nữa là “phong vũ biểu” tham nhũng toàn cầu (GCB), thể hiện quan điểm và trải nghiệm của người dân về tham nhũng tại hơn 80 quốc gia vùng và lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hơn 1.000 người dân tại 4 thành phố lớn của Việt Nam được phỏng vấn để chia sẻ và cảm nhận về tình trạng tham nhũng, những nỗ lực của chính phủ trong việc phòng chống tham nhũng. Chúng tôi hi vọng đây là công cụ hữu ích bên cạnh chỉ số CPI, sẽ giúp Chính phủ và cộng đồng các nhà tài trợ tại Việt Nam sử dụng như một phương pháp trong công tác đánh giá tổng thể tình trạng tham nhũng, vốn đang được cho là khó khăn hiện nay.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Tuyết Trịnh
Đất Việt


- Sent using Google Toolbar"

1 nhận xét: