Tỷ lệ nghèo đa chiều ở TPHCM cao hơn Hà Nội

Xã hội - Dân trí:
Thứ Năm, 16/12/2010 - 11:37

(Dân trí) - Báo cáo kết quả khảo sát nghèo đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2009 (UPS-09) được công bố chiều ngày 15/12/2010 tại Hà Nội, đã đưa ra một phương pháp đánh giá mới và toàn diện về tình trạng nghèo tại khu vực đô thị.

Xét các khía cạnh xã hội đa chiều, TPHCM có tỷ lệ nghèo cao hơn Hà Nội (Ảnh: Vietbao.vn)
Báo cáo được thực hiện trong tháng 10-11/2009 thuộc dự án “Hỗ trợ đánh giá sâu về tình trạng nghèo đô thị ở Hà Nội và TPHCM” do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tài trợ.

UPS-09 dựa trên kết quả điều tra đa chiều về đặc điểm dân số đô thị, tiếp cận giáo dục, sử dụng dịch vụ y tế, thực trạng việc làm, thu nhập và chi tiêu, nhà ở, sử dụng tài sản lâu bền của hộ gia đình…

Nếu xét trên khía cạnh kinh tế (thu nhập), Hà Nội có tỷ lệ nghèo cao hơn TPHCM (4,6% so với 2,1%). Theo số liệu của UPS-09, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội là 2,321 triệu đồng, so với 2,445 triệu đồng ở TP HCM.

Tuy nhiên, nếu xét trên các khía cạnh xã hội đa chiều, Hà Nội lại có tỷ lệ nghèo thấp hơn TPHCM.

Kết quả điều tra của UPS-09 cho thấy, tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS ở Hà Nội là 90,2%, ở TPHCM là 74,1%. Tỷ lệ biết chữ của người dân Hà Nội cao hơn người dân TPHCM (98% so với 95,8%).

Trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ dân số Hà Nội có bảo hiểm y tế là 71,8% so với 57,1% của TPHCM. Chi y tế và chăm sóc sức khỏe bình quân 1 người của Hà Nội trong năm 2009 là hơn 1 triệu đồng, TPHCM là gần 900 nghìn đồng. Tỷ lệ lao động của Hà Nội chưa qua đào tạo là hơn 50%, ở TPHCM là hơn 70%.

Về hiện trạng nhà ở, có tới 30,7% số hộ gia đình ở TPHCM có diện tích nhà ở dưới 7m2/nhân khẩu, tỷ lệ này ở Hà Nội là gần 26%. Tại Hà Nội, có hơn 70% dân số được sử dụng nước máy riêng, trong khi đó ở TPHCM là hơn 52%.

Dân di cư chiếm phần lớn tỷ lệ người nghèo


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển phát biểu tại buổi hội thảo
Báo cáo cho biết, tỷ lệ dân di cư ở Hà Nội là hơn 11%, TPHCM là hơn 20%. Thu nhập bình quân 1 người/tháng của dân di cư tại hai thành phố trên là hơn 2 triệu đồng, bằng 84% thu nhập của dân thường trú.

Diện tích nhà ở của dân thường trú là hơn 20m2/người so với hơn 8m2/người dân di cư, đặc biệt 1/3 dân di cư sống trong kiều kiện chật hẹp dưới 4m2/người.

Tỷ lệ lao động di cư chưa qua đào tạo là hơn 76,2%, so với lao động có hộ khẩu là gần 60%.

Có tới hơn 66% dân thường trú có thẻ bảo hiểm y tế, trong khi tỷ lệ này là hơn 43% ở nhóm di cư.

Sự chênh lệch còn được thể hiện rõ trong tiếp cận giáo dục. Tỷ lệ đi học của dân di cư ở các nhóm tuổi đều thấp hơn dân thường trú. Hầu hết trẻ em ở nhóm tuổi 5-9 thường trú đều đến trường (99%), tỷ lệ này khoảng 90% đối với nhóm trẻ di cư.

Đây là báo cáo đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận vấn đề nghèo đa chiều thông qua các khía cạnh xã hội trong đời sống dân cư, trong đó có bộ phận di cư. Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng thu nhập và chi tiêu không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá về thực trạng nghèo mà còn dựa trên các tiêu chí khác như cải thiện hệ thống nhà ở, giáo dục, y tế…

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định: “Những kết quả của báo cáo này sẽ giúp các cơ quan nhà nước, chính quyền hai thành phố có những nhìn nhận sâu sắc hơn, đánh giá chính xác hơn mức độ nghèo đô thị”.

Ông cũng nhấn mạnh, báo cáo cũng sẽ giúp hỗ trợ các nhà chức trách Hà Nội và TPHCM xây dựng các cơ chế riêng để giám sát tình trạng nghèo cũng như đề ra giải pháp dài hạn với các vấn đề đã được xác định.

Bà Setsuko Yamazaki, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, kết quả khảo sát của UPS-09 đã chỉ ra những thách thức của Hà Nội và TPHCM trong phát triển kinh tế xã hội bền vững, trong đó có sự bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội giữa người dân thường trú và di cư.

UNDP sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ hai thành phố theo dõi, giám sát tình trạng nghèo cũng như thực hiện những chính sách liên quan - bà này cho biết.

Nam Hằng


Thu nhập của người giàu và người nghèo chênh tới 6,5 lần

Thứ Năm, 16.12.2010 | 14:39 (GMT + 7)

(LĐO) – Khi các đô thị ngày càng phát triển thì vấn đề nghèo đô thị không chỉ là thiếu hụt về thu nhập mà còn là sự hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, việc làm....

Nếu nhìn nhận theo khía cạnh đó thì dân di cư ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều rơi vào tình trạng nghèo đa chiều. Đây là kết quả đầu tiên vừa được Tổng cục Thống kê công bố về nghèo và tình trạng sống của dân di cư tại hai thành phố nói trên.

Nghèo đô thị có xu hướng tăng. Ảnh Internet
Nghèo đô thị có xu hướng tăng. Ảnh Internet

Tỉ lệ nghèo đô thị có xu hướng tăng

Điều tra nghèo đô thị 2009 (UPS-09) là hoạt động nằm trong dự án “Hỗ trợ đánh giá sâu về nghèo đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”. Dự án được triển khai dưới sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình trạng nghèo ở hai thành phố lớn nhất cả nước.

Dân di cư hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội. Ảnh Internet
Dân di cư hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội. Ảnh Internet

Kết quả điều tra cho thấy, tuy tỷ lệ hộ nghèo trong phạm vi cả nước theo chuẩn nghèo của Chính phủ tiếp tục giảm, nhưng tỷ lệ nghèo tại 2 thành phố này lại có xu hướng tăng. Sự chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người nghèo nhất và giàu nhất gấp trên 6 lần.

Cụ thể, trong năm 2009, thu nhập bình quân một người/tháng của hai thành phố là 2,404 triệu đồng theo giá hiện hành. Thu nhập bình quân của nhóm hộ nghèo nhất là 805 nghìn đồng/người/tháng và nhóm giàu nhất là 5,219 triệu đồng/người/tháng (chênh lệch giàu nghèo là 6,5 lần). Người Hà Nội có thu nhập thấp hơn người TP. Hồ Chí Minh (2,321 triệu/người/tháng so với 2,445 triệu).

Hệ số bất bình đẳng về thu nhập GINI (nhận giá trị từ 0 - hoàn toàn bình đẳng đến 1 – hoàn toàn bất bình đẳng) cao nhất từ trước đến nay là 0,37 cho thấy mức độ chênh lệch thu nhập và phân hóa giàu nghèo ở hai thành phố ngày càng rõ nét.

Tỷ lệ dân nhập cư ngày càng đông làm gia tăng tỷ lệ nghèo ở khu vực đô thị. Trong khi đó, việc làm của họ luôn trong tình trạng bấp bênh, thu nhập thấp. Điều này chính là lý do cản trở họ tiếp cận đến các dịch vụ xã hội và an sinh. Hay nói cách khác, họ đang bị đẩy ra khỏi các dịch vụ này.

UPS-09 cũng cho thấy, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đô thị lớn với các chỉ tiêu kinh tế xã hội ở mức cao. Tuy nhiên, vẫn tồn tại chênh lệch về thu nhập cũng như tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các nhóm dân cư, đặc biệt là nhóm dân di cư không hộ khẩu và dân thường trú có đăng ký hộ khẩu. Dân di cư chiếm tỷ trọng lớn trong dân số và có xu hướng tăng lên.

Gần 60% dân di cư không có BHYT

Lần đầu tiên có dự án tiếp cận vấn đề nghèo đa chiều, nghèo toàn diện tại 2 thành phố lớn bậc nhất cả nước. Không chỉ là chuyện nghèo về thu nhập và chi tiêu mà còn là sự hạn chế về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở….

56,6% dân di cư không có thẻ bảo hiểm y tế, cao gấp 1,7 lần so với dân thường trú. Lý do chính là thiếu tiền hoặc không có hộ khẩu, không biết về bảo hiểm y tế hoặc không biết mua ở đâu và không được hưởng bảo hiểm y tế từ chủ lao động. Đa số người dân ốm đau không đi khám bệnh vì thiếu tiền và chủ quan với bệnh tật.

Vấn đề giáo dục cũng bị hạn chế trong nhóm đối tượng nghèo trên cả hai địa bàn. 3,7% trẻ từ 10-14 tuổi không biết chữ; gần 10% người trong độ tuổi không có bằng cấp. Tỷ lệ học trường công của dân di cư là 64,6%, thấp hơn nhiều so với dân thường trú là 82,4%.

Hơn một nửa số dân di cư phải ở chung nhà, ở trọ hoặc lều tạm trong khi tỷ lệ này là 3,1% ở dân thường trú. Các dịch vụ an sinh xã hội, sinh hoạt tập thể… hầu như không có sự tham gia của nhóm dân di cư.

Bà Setsuko Yamazaki, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Phương pháp tiếp cận đa chiều sẽ bù đắp sự thiếu hụt về số liệu, đồng thời giúp hai thành phố xây dựng hệ thống chính sách, quy hoạch phát triển tốt hơn, đảm bảo sự phát triển bình đẳng và bền vững cho mọi tầng lớp dân cư”.

Nhóm tác giả khảo sát nghèo đô thị cũng đưa ra khuyến nghị cần xây dựng kế hoạch giảm nghèo toàn diện, trọng tâm vào một số lĩnh vực như tăng cường hệ thống an sinh xã hội, các dịch vụ nhà ở, chăm sóc y tế và bảo hiểm y tế, huy động sự tham gia của dân di cư vào hoạt động xã hội….

Chỉ có như vậy, hai thành phố lớn nhất cả nước mới mong “thoát nghèo”.

Thanh Hiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét