Thứ Năm, 16.12.2010 | 08:23 (GMT + 7)
(LĐ) - Những cuộc biểu tình liên tiếp tại Sydney và các thành phố, tiểu bang khác ở Australia đang đẩy làn sóng ủng hộ ông chủ Wikileaks Julian Assange lan rộng và gia tăng sức ép lên chính quyền Canberra, nơi mà bà Thủ tướng Julia Gillard và nội các đang bị mất điểm trong vụ Wikileaks.
Julian Assange - ông chủ của Wikileaks. |
Sau nhiều ngày yên ắng đến độ khiến nhiều người nhạy cảm có thể tin rằng, Julian Assange đã bị không chỉ chính quyền của bà Julia Gillard quay lưng, mà ngay cả người dân trên chính quê hương đã bỏ mặc ông, khi không hề có động tĩnh gì trong làn sóng đấu tranh cho Julian Assange đang nổi lên trên khắp thế giới kể từ khi vụ Wikileaks bùng nổ, với đỉnh điểm là trát truy nã toàn cầu được phát đi.
Nay đã khác, ngay cả những người Australia trước đây tỏ ra thờ ơ với vụ việc hoặc chưa bao giờ nghe đến cái tên Wikileaks đã bắt đầu tìm hiểu xem nó là như thế nào, khi biểu ngữ, băngrôn cùng đoàn người đã xuống phố và các cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người ủng hộ Julian Assange đã xảy ra tại Sydney.
Người Australia đã tỏ ra phẫn nộ sau chỉ trích Julian Assange “thiếu trách nhiệm” khi công bố những thông tin mật của bà Thủ tướng Julia Gillard và thái độ của ông Kevin Rudd - đương kim Ngoại trưởng, cựu Thủ tướng Australia, cho biết sẽ thực hiện việc bảo vệ Julian Assange thông qua quyền “bảo lãnh lãnh sự” như đối với mọi trường hợp khác ở mức độ “bình thường”, nếu ông chủ Wikileaks có yêu cầu trợ giúp.
Nhiều người đã tỏ ra sốc trước thái độ và phản ứng của chính phủ Julia Gillard, và cho rằng, bà Thủ thướng và nội các cần xem lại hành động và có sự thay đổi cho phù hợp nhằm bảo vệ công dân như Julian Assange. Theo kết quả thăm dò dư luận vừa được công bố, 88% người dân không đồng tình với cách hành xử của chính quyền Canberra và 74,7% cho rằng cần thiết chống lại bất cứ nỗ lực nào nếu có, trong trường hợp Julian Assange bị dẫn độ qua Mỹ.
Dư luận và giới truyền thông ở Australia đang tỏ rõ thái độ thất vọng đối với bà Thủ tướng Jualia và chỉ số tín nhiệm dành cho nội các của bà cũng tụt dốc theo qua vụ Wikileaks. Trong khi đó, các đảng phái đối lập tranh thủ chỉ trích chính quyền của bà Julia Gillard và chớp lấy cơ hội giành điểm của cử tri thông qua việc ủng hộ các cuộc xuống đường biểu tình, đấu tranh cho Julian Assange.
“Họ (chính quyền) nói anh ta (Julian Assange) đã phạm luật khi công bố những tài liệu quan trọng bị đánh cắp và họ đang xem xét về hành vi này của anh ấy. Nhưng luật ở đây là cái gì, khi họ dùng nó để che đậy sự thật. Họ sợ hãi Wikileaks, nên Julian Assange đang bị họ cố gắng tống vào nhà tù. Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra và chúng ta kêu gọi sự đấu tranh ở khắp nơi cho anh ấy và cho chính quyền được biết sự thật của chúng ta” - Antony, diễn giả trong cuộc biểu tình nói.
John Pilger - nhà báo tự do, vừa là nhà làm phim độc lập ở Australia - cho hay: “Bảo vệ Julian Assange và Wikileaks là một trong những việc quan trọng nhất của cuộc đời tôi. Hiện có 2 siêu quyền lực trên thế giới, một là sức mạnh quân đội của Washington và một thuộc về sức mạnh công luận và công lý, điều mà Wikileaks thực hiện”.
Trong những ngày tới, nhiều cuộc biểu tình vì Julian Assange dự kiến sẽ tổ chức tại Sydney và nhiều thành phố ở các tiểu bang của Australia tiếp tục diễn ra, nhằm tạo áp lực lên chính quyền Canberra có những động thái tích cực trong vụ Wikileaks.
Phan Thái Công (từ Sydney)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét