10:56 | 13/12/2010
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục - đã nhận xét một cách ngắn gọn về thực trạng đào tạo hệ tại chức là “xô bồ, lỏng lẻo và tùy tiện”.
Buổi học sáng 12-12 của lớp dqk2085 ngành quản trị kinh doanh năm 2 hệ tại chức Trường đại học Sài Gòn. Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ). |
Giáo sư Phạm Minh Hạc khẳng định: Mở rộng các hình thức đào tạo khác nhau nhằm tạo điều kiện cho nhiều người được học, hướng tới xây dựng một xã hội học tập suốt đời là một hướng đi đúng. Nhưng vấn đề đào tạo tại chức hiện nay không ổn do sự lệch lạc trong động cơ của người dạy, người học và của cơ sở đào tạo.
Nhiều trường hiện nay cố gắng phình to quy mô đào tạo tại chức chỉ với mục đích tăng thu nhập. Có những trường đại học trống vắng giảng viên giỏi vì mải mê chạy theo tại chức, trong khi “trận địa” là đào tạo chính quy và trách nhiệm nghiên cứu khoa học.
Tình trạng này không chỉ khiến “tại chức” có vấn đề mà “chính quy” cũng bị ảnh hưởng. Định mức tiết dạy của giảng viên khoảng 300 tiết/năm thì thực tế nhiều giảng viên đã dạy đến 1.000 tiết/năm. Dạy nhiều thế trong khi điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng như giáo trình, tài liệu, thiết bị hỗ trợ dạy học không có, thời gian của người học bị hạn chế thì chất lượng tại chức kém là đương nhiên.
GS Phạm Minh Hạc. Ảnh: Vĩnh Hà (Tuổi Trẻ). |
Quy mô tăng chóng mặt!
Theo Giáo sư, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các cơ sở đào tạo như thế nào với những bất ổn trong đào tạo tại chức? Vì sao tình trạng chất lượng tại chức yếu kém kéo dài nhưng không thể khắc phục, thậm chí còn có dấu hiệu xấu hơn?
Hệ tại chức chủ yếu phục vụ người chạy theo bằng cấp “Mục đích ban đầu của hệ đào tạo tại chức là nâng cao, bổ sung kiến thức cho những người đã có thâm niên làm việc cũng bị biến tướng, “tại chức” hiện nay chủ yếu phục vụ những đối tượng chạy theo bằng cấp, bằng mọi cách để có tấm bằng xin việc, có bằng để hợp thức hóa các quy định về tuyển dụng” - Giáo sư Phạm Minh Hạc |
Tôi nghĩ trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ GD-ĐT. Tôi chỉ nói cụ thể ở việc bung ra về số lượng trong đào tạo tại chức.
Cách đây khoảng tám năm, khi tôi còn ở ban khoa giáo T.Ư (Giáo sư Phạm Minh Hạc là nguyên phó ban khoa giáo T.Ư - PV), chúng tôi đã trực tiếp tổ chức khảo sát và bất ngờ vì có đến 40 vạn sinh viên tại chức trong tổng số 70 - 80 vạn sinh viên.
Với kết quả khảo sát này, chúng tôi đã cảnh báo về quy mô đào tạo tại chức và có một kiến nghị yêu cầu Bộ GD-ĐT phải chấn chỉnh ngay việc giao chỉ tiêu tại chức cho các cơ sở đào tạo. Nhưng thực tế, quy mô tại chức sau tám năm còn tăng chóng mặt.
Theo số liệu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cung cấp tháng 4 - 2010, cả nước có gần một triệu sinh viên hệ tại chức, trong khi tổng số sinh viên nói chung có khoảng hai triệu. Việc quy mô tại chức gần bằng 50% so với quy mô đào tạo chung là việc không thể chấp nhận được.
Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở nhưng đã không cân nhắc, đặc biệt không kiểm soát được việc đảm bảo các điều kiện để bảo toàn chất lượng của các cơ sở này. Sự buông lỏng từ phía cơ quan quản lý nhà nước chính là nguyên nhân làm gia tăng và kéo dài tình trạng đào tạo kém chất lượng của hệ tại chức.
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng, những người đứng đầu các cơ sở đào tạo tại chức trong việc chạy theo mục tiêu “tăng thu nhập” mà bỏ qua chất lượng, gây tác hại lâu dài sau này.
Hiệu trưởng sai phải bị cách chức
Theo Giáo sư, cần có những giải pháp cụ thể nào, trong đó giải pháp nào cần làm ngay, làm quyết liệt để hạn chế việc đào tạo tràn lan, kém chất lượng?
Không thể đơn lẻ thực hiện một vài việc mà mong giải quyết được tình trạng này, trong đó cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cơ quan tuyển dụng lao động đều phải cùng vào cuộc với một loạt giải pháp liên hoàn. Nhưng trong đó vai trò quan trọng nhất, trách nhiệm lớn nhất và khả năng giải quyết đều nằm ngay trong tay của Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý và các trường đại học, là đơn vị thực hiện.
Bộ GD-ĐT phải nghiêm khắc xem xét lại việc giao chỉ tiêu đào tạo, không nên chạy theo số lượng đào tạo không chính quy để đạt được mục tiêu về số sinh viên/vạn dân khi các trường đại học chưa thể đủ lực mở rộng đào tạo chính quy. Việc giao chỉ tiêu đào tạo phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực lực của các cơ sở, không phải cơ sở nào cũng có thể đào tạo tại chức.
Theo quan điểm của tôi, chỉ nên cho phép một số trường đại học được đào tạo tại chức. Và Bộ GD-ĐT cần xem lại quy định về đối tượng người được học tại chức. Tôi cho rằng, nên duy trì quy định trước đây là chỉ cho phép người đã có thâm niên làm việc một vài năm mới được học tại chức.
Bộ GD-ĐT phải có quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc việc xử lý các cơ sở đào tạo làm trái, trong đó người chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo tại các cơ sở là hiệu trưởng. Cụ thể, cơ sở làm sai phải bị cắt chỉ tiêu, cấm đào tạo, hiệu trường làm sai có thể sẽ bị cách chức. Nếu phải nhận trách nhiệm rõ ràng, hiệu trưởng sẽ phải có các biện pháp để kiểm soát việc giảng dạy của giảng viên, việc tổ chức dạy học...
Trước mắt, Bộ GD-ĐT nên xem xét đề nghị các cơ sở đào tạo tách hẳn khâu kiểm tra, đánh giá, độc lập với hoạt động giảng dạy. Có nghĩa thầy dạy cứ dạy, nhưng việc tổ chức thi, ra đề, chấm thi do một bộ phận độc lập. Giải pháp này sẽ khiến học viên không thể ỉ lại vào việc “nâng đỡ” của thầy, muốn có bằng thật phải học thật.
Cách làm của Đà Nẵng chưa hợp lý
Giáo sư có cho rằng việc đổi mới quan điểm tuyển dụng cũng là một giải pháp mạnh có thể làm chuyển biến chất lượng đào tạo tại chức?
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở tư nhân đã thực hiện việc tuyển dụng lao động căn cứ vào năng lực thực tế chứ không chỉ căn cứ vào bằng cấp. Việc xếp lương, thăng chức trong những cơ sở này cũng liên quan đến năng lực làm việc, quá trình cống hiến thực tế của người lao động. Cách tuyển dụng như vậy bắt buộc người lao động muốn trụ được phải học thật sự, không chỉ học ở cơ sở đào tạo mà phải học cả trong quá trình làm việc.
Vấn đề nặng về bằng cấp hiện nay chủ yếu ở khu vực cơ quan hành chính sự nghiệp, do cơ chế tuyển dụng, cơ chế đãi ngộ đều được xem xét trên cơ sở bằng cấp. Việc này đã khiến một bộ phận cán bộ công chức chạy theo bằng cấp, hợp thức hóa bằng cấp để có chỗ làm trong cơ quan nhà nước và thăng tiến. Và cách nhanh hơn, dễ dàng hơn là đăng ký học để lấy tấm bằng tại chức. Nhiều bạn trẻ không đủ khả năng thi đậu vào các cơ sở đào tạo hệ chính quy cũng chọn cách học tại chức để có bằng cộng với quan hệ đi bằng “cửa sau” để xin việc.
Thay đổi quan điểm về tuyển dụng sẽ giúp các cơ sở cần tuyển dụng lao động tuyển được đội ngũ có chất lượng và cũng gián tiếp làm thay đổi động cơ của người học. Người học muốn học thật thì người dạy, cơ sở dạy cũng phải lựa chọn hướng cạnh tranh về chất lượng để thu hút được người học.
Như vậy Giáo sư có ủng hộ quan điểm của lãnh đạo Đà Nẵng trong chủ trương không tuyển dụng người tốt nghiệp tại chức?
- Tôi ủng hộ Đà Nẵng về chủ trương, đánh giá cao ý tưởng của địa phương này muốn sàng lọc để có một đội ngũ cán bộ có chất lượng. Nhưng tôi thấy cách làm của Đà Nẵng chưa hợp lý. Theo Luật giáo dục, bằng chính quy hay không chính quy đều được công nhận. Việc mở rộng các hình thức đào tạo khác nhau cũng có những lợi ích nhất định. Vì vậy việc tuyển dụng theo kiểu “phân biệt bằng cấp” thì không hay.
Có nhiều cách làm hay hơn để đạt được mục đích trên. Ví dụ ngoài yếu tố bằng cấp, cơ quan tuyển dụng cần thực hiện việc thi tuyển, phỏng vấn trực tiếp đối với các ứng viên, không phân biệt người có bằng tại chức hay chính quy.
Sau khi được tuyển, những người được chọn vẫn phải trải qua quá trình thử việc, tập sự và phải chấp nhận cơ chế đào thải bằng các đánh giá thường xuyên hoặc định kỳ về năng lực, hiệu quả làm việc, các cống hiến thực tế...
Theo Thanh Hà - Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ
VOH - Phép vua... lệ làng:
18:25 13/12/2010
Phép vua... lệ làng
(VOH) - Tuần này, Tư hưu trí bình chọn sự kiện UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định không tuyển dụng người được đào tạo hệ tại chức vào làm việc ở các công sở là sự kiện nổi bật trong tuần.
Sinh viên lớp học tại chức. Ảnh: TPO |
Theo anh thì, việc đào tạo hệ tại chức được cấp chính phủ cho phép từ xửa từ xưa rồi, Bộ Nội vụ - Bộ giáo dục đào tạo có thông tư chỉ đạo không phân biệt các loại hình đào tạo. Nhà nước ta thống nhất từ TW đến cơ sở có nghĩa vụ phải thực hiện các văn bản pháp qui, thì việc UBND TP Đà Nẵng - một nhà nước địa phương ra quyết định trái với văn bản nhà nước cấp trên như thế, nói cách nào đó là "phép vua thua lệ làng", là trên bảo dưới không nghe.
Ba thợ hồ hoàn toàn đồng tình với phân tích rất ư là logic của bạn mình, nhưng đó chỉ là phân tích đơn thuần trên lĩnh vực quản lý hành chính. Chứ theo anh - nếu xét trên góc độ đạo đức và giáo dục thì đó là sự vi phạm nghiêm trọng và thô bạo tâm tư tình cảm của giai cấp của nhân dân lao động lắm. Đầu tiên trong chúng ta ai cũng biết hiện tại trong số những người lãnh đạo ở hầu hết các địa phương, tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng tui tin là đông lắm đều có bằng đào tạo tại chức, thậm chí có người có tới 2, 3, 4 bằng tại chức nữa kìa.
Và thực tiễn cũng phải thừa nhận, đào tạo tại chức - nhất là ở cơ sở cán bộ được cử đi học - chất lượng “lom com” hơn đào tạo chính qui. Bởi giới cán bộ đào tạo tại chức ai cũng biết câu “học tại chức thi tại bàn… mà là bàn nhậu mà. Nhưng đó là số ít thôi, UBND TP Đà Nẵng quyết định như thế, chẳng khác nào “mấy cha đó dùng súng lục bắn vào quá khứ thì đại bác bắn vào tương lai mấy cha lúc nào thì chưa biết. Chỉ biết hiện tại, ở đâu cũng phản đối quyết định chơi trội nầy của Đà Nẵng - “Nhơn quả nhãn tiền" mà.
Xét ở góc độ đối tượng được đào tạo tại chức là ai? Ngoài số cán bộ được cử đi học còn lại là đa số con nhà nghèo, là công nhân muốn mở rộng kiến thức thực sự, mà giới này thì lúc học phổ thông, vì điều kiện này điều kiện khác rất nhiều người phải bỏ học nữa chừng - chứ không phải họ là những người học dốt, thi không đậu đại học. Mà “chơi” kiểu cấm cửa như UBND TP Đà Nẵng là chấm dứt tương lai của họ rồi. Loại hình đào tạo tại chức là loại hình đang được cả thế giới thực hiện. Tui chắc chắn 100% là UBND thành phố Đà Nẵng đang chủ quản nhiều đơn vị đào tạo tại chức. Tui xin hỏi nếu không thừa nhận đào tạo tại chức thì tại sao UBND thành phố Đà Nẵng duy trì loại hình này làm gì? Đào tạo xong rồi bỏ thì đào tạo làm chi? Còn nếu nói Đà Nẵng cần cán bộ có năng lực được đào tạo chính qui, để người được đào tạo tại chức cho xã hội dùng, thì xin hỏi, chính quyền Đà Nẵng là chính quyền của ai?
Nghe Tư hưu trí và Ba Thợ hồ “tám” mãi việc không tuyển dụng những người được đào tạo tại chức của Đà Nẵng, Hai Sài Gòn tui thấy lùng bùng lỗ tai. Bởi đào tạo tại chức hay chính qui - tất cả đều phải thi tuyển đầu vào. Vấn đề là mấy “anh” dễ dãi đầu vào thì tất yếu nhận kết quả “dễ dãi” đầu ra thế thôi. Hiện nay không ít nơi xem chuyện đào tạo tại chức là “nồi cơm” để cải thiện đời sống thầy cô giáo trường mình. Tất tần tật là trách nhiệm của các tổ chức đào tạo tại chức hết thôi. Chứ còn ở tầm vĩ mô, chủ trương đào tạo tại chức là tuyệt vời, là nâng cao trình độ cán bộ công chức. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đào tạo lại, kể cả đào tạo lại cho số được đào tạo chính qui đã lạc hậu về kiến thức, mà đã đào tạo lại thì làm sao không tại chức được? Hiện nay rất nhiều cán bộ đang học tại chức, kể cả tại chức bằng 2, bằng 3. Bản thân Hai Sài Gòn cũng tốt nghiệp tại chức. Vấn đề là chúng ta tiếp tục tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình thế nào? Có phù hợp với công việc được giao không? Phải chuyên môn hóa, phải chính qui hóa công việc được giao chứ không phải chính qui hóa bằng đại học.
Hai Sài Gòn
Cập nhật lúc 13/12/2010 07:34:16 AM (GMT+7)
- Mấy năm gần đây, nhiều trường ĐH, chủ yếu là ĐH mới mở đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Phần vì các trường "mọc" như nấm. Phần vì thiếu nguồn thu nên đua nhau mở nhiều loại hình đào tạo khác nhau ngoài chính quy như từ xa, liên thông, tại chức, bằng hai.... để lấy "ngắn" nuôi "dài", lấy nguồn thu từ không chính quy "bù" sang hoạt động đào tạo chính quy.
sv Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tìm việc tại hội chợ lao động. |
Hầu hết, các trường ĐH có thương hiệu và "tuổi đời" càng cao thì việc "hút" sinh viên vào học các loại hình đào tạo khác không mấy khó.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Văn Hồng cho biết, đến nay, nhà trường đã tuyển được 28 khoá đào tạo tại chức. Mối khoá tuyển khoảng 2.400 chỉ tiêu.
"Tuy việc tuyển sinh có năm giảm, nhưng có năm tuyển trên 3.000 chi tiêu. Đây là một nguồn thu đáng kể để bù đắp chi phí cho các hoạt động của nhà trường" - ông Hồng nhìn nhận.
Không nắm rõ mỗi năm nguồn thu từ tại chức cho con số cụ thể là bao nhiêu, ông đặt phép tính: lấy 2.400 chỉ tiêu tuyển nhân với khoảng 3,6 triệu đồng/ năm/ sinh viên tại chức, sẽ cho một nguồn tiền đáng kể.
Theo ông Hồng, các trường ĐH không được đầu tư đầy đủ, hệ chính quy thì đào tạo nhiều nhưng thu không đủ bù chi. Do vậy, nguồn thu từ hệ tại chức có hơn, lại không phải chi các khoản như học bổng, khen thưởng, chế độ chính sách, vùng sâu vùng xa, các hoạt động khác...
Hơn nữa, lớp học tại chức thường được bố trí vào ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật) hoặc học buổi tối. Do vậy, nhiều người cũng cho rằng đây là khoản bổ sung cho các trường.
Việc chi cho giáo viên theo quy định. Một giảng viên tối thiểu phải dạy 260 tiết/năm gồm cả dạy tại chức và chính quy.
Số tiền thanh toán một giờ dạy tại chức cao hơn giờ dạy chính quy một chút (do dạy vào buổi tối hoặc lớp học quá đông). PGS được trả 46.000 đồng/tiết, GS, giảng viên cao cấp được trả 54.000 đồng/tiết, giảng viên cơ hữu được 32.000 đồng/tiết. Nếu một giảng viên có sức khoẻ có thể dạy 14 tiết/ ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể dạy cường độ như thế liên tục vì rất mệt.
Đến nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đào tạo tại chức trên 72 địa điểm liên kết với 271 lớp học từ khóa 36 đến khóa 40. Mới đây, khoa tại chức còn tuyển sinh khóa 41 tại các địa phương khoảng 28 lớp nâng tổng số lớp lên 299 lớp học hệ ĐH tại chức.
Với 21 chuyên ngành, khoa đã chiêu sinh đào tạo trên 23.000 sinh viên. Trong đó, đào tạo chủ yếu ở địa phương với 14.422 sinh viên, tại trường là 6.166 và tại các bộ ngành là 2.586 sinh viên.
Ngoài địa điểm học tại trường và các bộ ngành, địa điểm đào tạo liên kết trường đã rải khắp 37 tỉnh thành cả nước. Trong đó, tỉnh có nhiều địa điểm nhất là Hà Tây cũ với 6 địa điểm, kế đến là Quảng Ninh với 5 địa điểm...
Phó GĐ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập cho biết, hệ tại chức của trường mỗi năm tuyển được không nhiều, khoảng 400-500 chỉ tiêu tính cả cơ sở 2 (TP.HCM).
Sinh viên phải đóng học phí là 2,8 triệu đồng/ năm, ông Lập cho biết. Một năm sinh vi ên h ệ tại chức học 6 tháng.
So với các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương...chỉ tiêu tuyển được ít hơn nhiều nhưng, nguồn thu từ hệ này mỗi năm bổ sung vào ngân sách của Học viện là 1,4 tỷ đồng.
Thấy lợi, "nồi cơm" của các trường ĐH có "tuổi đời" càng cao ngày một nở ra. Thậm chí, nhiều trường ĐH mới mở cũng " đua" mở đa dạng các loại hình đào tạo, trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng còn nhiều chuyện phải bàn.
Người học chỉ cần bằng?
Chuyện học giả lấy bằng thật đã lan truyền nhiều năm nay. Có thể, "cung- cầu" ngày càng phát triển với tốc độ mạnh, đẩy việc quản lý vào thế "không kịp trở tay".
Lãnh đạo quản lý trực tiếp đào tạo tại chức ở các trường cho biết, đối tượng đi học đều là những người đã đi làm. Bởi vậy, thời gian lên lớp của họ sẽ rất hạn chế vì nhiều lý do khách quan.
Trưởng Khoa tại chức Trường ĐH Ngoại thương Phạm Duy Liên cho biết, ở Ngoại thương, chương trình dạy cho tại chức và chính quy là một; thầy dạy tại chức và chính quy là một; nhưng cũng không thể đẩy được chất lượng hệ tại chức.
Với kinh nghiệm dạy và làm quản lý hệ đào tạo tại chức, ông Liên nhìn nhận, ở hệ tại chức, thầy dạy 10 chữ thì may ra vào đầu học viên được 1 chữ. Do không có thời gian tự học nên khả năng tiếp thu kiến thức trên lớp còn hạn chế, vì nhiều người học tuổi cao.
Đối tượng đi học chủ yếu đã có gia đình. Độ tuổi trung bình từ 30 trở lên. Mới đây, trường mới cho đối tượng học sinh phổ thông dự thi tại chức, nhưng tỷ lệ đi học không nhiều.
Còn phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hồng chia sẻ, một số thầy lên lớp tại chức có chút lơ là vì nghĩ "sinh viên không chịu học...".
Thực tế, không ít sinh viên có quan niệm không đúng là mình học tại chức nên không cần đào sâu nghiên cứu. Nhiều trung tâm hợp tác đào tạo không muốn mất học viên nên thường dễ dãi trong đánh giá kết quả học tập.
Trưởng Khoa tại chức Trường ĐH Ngoại thương kiến nghị, Bộ GD-ĐT cần tổ chức một hội thảo đánh giá loại hình đào tạo này, lắng nghe ý kiến từ các nhà tuyển dụng. Từ đó, các trường họp nhau lại để đưa ra hướng tháo gỡ khó khăn.
Thực tế, cũng có trường chạy theo số lượng, nhưng cũng có trường vẫn đảm bảo chất lượng để sinh viên ra trường có được việc làm. Với người học khi bị nhà tuyển dụng phân biệt đối xử thì sẽ thiệt vì là nạn nhân của quan niệm “đánh đồng”.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Văn Hồng: Như các nước khác, nền kinh tế thị trường, đi học là mục đích để có việc làm. Còn ở Việt Nam chủ yếu là do tâm lý sính bằng cấp. Các cơ quan tuyển dụng nên xét lương theo công việc, chứ không theo bằng cấp. Chính cơ quan nhà nước cũng tuyển dụng theo bằng cấp. Có thể do đó mà đối tượng thanh niên trẻ học tại chức ngày một đông. Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị: Từ khi thành lập trường tới nay trường không mở hệ đào tạo tại chức. Lý do đơn giản là không quản lý được. Nếu mở mà không quản lý thì chất lượng đào tạo không đảm bảo nên thương hiệu nhà trường sẽ giảm. |
Với mức thu học phí bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/sinh viên/năm, thì chi phí đào tạo bình quân cho một sinh viên công lập hệ chính quy khoảng 7 triệu đồng/năm. Đối với chỉ tiêu đào tạo không chính quy thì Nhà nước không bố trí ngân sách mà các trường phải tự cân đối từ nguồn thu học phí hệ không chính quy được để lại cho nhà trường. Mức thu học phí không chính quy vừa qua bị khống chế theo các quy định hiện hành của Nhà nước là không vượt quá 350.000 đồng /sinh viên/tháng hay 3,5 triệu đồng/sinh viên/năm, chỉ bằng khoảng ½ mức chi thường xuyên cho một sinh viên chính quy. (Báo cáo giám sát của Quốc hội về giáo dục đại học tháng 4/2010) |
- Kiều Oanh - Hương Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét